Một cuộc bách hại đạo thánh dữ dội bùng nổ trên toàn đất nước và ba trụ cột của Kitô giáo - Thánh Kinh, Thờ Phượng và Bác Ái, diện kiến Thiên Chúa để bộc bạch nỗi lo lắng của họ rằng, nếu tôn giáo bị nghiền nát, cả ba không còn lý do gì nữa để tồn tại.
Chúa liền bảo, “Đừng lo, Ta dự định phái xuống trần gian một Đấng lớn hơn các ngươi”.
“Tên Đấng ấy là gì?”.
Chúa nói, “Biết mình”. “Đấng ấy sẽ làm những việc lớn lao hơn bất cứ vị nào trong các ngươi đã làm”.
Ba nhà hiền triết cùng thực hiện một cuộc hành trình, vì dẫu được coi là khôn ngoan trong xứ sở, họ vẫn đủ khiêm tốn để hy vọng chuyến đi sẽ mở mang sự hiểu biết của mình.
Vừa bước vào một đất nước láng giềng, họ thấy tự đàng xa một ngôi nhà chọc trời; chắc phải là một vật gì dữ tợn lắm, họ tự hỏi. Hiển nhiên là cứ đến và xem. Nhưng không, làm như vậy có vẻ nguy hiểm quá. Có thể đó là một cái gì sẽ nổ tung nếu có ai đến gần? Sẽ khôn ngoan hơn khi cùng nhau quyết định đó là cái gì trước khi đến xem nó. Nhiều lý thuyết khác nhau được đặt ra, cân nhắc, và theo kinh nghiệm đã có, họ loại bỏ các lý thuyết ấy. Sau cùng, vẫn dựa trên nền tảng kinh nghiệm phong phú bao đời của mình, họ xác định, dù gì đi nữa, vật ấy cũng chỉ có thể được đem đặt ở đó bởi những người khổng lồ.
Điều này dẫn họ đến kết luận: sẽ an toàn hơn cho cả ba người, họ nên rời khỏi xứ này. Vậy là họ lui gót về quê, thêm một chút gì đó vào kho kinh nghiệm của mình.
Tự phụ làm lệch lạc óc nhận xét
Nhận xét đưa ra điều mình nghĩ
Điều mình nghĩ sản sinh kinh nghiệm
Kinh nghiệm phát sinh thái độ
và rồi, thái độ lại củng cố óc tự phụ.
Hai người thợ săn thuê một chiếc máy bay để tới một khu rừng. Hai tuần sau, viên phi công trở lại đón họ. Nhìn những con thú họ bắn được, viên phi công nói, “Máy bay này chỉ chở được một con bò rừng. Các anh phải bỏ lại một con”.
Những người thợ săn phản đối, “Nhưng năm ngoái, viên phi công để chúng tôi chở đến hai con cũng trong chiếc máy bay kích cỡ này”.
Có phần nghi ngại, nhưng cuối cùng viên phi công nói, “Nếu năm ngoái các anh chở được như vậy, thì tôi nghĩ chúng ta cũng có thể chở lại thôi”.
Thế là máy bay cất cánh với ba người và hai con bò rừng. Nhưng nó không thể đạt độ cao và đâm sầm xuống một ngọn đồi kế cận. Ba người bò ra và nhìn quanh. Một người hỏi người kia, “Theo anh, chúng ta đang ở đâu?”. Người kia quan sát chung quanh rồi nói, “Tôi nghĩ, chừng hai dặm về phía trái chỗ máy bay rớt năm ngoái”.
Một đôi vợ chồng trở về nhà sau đám tang của người cậu tên Geoges, người đã sống với họ hai mươi năm với bao phiền toái ông gây nên đến nỗi suýt làm hỏng cuộc hôn nhân của họ.
“Này em, có điều này anh phải nói với em”. Anh chồng nói. “Nếu không vì tình yêu dành cho em, anh hẳn không chịu đựng được cậu Geoges của em dù chỉ một ngày”.
“Cậu Geoges của em?”. Cô vợ kinh hoàng kêu lên, “Em nghĩ ông ấy là cậu của anh chứ!”.
Mùa hè năm 1946, tin đồn về một nạn đói được truyền đi khắp tỉnh một vùng Nam Mỹ. Sự thật thì năm ấy vẫn được mùa, thời tiết thuận lợi cho một mùa bội thu. Nhưng cả tin vào lời đồn đại đó, hai mươi ngàn nông dân bỏ ruộng đồng để lên thành phố. Vì quyết định của họ, mùa màng thất thu, hàng ngàn người chết đói, và tin đồn về nạn đói là đúng.
Nhiều năm về trước, vào thời Trung Cổ, các vị cố vấn thúc ép Đức Giáo hoàng đuổi hết người Do Thái ra khỏi Roma. Họ nói, thật khó coi khi những người này cứ sống nhởn nhơ ngay giữa trung tâm của đạo Công giáo. Một sắc chỉ trục xuất được phác thảo và ban hành khiến người Do Thái rất đổi kinh hoàng. Họ biết, dù đi đâu, họ cũng sẽ bị đối xử tệ hơn ở Roma. Vậy là họ đến cầu cứu Đức Giáo hoàng, xin ngài xét lại sắc chỉ. Là một người không thiên vị, Đức Giáo hoàng đưa ra một đề nghị thẳng thắn: những người Do Thái hãy chọn cho mình một người ra tranh luận với ngài mà không dùng lời nói. Nếu người của họ thắng, họ được ở lại.
Cộng đồng Do Thái họp nhau để xem xét đề nghị. Từ chối đề nghị là chấp nhận ra đi, đồng ý tranh luận là đón lấy thất bại, vì ai có thể thắng trong cuộc tranh luận mà Đức Giáo hoàng vừa là người tranh luận vừa là người phán quyết? Dẫu thế, không còn con đường nào khác ngoài việc đồng ý. Chỉ có một điều là không thể tìm được người tình nguyện sẽ ra tranh luận với Đức Giáo hoàng. Gánh nặng vận mệnh của cả một cộng đồng Do Thái là điều không một người nào có thể gánh lấy.
Khi người gác cổng hội đường nghe biết những gì đang xảy ra, anh đến gặp vị Trưởng kinh sư và tình nguyện đại diện cho cộng đồng trong cuộc tranh luận này. Nghe vậy, các kinh sư khác lên tiếng, “Anh gác cổng? Không thể được!”.
Vị kinh sư trưởng nói, “Vì không ai trong chúng ta tình nguyện, nên hoặc là anh gác cổng hoặc là không tranh luận”. Vì không tìm được ai khác nên anh gác cổng được chỉ định đi tranh luận với Đức Giáo hoàng.
Ngày trọng đại đến, Đức Giáo hoàng an vị trên ngai toà tại công trường thánh Phêrô, chung quanh có các hồng y, đối diện là đông đảo các giám mục, linh mục và giáo dân. Chẳng mấy chốc, phái đoàn ít ỏi của người Do Thái đến với những chiếc áo choàng đen, những vị râu dài và anh gác cổng ở giữa.
Đức Giáo hoàng quay về phía anh gác cổng và cuộc tranh luận bắt đầu. Đức Giáo hoàng trịnh trọng đưa một ngón tay lên và vạch ngang trời. Lập tức anh gác cổng chìa ngón tay xuống đất một cách rõ nét. Xem ra Đức Giáo hoàng có vẻ lùi lại. Rồi thậm chí còn trịnh trọng hơn, ngài lại đưa một ngón tay lên chỉ thẳng mặt anh gác cổng và giữ như thế. Lập tức, anh gác cổng liền đưa ba ngón tay lên chỉ thẳng Đức Giáo hoàng và cũng giữ như vậy. Xem ra ngài kinh ngạc vì cử chỉ đó. Rồi Đức Giáo hoàng thọc tay vào túi, lấy ra một trái táo; anh gác cổng lại cũng đút tay vào túi mình lấy ra một lát bánh không men. Đúng lúc này, Đức Giáo hoàng lớn tiếng tuyên bố, “Người đại diện cộng đồng Do Thái thắng cuộc. Sắc chỉ trục xuất được huỷ!”.
Lập tức, các chức sắc Do Thái vây quanh người gác cổng và dẫn anh ta đi. Các hồng y cũng tập họp quanh Đức Giáo hoàng trong nỗi ngạc nhiên. Họ hỏi, “Tâu Đức Thánh Cha, chuyện gì vậy?”. Ngài bảo, “Chúng ta không thể tiếp tục cuộc đấu tài đấu trí chóng vánh này được”.
Quệt mồ hôi trán, ngài nói: “Y là một thần học gia tài giỏi, một bậc thầy tranh luận. Ta bắt đầu bằng cách vạch ngón tay lên trời để nói rằng toàn thể vũ trụ đều thuộc về Thiên Chúa. Anh ta lại chỉ một ngón tay xuống đất để nhắc ta rằng, còn có một nơi được gọi là hỏa ngục, nơi ma quỉ làm bá chủ. Ta lại đưa một ngón tay lên để nói rằng Thiên Chúa, Đấng độc nhất. Các ngươi tưởng tượng ta kinh ngạc làm sao khi đối thủ đưa ba ngón tay lên để nói rằng, Thiên Chúa duy nhất cùng tỏ mình ra trong Ba Ngôi, qua đó, anh chân nhận giáo lý của chúng ta về mầu nhiệm Ba Ngôi! Biết rằng không thể nào thắng được nhà thần học tài ba đó, ta chuyển cuộc tranh luận sang một lãnh vực khác. Ta lấy ra một quả táo để nói rằng, một vài tư tưởng mới cho rằng trái đất thì tròn. Tức khắc, ông ấy lấy ra một lát bánh không men nhằm nhắc Ta, theo Kinh Thánh, trái đất lại phẳng. Vậy là chẳng còn gì nữa ngoài việc thừa nhận chiến thắng thuộc về ông ấy?”.
Lúc này cộng đồng Do Thái kéo nhau về hội đường của mình, họ hoang mang hỏi anh gác cổng, “Chuyện gì vậy?”.
“Toàn chuyện tầm phào!”, anh phẩn nộ trả lời, “Này coi, trước hết Đức Giáo hoàng vung tay như muốn nói tất cả những người Do Thái phải ra khỏi Roma. Thế là tôi chỉ ngay xuống đất để ngài hiểu rõ rằng chúng ta chẳng đi đâu cả. Rồi ngài chỉ ngón tay đầy đe doạ vào tôi như để nói, “Đừng hỗn xược!”. Thế là tôi đưa luôn cả ba ngón tay để nói với ngài rằng, chính ngài ba lần tráo trở với chúng ta khi độc đoán buộc chúng ta rời khỏi Roma. Chuyện tiếp theo, là tôi thấy ngài lấy phần ăn trưa của mình ra và tôi cũng lấy phần ăn của tôi ra”.
Phần lớn thực tế, không phải là những gì chúng là chính chúng nhưng là những gì chúng ta gán cho chúng.
Trên một chuyến bay, một bà Do Thái ngồi cạnh một thanh niên Thụy Điển to con, bà nhìn anh chằm chằm. Cuối cùng, quay qua anh, bà hỏi, “Xin lỗi, cậu là người Do Thái?”.
Người thanh niên trả lời, “Không”.
Vài phút sau, bà lại quay sang cậu và nói, “Cậu có thể nói cho tôi, cậu biết đấy, cậu là người Do Thái, không phải sao?”.
Người thanh niên bẳn gắt, “Tuyệt đối không”.
Bà ấy tiếp tục quan sát cậu một lúc rồi nói, “Tôi có thể nói rằng, cậu là người Do Thái”.
Để khỏi phiền hà, người thanh niên nói, “Thôi được, vậy tôi là người Do Thái!”.
Bà ấy lại nhìn cậu ta rồi lắc đầu nói, “Nhưng trông cậu không giống Do Thái tí nào!”.
Trước hết chúng ta đưa ra kết luận, rồi cách này cách khác, chứng minh chúng.
Tại hàng rau của siêu thị, một phụ nữ cúi xuống nhặt vài quả cà chua. Ngay lúc ấy, bà cảm thấy đau nhói ở lưng; bà không thể cử động và la lên. Một khách hàng đứng cạnh cúi xuống với vẻ cảm thông bảo rằng, “Nếu chị nghĩ cà chua đắt quá, chị nên coi lại giá cá”.
Bạn ứng xử theo thực tế hay theo cái thực tế bạn nghĩ ra?
Một người đàn ông bước lên xe buýt và thấy mình đang ngồi cạnh một cậu nhóc rõ là dân bụi. Cậu nhóc chỉ mang một chiếc giày.
“Rõ là cậu mất một chiếc giày?”.
“Không, thưa ông”, cậu nhóc đáp, “cháu nhặt được một chiếc”.
Điều hiển nhiên đối với tôi không hẳn là sự thật.
Một anh chàng cao bồi đang cỡi ngựa qua sa mạc, thấy một người da đỏ nằm sấp bên đường, đầu và tai nghiêng xuống đất.
“Ông làm sao thế?”, chàng cao bồi hỏi. “Một tên da trắng tóc đỏ lái một chiếc Mercedes Benz xanh sẫm mang biển số SDT965, trong xe chở một con chó berger Đức chạy về hướng Tây”.
“Ông ơi, ông muốn nói ông biết chuyện đó chỉ nhờ dán tai xuống đất?”.
“Tôi không nghe gì từ đất cả. Chiếc SOB cán tôi và bỏ chạy”.
Một con trai thấy hạt ngọc của mình rơi vào kẽ đá dưới đáy biển. Sau mọi nỗ lực, nó nhặt lại hạt ngọc và tìm cách đặt trên một chiếc lá bên cạnh mình.
Biết rằng con người đi tìm ngọc, nó nghĩ, “Hạt ngọc này sẽ hấp dẫn họ, họ sẽ nhặt ngọc mà không làm hại mình”.
Tuy nhiên, khi anh thợ lặn tìm ngọc xuất hiện, mắt anh chăm chú tìm trai và không hề để ý đến viên ngọc trên chiếc lá.
Anh chộp lấy con trai, một con trai không có ngọc và để viên ngọc rơi xuống kẽ đá.
Bạn biết rất rõ bạn đang nhìn vào đâu. Đó là lý do tại sao bạn thất bại trong việc tìm kiếm Thiên Chúa.
Tại ngân hàng, một phụ nữ yêu cầu nhân viên cho bà rút một số tiền.
Chiếu theo thể lệ, nhân viên yêu cầu bà xuất trình thẻ căn cước.
Người đàn bà há miệng vì kinh ngạc. Cuối cùng, bà thốt lên, “Nhưng Jonathan, mẹ đây mà!”.
Nếu bạn cho câu chuyện trên là buồn cười, thì có bao giờ chính bạn lại không nhận ra Chúa không?
Một thanh niên kia dắt con chó săn tập sự của mình đi thử vận. Chẳng mấy chốc, anh bắn được một con vịt trời, nó rơi xuống hồ. Con chó lội ra, nhặt con vịt và mang đến cho chủ.
Cậu lặng người! Cậu bắn hạ một con vịt khác. Lại một lần nữa, đang khi cậu dụi mắt vì không tin, con chó lại chạy trên mặt hồ và tìm mang con vịt về.
Thật khó tin những gì mắt thấy, cậu rủ thêm người bạn hàng xóm cùng đi săn ngày hôm sau. Một lần nữa, mỗi khi cậu hoặc anh bạn bắn hạ một con chim, con chó lại chạy trên mặt hồ và mang con vật về. Cậu ấy không nói gì cả, bạn cậu cũng không. Cuối cùng, không thể lặng thinh lâu hơn, cậu buột miệng, “Anh có thấy điều gì khác thường nơi con chó ấy không?”.
Anh bạn hàng xóm quệt tay vào má trầm ngâm suy nghĩ. Cuối cùng anh nói, “Vâng, cậu thấy đó, tôi thấy rằng, con trai của một tay thợ săn lại không biết bơi!”.
Phép lạ xem ra là một cái gì quá hiếm hoi trong cuộc sống. Không phải, nhiều hơn thế: chính cuộc sống đã là một phép lạ và bất cứ ai thôi nghĩ là nó quá hiếm hoi như thế, sẽ thấy phép lạ tức khắc.
Một người đàn ông thấy bạn mình chơi bài với con chó thì nói, “Anh có một con chó thật thông minh”.
“Không thông minh như anh nghĩ đâu, Mỗi khi bắt được một con bài tốt, nó vẫy đuôi”.
Ông bà nội cãi nhau, bà giận đến nỗi không thèm nói với ông một lời.
Hôm sau, dẫu phía ông thì đã quên hết cuộc cãi vả, nhưng bà thì không, nên vẫn tiếp tục im lặng và lảng tránh ông. Ông làm cách mấy cũng không thành công cho bà hết im lặng âm ỉ.
Cuối cùng, ông bắt đầu lục lọi lung tung trong tủ chén và các hộc bàn. Vài phút sau, không thể chịu được hơn nữa, bà giận dữ nói, “Ông tìm cái gì đó?”.
“Cám ơn Chúa, tôi tìm ra rồi”, ông nói với một nụ cười kín đáo, “Giọng của bà”.
Nếu Thiên Chúa chính là điều bạn kiếm tìm, hãy nhìn một nơi nào khác.
Tên quỷ thấy người học đạo đi vào nhà một đạo trưởng, nó quyết định dốc toàn lực kéo người ấy khỏi con đường tìm kiếm chân lý.
Thế là nó đưa ra mọi cám dỗ khả thi: của cải, lạc thú, danh vọng, quyền lực, uy tín. Nhưng với nhiều kinh nghiệm trong đường thiêng liêng, người ấy đã dễ dàng đánh bại chúng. Ước vọng đường lành của anh thật lớn lao.
Khi diện kiến vị đạo trưởng, không hiểu sao anh tiến lại đàng sau và thấy vị đạo trưởng ngồi trên một chiếc ghế nệm và các đồ đệ ngồi dưới chân ông. Anh nghĩ, “Người này thật thiếu khiêm tốn, một đức tính căn bản của các vị thánh”.
Rồi quan sát vị đạo trưởng, anh thấy có nhiều điều không vừa ý, chẳng hạn ông ít lưu tâm đến anh. Anh nghĩ, “Có lẽ anh không nịnh hót ông như những người khác”. Anh cũng không thích cách ăn mặc và cách nói có vẻ hơi cao ngạo của ông. Tất cả các điều ấy dẫn anh đi đến kết luận rằng, anh đã sai địa chỉ và phải tiếp tục tìm kiếm chỗ khác.
Anh vừa bước ra khỏi phòng thì vị đạo trưởng đã thấy tên quỷ ngồi trong góc. Ông nói, “Mầy khỏi lo, Tên Cám Dỗ, nó thuộc về mày từ đầu”.
Đó là số phận của những ai đi tìm Thiên Chúa, họ sẵn sàng lột bỏ tất cả, ngoại trừ ý niệm về những gì đích thực là Ngài.
Người ta sẽ không bao giờ phạm tội nếu thật sự ý thức sự hiểm nghèo họ gặp phải mỗi khi làm một điều gì đó. Than ôi! Hầu hết người ta quá mê muội để có thể có được một chút ý thức về những gì họ đang gây ra cho chính mình.
Một gã say xuống phố với hai lỗ tai sưng rộp. Một người bạn hỏi y điều gì đã xảy ra để hai tai bị rộp như thế.
“Vợ tôi không tắt bàn ủi, và khi chuông điện thoại reo, tôi cầm nhằm bàn ủi”, gã nói.
“Nhưng với tai kia thì sao?”.
“Cái thằng chết tiệt kia gọi lại”.
Một bác sĩ giải phẩu người Áo nói với sinh viên của ông rằng, một nhà phẩu thuật cần đến hai khả năng: không ói và biết quan sát. Sau đó ông nhúng một ngón tay vào dịch gây nôn và liếm nó đồng thời yêu cầu sinh viên của ông làm như vậy. Nhóm sinh viên gồng mình làm thử và quyết không chùn bước.
Nở một nụ cười, nhà giải phẩu nói, “Tôi chúc mừng các bạn vượt qua trắc nghiệm đầu tiên. Nhưng thật không may, trắc nghiệm thứ hai thì không, vì không ai trong các bạn lưu ý ngón tay tôi liếm không phải là ngón tay tôi nhúng vào dịch bẩn”.
Qua những trợ lý, mục sư của một cộng đoàn trù phú gửi lời chào đến giáo dân của mình sau buổi thờ phượng ngày Chúa Nhật. Vợ ông thuyết phục ông hãy tự mình làm công việc đó, “Sẽ không lố bịch sao nếu sau một vài năm, ông không biết bổn đạo của mình?”.
Vậy là Chúa Nhật sau đó, ông ra đứng ở cửa nhà thờ sau giờ thờ phượng. Người đầu tiên bước ra là một phụ nữ ăn mặc giản dị, hẳn là một người mới đến đây lần đầu.
Mục sư lịch thiệp bắt tay và nói, “Chào bà, tôi rất hân hạnh khi bà đến đây cầu nguyện với chúng tôi”.
Người phụ nữ rụt rè thoái thác, “Cám ơn ngài”.
“Hy vọng bà sẽ thường xuyên đến với các nghi lễ của chúng tôi. Bà biết, chúng tôi rất sung sướng khi đón tiếp những khuôn mặt mới”.
“Vâng, thưa ngài”.
“Bà ở trong xứ này chứ?”.
Người phụ nữ không biết phải nói làm sao.
Vị mục sư nói tiếp, “Nếu bà cho tôi địa chỉ, chiều nào đó, vợ chồng tôi sẽ ghé thăm bà”.
“Không thưa ngài, ngài không cần đi đâu cả, tôi là bà bếp của ngài”.
Một gã lang thang đến gõ cửa xin bố thí tại văn phòng một ông nhà giàu. Ông nhà giàu bấm chuông gọi người thư ký mà bảo, “Anh có thấy kẻ khốn cùng bất hạnh kia không? Coi kìa, giày lão rách lòi cả ngón chân, quần thì thủng, áo thì sờn. Tôi dám chắc là lão chẳng cạo râu, chẳng tắm rửa, cũng chẳng có một bữa ăn tử tế từ nhiều ngày rồi. Thật đau lòng khi nhìn thấy những con người trong cảnh thảm hại như thế -- vậy, tống cổ lão cho khuất mắt tôi, nhanh lên!”.
Một người cụt hai tay hai chân ăn xin bên lề đường. Lần đầu tiên trông thấy anh, lương tâm tôi đánh động và tôi phải làm phúc cho anh. Lần thứ hai, tôi cho anh ít hơn. Lần thứ ba, tôi lạnh lùng giao anh cho cảnh sát chỉ vì anh xin ăn nơi công cộng và gây phiền toái.
Tại một hang núi trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, một ẩn sĩ đang chiêm niệm chợt mở mắt thì thấy một vị khách bất ngờ đang ngồi trước mặt ông, đó là viện phụ của một đan viện nổi tiếng.
Ẩn sĩ hỏi, “Ngài tìm kiếm điều gì?”.
Cha đan phụ kể cho ẩn sĩ một chuyện đáng buồn. Đã một thời, đan viện của ngài nổi tiếng khắp thế giới phương tây. Các gian phòng của đan viện đầy những người dự tu và nguyện đường vang vọng lời kinh tiếng hát của các đan sĩ. Rồi những ngày khó khăn đã đến. Người ta không còn lũ lượt đến đây để tìm của ăn tinh thần, nhóm người dự tu cũng khan hiếm; nguyện đường trở nên im ắng. Chỉ còn lại một nhóm ít ỏi mấy đan sĩ với những bổn phận xem ra nặng nề đối với họ.
Giờ đây, điều mà cha đan phụ muốn biết là “do đâu mà đan viện của tôi lại tụt dốc đến thảm trạng này, có phải do một tội lỗi nào đó của chúng tôi chăng?”.
- Đúng vậy, ẩn sĩ trả lời, đó là “tội vô tri”.
- Vô tri là thế nào?
“Một trong quý vị là Đức Kitô cải trang mà quý vị chẳng hề nhận ra điều này”. Nói xong, ẩn sĩ nhắm mắt và tiếp tục chiêm niệm.
Suốt con đường gồ ghề trở về đan viện, lòng cha đan phụ bồi hồi với ý tưởng Chúa Kitô - chính Chúa Kitô -- đã trở lại trần gian và đang sống trong đan viện. Làm sao mình lại không nhận ra Ngài? Ai mới thực là Ngài? Thầy làm bếp? Thầy coi phòng thánh? Thầy thủ quỹ? Hay thầy phó bề trên? Không, không đâu: thầy ấy nhiều sai sót lắm. Nhưng vị ẩn sĩ đã bảo Ngài cải trang mà? Làm sao Ngài lại cải trang thành một con người đầy sai sót như thế? Thử nghĩ xem, trong đan viện này có ai là không có khuyết điểm; vậy mà một trong những con người này lại là Chúa Kitô!
Về tới đan viện, ngài liền họp các đan sĩ, kể lại những gì mình khám phá. Mọi người nhìn nhau nghi ngại. Chúa Kitô? Ở đây? Không thể tin được! Nhưng giả thiết Ngài giả trang ở đây, thì cũng có thể. Vậy có thể là người này người nọ, hay vị nào đằng kia? Hoặc là...
Một điều chắc chắn là nếu Chúa Kitô cải dạng giữa họ thì xem ra không tài nào họ nhận ra Ngài được. Vậy là họ bắt đầu trân trọng và quan tâm đến nhau. Mỗi khi có việc với nhau họ tự nhủ: “Không chừng là Ngài đây”.
Kết quả là bầu khí đan viện trở nên rộn rã ngập tràn niềm vui. Chẳng bao lâu, hàng tá người dự tu đến xin nhập dòng và một lần nữa, nguyện đường lại ngân vang lời ca tiếng hát với sự thánh thiện và niềm vui của các đan sĩ rạng ngời yêu thương.
Ích gì cho đôi mắt khi con tim mù loà?
Một tù nhân trải qua nhiều năm trong một nhà giam cô quạnh. Anh không gặp người nào và cũng chẳng chuyện trò với ai; các phần ăn của anh được chuyển vào qua một cái lỗ.
Ngày kia, một con kiến bò vào xà lim của anh. Người tù nhìn ngắm say sưa một con kiến bò quanh căn phòng. Anh bắt nó lên lòng bàn tay để quan sát rõ hơn, cho nó một hoặc hai hạt cơm, và đêm đến, anh nhốt nó dưới cái ly nhôm của mình.
Ngày kia, anh sửng sốt khi biết rằng, phải mất những mười năm trong nhà tù cô quạnh này anh mới khám phá ra vẻ đáng yêu của một con kiến.
Một chiều mùa xuân thật đẹp, có người bạn ghé thăm El Greco, một hoạ sĩ Tây Ban Nha, anh thấy hoạ sĩ ngồi trong phòng, rèm buông.
Anh nói, “Hãy ra ngoài với ánh nắng”.
“Không phải bây giờ, El Greco trả lời, vì sẽ quấy rầy ánh nắng đang dọi trong tôi”.
Một kinh sư mù loà, không thể đọc cũng như nhìn thấy những người đến thăm.
Một thầy thuốc nói với ông, “Ngài hãy phó mặc cho sự chăm sóc của tôi, tôi sẽ chữa ngài khỏi cảnh mù loà”.
Vị kinh sư đáp, “Không cần phải thế, tôi có thể thấy những gì tôi cần”.
Không phải mọi người nhắm mắt đều ngủ, và cũng không phải ai mở mắt đều có thể nhìn thấy”.