Bài giảng về “Kinh lạy Cha”, mà mới đây tôi đã trình bày trong một nguyện đường, đưa ra trong phần cuối này như một cảm hứng để tôi viết một bài suy niệm nhằm kết nối giữa lời cầu nguyện của Thầy Giêsu với bảy di ngôn của Người, vốn thường được nói đến trong suốt buổi siete palabras (siete = bảy; palabras = lời nói) vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Đây là một thói quen hành đạo rất phổ biến ở các giáo xứ khắp đất nước Phi-líp-pin. Và nhiều người qua việc sử dụng công nghệ truyền thông hiện đại như Đài Phát Thanh và truyền hình, có thể theo dõi buổi cử hành siete palabras nơi từng địa phương. Buổi suy niệm trong ngày ấy sẽ đặt ra những thách đố cho các tín hữu trong bối cảnh thực tế ngày hôm nay.
Tôi nghĩ lời cầu nguyện đẹp nhất của chúng ta trong Hội Thánh không gì hơn là Kinh Lạy Cha. Lời kinh thật ngắn gọn, lấy Chúa Cha làm trung tâm, lời kinh rất sát thực, đụng chạm đến cái cốt lõi của từng nhu cầu hàng ngày của con người. Người ta có thể không ngừng quay trở lại thời mà họ đã từng học Kinh Lạy Cha, và tự hỏi: liệu theo thời gian mình có thêm thấu hiểu lời kinh này không. Nếu người ta trả lời một cách quả quyết, thì lúc này đây người ta sẽ hiểu như thế nào? Nếu không trả lời được, vậy thì tại sao và liệu người ta có thể nào thật sự áp dụng lời kinh này khi người ta gặp những khó khăn trong cuộc sống?
Cố gắng để liên kết Kinh Lạy Cha với buổi cử hành the siete palabras rất là thú vị. Điều này làm cho chúng ta hồi tưởng lại cách thức để tôn kính Thánh Danh Đấng Tạo Hóa, và cảm nhận được lương thực hằng ngày mà chúng ta đang dùng đều do bởi tha nhân. Nhiều sự dữ quanh chúng ta vẫn còn đang hiện hữu: trong các gia đình, các tổ chức Hội Thánh, các công ty xí nghiệp, các tổ chức chính phủ, các tổ chức công đoàn và nhiều nhóm khác nữa. Làm thế nào lời kinh này có thể làm thay đổi cũng như đụng chạm tới những hoàn cảnh đa diện này? Làm thế nào mà hoàn cảnh khó khăn của chính chúng ta có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn lời nguyện mà chính Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ của Người?
Để sống tình đại kết, lời kinh này chính là lời cầu nguyện rất hữu hiệu hầu có thể đem các Kitô giáo khác nhau xích lại gần nhau. Lời kinh này như là một lời ca tụng chiếu theo lời cầu xin của Chúa Giêsu lên Chúa Cha: “Xin cho họ được nên một -- ut unum sint”. Đây là vũ khí bí mật chống lại các nhóm chia rẽ, nhưng nhiều số trong những nhóm này lại đều hăng say nỗ lực sao cho hoàn trọn ước muốn của Thầy Chí Thánh. Tuy thế, tất cả đều phải mong ước đến thời điểm mà các giáo phái đang chia rẽ sẽ phải vượt qua mọi thành kiến về bình diện tâm lý, văn hóa và tôn giáo.
Kinh Lạy Cha có thể dễ dàng được nhận hiểu bởi những tín hữu thuộc các giáo phái khác nhau hơn là các tín hữu thuộc Kitô giáo. Quan niệm về Chúa Cha dễ dàng được chấp nhận hơn trong các tôn giáo lớn khác. Xa lánh sự dữ vẫn là lời cầu nguyện của tất cả các giáo phái. Vì thế chúng ta hãy nài xin cho được đại kết, không như một số nhóm đặc thù chỉ muốn thăng tiến giáo phái mình như Hồi giáo và Phật giáo chẳng hạn. Mong rằng bài suy tư này giúp ích như một sự khai mở và bổ xung cho sự nhận hiểu mới mẻ đối với đức tin của bản thân và của người khác, ngay trong ngữ cảnh cuộc sống hàng ngày hôm nay. Những ngày trong Tuần Thánh là thời điểm thuận lợi cho việc suy niệm qua lời nguyện cầu của Thầy Chí Thánh: “Xin cho tất cả nên một.”
Vì lúc nào chúng ta cũng đọc xin tha tội cho chúng con khi chúng ta cầu nguyện bằng “Kinh Lạy Cha”, nên tôi tự hỏi thực sự điều gì đang diễn ra trong tâm trí của người cầu kinh này. Phải chăng chỉ có môi miệng của người ấy đọc thôi hay còn phải thêm điều gì nữa? Lời cầu nguyện này đòi hỏi điều gì đó xem ra khó lòng mà thực hiện. Nhưng tôi nghĩ có một điều kiện để Thiên Chúa có thể cứu chúng ta khỏi sự dữ.
Chúng ta hay phàn nàn vì chúng ta là nạn nhân từ sự xấu sa của kẻ khác. Đây là kinh nghiệm chung của chúng ta. Kẻ khác ở đây có thể là những người rất thân cận với chúng ta và lúc nào đó trở mặt thành kẻ thù. Hoặc họ có thể là kẻ thù thực sự của chúng ta.
Chúng ta cần nhận biết rằng kẻ thù có thể có rất nhiều. Chúng ta phải nhận ra sự thật này. Câu chuyện huynh đệ giữa hai anh em Abel và Cain, được tìm thấy trong những trang đầu của sách Sáng Thế, quả là một ví dụ tuyệt vời. Abel đã thực sự làm gì trước sự cuồng nộ của Cain? Cain đã ganh tỵ với Abel vì chàng đã dâng cho Chúa hoa màu tốt nhất. Abel không có lỗi gì cả.
Câu chuyện Kinh Thánh này được nối tiếp bằng một trình thuật nổi tiếng khác về sự giận dữ của mười một người con trai của Gia-cóp để chống lại đứa em của mình là Giuse. Số phận của Giuse bị ném xuống giếng và sau đó bị đem bán chỉ vì lòng ganh tỵ của mười một anh em ấy.
Qua hai câu chuyện trên, dưới chân thánh giá, Đấng Cứu Thế nói cho chúng ta rằng, chỉ có một con đường duy nhất, và chỉ có đường đó mới được giải thoát. Đó là, sự tha thứ là con đường giải thoát. Trên thánh giá, lý do mà Chúa mời gọi để luôn tha thứ là: vì họ không biết việc họ làm.
Hãy suy nghĩ về lý do này. Chẳng lẽ đây không phải là lý do tại sao lúc nào chúng ta cũng nên tha thứ cho người khác khi đọc “Kinh Lạy Cha” đó sao? Lý do để tha thứ được dựa trên sự thiếu hiểu biết. Nhiều khi chúng ta thường hay than phiền chống lại những người có lỗi với chúng ta, đó là vì chúng ta thiếu hiểu biết về con người ấy, về động cơ thúc đẩy, những ý định, và khuynh hướng của đối tượng. Hành động tàn ác của kẻ làm nhục chúng ta dường như khá phổ biến khắp nơi chỉ vì họ không biết.
Thế còn những kẻ mà có nhiều hiểu biết lại lên án những điều mà chúng ta chẳng có thì sao? Tình huống này khó khăn hơn. Khi sự dữ xảy đến, cách thức duy nhất để giải thoát chúng ta chính là nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa ban tặng. Đây là ân sủng của một tình yêu thật: khi người ta chỉ nhìn thấy những việc tốt lành, khi người ta được trao tặng ơn nhẫn nhục, khi người ta được trao tặng ơn để vượt thoát khỏi lòng đố kỵ và những sự xấu khác. Chỉ có tình yêu mới làm cho con người quên đi tất cả, và chỉ mong duy nhất điều tốt lành mà thôi.
Kẻ cáo tội ác độc lẫn nạn nhân đều có một sự hướng dẫn rõ ràng từ Kinh Lạy Cha cả. Khi chúng ta xúc phạm đến ai, hãy nài xin tha thứ, khi ai đó xúc phạm đến chúng ta, chúng ta hãy trao ban thứ tha.
Quả thật, tôi nói với anh, ngay hôm nay anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng. Thiên đàng. Bạn có biết rằng khi tôi còn là một đứa trẻ, lúc nào tôi cũng ước mơ là được lên thiên đàng không? Nó là một giấc mơ tôi biết từ hồi nhỏ, như tôi biết nó hiện nay. Nhưng những giấc mơ như thế có ý nghĩa gì không?
Tôi dám chắc chắn rằng tôi không cô đơn một mình trong giấc mơ đó. Bạn, cũng như rất nhiều người trong các bạn, có lẽ cũng có một kinh nghiệm tương tự như thế. Đi lên thiên đàng là điều mà tất cả mọi người chúng ta đều mong muốn. Có những người đã thuật lại những gì họ đã trải nghiệm đặc biệt khi họ được lên thiên đàng trong một khoảng khắc ngủi. Những câu chuyện của họ được phổ biến rộng rãi. Các bác sĩ không thể giải thích được những câu chuyện của một vài bệnh nhân: họ kể rằng thỉnh thoảng trong cuộc đời, họ thấy tinh thần của họ dường như lìa khỏi thân xác. Hơn thế nữa, các vị thánh cũng có đại loại những câu chuyện tương tự như thế. Đối với người có niềm tin thì không cần phải tìm kiếm một lời giải thích chi cả. Còn đối với những người không tin, họ cũng chẳng chấp nhận bất cứ sự lý giải nào.
Khi chúng ta cầu nguyện cho Nước Cha hiển trị chúng ta, chúng ta có ý muốn xin rằng rằng thiên đàng có thể bắt đầu khi chúng ta còn ở tại thế. Nhưng Chúa Cha nói với chúng ta: chỉ khi các con làm theo Thánh Ý Ta. Khi cái gì thắng thế thì đó chính là ý chí của chúng ta, bay giờ chúng ta không thể tôn vinh Danh Cha được.
Cám dỗ để chìu theo ý riêng ta rất mãnh liệt. Chúng ta sẽ là những kẻ khoác lác nếu chúng ta nói rằng lúc nào Triều Đại Cha cũng luôn hiển trị trong tâm hồn của chúng ta. Vì thế không lạ gì khi thiên đàng ở xa chúng ta. Chúng ta không mơ về thiên đàng sẽ đến với chúng ta trong khi chúng ta còn ở dương thế.
Hỡi các con, hãy nói cho Ta điều các con muốn. Ta sẽ mang đến tất cả những thứ các con cần để đi đến thiên đàng. Các con đã có Con Một của Ta, đã có họ hàng của con, những người bạn thân quen của con, những người láng giềng. Ta sáng tạo nên tất cả mọi sự để dành cho thiên đàng. Nhưng thiên đàng chỉ đến khi các con làm theo ý muốn của Ta.
Ý muốn của Ta sẽ được tìm thấy trong những gì các con dám cởi bỏ và từ khước. Ta không làm cho các con thành những nhà ngôn sứ qua Bí Tích Thánh Tẩy sao? Ta đã tặng ban cho các con biết bao ân sủng. Đừng cản trở anh chị em của các con khi họ ước mong hoàn thiện các ân sủng Ta tặng ban cho họ. Đừng lên án họ. Hãy nhận thấy rõ những ân sủng ta đã ban cho họ. Đừng ganh tị với họ vì Ta đã tặng ban cho các con đầy đủ hơn mức cần thiết. Các con đã xử sự với họ như thế nào?
Phải, ngày nay chúng ta nhận thấy nhiều phong trào đã được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Nhiều phong trào hướng đến việc xây dựng cộng đoàn, làm mạnh mẽ đời sống gia đình, học hỏi Kinh Thánh và thăm việng những người đau yếu. Họ đã hiến dâng chính bản thân để phục vụ cho công lý và hoà bình. Bạn thuộc chỗ nào? Bạn có ủng hộ công việc này không, hay lúc nào cũng chỉ thích lên án và khước từ chúng? Bạn có thường hay lên án những người làm cho bạn cảm thấy bất ổn? Bạn cảm thấy bất ổn là vì bạn đang đi lùi lại phía sau.
Các con đang đi tụt lại phía sau vì các con ngăn chặn ý muốn của Ta. Chao ôi! Hỡi các đứa con, hãy khiêm tốn nhận ra Thánh Ý của ta trong mọi sự mà đang diễn ra trong Hội Thánh hôm nay. Hãy trở nên các ngôn sứ của Ta để làm cho trần thế này được biến thành thiên đàng.
Trước đây, gọi Thiên Chúa là Mẹ là một chuyện kỳ lạ. Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha. Nhưng trong thời gian gần đây, thần học đã cởi mở hơn để nhìn nhận một vai trò khác của Thiên Chúa: Người không chỉ là Cha mà Người còn đóng vai trò của một người Mẹ nữa - đó là dưỡng nuôi, sinh sản, nhân hiền, vai trò quan tâm của tình mẫu tử. Giáo lý dùng cho Hội Thánh Công Giáo tại Phi-líp-pin đã dùng cụm từ “người cha mang tình mẫu tử”. Giáo lý dạy: “Thiên Chúa như sự viên mãn của sự sống đã ôm trọn mọi chiều kích yêu thương của tình phụ mẫu và còn vô biên vô tận hơn nữa!”
Theo sự uỷ thác và trong vai trò của mình, Mẹ Maria là mẹ của thánh Gioan, người đại diện cho hết thảy chúng ta là những môn đệ của Chúa Giêsu. Quan điểm nữ tính về tình mẫu tử của Thiên Chúa Ba Ngôi được biểu lộ. Sự biểu lộ này không chỉ ở trong ý niệm về giống mà còn trong vai trò rõ ràng của tình mẫu tử đặc biệt nơi Đức Maria, nhờ vậy trên bình diện nào đó có thể lý giải cho tình mẫu tử của Thiên Chúa.
Đức Maria đã trở thành Mẹ của Hội Thánh ngay khi Chúa Giêsu uỷ thác thánh Gioan cho Mẹ và những người con còn lại là chúng ta cũng như toàn thể nhân loại. Truyền thống và lịch sử nói cho chúng ta rất nhiều điều về vai trò của Đức Maria trong Hội Thánh, khởi đi từ phòng tiệc ly sau cái chết của Thầy mà các môn đệ sợ hãi tản mác. Mẹ Maria hiện diện ở đó như một nguồn cảm hứng, an ủi, củng cố với tư cách là một người Mẹ. Nhờ điều này, các môn đệ hiểu được tình mẫu tử của Thiên Chúa. Chúa Cha dường như bỏ rơi họ. Chúa Giêsu đã rời các môn đệ và chỉ để lại một biểu tượng mang hai chiều kích: Đức Maria, người đã thi hành sứ mệnh từ Chúa Cha là sinh hạ Đức Giêsu, và một sứ mệnh nữa là khi Chúa Giêsu đang hấp hối trên thánh giá, Người ủy thác Mẹ làm Mẹ của thánh Gioan và của tất cả mọi người.
Từ đó trở đi, theo nghĩa phổ quát, Đức Maria trở nên sống động cho toàn thể Hội Thánh, và theo nghĩa đặc thù, cho từng cá nhân mỗi người chúng ta. Với nghĩa đầu tiên, chúng ta có những câu chuyện trong Hội Thánh Đông phương, trình bày hình ảnh Đức Maria rất phong phú và tôn kính Mẹ qua các hình tượng. Hơn thế nữa, chúng ta có Mẹ Maria ở Lotero, ở Lộ Đức, ở Fatima và ỏ nhiều nơi khác nữa.
Nói cụ thể hơn, những tín hữu mộ đạo có thể kể cho chúng ta về Mẹ Maria thực sự là mẹ trong đời họ như thế nào. Nhiều người tín hữu đi đến Piat, đến Manaoag, đến Baclaran, đến Zamboanga. Ngay cả ở vùng tự trị của Hồi giáo là đảo Mindanao, Đức Mẹ cũng hiện diện sống động giữa các anh chị em Hồi giáo của chúng ta. Những người sinh sống ở Zamboanga có một niềm tôn kính và sốt sắng rất lớn với Đức Mẹ Trụ Cột. Ngoài ra, còn có những người mô đạo ở khu Penafrancia tại thành phố Naga, Candelaria thuộc thành phố Iloilo, khu Poong Ina thuộc đảo Central Luzon. Ai thực sự có thể sánh được những công việc của Đức Mẹ trong lòng Hội Thánh?
Những phong trào gần đây, gồm một vài thành phần trong các giáo phái Tin Lành, đã nhận ra sự trợ giúp thánh thiêng trong đời họ. Vâng, ân sủng phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phải qua việc suy đi gẫm lại và vai trò mẫu gương của Mẹ trong tư cách là Mẹ của Hội Thánh (Công đồng Vaticanô II). Thiên Chúa là người Mẹ, nếu chúng ta dám sử dụng ngôn từ như thế để nói về hình ảnh trọn vẹn của Thiên Chúa cho thời đại ngày hôm nay. Thiên Chúa là người Mẹ được biểu tỏ cách rõ ràng và hữu hiệu nơi một người phụ nữ độc nhất đó, Đấng đã chấp nhận sứ mệnh từ khi Con Mẹ đang hấp hối, bị đóng đinh vào thập giá. Đây chính là biểu tượng của sự cứu độ.
“Lạy Thiên Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Người bỏ rơi con?” Đây là lời diễn tả Chúa Cha bỏ rơi Con của mình rất rõ ràng. Câu hỏi này cho thấy Chúa Con lo lắng đến mức nào. Thực sự Thiên Chúa có bỏ rơi Con của Người không? Ai sẽ giải thoát cho người Con của Người đây?
Lời di ngôn thứ hai trong số những lời cuối cùng của Chúa Giêsu dường như không phải dành cho bản thân Người. Người đang nói vì Người thay mặt tất cả chúng ta. Chúa Cha luôn luôn hiệp nhất với Chúa Con. Trên thánh giá, chính nhân tính trong Đức Kitô đã đặt ra câu hỏi này.
Nhân tính trong Đức Kitô là cái làm cho Người nên một với chúng ta. Ai sẽ giải thoát chúng ta ra khỏi những đau đớn của thánh giá mỗi ngày. Con người trở nên bất lực khi đương đầu với những thách đố hằng ngày trong cuộc sống. Ai sẽ giải thoát chúng ta khỏi sự dữ? Cũng chính Chúa Cha sẽ giải thoát chúng ta khỏi sự dữ. Nhưng khi nào thì Chúa Cha sẽ giải thoát chúng ta khỏi sự dữ đang ở trong chúng ta?
Cha trên Trời sẽ nói: “Sự dữ sẽ ở trong tâm hồn con, khi con không biết tha thứ” và Người sẽ nói tiếp: “Khi con không tha thứ, bằng cách nào con có thể nài xin Ta tha thứ cho các tội lỗi của con được? Ta biết rằng để tha thứ là một điều khó. Nhưng điều ta yêu cầu con không chỉ phải tha thứ mà còn phải biết quên đi nữa. Ồ, chỉ khi đó con mới là những đứa con tự do giải thoát. Nào hỡi những người con của Ta! hãy quan sát những người sống quanh con. Con yêu Ta qua sự thương yêu thực lòng của con dành cho nhau. Khi đó, sẽ không có sự dữ nào có thể đổ xuống trên con nữa. Không có sự dữ bệnh tật nào nữa vì Ta sẽ chữa lành cho con; không có sự dữ của âu lo nữa vì cuộc đời con đặt trọn niềm tin vào Ta. Không có sự dữ nào của sự bất an vì ở trong Ta, là Cha của con, con sẽ nhận thấy tất cả gánh nặng con mang sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều. Sau hết khi còn ở dương thế, chính con sẽ trở thành một người Cha đối với những người sống quanh con. Qua Ta, chính con sẽ cứu họ khỏi mọi sự dữ. Trong Ta và qua con, họ sẽ được chữa lành khỏi mọi âu lo. Cha sẽ đáp lại lời con khi con kêu cầu nài xin nhờ môi miệng của Con yêu dấu Cha.
Cha có bao giờ bỏ rơi con đâu. Cha sẽ không bao giờ bỏ con. Nhưng, chính con lại luôn luôn bỏ rơi Cha. Đó là lý do tại sao con khóc trong khi bị đóng đinh trên cây gỗ đời: Tại sao con lại bỏ rơi Cha?
Con phải cố gắng hơn nữa. Cha biết điều gì đang diễn ra trong lòng con. Đừng giả vờ nữa. Hãy chấp nhận sự dữ đang có trong lòng con. Khi chấp nhận điều này, Cha sẽ chữa lành con. Cha không thể để con bị vất vưởng vì Cha nghe tiếng khóc than của con từ Con yêu dấu Cha. Phải, Cha là Đấng Bảo Vệ từ Trời cao, sẽ lo liệu cho tất cả các con. Cha muốn nói rằng, tất cả những gì mà con cần cho ơn cứu độ của con mà thôi. Hãy tin tưởng Cha, hỡi các người con! Cha sẽ giải thoát các con khỏi tất cả sự dữ: sự dữ ở ngay trong lòng con, sự dữ xuất phát từ thâm tâm của những người xung quanh con, sự dữ ở giữa các con, ở trong gia đình, trong đất nước và trên toàn thế giới. Và điều kiện duy nhât cần thiết là, hãy khóc than cùng với Con của Cha đang bị đóng đinh trên thánh giá. Ngoài Người ra không có ơn cứu độ và chỉ ở trong Người mới có ơn cứu độ mà thôi. Hãy nói điều này cho tất cả mọi người. Mong ước của Cha là tất cả các con nhận biết Cha người đã gửi Người Con duy nhất của mình xuống để mang lại hòa bình cho thế giới. Hãy mời gọi những ai chưa nhận biết Cha để có thể đến với Cha. Cha cũng là Cha của những tín đồ Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Lão giáo và ngay cả những người chỉ nhận biết Cha theo lẽ tự nhiên.
Chúa ban cho chúng ta lương thực hằng ngày. Chúng ta kêu xin Người để ban cho chúng ta lương thực này mỗi khi chúng ta cầu nguyện lên Cha của chúng ta. Nhiều người trong chúng ta không có đủ thức ăn cơ bản cho sự sống. Cái chúng ta có thì lại nhiều hơn cái chúng ta thực sự cần. Tuy nhiên, Chúa có thể từ chối không ban cho chúng ta cái chúng ta muốn, vì chúng ta tham lam.
Trong khi chúng ta có đầy đủ thức ăn hằng ngày thì ngược lại vẫn còn biết bao người phải đói khát. Thật dễ để nhận ra điều đó. Khoảng 70% dân số ở Phi-líp-pin là những người nghèo. Hãy đi đến những khu ổ chuột tại những thành phố lớn. Điều kiện sống của họ thật thê thảm. Hãy đi đến các tỉnh khác nữa. Nhiều người dân sống còn thiếu những nhu cầu căn bản.Nhiều người vẫn thiếu những nhu cầu cơ bản. Có thể nào chúng ta nói được rằng Nước Thiên Chúa đã đến với họ hay không?
Điều này đã khiến chúng tôi đi xem lại tủ chứa chén đĩa của chúng tôi. Chúng tôi cũng hỏi: chúng ta đã làm gì với những đồ đang dự trữ của chúng ta? Bạn có giang đôi tay ra để giúp người khốn khổ đang sống gần bạn không? Có quá nhiều người nghèo khổ. Họ cũng đang chờ đợi bánh của Cha trên trời ban xuống cho họ. Họ đang mong mỏi cơn khát của họ sẽ được làm dịu mát. Còn quá nhiều người như thế. Họ vẫn đang chờ đợi bánh của Cha trên trời ban xuống cho họ thông qua mỗi người chúng ta!
Khi bạn cho đi, bạn sẽ có lương thực nhiều hơn bạn cần nữa. Bạn sẽ được uống nhiều hơn cái có thể làm dịu cơn khát của bạn. Chúa muốn nói với bạn: Ta sẽ không quên đôi tay của con đã giang rộng để giúp Ta khi con cho kẻ đói ăn và cho kẻ khát uống.
Lương thực hằng ngày sẽ được nhân lên gấp bội, thông qua bạn.
Khi đó bình chứa trong tâm hồn bạn, sẽ được đổ tràn thêm nhiều nước uống. Hãy nhìn xem tủ đựng chén dĩa và thùng nước của bạn. Hãy xem những thứ dư thừa để ở đó. Đó chính là lương thực hằng ngày của tha nhân đấy. Chính nơi đó, sẽ có bình chứa trong tâm hồn bạn, có một dòng nước dư dùng cho bạn uống hằng ngày.
Làm sao chúng ta có thể quên ngài Gandhi được? Ông thực hành sống sự nghèo khổ tự nguyện, thì đồng thời ông đang làm cho người khác được giàu có. Chính trong việc sống đời giản dị, ông đã thủ đắc được sự khôn ngoan. Đó là lý do tại sao những nhà lãnh đạo khác trong thời ông sống đã xin những lời khuyên của ông. Ông đã cho đi trong khi ông vẫn sống nghèo. Ông lấp đầy thế giới khốn khổ bằng gương sáng về cuộc sống giản dị. Chúa Cha đã ban cho ông lương thực hằng ngày, bởi đó ông đã được no thoả với những gì ông cần cho chính mình. Đấng Quan Phòng không bao giờ bỏ rơi ông.
Một hình ảnh khác trong thời hiện đại này mà cho thấy sự tin cậy vào Chúa Cha sẽ ban đầy đủ lương thực hằng ngày, đó chính là Mẹ Têrêsa, một phụ nữ thật vĩ đại. Bằng cách nào Thiên Chúa đã nhân lên “những tấm bánh” hằng ngày cho Hội Dòng Thừa Sai Bác Ái, đây là tên chính thức của hội dòng của mẹ! Hội Dòng đã được nhân lên hàng ngàn lần. Nguyên tắc Hội Dòng là, hãy để cho Chúa làm việc mỗi ngày theo cách thức của Người qua việc tin vào sự quan phòng của Chúa. Các nhà nguyện của chị em, bất kể ở Manila, Moscow, Pakistan, Calcutta hay ở Roma, cũng có dòng chữ gồm hai từ: Ta khát. Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh vào thập giá, khao khát một Giêsu khác dưới hình thức là một tu sĩ hay dưới hình thức là những người trợ giúp cho Hội Dòng. Vì chính nơi họ, di ngôn cuối cùng của Chúa Giêsu về nhu cầu cần thiết của con người được viết lại. Chúa chịu đóng đinh khao khát những linh hồn và những quả tim có lòng thương cảm với những người sống những khu ổ chuột, với những người nghiện ngập, những trẻ em bị bỏ rơi và những người già cả không biết đi đâu về đâu.
Tất cả những người này đã được ôm trọn vào cánh tay của Thầy đang hấp hối, Đấng đã gào khóc trong thân phận mong manh yếu đuối: Ta khát.
Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.
Có những lần trong cuộc đời, chúng ta bị cám dỗ để nói lên những “tiếng xin vâng giả dối” và “tiếng không giả vờ”. Chúng ta không thể nói ngay tiếng “Amen” vĩ đại này được. Nếu vậy thì chúng ta muốn gì?
Có một câu chuyện như sau: Người cha nói với thằng con đi ra đồng làm việc. Anh ta thưa “vâng” nhưng anh lại không đi làm. Một người con khác, cha cũng kêu gọi và anh ta thưa “ không”, nhưng sau đó anh ta lại đi làm.
Khởi đầu với Bí Tích Thanh Tẩy, chúng ta và cha mẹ đỡ đầu chúng ta thề hứa trung thành với cộng đoàn Kitô hữu. Nhưng bạn có nhận thấy rằng từ thời điểm đó đến giờ, lời thề hứa đó của người ta luôn luôn vấn đề không? Lúc nào lời hứa đó cũng bị đe dọa. Lúc nào chúng ta cũng bị cám dỗ để nói tiếng “vâng”, nhưng sau đó luôn có nguy cơ làm ngược lại. Chúng ta phạm vào tội là “xin vâng giả dối”, có nghĩa là chúng ta chỉ giả vờ cho người khác thấy mình là con người như thế, nhưng thật ra mình không phải là thế. Chúng ta có phải là những kẻ sống giả hình hằng ngày không? Chúng ta không thể nói tiếng “Amen” thực lòng mình được. Hãy thực sự là chính mình. Chúng ta cũng hãy là tiếng “Amen” của Gioan Tẩy Giả. Tiếng “Amen” này cần để cho thấm đượm vào từng giờ khắc trong cuộc sống của chúng ta.
Nhưng hãy khoan. Chúng ta cũng còn có những giờ khắc khác rất cao quý. Phải, rất nhiều lần chúng ta do dự khi nói tiếng “xin vâng.” Chúng ta giống như người con thứ nhất. Nhưng, chúng ta sẽ cảm nhận ngay trong chúng ta có cảm giác bất an sâu thẳm cho đến khi chúng ta đạt đến ngã vị cao quý hơn của chúng ta. Khi khám phá được như thế, chúng ta sẽ nhận thức rõ tiếng “không giả vờ” của chúng ta. Chúng tôi không có ý nói là chúng ta hãy trả lời ngược lại với lời mời gọi đi ra đồng ban đầu của người cha. Chúng ta cần khiêm tốn đấm ngực và làm theo những lời chỉ dẫn của Thầy Chí Thánh nói ở bên trong sâu thẳm lòng ta. Lúc này đây chính là thời điểm mà lương tâm tốt lành của chúng ta sẽ chiếm ưu thế. Như thế, tiếng nói “không giả vờ” sẽ trở thành tiếng thưa “Amen” vĩ đại.
Tiếng “Amen” trong Kinh Lạy Cha cũng giống như tiếng “Amen” vĩ đại của thánh Gioan Tẩy Giả. Sứ mệnh của ngài khi ở trong hoang mạc là hoán cải những Kinh sư, những người Pharisêu, những người thu thuế và những tên lính khác đến Vương Quốc mà chính Chúa Giêsu sẽ loan báo sau đó. Sứ mệnh của thánh nhân là giảng về sự ăn năn trở lại để đạt đến Nước Trời thông qua cuộc hoán cải cá nhân nơi mỗi người, là những người đến với ngài và xin chịu phép rửa. Chúng ta nên tự đấm ngực hằng ngày và nhận ra sự giả dối của chúng ta và dám nói lời xin lỗi. Sau đó, chúng ta sẽ cảm nhận được Nước Trời đang đến ngay trong lòng chúng ta cách cụ thể. Sứ mệnh của Gioan Tẩy Giả được hoàn tất trong tâm hồn cải hóa của chúng ta. Chính nơi đây sẽ trở thành nơi cư ngụ của những ân sủng tuyệt vời do Thiên Chúa tặng ban. Chúng ta sẽ trở thành dấu chứng cho một đức tin sống động, đức cậy tha thiết và đức ái dồi dào. Thế rồi, Chúa Giêsu sẽ kêu lớn tiếng với Chúa Cha và tất cả các môn đệ ở dưới chân thánh giá: Mọi sự đã hoàn tất!
Mọi sự đã hoàn tất là bởi vì chính Người đã đến thế gian để mang về tất cả những ai đón nhận lời rao giảng thống hối trở lại với vườn nho và nhập đàn chiên của Chúa Cha, Đấng hiển trị cả trên trời cao lẫn dưới đất thấp. Bạn và tôi, cùng với tất cả mọi người chúng ta, hãy nói tiếng “Amen” như Gioan Tẩy Giả, nếu không muốn nói là còn lớn hơn ông nữa, như Chúa Giêsu đã xác nhận (Mt11,11).
Đang khi chuẩn bị phần này cho việc suy tư những di ngôn sau cùng của Chúa Giêsu, tôi đã nhận được hai tin làm tôi rất lúng túng: tin về hai cái chết.
Một là bà của bạn tôi qua đời, hưởng thọ bảy mươi lăm năm tuổi. Hai là sự qua đời của mẹ vợ em trai họ tôi. Cả hai thông tin này đã giúp tôi tập trung vào suy tư của mình. Nỗi buồn từ hai thông tin này đã giúp tôi nhớ lại cuộc vật lộn chống lại cái chết của tôi trong vài năm trước đây.
Cái chết của những người bạn cũ và người thân của tôi đã khiến tôi đau buồn. Thật không dễ dàng để chấp nhận. Thời gian vẫn không ngừng trôi. Tiến trình của cuộc sống vẫn tiếp diễn. Khi thân xác thể lý đi đến những giây phút hoạt động cuối cùng của nó, còn tinh thần không còn có thể trú ngụ trong phạm vi vật chất nữa, tinh thần ấy sẽ thoát ra khỏi ngục tù giam hãm của thân xác và giải phóng nó đến một thế giới vô tận, một thế giới của những con người bất tử. Chúng ta là những Kitô hữu vẫn tin vào tính bất tử của linh hồn, cũng giống như những người tin vào việc tôn kính ông bà tổ tiên. Họ cũng tin vào sự sống bên kia khỏi trần thế này. Như thế, tính bất tử của linh hồn có thể được hiểu rõ ràng hơn.
Khi nghe tin về cái chết, người ta có thể hiểu được ý nghĩa của câu nói: “Con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Đây là lời trăn trối cuối cùng được chấp nhận bởi một người với tâm trí tỉnh táo, người ấy hy vọng rằng thông qua cuộc sống trần thế này sẽ đạt đến đích. Nhưng đích này lại là cửa ngõ để khởi đầu cho sự sống muôn đời. Điều này muốn nói đến việc linh hồn sẽ được tiếp cận với Đấng Tạo Hóa. Linh hồn này sẽ lặp lại lời Thầy Chí Thánh đã dạy: “Xin cho Ý Cha thể hiện”.
Cuộc vật lộn chống lại cái chết của tôi diễn ra trong suốt thời gian thân xác tôi phải mang lấy căn bệnh vốn sẽ làm sụp đổ hệ thống thông thường trong cơ thể. Bấy giờ tôi khó mà ăn được, tôi cứ bị xuất huyết. Tôi phải làm mọi việc trên giường bệnh. Tôi phải gạt đi tất cả những tủi hổ của mình. Đó là phút giây người ta phải tín thác hoàn toàn vào lòng Chúa xót thương. Tuy nhiên, tôi cảm nhận tận sâu thẳm lòng tôi có một năng lực thần linh. Mỗi khi ai đến xin tôi hy sinh để cầu nguyện cho họ, tôi đều mang lại năng lực đó cho họ. Trong những tình thế khó khăn bởi toàn thân thể đang đau bệnh, tôi chỉ quyết tâm để thực hiện một điều: đó là, giữ lấy hơi thở. Hơi thở là cầu kết nối của tôi với sự sống. Khi đó, tôi mới hiểu được ý nghĩa của trình thuật trong sách Sáng Thế: Thiên Chúa thổi hơi vào lỗ mũi của con người đầu tiên. Thế rồi, tôi hiểu rõ rằng hơi thở chính là thần khí.
Hơi thở như thần khí là một sự thật mà tôi học được trong tình thế gay go ấy. Nhưng đây không phải là tình thế duy nhất chúng ta có thể học những bài học vĩ đại trong cuộc sống: Chúng ta có thể học được qua những tình huống thử thách của hai người phối ngẫu ly hôn khi gặp vấn đề hôn nhân; Chúng ta có thể học được qua những bệnh nhân đang đau đớn như bị ung thư giai đoạn cuối chẳng hạn; Chúng ta có thể học được qua những con người đang cô đơn vì người thân yêu đã ra đi; Cúng ta có thể học được qua công việc kinh doanh sụp đổ; Chúng ta có thể học được qua tình thế mà có một người con hay một người bạn bị nghiện hút; Và có thể học qua rất nhiều những tình huống khủng khiếp khác nữa.
Đó là những lần hầu chúng ta sẽ trao phó những tình huống của chúng ta vào sự nhân lành và long thương xót của Cha trên Trời. “Vâng, lạy Cha, xin cho Ý Cha được thể hiện”. Nhưng xin chỉ cho chúng con phương thế để hiểu thấu kế hoạch của Cha dành cho chúng con. Chúng con đang bên bờ vực thẳm, sắp sửa mất tất cả sức mạnh của mình.
Lúc đau buồn như thế là lúc mà dường như tất cả niềm hy vọng có vẻ như tiêu tan sụp đổ vì sự thấu hiểu của tâm trí đã bị che khuất. Nhưng dù thế nào đi nữa, xin cho ý Cha được thể hiện.
Cũng như Con Cha đã phó thác linh hồn vào trong tay Cha thế nào, thì chúng con cũng xin phó thác Cha như vậy!