Khi tôi nhìn quanh, trò chuyện với mọi người ở nơi này nơi khác và sẽ nhận ra ngay những gì đang xảy đến cho các gia đình, tôi nhận thấy rằng chúng ta may mắn dường nào khi được sống trong gia đình của mình. Cha tôi mất vào năm 1977 ở độ tuổi bảy mươi. Mẹ tôi qua đời ở tuổi tám mươi sáu. Nhìn lại cuộc đời của các ngài, tôi nhận ra rằng chính ân sủng đời sống hôn nhân đã làm cho các ngài mạnh mẽ. Nhưng không phải lúc nào cũng êm ả, cuộc sống không phải lúc nào cũng như lòng mình mong đợi khi cả hai đồng tâm nhất trí trong đời hôn nhân. Tuy nhiên, họ đã vượt qua biết bao thăng trầm với nhiều tình thế khó khăn của cuộc sống và đã thành công rực rỡ.
Kinh Thánh cho chúng ta biết chúng ta nên làm gì trong đời sống hôn nhân. Về điều này Chúa Giêsu đã đề cập rất rõ. Người đã phác họa rõ nét những ơn gọi khác nhau trong cuộc sống mà con người có thể tự do lựa chọn. Hoặc bạn kết hôn và đặt trọn niềm tin vào người phối ngẫu hoặc bạn sống một cuộc sống độc thân. Cả hai đều là ơn gọi. Điẻm chung giữa hai bậc sống là mỗi người phải tự lựa chọn bậc sống cho riêng mình. Thiên Chúa sẽ bảo vệ và củng cố mỗi cá nhân trong sự lựa chọn của chúng ta.
Tính duy nhất của hôn nhân được chính Chúa Giêsu dạy và được Giáo hội Công giáo gìn giữ có lẽ thực sự là một điều kiện và một giáo huấn khó khăn. Điều này đặc biệt đúng đối với những ai có trái tim cứng cỏi. Chúng ta hãy nghe những người ủng hộ việc ly hôn và những biện pháp khác đã làm tổn hại đến quan điểm hôn nhân của Giáo hội thế nào; hãy xem xét đời sống riêng tư của họ; hãy nhìn vào trải nghiệm gia đình của họ. Thông thường họ hay có thái độ phản kháng lại trước những điều đã kinh qua trong gia đình suốt quãng thời gian ấu thơ cũng như đến đời hôn nhân của họ. Dường như như họ là những người có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong gia đình. Việc đấu tranh và phản kháng của họ chỉ là một sự ngụy biện cho tình trạng đời sống thực tế của mình.
Còn chúng ta, hầu hết chúng ta có nhiều kinh nghiệm quý báu trong đời sống gia đình thì thế nào? Đâu là tiếng nói của chúng ta? Chúng ta làm gì? Chúng ta không chỉ có an phận trong sự thinh lặng của mình chứ? Chúng ta có thực sự quan tâm đến đời hôn nhân không? Hay chúng ta chẳng cần lưu tâm? Không nhất thiết chúng ta phải la lớn hết sức và công khai để nói cho mọi người biết vẻ đẹp trong đời sống hôn nhân của cha mẹ chúng ta, của cô chú chúng ta, và của những người hàng xóm chúng ta?
Chúng ta sẽ không bị gục ngã nếu chúng ta ở trong Hội Thánh. Hội Nghị Thế Giới về Đời Sống Gia Đình mới đây đã được tổ chức tại Manila. Trong vai trò là những linh mục, giáo dân, những nhà sư phạm, chồng và vợ, và người con trong gia đình, chúng ta có những hành động cụ thể nào để giúp cho việc công bố vẻ đẹp của đời hôn nhân thánh thiện? Hãy ra đi và nói cho thế giới về vẻ đẹp của hôn nhân mà bạn biết.
Các mối phúc luôn là chủ đề của các bài giảng của những nhà giảng thuyết vĩ đại, trong quá khứ cũng như hiện nay. Lời Chúa theo thánh Luca (6,20-26) gợi lại cho chúng ta bài giảng vĩ đại của Thầy Chí Thánh. Tôi đang suy tư về một phương pháp trình bày mới hầu có sức thu hút và dễ hiểu cho thuộc thế hệ hiện đại hôm nay.
“Phúc cho những người có tinh thần nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của họ.” Nếu triển khai sứ điệp này, thì chúng ta cũng có thể nói: “Phúc cho những người giầu có, khi họ biết chia sẻ những gì họ có cho người nghèo khó ngày hôm nay.” Diễn tả điều này thì không có nghĩa là chúng ta loại trừ bất kỳ một ai. Điều này khẳng định rằng nếu người giầu có học biết cách chia sẻ với người khác, họ thực sự là người nghèo khó về tinh thần.
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.” Điều này chúng ta có thể diễn đạt lại như sau: “Phúc cho những người no lòng nếu họ cũng biết làm thoả cơn đói khát của những người nghèo khổ xung quanh chúng ta. Những người no đủ có sức khoẻ để làm việc nhằm giúp cho người đói được của ăn và người khát được nước.
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười.” Ai là những người hạnh phúc? Những người hạnh phúc này không thể mang lại cũng cùng một hạnh phúc như mình cho người khác sao? Làm cho người khác cũng được hạnh phúc là làm việc thiện. Niềm vui chính là quà tặng của Thần Khí. Người hạnh phúc là con người của thần khí, có nghĩa là niềm hạnh phúc trong sáng và chính trực.
“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.” Những ai có cảm nếm về tình yêu thương nơi cha mẹ, nơi anh chị em là những người có khả năng nhất để lan tỏa tình yêu. Hận thù sinh ra hận thù. Nhưng tình yêu thì xác quyết, xây dựng, khích lệ, củng cố và làm những điều không thể thành có thể.
Tôi cho rằng vẫn có lối giải thích theo chiều kích văn hóa về một mô thức các mối phúc. Nhờ việc tái thiết lập nên mô thức các mối phúc, chúng ta sẽ không làm méo mó ý nghĩa đích thực các mối phúc. Việc tái thiết lập ấy làm cho ý nghĩa các mối phúc được nắm bắt dễ dàng hơn. Người giàu có sẽ có khả năng giúp thêm nhiều người hơn; người no đủ có thể cho người đói ăn và cho người khát uống. Người hạnh phúc lại có thể xây dựng hạnh phúc của các gia đình và cộng đồng. Những ai biết yêu thương có thể làm cho thế giới tràn ngập tình yêu mạnh mẽ của Thiên Chúa.
Với sự hiểu biết mới mẻ này về các mối phúc sẽ làm cho các mối phúc có sức hấp dẫn hơn và có thể dễ dàng thực thi.
Tại sao những người xung quanh Đức Giêsu lại nổi giận với bao việc tốt lành Người đã làm? Đây quả là một câu hỏi khá lạ lùng. Trong Tin Mừng (Lc 6,6--11), Đức Giêsu đã chữa lành người bại tay. Nhưng những người tự cho mình là những người bảo vệ Lề Luật lại trở nên giận dữ trước sự tỏ bày việc tốt lành ấy. Tại sao vậy?
Nếu chúng ta nhìn lại những trải nghiệm của chúng ta trong đời và so sánh chúng với những việc của Đức Giêsu, chúng ta nhận ra có điểm gì đó tương đồng. Chẳng hạn, khi chúng ta làm điều tốt nào đó thì tự nhiên lại thấy một số người nổi giận với chúng ta mà không có bất kỳ lý do nào cả. Trong một tình thế hay những hoàn cảnh tương tự như thế, đâu là nguyên tắc để chúng ta thực hiện?
Trước tiên, chúng ta nên học biết cách để phớt lờ những chỉ trích lên án tiêu cực và sự ganh tỵ của người khác. Thứ đến, chúng ta nên tiếp tục làm việc tốt. Chúng ta không được phép buông bỏ những công việc tốt đẹp giữa chừng chỉ vì những người khác không hạnh phúc vì những việc đó. Chúng ta vẫn nên tiếp tục công việc tốt đẹp của mình miễn là chúng ta không xâm phạm đến những quyền lợi của bất kỳ ai.
Những công việc mà chúng ta thực hiện sẽ có sức mạnh thuyết phục thực sự từ bên trong. Sự thật bao giờ cũng có sức thuyết phục hơn bất kỳ lý thuyết nào của kẻ chỉ trích lên án. Và kết quả cuối cùng, những kẻ thích chỉ trích sẽ rơi vào vực sâu của sự tủi hổ.
Cầu nguyện cho những kẻ lên án chỉ trích chúng ta chính là phương thế hữu hiệu và tốt đẹp để chống lại những người có suy nghĩ tiêu cực. Ngay cả chỉ một cụm từ “Lạy Cha chúng con” cũng sẽ làm cho chúng ta trở nên khác lắm rồi. Chẳng phải chúng ta vẫn luôn hằng cầu xin Cha tha thứ trong lời kinh Lạy Cha đó sao? Theo kinh nghiệm của tôi, cầu nguyện rất có hiệu quả.
Cuối cùng, mọi người sẽ chấp nhận những công việc tốt lành của chúng ta và chấp nhận chúng ta. Tiến trình đi đến sự chấp nhận của họ sẽ sớm xảy ra. Điều đó giống như việc thu hoạch trái cây. Đó sẽ là một mùa gặt bội thu. Thường thì kết quả vượt quá sự mong đợi của chúng ta.
Sau hết, chúng ta nên cầu mong sự tốt lành đến với hết thảy mọi người: những người ủng hộ chúng ta; những người chất vấn chúng ta; và cả những người hủy diệt chúng ta. Lòng nhân hậu chính là vũ khí sắc bén có sức chinh phục ngay cả những kẻ vô tín cứng lòng nhất.
Đừng bao giờ để cho người khác có nguyên cớ khiến chúng ta bị rối trí. Nếu chúng ta gặp phải những người thân cận lắm chuyện ngay cả khi chúng ta đang làm điều tốt, tệ hơn là nếu họ có được lý do thực sự để chỉ trích lên án chúng ta, chúng ta hãy quảng đại và nhân hậu.
Thiên Chúa sẽ thưởng công chúng ta vì sự nhẫn nhục của chúng ta. Điều ngạc nhiên hơn là phần thưởng ấy sẽ ngoài những gì chúng ta có thể tưởng nghĩ đến.
Khi một người chọn ngồi ở vị trí rốt hết, thì chúng ta có thể nói rằng người đó khiêm tốn. Điều này được Tin Mừng theo thánh Luca (14,1-14) nói rõ. Khi Chúa Giêsu nhìn những Kinh Sư và người Pharisiêu dành lấy những vị trí quan trọng nhất trong bữa tiệc, Người đã không để cho hoàn cảnh này xảy ra mà không đưa ra một bài học hữu ích.
Những gì xảy ra trong thời của Chúa Giêsu thì cũng đúng cho thời đại ngày nay. Nếu sứ điệp của Người vẫn sống động thì chúng ta cũng chẳng có nhiều vấn đề trong Quốc Hội hay Thượng Viện. Chúng ta sẽ ít gặp vấn đề hơn trong các Giáo phận và các Giáo xứ. Xã hội sẽ tốt đẹp hơn.
Khiêm tốn là điều cần thiết để con người đón nhận chân lý. Chỉ khi con người khiêm tốn thì mọi việc mới có thể giải quyết được. Chân lý thì mang tính rất cá nhân. Hãy dành thời gian để quan sát khi anh chị vạch ra cho bạn thấy một khuyết điểm hay một thiếu sót. Thông thường thì phản ứng bạn là gì? Kháng cự! Khi điều này xảy ra, sẽ chẳng giải quyết được gì cả. Bạn sẽ không có cơ hội để tăng trưởng. Sự tăng trưởng chỉ xảy ra khi trước hết bạn dám chấp nhận cách thành tâm những sai lầm của mình.
Ngoài ra, một phản ứng khác nữa là bạn buộc tội các chứng nhân có thiện chí. Có lẽ trường hợp này chúng ta đã nghe quá quen thuộc vẫn trình chiếu trên màn ảnh truyền hình. Có những phản kháng vô cùng mãnh liệt khi người ta phạm những tội ác khủng khiếp. Nhưng bằng chứng cuối cùng là cũng chẳng giải quyết được gì. Hình như mọi luật lệ không có răng thì phải, đặc biệt khi các quan toà và thẩm phán có thể được mua chuộc bởi sức mạnh của hàng triệu đô-la.
Biện pháp hướng tới sự khiêm nhường khỏi tính tự phụ được trình bày qua dẫn chứng sau: Khi một ai đó biết giữ bình tĩnh và duy trì tinh thần vui tươi cho dù bị thất nghiệp; khi một ai đó chấp nhận hậu quả đau buồn bởi một vụ tai nạn; hay khi một người chấp nhận rút lui một cách độ lượng, vẫn biết rằng một trang sử mới trong cuộc đời mình rồi sẽ đổi thay, nhưng mình sẽ được một sự đền đáp tương xứng. Tất cả những điều này đều có thể xảy ra vì người ấy biết cách xoay sở đời mình.
Câu chuyện của Tin Mừng cần được đọc đi đọc lại nhiều lần, từ đó chúng ta sẽ có được giải pháp cho vô số sự dữ đang không ngừng gây hại cho cả Hội Thánh cũng như cho xã hội.
Gần đây, chúng ta nghe nói về rất nhiều về mô thức để suy tính trong cuộc sống. Có những mô thức để: chăm sóc con trẻ, để trở thành một sinh viên giỏi, một công dân tốt, một Kitô hữu ngoan đạo, hay một tu sĩ đạo hạnh.
Tin Mừng Máthêu 19,16-22 cũng nói về một mô thức. Nguồi cội của mô thức này chính là con người Đức Giêsu. Đức Giêsu đã chỉ cho người thanh niên biết làm thế nào để trở nên một người con ngoan của Thiên Chúa. Thật đúng khi liệt kê những yếu tố như:
Ngươi không được giết người.
Ngươi không được ngoại tình.
Ngươi không được trộm cắp.
Ngươi không được làm chứng gian.
Ngươi phải thờ cha kính mẹ.
Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình.
Bạn thấy quen thuộc với các yếu tố này không? Chắc chắn là có rồi!
Vào hoàn cảnh đời sống của bạn ngay lúc này đây, bạn cho yếu tố nào là quan trọng, hay bạn phải suy nghĩ tiếp? Có phải làm chứng gian không? Hay thiếu yêu thương đồng loại nào đó chăng? Vậy thì điều gì? Tất nhiên chúng ta chưa thể nói rằng chúng ta là hoàn hảo được. Luôn có chỗ cho sự tăng trưởng. Ai mà dám nói mình hoàn thiện sẽ đứng trước nguy cơ bị giam hãm lại trong đời sống ân sủng.
Chàng thanh niên giàu có, người đã được Chúa Giêsu nói đến, cho Đức Giêsu biết rằng anh ta đã thực hiện tốt các yếu tố trên trong mô thức đã định sẵn. Khi Chúa yêu cầu anh bán tất cả những gì mình có và theo Người, anh trở nên buồn rầu. Đây chính là một mặt của đời anh, ở mặt này anh đang sa lầy và bất phục tùng.
Tôi tự hỏi không biết mình có những gì mà mình vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ không, không phải để bán hay để dính bén vào. Rất quan trọng để trả lời cho câu hỏi này. Có thể, đây cũng là lãnh vực mà bạn đang sa lầy và bất tuân đó. Bạn có sẵn sàng khám phá ra ngóc ngách ấy trong cuộc đời bạn không?
Chúng ta đều có những trải nghiệm rất khác nhau để có thể chia sẻ trong nhà nguyện này: nhiều người có trí tuệ sắc bén, một số thì trông ngớ ngẩn, số khác thì luồn lách lươn lẹo, và số khác thì đầy khôn ngoan vốn đến từ chính cuộc sống bản thân.
Họ có mang lại sự thay đổi bên trong không? Nếu sự thay đổi này diễn ra, thì chúng ta có thể sẵn sàng chờ đón những kết quả tích cực hơn: ít vội xét đoán gay gắt hơn, nhạy bén hơn với những nhu cầu của đồng loại hơn, ngôn từ mang tính giáo dục hơn, phê bình có tính xây dựng hơn, tiếp đãi ân cần như là một nhân vị hơn, biết nuôi dưỡng tài năng của người khác hơn. Nói tóm lại, là trở nên những người con cái Thiên Chúa.
Giờ này chúng ta đang đứng ở đâu? Như một phần trong yếu tố xây dựng cho chứng từ đức tin của chúng ta, chúng ta có thật tâm thực hiện mô thức mà Chúa Giêsu đã đưa ra cho người thanh niên giàu có không?
Những dấu ấn rõ nhất mà Thiên Chúa đã để lại cho chúng ta là những người đã được Người huấn luyện. Có 12 tông đồ, được Thiên Chúa tuyển chọn và đặt tên trong Tin Mừng (Lc 6,13-19). Tuyển chọn sao cho tốt đẹp là việc hết sức hệ trọng. Chúa đã phải cầu nguyện suốt đêm trước khi Người tuyển chọn tông đồ.
Từng cá tính của mỗi tông đồ là những bức tranh đẹp của giáo huấn Chúa Giêsu. Họ là các những bản sao của Người. Những gì họ dạy sau này dựa trên những gì họ đã nghe được từ Thầy của mình. Những gì họ viết là những gì họ đã nhớ lại sau khi Thầy phục sinh.
Những người đã được Chúa chữa lành cũng có những dấu ấn tốt đẹp về những gì Chúa Giêsu đã làm. Những dấu chứng được thấy trên cơ thể họ. Hãy tưởng tượng rằng trước khi Chúa Giêsu đi vào cuộc đời của họ, họ là những con người tàn tật, đi khập khiễng, những con người với cặp mắt mù lòa, họ là những con người bị quỷ ám.
Nhưng Thiên Chúa đã tỏ lòng xót thương đối với họ. Những thân thể được chữa lành mang dấu ấn về những phép lạ của Chúa Giêsu. Những cơ thể lành lặn của họ là những dấu chứng thực tế về lòng nhân hậu và khoan dung của Chúa Giêsu.
Tôi thầm hỏi về mỗi người chúng ta: khi lương tâm bất ổn được chữa lành, tâm hồn trĩu nặng được chiếu sáng bằng ân sủng Thánh Thể, và tinh thần chán nản được soi sáng bằng những lời cầu nguyện. Nếu Thiên Chúa làm những điều đó cho chúng ta, thì có dấu ấn nào đọng lại nơi chúng ta không?
Có lẽ đời sống và mẫu gương phục vụ của chúng ta là những tấm gương phản ánh công việc của Thiên Chúa trong chúng ta.
Tối qua, tôi đã nghe câu chuyện về một đôi bạn bị bắt cóc ở tỉnh Palawan. Họ bị nhóm Hồi giáo cực đoan Abu Sayaf bắt dẫn tới đảo Basilan. Họ đã kể lại những thử thách và sự giải thoát của họ. Điều làm tôi có ấn tượng nhất là cách thế mà họ xử sự với những người bắt giữ họ. Đôi bạn rất nhớ và sống với các ưu tiên căn bản trong cuộc đời họ. Thiên Chúa là trung tâm và bất cứ gì xảy đến đi nữa, Người đều đóng một vai trò hoạt động trong đó. Họ sống hết mình từ ngày này sang ngày khác. Họ bày tỏ tình yêu và sự cảm thông với những người bắt cóc họ. Lòng trung tín vào Thiên Chúa và lòng trung thành của họ với Đấng là Tình Yêu đã củng cố họ thêm sức mạnh trong lúc gian truân.
Tất cả chúng ta khi thực sự yêu thương người khác sẽ trở thành dấu ấn của Thiên Chúa cho những người thân cận. Chúng ta phải thận trọng trong lời nói, hay cái nhìn mà chúng ta trao ban, những phê bình xét đoán mà chúng ta thực hiện, các công việc chúng ta làm, những việc kinh doanh chúng ta đang giải quyết, những bài học mà chúng ta truyền đạt.
Chúng ta phải để lại các dấu ấn tình yêu ấy của Đấng là Tác Giả của tất cả.
Thân xác vinh hóa được chúc phúc, được loan báo bởi thần trí vui mừng phấn khởi trong Thiên Chúa, được giải thoát do lòng khiêm nhượng. Đó là một con người đón nhận lòng xót thương Thiên Chúa, và được ngập tràn bao điều tốt lành. Đây là bài suy niệm của Đức Maria liên quan đến Mẹ đã trở thành gì sau khi Mẹ nhận làm mẹ của Con Thiên Chúa.
Khi bà Elizabeth xưng tụng người em họ Maria với lời “chúc phúc”, Thần Khí đã tuyên bố trên môi miệng người đàn bà cao niên khó có thể làm mẹ, bà là người đại diện đầu tiên cho tất cả những ai đón nhận Thánh Ý Thiên Chúa. Cũng thế, không chỉ riêng Mẹ Maria là người được chúc phúc, nhưng mà là tất cả những ai đặt Thánh Ý Thiên Chúa lên trên tất cả mọi sự. Lời kinh ngợi khen Magnificat của Đức Mẹ cũng có thể là lời kinh ngợi khen của bạn và của tôi.
Thần trí vui mừng của Đức Maria là kết quả cứu thoát từ lòng khiêm nhượng. Một người phụ nữ, một người hèn mọn xuất thân từ Nazareth, chẳng có công chi xứng đáng nhưng đã được Thiên Chúa giải thoát do lòng khiêm nhường và từ sức mạnh của những con người vĩ đại trên thế giới. Vì thế, Mẹ được tặng ban thần trí vui mừng khiến Mẹ cất lời ngợi khen Thiên Chúa. Trong Mẹ, Thiên Chúa cũng phấn khởi vui mừng. Người khiêm nhượng là sự vinh quang của Đấng Thánh.
Lòng xót thương của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi người mà Thiên Chúa thấy là xứng đáng và được sống trong cung lòng của Mẹ, mà cả thế giới cũng không thể chứa nổi người ấy như Mẹ. Người Con của Sự Sống, Người là chính Sự sống, Người mà tìm thấy được hơi thở nhân loại của mình trong buồng phổi của một thụ tạo. Lòng xót thương và chỉ có lòng xót thương mới là lời giải thích có giá trị về sự tuyển chọn của Thần Linh được thực hiện nơi Đức Maria. Lòng xót thương Thiên Chúa không chỉ được tỏ lộ trên Mẹ nhưng còn trên bất cứ ai, bạn và tôi, những người xưng thú sự hèn mọn phận người. Trong sự mọn hèn của chúng ta, và cho dù trong yếu đuối và tội lỗi, Thiên Chúa vẫn không ngừng bày tỏ lòng thương xót thánh thiêng của Người cho chúng ta.
Mẹ Maria được tràn đầy phúc lành. Vì thế từ nơi cung lòng Mẹ là mạch suối tuôn đổ mọi phúc lành. Nhưng không chỉ Mẹ là người được hưởng đặc ân để ngập tràn mọi điều tốt lành. Khi Mẹ chuyển cầu cho chúng ta, cũng như khi tất cả chúng ta kêu xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta, là những người tội lỗi, trái tim rất thánh của Con Mẹ quả thật không thể cưỡng lại lời khẩn cầu của người Mẹ nhân loại, đấng luôn mãi dịu hiền. Dưới chân thánh giá trên đồi Calvary, Mẹ Maria đã đón nhận ân sủng làm thân mẫu. Mẹ đã được con Mẹ trao phó để chăm sóc thánh Gioan, ngài cũng là đại diện cho mỗi người chúng ta lúc bấy giờ và tại đó.
Tục ngữ Tagalog nói rằng:
Magsisi ka man sa huli
Walang mangyayari
Trong vùng Bikol, phía nam của Phi-líp-pin, câu ấy được dịch là:
Magbasol ka man sa huli
Mayo na nin mangyayari
Tại tỉnh Maguindanal, khu tự trị của Hồi giáo, câu đó được dịch là:
O sindet ka ma sa mauli na,
Dala bon maghalula ning ka.
Tất cả được dịch sang tiếng Anh là: “Cho dù bạn có hối hận, nếu quá muộn màng, bạn vẫn chẳng được gì”.
Câu tục ngữ này dường như muốn truyền đạt một lối sống bi quan mang tính văn hóa. Thống hối hay pagsisisi có thời gian nhất định của nó. Ngoài quãng thời gian này, sự thống không còn ích gì nữa.
Câu tục ngữ này có chỗ đứng như thế nào trước Tin Mừng về sự thống hối? Có cách nào để thanh tẩy và sửa lại câu tục ngữ dân gian này không?
Thông điệp chính của Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 21 tập trung vào tính khả khể mà những kẻ tội lỗi có thể “bước vào Vương Quốc Thiên Chúa” vì họ có thể thống hối ăn năn. Đó là những cô gái điếm và những người thu thuế, những người bị gạt ra bên lề xã hội Do Thái giáo bấy giờ. Qua tinh thần thống hối, họ được nên công chính và được bảo vệ trước mặt Thiên Chúa giàu lòng thứ tha.
Quả là nghịch lý khi nhận thấy rằng Chúa Giêsu bày tỏ ý định này cho các Thượng Tế và Kỳ Mục trong cộng đồng Do Thái giáo. Người cho họ biết những gì sẽ theo họ vào vương quốc không phải là địa vị của họ trong cộng đồng nhưng là sự sẵn sàng thực thi Thánh Ý Cha trên trời. Các Thượng Tế và Kỳ Mục, những kẻ đã không sống theo Thánh Ý Cha, sẽ ở xa vương quốc Người. Mặt khác, những người tội lỗi như các cô gái điếm và các người thu thuế biết thống hối ăn năn sẽ được xem là công chính trước mặt Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã giải thích thái độ lạc quan trong Kinh Thánh xuyên suốt sách các ngôn sứ. Những ai biết thay đổi tâm hồn mình sẽ luôn được Chúa đón nhận. Đức Chúa, theo giáo huấn trung thành của các ngôn sứ, luôn chờ đón sự trở lại của con người. Nhưng dù Người phẫn nộ, Người vẫn kiếm tìm và vẫn đợi chờ tâm hồn không thống hối ăn năn.
Cơ hội để được Chúa thứ tha dường như là điều lợi ích cho tất cả mọi người. Mosê đã được thứ tha. David đã được thứ tha. Phêrô cũng đã được thứ tha. Mỗi người, một lúc nào đó trong cuộc đời, từng làm tổn thương đến Thiên Chúa nhưng họ biết cách trở về với Thiên Chúa, họ cũng sẽ được thứ tha.
Quả thực, mỗi người đều có cơ hội trở về với Thiên Chúa. Những cô gái điếm, những kẻ trộm cắp, những người thu thuế, tất cả đã được Chúa Giêsu chào đón. Cho đến ngày nay, điều này vẫn đúng như nó vẫn từng đúng.
Bất cứ lúc nào cũng là thời điểm tốt để con người nói lời thống hối ăn năn về lỗi lầm đã phạm. Thống hối có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Đừng ai trở nên chậm trễ trong việc xin ơn tha thứ của Cha. Cho dù ai đó đã không xin điều này suốt hai mươi năm, hay mười năm, hay chỉ một năm, hay một tháng, hay mới hôm qua, thì hôm nay, người ấy vẫn có thể xin ơn tha thứ.
Câu tục ngữ trên giới hạn sự thống hối (pagsisisi hay magbasol) trước thời gian định sẵn nào đó thì hình như trở nên vô ích khi rao giảng về một tình yêu vô biên của Chúa Cha. Hãy đặt mình trước Tin Mừng, thì sẽ thấy câu tục ngữ dân gian trên có nhiều khiếm khuyết.
Nhiều người trong chúng ta, nếu không muốn nói là tất cả, đang trung thành với Giáo Hội, đều có kinh nghiệm riêng của bản thân về ơn tha thứ của Cha. Đó là một kinh nghiệm vui mừng phấn khởi. Đó là một tình trạng cảm nếm sâu sa lòng thương xót của Thiên Chúa. Và chúng ta có thể nói với tất cả thế giới rằng cơ hội để được tha thứ đều dành cho hết thảy mọi người không trừ một ai.
Có một câu chuyện về một linh mục nọ đang hấp hối vì nhồi máu cơ tim đang thuật lại sự lên án và vu khống chống lại ngài. Đó là chị giáo dân, một trong những kẻ chủ mưu xúc phạm đến ngài, đến và xin sự tha thứ từ vị linh mục này mà sắp qua đời: “Thưa cha, con rất hối hận về nhiều tội như dèm pha, làm giảm uy tín và vu khống mà con đã gay ra chống lại cha. Nếu có bất cứ điều gì con có thể làm được, hãy nói cho con biết, con sẽ rất vui lòng thực hiện nó”.
Linh mục sắp qua đời này kéo chiếc gối đang kê dưới đầu yếu ớt, đưa cho chị ta và nói: Con hãy leo lên tháp nhà thờ và thả tất cả các lông trong chiếc gối này ra.”
Để làm vui lòng vị linh mục đạo hạnh, người phụ nữ bèn ra đi và thực hiện những gì vị linh mục đó yêu cầu. Tất cả sợi lông chim trong chiếc gối bị gió cuốn bay đi tứ tung khắp hướng. Cô ta quay trở lại để cam đoan với ngài rằng cô đã thực hiện xong những điều ngài yêu cầu.
Vị linh mục bèn nói, “Vậy bây giờ, con hãy đi ra và thu gom lại tất cả mọi lông chim đó và đem nhét chúng vào lại chiếc bao gối.”
“Không thể được, thưa cha!” Người phụ nữ thốt lên. Gió đã thổi tung tóe các lông chim đó đi xa. (Bruno Hagspiel)
“Hãy ăn năn, vì Nước Trời đã gần đến.” Đây là bài học chính trong Tin Mừng Mát-thêu 3,1-12. Tuy nhiên, mỗi hành vi thống hối đều gắn vào một khách thể nào đó của nó bởi vì ăn năn không thể chỉ là lý thuyết suông. Giờ đây, khách thể của hành vi thống hối phụ thuộc vào loại hành vi phi luân đã gây ra.
Như trường hợp trong câu truyện trên, thì khách thể của sự thống hối phải có là phục hồi lại thanh danh cho vị linh mục mà chính người phụ nữ đã sát hại bằng lời nói hành vi chống lại ngài.
Khi chúng ta suy gẫm về việc thống hối, chúng ta phải nhìn nhận những thiếu sót cụ thể của chúng ta. Mỗi thiếu sót cần phải có một hành động cụ thể nhằm sửa chữa.
Cuộc sống sẽ không có hạnh phúc nếu chúng ta không chịu sửa đổi lỗi lầm như đòi hỏi. Hủy hoại thanh danh của bạn bè thì sẽ cần nói lời xin lỗi. Trộm cắp thì phải hoàn trả. Hiếp dâm thì phải ở tù. Sùng bái tà thần thì phải xưng tội với Thiên Chúa là Đấng chân thật.
Điều cần thiết đối với mỗi người trong chúng ta là luôn luôn kiếm tìm cõi lòng sâu thẳm của mình trước khi chúng ta có thể xác định rõ mà chúng ta cần sửa đổi điều gì. Tuy thế, bất kể bao lâu đi chăng nữa, chúng ta hãy tìm kiếm tận sâu trong tâm khảm mình sẽ luôn luôn có một góc nhỏ mà chúng ta không thể chạm đến được.
Hơn thế nữa, cần phải có nhiều nghị lực để nhận ra hành động cụ thể để thực thi. Bất kỳ hành động nào chúng ta làm để sửa chữa lại, thì hành động ấy phải tương xứng với điều mình đã gây ra.
Trong câu chuyện trên, người phụ nữ không thể thu gom được hết những lông chim trong chiếc gối. Điều này tượng trưng cho việc không thể nào hoàn trả lại và đền bù hết những hậu quả mà tai hại đã gây ra.
Do đó, điều này sẽ khiến cho chúng ta phải quỳ xuống trong tinh thần thống hối, nài xin lòng thương xót Chúa. Khi con người không thể thỏa mãn trọn vẹn điều gì đó thì ân sủng tuôn chảy từ lòng thương xót Chúa sẽ bù lấp cho những gì còn thiếu vắng.
Hình như Thiên Chúa ở xa chúng ta thì phải. Tại sao vậy? Bởi vì có nhiều người vẫn nghèo đói, nhiều người vẫn còn bệnh tật và nhiều người sống nhưng không có sự bình an.
Nhiều người vẫn đau bệnh, trẻ cũng như già. Cứ thử đến viếng thăm một bệnh viện nhi đồng hoặc một khoa nhi nào đó. Những đứa trẻ được sinh ra với nhiều loại căn bệnh khác nhau, chủ yếu bởi vì mẹ các bé sử dụng ma túy, rượu hay bị nhiễm HIV. Những vị lớn tuổi thì bị bệnh tiểu đường, viêm khớp, các loại dị ứng và ung thư.
Nhiều người sống mà không có thức ăn. Vô số những bức tranh nghèo đói khủng khiếp được phác hoạ lên là những khuôn mặt của hàng tỷ người ở Châu Phi, Châu Á, Trung Quốc và Manila. Bảy mươi phần trăm dân số trên thế giới là những người nghèo.
Nhiều quốc gia không có hòa bình. Nhiều cuộc chiến ở đang xảy ra Châu Âu, chẳng như ở Bosnia, Georgia và Chechyna. Tiếp đến là những xung đột ở vài quốc gia thuộc Châu Phi, đặc biệt là Somalia và Ethiopia. Châu Á, Ấn Độ và Pakistan đang xung khắc với nhau ở vùng đất Kashmir, thuộc Trung Á. Tại đất nước chúng ta, đa phần của vùng Mindanao là những khu chiến trường.
Thiên Chúa đã mạc khải chính Người cho tất cả các dân tộc. Đó là lý do tại sao chúng ta nói rằng Thiên Chúa gần gũi với chúng ta. Thiên Chúa không chỉ mạc khải chính Người cho dân Israel hoặc cho các Kitô hữu mà thôi nhưng còn cho tất cả mọi dân. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người, như ngôn sứ I-sai-a nói: “Mọi người trên khắp cùng cõi đất sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.” (Is52,10)
Thiên Chúa đang trò chuyện với chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta nói rằng Thiên Chúa ở gần với chúng ta. Thánh Cả Giuse và Mẹ Maria là những chứng nhân về điều này. Các mục đồng và người dân làng Nazareth cũng là những nhân chứng (Lc2,15-17). Hơn thế nữa, thánh Phêrô, Giacôbê, Gioan, và những tông đồ khác đã chứng kiến những công việc của Chúa Giêsu làm. Đám đông đã được nuôi ăn no thỏa và được nghe giảng dạy. Nhiều người được chữa lành bệnh. Họ chẳng làm gì hơn là trở nên những nhân chứng cho mọi người.
Thiên Chúa cư ngụ giữa chúng ta. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa ở gần chúng ta. Cách thức cư ngụ của Thiên Chúa gồm hai phần. Trước tiên Thiên Chúa cự ngụ trong dân Israel. Thứ hai Thiên Chúa cư ngụ trong chính thâm tâm thẳm sâu của con người. Tất cả con người đều có khả năng đón mời Thiên Chúa vào trong tâm hồn của mình.
Thiên Chúa không ở xa chúng ta nữa. Sứ mạng của các tín hữu Kitô giáo đơn giản hơn những gì mà chúng ta thường nghe từ các nhà giảng thuyết. Chúng ta đừng làm cho sứ mạng của chúng ta ra phức tạp. Chẳng hạn, đơn giản chúng ta chỉ cần nói cho mọi dân tộc biết rằng, Thiên Chúa luôn luôn ở gần.
Thiên Chúa hiện diện ngay trong bệnh tật, trong sự đói nghèo, và cả trong chiến tranh, nhưng vì do bệnh tật, nghèo đói và chiến tranh là những tình thế khiến cho con người dễ dàng nhận biết Thiên Chúa vẫn tồn tại. (Câu hỏi của chủ bút: Tính từ “dễ dàng” được sử dụng ở đây liệu có đúng không?)
Sứ mạng của chúng ta là tuyên bố cho các dân tộc biết rằng Thiên Chúa đang ở gần. Quả thực là rất gần! Chúng ta nói cho mọi người biết rằng ngôi nhà của Thiên Chúa là chính trong tâm hồn con người. Hồi Giáo, Phật Giáo, Ấn Độ Giáo, Do Thái Giáo và nhiều đạo khác sẽ không gặp khó khăn để hiểu điều này. Thông thường những ai cho rằng có Thiên Chúa, thì đều biết Thiên Chúa chẳng ở xa đâu. Người chính là Đấng cư ngụ ngay trong tâm hồn của mỗi người.