Tôi không chắc điều đó đúng được bao nhiêu, vì càng ngày độc giả càng thành thạo hơn, tối thiểu, trong các quốc gia tân tiến. Tôi tin rằng bởi sự thẩm thấu giáo dục từ tiểu học và trung học, người ta đã nhận biết nhiều phần của Kinh Thánh thì không phải là tường thuật sự kiện lịch sử theo nghĩa đen. Dù nó có xúc phạm đến họ hay không khi được cho biết dưới sự bảo trợ của Giáo Hội, điều đó tùy thuộc cách nói.
Tôi không bao giờ nghĩ nó hữu ích cho ai đó đứng ở tòa giảng hay trong lớp và công bố rằng điều này hay điều nọ trong Kinh Thánh thì chưa bao giờ xảy ra. Một thí dụ tôi ưa thích về hành động tệ hại này và có lẽ thần học tệ hại là ai đó trong nhà thờ tuyên bố rằng, “Không có vị đạo sĩ.” Tôi biết rõ là có những lý do nghiêm trọng để hồ nghi về tính cách lịch sử của vị đạo sĩ (magi) trong tường thuật của Mátthêu về thời thơ ấu của Đức Giêsu. Tuy nhiên, sự quả quyết rằng không có vị đạo sĩ thì vượt ra ngoài những gì kiến thức uyên bác về Kinh Thánh có thể minh chứng. Thật vô cùng khó khăn để dùng chứng cớ hỗ trợ cho một tuyên bố tiêu cực như thế, và vì thế ngay cả trên căn bản thuần túy kiến thức uyên bác, người ta không nên tuyên bố như vậy. Về phương diện sư phạm, tôi không thấy một tuyên bố tiêu cực như thế có thể hữu ích về tinh thần cho giáo đoàn, và đưa ra một tuyên bố trong khung cảnh nhà thờ là nơi được coi có mục đích giúp giáo dân gia tăng kiến thức về Thiên Chúa. Làm thế nào người ta cảm thấy gần Chúa hơn khi biết rằng không có đạo sĩ nào cả? Về thần học, một tuyên bố tiêu cực như thế làm cho người ta không còn để ý đến những gì câu chuyện này muốn truyền đạt.
Theo sự xét đoán của tôi, phương cách để giảng dạy câu chuyện vị đạo sĩ trong khung cảnh tôn giáo là trình bày sự mỹ miều của Cựu Ước về những người khôn ngoan đến từ phương Đông đem đến sự mặc khải của Thiên Chúa về dân Ít-ra-en. (Tôi không đi vào chi tiết, nhưng nó nằm ngay trong câu chuyện của Balam, sách Dân Số). Theo cách này, cử tọa có thể hiểu được thông điệp của Mátthêu rằng những người Dân Ngoại này, nhờ vào kiến thức họ có được, có thể nói là thuật chiêm tinh, đã đến thờ lạy Thiên Chúa, thậm chí họ cần sự hướng dẫn của Sách Thánh Do Thái để biết chính xác Vua Do Thái sinh ra ở đâu. Khi người ta cho cử tọa thấy sự tán rộng câu chuyện thời thơ ấu trong Mátthêu là kể lại các câu chuyện từ Cựu Ước theo cách biểu tượng, người ta có thể truyền đạt cho họ ẩn ý rằng câu chuyện đạo sĩ này không phải là sử ký. Nhưng người ta không đưa ra điểm thiếu lịch sử tính, và người ta không làm quên đi giá trị thần học của câu chuyện này. Và như thế để trả lời câu hỏi của bạn, tôi nghĩ không có sự xúc phạm về việc giảng dạy từng cuốn Kinh Thánh trong thể văn thích hợp của nó, lịch sử là lịch sử, dụ ngôn là dụ ngôn, khi người rao giảng hay thầy dạy nhạy cảm với cả hai mục đích của sách và mục đích thông tin.
Để tôi nêu ra một gợi ý của điều này, dù nó không thể là một gợi ý cho câu hỏi của bạn. Nhiều khi, vì sợ tiếng xấu, một số người nói rằng tốt hơn hãy coi một tường thuật phi lịch sử như sử ký, và như thế không có vấn đề gì. Đó là một quan niệm sai lầm nguy hiểm. Chân lý của Thiên Chúa phải được phục vụ bởi nhận thức tốt nhất của con người, và việc chấp nhận chân lý của Thiên Chúa sẽ trở nên nguy hiểm khi chúng ta dạy người khác một điều mà kiến thức tốt nhất của chúng ta biết là giả dối. Không sớm thì muộn, những ai nghe nhà giảng thuyết luận giải Giôna như thể đó là sử ký, hoặc các chương đầu của sách Sáng Thế như thể là khoa học, họ sẽ nhận ra sự sai lạc của sự trình bày đó và, một hậu quả, là họ có thể từ chối các chân lý linh ứng của Thiên Chúa ở trong các chương đó. Khi giảng dạy về thời thơ ấu của Đức Giêsu, tôi không đi vào mọi phức tạp của lịch sử tính. Nhưng tôi cũng không gợi ý cách rõ ràng hay tiềm ẩn rằng mọi biến cố trong đó là lịch sử và phải tin. Có lẽ chúng ta cần phải thận trọng về việc đánh giá thấp sự hiểu biết của cử tọa. Thách đố cho người dạy hay rao giảng có lẽ là việc đi giây giữa việc xác nhận rằng tất cả điều này đã xảy ra theo nghĩa đen và gợi ý rằng nó chỉ là một câu chuyện. Đó là một câu chuyện mà trong đó chân lý linh ứng của Thiên Chúa được thông đạt cho chúng ta.
Có lẽ cần phải cho các cha xứ thời giờ để họ làm sáng tỏ điều họ khẳng định, nhưng có thể cha xứ của bạn muốn nói đúng như vậy. Khi tôi ở chủng viện, tôi được dạy theo nghĩa đen về sự hiện diện của Adong và Evà. Một phần là vì câu trả lời của Ủy Ban Kinh Thánh Rôma vào hồi đầu thế kỷ nói rõ rằng một số phần của câu chuyện Sáng Thế phải hiểu theo nghĩa đen, kể cả việc xuất hiện của quỷ dưới hình thức một con rắn. Chúng tôi được bảo rằng chúng tôi phải chấp nhận như sự thực là người nữ đầu tiên được hình thành từ người nam đầu tiên và có một sự đồng nhất giống người trong ý nghĩa là mọi người đều là hậu duệ của cặp cha mẹ đầu tiên này. Nếu cha xứ của bạn được huấn luyện trước năm 1955, có lẽ đó là điều người được dạy bảo. Nhưng trong 1955 vị thư ký của Ủy Ban Kinh Thánh Rôma công bố rằng người Công Giáo bây giờ có “hoàn toàn tự do” đối với những câu trả lời trước đây của ủy ban này ngoại trừ những gì chạm đến đức tin và luân lý. Do đó, ngày càng có sự tự do đối với nghĩa đen của tường thuật Sáng Thế.
Tuy nhiên, tình trạng của Adong và Evà càng phức tạp hơn bởi thông điệp Humani Generis được ĐGH Piô XII đưa ra vào năm 1950. Người nhắc đến thuyết đa nguyên luận, có thể nói đó là có nhiều hơn một cặp cha mẹ sinh ra loài người hiện diện trên mặt đất bây giờ, và người nói, “hiển nhiên là không cách chi một quan điểm như thế có thể hài hòa” với những gì được dạy về tội nguyên thủy. Một số người giải thích rằng điều đó có nghĩa đức giáo hoàng kết án thuyết đa nguyên luận, nhưng đó không phải là điều người khẳng định. Nhiều thần học gia nghĩ rằng thuyết nhiều cặp cha mẹ có thể hài hòa với tội nguyên thủy và, thật vậy, ngay cả T. Phaolô diễn tả tội đến trong thế gian qua một người trong thư gửi tín hữu Rôma 5. Tuy vậy, thật kỳ lạ, tình trạng khoa học chuyển biến. Trong khi vào thập niên 1950 hầu hết các khoa học gia ủng hộ thuyết đa nguyên luận, bây giờ những khám phá về di truyền học lại đồng ý rằng con người được phát sinh từ một cặp cha mẹ.
Có lẽ có thể nói như sau. Vấn đề một hay nhiều cặp cha mẹ thì một phần là vấn đề khoa học, và vì thế khi nói về phương diện tôn giáo chúng ta phải thận trọng đừng quá thiên về một lập trường khoa học vì nó không thể minh chứng được. Sự lưu tâm đích thực về tôn giáo trong câu chuyện của Adong và Evà là tất cả đều được Thiên Chúa dựng nên, dù đó là một hay nhiều cặp cha mẹ, trong ý nghĩa là Thiên Chúa đã thổi vào họ một linh hồn sự sống. Hơn nữa, họ được dựng nên cách tốt lành, và không xấu xa, cũng như chúng ta được dựng nên tốt lành và không xấu xa. Tuy nhiên, trong loài người có một xu hướng phạm tội vượt trên những tội cá nhân mà chúng ta có thể phạm; và xu hướng nghiêng về sự xấu ấy là một phần của sự hư hỏng mà loài người đã đưa vào thế giới này, không phải là sự phú bẩm của Thiên Chúa. Như thế chúng ta vẫn có thể giữ lại phần nòng cốt của ý niệm “tội nguyên thủy” (ngay cả khi thuật ngữ này không thuộc về Kinh Thánh theo kỹ thuật, nhưng được T. Augustine và các Giáo Phụ thường dùng đến). Chúng ta cũng có thể nhận thấy sự khéo léo của câu chuyện Adong và Evà trong việc chuyển đạt ý tưởng tội và nguồn gốc của tội và không nghĩ rằng chúng ta có thể tìm thấy một thay thế tốt hơn câu chuyện này. Có một vị thế trung dung giữa điều bạn nghe từ cha xứ nói khi nhấn mạnh đến lịch sử tính theo nghĩa đen của câu chuyện Adong và Evà và một tuyên bố hủy hoại và không đúng rằng “Không có Adong và Evà.”
Tôi không muốn là một người dại dột vội vã đi vào nơi mà các thiên thần cũng phải sợ, và trong khi tôi cố gắng trả lời câu hỏi này, tôi không muốn khui ra vấn đề nữ quyền mà nó vượt quá khả năng của tôi là một học giả Kinh Thánh và là một người nam. Tôi nghĩ, khi hiểu đúng, câu chuyện Sáng Thế thì không hạ phẩm giá của phụ nữ, tuy tôi nhìn nhận rằng một số đoạn trong Kinh Thánh thì có lẽ đúng như vậy, vì chúng phản ánh một số định kiến thời bấy giờ. Việc tạo dựng người nữ từ xương sườn của người nam được diễn tả trong Sáng Thế 2:21 thì không được chính yếu đưa ra để cho thấy người nữ là một nhân vật thứ yếu xuất phát từ người nam hay kém hơn người nam. Thật vậy, khi nhìn thấy người nữ, Adong đã phản ứng ngay với lời nói rằng đây “là xương bởi xương của tôi và thịt bởi thịt của tôi” (St 2:23), nói cách khác, ai đó giống hệt như tôi – không phải là thú vật hay một tạo vật kém hơn. Điểm chính của câu chuyện này là một lý luận chống với giả thuyết rằng người nữ chỉ là sở hữu của người nam phải được đặt ở mức độ thấp hơn. Sách Sáng Thế tuyên bố rằng (1:27) về nguồn gốc của giống người, Thiên Chúa dựng nên người nam và người nữ theo hình ảnh của Thiên Chúa, đó là một khẳng định về sự bình đẳng giữa hai phái trước mặt Thiên Chúa, phản ánh Thiên Chúa trong một phương cách bổ sung. Người ta cần biết một chút về tình trạng thấp kém của phụ nữ, không chỉ trong các quốc gia chung quanh nhưng nhiều khi chính trong sự thực hành của dân Ít-ra-en, để nhận biết rằng tác giả sách Sáng Thế đang tìm cách chấn chỉnh sự bất bình đẳng đó. Như vậy, câu chuyện Sáng Thế đem cho người rao giảng một cơ hội để dạy một số giá trị căn bản về phẩm giá của cả hai phái.
Không hồ nghi rằng phương cách tiếp cận hoàn toàn theo nghĩa đen thì đơn giản hơn; nhưng trong đời sống cũng có nhiều hũ mắm và câu trả lời đơn giản thường không có kết quả. Bằng cách nào đó, chúng ta có thể chấp nhận sự phức tạp của hàng ngàn khía cạnh khác trong đời sống; nhưng chúng ta thấy khó chịu khi có sự phức tạp giữa Thiên Chúa và loài người.
Giả như tôi hỏi bạn rằng, bạn có thực sự nghĩ là TT Washington đã đốn ngả cây anh đào, hoặc ném đồng bạc ngang qua sông Potomac, hoặc ngủ trong tất cả các căn lều mà ông cho rằng phải ngủ ở trong đó không, có thể bạn sẽ trả lời rằng, “Tôi nghĩ rằng một số điều đó là huyền thoại.” Vậy bạn sẽ trả lời sao nếu tôi hỏi, “Nếu bạn bắt đầu nghi ngờ những điều về TT Washington, làm thế nào bạn biết rằng TT Lincoln đã dẫn Liên Quân chiến thắng phe miền Nam, hoặc Teddy Roosevelt chủ toạ việc xây cất kênh đào Panama?” Không bao lâu bạn sẽ bị buộc phải nhìn nhận rằng có những chứng cớ khác biệt cho những thừa nhận khác biệt, và có khi những câu chuyện về một số nhân vật nào đó thì được kể lại với ít nhiều hương vị huyền thoại trong khi câu chuyện về những người khác là sự thật không tô điểm. Điều này cũng được nhận thấy trong các câu chuyện có liên hệ đến các nhân vật trong Kinh Thánh. Các câu chuyện trực tiếp liên hệ đến ông Abraham có khung cảnh lịch sử tổng quát; nhưng ông được trình bầy như cha của hai người, Ít-ra-en và Ismael (người Ả Rập), do đó có ít nhiều đặc tính biểu tượng đối với câu chuyện đó. Câu chuyện của Môsê là một phần của thiên anh hùng ca dân tộc trong đó những thành tích của cá nhân được pha trộn với lịch sử của một dân tộc. Nhiều phần của câu chuyện Đavít có lẽ phát xuất từ một người viết tiểu sử các vua, là người sống trong giai đoạn lịch sử đó và viết tương đối sự thật. Trong cả ba tường thuật đều có tính cách lịch sử, nhưng thay đổi ít nhiều số lượng lịch sử và chi tiết. Nó có thể là hũ mắm, nhưng chúng ta cũng có hũ mắm tương tự về lịch sử Hoa Kỳ hoặc bất cứ lịch sử nào. Chúng ta phải chấp nhận điều phiền toái rằng Thiên Chúa đã không miễn cho lịch sử Ít-ra-en khỏi những thăng trầm như lịch sử của các dân tộc khác.
Khảo cổ học đem lại một hình ảnh pha trộn. Chắc chắn là những khám phá khảo cổ học đem lại nhiều hiểu biết về phong tục, hoàn cảnh xã hội và môi trường vật lý thời Kinh Thánh. Chúng ta thấy sự khám phá về các thành phố và nhà cửa mà người Ít-ra-en thời Kinh Thánh sống trong đó. Ngay cả trong thời Tân Ước, những khám phá khảo cổ học soi sáng một số thực hành tỉ như việc đóng đinh trên thập tự và cách chôn cất, cũng như các đường phố ở Giêrusalem mà có lẽ Đức Giêsu đã đi qua.
Tuy nhiên, khi phải xác nhận sự chính xác về tính cách lịch sử của một biến cố trong Kinh Thánh, những khám phá khảo cổ học không có cùng một động lực. Thí dụ, trong cuộc đào xới thành Giêricô lúc đầu, sự khám phá các bức tường đổ nát xác nhận sự tường thuật trong Kinh Thánh về việc ông Giôsua tiêu huỷ các tường này. Tuy nhiên, các kỹ thuật mới đây cho thấy tuổi của các bức tường này thì đã có từ lâu trước thời ông Giôsua, và dường như thành Giêricô không bị chiếm đóng vào thời ông Giôsua. Nói rằng khảo cổ học chứng minh Kinh Thánh, điều đó không chính xác và sai lầm. Phương cách giám định Kinh Thánh gợi ý rằng một số câu chuyện mà nhà khảo cổ hy vọng minh chứng thì có lẽ ngay từ đầu không phải là lịch sử đơn giản, và vì thế đừng ngạc nhiên khi những gì chúng thuật lại thì không được minh chứng bởi khảo cổ học.
Đó là một chữ không thích hợp trong một số phương cách. Trong tiếng Anh phổ thông, “criticism” (giám định, phê bình) gồm sự phán đoán tiêu cực, và chắc chắn rằng chúng ta không muốn nói đến một thái độ tiêu cực đối với Kinh Thánh. Trong một cách sử dụng ít phổ thông, chữ này gồm việc đọc và phân tích kỹ lưỡng một tác phẩm. Tỉ như, một tờ báo có mục điểm phim và điểm sách (book critic) cho thấy một vài khía cạnh khác của điều được “phê phán” hay “bình phẩm”.
Trong trường hợp Kinh Thánh, có vài hình thức giám định Kinh Thánh. Một hình thức thẩm định Kinh Thánh như tác phẩm văn chương (literature criticism) và để ý đến vài kỹ thuật mà các tác giả sử dụng để đạt được mục đích của họ. Một hình thức giám định Kinh Thánh khác là phê bình theo tính cách qui điển (canonical criticism). Tác phẩm này có phải là một phần của qui điển thánh kinh không? Cuốn này có liên quan thế nào với các cuốn được viết trước đó hay sau đó?
Trong nhiều hình thức giám định Kinh Thánh, cho đến bây giờ tôi chỉ kể ra có hai loại. Nhưng khi nói về giám định Kinh Thánh, một học giả thường nghĩ đến là sự phê bình theo lịch sử tính (historical criticism). Nó bao gồm việc tìm hiểu về tác giả (quá khứ, hoàn cảnh cá biệt, mục tiêu), về khung cảnh mà trong đó họ sáng tác (những vấn đề nào họ phải đối diện?), và về độc giả hay thính giả là những người mà tác giả muốn nói với (Họ là ai? Vấn đề là gì? Họ hiểu thế nào?). Nó còn bao gồm việc phán đoán về bản chất của tác phẩm – xếp loại một cuốn sách theo phần đặc biệt nào đó trong thư viện. Nói cách khác, sự phê phán sử học bao gồm những câu hỏi về một cuốn sách trong kinh thánh giống như những câu hỏi đối với bất cứ cuốn nào khác nếu người ta muốn khám phá ra ý nghĩa mà sách ấy muốn chuyển đạt. Đằng sau tất cả những điều nói trên, có sự tin tưởng chắc chắn rằng sự linh ứng của Thiên Chúa đối với Kinh Thánh không làm cho quan điểm và ngữ cảnh của tác giả trở nên không thích hợp. Trong khi Thiên Chúa biết hết mọi sự, tác giả con người thì không biết; và vì vậy, những chữ được tác giả Kinh Tác giả phúc âm dụng thì không phải là câu trả lời cho mọi thắc mắc.
Tôi chủ yếu nghiên cứu về Tân Ước, do đó tôi sẽ thay đổi câu hỏi thành: Trong Tân Ước, đâu là cuốn khó hiểu nhất? Dù vậy, tôi vẫn muốn phân biệt thêm nữa với hai quan điểm: của học giả và của độc giả. Về quan điểm độc giả, tôi cho rằng cuốn khó hiểu nhất trong Tân Ước là cuốn Khải Huyền. Về phương diện học giả, tôi không thấy quá khó vì các học giả thường đọc các cuốn cùng loại như vậy – các khải huyền của Do Thái đầy dẫy những hình ảnh biểu tượng của sự thiện và sự dữ. Do đó, các học giả được cảnh giác rằng đừng giải thích hình ảnh Khải Huyền theo nghĩa đen, nhưng hãy đọc nó như người Do Thái quen đọc loại văn chương này.
Dù ngày nay chúng ta thường dùng chữ “apocalyptic” (khải huyền, thiên khải, hiển thị) để chỉ về những biến cố đáng lo ngại và quá độ, loại văn của khải huyền theo kiểu kinh thánh thì không phải là một hình thức quen thuộc của kiểu viết hiện thời. Do đó, khi cầm một cuốn sách Khải Huyền hay Mặc Khải của Gioan, độc giả ngày nay có khuynh hướng hiểu theo nghĩa đen những tiên đoán hay giản đồ khi tận thế. Điều này tạo ra sự mơ hồ khủng khiếp. Vì vậy, từ quan điểm đó, tôi nói rằng có lẽ sách Khải Huyền là cuốn khó hiểu nhất.
Chữ Khải Huyền (Apocalypse) được dịch từ tiếng Hy Lạp Apokalypsis, có nghĩa vén mở. Chữ Mặc Khải (Revelation) được dịch từ tiếng Latinh Revelatio cũng có nghĩa vén mở (tiết lộ). Như vậy nó hàm ý một sự hiểu biết của điều được che giấu.
Để trả lời câu hỏi của bạn về thông điệp này, trước hết tôi sẽ nói những gì không đúng. Chúng ta không cần phải cho rằng tác giả đã có hay đã được Thiên Chúa ban cho sự hiểu biết về tương lai. Do đó, thật vô ích khi suy đoán về trái đất sẽ kéo dài bao lâu, hoặc còn bao lâu nữa thì Đức Kitô sẽ đến, hoặc khi nào tận thế – là những suy đoán dựa trên sách Khải Huyền, hoặc trên sách Đanien mà trong đó cũng có những thị kiến.
Thông điệp căn bản của Khải Huyền là niềm hy vọng trong thời gian bị bách hại. Tác giả dùng ngôn ngữ biểu tượng, tỉ như những quái vật to lớn, con rồng, trận lụt, hoả hoạn, v.v., để diễn tả thời kỳ của ông như một quãng thời gian đầy tai hoạ và đau khổ ghê gớm tạo nên bởi sự dữ. Giữa thời kỳ này, ông muốn trấn an độc giả rằng Thiên Chúa kiểm soát mọi sự, từ đó có hình ảnh cuốn sách mở ra trên thiên đường mà trong đó mọi sự đã được viết xuống, hoặc về một giai đoạn trong đó có nhiều hoạt động khác nhau xảy ra với giới hạn của nó, hoặc về các thiên thần có thể chiến thắng các con thú hung dữ. Tác giả muốn nói với những người bị bách hại rằng họ đừng tuyệt vọng, vì Thiên Chúa sẽ chấm dứt mọi điều này và chiến thắng. Thiên Chúa sẽ cứu những ai còn trung thành và tiêu diệt sức lực của sự dữ. Khi nào những điều này xảy ra? Không bao lâu. Và người ta có thể nói “không bao lâu” dù là tác phẩm được viết 500 năm trước Đức Kitô giáng sinh (Ezekiel), hoặc 250 năm trước Đức Kitô (Daniel), hoặc vào cuối thế kỷ đầu tiên (Khải Huyền và các sáng tác của Do Thái tỉ như IV Ezra). “Không bao lâu” được nhìn từ quan điểm của Thiên Chúa và xảy ra bởi sự tin tưởng vững vàng rằng Thiên Chúa không để Dân Người bị chà đạp và bị tiêu diệt vô hạn định.
Còn một thông điệp sâu xa hơn mà tôi chỉ đề cập cách ngắn gọn. Có sự tin tưởng rằng những gì xảy ra trên trái đất được thấy rõ ràng qua các chiến tranh, sự bách hại, và tai ương, đó chỉ là một phần mờ nhạt và không quan trọng trong toàn thể thực tại. Quan trọng hơn nhiều là những gì xảy ra trên thiên đường, theo cả hai nghĩa, sự chúc tụng Thiên Chúa bởi vô vàn thiên thần và các thánh, và sự chiến thắng của Thiên Chúa trên các sức lực sự dữ siêu nhiên (tỉ như, Tổng Lãnh Thiên Thần Micae chiến thắng Satan).
Một văn gia khải huyền thường thấy những gì trên thiên đường cùng lúc với những gì trên trái đất, và đem lại cho độc giả một cảm nhận về một thực tại rộng lớn vượt trên cả vũ trụ. Những lễ nghi huy hoàng trên thiên đường là một phần của thực tại này nếu chúng ta có con mắt đức tin để nhận biết. Và vì vậy khi còn sống ở trái đất chúng ta buộc phải tham dự những gì trên trời và không chỉ hoàn toàn lưu tâm đến những gì có thể thấy và chạm được qua các giác quan. Sự huyền bí, thế giới bên kia, những sự trên trời, tất cả là một phần của ơn khải huyền đối với một hình ảnh rộng lớn hơn của đức tin và sự hiểu biết của Kitô Giáo. Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy đó là một trò đùa khi trong một tác phẩm như sách Khải Huyền, những người theo chủ nghĩa cơ bản (fundamentalist) chỉ tìm kiếm các yếu tố cho lịch sử hiện tại. Họ thường bỏ sót toàn thể chiều kích huyền bí.
Như tôi biết, nguyên thuỷ của “fundamentalism” phát xuất từ đầu thế kỷ này, ngay sau năm 1910. Vào lúc đó, dưới ảnh hưởng của sự giám định Kinh Thánh – như tôi đã nói nó thường có nghĩa sự phê phán sử học – có một sự mất mát đáng kể về sự tin tưởng tính cách siêu nhiên trong Kinh Thánh. Nói cho cùng, khi có người thắc mắc về các sách trong Kinh Thánh cũng giống như thắc mắc các sách khác, yếu tố lời Chúa có thể trở nên mờ mịt, nhất là khi họ không có sự tin tưởng vững vàng vào nguồn gốc thiêng liêng của Kinh Thánh. Trong hoàn cảnh này, hai vị giầu có ở Nam Cali đã bảo trợ in một loạt các sách mỏng được viết ra để bảo vệ các điều căn bản của Kitô Giáo, tỉ như sự thụ thai trinh trắng, các phép lạ của Đức Giêsu, sự phục sinh, thiên tính của Đức Kitô, hoả ngục, và một quan điểm về vũ trụ chống với Darwin.
Về quan điểm vũ trụ, trong khi người Công Giáo có cùng những lưu tâm về các căn bản đức tin Kitô Giáo, chúng ta vẫn có thể phân biệt giữa học thuyết về sự tạo dựng và một quan điểm về sự tạo dựng mà nó tẩy chay sự tiến hoá. Điểm sau này không được chúng ta coi như cơ bản của đức tin Kitô Giáo.
Tôi hoan nghênh một số học thuyết được chủ nghĩa cơ bản nhấn mạnh nhưng tôi hoàn toàn bất đồng ý với phương pháp mà họ sử dụng. Theo sự phán đoán của tôi, cách đọc Kinh Thánh theo nghĩa đen thì không thể bào chữa được về trí thức và thật sự không cần thiết cho việc bảo vệ các học thuyết căn bản Kitô Giáo.
Đây là một đề tài bao la, tôi chỉ có thể sơ phác một số đề nghị.
1. Đừng mất thời giờ tranh luận về bản văn kinh thánh với người cơ bản chủ nghĩa.
2. Đừng tấn công người cơ bản chủ nghĩa như thể họ khờ dại hay dốt nát. Thông thường, cách đọc kinh thánh theo nghĩa chữ là thái độ tự vệ của ngay cả người có học thức khi họ bị gài bẫy. Họ muốn duy trì đức tin nơi Thiên Chúa, và dường như đây là cách duy nhất. Họ sẽ hiểu việc bạn tấn công họ như tấn công đức tin của họ.
3. Nếu bạn gặp một người rất tin vào cơ bản chủ nghĩa, hãy cẩn thận đừng tìm cách thay đổi họ quá đột ngột. Hậu quả có thể xảy ra là họ mất đức tin. Mục tiêu quan trọng hơn là đừng tàn phá chủ nghĩa cơ bản, nhưng hãy cung cấp cho họ một đức tin phong phú hơn và trình bầy Kinh Thánh thông minh hơn.
4. Có những yếu tố phụ trong chủ nghĩa cơ bản làm cho nó hấp dẫn. Người chủ nghĩa cơ bản rất yêu quý tính cách cộng đồng, và họ chăm sóc kỹ những ai tham dự trong nhóm hay giáo phái của họ. Chúng ta phải để ý rằng, với các giáo xứ Công Giáo rộng lớn có hàng ngàn người tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, chúng ta không có cảm nhận về cộng đồng. Có thể chúng ta phải chia thành các nhóm nhỏ. Cộng đồng là một giá trị, và có lẽ chúng ta có thể học được điều này từ người chủ nghĩa cơ bản.
5. Người chủ nghĩa cơ bản thường rêu rao về tình yêu dành cho Đức Giêsu. Yêu mến Đức Giêsu là một hấp dẫn lớn trong Kitô Giáo. Khi người ta được gặp tình yêu ấy, họ bị xúc động, bị thu hút. Không có lý do gì mà không rêu rao lòng yêu mến Đức Giêsu trong các giáo hội lớn với một cảm nhận thích hợp. Trong Gioan 21, Đức Giêsu đã ba lần đưa câu hỏi, không phải với một người chủ nghĩa cơ bản mà với Phêrô, là “Con có yêu mến Thầy không?” Để chịu chức hay để rao giảng, nếu chúng ta đặt điều kiện đó, cũng như Đức Giêsu đã yêu cầu trước khi giao đàn chiên của Người cho ông Phêrô, có lẽ chúng ta cũng có thể sánh với người chủ nghĩa cơ bản khi giúp dân chúng nhận thức rằng, các công việc hoặc đức tin mà không có lòng mến Chúa Giêsu thì không thể tạo nên bức tranh của toàn thể Hội Thánh.
Câu hỏi của bạn nhắc tôi nhớ đến một giáo sư trong đại chủng viện. Ông luôn luôn nhấn mạnh rằng bạn chỉ có thể áp dụng sự phê bình theo thể loại (form criticism) với Cựu Ước nhưng với Tân Ước thì không nên. Tôi nghĩ ông hiểu phê bình thể loại có nghĩa giảm bớt tính cách lịch sử, trong khi, dĩ nhiên nó có nghĩa chẩn đoán đặc tính văn chương hay thể loại của một cuốn sách nào đó. Cũng như Cựu Ước, Tân Ước cũng là một thư viện, có thể nói, thư viện của Hội Thánh thời tiên khởi. Khi bạn nói rằng chúng ta có thể tin vào tính cách lịch sử của nó, điều đó ám chỉ rằng tất cả hai mươi bẩy cuốn sách đều là lịch sử và, dĩ nhiên, chúng không phải vậy. Người ta khó có thể nói đến tính cách lịch sử của các thị kiến biểu tượng trong sách Khải Huyền.
Nhiều cuốn trong Tân Ước là các thánh thư. Nếu áp dụng phạm vi lịch sử cho các thư này thì cũng có những khó khăn. Dĩ nhiên, giả sử rằng tác giả thánh thư không sáng chế ra hoàn cảnh mà ông nói với chính ông; nhưng sự thẩm định lá thư này sẽ thích hợp hơn khi lưu tâm đến phẩm chất của thông điệp hơn là tính cách lịch sử. Vì các thư này cùng thời với các biến cố nó diễn tả, người ta phải đối diện với vấn đề rằng, trong khi một số thư được cho là của T. Phaolô thì không hồ nghi gì, các thư khác có lẽ được viết bởi các môn đệ của thánh nhân, mang tên của người, ngay cả sau khi thánh nhân từ trần. Liên quan đến các lá thư Tân Ước khác được cho là của T. Phêrô, và T. Giacôbê, và T. Giuđa, cũng có khó khăn tương tự. Có lẽ với Tân Ước, người ta không có những khó khăn sâu sắc về tính cách lịch sử như đối với các tường thuật Cựu Ước, nhưng vẫn có những vấn đề trong Tân Ước.
Có lẽ tôi nên bắt đầu bằng sự phân biệt giữa những gì Tân Ước nói và những gì không nói. Tôi nghe thừa tác viên đọc sách trong nhà thờ mở đầu bằng câu “Bài trích thơ T. Phaolô gửi tín hữu Do Thái”. Nếu người ta nhìn vào Tân Ước, không có chỗ nào viết rõ rằng Thư gửi tín hữu Do Thái là do T. Phaolô viết. Sự nhận biết thư này là được viết “cho tín hữu Do Thái” xảy ra vào thế kỷ thứ hai (không có trong bản văn Kinh Thánh), và sự nhận biết là của T. Phaolô lại càng trễ hơn nữa, và trong một thời gian nó chỉ được thấy trong một phần của Hội Thánh. Tương tự, người ta nói về ba lá thư của T. Gioan. Nhưng ngay trong bản văn của các thư này, không có một chút gì nhắc đến T. Gioan; một lần nữa, đây chỉ là sự suy đoán phát xuất từ thế kỷ thứ hai chứ không trong Tân Ước.
Tuy nhiên bạn có lý về các lá thư khác mà chúng đặc biệt nhận biết tác giả. Mười ba cuốn trong Tân Ước là các thư có tên T. Phaolô trong văn bản. Trong mười ba thư này, học giả đồng ý cho rằng bảy lá thư là do chính T. Phaolô sáng tác: I Thessalonica, Galát, I-II Corintô, Philipphê, Philêmon, và Roma, còn các thư khác, phần đông học giả không nghĩ rằng T. Phaolô viết (I-II Timôthê, Titô, Ephêsô, Colossê, II Thessalonica). Tương tự như vậy, trong các thánh thư khác, phần đông các học giả không nghĩ rằng T. Phêrô sáng tác I & II Phêrô; T. Giuđa không viết Thư Giuđa, hoặc T. Giacôbê không viết Thư Giacôbê.
Khi một thánh thư mang tên Phaolô hay Phêrô thì sự linh ứng không bảo đảm rằng chính nhân vật đó viết hay sao? Tuyệt đối không, cũng như sự kiện Môsê được cho rằng đã viết Ngũ Thư thì không bảo đảm là đã viết sách đó. Có sự thoả thuận ngầm về việc gán ghép tác phẩm cho các người có thẩm quyền. Môsê được coi là người đã nhận Mười Điều Răn, và vì thế các văn kiện luật pháp được gán cho Môsê là tác giả. Solomon được biết là một người khôn ngoan, vì vậy sách khôn ngoan được gán cho Solomôn. Đavít được biết là một người hát thánh vịnh, và vì vậy người ta nói về thánh vịnh Đavít tuy một số thánh vịnh rõ ràng không phải do Đavít sáng tác. Tương tự như vậy, sau khi T. Phaolô từ trần và các môn đệ của người, khi phải đối diện với những hoàn cảnh mới, họ vẫn muốn giáo dục dân chúng theo như tâm trạng của Phaolô nên họ được tự do viết dưới bóng áo của người. Như tôi đã nói trước đây, viết là một hành động con người; và sự linh ứng của Thiên Chúa tôn trọng những tục lệ của hành động đó.