Đã một thời, Tony de Mello, một linh mục dòng Tên dạy đàng thiêng liêng không ngừng đánh động tâm hồn bao người khắp năm châu; bởi lẽ, ngài quá yêu đời, yêu cuộc sống - một cuộc sống thực tế, sôi nổi và tràn đầy niềm vui. Những chuyện kể đầy mê hoặc, đầy nhiệt huyết, đậm nét hài hước và những hiểu biết sâu sắc của ngài về bí quyết hạnh phúc, về việc khám phá bản ngã đích thực của mỗi người - tất cả đã tạo nên một tác động đầy phấn khích cho bất cứ ai đã từng nghe ngài. Ngài đến cho những tâm hồn được giải thoát, cho người vô cảm biết yêu thương, đem ý nghĩa cho tất cả những gì làm nên một nẻo đường thiêng liêng trên đó bao người đang tiến bước.
Một linh đạo rạch ròi bền bỉ trong những gì ngài dạy dỗ không quy chiếu trên bản thân ngài, nhưng trên chính mỗi người chúng ta:
Để chỉ cho thấy trong mỗi người, có một thầy dạy thiêng liêng,
Để mỗi người có thể múa nhảy chính vũ khúc của mình,
Để mỗi người hát lấy chính bài ca của họ.
Tony de Mello đã làm cho mỗi người phấn khích tự kỷ ám thị:
Hãy là ánh sáng cho chính mình.
Ngày 02 tháng 6 năm 1987, Tony qua đời, tôi không ngạc nhiên trước những tình cảm mất mát lớn lao của bạn hữu và những người ngưỡng mộ ngài trên đất nước Ấn Độ này và cả những con người thuộc các châu lục khác. Điều làm tôi sửng sốt là những tình cảm thất vọng và nuối tiếc mang tính “cá nhân” không chỉ nơi những ai đã từng biết ngài nhưng những tình cảm này cũng bộc lộ từ rất nhiều người những ước ao được gặp hoặc được nghe ngài.
Điều an ủi mà tôi có thể cống hiến cho những con người này chính là di sản bút văn mà tác giả để lại. Quà tặng cuối cùng của ngài chính là thủ bản cuốn sách bạn sắp đọc 1 , sắp suy tư và chắc chắn sẽ rút ra được những điều bổ ích. Trong lá thư chưa kịp gửi cho một người bạn, ngài cho thấy phải làm việc vất vả làm sao để hoàn thành bản thảo trước khi đến Mỹ: “Tôi muốn viết cho xong trước khi rời Ấn Độ nhưng không có lấy một chút thì giờ. Tôi cặm cụi trên bản thảo suốt ngày, như tôi đang viết đây, vì tôi sắp phải giao nó cho nhà xuất bản”. Đúng là một công việc đầy lý thú và say mê.
Viết lời mở đầu cho tác phẩm cuối cùng của Tony cũng là một công việc đầy lý thú và say mê. Thử tưởng tượng bạn sẽ thế nào khi cầm một bản thảo nào đó của một người bạn thân nhất, của một đồng sự, một vị linh hướng bậc thầy, một bạn đồng hành sau khi người ấy chết; và biết rằng đây là bản thảo chỉ một mình bạn có? Tôi đã xúc động biết bao khi đọc những trang đầu tiên đó. Tôi chưa bao giờ nghe câu chuyện thứ nhất, “Lời Kinh của con Ếch”. Đời sống thiêng liêng của con người lạ thường đó thật độc đáo - yêu đời, nhạy bén trước điều thiện, trước vẻ đẹp của mọi sự - ngay cả tiếng kêu ộp ộp của một con ếch! Sống trong một toà nhà với các sinh viên, thỉnh thoảng tôi cũng nghe tiếng ếch kêu, liệu tôi sẽ nói “khó chịu quá?”. Tôi sẽ không bao giờ quên được cái ý tưởng nghịch thường của Tony: “Đừng quấy rầy tiếng ồn!”. Thật lạ lùng.
Tuy nhiên, trong lần linh hướng cuối cùng, Tony vẫn không dạy tôi một điều gì, nghĩa là tìm cách truyền đạt cho tôi một triết lý thiêng liêng hay một cách sống nào đó. Những gì ngài làm là động viên tôi khám phá cho mình điều gì thật, điều gì đúng, điều gì đẹp đẽ trong cuộc sống. Không hình thức giáo dục nào tốt hơn, không đường hướng thiêng liêng nào tinh ròng hơn. Ngài nhắc đi nhắc lại: “Sẽ không có hạnh phúc, không có một đời sống thiêng liêng đích thực, không có một hiểu biết thật sự bao lâu bạn chưa được tự do. Và ngược lại, sẽ không có tự do đích thực bao lâu bạn chưa thực sự hiểu biết”. Với ngài, khám phá sự thật đồng nghĩa với việc hiểu biết cái tôi đích thực của mỗi người.
Đó là lý do tại sao mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi chuyện kể, mỗi tiếng cười của De Mello đều có thể trở nên một tiềm lực gieo vào những nhà tù sợ hãi của bạn hầu chực nổ tung bất cứ khi nào để phát tán những xích xiềng quá khứ hoặc những lo toan tương lai ngay khi bạn vừa cởi mở đủ và cho phép điều đó xảy ra.
Và như thế, Tony de Mello nào đâu có chết.
J. Francis Stroud, SJ.
De Mello Spirituality Center
Fordham University
Bronx, New York
Cảnh báo
Thật lạ lùng, dẫu trái tim con người khát khao chân lý đến đâu và chỉ ở đó, nó mới được giải đáp và thoả mãn, thì phản ứng đầu tiên của nó trước chân lý vẫn là thù nghịch và sợ hãi. Thế nên, những thầy dạy thiêng liêng của nhân loại như Phật Thích Ca, như Chúa Giêsu đều tạo nên một công cụ để làm thất bại sự chống đối nơi người nghe, đó là kể chuyện. Các ngài biết, những lời quyến rũ nhất mà một ngôn ngữ có là “ngày xửa ngày xưa…”; các ngài biết, chống lại chân lý là chuyện thường tình, nhưng với một câu chuyện thì không. Vyasa, tác giả cuốn Mahabharata, nói rằng, nếu cẩn thận lắng nghe một câu chuyện, bạn sẽ không bao giờ là mình trước đây. Bởi lẽ, câu chuyện sẽ thấm vào lòng, bẻ gãy những rào chắn ngăn cản bạn đến với Đấng thiêng liêng. Thậm chí nếu bạn đọc những câu chuyện trong tập sách này chỉ để giải trí, thì vẫn không gì bảo đảm một câu chuyện bất chợt nào đó sẽ không len lõi vào những đối kháng và nổ tung khi bạn ít ngờ tới nhất. Thế nên, bạn hãy coi chừng!
Nếu bạn đủ liều lĩnh để tìm kiếm sự giác ngộ, thì đây là những gì tôi đề nghị:
A. Hãy ghi nhớ một câu chuyện nào đó trong trí và dừng lại với nó những lúc nhàn rỗi. Nó sẽ có cơ hội tác động lên tiềm thức và sẽ tỏ cho bạn thấy ý nghĩa tiềm tàng của nó. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy nó có thể đến với bạn một cách khá bất ngờ ngay khi bạn cần phải sáng suốt trước một biến cố, một hoàn cảnh; nó sẽ đem cho bạn sự nhận thức cũng như an bình nội tâm. Đó là lúc bạn nhận ra rằng, một khi mở lòng cho những câu chuyện này, bạn đang lắng nghe một Giáo Trình Giác Ngộ, qua đó, bạn không cần một thầy dạy nào nữa ngoài chính bản thân!
B. Mỗi câu chuyện là một mặc khải của Chân Lý, và vì là Chân Lý được viết hoa, nên phải hiểu ở đây, chân lý về chính bạn. Vậy mỗi lần đọc một câu chuyện, bạn hãy nhủ lòng tìm kiếm thêm một sự hiểu biết sâu sắc hơn về chính mình. Hãy đọc theo cách một người đọc sách y khoa - liệu mình có triệu chứng nào không; chứ không như một sách tâm lý - vừa đọc vừa phân loại tính tình bạn bè. Nếu không vượt qua những cám dỗ xét đoán người khác, những câu chuyện này sẽ tác hại bạn.
Vì quá say mê chân lý, thầy Mullah Nasruddin đã lên đường đi đến những nơi xa xôi tìm những học giả của Kinh Koran và không chút e dè, thầy kéo những người ngoại đạo tới chợ để tranh luận về những chân lý của niềm tin mình.
Ngày kia, vợ ông than phiền làm sao ông có thể cư xử bất công với bà đến thế - và bà khám phá ra rằng, chính chồng bà cũng chẳng cảm thấy ích lợi gì với thứ chân lý ấy!
Dĩ nhiên, chính đó là cái đáng kể. Quả thực, thế giới của chúng ta sẽ thay đổi nếu chúng ta, những học giả, những trí thức, những tu sĩ dòng triều hay giáo dân có được đam mê muốn biết chính mình như đam mê đối với các giáo thuyết hay tín điều của mình.
“Bài giảng tuyệt vời”, một bà giáo dân bắt tay cha quản xứ, “Con biết, những gì cha nói đều thích ứng với một người nào đó mà con quen”.
Các bạn hiểu không?
Chỉ dẫn:
Tốt nhất, các câu chuyện sẽ được đọc theo thứ tự như đã sắp xếp. Mỗi lần đọc không quá một hoặc hai mẩu chuyện nếu bạn ước ao có được một cái gì đó hơn là chỉ giải trí.
Lưu ý:
Các chuyện kể trong tập sách này đến từ nhiều đất nước, nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau; chúng thuộc về những di sản thiêng liêng, những câu chuyện hài hước được ưa chuộng của dòng đời nhân loại.
Những gì tác giả làm là xâu kết chúng lại với nhau theo một ý hướng đặc thù. Công việc của tác giả là công việc của người thợ dệt và thợ nhuộm, tác giả chẳng có công trạng gì về những tấm vải và những sợi chỉ.
Lưu ý của nhà Xuất Bản: Bởi số lượng lớn, bản thảo được phát hành như hai cuốn riêng biệt. Sau cuốn Taking Flight là cuốn The Heart of the Enlightened.