Câu trả lời nói chung là các Phúc Âm không viết về tiểu sử, và một cách tổng quát điều đó đúng. Bình thường, ý định chính của người viết tiểu sử là viết về toàn thể cuộc đời của một nhân vật, ghi nhận tất cả những gì có thể biết về nhân vật ấy. Hai cuốn Phúc Âm (Máccô và Gioan) không cho chúng ta biết gì về nguồn gốc, sự sinh hạ, hay thời thơ ấu của Đức Giêsu trước khi Người gặp ông Gioan Tẩy Giả. T. Máccô còn không đề cập gì đến tên cha nuôi của Đức Giêsu (T. Giuse) và T. Gioan không bao giờ nhắc đến tên mẹ của Người (là Maria – phải, thánh nhân có nói về “mẹ của Đức Giêsu” nhưng không cho biết tên; nếu chúng ta chỉ có phúc âm Gioan, chúng ta không biết đến tên Đức Maria). Những thiếu sót đó tiêu biểu cho số tài liệu tiểu sử còn thiếu rất nhiều trong các Phúc Âm mà lẽ ra phải bao gồm nếu các tác giả phúc âm viết về tiểu sử của Đức Giêsu. Tuy nhiên tôi muốn vạch ra rằng, trong khi một cách tổng quát, các Phúc Âm không phải là loại tiểu sử, Phúc Âm theo T. Luca, vì nó có liên hệ đến Công Vụ Tông Đồ, tường thuật một loại lịch sử lỏng lẻo về Kitô Hữu thời tiên khởi, và vì trong đó có câu chuyện về sự thụ thai, sinh hạ, và thời niên thiếu của Đức Giêsu, cuốn này có hình thức gần với loại tiểu sử hơn các Phúc Âm khác. Ngoài ra, trong khi không có Phúc Âm nào đem cho chúng ta một tường thuật đầy đủ hoặc không thiên vị về cuộc đời Đức Giêsu, mọi Phúc Âm đều có một số dữ kiện lịch sử về những hoàn cảnh của cuộc đời, lời nói, và hành động của Đức Giêsu. Do đó, khi nói rằng các Phúc Âm không phải là loại tiểu sử, điều đó không có nghĩa chúng chỉ có giá trị về thần học – đó là những giải thích về một cuộc đời thực sự, những lời nói có thật, và những hành động có thật.
Câu trả lời của tôi tuy hơi dài nhưng phù hợp với lập trường chính thức của Giáo Hội Công Giáo La Mã. Đầu tiên có ba giai đoạn trong sự hình thành truyền thuyết về Đức Giêsu mà đã dẫn đến các Phúc Âm.
Trong GIAI ĐOẠN MỘT, tiến trình này được bắt đầu với cuộc đời công khai của Đức Giêsu: thời kỳ hoạt động trong vùng Galilê và lân cận, là nơi Người giảng dậy và chữa lành. Đức Giêsu thi hành những điều rất nổi tiếng và rao giảng sứ điệp, vì vậy các môn đệ (nhất là những ai cùng đi với Người, trong số đó sau này được gọi là tông đồ) đã nghe và thấy những gì Người nói và thi hành. Cần nhấn mạnh rằng những lời giảng và hành động của Đức Giêsu là của một người Do Thái ở Galilê sống trong giai đoạn một phần ba đầu của thế kỷ I; kiểu cách Người nói, những khó khăn Người đối phó, các từ vựng và quan điểm là của một người Do Thái ở Galilê vào thời gian đặc biệt đó. Nhiều thất bại để hiểu Đức Giêsu và những áp dụng sai lầm các tư tưởng của Người xuất phát từ sự kiện rằng người ta đưa Người ra khỏi thời gian và không gian và tưởng tượng rằng Người đang đương đầu với những vấn đề mà Người chưa bao giờ gặp.
GIAI ĐOẠN HAI trong sự phát triển truyền thuyết về Đức Giêsu mà sau đó hình thành các Phúc Âm bao gồm giai đoạn rao giảng xảy ra sau cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Nếu phải xác định thời gian cho các giai đoạn này, tôi cho là Giai Đoạn Hai thuộc một phần ba thứ hai của thế kỷ I. Những ai đã nghe và thấy Đức Giêsu, nói chung họ chấp nhận Người và được vững tin qua sự phục sinh và tin vào Người dưới nhiều danh hiệu (Mêsia/Kitô, Chúa, Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa, v.v.). Khi nói về Người, họ khai triển những gì họ được nghe và thấy dưới ảnh hưởng của đức tin mà họ đang có, nó soi sáng cho họ thấy những điều quan trọng của các biến cố trong quá khứ. Do đó, việc phúc trình không còn là những dữ kiện đơn giản, không thêu dệt mà Chúa Giêsu đã nói và đã làm. Thay vào đó, các phúc trình được đức tin soi sáng mà người rao giảng muốn chia sẻ.
Điều không thể tránh là những người không được nghe và thấy tận mắt Đức Giêsu cũng góp phần rao giảng mà nó độc lập với những gì họ nhận được từ các người chứng nguyên thuỷ, vì vậy sự rao giảng là một tổng hợp các tường thuật của nhân chứng và không phải nhân chứng. Chúng ta không phỏng đoán điều đó: trong I Cor. 15, Phaolô, sau khi nhắc đến một số thể thức về sự chết, việc chôn cất, sự phục sinh, và sự xuất hiện của Chúa Giêsu (15:3-5), ông nhắc đến ông Kêpha (Phêrô) và Nhóm Mười Hai (các nhân chứng) và còn nhắc đến chính ông (và ông không phải là nhân chứng về tác vụ của Đức Giêsu). Sau đó ông nói với độc giả của ông: “Dù là tôi hay họ, chúng tôi đã rao giảng như thế và anh chị em đã tin như thế.”
Ngoài sự phong phú hoá bởi đức tin và sự gia nhập của những người không phải là nhân chứng thứ nhất, một yếu tố khác nữa là sự cần thiết phải thay đổi lời rao giảng để phù hợp với một thành phần khán giả mới. Nếu Đức Giêsu là một người Do Thái ở Galilê của phần đầu thế kỷ I, Phúc Âm được rao giảng trong các thành phố cho người Do Thái và Dân Ngoại ở thành phố; sau cùng được rao giảng bằng tiếng Hy Lạp, là một ngôn ngữ mà Đức Giêsu không thường dùng ở Galilê (nếu thực sự Người có dùng). Tất cả điều này ảnh hưởng đến việc chuyển dịch các từ theo nghĩa rộng để làm cho sứ điệp dễ hiểu và sống động hơn cho các khán giả mới khi phát triển truyền thuyết Phúc Âm.
GIAI ĐOẠN BA bao gồm những văn bản thực sự của các Phúc Âm như chúng ta biết. Tôi sẽ định thời gian của giai đoạn này là một phần ba sau cùng của thế kỷ I, với phúc âm Máccô khoảng năm 70, Mátthêu và Luca trong khoảng 80-90, và Gioan trong thập niên 90—tất cả những điều này chỉ là sự xấp xỉ, trước hay sau mười năm. Các phần đoạn về truyền thuyết Đức Giêsu có lẽ đã được viết xuống trước khi các tác giả phúc âm hình thành Phúc Âm, nhưng các văn bản tiền-Phúc Âm này không còn được lưu truyền cho chúng ta. Một yếu tố then chốt để hiểu Giai Đoạn Ba là hầu như không một tác giả phúc âm nào là nhân chứng về sứ vụ của Đức Giêsu. Tất cả họ là thành phần mà chúng ta có thể gọi là thế hệ Kitô Hữu thứ hai: họ nghe về Đức Giêsu từ người khác và sắp xếp các truyền thuyết họ nhận được thành một cuốn Phúc Âm. Sự hiểu biết này giúp chúng ta tránh khỏi những sai lầm từng làm bối rối một số người truyền giáo vì nghĩ rằng các tác giả phúc âm viết lại những gì tai nghe mắt thấy. Tỉ như T. Gioan viết rằng Đức Giêsu thanh tẩy Đền Thờ vào lúc khởi đầu sứ vụ rao giảng trong chương 2, trong khi T. Mátthêu lại cho rằng cuối sứ vụ trong chương 21. Chúng ta không nhất thiết phải phán đoán các Phúc Âm theo thứ tự thời gian. Mỗi tác giả phúc âm sắp xếp sự kiện theo sự hiểu biết của mình về Đức Giêsu và muốn trình bầy Đức Giêsu theo một phương cách để đáp ứng với nhu cầu tinh thần của cộng đoàn mà họ muốn nhắn gửi. Vì vậy các tác giả phúc âm xuất hiện như tác giả chính thức về Phúc Âm, họ chia sẻ, khai triển, cắt tỉa truyền thuyết, và như các thần học gia chính thức, họ định hướng truyền thuyết đó theo một mục tiêu nhất định.
Vì vậy để trả lời chung về câu hỏi các Phúc Âm là gì, tôi sẽ diễn tả Phúc Âm như một sự cô đọng từ truyền thuyết về Đức Giêsu, gồm những lời nói, hành động, sự thống khổ, sự chết, và sự phục sinh của Người. Sự cô đọng này được sắp xếp, chọn lọc, và tái định hình bởi một tác giả sống trong một phần ba sau cùng của thế kỷ I để đáp ứng với nhu cầu tinh thần của độc giả Kitô Hữu mà họ đối diện. Đó là lý do tại sao tài liệu của Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng Rôma, mà từ đó tôi vẽ ra ba giai đoạn, có thể định giá các Phúc Âm có tính cách lịch sử nhưng không như một tường thuật chính xác theo trí nhớ hoặc theo nghĩa đen.
Để tôi trả lời bằng một thí dụ cụ thể. Người ta chỉ cần nhìn đến “Sunday Lectionary” (các bài đọc Cựu và Tân Ước trong lễ Chúa Nhật), là một tổng hợp các bài đọc mà giờ đây được nhiều giáo hội Kitô Giáo chấp nhận theo nghĩa rộng. Trong Giáo Hội Công Giáo La Mã, trước khi tổng hợp này được giới thiệu, người ta nghe cùng 52 đoạn trong các Chúa Nhật hàng năm. Các đoạn này được trộn lẫn mà không phân biệt từ Phúc Âm nào, bởi thế, trong một Chúa Nhật người ta có thể nghe một đoạn từ Mátthêu, và Chúa Nhật khác từ Luca, nhưng ít khi nghe Máccô. Theo kinh nghiệm của tôi là một linh mục, người ta có thể giảng một đoạn tỉ như dụ ngôn người gieo giống mà không bao giờ nhấn mạnh rằng nó được trích từ Phúc Âm nào. Đó là vì cả người giảng lẫn khán giả đều có ấn tượng rằng khung cảnh nền tảng Phúc Âm không tạo nên sự khác biệt về ý nghĩa của đoạn này – Đức Giêsu nói bằng dụ ngôn, và các tác giả phúc âm chỉ là người tường thuật.
Tuy nhiên, trong Sách Bài Đọc Chúa Nhật, các bài Phúc Âm của năm đầu (A) trích từ Mátthêu, năm kế là từ Máccô (B), và năm thứ ba (C) là từ Luca. Phúc Âm Gioan được đọc trong những thời gian đặc biệt, như mùa Chay và Phục Sinh. Sự xếp đặt đó giúp chúng ta nhận biết tầm quan trọng của tính cách địa phương của đoạn Phúc Âm trích dẫn, bởi vì khung cảnh của toàn thể Phúc Âm tăng thêm ý nghĩa cho đoạn trích. Thí dụ, câu chuyện bánh hoá nhiều xảy ra trong cả bốn Phúc Âm; nhưng mỗi cuốn có thể có ý nghĩa khác nhau tuỳ theo lý luận của tác giả phúc âm. Có lẽ không phải mọi người rao giảng đều ý thức điều này; tuy nhiên sự xếp đặt của sách bài đọc khuyến khích họ hãy ý thức điều đó.
Đó là một phản ứng tôi thường thấy nơi người Công Giáo và là một phản ứng dễ hiểu bởi vì chúng ta được dậy bảo về những nhận biết ấy đúng như vậy, tối thiểu cho đến khoảng 1960. Trong đầu thập niên 1960 Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hội La Mã đưa ra câu trả lời chính thức cho một số câu hỏi được phát sinh nhờ việc phát triển giám định Kinh Thánh một cách uyên bác, nhất là trong giới Tin Lành. Uỷ ban này cả quyết rằng, về cơ bản, Phúc Âm xuất hiện đầu tiên trong Tân Ước tiêu biểu cho công trình của Mátthêu, một người trong nhóm Mười Hai, và Phúc Âm Thứ Tư là công trình của Gioan, một người trong nhóm Mười Hai.
Tuy nhiên, vào giữa thập niên 1960, vị thư ký của chính uỷ ban này giải thích rằng, giờ đây người Công Giáo có hoàn toàn tự do đối với những sắc lệnh đó, trừ khi họ đụng đến đức tin và luân lý. Điều đó có nghĩa rằng trong khi sự giảng dậy lúc đầu của Công Giáo về căn tính của tác giả phúc âm bị ràng buộc bởi một câu trả lời chính thức của giáo hội, điều đó không còn nữa. Bây giờ người Công Giáo được tự do như bất cứ ai để biểu lộ quan điểm của mình về căn tính của các tác giả ấy. Nhân tiện, có ít nhiều bối rối khi công khai thay đổi một lập trường được củng cố mạnh mẽ, điều đó cho thấy sự nguy hiểm khi viện dẫn thẩm quyền giáo hội để giải quyết những thắc mắc có tính cách khoa học – không phải thắc mắc về học thuyết nhưng về tác giả, ngày tháng, và cách cấu tạo. Đức tin và luân lý là khu vực giới hạn mà trong đó Thần Khí dẫn dắt giáo hội.
Trong giới giám định Kinh Thánh hiện nay, có khoảng 95% cho rằng các tác giả ấy không phải là những người chứng kiến sứ vụ của Đức Giêsu. Sắc lệnh năm 1964 của Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng La Mã đã không đi vào vấn đề căn tính của các tác giả này, tuy Ủy Ban đã diễn tả rất rõ ràng là họ khác với những người rao giảng trong Giai Đoạn Hai, và vì vậy ngầm tạo ra sự phân biệt giữa tác giả và người rao giảng, một số người này từng đồng hành với Đức Giêsu. Tuy nhiên tôi phải cảnh giác quý vị rằng giáo hội từng tiếp tục và sẽ tiếp tục dùng sự định danh cổ xưa là “tông đồ và người thời tông đồ” để mô tả tác giả của các Phúc Âm, không phải để giảng dậy rằng họ là những nhân chứng, nhưng để nhấn mạnh đến sự liên hệ giữa công trình của họ và tính cách tông đồ nhân chứng.
Tôi muốn nói thêm về sự định danh mà quý vị tìm thấy trong Tân Ước, tỉ như “Phúc Âm Theo Mátthêu” là kết quả của sự nghiên cứu vào cuối thế kỷ thứ hai khi muốn nhận biết tác giả của những cuốn mà không có sự định rõ. Không tác giả nào cho biết họ là ai. Trong các Phúc Âm, cuốn Phúc Âm Thứ Tư có sự nhận biết một nhân chứng, “người môn đệ mà Đức Giêsu yêu mến,” (Gioan 21:24), nhưng sau đó Phúc Âm này không bao giờ cho biết người môn đệ mà Đức Giêsu yêu mến là ai. Trong thế kỷ đầu tiên, nếu đặt câu hỏi “Phúc Âm này là của ai?”, có lẽ yếu tố then chốt để biết là những gì được viết ở ngay đầu Phúc Âm mà bây giờ chúng ta thường cho là Phúc Âm Theo Máccô. Tác giả phúc âm đó viết “Khởi đầu Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô.”Chúng ta có thể chắc chắn về những lời mà các tác giả Máccô, Mátthêu, Luca, và Gioan đã viết. Đó là những gì Chúa Thánh Thần linh ứng và những gì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Khi chúng ta tìm cách ngược trở về xa hơn là những gì được viết trong Phúc Âm để tái xây dựng lại khung cảnh ban đầu, đúng là chúng ta đang thể hiện sự hiếu kỳ; nhưng chúng ta phải nhận thức rằng, trong sự quan phòng, Thiên Chúa không cho chúng ta biết những giai đoạn ban đầu đó. Vì vậy, việc tái xây dựng sẽ luôn luôn trở ngại vì những giới hạn của các dụng cụ nghiên cứu.
Để tôi đưa ra hai nhận xét tích cực để bạn đừng thất vọng vì những trở ngại vừa nói. Nhận xét thứ nhất là những thay đổi nhận thấy trong các Phúc Âm về một lời tuyên bố, cho thấy giá trị đa diện của lời giảng dậy. Lời dậy đã được phát triển trong các phương cách khác nhau chính là vì nó vốn chứa đựng khả năng áp dụng vào những hoàn cảnh khác nhau với sắc thái khác nhau. Tôi so sánh những thay đổi trong bốn Phúc Âm với một viên kim cương rất lớn của bảo tàng viện mà ánh sáng chiếu toả từ mọi mặt, người ta có thể thấy ánh sáng của nó từ bất cứ phương diện nào. Những thay đổi mà các tác giả phúc âm duy trì, hoặc ngay cả chính họ cổ vũ, là những sự hiểu biết sâu sắc đối với cùng một lời giảng dậy của Đức Giêsu.
Nhận xét tích cực thứ hai là chúng ta hãy nhớ rằng khi Đức Giêsu nói, không phải là ai ai cũng hiểu và cũng tin như nhau. Điều chúng ta có được trong bốn Phúc Âm là một sứ điệp phát xuất từ đức tin và được thay đổi để thích nghi với người nghe. Điều này có thể giúp giải thích rằng tại sao trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần không linh ứng theo từng chữ những lời nói, hành động của Đức Giêsu nhưng đó là sự tinh lọc từ một truyền thống đang phát triển. Sự lập đi lập lại không nhất thiết đưa đến kết quả đức tin. Nhiệm vụ của tác giả phúc âm bao gồm việc bảo tồn, thích nghi, giải thích, và sắp đặt theo trật tự mới là một phần giúp cho Phúc Âm trở thành “Tin Mừng”.
Thế giới ngày nay hồ nghi về phép lạ. Học giả nổi tiếng người Đức là Rudolf Bultmann phân loại các phép lạ Phúc Âm là không có tính cách lịch sử theo quy tắc triết lý tổng quát rằng người thời nay không tin vào phép lạ. Tôi và nhiều học giả khác không để cho một câu trả lời có tính cách triết lý lại khống chế một vấn đề lịch sử. Theo sự phán đoán của tôi, các phép lạ phải được đối phó theo cùng một phương cách như đối với lời nói của Đức Giêsu. Nếu người ta đi vào hậu trường Phúc Âm người ta sẽ tìm thấy chứng cớ Đức Giêsu là người chữa lành cũng xa xưa như chứng cớ Người đã nói các dụ ngôn. Về mặt lâu đời của truyền thống Kitô Giáo, tôi thấy không có lý do gì để bác bỏ những phép lạ trong sứ vụ của Đức Giêsu. Josephus, một sử gia Do Thái, có viết một đoạn nổi tiếng về Đức Giêsu. Trong thập niên 90, ông viết (Antiquities 18.3.3; #63): “[Đức Giêsu] là một người thi hành những việc lạ lùng, một thầy dậy dân chúng mà họ đón nhận chân lý với sự vui thích.” Đối với tôi, hai yếu tố, người thi hành và thầy dậy, là một phần của truyền thống đáng tin cậy.
Một lần nữa, khi người ta đi ra ngoài các tường thuật Phúc Âm để đến một giai đoạn tiền Phúc Âm, người ta phải cân nhắc chứng cớ. Có phải bạn muốn nói về phép lạ được bảo tồn trong tất cả các Phúc Âm, tỉ như, bánh hoá nhiều, hay bạn muốn nói về một phép lạ chỉ được bảo tồn trong một Phúc Âm mà thôi? Nếu câu trả lời là một Phúc Âm, điều đó không có nghĩa là nó được sáng chế bởi tác giả phúc âm hay truyền thống của ông; nhưng nó cho phép một điều khả dĩ là câu chuyện phép lạ này phát xuất từ một sự hiểu biết sau này về Đức Giêsu. Khi các truyền thống đa dạng có cùng một phép lạ, chứng cớ về phép lạ đó hiển nhiên đã có từ một thời điểm ban đầu.
Để tôi đưa một thí dụ để bạn thấy vấn đề mà chúng ta đang đối diện. Trong Máccô 11:14, Đức Giêsu nguyền rủa cây vả; trong 11:20-21, chúng ta biết rằng vào ngày hôm sau, các môn đệ nhìn thấy cây vả ấy bị khô héo. Trong Mátthêu 21:19 chúng ta được bảo rằng khi Đức Giêsu nguyền rủa cây vả, nó khô héo ngay lập tức. Trong hai tường thuật này, bạn nghĩ tường thuật nào dường như thuộc truyền thống xưa hơn, ít được phát triển hơn? Hầu hết các học giả lập tức chọn tường thuật của Máccô bởi vì sự so sánh hoàn cảnh cho thấy Mátthêu có thói quen làm cho phép lạ có vẻ bi thảm và mãnh liệt. Khi tìm về Luca, người ta thấy rằng Luca không có việc nguyền rủa cây vả, nhưng trong 13:6-9 có một dụ ngôn về cây vả mà trong đó ông chủ muốn chặt nó xuống vì ông tìm quả mà không thấy. Người trồng nho nói với ông là hãy đợi cho một năm để sau khi bón phân và chăm sóc mà nó vẫn không ra trái thì mới chặt đi. Những câu chuyện này có âm vang cùng một biến cố trong đời Đức Giêsu không? Nếu có, câu chuyện nào dường như nguyên bản hơn: nguyền rủa cây vả và nó khô héo liền, hoặc dụ ngôn về cây vả với ý định cắt bỏ nếu nó không sinh trái? Những người không tin phép lạ sẽ ngay lập tức chọn dụ ngôn của Luca như nguyên bản hơn. Người khác nhận thấy khuynh hướng của Luca là làm dịu bớt sự nóng giận của Đức Giêsu, họ có thể nghĩ rằng, tốt hơn hãy biến đổi hành động nóng nẩy của Đức Giêsu thành một dụ ngôn. Đây là điều tôi muốn nói, phải nghiên cứu từng câu chuyện phép lạ để thấy giá trị của chính nó và phán đoán truyền thống mà nó kể lại và khuynh hướng của những truyền thống ấy trước khi người ta phán đoán về tính cách lịch sử của từng phép lạ. Cho rằng một phép lạ của Đức Giêsu thì xác thực, điều đó không đòi hỏi người ta phải chấp nhận tính cách lịch sử theo nghĩa đen của mọi phép lạ trong Phúc Âm.
Nhưng, tôi mạnh mẽ cảnh giác đối với sự tân thời hoá phép lạ theo kiểu tự do, tỉ như, giải thích phép lạ bánh hoá nhiều theo kiểu Đức Giêsu đánh động tâm hồn những người hiện diện đến độ họ mở lòng và đem ra các thực phẩm được giấu kín. Điều đó tuyệt đối vô nghĩa: đó không phải là điều Phúc Âm tường thuật, nhưng đúng hơn là một toan tính tránh né điều được tường thuật. Một thí dụ khác giải thích Đức Giêsu, thay vì đi trên mặt nước, thì đi trên chỗ không sâu lắm. Sự giải thích này là về sự nông cạn, chứ không phải nước.
Câu hỏi sắc bén của bạn nêu lên một vấn đề lớn, nhưng một vấn đề mà tôi không nghĩ chúng ta có thể tránh né hay trả lời cách chính xác. Nhiều lần tôi xác nhận rằng bất cứ ai ngày nay tuyên bố rằng “đức tin của tôi sẽ không bị rúng động nếu người ta tìm thấy xác của Đức Giêsu ở Palestine” thì thật không thích hợp. Chúng ta không được yêu cầu phải tin vào sự phục sinh của Đức Kitô dựa vào thẩm quyền của bất cứ thần học gia nào. Nhưng chúng ta được yêu cầu tin vào sự phục sinh dựa trên thẩm quyền nhân chứng của các tông đồ. Vì thế câu hỏi phải là: Liệu rằng đức tin của ông Phêrô hay Phaolô có bị rúng động khi họ tìm thấy xác của Đức Giêsu ở Palestine không? Tôi xác nhận rằng chứng cớ trong Kinh Thánh nêu rõ sự kiện rằng ông Phêrô và Phaolô đã rao giảng về một Đức Giêsu phục sinh mà thân thể của Người không bị tan rữa trong nấm mộ. Trong Tân Ước không có một chút chứng cớ nào về niềm tin của Kitô Hữu rằng thân thể của Đức Giêsu còn trong nấm mộ và đang rữa nát. Vì thế, tôi nghĩ rằng chứng cớ trong Kinh Thánh rất đồng ý về sự phục sinh thân xác của Đức Giêsu.
Để tôi thêm vài yếu tố có thể làm sáng tỏ lý do tại sao có những chống đối hay tại sao các thần học giả nói về thân xác của Đức Giêsu phục sinh. Về mặt chứng cớ Tân Ước, các câu chuyện về việc tìm thấy ngôi mộ trống được kể trong cả bốn Phúc Âm thì thường được coi là mới viết sau này. Lý do đưa ra bao gồm sự kiện là trong khi ông Phaolô rao giảng về Đức Giêsu phục sinh, ông không bao giờ kể câu chuyện tìm thấy ngôi mộ trống, hoặc nhắc đến ngôi mộ của Đức Giêsu. Cá nhân tôi không thấy sự im lặng đó thì đáng lo sợ, vì ông Phaolô cũng không nhắc đến các chi tiết lịch sử khác về tác vụ của Đức Giêsu. Một yếu tố khác gợi ý cho các học giả nói rằng các câu chuyện này thì mới được viết sau này, đó là các chi tiết về tường thuật phục sinh: một thiên thần hay hai thiên thần, đứng hay ngồi, ngôi mộ đã mở ra, hay mở ra bởi một thiên thần từ trời xuống, thiên thần ấy nói gì. Những thay đổi này trong các Phúc Âm được tôi coi là phản ánh sự phát triển của lời kể về truyền thuyết này. Nhưng bên dưới các thay đổi đó là một truyền thuyết được chứng thực vững vàng bởi cả bốn Phúc Âm rằng ngôi mộ thì trống vào sáng Phục Sinh. Với tôi tính cách xác thực của truyền thuyết này mới là vấn đề, chứ không phải các câu chuyện thay đổi được viết sau này. Chính sự kiện rằng bà Maria Mađalêna được nhớ đến trong các Phúc Âm (và bà là nhân chứng cơ bản cho việc tìm thấy ngôi mộ) hỗ trợ cho giả thuyết rằng đây là một ghi nhớ có tính cách lịch sử của Kitô Hữu. Hơn nữa, như thường được vạch ra, nếu bất cứ người Do Thái nào có thể tìm thấy thân thể của Đức Giêsu trong một ngôi mộ, việc công bố của Kitô Hữu về sự phục sinh sẽ là điều bất khả. Vì vậy, tôi không có lý do để nghĩ rằng sự trống trải của ngôi mộ Đức Giêsu thì không có tính cách lịch sử.
Dĩ nhiên, tôi hiểu rằng ngôi mộ có thể trống vì vài lý do. Các tác giả phúc âm cũng vậy: Trong Gioan 20, đầu tiên bà Maria Mađalêna gợi ý là có ai đó đã lấy xác. Mátthêu 28:13-15 tường thuật là người Do Thái cho rằng các môn đệ của Đức Giêsu đã lấy xác vào ban đêm. Sự trống trải của ngôi mộ không minh chứng cho sự phục sinh; đúng hơn sự phục sinh trở nên tiêu chuẩn giải thích cho ngôi mộ trống. Sự kiện này gợi ý cho tôi rằng sự tuyên bố của Kitô Hữu về sự phục sinh thì ám chỉ việc không thể tìm thấy xác của Đức Giêsu và, vì thế, nó ám chỉ đến khía cạnh vật chất hữu hình của sự phục sinh của Đức Giêsu.
Tôi tránh chữ đó vì vài lý do trong Kinh Thánh. Trong 1 Cor 15:42-50, ông Phaolô thảo luận về sự phục sinh của thân xác. Hãy nhớ rằng ông đã được thấy Đức Giêsu phục sinh; vì thế tôi nghi ngờ rằng sự diễn tả của ông về sự phục sinh của Kitô Hữu đã bị ảnh hưởng bởi cảm nghiệm của ông về sự phục sinh của Đức Giêsu. Ông cho rằng thân xác sống lại sẽ là thần khí, không phải psychikos, nhiều người dịch là “thể chất” (physical). Đó có phải là cách dịch tốt nhất hay không thì còn tranh luận, nhưng không hồ nghi rằng ông Phaolô tin là cái gì được gieo trong huyệt mộ thì được chỗi dậy với các tính chất rất khác biệt. Có một sự biến đổi thân xác quá lớn lao đến độ ông có thể dám chắc rằng “thịt và máu không thể thừa hưởng vương quốc của Thiên Chúa” (1 Cor 15:50). Ông Phaolô nghĩ về thân xác phục sinh, nhưng sự biến đổi theo lời của ông thì dường như là đưa thân xác phục sinh ra khỏi lĩnh vực thể chất vào lĩnh vực tinh thần. Tương tự, trong khi các đoạn Phúc Âm rõ ràng diễn tả sự xuất hiện của Đức Giêsu phục sinh như một sự xuất hiện về thể xác, họ gán cho Người những đặc tính mà không phải đặc tính của thân xác vật chất như chúng ta biết, tỉ như, khả năng đi qua cửa đóng kín, di chuyển từ chỗ này đến chỗ kia thật mau chóng khó tin, và xuất hiện bất thình lình.
Có một tác giả Tân Ước gán các đặc tính thể chất cho thân xác phục sinh, đó là Luca, trong 24:41-42, ông nói Đức Giêsu ăn. Có thể nào Đức Giêsu phục sinh ăn được không? Điểm thú vị là ngay trước các câu này, Luca 24:39 nói về thịt và xương của Đức Giêsu phục sinh, trong khi ông Phaolô khẳng định rằng thân xác phục sinh thì không phải là thịt và máu, nhưng thần khí. Quan điểm nào đúng nếu chúng ta nhìn thấy sự khác biệt quan trọng giữa hai quan điểm này? Ông Phaolô đã nhìn thấy Đức Giêsu phục sinh, không có tuyên bố nào là Luca cũng được thấy. Có phải để nhấn mạnh đến tính hữu hình của Đức Giêsu phục sinh, Luca đã bi kịch hóa thể chất của thân xác? Cũng như nhiều học giả khác, tôi theo chiều hướng hỗ trợ lập trường của ông Phaolô và nghĩ rằng sự tường thuật linh động của Luca thì không có nghĩa gì khác hơn là nhấn mạnh đến một thân thể đích thực. Cho tới nay, tôi thấy các đặc tính của thân xác phục sinh là một vấn đề bỏ ngỏ; và tôi nghĩ điều đó đúng ngay cả trong sự dạy bảo của Giáo Hội Công Giáo. Trong khi tôi xét đoán rằng Giáo Hội dạy bảo không sai lầm về sự phục sinh thân xác, tôi không thấy có chứng cớ là Giáo Hội đã dạy bảo không sai lầm về các đặc tính của thân xác phục sinh của Đức Giêsu và thể chất của thân xác ấy. Do đó tôi đề nghị tránh dùng chữ thể chất và dùng chữ thân xác. Chữ sau này thì gần hơn với vấn đề thực sự.
Chắc chắn tôi không bao giờ cho là như thế. Tôi ít khi khẳng định tuyệt đối về tính cách lịch sử vì khó để minh chứng. Tôi sẽ diễn tả vấn đề này là trong hai chương đầu của Mátthêu và của Luca, một số chi tiết không có tính cách lịch sử.
Cần phải nhớ hai dữ kiện có liên hệ đến sự đánh giá đó. Trước hết, đôi khi người ta cho rằng nếu có ai nghi ngờ tính cách lịch sử của các tường thuật sinh hạ thì người đó chống với giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo. Điều đó không đúng. Không có một tuyên bố chính thức nào của Hội Thánh cho rằng các tường thuật sinh hạ có tính cách lịch sử theo nghĩa đen.
Yếu tố thứ hai liên hệ đến lý do tại sao chúng ta có một truyền thống về những gì Đức Giêsu đã nói và làm. Đó là vì những người từng ở với Đức Giêsu, có thể nói, các môn đệ và nhất là Nhóm Mười Hai, họ ở vào vị thế để tường thuật lại những lời nói và hành động của Người. Nhưng không có ai trong các môn đệ hiện diện trong lúc sinh hạ Đức Giêsu, và vì vậy chúng ta không thể cho rằng có chứng cớ của các tông đồ về sự sinh hạ.
Có thể là như thế, nhưng điều đó không bao giờ được nói trong Tân Ước. Cho tới bây giờ, vì Thánh Giuse không bao giờ xuất hiện trong sứ vụ của Đức Giêsu, chúng ta biết người đã chết vào lúc Đức Giêsu được thanh tẩy bởi ông Gioan. Đức Maria vẫn còn sống trong thời kỳ rao giảng công khai, nhưng người không bao giờ được diễn tả là đã đi theo Đức Giêsu trong những việc chữa lành và rao giảng. Chúng ta không biết Đức Maria có liên hệ gì với các người rao giảng theo truyền thống tông đồ, họ là những người đã bảo tồn truyền thống này. Một số người tưởng tượng rằng Đức Maria đã kể lại câu chuyện sinh hạ; nhưng không có một gợi ý gì trong Tân Ước và ngay cả trong các thế kỷ đầu tiên. Khi nhận xét rằng các câu chuyện sinh hạ chỉ là sự hồi tưởng của Đức Maria, điểm khó khăn thực sự là hai câu chuyện trong Mátthêu và Luca thì quá khác biệt đến độ thật khó để tưởng tượng rằng chúng phát xuất từ cùng một người. Các học giả lãng mạn hơn đôi khi gợi ý rằng Thánh Giuse là nguồn gốc của câu chuyện trong Mátthêu và Đức Maria là nguồn gốc câu chuyện trong Luca; nhưng nếu khôi hài một chút, đó có phải là chứng cớ rằng Đức Maria và Thánh Giuse không bao giờ nói chuyện với nhau, bởi vì họ có những hồi tưởng quá khác biệt về cùng những điều xảy ra?
Trong câu chuyện của Mátthêu, ông Giuse và bà Maria sống ở Bêlem và có một căn nhà ở đó (2:11). Họ ở Bêlem cho tới khi con trẻ gần được hai tuổi (2:16) và sau khi trốn sang Ai Cập, lý do duy nhất mà các đấng ấy không thể trở về là vì sợ người con của vua Hêrốt. Hậu quả là các đấng đến một thành phố gọi là Nagiarét với ẩn ý rõ ràng rằng họ chưa bao giờ ở đây (2:22-23).
Trong Luca, bà Maria và ông Giuse sống ở Nagiarét và đến Bêlem chỉ vì việc kiểm tra dân số (1:26; 2:4). Sau khi sinh hạ hài nhi, trên đường đi họ dừng chân ở Giêrusalem, sau đó vội vã trở về Nagiarét và sống ở đó (2:39). Trong Luca không thấy nhắc đến gia đình sống ở Bêlem trong gần hai năm sau khi sinh hạ, không đề cập đến cuộc thăm viếng của các đạo sĩ đến Giêrusalem và đến Bêlem, không nhắc đến việc giết hại các trẻ thơ ở Bêlem hoặc cuộc đi trốn sang Ai Cập. Thật vậy, trong tường thuật của Luca, sự trở về cách êm thắm từ Bêlem qua Giêrusalem đến Nagiarét thì không có những biến cố khủng khiếp như vậy và phải trốn sang Ai Cập. Trong tường thuật của Mátthêu thì không nhắc đến vụ kiểm tra dân số và toàn thể bầu khí thì khác với Luca.
Điều chúng ta phải nhìn nhận là trong mỗi câu chuyện kể lại các yếu tố theo kiểu cách riêng thì giống nhau về chức năng. Tỉ như, Mátthêu nói về việc truyền tin cho ông Giuse, trong khi Luca nói về sự truyền tin cho bà Maria; và mỗi việc truyền tin này có chức năng nhận biết hài nhi sẽ sinh ra là Đấng Mêsia và là “Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta” hoặc Con Thiên Chúa. Mátthêu nói sau khi sinh hạ, các đạo sĩ đến thờ lậy Người, trong khi Luca nói các mục đồng là những người đến thờ lậy hài nhi; mỗi cảnh tượng có chức năng cho thấy rằng sự khải hiện của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu phải được đáp trả bằng đức tin và sự ngợi khen, trong Mátthêu đó là Dân Ngoại, và trong Luca đó là người Do Thái.
Một số học giả phản ứng với những khác biệt về tường thuật sinh hạ này bằng cách chọn đúng con đường như bạn đề nghị. Nhất là trong các học giả Công Giáo, ai chọn sự tường thuật có tính cách lịch sử thì thích Luca. Đức Maria là chủ đề chính trong Luca, và phỏng đoán người là nguồn gốc của câu chuyện đó. Tôi không nghĩ giải pháp này có thể đơn giản như vậy bởi vì yếu tố lịch sử nêu lên nhiều khó khăn về các biến cố được Luca cũng như Mátthêu diễn tả.
Để tôi đưa ra một số thí du. Cả hai Mátthêu và Luca đều diễn tả các biến cố mà chắc chắn phải có hồ sơ trong phạm vi công cộng. Mátthêu diễn tả về một hiện tượng thiên văn bất thường: một ngôi sao mọc ở phương Đông, dường như đã dẫn dắt các đạo sĩ đến Giêrusalem, sau đó tái xuất hiện và dừng tại nơi Hài Nhi Giêsu sinh hạ ở Bêlem (2:2, 9). Tôi nghiên cứu mọi hồ sơ thiên văn về giai đoạn sinh hạ Đức Giêsu: sao chổi, sự giao hội hành tinh, và sao băng. Hiển nhiên là không có hồ sơ nào về điều được diễn tả trong Mátthêu.
Trong trường hợp kiểm tra dân số của Luca bởi Xêda Augustus trên toàn thế giới khi Quirinô làm tổng trấn xứ Siria (2:1-2), một cuộc kiểm tra được cho rằng được thực hiện khi vua Hêrốt Đại Đế là Vua xứ Giuđê (1:5), chúng ta cũng có khó khăn tương tự. Tôi đã nghiên cứu mọi hồ sơ lịch sử về tổng trấn Quirinô ở Siria và các cuộc kiểm tra của Augustus. Không có một cuộc kiểm tra nào bao gồm toàn thể lãnh thổ dưới quyền Augustus, và một cuộc kiểm tra (xứ Giuđê, không bao gồm Nagiarét!) đã xẩy ra dưới thời Quirinô khoảng mười năm sau cái chết của Hêrốt Đại Đế, và vì vậy, được cho rằng sau khi Đức Giêsu sinh hạ. Như vậy, người ta thấy bối rối khi nghĩ rằng chẳng có tác giả phúc âm nào chính xác về các biến cố công cộng. Có lẽ (sau sự phục sinh) sự sinh hạ của Đức Giêsu có liên đới với một số ký ức không chính xác về một hiện tượng mà nó đã xảy ra trong giai đoạn mười năm trước hay sau khi sự sinh hạ.
Để tôi đưa ra một tiêu chuẩn khác về tính cách lịch sử. Người ta mong đợi rằng điều được kể trong thời thơ ấu sẽ phù hợp với điều được kể trong toàn thể Phúc Âm. Theo Mátthêu chương 2, khi các đạo sĩ đến gặp Hêrốt Đại Đế, và khi vua và các thượng tế, luật sĩ biết được sự sinh hạ của Vua dân Do Thái, toàn thể thành Giêrusalem bối rối về biến cố này. Tuy vậy, khi Đức Giêsu xuất hiện nơi công cộng, dường như không ai biết nhiều về Người hoặc mong đợi gì nơi Người! (Mt 13:54-56). Đặc biệt, con của Hêrốt, là Hêrốt Antipas, chẳng biết gì về Đức Giêsu (Lc 9:7-9). Theo Luca, bà Êligiabét, mẹ của Gioan Tẩy Giả có bà con với Đức Maria, mẹ của Đức Giêsu và như vậy hai trẻ có quan hệ. Tuy nhiên trong sứ vụ công cộng không thấy có ám chỉ gì rằng Gioan Tẩy Giả là bà con của Đức Giêsu; và trong Gioan 1:33, ông Gioan Tẩy Giả còn nói rõ rằng, “Tôi không biết người ấy.”
Đây không phải là tất cả những khó khăn mà nó đã nêu lên những hồ nghi về tính cách lịch sử của tường thuật thời thơ ấu, tỉ như, phả hệ của Đức Giêsu trong Mátthêu thì không phù hợp với phả hệ trong Luca, và không phúc âm nào mà không có những khó khăn chính yếu. Như vậy thật không dễ để phân loại một tường thuật có tính cách lịch sử và tường thuật kia có tính cách biểu tượng.
Xin lỗi tôi phải nói thẳng thừng rằng bạn phải chú ý đến điều tôi nói. Tôi không nói rằng các câu chuyện sinh hạ thì không có tính cách lịch sử. Tôi đưa ra các lý do tại sao các học giả nghĩ rằng một số biến cố được diễn tả trong các câu chuyện đó thì không có tính cách lịch sử. Tôi nghĩ có những chi tiết lịch sử trong các tường thuật sinh hạ, dù rằng cả hai tường thuật của Mátthêu và Luca thì không hoàn toàn có tính cách lịch sử.
Tôi thường nhấn mạnh rằng, ngoài những bất đồng về các vấn đề nào đó, hai tác giả phúc âm cũng đồng ý về những điểm có thể coi là quan trọng nhất. Cả hai đều có sự truyền tin về tương lai vĩ đại của hài nhi trước khi sinh hạ. Điều đó có nghĩa cả hai đồng ý về sự chuẩn bị có tính cách quan phòng của Thiên Chúa và, thật vậy, về sự mặc khải. Cả hai đồng ý rằng hài nhi được thành thai mà không có cha người đời – một sự nhìn nhận kinh ngạc cho vấn đề thụ thai trinh trắng. Cả hai đồng ý rằng hài nhi này thuộc Nhà Đavít qua tính cách kế thừa của ông Giuse, vả cả hai đồng ý rằng sự sinh hạ xảy ra trong thành Bêlem. Cả hai đồng ý rằng sau cùng thánh gia đã định cư tại Nagiarét. Đây là những đồng ý rất quan trọng, và tôi coi đó có thể làm thành tính cách lịch sử của các chi tiết ấy.
Tôi còn thấy rằng một cái nhìn thiển cận về tính cách lịch sử có thể làm người ta không thấy được giá trị lớn lao của chính các câu chuyện. Tường thuật thời thơ ấu của Mátthêu là một “bài giáo lý” rất cẩn thận về sứ điệp căn bản của Sách Thánh Ít-ra-en mà chúng ta gọi là Cựu Ước. Trong phần phả hệ chúng ta có các câu chuyện của các tổ phụ và các vua được gợi nhớ bằng cách nhắc đến tên của họ, vì vậy chúng ta được nhắc nhở rằng Đức Giêsu là người thừa hưởng các đức tính có liên hệ đến Abraham, Isaac, Giacóp, Đavít, Solomon, v.v.. Câu chuyện của Thánh Giuse với giấc mộng và hành trình sang Ai Cập gợi lại tường thuật về ông Giuse trong Cựu Ước; ngay cả vua Hêrốt độc ác giết hại các trẻ thơ cũng gợi lại câu chuyện của Pharaoh ở Ai Cập muốn giết Môsê. Nói tóm lại, điều mà Mátthêu đang thi hành là kể lại câu chuyện của dân Ít-ra-en bởi vì đó là một dẫn nhập căn bản cho Phúc Âm và thật thích hợp để mở đầu cho phần thanh tẩy của Đức Giêsu bởi ông Gioan Tẩy Giả. Tôi thấy một sứ điệp tương tự trong tường thuật thời thơ ấu của Luca, được thực hiện một cách tao nhã nghệ thuật và quân bình hơn về chi tiết. Có một sự tương đương giữa phần loan báo về sự sinh hạ của Gioan và sự truyền tin của Đức Giêsu khi hai bà mẹ gặp nhau. Điều này được theo sau bởi một sự tương đương khác giữa sự sinh hạ và cắt bì của Gioan Tẩy Giả, được chào đón bằng một bài thánh ca, và sự giáng trần, cắt bì, và dâng tiến hài nhi Giêsu, được chào đón bằng một bài thánh ca. Các động lực Cựu Ước trong Luca thì tế nhị hơn trong Mátthêu, chỉ có những ai biết Kinh Thánh thì sẽ nhận thấy rằng hoàn cảnh của ông Dacaria và bà Êligiabét thì rất giống như của ông Abraham và bà Sara (quá lớn tuổi và quá cằn cỗi để có con). Trong Luca 1:18, ông Dacaria nói cùng những lời như ông Abraham nói trong St 15:8. Việc dâng hài nhi Giêsu trong Đền Thờ trước sự hiện diện của cụ Simêon rất giống với việc dâng Samuen trong Đền Thờ trước tư tế Êli già nua, ngay cả bài thánh ca của Đức Maria (Magnificat) rất giống với bài thánh ca của bà Hanna, mẹ của Samuen (). Như thế, bởi một loại xếp chồng lên nhau, cả hai tác giả phúc âm nói với chúng ta về các khung cảnh và nhân vật Cựu Ước là những người chuẩn bị cho Đức Giêsu.
Tôi cũng muốn vạch rõ rằng mỗi một tường thuật thời thơ ấu là một tiên báo về Phúc Âm và sự loan truyền. Trong mỗi tường thuật, sứ điệp căn bản được thiên thần thông báo, đó là Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Trong mỗi tường thuật, sứ điệp này được đón nhận với sự vâng phục, bởi ông Giuse trong Mátthêu và bởi Đức Maria trong Luca. Trong mỗi tường thuật, có những người đến và thờ lậy (các đạo sĩ trong Mátthêu, các mục đồng trong Muca) là một dấu chỉ rằng phúc âm sẽ được đón nhận. Trong mỗi tường thuật còn có sự tẩy chay (bởi Hêrốt, các thượng tế, và luật sĩ trong Mátthêu; và được ám chỉ trong Luca 2:34: “Trẻ này sẽ là cớ cho sự vấp ngã và chỗi dậy của nhiều người trong Ít-ra-en”.) Các tường thuật thời thơ ấu chỉ được xem xét cách thích hợp khi chúng ta nhấn mạnh nội dung, nền tảng Cựu Ước và các đặc tính kitô của Đức Giêsu. Như vậy, phương cách tiếp cận hiện đại tránh được yếu tố thần tiên đưa đến các thắc mắc cũng như hình ảnh hài nhi quá đa cảm.
Với ma quỷ cũng như với thiên thần, người ta phải phân biệt chứng cớ trong tư duy của dân Ít-ra-en trước thời kỳ lưu đầy Babylon (587 – 539 B.C.) và sau thời kỳ này. Thời kỳ tiền lưu đầy, người Do Thái nghĩ rằng Thiên Chúa có một triều đình trên trời, được bao quanh bởi những người được gọi là “con Thiên Chúa”, là những người tương tự như thiên thần, sự nhấn mạnh quan trọng nhất là ở “thiên thần của Đức Chúa”. Đây không thực sự là một hữu thể tách biệt nhưng là một đại diện hữu hình cho sự hiện diện của Thiên Chúa ở trần thế. Như vậy trong sự gặp gỡ giữa ông Môsê và Thiên Chúa trên núi Sinai trong Xuất Hành 3, lần đầu tiên chúng ta biết về thiên thần của Đức Chúa hiện ra với ông trong một bụi gai bốc lửa nhưng ngay sau đó Đức Chúa ở đó và lên tiếng nói. Sau thời kỳ lưu đầy, có sự phát triển trong tư duy Do Thái về thiên thần là những hữu thể thực sự tách biệt và được đặt tên. Trong Cựu Ước là Michael, Raphael, và Gabriel.
Thật thú vị khi thấy sự âm vang của lịch sử này trong hai tường thuật về thời thơ ấu của Đức Giêsu trong Phúc Âm. Trong Mátthêu, đó là khi thiên thần của Đức Chúa hiện ra trong giấc mơ với ông Giuse trong nhiều trường hợp và nói cho ông biết về sứ điệp của Thiên Chúa. Mátthêu dùng ngôn ngữ Cựu Ước cho sự khải hiện của Thiên Chúa, dù rằng vào thời gian này, chúng ta có thể hồ nghi rằng Mátthêu nghĩ về một thiên thần thực sự hơn là chỉ dùng “thiên thần của Đức Chúa” để diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa. Luca, ngược lại, cho chúng ta biết thiên thần Gabriel là sứ giả của Thiên Chúa; và không hồ nghi rằng Luca nghĩ về một thiên thần cá biệt. Vì Gabriel là một thiên thần được thấy trong Sách Daniel để giải thích về thị kiến tận thế, sự hiện diện của thiên thần này trong tường thuật thời thơ ấu của Luca là một dấu chỉ rằng những gì Daniel tiên báo thì giờ đây đang được ứng nghiệm – thời kỳ tận thế đã đến trong sự thụ thai và sinh hạ Đức Giêsu.
Bạn hỏi tôi là thiên thần có thật hay không, và câu trả lời của tôi thì tương tự như câu trả lời cho câu hỏi là ma quỷ có thật hay không. Nói tóm tắt, không cách chi chứng tỏ là không có; Đức Giêsu và các tác giả Tân Ước hiển nhiên nghĩ là có và đó là quan điểm của giáo hội từ đó đến giờ; thường được nghĩ rằng giáo hội từng dậy bảo không sai lầm về sự hiện diện của thiên thần và chức năng bảo vệ của các thiên thần; và trong bậc thang hữu thể, kéo dài từ Thiên Chúa toàn năng xuống đến tạo vật ít quan trọng nhất, các thiên thần có thể tìm thấy một vị trí hợp lý giữa Thiên Chúa và loài người. Do đó tôi thấy có lý do chính đáng để tin rằng có các thiên thần và không có lý do gì để từ chối sự hiện diện của họ.
Thành thật mà nói, rất ít. Tôi không muốn đi vào sự phân tích phức tạp của câu chuyện đó trong Luca, nhưng nếu người ta nghiên cứu kỹ lưỡng, nó hầu như độc lập với tất cả những gì được biết trước đó. Phản ứng của Đức Maria trước câu nói của Đức Giêsu và sự ngạc nhiên của người là điều khó hiểu so với những gì đã được tiết lộ cho Đức Maria trước đây, nhưng nó sẽ thật dễ hiểu nếu câu chuyện của Đức Giêsu khi 12 tuổi là câu chuyện độc lập.
Tuy nhiên, tôi không muốn làm bạn hoang mang với quá nhiều dữ kiện, để tôi chú ý đến chức năng của câu chuyện của Luca. Trong chương đầu của Luca, một thiên thần nói với Đức Maria và độc giả rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Trong chương ba của Luca, trong khi Đức Giêsu chịu thanh tẩy tiếng của Thiên Chúa nói với độc giả rằng Người là Con Thiên Chúa. Trong chương hai, chính trong câu chuyện Đức Giêsu khi 12 tuổi, lần đầu tiên Người nói trong Phúc Âm, chính Đức Giêsu nhận diện Thiên Chúa là Cha của mình: “Mẹ không biết rằng con phải ở trong nhà của Cha con hay sao?” Do đó chức năng của câu chuyện thì có tính cách kitô học: Đức Giêsu trong sứ vụ là người nói và hành động như Con Thiên Chúa thì cũng đã nói và đã hành động như Con Thiên Chúa ngay từ lần đầu tiên người xuất hiện trong khung cảnh.
Tương tự, trong các nguỵ phúc âm về thời niên thiếu của Đức Giêsu, có một hồi tưởng về hành động uy quyền và lời nói phản ảnh sự tự ý thức. Một cách kiên định, ý định thầm kín là cho thấy sự liên tục trong suốt cuộc đời Đức Giêsu. Ngay khi ở trong gia đình, Người đã có cùng một kiến thức và quyền năng mà Người thể hiện trong sứ vụ. Thật vậy, ngay cả sự chống đối Người cũng đã gặp. Có lẽ bạn đã nghe câu chuyện từ Infancy Gospel of Thomas (Phúc âm Tôma về thời thơ ấu) về Đức Giêsu khi là thiếu niên nặn các con chim bằng đất và chúng bay đi. Điều không thường được nhớ đến trong câu chuyện đó là một vài người Do Thái trông thấy và than phiền với T. Giuse là Đức Giêsu đã làm việc với đất sét trong ngày Sabát – cùng loại chống đối Đức Giêsu khi Người rao giảng công khai. Do đó chức năng của một vài câu chuyện thời niên thiếu của Đức Giêsu thỉ có tính cách thần học hơn là lịch sử.