Một linh mục đang ngồi soạn bài về sự quan phòng trên chiếc bàn cạnh cửa sổ thì nghe một tiếng gì đó phát ra như tiếng nổ. Ngay sau đó, ông thấy người ta hớt ha hớt hãi, chạy tới chạy lui và ông biết… đập vỡ, sông tràn, người ta đang di tản.
Linh mục thấy nước tràn trên đường, thật khó khăn để ông kìm nén cảm giác sợ hãi đang dâng lên trong lòng, nhưng ông tự nhủ, “Ở đây, mình đang chuẩn bị bài giảng về sự quan phòng và đang có cơ hội để thực hành điều mình giảng. Mình sẽ không chạy trốn với những người khác. Mình sẽ ở ngay đây và tín thác vào sự quan phòng của Chúa”.
Nước lên tới cửa sổ, một chiếc thuyền đầy người ghé qua. “Cha ơi, nhảy vào”, họ la lên. “Ồ không, các con ạ”, Cha nói đầy tin tưởng, “Cha tin vào sự quan phòng của Chúa”.
Dẫu vậy, ông cũng đã leo lên mái nhà và khi nước dâng lên đến đó, một con thuyền đầy người khác ghé qua, hối thúc ông lên thuyền với họ. Ông lại từ chối.
Lần này, ông leo lên đến đỉnh tháp chuông. Khi nước lên đến đầu gối, một nhân viên thuyền máy được gửi đến cứu ông. “Không, cám ơn anh nhân viên”, ông cười bình thản bảo, “Anh thấy đấy, cha tín thác vào Chúa. Ngài sẽ không bao giờ để cha thất vọng”.
Kết cục, vị linh mục chết đuối, khi vào thiên đàng, điều đầu tiên là ông phàn nàn với Chúa, “Con tín thác vào Chúa! Thế tại sao Chúa không làm gì để cứu con?”.
“Ồ”, Chúa nói, “con biết là Ta đã gửi đến ba chiếc thuyền”.
Hai thầy dòng đi nghỉ. Một trong hai người thực hành linh đạo thu tích, người kia tin vào sự từ bỏ. Suốt ngày họ nói đến linh đạo riêng của mình cho đến một tối nọ, khi họ đến một bờ sông thì chuyện xảy ra.
Bây giờ người tin vào sự từ bỏ không mang tiền theo nói, “Chúng ta không thể thuê thuyền để qua sông, nhưng tại sao phải quấy nhiễu thân xác? Chúng ta sẽ qua đêm ở đây, ca tụng Chúa, và chắc chắn ngày mai chúng ta sẽ gặp một tâm hồn quảng đại nào đó, người sẽ trả lộ phí cho chúng ta”.
Người kia bảo, “không có ngôi làng nào ở sông này, không có lán trại, nơi trú ẩn cũng không. Chúng ta sẽ bị thú dữ ăn thịt, bị rắn cắn hay bị cái lạnh làm cho chết cóng. Ở bờ bên kia, chúng ta có thể qua đêm an toàn và thoải mái. Tôi có tiền trả người đưa đò”.
Khi họ đã an toàn qua bờ bên kia, thầy dòng thứ hai quở trách người bạn đường, “Anh đã thấy giá trị của việc giữ tiền chưa? Tôi có thể cứu mạng anh và tôi. Điều gì sẽ đến với chúng ta nếu tôi cũng là người từ bỏ như anh?”.
Người kia đáp, “Chính sự từ bỏ của anh đã mang chúng ta đến sự an toàn, vì anh đã từ bỏ tiền bạc của anh để trả cho người đưa đò? Ngoài ra, tôi không có một đồng xu dính túi, nhưng túi của anh trở thành túi của tôi. Tôi nhận thấy mình không bao giờ đói khổ, tôi luôn luôn được cung cấp”.
Tại một bữa tiệc ở Nhật, vị khách được giới thiệu một thức uống nổi tiếng của xứ sở hoa anh đào. Sau khi nếm thử, vị khách thấy đồ đạc trong phòng xoay quanh.
“Đây là một loại thức uống rất mạnh”, ông nhận xét với chủ.
“Không có gì đặc biệt cả”, chủ đáp, “Đang có động đất”.
Một con voi lạc bầy chạy qua một chiếc cầu nhỏ bằng gỗ vắt ngang một khe núi.
Chiếc cầu mục lung lay, kêu cót két và hầu như không chịu được sức nặng của con voi.
Khi đã qua bên kia bờ an toàn, từ trong tai nó, một con bọ chét la lên với sự thỏa mãn đầy anh dũng, “Cậu à, chúng ta đã làm rung chiếc cầu!”.
Với độ chính xác có tính khoa học, một bà cụ quan sát nhưng không hiểu làm sao, con gà trống nhà bà cất tiếng gáy ngay trước lúc mặt trời mọc mỗi ngày. Vì thế bà đi đến kết luận, tiếng gà của bà làm cho mặt trời mọc.
Vì thế, khi con gà chết, bà nhanh chóng thay con gà khác vì sợ rằng mặt trời sẽ không mọc vào sáng hôm sau.
Ngày kia, sau khi cãi nhau với người hàng xóm, bà quyết định dời nhà ra khỏi làng để sống với người chị cách đó vài dặm.
Sáng hôm sau, khi con gà trống nhà bà gáy và một chốc sau đó, mặt trời mới bắt đầu mọc lặng lẽ ở chân trời. Bà cả tin với những gì mình biết từ trước đến nay: giờ này, mặt trời mọc ở đây và chắc chắn làng của bà đang chìm trong bóng tối. Ôi, họ phải kêu nài bà thôi!
Tuy nhiên, bà lại thắc mắc không hiểu tại sao những người ở làng của bà không đến để xin bà mang con gà trống trở về với họ. Bà nghĩ, họ thật ngoan cố và ngu xuẩn.
“Thế đây là lần đầu tiên ông đi máy bay? Ông có sợ không?”.
“Ồ, nói thật, tôi đã không dám đặt toàn bộ trọng lượng của tôi lên chỗ ngồi nữa”.
Một môn đệ cỡi lạc đà đến lều của Thầy Đồng. Anh leo xuống, bước thẳng vào lều, cúi xuống và thưa, “Con tín thác vào Chúa hoàn toàn nên Thầy coi, con dám để lạc đà của con bên ngoài vì đoan chắc Chúa sẽ bảo vệ của cải cho những ai mến yêu Ngài”.
“Đồ ngốc, hãy đi buộc lạc đà lại!”, Thầy bảo. “Chúa không thể bị phiền hà để làm cho anh những gì anh hoàn toàn có thể làm cho mình”.
Goldberg có khu vườn đẹp nhất thành và mỗi lần vị đạo sĩ đi ngang, ông gọi chủ nhà và nói, “Khu vườn của anh là một biểu tượng của vẻ đẹp. Chúa và anh cùng làm!”.
“Cám ơn đạo sĩ”, Goldberg cúi đầu thưa.
Điều này diễn ra hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Ít nhất hai lần một ngày, trên đường ra vào hội đường, Đạo sĩ sẽ hô lên, “Chúa và anh cùng làm!” cho đến khi Goldberg cảm thấy phiền toái trước những lời khen của đạo sĩ.
Vì thế, lần tiếp theo khi đạo sĩ bảo, “Chúa và anh cùng làm”, Goldberg đáp lại, “Điều đó có thể đúng. Nhưng lẽ ra, ngài đã thấy khu vườn này khi một mình Chúa chăm sóc nó!”.
Trong tác phẩm Truyện các Thánh, Attar kể chuyện Ông Đồng Habib Ajami, ngày kia đi tắm ở một con sông, giấu áo choàng trên bờ. Bấy giờ Hasan Basra tình cờ đi ngang qua, thấy chiếc áo, nghĩ rằng ai đó bất cẩn để quên nên quyết định đứng trông chừng nó cho đến khi chủ nhân của nó xuất hiện.
Khi Habib đi tìm chiếc áo, Hasan bảo “Ngài giao chiếc áo này cho ai khi đi tắm? Có lẽ người ta đã cuỗm nó!”.
Habib đáp lại, “Tôi giao nó cho sự trông nom của Đấng giao cho anh nhiệm vụ trông chừng nó!”.
Một người đàn ông lạc trong sa mạc. Về sau, khi mô tả thử thách này cho một người bạn, anh kể mình đã vô vọng quỳ xuống van xin Thiên Chúa cứu giúp thế nào.
“Và Chúa có đáp lại lời van xin của anh không?”, người kia hỏi.
“Ồ, không! Trước khi Ngài có thể làm một cái gì đó thì một nhà thám hiểm xuất hiện và chỉ đường cho tôi”.
Một nhóm đàn ông sắp làm bố ngồi lo lắng trong phòng đợi. Cô y tá vẫy gọi một người trong họ và nói, “Xin chúc mừng, anh có một bé trai”.
Một người đàn ông khác đánh rơi tạp chí, nhảy lên và la, “Ê, cái gì? Tôi đến đây trước anh ta hai giờ!”.
Có những chuyện ngoài dự tính.
Chủ tịch của một tập đoàn ngân hàng lớn nhất thế giới nằm bệnh viện. Một trong những phó chủ tịch đến thăm với thông điệp: “Tôi mang đến cho ngài những lời chúc tốt đẹp của Ban Giám Đốc, mong ngài sớm bình phục và sống thọ trăm tuổi. Đó là quyết định chính thức được thông qua với tỉ lệ mười lăm trên sáu và hai phiếu trắng”.
Có bao giờ chúng ta ngừng vận dụng sức lực mà đốt lửa, tưới cho nước ướt và tô màu cho hoa hồng?
Một gia đình những người di cư có ấn tượng tốt với nước Mỹ - đặc biệt cô con gái sáu tuổi, người nhanh chóng hội nhập quan điểm khi cho rằng, những gì của Mỹ thì không chỉ tốt nhất mà còn hoàn hảo.
Ngày kia một người láng giềng bảo cô bé rằng mình sắp có em bé, vì thế Mary bé bỏng về nhà hỏi mẹ, tại sao mình không có một em bé như thế. Ngay sau đó, mẹ cô quyết định cho cô thấy những vấn đề của cuộc sống, bà giải thích, cần khoảng chín tháng để một em bé chào đời.
“Những chín tháng!?”, Mary phẫn nộ la lớn. “Nhưng mẹ à, mẹ không quên đây là nước Mỹ đấy chứ?”.
“Mẹ, con muốn một em trai”.
“Nhưng con vừa mới có một đứa”.
“Con muốn đứa khác”,
“Ồ, con không thể có thêm một đứa sớm như vậy được. Cần có thời gian để tạo ra một đứa khác”.
“Tại sao mẹ không làm điều cha làm ở xí nghiệp?”.
“Cái gì?”.
“Thuê thêm nhiều người đàn ông làm việc đó”.
Một phụ nữ mơ mình đi vào trong một cửa tiệm và ngạc nhiên thấy Chúa đàng sau quầy tính tiền.
“Chúa bán gì ở đây thế?” bà hỏi.
“Mọi thứ lòng con muốn”, Chúa đáp.
Hầu như không dám tin vào những gì mình nghe, người phụ nữ quyết định yêu cầu những điều tốt đẹp nhất mà một người mong muốn. “Con muốn tâm trí bình thản, tình yêu, hạnh phúc, sự khôn ngoan và giải thoát khỏi sợ hãi”, bà thưa. Rồi suy nghĩ một lúc, bà thêm, “Không chỉ cho con. Mà cho mọi người trên trần gian”.
Chúa cười, “Ta nghĩ con đã làm cho Ta lầm, con yêu quý”, Ngài bảo. “Ở đây chúng ta không bán quả. Chỉ hạt giống thôi”.
Một người đàn ông mộ đạo gặp thời khó khăn. Vì thế ông bắt đầu cầu nguyện theo cách sau: “Lạy Chúa, xin hãy nhớ những năm tháng con thờ phượng Ngài tốt nhất có thể, những lúc con không xin một điều gì. Giờ đây, con già yếu và phá sản, con sẽ xin một ân huệ đầu tiên trong đời và con chắc Ngài sẽ không từ chối. Xin cho con trúng số”.
Từng ngày trôi qua. Tuần này, tháng khác… không điều gì xảy ra. Cuối cùng, gần như rơi vào thất vọng, đêm nọ ông kêu lên, “Tại sao Ngài không cho con một vận may, lạy Chúa?”.
Đột nhiên, ông nghe Chúa trả lời, “Chính con hãy cho ta một vận may! Tại sao con không mua một tấm vé?”.
Lần kia, một nhà sáng tác trẻ đến tham vấn Mozart về cách phát triển tài năng âm nhạc của mình.
“Anh hãy bắt đầu với những điều đơn giản”, Mozart bảo, “chẳng hạn những bài hát”.
“Nhưng ông sáng tác những bản giao hưởng khi còn là một đứa trẻ!”, người đàn ông phản đối.
“Đúng thế. Nhưng rồi tôi đã không phải đến xin ai khuyên về cách phát triển tài năng”.
Một cụ ông ở tuổi chừng tám mươi có lần được hỏi bí quyết về sức chịu đựng lớn lao của mình.
“Ồ”, ông trả lời, “Tôi không uống rượu, không hút thuốc và mỗi ngày bơi một dặm”.
“Nhưng tôi có một ông bác làm chính xác như thế, nhưng ông chết ở tuổi sáu mươi”.
“À, vấn đề của bác anh là ông ấy làm điều đó không đủ lâu”.
Sáng Chúa nhật sau Thánh lễ, Chúa và Phêrô đi chơi golf. Chúa phát bóng. Ngài đánh mạnh, xoáy quả bóng vào một mảnh đất gồ ghề gần đường lăn.
Ngay khi quả bóng sắp chạm đất, một con thỏ lao ra khỏi bụi cây, lấy miệng nhặt nó lên và chạy xuống đường lăn bóng. Đột nhiên một con đại bàng sà xuống, lấy móng gấp con thỏ lên và bay trên đồng cỏ.
Một người đàn ông cầm súng nhắm và bắn con đại bàng đang bay nửa chừng. Con đại bàng thả con thỏ xuống. Con thỏ rơi xuống trên cỏ và quả bóng lăn ra khỏi miệng và rơi vào lỗ.
Thánh Phêrô bực mình quay về phía Chúa và thưa, “Nào, bây giờ! Ngài muốn chơi golf hay muốn làm những chuyện vu vơ?”.
Còn bạn thì sao? Bạn có muốn hiểu và chơi trò chơi cuộc đời không, hay chỉ muốn đùa dỡn với những phép lạ?
Một chàng trai trẻ nhiệt tình vừa mới nhận bằng thợ sửa ống nước được dẫn tới xem thác Niagara. Anh nghiên cứu một chốc rồi bảo, “Tôi nghĩ tôi có thể sửa được”.