Một đêm kia, khi thầy Bruno đang cầu nguyện thì tiếng kêu ộp ộp của một con ếch quấy rầy thầy. Những cố gắng của thầy nhằm lờ đi cái âm thanh đó ồn ào đó xem ra vô hiệu. Từ khung cửa sổ, thầy hét lên, “Im, ta đang cầu nguyện”.
Vì là một người thánh thiện, nên lệnh của thầy được chấp hành ngay. Mọi sinh vật kìm giữ âm thanh của mình tạo nên một sự im ắng thuận lợi cho việc cầu nguyện.
Nhưng này đây, một âm thanh khác xen vào việc thờ phượng của thầy Bruno - một tiếng nói ậm ự thốt lên rằng, “Có lẽ Thiên Chúa cũng hài lòng với tiếng kêu ộp ộp của một con ếch như lời thầy hát các Thánh Vịnh”. Thầy Bruno dể duôi biện bạch, “Trong tiếng kêu ồn ào của một con ếch, có cái gì có thể làm vui tai Thiên Chúa?”. Nhưng giọng nói ấy vẫn không chịu thua, “Tại sao thầy không nghĩ đến việc Thiên Chúa cũng đã tạo nên cả những tiếng ồn?”.
Thầy Bruno quyết định tìm xem lý do. Thầy nhoài người qua cửa sổ và ra lệnh, “Hát!”. Tiếng ộp ộp nhịp nhàng của con ếch toả lan hoà chung với tiếng nhạc nền của tất cả những con ếch vùng lân cận. Và khi thầy Bruno cùng lên tiếng với âm thanh đó, thì chúng ngưng kêu và thầy khám phá ra rằng, nếu chịu dựng được chúng, chúng thật sự làm phong phú cái im ắng của đêm.
Với khám phá đó, tâm hồn thầy Bruno trở nên hài hoà với vạn vật, và lần đầu tiên trong đời, thầy hiểu ý nghĩa của việc cầu nguyện.
Chuyện Do Thái: Tại một thành phố nhỏ nước Nga, những người Do Thái đang nóng lòng đợi chờ một Rabbi. Đây là một dịp hiếm có, vì thế họ dành nhiều thời giờ chuẩn bị những câu hỏi được đặt ra cho con người lành thánh này.
Cuối cùng, ông cũng đến và gặp họ tại sãnh đường thị trấn, ông cảm nhận được sự căng thẳng của bầu khí khi mọi người đang nao nức chờ xem những câu trả lời cho họ từ phía ông.
Trước tiên, không nói với họ một lời, ông chỉ chăm nhìn vào mắt họ và ngâm lên một giai điệu buồn buồn không thành tiếng. Thế là mọi người ngâm nga theo. Ông bắt đầu hát và mọi người cùng hát. Ông đong đưa thân mình, nhảy múa trang trọng với những bước nhịp nhàng. Cộng đồng cùng nhảy theo. Trong phút chốc, mọi người bị cuốn hút vào điệu nhảy, tập trung hết cả tâm trí vào nhịp chân đến nỗi quên hết mọi sự trên đời. Và như thế mỗi người trong đám đông làm nên một tổng thể, những rạn nứt bên trong được chữa lành và không gì còn ngăn cản họ tìm gặp Chân Lý.
Gần một giờ sau, vũ điệu mới ngưng dần và dừng lại. Không còn căng thẳng nội tâm, bấy giờ, mọi người ngồi xuống trong an tĩnh, một sự an tĩnh đang ngập tràn căn phòng. Thế rồi, chiều hôm ấy vị kinh sư chỉ nói một câu duy nhất: “Tôi tin rằng, tôi đã giải đáp cho mọi vấn nạn của quý vị”.
Một tu sĩ Hồi Giáo được hỏi tại sao ông thờ phượng Thiên Chúa qua việc nhảy múa. Ông trả lời, “Vì lẽ thờ phượng Thiên Chúa có nghĩa là chết đi cho chính mình, múa nhảy giết chết cái tôi. Khi cái tôi chết đi, mọi vấn nạn cùng chết với nó. Ở đâu không có cái tôi, ở đó có tình yêu, có Thiên Chúa”.
Vị Thầy ngồi với các đồ đệ đang chăm chú lắng nghe. Ông nói, “Các bạn đã nghe nhiều kinh và đã đọc nhiều kinh. Chiều nay tôi muốn các bạn chứng kiến một lời kinh khác”.
Ngay lúc đó, màn mở ra và vũ điệu ba lê bắt đầu.
Một thầy đồng đạo Hồi trẩy đi hành hương đền Mecca. Kiệt sức vì hành trình dài, ông nằm mọp bên đường tại một vùng ngoại ô. Vừa chợp mắt vì buồn ngủ, ông bị một người hành hương đang giận dữ đánh thức một cách thô bạo. “Đây là lúc mọi tín đồ sụp đầu hướng về Mecca, còn anh lại chỉa chân về đền thánh. Anh thuộc loại Hồi Giáo nào?”. Thầy đồng không nhúc nhích, nhưng chỉ mở mắt và nói, “Này người anh em, anh làm ơn đặt chân tôi theo hướng nào mà chúng sẽ không chỉa vào Thiên Chúa?”.
Lời cầu của một người mộ đạo dâng Thần Vishnu:
“Lạy ngài, xin ngài tha ba trọng tội cho con: trước hết, con đã hành hương tại nhiều đền thánh của ngài nhưng lại quên mất ngài ở khắp mọi nơi; thứ đến, con thường cầu xin ngài trợ giúp nhưng lại quên rằng ngài quan tâm đến lợi ích của con hơn chính con; và sau hết, này con đang xin ngài tha thứ cho con khi con biết rằng, mọi tội lỗi của con đều đã được tha trước cả khi con phạm chúng”.
Sau nhiều năm làm việc, một nhà phát minh khám phá được cách thức làm ra lửa. Ông đem theo dụng cụ trẩy lên vùng tuyết phủ Bắc Cực và dạy cho một bộ lạc ở đó nghệ thuật làm ra lửa cùng những lợi ích của nó. Dân chúng bị cuốn hút bởi phát minh mới mẻ này đến nỗi quên cả việc cám ơn ông. Ngày kia, ông lặng lẽ bỏ đi nơi khác. Là một trong những người cao thượng hiếm có, ông chẳng trông mong được nhớ tới hay được tôn vinh. Những gì ông chờ đợi là sự mãn nguyện khi biết rằng một ai đó đã hưởng được lợi ích từ phát minh của ông.
Bộ lạc tiếp theo ông đi đến cũng nóng lòng học hỏi như bộ lạc trước. Nhưng các thầy sãi ở đó lại phát ghen vì ảnh hưởng của con người xa lạ này trên dân chúng, họ cho người giết ông. Để tránh mọi nghi ngờ về tội ác này, họ đặt một bức tượng của nhà phát minh vĩ đại ngay trên bàn thờ chính của đền thờ và một nghi lễ được phác thảo, trong đó tên tuổi của nhà phát minh sẽ được tôn kính và lưu truyền. Người ta hết sức quan tâm để không một đề mục nào trong nghi thức này phải thay đổi hay bị bỏ qua. Vật dụng làm ra lửa được đặt trịnh trọng trong một chiếc hộp và mọi người bảo nhau, tất cả những ai có lòng tin đặt tay trên đó đều được chữa lành mọi bệnh tật.
Chính vị thầy sãi trưởng nhận trách nhiệm biên soạn Tiểu Sử Nhà Phát Minh. Tác phẩm này đã trở thành Sách Thánh, trong đó lòng nhân ái của nhà phát minh được đề cao như một gương mẫu để mọi người noi theo, những công trình hiển hách của ông được tán dương, bản tính siêu phàm của ông làm nên điều phải tin. Các thầy sãi phải liệu làm sao để Sách thánh được lưu truyền cho các thế hệ tương lai trong khi chính họ giải thích một cách có thẩm quyền những gì nhà phát minh dạy và ý nghĩa sự sống cũng như sự chết thánh thiêng của ông. Các vị sẽ trừng phạt đến chết hoặc trục xuất bất cứ ai lạc xa giáo thuyết của họ. Bị chụp lấy bởi những bổn phận mang tính đạo đức đó, dân chúng quên hẳn nghệ thuật làm ra lửa.
Thầy Lot đến cùng Cha Đan Phụ Joseph và nói: “Thưa cha, với khả năng của con, con giữ luật, chay tịnh, suy niệm, thinh lặng chiêm ngắm; và trong mức độ có thể, con thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi ý tưởng tà vạy. Giờ đây con còn phải làm gì?”. Cha Đan Phụ đứng tuổi đứng dậy, đưa hai tay lên trời và mười ngón tay của ngài như mười ngọn đèn đang cháy. Thầy nói, “Này đây: Hãy hoàn toàn trở nên lửa.
Một người thợ giày đến gặp thầy Isaac of Ger và nói, “Xin chỉ cho tôi biết phải đọc kinh sáng làm sao. Khách hàng của tôi là những người nghèo, họ chỉ có một đôi giày. Tôi nhận giày của họ vào chiều tối, sửa cho tới khuya, rạng sáng vẫn chưa xong để họ có giày cho kịp đi làm. Vậy câu hỏi của tôi là làm sao tôi có thể đọc kinh sáng?
Vị kinh sư hỏi lại: Thế thì từ trước đến giờ anh đọc kinh thế nào?
Đôi khi tôi đọc kinh vội vã rồi trở lại với công việc - nhưng rồi cảm thấy không ổn. Nhiều lần bỏ đọc kinh và cảm thấy thiếu sót làm sao, thỉnh thoảng trong lúc tay tôi đưa búa lên thì gần như tôi nghe tiếng lòng mình thổn thức, “Tội nghiệp tôi, tôi không đọc kinh sáng được”.
Vị kinh sư liền nói, “Nếu tôi là Chúa, tôi sẽ thích lời thổn thức đó hơn là kinh sáng của anh”.
Chiều đã muộn, một nông dân nghèo từ chợ về nhà không tìm thấy cuốn sách đọc kinh của ông. Chiếc xe bò lại hỏng ngay giữa rừng gây phiền hà cho ông vì chắc một điều là hôm nay ông sẽ bỏ đọc kinh. Ông rất buồn vì không có sách để đọc kinh chiều trước khi trời tối.
Vì thế ông thưa với chúa, “Lạy Chúa, con thật dại dột, sáng nay con ra khỏi nhà mà không mang theo sách, trí nhớ của con lại kém cỏi đến nỗi không đọc được kinh nào nếu không có sách. Vậy con sẽ làm thế này: con sẽ đọc chậm rãi bản mẫu tự A, B, C... năm lần và Chúa, Chúa thuộc mọi kinh, có thể ghép các chữ lại với nhau thành những kinh nguyện mà con không thuộc”.
Nghe thế, Chúa mới bảo các thiên thần, “Trong tất cả các lời nguyện mà Ta nghe hôm nay, chắc chắn đây là lời nguyện hay nhất, vì nó thổ lộ từ một con tim đơn sơ và chân thành”.
Người công giáo có thói quen xưng tội với một linh mục và lãnh ơn xá giải như là dấu chứng sự tha thứ của Chúa. Nhưng vì quá thường xuyên nên có nguy cơ hối nhân sử dụng việc xưng tội như một bảo đảm, một chứng thư giúp họ thoát khỏi sự trừng phạt. Vì thế, họ cậy vào việc xá tội của linh mục hơn là lòng thương xót của Chúa.
Đây là điều mà Perugini, một họa sĩ người Italia thời Trung Cổ, bị cám dỗ khi hấp hối. Ông quyết định không xưng tội, vì cho rằng, nếu chỉ vì sợ mà xin xưng tội để được thoát chết là phạm thượng và nhục mạ Thiên Chúa.
Vợ ông chẳng biết gì về tâm trạng của ông nên dạm hỏi, liệu ông có sợ chết mà không xưng tội. Ông trả lời, “Bà ơi, bà hãy hiểu điều này: Nghề của tôi là vẽ, và ai cũng biết tôi là một họa sĩ. Nghề của Chúa là tha thứ, và nếu Ngài cũng rành rõi nghề của Ngài như tôi, thì tôi thấy chẳng còn lý do gì để sợ nữa”.
Hiền triết Ấn Độ Narada rất sùng kính thần Hari. Sùng kính đến độ ngày kia ông nghĩ, trên cõi đời này, chẳng có ai yêu mến thần hơn ông.
Biết được lòng ông, thần Hari bảo, “Narada, hãy vào thành kia bên bờ sông Ganges, tìm ở đó một người cũng sùng mộ Ta. Ở với người ấy sẽ có lợi cho ngươi".
Narada đến và gặp một nông dân. Mỗi sáng anh thức dậy sớm, xướng tên thần Hari chỉ một lần rồi vác cày ra đồng làm việc cả ngày. Chỉ mãi đến chiều tối trước khi anh buồn ngủ, anh mới gọi tên thần một lần nữa. Narada nghĩ, “Làm sao anh chàng quê mùa này lại sùng bái thần Hari cho được? Suốt ngày hắn ta chỉ dìm mình vào công việc”.
Bấy giờ thần Hari mới bảo Narada, “Hãy đổ đầy một tô sữa tới miệng, rồi bưng đi quanh thành phố và trở về mà không được làm rơi một giọt nào”. Narada làm như thần dạy. Sau đó thần hỏi, “Ngươi nghĩ đến ta được mấy lần khi ngươi đi vòng quanh thành phố?”.
“Không lần nào cả”. Narada trả lời. “Làm sao tôi có thể nghĩ đến ngài khi ngài yêu cầu tôi xem chừng tô sữa?”.
Bấy giờ, thần bảo, “Tô sữa đã thu hút sự chú ý của ngươi đến độ ngươi quên mất Ta. Vậy hãy coi người nông dân kia, dẫu gánh nặng gia đình, Ta vẫn được anh nhớ đến mỗi ngày hai lần!”.
Vị linh mục của ngôi làng kia là một ông thánh, mỗi lần có ai gặp chuyện khó khăn, họ đều tìm đến với ông. Thế là ông lui vào một nơi riêng biệt trong rừng và dâng một lời kinh đặc biệt. Chúa luôn luôn lắng nghe lời ông cầu xin và dân làng được cứu giúp.
Sau khi linh mục ấy qua đời, mỗi khi có vấn đề dân chúng lại kéo đến với vị kế nhiệm ông vốn không phải là một ông thánh nhưng lại biết bí mật nơi chốn linh thiêng trong rừng và cả lời kinh đặc biệt. Vậy ông câu nguyện thế này, “Lạy Chúa, Chúa biết con không thánh thiện nhưng hẳn Chúa sẽ không đóng lòng trước lời cầu xin của dân chúng. Vậy xin hãy nhận lời con và đến cứu giúp”. Chúa lại nhận lời và dân làng được cứu giúp.
Khi linh mục này qua đời, mỗi khi gặp khó khăn dân làng lại kéo đến với người kế nhiệm vốn biết lời cầu xin đặc biệt nhưng không biết chốn linh thiêng kia. Nên ông nói, “Lạy Chúa, Chúa bận tâm đến nơi chốn để làm gì? Không phải mọi nơi đều thánh khi có Chúa hiện diện? Vì thế, xin lắng nghe lời con và mau đến cứu giúp”. Chúa lại nhận lời và dân làng được cứu.
Giờ đây thì ông cũng chết, khi dân chúng gặp chuyện rắc rối, họ lại tìm đến người kế nhiệm ông vốn không biết cả cái chốn linh thiêng kia lẫn lời kinh đặc biệt. Vì thế, ông nói, “Lạy Chúa, Chúa không câu nệ hình thức nhưng lại quan tâm đến tiếng kêu của kẻ cùng khốn. Xin Chúa lắng nghe và mau đến cứu giúp”. Một lần nữa, Chúa lại ra tay.
Sau khi vị này qua đời, người ta lại chạy đến với người kế nhiệm ông mỗi khi có vấn đề. Nhưng vị này lại chuyên về tiền bạc hơn là cầu nguyện. Ông nói với Chúa, “Không biết Ngài thuộc loại Chúa nào đang khi Ngài hoàn toàn có khả năng giải quyết mọi khó khăn do chính Ngài gây nên. Chúa lại từ chối nhấc một ngón tay cho đến khi người ta kêu gào van vái? Vâng Ngài có thể đối xử với họ như Ngài thích”. Rồi ông trở lại với chuyện tiền bạc của mình và Chúa lại nhậm lời ông và ra tay cứu giúp.
Một bà lão say mê công việc làm vườn đã tuyên bố, bà chẳng tin một chút nào về những dự báo và một ngày kia các nhà khoa học sẽ tìm được cách thức điều khiển thời tiết. Theo bà, tất cả những gì cần thiết để chế ngự thời tiết chính là cầu nguyện.
Lẽ ra bà nên thay đổi niềm tin ngây ngô của mình chứ.
Ở nước Ấn Độ cổ xưa, người ta coi trọng các nghi thức kinh nguyện Vệ Đà vốn được cho là rất khoa học đối với việc khấn vái đến nỗi khi các hiền nhân cầu mưa thì không bao giờ một nơi nào phải hạn hán cả. Cũng vì thế mà một anh chàng nọ lấy kinh Vệ Đà để cầu khấn thần giàu Lakshmi, anh xin nữ thần cho anh được giàu có.
Ròng rã mười năm khấn nguyện không chút hiệu quả, bỗng ngày kia, anh thấy cái hư ảo của sự giàu sang và chấp nhận sống một cuộc đời từ bỏ anh trên núi Hy Mã Lạp Sơn.
Ngày kia, khi đang ngồi chìm đắm trong suy niệm, anh mở mắt ra và thấy trước mặt một người phụ nữ đẹp phi thường, ngọc thể chói sáng như một khối vàng. Anh lên tiếng hỏi:
“Bà là ai và làm gì ở đây?”.
Người phụ nữ đáp, “Ta là nữ thần Lakshmi mà suốt mười hai năm ngươi cầu khẩn, ta đến để ban cho ngươi điều ngươi ước mơ”.
Người ấy kêu lên, “A! Nữ thần kính mến, từ đó đến nay tôi được diễm phúc khi suy niệm và tôi không còn ước muốn giàu sang nữa. Ngài đến quá muộn. Hãy cho tôi biết tại sao ngài đến muộn thế?”.
“Để nói cho người biết sự thật” bà nói, “xét về kinh nguyện lễ nghi mà ngươi đã trung thành thực hiện, thì ngươi đáng được giàu sang. Nhưng vì thương yêu ngươi và muốn làm ích cho ngươi, ta đã giữ lại”.
Nếu được chọn, bạn sẽ chọn điều nào: được những gì mình cầu xin hay là được ơn sống bình an, dù lời cầu xin ấy được chấp nhận hay không chấp nhận?
Ngày kia, giáo trưởng Nasruddin thấy ông giáo làng dẫn một đám trẻ đến chùa, ông hỏi :
“Ông dẫn đám trẻ đến đây làm gì?”.
Ông giáo trả lời, “Hạn hán trong xứ và chúng tôi tin rằng lời cầu của những trẻ em vô tội này sẽ đánh động được lòng Đấng Toàn Năng”.
Vị giáo trưởng nói, “Điều quan trọng không phải là những lời kêu van của người vô tội hay kẻ gian ác, nhưng chính là sự khôn ngoan và ý thức.
Ông giáo la lên, “Làm sao ngài lại dám nói những lời phạm thượng đó trước mặt những đứa trẻ này! Ngài hãy chứng minh điều ngài vừa nói, bằng không, chúng tôi tố cáo thầy rối đạo”.
Vị giáo trưởng ôn tồn nói, “Dễ thôi. Nếu lời cầu nguyện của trẻ con đáng kể cho một điều gì, hẳn trong xứ này chẳng nơi nào có thầy giáo cả, bởi không gì trẻ con ngán ngẩm cho bằng phải đi học. Lý do thầy còn giữ lại những lời cầu ấy là rằng, chúng tôi, những người biết rõ hơn trẻ con, giữ thầy lại để dạy dỗ chúng.
Một cụ già đạo đức cầu nguyện mỗi ngày năm lần đang khi bạn đồng nghiệp của ông chẳng bao giờ đặt chân đến nhà thờ. Hôm mừng sinh nhật thứ tám mươi của mình, cụ già cầu nguyện như sau:
“Ôi lạy chúa! Từ lúc con còn trẻ, chưa một ngày nào mà con không đến nhà thờ buổi sáng và đọc kinh mỗi ngày năm lần. Con đi đâu, quyết định điều gì, quan trọng hay không quan trọng, không khi nào mà con không kêu danh Chúa. Nay, với tuổi già, con phải làm gấp đôi mọi chuyện đạo đức và cầu nguyện với Ngài không ngưng nghỉ, đêm cũng như ngày; vậy mà, con đây, vẫn nghèo đói như một con chuột nhà thờ. Ngài coi, ông bạn đồng nghiệp của con. Ông ấy uống rượu, bài bạc, thậm chí khi đã về già lại còn giao du với các bà xấu nết, vậy mà ông ấy cuộn mình trên vàng. Con sợ rằng chưa bao giờ ông ấy mở miệng cầu nguyện dù là một lời cầu nguyện đơn sơ nhất. Giờ đây lạy Chúa, con không cầu Chúa phạt ông ấy, vì như thế, con đâu còn là người có đạo. Nhưng xin Chúa hãy nói cho con, tại sao, tại sao, tại sao Chúa để cho ông ấy giàu có và tại sao Chúa lại đối xử với con như thế?”.
Chúa trả lời, “Bởi vì ngươi là kẻ quấy rầy Ta chưa từng thấy”.
Nội quy của một đan viện kia không bảo: “Đừng nói”, nhưng “Đừng nói, trừ phi bạn làm cho sự thinh lặng có ý nghĩa hơn”.
Về việc cầu nguyện, cũng có thể nói được như thế chứ?
Bà hỏi: “Tối nào con cũng cầu nguyện chứ?”.
Cháu nói: “Vâng, thưa bà!”.
Bà hỏi: “Mỗi sáng thì sao?”.
Cháu nói: “Không, vì ban ngày con không sợ”.
Sau cuộc chiến, một bà lão đạo đức bảo: “Chúa quá tốt lành với chúng ta. Chúng ta đã cầu nguyện và cầu nguyện rất nhiều, thế là bao nhiêu bom đạn đều trút xuống thành phố bên kia!”.
Cuộc bách hại người Do Thái của Hitler trở nên quá tàn bạo đến nỗi có hai người Do Thái quyết định ám sát ông. Họ ôm súng mai phục ở một địa điểm mà họ biết Hitler sẽ đi qua. Hitler đến trễ và một ý nghĩ kinh hoàng chợt đến với Samuel. “Joshua”, anh nói, “hãy cầu nguyện cho đừng có điều chi xảy ra với ông ấy!”.
Mỗi năm, các cô cậu đều có thói quen mời bà dì đạo đức của chúng đi chơi xa. Năm nay, chúng quên mất. Nhưng rồi, giấy mời cũng đến vào phút chót, dì chúng bảo, “Trễ quá rồi. Mình vừa cầu nguyện cho trời mưa”.
Một linh mục thấy có người phụ nữ tay ôm lấy đầu ngồi trong ngôi nhà thờ vắng tanh. Một giờ trôi qua, rồi hai giờ. Người phụ nữ vẫn ngồi đó.
Nghĩ rằng đây là một linh hồn thất vọng. Nóng lòng giúp đỡ cô, vị linh mục tiến lại phía cô và nói, “Tôi có thể giúp cô điều gì chăng?”. “Không, thưa Cha”, cô ấy đáp, “Con đã có được tất cả những gì con cần”.
Cho đến khi Cha xen vào!
Một cụ già có thói quen ngồi bất động hàng giờ cuối nhà thờ. Ngày kia, cha sở đến hỏi xem Chúa nói gì với ông. Ông già trả lời:
“Chúa không nói gì cả, Ngài chỉ nghe”.
“Vậy thì ông nói gì với Chúa?”.
“Con cũng chẳng nói gì cả, con cũng chỉ nghe”.
Bốn cấp độ của cầu nguyện:
Tôi nói, Chúa nghe.
Chúa nói, tôi nghe.
Không ai nói, cả hai đều nghe.
Không ai nói, chẳng ai nghe: Thinh lặng.
Thầy Bayazid Bistami mô tả sự tiến bộ của mình trong việc cầu nguyện thế này: “Lần đầu tiên viếng thăm toà Kaaba tại đền Mecca, tôi đã thấy Kaaba. Lần thứ hai, tôi đã thấy Thần của Kaaba. Lần thứ ba, tôi không thấy Kaaba, cũng chẳng thấy Thần của Kaaba”.
Ngày kia, hoàng đế Moghul, Akbar, đi săn trong rừng. Khi đến giờ cầu nguyện ban chiều, ông xuống ngựa, trải thảm trên mặt đất và quỳ gối cầu nguyện theo cách thức những người Hồi Giáo đạo đức khắp nơi thường làm.
Đúng lúc ấy, một cô thôn nữ hốt hoảng vì chồng chị đi từ sáng sớm mà nay vẫn chưa về. Cô vội vã chạy chỗ này chỗ kia lo lắng tìm chồng. Đang mải bận tâm, cô không hề để ý là hoàng đế đang cúi mặt quỳ đó, cô té trượt vào ông; vội vã đứng lên không một lời xin lỗi, cô chạy vào rừng.
Hoàng đế Akbar khó chịu vì sự gián đoạn đó, nhưng là một tín đồ Hồi Giáo ngoan đạo, ông cũng giữ luật không nói với bất kỳ ai trong giờ cầu nguyện.
Ngay khi ông cầu nguyện xong, cô thôn nữ trở lại, hớn hở sánh vai với người chồng vừa tìm được. Cô ngạc nhiên và khiếp sợ khi thấy Hoàng đế cùng đoàn tuỳ tùng. Hoàng đế Akbar đùng đùng nổi giận và gào lên với cô, “Giải thích thái độ vô lễ của ngươi, bằng không, sẽ bị phạt”.
Cô gái bỗng dưng hết sợ, nhìn vào mắt Hoàng đế và nói, “Thưa Đức Vua, con chỉ nghĩ đến nhà con đến nỗi con không thấy Đức Vua ở đây, cả khi con dẫm lên Đức Vua. Bởi lẽ lúc đó Đức Vua đang cầu nguyện, Đức Vua chỉ nghĩ đến một Đấng vốn vô cùng quý báu hơn cả chồng con. Vậy làm sao mà Ngài nhận ra con được?”.
Hoàng đế xấu hổ lặng thinh. Về sau, ông tâm sự với một người bạn rằng, một cô thôn nữ chẳng học hành gì cũng chẳng là giáo trưởng Hồi Giáo đã dạy cho ông ý nghĩa của việc cầu nguyện.
Ngày kia, vị Thầy đang cầu nguyện. Các môn đệ đến bên và hỏi: “Thưa thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”. Và đây là những gì ông đã dạy cho các đồ đệ:
Có hai người cùng đi qua một cánh đồng, họ thấy một con bò đực hung hãn. Lập tức họ đâm đầu chạy về bờ rào gần nhất và con bò vẫn bám sát. Cả hai người đều thấy rõ ràng là họ không thể thoát nổi, nên một người mới vội kêu lên với người kia, “Nó kìa! Vô phương rồi. Cầu nguyện đi! Nhanh lên!”.
Người kia la lớn, “Cả đời tôi không bao giờ cầu nguyện, giờ cầu làm sao đây?”.
“Không quan trọng. Bò sắp chộp mình rồi. Kinh gì cũng được”.
“Thôi, tôi đọc cái kinh cha tôi thường đọc trước bữa ăn, “Lạy Chúa, xin cho chúng con biết cám ơn Chúa thật lòng về những gì Chúa sắp ban cho chúng con …”.
Không ai nên thánh hơn những người học biết chấp nhận những gì mình có.
Cuộc đời mỗi người như một ván bài, những gì bạn được trao tặng là những quân bài đầu tiên để bạn khởi sự tốt nhất với hết khả năng.
Ai không chấp nhận những gì được trao, và cứ nằng nặc đòi những gì không thuộc về mình, sẽ thất bại.
Chúng ta không có quyền chọn lựa sống hay không sống cuộc đời này. Chỉ có một chọn lựa: phải sống làm sao.
Ngày kia, vị Thầy hỏi một đồ đệ điều gì đang làm anh phiền muộn.
“Con nghèo quá”, đồ đệ trả lời. “Quá khốn cùng đến nỗi con không thể học hành và cầu nguyện”.
Vị Thầy mới nói, “Chính lúc này đây, điều con phải học và cầu nguyện chính là chấp nhận cuộc sống như con đang có”.
Vào một ngày giá lạnh, vị Thầy và các đồ đệ của ông xúm quanh một bếp lửa.
Một trong các đồ đệ nhắc lại lời dạy của Thầy, “Vào một ngày giá buốt như thế này, tôi biết rõ tôi phải làm gì?”.
Những người khác hỏi, “Anh sẽ làm gì?”
“Giữ mình cho ấm!. Và nếu không thể được thì tôi vẫn biết phải làm gì?”.
“Làm gì nữa?”.
“Đông cứng lại”.
Không thể thật sự chối bỏ hay chấp nhận thực tại. Chạy trốn thực tại, chẳng khác nào chạy trốn đôi chân bạn. Chấp nhận thực tại, chẳng khác nào hôn lên đôi môi mình. Tất cả những gì bạn phải làm là nhìn xem, hiểu biết và thinh lặng.
Có người đàn ông đến với một bác sĩ tâm lý và nói rằng, đêm nào ông cũng nhìn thấy một con rồng mười hai chân, ba đầu. Ông suy nhược và không thể chợp mắt, ông sắp suy sụp hoàn toàn, thậm chí nghĩ đến việc tự tử.
“Tôi nghĩ là tôi có thể giúp ông” bác sĩ nói, “nhưng tôi nói cho ông biết là phải mất một hoặc hai năm và ông phải trả tới ba ngàn đôla”.
“Ba ngàn đôla!”. Người kia la lên, “Thôi, quên đi! Tôi sẽ về và làm bạn với nó!”.
Bị thuyết phục bởi những người láng giềng, nhà thần nghiệm Hồi Giáo Farid tìm tới triều đình ở Delhi mong xin Hoàng đế Akbar ban cho dân làng một đặc ân. Tới sân chầu, Farid thấy Hoàng đế Akbar đang cầu nguyện.
Cuối cùng, khi hoàng đế đã nhận lời, Farid liền hỏi, “Hoàng thượng vừa cầu xin điều gì?”.
Nhà vua trả lời, “Ta cầu xin Đấng Từ Bi ban cho ta thành công, của cải và trường thọ”.
Farid vội vã quay lưng, vừa đi vừa nói, “Ta đến đây để gặp một Hoàng đế; thế mà gặp phải một tên ăn mày không hơn không kém những tên ăn mày khác!”.
Một bà sùng đạo hết lòng yêu mến Chúa. Mỗi sáng bà đi lễ; trên đường, đám trẻ réo gọi, những người ăn xin bám sát… nhưng vì quá cầm lòng cầm trí đến nỗi bà không thấy họ.
Theo thói quen thường ngày, bà đến nhà thờ đúng giờ lễ. Đẩy cửa, nhưng hôm ấy, cửa đóng. Bà đẩy mạnh hơn và biết cửa đã khoá.
Bà thất vọng khi nghĩ rằng, sẽ bỏ lễ lần đầu tiên trong nhiều năm, và không biết phải làm gì, bà ngước nhìn lên. Và ở đó, ngay trước mặt bà, một mảnh giấy được găm vào cánh cửa. Nội dung: “Ta ở ngoài đó!”.
Người ta quen kể về một ông thánh nào đó rằng, mỗi khi rời nhà để đi làm những bổn phận đạo đức, ông đều nói, “Thôi, tạm biệt Chúa, con đi nhà thờ đây!”.
Ngày kia một đan sĩ đang đi dạo trong vườn nhà dòng, ông nghe tiếng chim hót.
Lắng nghe tiếng chim ca, tâm hồn ông ngây ngất. Ông tưởng chừng như trước đó chưa bao giờ nghe, nghe thực sự, tiếng chim hót.
Khi tiếng chim dứt, ông trở về đan viện và sững sờ thấy mình hoàn toàn xa lạ với anh em; họ cũng không biết ông.
Mãi lâu sau, cả họ và ông mới khám phá ra rằng, ông đã trở lại đan viện sau nhiều thế kỷ vắng mặt. Ông đã đi vào cõi vĩnh hằng khi hoàn toàn chú tâm vào tiếng chim ca thuở nào, lúc mà thời gian ngừng trôi.
Cầu nguyện trở nên hoàn hảo khi không còn vấn đề thời gian.
Không còn vấn đề thời gian một khi nhận thức trở nên tinh tuyền.
Nhận thức trở nên tinh tuyền khi thoát khỏi những tiên kiến và tất cả những gì được coi là hơn thua.
Bấy giờ, điều huyền diệu sẽ đến và tâm hồn ngập tràn sự ngỡ ngàng.
Vị Thầy mời ông Tổng Đốc thực hành suy niệm, ông bảo ông quá bận, ông đã nhận được mấy dòng này: “Ông làm tôi nghĩ đến một người bịt mắt đi trong rừng, người ấy quá bận để tháo tấm giải che mắt”.
Ông Tổng Đốc lại viện cớ không có thì giờ, vị Thầy bảo, “Thật là sai lầm khi nghĩ rằng, không thể cầu nguyện vì thiếu thời giờ: lý do thực sự là đầu óc ngài quá động đạc”.
Một chuyên gia nghiên cứu hiệu quả trình lên Henry Ford bản báo cáo của mình. “Như ông sẽ thấy, bản phúc trình hết sức tích cực, chỉ trừ anh chàng ngồi trong đại sảnh kia. Mỗi lần tôi đi qua, đều thấy gã ngồi gác chân lên bàn. Anh ta chỉ lãng phí tiền bạc của ông.
Henry Ford bảo, “Vậy mà anh ấy đã từng đưa ra một ý tưởng khiến chúng ta ăn nên làm ra. Tôi nhớ chính xác là lúc ấy chân anh ấy cũng gác trên bàn”.
Một tiều phu mệt lã người cứ mất thời giờ và sức lực đốn củi với một cài rìu đùi, bởi, như ông nói, ông không có giờ dừng lại để mài rìu.
Ngày xửa ngày xưa, có một khu rừng nơi chim chóc ca hát ban ngày và côn trùng rả rích ban đêm; cây cối tươi xinh, bông hoa đua nở, mọi tạo vật tha hồ rong chơi.
Tất cả những ai đến đây đều được dẫn đến Cô Tịch, nhà của Thiên Chúa, Đấng ngự trong thinh lặng và vẻ đẹp của thiên nhiên.
Nhưng rồi đã đến cái thời Vô Tri, lúc con người xây dựng những tòa nhà cao hàng nghìn feet và phá hủy sông ngòi, rừng núi trong vòng một tháng. Cũng thế, người ta xây cất những nơi thờ phượng bằng gỗ của cây rừng và những khối đá dưới đất rừng. Các ngọn tháp nhà thờ, của đền chùa vươn lên trời cao; không gian tràn ngập tiếng chuông ngân cùng với câu kinh tiếng hát và lời chúc tụng.
Và bỗng dưng, Thiên Chúa mất nhà.
Thiên chúa giấu kín mọi sự bằng cách đặt chúng trước mặt chúng ta!
Kìa! Hãy nghe tiếng chim ca, tiếng gió trong lùm cây, tiếng đại dương gầm thét; hãy nhìn một ngọn cây, một chiếc lá đang lìa cành, một bông hoa… như thể lần đầu.
Bỗng nhiên, bạn có thể gặp gỡ Thực Tại, gặp gỡ Thiên Đàng mà từ đó, ngay thời ấu thơ, chúng ta đã bị loại ra bởi sự hiểu biết của mình.
Nhà thần nghiệm Ấn Độ Saraha nói: “Hãy biết đến cái hương vị này, hương vị vắng bóng Đấng Toàn Tri”.