Một hành khách mỏi mệt bảo, “Trời đất ơi, tại sao họ lại xây nhà ga cách làng đến ba cây số?”.
Anh phu khuân vác trả lời, “Khi làm vậy, chắc họ có ý để nhà ga gần mấy chiếc xe lửa hơn”.
Một nhà ga siêu hiện đại cách xa đường rầy ba cây số là một điều vô lý cũng như một nhà thờ lúc nào cũng đông người chỉ cách xa cuộc sống có ba phân.
Tượng Đức Phật Kamakura đặt trong một đền thờ mãi cho đến ngày bão tố đánh sập đền thờ đó. Qua bao năm, khối tượng đồ sộ trơ gan cùng tuế nguyệt với mưa với gió cùng những thay đổi của thời tiết.
Một nhà sư bắt đầu gây quỹ để tái thiết đền thờ. Trong một giấc mơ, pho tượng hiện ra với ông và nói, “Đền thờ đó là một nơi giam cầm, không phải là chốn cư ngụ. Cứ để mặc ta với giông tố cuộc đời. Đó là chỗ của ta”.
Dov Ber, một người khác thường, ai đến với ông cũng tỏ ra ngần ngại. Ông là một người nổi tiếng thông thái về luật Do Thái, cứng nhắc và không khoan nhượng trong học thuyết của mình. Không bao giờ ông cười. Ông tin tưởng mạnh mẽ vào việc khổ đau người ta tự gây ra cho mình và nổi tiếng vì những cuộc trường chay. Cuối cùng, sự khổ chế chẳng đem lại ích gì cho ông. Ông lâm trọng bệnh và các thầy thuốc bất lực trong việc cứu chữa. Như một phương sách cuối cùng, có người đề nghị, “Tại sao không nhờ sự can thiệp của thầy sãi Shem Tov?”.
Dov Ber đồng ý, mặc dầu từ đầu ông chống lại ý tưởng đó bởi vì ông đã từng bất đồng quan điểm với thầy sãi Shem, người mà ông cho là có một cái gì đó xem ra dị giáo. Đang khi Dov Ber tin rằng cuộc sống chỉ có ý nghĩa bằng cách chịu đựng khổ đau thì thầy sãi Shem tìm cách làm nhẹ bớt nỗi khổ và dạy rằng, chỉ có tinh thần vui tươi mới đem lại ý nghĩa cho cuộc sống.
Khi thầy sãi Shem nhận lời thì đã quá nửa đêm, ông ra đi với áo khoác len và đội chiếc mũ lông tốt nhất. Vào phòng bệnh nhân, ông trao cho Dov cuốn Sách về sự Huy Hoàng. Dov Ber mở sách và đọc lớn tiếng.
Ông mới chỉ bắt đầu đọc chừng một phút thì người ta nói, thầy sãi Shem cắt ngang, “Thiếu một cái gì đó?”, “Thiếu một cái gì đó... trong niềm tin của ông”.
Người bệnh hỏi, “Thiếu cái gì?”.
“Linh hồn”, thầy sãi Shem nói.
Một đêm giá lạnh mùa đông, một nhà tu khổ hạnh lang thang gõ cửa một ngôi đền xin trú ẩn. Người đàn ông thảm hại đứng run rẩy dưới làn tuyết nên nhà sư trụ trì lưỡng lự dù rất muốn để ông ra đi nhưng lại bảo, “Được, thầy có thể ở lại, nhưng chỉ qua đêm. Đây là đền chùa chứ không phải trại tế bần. Sáng mai thầy phải đi”.
Nửa đêm, nhà sư nghe có tiếng răng rắc khác thường. Ông chạy vội vào chùa và thấy một cảnh tượng không thể tin được. Nhà tu khổ hạnh ấy đang sưởi ấm bên một đống lửa đốt ngay trong điện. Tượng Phật biến đâu mất. Nhà sư mới hỏi, “Tượng Phật đâu?”.
Kẻ lang thang chỉ vào đống lửa và nói, “Tôi chắc sẽ chết vì rét”.
Nhà sư sửng sốt kêu lên, “Ông điên rồi sao? Ông không biết ông đã làm gì? Đó là tượng Đức Phật! Ông vừa đốt tượng Đức Phật”.
Ngọn lửa tàn dần. Nhà tu hành nhìn chằm chằm vào ngọn lửa rồi lấy gậy khơi đống tro.
“Ông còn làm cái gì nữa đây?”, nhà sư la lên.
“Tôi tìm xương Phật, người mà ông nói là tôi đốt”.
Lâu sau, nhà sư thuật lại vụ việc cho một thiền sư, vị này bảo, “Ông là một nhà sư tồi, bởi anh đã coi trọng một Đức Phật chết hơn là một con người sống”.
Tetsugen, một sinh viên môn Thiền, quyết thực hiện một công trình lớn: in bảy ngàn bản kinh Phật, vốn cho tới lúc ấy, mới có bản văn bằng tiếng Tàu.
Anh rảo khắp nước Nhật để quyên góp tiền bạc cho dự án của mình. Một vài người giàu tặng anh tới cả trăm đồng vàng, nhưng phần lớn anh nhận là những đồng xu nhỏ của những người làm nông. Tetsugen biểu lộ một lòng biết ơn như nhau đối với người cho, không kể ít nhiều.
Sau mười năm đi đây đi đó, cuối cùng anh đã quyên đủ số tiền cần thiết cho dự định. Đúng lúc đó, nước lũ sông Uji dâng cao khiến cho hàng ngàn người không cửa không nhà cũng như không thức ăn. Tetsugen liền đem tất cả số tiền quyên góp cho dự án mình ấp ủ bấy lâu để để trợ giúp dân nghèo.
Rồi anh lại quyên góp để gây vốn. Phải mất nhiều năm, anh mới có đủ số tiền cần thiết. Một cơn dịch lan tràn khắp đất nước, và thế là Tetsugen lại đem tất cả số tiền đã gom để giúp những người khốn khổ.
Rồi một lần nữa anh lại lên đường gom góp và hai mươi năm sau, ước mơ kinh Phật xuất bản bằng tiếng Nhật cuối cùng trở thành hiện thực.
Bản in cho lần xuất bản đầu tiên của kinh Phật hiện được trưng bày tại tu viện Obaku, Tokyo. Người Nhật kể cho con cháu họ rằng, Tetsugen đã xuất bản kinh Phật cả thảy ba lần, hai lần đầu là những bộ kinh vô hình, vượt trỗi lần thứ ba.
Có hai anh em, một độc thân, một lập gia đình, cả hai là chủ một nông trại mà đất đai màu mỡ đem lại bao hoa màu. Phần thu hoạch được chia hai, mỗi người một nữa.
Lúc đầu mọi sự đều tốt đẹp. Nhưng đôi khi, người anh có gia đình bắt đầu thức giấc về đêm và nghĩ ngợi: “Thật không công bằng. Em ta không lập gia đình, chú ấy ở một mình và chỉ nhận phân nửa hoa màu. Mình có vợ và năm con; vậy là an tâm khi về già. Nhưng ai sẽ chăm sóc cho chú khi chú ấy già cả. Chú ấy cần dành dụm nhiều cho tương lai hơn là cho hiện tại. Cho nên, rõ ràng chú ấy cần nhiều hơn mình”.
Suy nghĩ như thế, người anh chỗi dậy lẽn đến chỗ người em, đổ vào kho của cậu một bao lúa đầy.
Cậu em độc thân cũng bắt đầu có những trăn trở tương tự. Mỗi khi thức giấc, cậu tự nhủ: “Rõ ràng là không công bằng. Anh mình có vợ và năm con vậy mà chỉ nhận một nửa hoa mầu. Còn ta, không phải nuôi ai cả ngoài thân mình. Vậy sẽ công bằng khi ông anh rõ ràng với nhiều nhu cầu hơn mình lại chỉ nhận như mình nhận? Vậy là cậu chỗi dậy mang một bao lúa đầy đổ vào kho của người anh.
Một đêm kia, cả hai cùng dậy một lúc và đâm sầm vào nhau khi mỗi người vác trên vai một bao lúa.
Nhiều năm sau, hai anh em qua đời và câu chuyện mới được kể lại. Thế rồi, khi dân làng có ý định xây một nhà thờ, họ chọn ngay điểm mà hai anh em ấy gặp nhau vì họ không thể nghĩ đến một chỗ nào khác thánh thiêng hơn.
Khác biệt quan trọng của việc giữ đạo không ở chỗ đi nhà thờ hay không đi nhà thờ nhưng ở chỗ yêu thương hay không yêu thương.
Ngày kia, một người chủ trại giàu có đột ngột về nhà và la lớn với vẻ lo lắng, “Rebecca, chuyện thật kinh khủng cho thị trấn chúng ta. Đấng Mêsia đang ở đây”.
Vợ ông hỏi, “Có gì mà kinh khủng? Tuyệt vời chứ. Sao ông hoảng hốt đến thế?”.
Người đàn ông lại la lên, “Tôi hoảng hốt ư? Sau bao năm đổ mồ hôi sôi nước mắt, chúng ta mới có được như ngày hôm nay. Chúng ta có hàng ngàn bê bò, kho lẫm đầy ắp và cây cối trĩu quả. Giờ đây chúng ta phải bỏ hết và đi theo ngài”.
Bà vợ ôn tồn bảo, “Thôi, bình tĩnh đi. Chúa là Thiên Chúa tốt lành. Ngài biết người Do Thái chúng ta luôn phải chịu đựng. Chúng ta phải đương đầu với Pharaon, Haman, Hitler - nghĩa là luôn luôn với một ai đó. Nhưng Thiên Chúa của chúng ta luôn có cách đối phó với họ, phải không? Ngài cũng có cách đối phó với Đấng Mêsia chứ?”.
Goldstein, chín mươi hai tuổi, người đã trải qua những cuộc tàn sát ở Ba Lan, những trại tập trung ở Đức và hàng chục cuộc bách hại khác chống lại người Do Thái.
Ông nói, “Ôi lạy Chúa! Liệu chúng con có thật là dân Chúa chọn không?”.
Có tiếng đáp lại từ trời, “Đúng thế, Goldstein, người Do Thái đúng là dân Ta tuyển chọn”.
“Vậy thì chưa đến lúc Chúa chọn một ai khác hay sao?”.
Một người vô thần rơi xuống từ một vách đá. Đang khi rơi xuống, ông víu được một cành cây nhỏ. Treo lơ lửng giữa trời và vực thẳm đầy những mỏm đá, ông biết chắc không thể nào níu lâu mãi như thế.
Rồi một ý tưởng chợt đến, ông kêu lớn tiếng, “Lạy Chúa”. Im ắng! Không tiếng đáp lại.
Ông lại kêu lên, “Lạy Chúa! Nếu có Chúa thì xin cứu tôi. Tôi hứa sẽ tin Ngài và dạy cho người khác cùng tin”. Vẫn im ắng!
Thế rồi khi sắp buông tay, ông nghe một tiếng oai nghi vang dội khắp vách núi, “Gặp gian truân, ai ai cũng thốt lên như thế”.
“Không, lạy Ngài, không”. Ông kêu lên với vẻ hy vọng hơn. “Tôi không như những người khác đâu. Tại sao Ngài không thấy, đó, tôi đã bắt đầu tin. Chính tôi đã nghe tiếng Ngài. Giờ đây, những gì Ngài cần làm là hãy cứu tôi, tôi sẽ loan truyền danh Ngài tới tận cùng trái đất”.
Tiếng nói đáp lại, “Tốt, Ta sẽ cứu ngươi. Nào! Buông tay ra!”.
Ông thất vọng kêu lớn, “Buông tay ra!”. Chúa nghĩ tôi điên rồi sao?”.
Người ta nói, khi Môisen ném gậy xuống Biển Đỏ, phép lạ đã không xảy ra. Chỉ khi người đầu tiên lao mình xuống biển thì sóng mới rút xuống và nước rẽ đôi, tạo nên một lối khô ráo cho người Do Thái đi qua.
Ngôi nhà của tu sĩ Hồi giáo Nasruddin bốc cháy. Ông vội chạy lên mái để thoát thân. Ở đó, khi đang cheo leo trên mái thì các bạn ông tụ lại bên dưới, căng một chiếc mền cho ông và la lớn, “Nhảy, thầy nhảy xuống đi!”.
Thầy Nasruddin nói, “Không! Không đâu. Tôi biết các người, nếu tôi nhảy, các người sẽ rút tấm mền và đánh lừa tôi”.
“Ôi! Thầy ơi! Đừng dại dột thế, không đùa đâu, nghiêm túc đấy. Nhảy đi!”.
“Không! Tôi không tin ai cả. Cứ trải tấm mền xuống đất, tôi sẽ nhảy”.
Người ta nghe một lão già keo kiệt cầu nguyện thế này, “Danh Chúa đáng chúc tụng đến muôn đời, nếu Đấng Toàn Năng ban cho con một trăm ngàn đôla, con sẽ cho người nghèo mười ngàn. Con hứa sẽ giữ lời. Chúa đáng được ngợi khen, và nếu Chúa không tin con, Ngài cứ trừ trước mười ngàn và chỉ gửi con chín chục ngàn thôi”.
Máy bay đang bay, bỗng viên phi công nói với hành khách, “Tôi rất tiếc phải thông báo cho quí vị rõ là chúng ta đang gặp nguy. Chỉ có Chúa mới có thể cứu chúng ta giờ này”.
Một hành khách quay sang hỏi một linh mục xem viên phi công nói gì, và được câu trả lời, “Ông ấy nói, hết hy vọng!”.
Hành hương đến thánh địa Mecca, một thầy đồng đạo Hồi sung sướng thấy không có mấy khách hàng hương tại đền thờ khi ông đến đó và như thế ông có thể khấn nguyện thoả thích.
Sau khi hoàn tất mọi chuyện đạo đức theo luật buộc, ông quỳ gối úp mặt xuống đất và nói, “Lạy Đấng Allah! Con chỉ ao ước một điều trong đời, xin ban cho con được ơn không bao giờ lại lỗi phạm tới Ngài”.
Nghe thế, Đấng Toàn Năng cười vang mà nói, “Mọi người đều cầu xin như thế. Nhưng nếu Ta ban cho mọi người ơn này, thì nói Ta nghe, còn ai nữa để Ta tha thứ?”.
Khi người ta hỏi một tội nhân về thói bạo dạn của anh lúc vào đền thờ, anh trả lời, “Không ai mà trời không che, chẳng ai mà đất không chở - và Chúa, Ngài không phải là đất là trời cho mọi người sao?”.
Một linh mục yêu cầu vị phó tế của mình chọn lấy mười người để hát kinh cầu cho một bệnh nhân.
Khi mọi người đến đông đủ, có kẻ nói nhỏ vào tai linh mục, “Có vài tên ăn trộm mà ai cũng biết trong số những người này”.
Vị linh mục nói, “Càng tốt. Khi Chúa khoá các cửa, thì chính những kẻ thành thạo này mới có khả năng mở chúng”.
Ngày kia, một khách bộ hành đang đi đường thì thấy một người cỡi ngựa phóng qua cách vội vã. Mắt y dữ tợn và đôi tay đầy máu.
Ít phút sau, một đoàn người cỡi ngựa khác tiến tới và hỏi người lữ khách có thấy một người có đôi tay đầy máu đi qua không. Họ nóng lòng đuổi theo y.
Người lữ khách hỏi, “Hắn là ai thế?”.
Người trưởng nhóm trả lời, “Một tên bất lương”. Người lữ khách hỏi, “Và các ông đuổi theo để bắt y và giao cho quan toà?”.
Người trưởng nhóm bảo,
“Không, chúng tôi đuổi theo để chỉ đường cho hắn trốn thoát”.
Chỉ sự hòa giải mới cứu được thế giới chứ không phải công lý; công lý thường có nghĩa là trả thù.
Một buổi tối nọ, thi sĩ Awkadi Kerman ngồi trước cửa nhà cúi nhìn vào một cái chậu. Tình cờ nhà sư Sham e-Tabrizi đi ngang qua. Ông hỏi nhà thơ, “Ông đang làm gì thế?”.
Thi sĩ trả lời, “Tôi đang ngắm trăng”.
Nhà tu hành ngạc nhiên nói, “Sẽ gãy cổ thôi, sao ông không nhìn thẳng vào mặt trăng trên kia?”.
Ngôn từ không đủ để phản ánh thực tại. Một người nghĩ mình biết được đền Taj Mahal bởi người ta đã cho ông ta xem một mảnh cẩm thạch và bảo ông rằng, ngôi đền ấy chỉ là một tập hợp những viên đá như thế. Một người khác nghĩ, vì đã thấy nước thác Niagara trong một cái chậu, nên xác tín mình biết rõ ngọn thác ấy như thế nào.
“Ôi, cháu bé của cô đẹp quá!”.
“Chẳng là gì cả! Chị phải xem ảnh của cháu mới biết!”.
Ngôn từ và khái niệm là những chỉ dẫn, không phải là phản ánh của thực tại. Như các nhà thần nghiệm Đông phương nói, “Khi nhà hiền triết chỉ mặt trăng, tất cả những gì tên khờ nhìn thấy chỉ là ngón tay trỏ”.
Buổi tối nọ, một chàng say loạng choạng đi lên cầu tình cờ gặp bạn mình. Cả hai tựa thành cầu và tán gẫu một hồi lâu. Bỗng gã say hỏi,
“Cái gì ở dưới kia vậy?”.
“Mặt trăng đấy”. Bạn cậu đáp.
Chàng say nhìn kỹ, lắc đầu không tin và nói, “Đồng ý, đồng ý! Nhưng quỉ tha ma bắt, làm sao tôi lại lên được đây?”.
Dường như không bao giờ chúng ta nhìn thấy thực tại.
Những gì chúng ta nhìn thấy là một phản ánh của thực tại dưới hình thức ngôn từ và những ý niệm vốn được cho là thực tại.
Thế giới chúng ta đang sống gần như chỉ là một cấu trúc của lý trí. Người ta được nuôi bằng ngôn từ, sống bằng ngôn từ và rã tan nếu không có nó.
Một hành khất níu áo một khách qua đường để xin tiền mua một tách cà phê. Người ấy kể lể, “Thưa ông, đã một thời, tôi là một thương gia giàu có như ông. Tôi chăm chỉ làm việc suốt ngày. Trên bàn của tôi là một khẩu hiệu: Sáng tạo trong suy nghĩ; Cương quyết trong hành động; Thách đố trong cuộc sống. Đó là khẩu hiệu đã hướng dẫn đời tôi -- và tiền cứ thế mà vào. Và rồi… và rồi…” toàn thân ông run rẩy vì nức nở… “cô hầu phòng đã vất bỏ khẩu hiệu của tôi cùng rác rưởi”.
Khi quét dọn sân đền, đừng dừng lại để đọc báo cũ. Khi quét dọn tâm hồn, đừng dừng lại để ve vãn những từ ngữ.
Ngày kia, có một người hết sức đần độn. Mỗi sáng thức dậy, anh ta cực nhọc mất thời giờ tìm áo xống đến nỗi anh ta sợ đi ngủ vì nghĩ rằng sẽ rất mệt nhọc mỗi khi thức dậy.
Một tối nọ, anh lấy một cây bút chì và tấm giấy rồi ghi rõ tên và vị trí từng cái áo, cái quần đã cởi ra. Hôm sau, anh lấy tấm giấy ra và đọc: “quần…ở chỗ này”; rồi mặc vào. “Áo…ở chỗ kia”; rồi mặc áo. “Mũ…ở chỗ nọ”; rồi đội mũ...
Anh đang rất sung sướng về những điều đó, thì bỗng một ý tưởng khủng khiếp nảy ra, “Còn tôi -- tôi đang ở đâu?”. Anh đã quên ghi lại điều này. Thế là anh ta đi tìm, tìm hoài, nhưng vô ích. Anh ta không thể tìm thấy chính mình.
Về những người nói, “Tôi đang đọc cuốn sách này để biết mình là ai” thì sao?
Một trong những hiền nhân nổi tiếng nhất của Ấn Độ cổ đại là thầy Svetaketu. Đây là bằng chứng khôn ngoan của ông: Khi chưa đầy bảy tuổi, ông được cha gửi đi học kinh Vệ đà. Nhờ chuyên cần và thông minh, chú bé toả sáng hơn các bạn đồng môn và sau cùng được coi là chuyên gia bậc nhất về bộ kinh Vệ đà -- và điều này xảy ra khi cậu mới chỉ xong thời niên thiếu.
Khi cậu về nhà; cha cậu muốn kiểm chứng khả năng của cậu, nên đã hỏi: “Con có học được điều mà nếu học nó, sẽ không cần học gì khác? Con có khám phá ra điều mà nếu khám phá được sẽ không hề đau khổ? Con có nắm bắt được điều mà người ta không thể dạy?
Cậu Svetaketu đáp, “Thưa cha không”.
Cha cậu liền bảo, “Này con, vậy thì những gì con học trong những năm qua quả là vô ích”.
Quá ấn tượng trước chân lý về những lời của cha, Svetaketu lập tức ra đi, để ngang qua thinh lặng cậu khám phá sự khôn ngoan vốn không thể diễn tả được bằng ngôn từ.
Khi ao hồ khô hạn, cá mú phơi mình trên đất, để chúng ẩm ướt đôi chút thì việc thổi cho chúng một hơi thở hay một bãi nước bọt vẫn không thể thay thế được việc thả chúng vào hồ. Đừng làm cho ai phấn chấn với những giáo thuyết, hãy ném họ vào thực tại. Vì bí quyết của sự sống được tìm thấy trong chính sự sống, không phải trong những giáo thuyết về sự sống.
Một kẻ đi tìm hỏi Ông đồng Jalal ad-Din ar-Rumi liệu kinh Koran có phải là một cuốn sách hay để đọc không?
Ông trả lời, “Tốt hơn anh nên hỏi chính mình liệu anh có ở trong tình trạng biết tận dụng nó không”.
Một nhà thần nghiệm Kitô giáo thường nói về Thánh Kinh rằng, “Dù thực đơn có hữu ích đến đâu, thì nó vẫn không tốt để ăn”.
Đứa trẻ trong lớp địa lý: “Lợi ích của kinh độ và vĩ độ là khi bạn đang chìm bạn có thể nói ra mình đang ở kinh độ và vĩ độ nào và họ sẽ tìm thấy bạn”.
Bởi vì có một từ cho sự khôn ngoan, nên người ta tưởng tượng mình biết khôn ngoan là gì. Nhưng không ai trở thành một nhà thiên văn từ việc hiểu biết ý nghĩa của từ “thiên văn học”.
Bằng cách thổi trên nhiệt kế, bạn làm cho nó ghi nhiệt độ cao hơn, nhưng bạn không làm ấm căn phòng.
Hằng ngày trong góc một thư viện ở Nhật, người ta thấy một vị thầy cao niên ngồi thiền tĩnh lặng.
“Con không bao giờ thấy thầy tụng kinh”, người quản thủ thư viện thưa.
“Tôi không bao giờ học đọc”, vị thầy bảo.
“Đó là một điều nhục nhã. Một người như thầy phải biết đọc sách. Thầy cần con dạy không?”.
“Ừ, hãy nói cho thầy hay”, thầy chỉ vào mình và bảo, “ý nghĩa của thái độ này?”.
Tại sao thắp đuốc khi vầng dương tỏa rạng? Tại sao tưới đất khi trời mưa như trút?
Một Guru, lãnh tụ tinh thần của người Hindu, hứa mặc khải cho một học giả hậu quả lớn hơn bất kỳ điều gì được gói gọn trong Kinh Thánh.
Khi học giả hăng hái hỏi điều đó, Guru bảo “Hãy đi ra giữa mưa và ngẩng đầu, giương hai cánh tay lên trời. Điều đó sẽ mang lại cho ông mặc khải đầu tiên”.
Ngày hôm sau, học giả đến trình thuật lại, “Tôi theo lời khuyên của ngài và nước chảy xuống cổ. Và tôi thấy mình như một kẻ ngốc hoàn toàn”.
“Tốt”, Guru bảo, “đối với ngày đầu tiên, đó không phải là một mặc khải sao?”.
Nhà thơ Kabir nói:
Nếu học giả mải mê nghiên cứu những lời hay ho mà con tim mình không ướt đẫm tình yêu thì có lợi gì?
Nếu một người theo phái khắc kỷ mặc áo choàng màu nghệ tây nhưng bên trong nhợt nhạt thì có lợi gì?
Nếu bạn cọ rửa thái độ luân lý của mình cho đến khi nó chiếu sáng mà không có âm nhạc bên trong thì có ích chi?
Môn đệ: Sự khác biệt giữa tri thức và khai sáng là gì?
Thầy: Khi có tri thức, anh dùng ngọn đuốc để chỉ đường. Khi được khai sáng, anh trở thành ngọn đuốc.
Một người nhảy dù lao ra khỏi máy bay vào một ngày trở gió bị một cơn bão lớn thổi ra khỏi lộ trình một trăm dặm. Dù của anh mắc kẹt trên một cành cây ở một nơi xa xôi hẻo lánh, vì thế anh bị treo đó hàng giờ, kêu cứu.
Cuối cùng ai đó đi ngang qua. “Anh trèo lên cái cây đó bằng cách nào?” người ấy hỏi.
Người nhảy dù trả lời. Rồi hỏi, “Tôi đang ở đâu?”.
“Trên cây”, người ấy đáp.
“Ồ, chắc ông là một giáo sĩ!”.
Người lạ mặt hốt hoảng. “Vâng. Sao anh biết?”.
“Bởi vì những gì ông nói thì dĩ nhiên đúng và vô dụng nữa”.
Một nhóm đang thưởng thức âm nhạc tại một nhà hàng Trung Hoa. Đột nhiên, nghệ sĩ độc tấu chơi một giai điệu khá quen thuộc; mọi người nhận ra giai điệu ấy nhưng không ai có thể nhớ tên của nó. Vì thế họ vẫy gọi người hầu bảnh bao và yêu cầu anh ta tìm xem nhạc sĩ đang chơi bài gì. Anh hầu đi núng nính trên sàn nhà, rồi trở lại với vẻ mặt chiến thắng và khẽ công bố, “Violin!”
Sự đóng góp của học giả cho linh đạo!
Vỡ kịch đang diễn ra ở một sân khấu làng quê khi màn đột nhiên hạ xuống và người quản lý bước ra trước khán giả.
“Thưa quý ông và quý bà”, ông nói, “tôi lấy làm đau buồn thông báo cho quý vị biết, nam diễn viên chính, một con người vĩ đại, đáng được chúng ta yêu mến vừa bị một cơn đau tim nguy tử trong phòng diễn viên. Vì thế, chúng tôi buộc phải ngưng vỡ kịch”.
Nghe thông báo này, một phụ nữ trung niên đồ sộ ở hàng trước đứng dậy và la lớn đầy kích động, “Nhanh lên! Hãy cho anh ta dùng xúp gà!”.
“Thưa bà”, người quản lý nói, “cơn đau tim rất nguy kịch. Anh ta sắp chết!”.
“Thế thì cho anh ta ăn xúp gà ngay lập tức!”.
Người quản lý bồn chồn. “Thưa bà”, anh ta biện hộ, “xúp gà thì có lợi gì cho một người sắp chết?”.
“Thế thì nó có hại gì?”, bà la lên.
Xúp gà cho người chết là những gì tôn giáo dành cho người vô ý thức, than ôi, họ rất đông.
Một vị thầy ngạc nhiên nghe tiếng la hét và cãi cọ trên sân nhà mình. Người ta cho thầy hay, một trong những đồ đệ của mình đang ở giữa sân. Ông sai một người đến và hỏi nguyên nhân.
“Có một đoàn học giả đến thăm thầy. Con bảo họ đừng phí thời giờ với một người đầu đầy sách vở và tư tưởng, nhưng không có một chỗ cho sự khôn ngoan. Đây là những người mà theo sự kiêu ngạo của mình, tạo ra những học thuyết và sự chia rẽ giữa thiên hạ khắp nơi”.
Thầy cười. “Quả thực, quả thực”, ông lẩm bẩm.
“Nhưng hãy cho tôi hay, không phải sự kiêu căng của cậu khi tuyên bố mình khác biệt với các học giả là nguyên nhân của cuộc xung đột và chia rẽ hiện tại sao?”.
Một nhà khôn ngoan Hindu đang lắng nghe người ta đọc Cuộc Đời Chúa Giêsu.
Khi biết Đức Giêsu bị đồng hương khước từ ở Nazareth, ông tuyên bố, “Một giáo sĩ Do Thái mà cộng đoàn mình không muốn đuổi ra khỏi thành thì không phải là một giáo sĩ”.
Khi nghe chính các tư tế kết án tử Đức Giêsu, ông thở dài “Dẫn cả thế gian đi lầm đường lạc lối thì thật khó cho Satan, vì thế nó chỉ định các giáo sĩ ở những vùng khác nhau trên địa cầu”.
Lời ai oán của một Giám mục: “Nơi nào Đức Giêsu đến, nơi đó có cách mạng; nơi nào tôi đến, nơi đó người ta mời trà!”.
Khi một triệu người theo bạn, thì bạn hãy tự hỏi mình đã sai ở chỗ nào?
Một tác giả Do Thái giải thích rằng, người Do Thái không phải là những người theo đảng phái. Người ta đòi hỏi các giáo sĩ phải thực hiện ba nỗ lực khác nhau để ngăn chặn những người có khả năng gia nhập đảng phái!
Linh đạo thì dành cho giới thượng lưu. Nó không thỏa hiệp để có thể chấp nhận, vì thế nó sẽ không hùa với đám đông những người muốn nước ngọt chứ không muốn uống thuốc. Khi đám đông theo Đức Giêsu, Người bảo họ:
“Ai trong các người muốn xây một cái tháp mà trước tiên không ngồi xuống và tính xem mình có đủ sức để hoàn thành nó hay không? Hoặc có vị vua nào dẫn quân đi đánh vua khác mà trước tiên không ngồi xuống để xem liệu với mười ngàn lính mình có thể đánh thắng hai mươi ngàn quân địch không? Nếu không thể, thì trước khi kẻ thù đến gần, ông sai sứ giả đến cầu hòa. Cũng thế, không ai trong các ông có thể làm môn đệ của tôi mà không sẵn sàng từ bỏ tất cả mọi của cải”.
Người ta không muốn chân lý. Người ta muốn sự bảo đảm.
Một mục sư nọ khoe với đồng nghiệp của mình
- Chúng tôi vừa trải qua một cuộc canh tân lớn mà từ nhiều năm nay giáo xứ chúng tôi chưa có được.
Ông bạn vui mừng hỏi,
- Thế cụ có thêm được bao nhiêu tín hữu mới?
- Chẳng thêm mống nào nhưng còn mất đi năm trăm linh hồn nữa chứ.
Chắc Đức Giêsu vỗ tay hoan nghênh!
Than ôi, kinh nghiệm tôn giáo cho thấy, niềm tin tôn giáo gắn liền với sự thánh thiện cá nhân của chúng ta như chiếc áo dạ hội với bộ phận tiêu hóa của con người.
Một triết gia cổ đã khuất nhiều thế kỷ được báo rằng, những người đại diện trình bày sai triết thuyết của ông. Là một người đầy lòng trắc ẩn và yêu mến chân lý, sau nhiều nỗ lực, ông tìm cách để làm sao được ân huệ trở lại thế gian trong vài ngày.
Sau một vài ngày thuyết phục những người kế tục về căn tính của mình. Khi biết rõ ông, lập tức, họ không quan tâm đến những gì ông ta nói nhưng xin ông tiết lộ bí quyết làm sao ông có thể trở lại cuộc sống từ huyệt mộ.
Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng, ông cho biết không có cách nào tiết lộ bí quyết này cho họ và bảo họ, việc họ trả lại tính tinh tuyền ban đầu cho triết lý của ông thì quan trọng cho thiện ích của nhân loại nhiều.
Một nhiệm vụ vô ích! Họ bảo ông, “Ông không thấy rằng, quan trọng không phải là những gì ông dạy nhưng là việc họ giải thích những điều ông dạy? Rốt cuộc, ông chỉ là con chim qua đường, trong khi chúng tôi ở đây vĩnh viễn”.
Khi Phật chết, các trường phái được khai sinh.
Tất cả các triết gia, thần học gia và tiến sĩ luật đều tập trung ở toà án để tham dự phiên toà xử giáo sĩ Nasruddin. Bị cáo phạm tội nghiêm trọng; ông đã đi từ thành này đến thành khác, công bố, “những người tự cho là những nhà lãnh đạo tôn giáo thì ngu ngốc và lúng túng”. Vì thế, ông ta bị buộc tội dị giáo và bị kết án tử hình.
“Ông có thể nói trước”, vua Hồi bảo. Vị giáo sĩ hoàn toàn bình tĩnh, “Xin mang cho tôi giấy và bút”, ông thưa, “và đưa chúng cho mười người khôn ngoan nhất trong hội đồng đáng kính này”.
Trước sự thích thú của Nasruddin, một cuộc cãi cọ ầm ĩ nổ ra giữa những người thánh thiện để xem ai trong họ là người khôn ngoan nhất.
Khi cuộc tranh chấp lắng xuống và tất cả mười người được chọn đều đã trang bị giấy bút, giáo sĩ Nasruddin nói, “Xin nhờ mỗi vị viết câu trả lời cho câu hỏi sau: Cái gì làm nên chất thể?”.
Các câu trả lời được viết ra và tấu lên vua, người đọc chúng ra. Một người nói rằng, “Nó được làm từ hư vô”. Người khác bảo, “Phân tử”. Người khác, “Năng lượng”. Những người khác, “Ánh sáng”, “Tôi không biết”, “Hữu thể siêu hình” vân vân và vân vân.
Nasruddin thưa với vua, “Khi họ đồng ý với nhau về chất thể là gì, họ sẽ thích hợp cho việc phán quyết những vấn đề tinh thần. Việc họ không thể đồng ý về một cái gì đó mà từ đó họ được tạo thành nhưng lại đồng thuận trong lời phán quyết rằng tôi là một kẻ dị giáo thì không lạ sao?”.
Không phải chính sự phong phú của các học thuyết gây ra tai hoạ nhưng chính là chủ nghĩa giáo điều. Vì thế, nếu mỗi người trong chúng ta làm những gì mình chắc chắn và cho đó là thánh ý Thiên Chúa thì kết quả sẽ hoàn toàn là một mớ hỗn độn.
Chính cái được cho là chắc chắn lại là thủ phạm. Người sống đời sống thiêng liêng biết điều không chắc chắn - một trạng thái tinh thần mà người đạo đức cuồng tín không biết.
Đêm nọ, một ngư phủ lẻn vào vùng đất của một phú hào và thả lưới trong một hồ đầy cá. Ông chủ nghe biết và cho người đứng gác.
Khi ngư phủ thấy đám đông cầm đuốc tìm kiếm khắp nơi, ông nhanh chóng bôi tro lên người và núp dưới lùm cây theo phong tục của những người thánh thiện ở Ấn Độ.
Ông chủ và những người lính canh không thể tìm ra người thả lưới trộm, dù họ tìm thật lâu. Tất cả những gì họ tìm thấy là một người thánh thiện, phủ đầy tro, ngồi dưới cây, chìm đắm trong suy niệm.
Ngày hôm sau, bàn dân thiên hạ đồn rằng một nhà khôn ngoan vĩ đại đã rủ lòng thương đến cư ngụ trên lãnh địa của phú hào. Người ta, tay đầy hoa trái, thậm chí cả tiền, tụ tập để tỏ lòng tôn kính ông ta vì họ tin rằng những món quà, khi được dâng cho một người thánh thiện sẽ mang lại phúc lành của Thiên Chúa cho người dâng.
Ngư-phủ-hóa-bậc-khôn-ngoan ngạc nhiên trước món hời. “Kiếm sống dựa vào niềm tin của những người này thì dễ dàng hơn bởi lao công của đôi tay”, ông tự nhủ. Vì thế ông tiếp tục chiêm niệm và không bao giờ trở lại công việc.
Một ông vua mơ thấy một vị vua ở thiên đàng và một linh mục ở hỏa ngục. Ông phân vân làm sao điều đó có thể xảy ra rồi ông nghe một giọng nói: “Vua ở thiên đàng vì ông tôn trọng các linh mục. Các linh mục ở hỏa ngục vì họ thoả hiệp với các vua”.
Một nữ tu hỏi bọn trẻ trong lớp muốn làm gì khi lớn lên, thằng nhóc Tommy trả lời, mình muốn trở thành một phi công; Elsie muốn làm bác sĩ; Bobby, trước niềm vui khôn tả của nữ tu, muốn trở thành một linh mục. Rồi Mary, đứng dậy... và công bố mình muốn trở thành một gái điếm.
“Nói lại xem nào, Mary?”.
“Khi lớn lên”, Mary nói với vẻ của một ai đó biết chính xác điều mình muốn, “con sẽ trở thành một gái điếm”.
Nữ tu sửng sờ trước những lời đó. Ngay lập tức Mary bị tách ra khỏi bọn trẻ và được dẫn tới linh mục quản xứ.
Người ta trình bày cho cha những dữ kiện đại cương nhưng ngài muốn kiểm tra chúng với tội phạm: “Mary, con nói cho cha biết điều gì xảy ra theo lời của con”.
“Ồ”, Mary nói, hơi rụt rè trước sự việc quan trọng, “Soeur hỏi con muốn làm gì khi lớn lên và con nói con muốn trở thành một gái điếm”.
“Con nói là gái điếm à?” Cha hỏi, kiểm tra lần hai.
“Dạ”.
“Trời ơi! Nhẹ cả người! Tất cả chúng ta cứ nghĩ con nói, mình sẽ trở thành một tín hữu Tin Lành!”.
Giáo sĩ Abraham đã sống một cuộc sống gương mẫu, khi giờ của ông đến, ông đã rời thế gian trước sự chúc lành của cộng đoàn, những người đã đến vốn xem ông như một vị thánh và là nguyên nhân của mọi phúc lành họ nhận được từ Thiên Chúa.
Mặt khác, các thiên thần cũng tiến đến chào đón, ca tụng tán dương ông. Suốt buổi lễ, Giáo sĩ Abraham có vẻ trầm tư nhưng khá bồn chồn. Ông chống má đỡ cằm và từ chối được ủi an. Cuối cùng ông được dẫn tới trước ngai Thẩm Phán nơi ông cảm thấy mình được bao bọc bởi Đấng Nhân Từ vô biên và nghe một giọng nói vô cùng trìu mến vọng về phía ông, “Hỡi con trai ta, điều gì làm con lo lắng?”.
“Lạy Đấng Rất Thánh”, ông thưa, “Con không xứng đáng lãnh nhận mọi danh dự được ban cho con ở đây. Dù con được xem là gương mẫu cho mọi người, nhưng chắc có vấn đề gì đó trong đời con, vì đứa con duy nhất của con, bất chấp gương lành và giáo huấn của con, vẫn từ bỏ đức tin của chúng ta và trở thành một Kitô hữu”.
“Đừng để điều đó làm con phiền hà, hỡi con. Cha biết rõ điều con cảm nhận, vì Cha có một thằng con làm điều tương tự!”.
Ở Belfast, Ireland, một linh mục Công giáo, một mục sư Tin Lành, một giáo sĩ Do Thái tham gia một cuộc thảo luận thần học sôi nổi. Đột nhiên một thiên thần hiện ra giữa họ và bảo, “Thiên Chúa gửi đến quý vị phúc lành của Người. Hãy ước ao hoà bình và ước mơ đó sẽ được Đấng Toàn Năng thực hiện”.
Mục sư nói, “Hãy để mọi người Công giáo biến khỏi vùng đất đáng yêu của chúng ta. Rồi hoà bình sẽ ngự trị”.
Linh mục thưa, “Đừng để một tên Thệ phản nào sót lại trên mảnh đất Ái Nhĩ Lan thánh thiêng của chúng ta. Điều đó sẽ mang hòa bình đến vùng đất này”.
“Còn ông thì sao, thưa Giáo sĩ?”, Thiên thần hỏi. “Bản thân ông không có ước muốn nào sao?”.
“Không”, giáo sĩ đáp, “Tôi chỉ cần nghe ước muốn của hai vị này và cảm thấy rất hài lòng rồi”.
Thằng nhóc, “Bạn có phải linh mục không?”.
Bé gái, “Không. Chúng tôi thuộc về một điều ghê tởm khác”.
Một thợ săn lệnh con chó của mình đuổi theo một con vật nào đó đang di chuyển sau hàng cây. Nó đuổi theo và dồn con cáo vào chỗ chủ nó có thể bắn.
Con cáo sắp chết nói với con chó, “Người ta không bao giờ nói cho anh biết cáo là anh em với chó sao?”.
“Thực sự là có”, con chó trả lời. “Nhưng điều đó dành cho những người duy tâm và những tên ngốc. Đối với người có đầu óc thực tế, tình huynh đệ được tạo thành bởi căn tính của sở thích”.
Một người Kitô hữu nói với một Phật tử, “Thực ra chúng ta có thể là anh em nhưng điều đó dành cho những người duy tâm và những tên ngốc. Đối với người có đầu óc thực tế, tình huynh đệ cốt tại căn tính của niềm tin”.
Than ôi, hầu hết mọi người có đủ tín ngưỡng để ghét nhưng không đủ để yêu.
Trong cuốn tự truyện của mình, Mahatma Gandhi cho biết vào thời sinh viên của ông ở Phi Châu, ông rất quan tâm đến Thánh Kinh, đặc biệt là Bài Giảng trên Núi.
Ông đoan chắc, Kitô giáo là câu trả lời cho chế độ phân cấp vốn đã tác hại đất nước Ấn Độ qua hàng thế kỷ và ông nghiêm túc xem xét việc trở thành một Kitô hữu.
Ngày kia ông đến nhà thờ để tham dự Thánh lễ và thụ huấn. Người ta chặn ông ở lối vào và nhẹ nhàng bảo nếu ông muốn dự lễ, ông sẽ được chào đón trong một nhà thờ dành cho người da đen.
Ông quay gót bỏ đi và không bao giờ trở lại.
Một người phạm tội công khai bị vạ tuyệt thông và không được phép vào nhà thờ.
Ông thổ lộ nỗi muộn phiền cùng Chúa. “Lạy Chúa, họ không cho con vào vì con là người tội lỗi”.
“Con than phiền làm chi...”, Chúa nói, “họ cũng không cho Ta vào!”.
Một nhà thờ hay một hội đường cần quyên tiền nếu muốn tồn tại. Có lần trong một hội đường Do Thái, người ta không chuyền tay chiếc oi xin tiền chung quanh như trong các nhà thờ Công giáo. Cách họ quyên tiền là bán vé ghế dành riêng vào các Ngày Lễ Trọng vì đó là lúc cộng đoàn tụ tập đông nhất và là lúc người ta hào phóng nhất.
Vào một ngày lễ trọng nọ, một đứa trẻ vào hội đường để tìm cha mình, nhưng những người hướng dẫn không cho cậu vào vì cậu không có vé.
“Xin xét cho”, thằng nhóc thưa, “đây là một vấn đề rất quan trọng”.
“Đó là điều mà tất cả mọi người đều nói”, người hướng dẫn đáp lại lạnh lùng.
Cậu bé trở nên nôn nóng và van xin, “Xin ông vui lòng để cháu vào. Đây là một vấn đề sống còn. Cháu sẽ vào chỉ một phút thôi”.
Người hướng dẫn động lòng, “Ồ, nếu quan trọng thì được”, ông ta nói. “Nhưng đừng để ta bắt gặp cháu cầu nguyện đấy nhé!”.
Than ôi, tôn giáo có tổ chức vẫn có giới hạn của nó!
Một nhà giảng thuyết có tài hùng biện đặc biệt và mọi người, hầu hết mọi người, đều cảm động đến rơi nước mắt. Ồ, chính xác không phải là hết mọi người vì ở hàng đầu có một quý ông ngồi trước mặt nhà giảng thuyết hoàn toàn vô cảm trước bài giảng.
Vào cuối bài giảng, ai đó nói với ông “Ông có nghe bài giảng không?”, “Có, dĩ nhiên”, người đàn ông lạnh lùng đáp, “tôi đâu có điếc”.
“Ông nghĩ gì về bài giảng?”
“Tôi nghĩ nó quá cảm động đến nỗi tôi có thể khóc”.
“Tôi xin phép hỏi, vậy tại sao ông không khóc?”.
“Bởi vì”, người đàn ông trả lời, “Tôi không thuộc họ đạo này”.
Chuyện kể rằng, khi Thiên Chúa tác thành thế giới và chiếu toả vinh quang trước sự tốt lành của nó thì Satan thông phần niềm vui khôn tả của Ngài - dĩ nhiên là theo cách thức của Ngài, vì khi Ngài chiêm ngắm kỳ công này đến kỳ công khác, thì Ngài cứ hô vang rằng, “Tốt lành làm sao, chúng ta hãy sắp đặt nó!”.
“Và lấy làm vui sướng vì nó!”.
Có bao giờ bạn cố gắng tổ chức một điều gì đó như hoà bình chẳng hạn? Lúc làm điều đó, sự xung đột giữa quyền hạn và chiến tranh lại nhóm lên trong việc tổ chức. Cách duy nhất để có hòa bình là để nó mọc hoang.
Một giám mục kiểm tra nhóm dự tòng chuẩn bị lãnh nhận bí tích rửa tội.
“Người ta biết các con là người Công giáo qua dấu hiệu nào?”.
Không ai trả lời. Rõ ràng không ai mong chờ câu hỏi này. Giám mục lập lại câu hỏi. Rồi ngài nói lại lần nữa, lần này ngài làm dấu thánh giá để gợi ý câu trả lời cho mọi người.
Đột nhiên một trong các dự tòng cho rằng, “Yêu thương”, anh ta thưa.
Giám mục e dè. Ngài định nói “Sai”, nhưng ngay lúc đó, ngài xét lại chính mình.
Ai đó xin Giám mục giấy phép cho in một cuốn sách dành cho thiếu nhi, trong đó, có các dụ ngôn của Đức Giêsu, một ít minh hoạ đơn sơ và một số câu Tin mừng. Ngoài ra không có lời nào khác.
Chuẩn ấn được cấp kèm theo lời cảnh giác thông thường, “Chuẩn ấn không nhất thiết bao hàm việc Giám mục tán thành những ý kiến trong cuốn sách này”.
Lại là những cạm bẫy mang tính cơ cấu!
Một đạo sĩ quá ấn tượng trước sự tiến triển trong đời đường thiêng liêng của một môn đệ đến nỗi cho rằng, cậu ta không cần hướng dẫn gì thêm, ông để cậu sống riêng lẻ trong một cái lều nhỏ ven sông.
Mỗi sáng, sau nghi thức thanh tẩy, người môn đệ treo cái khố ngoài trời để phơi. Nó là tài sản duy nhất của cậu! Ngày kia cậu thất vọng thấy nó bị xé rách tơi tả bởi những con chuột. Vì thế cậu xin những người trong làng cho cái khố khác. Khi những con chuột gặm thủng chiếc khố này, người môn đệ lại tìm cho mình một con mèo. Cậu không còn gặp rắc rối với những con chuột nữa, nhưng bây giờ, ngoài việc xin thức ăn cho mình, cậu còn phải xin sữa cho mèo.
“Xin xỏ quá rắc rối”, cậu nghĩ, “và một gánh quá nặng cho dân làng. Tôi sẽ nuôi một con bò”. Khi có một con bò, cậu lại phải xin cỏ. “Dễ dàng hơn cho việc cày xới đất xung quanh cái lều của mình”, cậu tự nhủ.
Nhưng điều đó lại rắc rối vì nó chiếm thời gian suy niệm của cậu. Vì thế cậu thuê lao công cày đất cho mình và việc trông coi những người làm công trở nên mệt mỏi, nên cậu cưới một cô vợ để cùng mình gánh vác công việc. Với thời gian, dĩ nhiên, cậu là một trong những người giàu nhất trong làng.
Mấy năm sau, đạo sĩ của cậu tình cờ ghé qua và ngạc nhiên thấy một toà nhà nguy nga, nơi đã từng dựng một cái lều nhỏ. Ông nói với một trong những người đầy tớ, “Có phải đây là nơi một trong các đồ đệ của ta thường sống?”.
Trước khi họ trả lời, chính người môn đệ xuất hiện.
“Hỡi con ta, tất cả những điều này có nghĩa là gì?”.
“Thưa Thầy, Thầy sẽ không tin điều này đâu”, người đàn ông đáp, “nhưng không còn cách nào khác để con có thể giữ chiếc khố của mình!”.
Trên một bờ biển có nhiều mỏm đá, nơi nạn đắm tàu thường xuyên xảy ra, đã từng có một trạm cứu hộ nhỏ xiêu vẹo. Nó không hơn gì một chiếc lều với chỉ một chiếc thuyền nhưng nhóm người làm việc cho trạm là những người tận tụy vốn luôn canh chừng biển cả, ít quan tâm đến mình và sự an toàn của bản thân. Họ cam đảm lao vào giông bão khi có chứng cứ về một vụ đắm tàu đâu đó. Vì thế nhiều người được cứu và trạm trở nên nổi tiếng.
Danh thơm của trạm càng vang xa, thì người trong vùng càng ước ao dấn thân cho công việc tuyệt vời của trạm. Họ quảng đại đóng góp tiền bạc và thời giờ, vì thế người ta kết nạp các thành viên mới, mua thuyền mới và đào tạo đội cứu hộ mới. Cái lều cũng được thay thế bởi một toà nhà tiện nghi vốn có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của những người được cứu từ biển và dĩ nhiên, đắm tàu không xảy ra hằng ngày, nên nó trở thành điểm hẹn của quần chúng - một loại câu lạc bộ địa phương.
Theo dòng thời gian, các thành viên dấn thân vào việc xã hội càng nhiều và rồi họ ít quan tâm đến việc cứu hộ, dù họ trịnh trọng gắn cái logo cứu hộ trên túi xách. Dĩ nhiên, khi ai đó thực sự được cứu từ biển, thì điều đó luôn là một sự phiền toái bởi họ bẩn thỉu, nhếch nhác, làm bẩn các tấm thảm và đồ dùng trong trạm.
Hoạt động xã hội của câu lạc bộ gia tăng đang khi hoạt động cứu hộ lại giảm dần đến nỗi cuối cùng, tại một buổi họp, một số thành viên khăng khăng đòi phải trở lại mục đích và hoạt động ban đầu.
Một cuộc bỏ phiếu diễn ra và những kẻ rắc rối này, vốn chỉ là thiểu số, bị mời rời câu lạc bộ và thành lập một câu lạc bộ khác.
Đây là những gì họ đã làm, một trạm mới được thiết lập -- gần biển hơn. Họ can đảm và gan dạ đến nỗi chỉ sau một thời gian ngắn, ai cũng biết sự anh dũng của họ. Thành viên gia tăng, và cái lều của họ lại được tu sửa -- để rồi, lý tưởng ban đầu của họ cũng chết ngạt.
Ngày nay, nếu tình cờ thăm khu vực ấy, bạn sẽ thấy một số câu lạc bộ tư nhân lốm đốm trên đường biển. Mỗi câu lạc bộ đều thực sự tự hào về gốc gác và truyền thống của mình. Những vụ đắm tàu vẫn xảy ra ở vùng ấy, nhưng không mấy ai quan tâm.
Trong một sa mạc khô cằn, cây cối thưa thớt và trái trăng hiếm hoi. Người ta nói rằng Thiên Chúa muốn bảo đảm có đủ cho mọi người, vì thế Ngài hiện ra với một tiên tri và phán, “Đây là giới răn của Ta gửi đến toàn dân và các thế hệ tương lai: không ai được phép ăn hơn một quả mỗi ngày. Hãy ghi lại điều này trong Sách Thánh. Ai vượt quá luật này sẽ bị xem là phạm tội chống lại Thiên Chúa và nhân loại”.
Luật được giữ cách trung thành hàng thế kỷ cho đến khi các nhà khoa học tìm được cách biến sa mạc thành đồng xanh. Vùng quê trở nên trù phú lúa thóc và vật nuôi. Các cây trĩu nặng trái vì hái không xuể. Nhưng luật cấm hái vẫn tiếp tục được củng cố bởi chính quyền dân sự và tôn giáo.
Ai để trái cây rơi rụng và thối rữa trong vườn sẽ bị kết án là phạm thượng và là kẻ thù của tôn giáo. Ai đặt vấn đề về sự khôn ngoan trong Thánh Ngôn của Thiên Chúa lại bị cho là không được hướng dẫn bởi tinh thần đáng tự hào của niềm tin và sự phục tùng mà chỉ qua đó Chân lý mới có thể được đón nhận.
Ở các nhà thờ, người ta thường nghe những bài giảng về cái chết bất hạnh của những người không giữ luật; nhưng lại chẳng hề nghe nói tới vô số những kẻ đã chết bất hạnh mặc dầu họ đã chẳng phạm luật; cũng chẳng thấy nhắc tới số lớn những người đã trở nên giàu có cả khi đã phạm luật.
Không cách nào để có thể thay đổi giới luật đó được, vì nhà tiên tri, người tự cho mình nhận luật đó từ Thiên Chúa, đã chết từ lâu. Lẽ ra ông phải giàu can đảm và lương tri để thay đổi điều cấm kỵ đó, bởi hoàn cảnh đã thay đổi; hơn nữa, ông nhận luật này từ Thiên Chúa không phải để tôn thờ, nhưng để mưu cầu phúc lợi cho nhân dân.
Vì thế, một số người công khai chế giễu luật, Thiên Chúa và tôn giáo. Số khác bí mật phạm luật và luôn có cảm giác sai trái. Số lớn khác bám chắc vào luật và đi đến chỗ nghĩ mình là thánh thiện chỉ vì họ đã bám vào một tập tục vô nghĩa và lỗi thời mà họ quá sợ hãi đến nỗi không thể vứt bỏ.
Luật được tuân giữ giữa những người thực sự sùng đạo. Nhưng người ta không sợ luật…
“Anh làm gì để sống?”, bà kia hỏi một chàng trai tại buổi tiệc rượu. “Tôi là lính nhảy dù”.
“Làm lính nhảy dù thì thật kinh khủng”, bà ấy nói.
“Ồ, có những khoảnh khắc đáng sợ”.
“Hãy kể cho tôi nghe về khoảnh khắc khủng khiếp nhất của anh”.
“Ồ”, lính nhảy dù đáp, “Tôi nghĩ đó là lúc tôi đáp xuống trên một bãi cỏ, nơi có một tấm bảng ghi ‘Đừng dẫm lên cỏ’”.
… cũng không tôn trọng…
Một sĩ quan hỏi nhóm tân binh tại sao người ta lại làm báng súng bằng gỗ cây hồ đào.
“Bởi vì nó nặng hơn những loại gỗ khác”, một tân binh trả lời.
“Sai”, trung sĩ đáp.
“Vì nó dẽo hơn”.
“Cũng sai”.
“Bởi vì nó bóng hơn các gỗ khác”.
“Thế thì chắc chắn là còn nhiều điều mà các bạn phải học đấy. Cây hồ đào được dùng làm báng súng chỉ vì một lý do duy nhất, đó là đã có luật ấn định như vậy!”.
…cũng không được tuyệt đối hóa…
Một nhân viên đường sắt tường thuật một vụ giết người trên xe lửa theo những lời lẽ sau: “Kẻ sát nhân đi vào khoang tàu từ sân ga, đâm nạn nhân năm nhát chí tử rồi nhảy xuống - điều này trái với những quy định của luật đường sắt”.
Một nhà quý tộc bị chỉ trích vì thiêu rụi nhà thờ chính toà. Ông ta bảo mình thực sự ân hận, nhưng người ta đã báo nhầm cho ông như sự việc cho thấy - Đức Tổng Giám mục ở bên trong!
Trong một khu phố nhỏ, một người đàn ông quay số 016 để tìm thông tin danh bạ. Giọng một phụ nữ ở đầu giây kia vang lên: “Tôi xin lỗi, ông hãy quay số 015 để tìm”.
Với ông ta, dường như khi quay số 015, ông cũng nghe một giọng đó ở đầu giây bên kia. Vì thế ông bảo “Bà không phải là người phụ nữ tôi vừa trò chuyện cách đây ít lâu sao?”.
“Chính tôi”, người phụ nữ đáp. “Hôm nay tôi trực hai máy”.
…cũng không khuếch đại tỷ lệ…
Ông Smith giết vợ với lý lẽ biện hộ là điên cấp thời. Ông đứng ở ghế nhân chứng và luật sư yêu cầu ông mô tả án mạng bằng lời của ông.
“Thưa ngài”, ông nói, “Tôi là một người thầm lặng có thói quen thường ngày là sống hài hòa với thế giới chung quanh. Mỗi ngày tôi thức dậy vào lúc bảy giờ, ăn sáng lúc bảy giờ ba mươi, có mặt tại văn phòng lúc chín giờ, tan sở lúc năm giờ, về nhà lúc sáu giờ; thấy bữa ăn trên bàn, ăn tối, đọc báo, xem tivi, rồi đi ngủ. Cho đến ngày bị trát đòi…”.
Đến đây ông thở dồn dập và tỏ vẻ tức giận.
“Tiếp tục”, luật sư âm thầm bảo. “Hãy kể cho phiên toà biết điều gì đã xảy ra”.
“Vào ngày bị tra vấn, tôi thức dậy vào lúc bảy giờ như thường lệ, ăn sáng lúc bảy giờ ba mươi, đi làm việc lúc chín giờ, tan sở lúc năm giờ, về nhà lúc sáu giờ, và tôi thất vọng khám phá ra rằng bữa ăn tối không được dọn trên bàn. Cũng không có dấu hiệu nào về người vợ của tôi. Vì thế tôi tìm khắp nhà và thấy bà trên giường với một người đàn ông lạ mặt. Cho nên tôi bắn bà ta”.
“Hãy mô tả cảm xúc của ông khi ông giết bà”, luật sư yêu cầu, nôn nóng giải thích đầy đủ điều mình đề xuất.
“Tôi ở trong trạng thái phẫn nộ không thể kiểm soát. Tôi hoàn toàn mất trí. Thưa quý ông quý bà thuộc bồi thẩm đoàn”, ông la lên và đấm cánh tay thình thịch vào ghế, “mỗi khi trở về nhà vào lúc sáu giờ, tôi tuyệt đối yêu cầu bữa tối phải dọn sẵn trên bàn!”.
…cũng không khai thác…
Mullah Nasruddin nhặt được một viên kim cương bên đường. Nhưng theo Luật, ai nhặt được của rơi sẽ chỉ được giữ lại nếu trước hết họ ra công trường nói cho mọi người biết mình đã nhặt được của ấy, và phải làm như vậy trong ba lần khác nhau.
Nasruddin quá sùng đạo đến nỗi không thể không giữ luật nhưng lại quá tham lam để không thể liều lĩnh với viên kim cương nhặt được. Vì thế, ba đêm liền, khi tin chắc mọi người đã ngủ say, ông đến chợ và khẽ thông báo, “Tôi đã tìm thấy một viên kim cương trên đường đi đến phố. Bất kỳ ai biết chủ nhân của nó, xin liên hệ với tôi ngay lập tức”.
Dĩ nhiên chẳng ai nghe được loan báo của ông trừ một người từ cửa sổ phòng mình ở lầu ba của tòa nhà tình cờ thấy ông ta lẩm bẩm một điều gì đó. Người ấy chạy xuống tìm hiểu xem chuyện gì, thầy Nasruddin đáp:
“Tôi không bị buộc phải nói cho ông biết. Tôi sẽ tiết lộ với ông điều này thôi: vì là một tu sĩ, nên tôi phải đến đây ban đêm để công bố ít lời theo đúng như Luật dạy”.
Để là thực sự là một người xấu, bạn không cần phải phạm luật, chỉ cần giữ luật theo đúng mặt chữ.
Với người Do Thái, việc giữ luật Sabbath, ngày của Chúa, ngay từ đầu là một điều vui thú.
Nhưng có quá nhiều kinh sư liên tiếp đặt ra điều này điều nọ về việc phải giữ nhiệm nhặt làm sao, được phép thực hiện những hoạt động nào cho đến khi vài người cảm thấy dường như không dám nhúc nhích trong ngày Sabbath vì sợ mình vượt qua nguyên tắc này hay nguyên tắc kia.
Thầy Sãi Shem, con của Eliezer, suy nghĩ nhiều về vấn đề này. Đêm nọ ông mơ thấy một thiên thần dẫn ông lên trời và chỉ cho ông thấy hai ngai tòa được đặt xa xa, trên các ngai tòa khác.
“Những ngai tòa này được dành cho ai?”, ông hỏi.
“Cho ông”-thiên thần đáp- “nếu ông tận dụng trí thông minh của mình; và cho một người mà tên và địa chỉ của người ấy bây giờ sắp được viết ra và trao cho ông”.
Rồi thiên thần dẫn ông đến tầng địa ngục sâu nhất, chỉ cho ông thấy hai ghế trống. “Hai cái này được chuẩn bị cho ai?”, ông hỏi.
“Cho ông”-thiên thần trả lời- “Nếu ông không tận dụng trí thông minh của mình; và cho người mà tên và địa chỉ của người ấy sẽ được viết ra cho ông”.
Trong giấc mơ, Thầy Sãi Shem mơ mình thăm người đàn ông vốn sẽ là bạn đồng hành của mình trên thiên đàng. Thấy bạn mình sống giữa dân ngoại, hoàn toàn không biết lề luật Do Thái; và, vào ngày Sabbath, ông ấy tổ chức một bữa tiệc lớn trong đó có nhiều thú vui và mọi láng giềng dân ngoại của ông đều được mời đến.
Khi Thầy Sãi Shem hỏi tại sao ông tổ chức bữa tiệc này, ông ấy đáp, “Tôi nhớ lại hồi còn bé cha mẹ tôi dạy rằng, ngày Sabbath là ngày nghỉ ngơi và vui chơi; vì thế vào các ngày thứ bảy mẹ tôi làm những bữa ăn ngon nhất trong đó chúng tôi hát, nhảy và vui thú. Hôm nay tôi cũng làm như vậy”.
Thầy Sãi Shem muốn nhắc cho ông ta về những cách thức hành xử trong tôn giáo của ông, vì là người Do Thái, mà rõ ràng ông ta lại hoàn toàn không biết tí gì về những qui định của các kinh sư. Nhưng Thầy Sãi Shem cứng họng khi ông chợt nhận ra rằng niềm vui của người đàn ông trong ngày Sabbath sẽ bị đánh mất nếu nói cho ông ta biết những giới hạn nghiêm ngặt liên quan đến ngày Sabbath.
Vẫn trong giấc mơ, Thầy Sãi Shem đi đến nhà người bạn ở hỏa ngục. Thầy nhận ra ông ta là người giữ luật khắt khe, luôn sợ cung cách của mình không đúng. Người đàn ông tội nghiệp đó trải qua mỗi ngày Sabbath trong sự căng thẳng tột độ như thể ông đang ngồi trên than hồng vậy. Khi Thầy định quở trách ông ấy về thói nệ luật, thì Thầy không thể mở miệng vì nhận ra rằng người đàn ông sẽ không bao giờ hiểu rằng mình có thể phạm lỗi qua việc chu toàn các mệnh lệnh tôn giáo.
Nhờ vào mặc khải qua giấc mơ này, Thầy Sãi Shem Tov đưa ra một hệ thống giữ luật mới, qua đó người ta thờ phượng Thiên Chúa trong niềm vui phát xuất từ con tim.
Khi vui, người ta luôn tốt; trái lại khi tốt, người ta hiếm khi vui.
Một linh mục thông báo rằng, Đức Giêsu Kitô sẽ đến giáo xứ vào ngày Chúa nhật tới, người ta đổ dồn đến để gặp Ngài. Mọi người mong chờ Ngài giảng, nhưng Ngài chỉ mỉm cười khi được giới thiệu và nói: “Xin chào”. Mọi người niềm nở mời Ngài ở lại đêm, đặc biệt là vị linh mục, nhưng Ngài lịch sự từ chối. Ngài nói Ngài sẽ qua đêm trong nhà thờ. Ngài đứng đắn làm sao, mọi người nghĩ.
Sáng sớm hôm sau Ngài trẩy đi trước khi các cửa nhà thờ mở. Vị linh mục và giáo dân kinh hoàng nhận ra nhà thờ bị phá hoại. Trên mọi bức tường đều có viết nguệch ngoạc một chữ duy nhất “Hãy coi chừng”. Không nơi nào trong nhà thờ được miễn: cửa lớn, cửa sổ, cột, bục giảng, bàn thờ, thậm chí cả Kinh Thánh nằm trên bục. “Hãy coi chừng” được viết nguệch ngoạc bằng những ký tự lớn nhỏ, bằng bút chì, bút mực và đủ loại sơn có thể nhận ra. Bất kỳ nơi nào con mắt hướng đến, người ta cũng có thể thấy những chữ “Hãy coi chừng, hãy coi chừng, hãy coi chừng, hãy coi chừng…”.
Sốc, tức tối, bối rối, hứng khởi, kinh khiếp. Họ phải coi chừng cái gì? Chẳng thấy nói, chỉ biết “Hãy coi chừng”. Phản ứng đầu tiên của giáo dân là xóa cho sạch hết những tiếng bẩn thỉu, phạm thượng đó đi. Nhưng chợt nghĩ là chính Chúa Giêsu viết, họ mới thôi.
Dần dần cái câu bí nhiệm “Hãy coi chừng” đó cũng đã bắt đầu chìm vào tâm trí mỗi lần người ta đến nhà thờ. Họ bắt đầu coi chừng Thánh Kinh, vì thế họ có thể hưởng nhận lợi ích từ Thánh Kinh mà không rơi vào hình thức. Họ bắt đầu coi chừng các bí tích, vì thế, họ được thánh hóa mà không trở nên mê tín. Linh mục bắt đầu coi chừng quyền hạn của mình trên giáo dân, vì thế ngài có thể dẫn dắt mà không thống trị họ. Và mọi người bắt đầu coi chừng về cách sống đạo vốn dẫn người mê muội đến với sự công chính. Họ biết tuân giữ luật, dù vẫn động lòng trắc ẩn trước những người yếu đuối. Họ bắt đầu ý thức đến việc cầu nguyện, nên nó không còn để họ cậy dựa vào sức mình nữa. Thậm chí họ bắt đầu ý thức về quan niệm của mình về Thiên Chúa vì thế họ có thể nhận ra Ngài bên ngoài những giới hạn hẹp hòi của nhà thờ.
Bây giờ thì họ đã ghi hàng chữ gây sốc đó ngay trên lối vào nhà thờ và ban đêm, khi bạn đi ngang qua, bạn có thể thấy nó rực sáng trong ánh đèn néon nhiều màu.