Chịu sự oanh tạc trong suốt thế chiến thứ II, một nhóm người Kitô hữu đã khám phá ra sức mạnh của Lời Chúa. Hơn bất kỳ sức mạnh nào khác của con người, sức mạnh Lời Chúa đã liên kết họ lại với nhau, sáp lại gần nhau vượt lên trên mọi điều kiện của con người. Sức mạnh của họ được đặt nền trên niềm xác tín vững chắc rằng tất cả mọi sự đều có thể miễn là có Chúa Giêsu hiện diện giữa họ. Tin Mừng theo thánh Mátthêu 18:15-20 đã thuật lại điều này. Khi có Đức Giêsu hiện diện ở giữa thì mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp. Kinh Thánh có nói: lắng nghe, sửa lỗi, tháo cởi, và cầu nguyện trong sự đồng tâm nhất trí với nhau.
Lắng nghe: Biết dành ra khoảng thời gian để lắng nghe hơn là kết tội nhau. Lắng nghe để sửa đổi lẫn nhau trong tình huynh đệ cộng đoàn. Mục đích chính là ở chỗ, thật lòng thay đổi cung cách sống của bản thân.
Sửa lỗi: Thông thường thì sẽ không có việc sửa lỗi xảy ra nếu đối tượng khước từ việc lắng nghe. Quan trọng chính là cách thế sửa lỗi. Cung cách thế nào mới là vấn đề, chứ không phải sửa lỗi gì. Các bậc cha mẹ và thầy cô giáo, anh chị em cần biết sửa lỗi nhau trong tình thương yêu.
Tháo cởi: Hãy buông xả. Hãy để tha nhân bạn có khoảng không và tự do. Hãy để họ khám phá và thực hiện những ước mơ của họ. Hãy tha thứ những khuyết điểm của họ. Hãy luôn có thái độ tha thứ vì đây chính là nền tảng cho việc tăng trưởng cá nhân. Để cho việc tăng trưởng xảy ra, cần phải có tự do.
Cầu nguyện trong tình hiệp nhất: Cầu nguyện một mình là điều rất tốt. Thực vậy, có lần Đức Giêsu bảo các môn đệ, hãy vào phòng đóng kín cửa, cầu nguyện một mình trong thinh lặng. Tuy nhiên, có những lúc chúng ta cũng nên cầu nguyện trong tình liên đới với người khác.
Kinh Thánh nhấn mạnh: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” Thế nên, sẽ không có gì là không thể. Những gì họ xin, họ sẽ có được; những gì họ tìm, thì họ sẽ thấy; khi họ gõ cửa, thì sẽ được mở ra cho.
Trong cuốn sách ‘Jesus CEO’, bà Lourie Beth Jones viết về sức mạnh trong những việc Đức Giêsu làm. Bà nói rằng Đức Giêsu là nhà lãnh đạo đầy chất dũng. Trong chương 23, Thánh Mátthêu thuật lại Đức Giêsu đã thẳng thắn lên án trước mặt các Kinh sư và Pharisêu về lối sống xảo quyệt của họ. Đức Giêsu nói với họ: “Các ông sẽ là những người rốt hết”. Người nói các ông là những người chất gánh nặng lên vai những người khác; thích làm những công việc cho người ta nhìn thấy; thích ở những nơi được tôn vinh và thích được người khác gọi mình là Rabbi. Đức Giêsu không ngần ngại nói ra tất cả những điều đó cho những người Pharisêu, họ là những công dân hạng nhất và là những nhà trí thức nhưng lại không bao giờ đưa một ngón tay ra để giúp đỡ, đây là sự thật về cung cách sống của họ.
Chất dũng này phần nào không làm bạn sợ hãi chứ? Đôi khi chúng ta thấy bản thân mình rơi vào nhiều tình huống khác nhau, mà làm chúng ta cũng phải thể hiện cái dũng của mình như Đức Giêsu vậy. Chúng ta không nên ngại khi nói thẳng ra, và hơn thế nữa, là chúng ta dám sống cho sự thật. Chẳng hạn, chúng ta cũng phải biết sống liên đới với nhau, với biết bao con người đang ngày đêm tranh đấu cho sự sống của con người. Chúng ta phải biết đồng cảm với những nạn nhân do thiên tai, do bất công của xã hội và những bệnh tật đang hành hạ.
Khi chúng ta thực thi những việc ấy, chúng ta sẽ có một hướng đi rõ nét khi sống Tin Mừng. Đức Giêsu, một nhà lãnh đạo, đã có một hướng đi rõ nét như thế cho cộng đoàn mà Người điều hành: Người mời gọi họ đi làm vườn nho cho Người để họ được vào dự chung tiệc vui; Người chỉ thị họ phải theo mô thức của Người vạch ra hầu họ được tăng trưởng trong đời sống đức tin; Người đã khen ngợi những người Do Thái vì sống thật lòng, không hai mặt khi tương quan với những người khác. Người là vị mục tử đầy chất dũng đã vạch rõ ra loại chiên nào mới được đón nhận vào trong đàn chiên của Người. Đây mới là ý nghĩa thật sự của câu Emmanuel hay Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đây là cốt lõi của Tin Mừng.
Xin được trích dẫn câu của cha Henry Nouwen, một cây bút tâm linh nổi tiếng thời nay. Câu nói cho thấy Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta: “Thực sự đúng là một tin mừng khi khám phá ra rằng, Thiên Chúa không phải là một Thiên Chúa cao vời xa thẳm, không phải là một Thiên Chúa mà làm con người thấy sợ hãi và tránh né, không phải một Thiên Chúa hay báo thù, nhưng là một Thiên Chúa đang rung động khi thấy chúng ta đớn đau, và Người đang tham dự vào sự sống tràn đầy của cuộc tranh đấu cho sự sống con người chúng ta”.
Tuy nhiên, sự dũng cảm nơi Đức Giêsu có chọn lựa, và sự dũng cảm đó chỉ xảy ra khi nào Người bảo vệ cho ai đó. Mặt khác, như Chúa Cha, Chúa Giêsu là Đấng đầy lòng xót thương.
Ngày nay cũng như hai ngàn năm trước, trong xã hội vẫn có những bất công, hận thù, thành kiến, tham lam và kết án.
Những bộ phim, kịch nghệ, tiểu thuyết, chuyện ngắn, những vở kịch trên truyền hình và tất cả những hình thức giải trí giống như vậy vẫn đề cập đến tất cả thói xấu như thế này như cơm bữa. Vậy, rao giảng của Tin Mừng trong Hội Thánh, qua những buổi tĩnh tâm, suy niệm có âm hưởng gì không?
Tôi có quen biết hai bè phái nọ xung đột với nhau. Sự vật lộn giữa hai phái này mỗi lúc trở nên gay gắt. Một hôm, hai nhóm này cùng rủ nhau đến và cho tôi biết họ xung khắc nhau như thế nào trước kia. Quan trọng hơn là bây giờ họ đã có thể ngồi lại nói chuyện với nhau. Họ đã khởi sự hiểu lẫn nhau.
Trong suốt tiến trình như thế, việc chữa lành được diễn ra. Tôi khám phá ra rằng tận trong sâu thẳm lòng người, ai ai cũng khao khát đạt đến sự thông hiểu nhau, chứ không phải là bạc đãi, trách cứ, hay kết án nhau.
Cách thức chữa lành đối với chúng ta dường như không phải là đối đầu, nhưng chính là lấy Tin Mừng làm nền tảng.
Cha của chúng ta ở trên trời đang làm gì đó để có thể ngăn chặn tất cả những sự dữ ấy: Đó là bằng phương thế tỏ lòng xót thương. Chúng ta hãy trở nên những con người biết xót thương cách sâu sa. Tất cả chúng ta đều muốn được xót thương. Sự thương xót sẽ giúp chúng ta thấy anh chị em xung quanh bằng cái nhìn khác. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta làm thế nào để biểu lộ lòng thương xót.
Trong thời đại ngày nay, xuất hiện những nhân vật tiêu biểu cho lòng thương xót ấy như Mẹ Têrêsa Calcutta, Cha Roger Schulzt tại Taizé và Dorothy Day tại Washington. Còn bạn, bạn có thể quen biết những nhân vật nào khác nữa.
Điều mà thế giới cần, đó là lòng thương xót của Chúa Cha, cũng như lòng xót thương của bạn và của tôi. Chúng ta hãy biết xót thương, như Cha chúng ta trên trời là Đấng hay thương xót.
Những sợ hãi trong quá khứ có thể luôn ám ảnh tâm trí chúng ta. Thường thì chúng ta sợ hãi về những chuyện kể, những nơi mà chúng ta đã đến và ngay cả những kinh nghiệm đau thương từ những người bạn chúng ta. Cuộc chiến đấu trong kí ức chúng ta trước một tai nạn nào đó gần nhất có thể làm chúng ta chết một lần nữa. Thế nhưng, những kí ức như vậy có lẽ cũng cần thiết cho đời chúng ta.
Nỗi sợ hãi của Thánh Phê-rô trong Mát-thêu 14:22-36 không phải bắt nguồn từ việc ông sợ gì (như chìm xuống), nhưng chính là ông đã thiếu đức tin. Chúa Giêsu đã nói với ông như vậy.
Vâng, đức tin có thể bị đánh mất. Trong trường hợp của Thánh Phê-rô, người mà luôn luôn khẳng định với Chúa và những môn đệ theo Chúa về lòng dũng cảm của ông, điều này cho chúng ta thấy ông đã biết dẹp bỏ đi lòng tự ái bản thân.
Trong trình thuật ấy, Phê-rô mạnh dạn đến gần Chúa. Nhưng chính vì đức tin yếu kém nên đã làm cho ông bị chìm xuống biển khi đến gần Chúa.
Để cứu ông, Thầy Giêsu đã giang tay ra nắm lấy!
Chúa đã đưa đôi tay thể lý của Người để cứu lấy Phê-rô, bạn của Người, khỏi chìm xuống biển. Một sự kiện thật tuyệt vời cho mỗi một người chúng ta. Điều này sẽ làm chúng ta liên tưởng đến những chuyện của bản thân khi chúng ta bị chìm đắm.
Chúng ta thất bại trong kinh doanh; mất việc; mất đi người thân yêu; chúng ta mất bạn; hoặc chúng ta mất danh dự mình. Chúng ta có thể từng đánh mất rất nhiều thứ và qua những sự mất mát này, chúng ta có thể bị chìm xuống theo bình diện luân lý, tâm linh, tâm lý và xã hội.
Nhưng chính sự trợ giúp mà Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta trong quá khứ thì chúng ta phải thật nhớ lấy. Sự trợ giúp đó có thể qua sự cầu bầu của thánh bổn mạng chúng ta, Thiên Thần bản mệnh, Mẹ Maria, hoặc qua một người bạn nào đó, hay một người thân mà đến nâng đỡ chúng ta kịp thời kịp lúc.
Rất cần thiết khi chúng ta nghe được đoạn Tin Mừng này, những lúc chúng ta chiến đấu với bản thân để tìm gặp một ai đó có thể giúp chúng ta một tay. Có lẽ trong những phút giây như vậy, chúng ta cần sự trợ giúp của Thiên Chúa biết là dường nào.
Suốt dòng lịch sự nhân loại, Thiên Chúa, Cha giàu Lòng Xót Thương, luôn luôn có đó để giang rộng tay ra ôm chúng ta vào lòng Người như Người đã từng làm thế cho thánh Phêrô.
Theo tôi, cử chỉ đặc biệt của Đức Giêsu được đề cập trong Mát-thêu 19:15, là đoạn văn ý nghĩa nhất khi nói về bản tính con người của Đức Giêsu, Người đã biểu lộ cử chỉ Người khi gặp gỡ người khác như: cho kẻ đói được ăn, chữa lành người bệnh tật, khiển trách những người buôn bán trong đền thờ, nhưng với trình thuật trên, chúng ta thấy Người ở bên trẻ nhỏ chính là bức họa miêu tả rõ nét nhất về nhân tính của Người. Thật vậy, chúng ta cần khám phá ra những cử chỉ đặc thù khác của Đức Giêsu vốn họa lại chính con người của Người cũng như chúng ta vậy,mà không làm mất đi thiên tính của Người. Vì thế, chúng ta không thể thấy hết được toàn cảnh bức họa khi Đức Giêsu cũng cười cũng vui. Phải chăng chúng ta vẽ lên trong tâm trí chúng ta những bức họa của một thế giới ngày nay chỉ toàn là sợ hãi, tang thương, lo âu và đau khổ? Những cử chỉ thân ái và chân tình giữa người với người với nhau thật cần thiết trong việc xây dựng các mối tương quan.
Người Phi-líp-pin có một phong tục rất tốt đẹp mà chúng ta cần phải bảo tồn và duy trì - mano po (mano: tay; po: kính trọng. Mano po: hôn tay khi chào nhau). Một vài người đã nhầm lẫn khi thấy tục lệ thân thiện ấy nhưng hơi kỳ lạ khi hôn tay nhau chào hỏi, nhưng trong văn hóa của chúng ta, chúng ta có thể thấy ý nghĩa phong tục văn hóa này bắt nguồn từ cử chỉ của Đức Giêsu được đề cập trong Kinh Thánh.
Thực vậy, tôi lấy làm thắc mắc tại sao các trình thuật Tin Mừng rất ngắn gọn. Có thể Hội Thánh chỉ muốn chúng ta chú trọng vào sự chúc lành của Chúa Giêsu lên trẻ thơ cũng như những ai nên như trẻ thơ, chẳng hạn như bạn và tội.
Cử cỉ bắt tay, ôm hôn có thể được thay cho việc chào hỏi. Tuy nhiên thông điệp mano po muốn chuyển tải cho chúng ta thì khác biệt nhiều lắm.
Cử chỉ Mano po diễn tả không chỉ là thông điệp nói lên sự tôn trọng và sùng kính mà thôi, nhưng cử chỉ này còn cho thấy một kiểu hay một biểu tượng tình yêu của người con thảo. Tình cảm gắn kết được gia tăng. Cử chỉ ấy là sự biểu tỏ cho thấy mối tương giao ấy mang tính nhân bản rất trong sáng.
Người ta có thể không còn nhìn nhận phong tục tốt đẹp này theo cách thức nó đã có từ lâu, nhưng đây chẳng qua là cảm nhận trước đây của tôi mà thôi, cho đến khi tôi hôn bàn tay Lola và Lolo. Đáp trả lại, họ đã đưa tay ra đặt lên trán tôi và nói lời chúc lành cho tôi. Tôi vẫn còn nhớ những lời họ nói với tôi: “Dios te bendiga hijo” (Xin Chúa chúc lành cho anh) đây chẳng phải là một giá trị đáng được duy trì sao?
Khi chúng ta nói về các giá trị ở nhà, hoặc trong lớp, hay trong những giờ dạy giáo lý, khi chúng ta khai mở cho những trẻ thơ về phong tục mano po, thì chúng ta không nên tách biệt phong tục ấy ra khỏi cử chỉ của Đức Giêsu đã làm với những kẻ bé mọn trong thời của Người. Bởi vì nước Thiên Chúa là của chúng.
Thực thế, ý nghĩa trong cách biểu tỏ nhân tính khi Đức Giêsu đặt tay chúc lành lên kẻ bé mọn thì đáng quý biết dường bao!
Khi chúng ta bị khiêu khích, chúng ta sẽ trở nên tức giận, đặc biệt với những người lợi dụng chúng ta. Chúng ta muốn quay lại để trả thù và kháng cự nếu chúng ta thấy mình bị đối xử bất công quá. Nếu thanh danh và phẩm giá của chúng ta bị bôi nhọ, chúng ta sẽ phải cẩn trọng hơn, vì có thể, hành động chúng ta làm lúc này sẽ trở thành một điều mà chúng ta sẽ hối hận sau đó.
Trong Tin Mừng Matthêu: 9,27-31, tình huống mà Đức Giêsu có cơ hội tốt nhất chống lại Pharisêu, những kẻ cứ hay rình rập tra hỏi về những hành động của Người, chúng ta sẽ khám phá ra điều gì đó mà Đức Giêsu muốn gửi đến cho chúng ta: “Ta muốn lòng nhân.” Chúng ta hãy luôn luôn nhớ kỹ lời dạy này của Người trong mọi lúc.
Chúng ta cần trở thành một Giêsu thứ hai. Chúng ta phải biểu lộ lòng thương xót với những kẻ đã lợi dụng chúng ta, những kẻ đã gây bất công cho chúng ta và chà đạp danh dự của chúng ta.
Trong thời đại thông tin, chúng ta cần học biết điều này hơn bao giờ hết. Trong đời sống cộng đoàn, có nhiều những tình huống xảy ra làm chúng ta bị cám dỗ phản kháng lại. Chúng ta thường hay bị cám dỗ ấy, điều này là tự nhiên. Chúng ta bị hiểu lầm, bị kết án và bị ngược đãi ngay chính từ những người bạn thân quen và thậm chí ngay những người trong gia đình của chúng ta mà đáng lẽ họ phải bảo vệ chúng ta.
Đây là trường đời. Nếu chúng ta không hình thành nên trong chúng ta trái tim thương xót của Thầy Chí Thánh, chúng ta cũng sẽ giống như bao kẻ khác là dễ dàng chìu theo cơn cám dỗ để trả đũa và kết án.
Hãy dừng lại và suy nghĩ một chút: Lúc nào đó bạn hành xử theo tính khí, việc trả đũa và cơn nóng giận của bạn xem sao. Thoạt tiên, bạn sẽ thấy không thoải mái chút nào. Nhưng cuối cùng bạn sẽ thấy bình an khi nhận ra rằng bạn đã làm đúng.
Ngày nay, Hội Thánh càng cần nhiều người nam và nữ có thể biểu lộ lòng thương xót vì thế giới này đầy dẫy bạo lực. Các loại vũ khí đang gia tăng. Bạo lực đã xâm nhập vào từng gia đình, vùng quê và thành thị. Chúng ta đang ở trong một thế giới đầy hiểm nguy.
Nhưng nếu càng xuất hiện nhiều người bất bạo động, thì xã hội càng được nhiều lợi ích trên nhiều khía cạnh. Chúng ta cần tự huấn luyện bản thân để trở nên môn đệ đích thực của Đức Giêsu, Đấng vẫn luôn được biết đến như là người luôn đem lại bình an. Hãy thể hiện lòng xót thương với tất cả mọi người và từ đó thế giới quanh bạn sẽ được thêm bình an.
Anh Jepthe Lucena qua đời ở tuổi năm mươi mấy. Anh là một sinh viên trường Đại Học thánh Tôma (UST). Anh đã học để trở thành tu sĩ Đaminh ở Hồng Kông. Anh đã làm việc một thời gian ngắn ở Giáo Xứ Mân Côi Rất Thánh thuộc Đại Học thánh Tôma. Anh trở thành giám đốc ơn gọi cho Dòng chúng tôi trong thập niên 60. Anh đã qua đời trong khi anh làm tuyên úy cho bệnh viện Đại Học thánh Tôma.
Anh Ciriaco Pedrosa được biết đến với tên là Akong. Anh làm việc trong nhiều phân khoa khác nhau của trường. Anh là phó hiệu trưởng, thậm chí thay quyền hiệu trưởng. Anh nhiếp chính trong phân ngành khoa học và giữ chức vụ giám đốc của trung tâm nghiên cứu khoa học trong thời gian dài của trường chúng tôi. Anh qua đời trong thập niên 90.
Anh Ed Lumboy đã qua đời trong một cuộc tai nạn nghiêm trọng khi mới thụ phong linh mục sau hai năm. Anh mới 28 tuổi. Anh sống ở tu viện Đa Minh (Santo Domingo). Anh qua đời khi đang làm việc tại trường Angelicum tại thành phố Quezon.
Ba vị linh mục trên qua đời ở những độ tuổi khác nhau. Thiên Chúa có bất công không khi Người gọi vị linh mục khi tuổi còn quá trẻ về? Phần thưởng của họ sao đây? Với người lớn tuổi nhất hoặc với những người trẻ nhất, vậy Thiên Chúa sẽ quảng đại ai hơn?
Câu chuyện này có liên quan và rất gần với câu chuyện trong Tin Mừng. Thầy Chí Thánh tự do kêu gọi và tự do trao tặng các phần thưởng khác nhau. Thực vậy, Thầy tốt lành với hết thảy mọi người.
Khi chúng ta nối kết trình thuật Tin Mừng (Mt20,1-16) với những tình huống mà chúng ta thường gặp trong đời thì Tin Mừng lại có thêm một ý nghĩa trong tính cách đơn sơ giản dị của Tin Mừng. Đúng là chúng ta dễ dàng hiểu thấu đáo hơn các trình thuật trong Tin Mừng qua tính giản dị của ngôn từ. Thật sự khi Tin Mừng chuyển giao thông điệp nào đó với lối viết tao nhã và ẩn dụ thì sẽ dễ được người đọc đón nhận hơn. Tuy nhiên, điều cốt lõi chính là sự biến đổi mà nhà giảng thuyết đã trải qua. Và đáp lại, chính người nghe cũng được biến đổi.
Khi suy niệm dụ ngôn người làm vườn nho, chúng ta nên nghĩ chính mình cũng là người làm vườn nho được Thiên Chúa mời gọi để làm trong vườn nho của Người. Vườn nho này có thể ngay tại nhà, tại trường học, tại giáo xứ, tại Philippines hay Châu Á. Người ban cho mỗi người chúng ta những tài năng rất đa dạng và phong phú. Những mơ ước để thực thi sứ vụ của chúng ta cũng phong phú như vậy. Chúng ta hãy hy vọng rằng chúng ta có thể nâng đỡ nhau. Từ đó, chúng ta có thể sẵn sàng đối diện với Thầy Chí Thánh với niềm xác tín sẽ nhận phần thưởng xứng đáng, cho dù chúng ta bất chợt từ giã cõi đời.
Có những anh em giảng thuyết Kitô giáo đã được Chúa gọi về ngay trong khách sạn khi khách sạn này bị phát hoả tại thành phố Quezon vào thứ 6 ngày 17 tháng 8 năn 2001. Cũng có những trẻ thơ đã bỏ mạng ở đó. Thiên Chúa có bất công không?
Không ai có thể thấu hiểu được kế hoạch của Đấng Quan Phòng. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã nói cho chúng ta rồi, Người trả lời đơn giản là những người được Người mời gọi. Phần thưởng như thế nào còn phụ thuộc vào Người Chủ khi mời gọi những người làm vườn nho cho Người vào thời điểm nào mà Người thấy là tốt.
Khi Đức Maria được mời gọi, Mẹ đã chẳng bận lòng mình sẽ được phần thưởng gì. Đơn giản là Mẹ thưa “XIN VÂNG!” và bây giờ Mẹ là ‘’Nữ Vương Thiên Quốc’’. Chúng ta, là những người con của Thiên Chúa, mong ước một ngày nào đó sẽ được sum vầy bên Mẹ.
Một lần nữa, chúng ta nghe một dụ ngôn khác trình bày câu chuyện về lời mời làm vườn nho của Chúa. Lời mời này gợi cho bạn nhớ lại sự kiện trong đời bạn, chẳng hạn rất nhiều lời mời trong hộp thư điện tử của bạn. Khi hộp thư đầy, bạn sẽ lựa chọn những thư nên giữ lại và thư nào nên bỏ đi. Tóm lại, bạn xem xét những lời mời ấy.
Có một tiêu chuẩn để xem xét lời mời, đó là lưu ý đến tầm quan trọng và nhân vật đáng kính nào chúng ta có thể nhận lời mời ấy. Đặc biệt, điều này càng đúng hơn nếu chúng ta nhận được quá nhiều lời mời mà cần phải chọn lựa. Nên có một tiêu chuẩn khác đó là cơ may cho loại người nào được mời.
Trong Tin Mừng Mát-thêu 22:1--14, chính Nhà Vua đứng ra mời khách dự tiệc cưới. Đức Giêsu muốn ám chỉ đến vị Vua Thiên Quốc. Người muốn nói đến lời mời của Chúa Cha, trong bối cảnh của các Kinh Sư và Pharisêu mà nền tảng văn hóa và tôn giáo Do Thái của họ đã phác họa lên đặc tính họ.
Nếu được một vị vua mời, nào ai dám từ chối? Thế mà điều đó đã xảy ra. Những vị khách được mời chẳng hề đoái hoài đến đầy tớ được Nhà Vua cắt cử sai đi đem giấy mời. Một số đầy tớ thì bị đem ra hành hạ, còn số khác thì bị giết chết.
Sau đó, lần mời thứ hai lại được ban hành. Lần này thì tất cả mọi người đều được mời tham dự. Nhưng có một người không xứng đáng đã đến dự.
Với tất cả phận người hèn yếu, hết thảy chúng ta đều được mời gọi đến tham dự Tiệc Thánh Thể, thế mà nhiều lần chúng ta thấy mình rất bất xứng. Với rất nhiều lý do nào đó, chúng ta không thể đến tham dự khi mình không được trong sạch và công chính. Chúng ta nhận thấy chiếc áo cưới bên trong tâm hồn mình dơ bẩn. Chúng ta mang đầy dẫy những bất toàn. Cách vô tình hay hữu ý, chúng ta làm tổn thương rất nhiều người. Chúng ta không trung tín với lời mình hứa. Chúng ta làm ô danh chính mình.
Thế nhưng Thiên Chúa vẫn không ngừng lên tiếng mời gọi. Trước khi chúng ta đáp lại lời mời thì chúng ta đã được tẩy sạch qua Bí Tích Hòa Giải. Chúng ta cầu nguyện, ăn chay và làm việc thiện. Trong Thánh Lễ, chúng ta hy vọng đón nhận ơn tha thứ từ Mình Thánh Chúa Kitô đã hiến tặng cho chúng ta. Chúa Cha vẫn hằng mời gọi hết thảy mọi người. Người hết mực biểu tỏ lòng thương xót như vị ân nhân vĩ đại của chúng ta.
Khi ý riêng của chúng ta chiếm ưu thế, thì làm sao chúng ta có thể tôn vinh danh Cha được? Chúa ơi, cơn cám dỗ chìu theo ý riêng của chúng con rất mãnh liệt. Chúng ta là kẻ khoác lác nếu chúng ta nói rằng lúc nào Nước Cha cũng đều ngự trị trong lòng mình. Không, không phải thế. Hầu như lúc nào cũng đều do ý riêng của chúng ta cả. Thế nên lời cầu nguyện của ta với Chúa Cha dường như chẳng mang một ý nghĩa gì.
Chúa Cha sẽ bảo ta rằng: Vâng, hỡi hết thảy con cái của Ta, Ta biết điều ấy. Đó là lý do tại sao các con cần chiến đấu ngày càng vất vả hơn. Ta biết những gì đang diễn ra trong lòng các con. Tạo sao các con phải sống giả hình chứ? Các con than phiền quá nhiều khi Ta muốn trò chuyện với các con và muốn các con thực thi ý Ta. Các con than trách người, các con làm tổn thương tha nhân, và tố giác những lỗi lầm của đồng loại trong khi lại quên đi những lỗi phạm của chính các con. Tuy vậy, đường lối của Ta thật đúng đắn hầu làm cho các con hiểu ra rằng ý Ta sẽ thể hiện chỉ khi các con biết bỏ điều gì và lên án cái gì.
Chúa Cha nói tiếp: Nào, hãy khoan. Lòng xót thương của Ta vĩ đại dường bao! Giờ Ta nói cho các con biết rằng: ý riêng của các con vẫn luôn tìm cách chiếm lĩnh, nhưng sẽ Ta ban cho các con một quả tim mới để quả tim các con biết đọc ra và hiểu được cõi lòng người khác. Bấy giờ, các con sẽ không còn than phiền nhiều nữa. Các con sẽ củng cố người khác nhiều hơn. Các con sẽ nhận ra rằng ý Ta mong muốn các con soi sáng đồng loại mình. Khi đó, Nước Ta sẽ hiển trị. Các con làm cho Vương Quốc của Ta ngự giữa những anh chị sống chung quanh. Danh Ta sẽ được cả sáng.
Xin cho chúng con lương thực hằng ngày. Nào, nhiều người trong các con đã có lương thực hằng ngày. Và thậm chí còn nhiều hơn mức cần dùng nữa là khác. Các con đã làm gì với phần dư đó? Các con có rộng tay giúp đỡ anh chị em đang sống cận kề nơi các con ở không? Nhiều người trong số họ còn thiếu thốn lắm. Họ cũng đang trông chờ lương thực mà Ta ban phát cho thông qua các con. Khi thực hiện điều đó, các con sẽ có lương thực hơn mức cần thiết nữa. Ta sẽ không quên lòng quảng đại các con khi ra tay làm phúc cho Ta nơi những người đói khổ mà các con cho ăn. Hãy nhìn vào tủ đựng thức ăn của các con xem, và sẽ thấy những thứ dư thừa ở đó. Ấy chính là lương thực hằng ngày dưỡng nuôi kẻ khác đấy.
Khi nào Cha sẽ cứu chúng con khỏi sự dữ? Chúa Cha bảo rằng: sự dữ ngay trong lòng các con. Cha lại nói: Khi các con không biết tha thứ. Khi các con không biết tha thứ cho nhau, thì làm sao các con lại có thể xin Ta tha thứ tội lỗi cho các con được? Ta biết, khó lòng mà để tha thứ. Nhưng mệnh lệnh của Ta là các con không chỉ tha thứ mà thôi đâu, nhưng còn phải biết quên lỗi lầm của tha nhân nữa. Ồ, chỉ khi đó các các con mới là những đứa con tự do của Ta. Nhìn những đứa trẻ hàng xóm của các con kìa, hãy yêu mến Ta thông qua tình yêu sâu đậm các con dành cho anh chị em với nhau. Khi ấy, không sự dữ nào có thể ập xuống trên các con được. Không còn sự dữ hay bệnh tật nữa đâu, vì ta sẽ chữa lành các con. Các con sẽ không còn trải qua âu lo nào nữa cả, vì các con đã sống trong niềm tín thác và cậy trông. Các con sẽ không còn thấy bất an nữa, vì trong Ta, là Cha của các con, tất cả những gánh nặng con đang mang vác sẽ trở nên nhẹ nhàng. Ta là Cha của các con, Đấng mà các con tôn thờ, Đấng ban lương thực hằng ngày, và là một Người Cha, sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ sự dữ nào thống trị các con.
Tôi mong sao điều này được thực thi qua “Kinh Lạy Cha” của tôi.
Ta ưu ái trò chuyện với người sống chân thật. Có những người tỏ bày tâm hồn của họ một cách thật giản dị. Không có gì giả tạo. Họ không sống hai lòng. Họ thường là những người mà tôi gặp trong khu phố nơi mình đang sống. Họ đơn giản nói bộc phát ra ngoài những gì họ nghĩ.
Các bạn cũng thường gặp những người đại loại như thế. Họ không lươn lẹo. Họ nói những gì họ nghĩ một cách rất trong sáng và chân thật. Họ sống chân thật với trí lòng thanh khiết. Tôi hy vọng bạn được phúc quen những người như thế. Thật là quan trọng nhận biết những người sống như thế. Họ là những người có tiềm năng trở thành người bạn tốt nhất.
Đức Giêsu thích thú với sự hiện diện của Nathanaen. Lời chứng của Philipphê về Đức Giêsu giúp những độc giả Tin Mừng chắc chắn lời chứng thực về sự liên hệ Đức Giêsu với Môssê và các ngôn sứ. Đức Giêsu là Đấng mà các ngôn sứ trong Cựu Ước đã ám chỉ đến. Điều này rất cần thiết khi để tìm hiểu về sách Khải Huyền. Điểm này vạch ra cho thấy Đức Giêsu như là Đấng Mê-si-a hiển nhiên, theo bình diện lịch sử thì đây chính là nền tảng hầu thiết lập nên sự kiện về mạc khải, mạc khải về con người Đức Giêsu.
Nổi bật hơn lời chứng của Philipphê là chính là lời chứng của Đức Giêsu về Nathanaen: “Đây đích thực là người Israen. Lòng dạ chẳng có gì là gian dối.”
Lời này cũng giống như điều chúng ta muốn nghe từ Thiên Chúa: Rằng Thiên Chúa sẽ nhận biết chúng ta về những gì chúng ta là. Cũng xin cho gia đình, cộng đoàn, và môi trường sống xung quanh chúng ta hy vọng sẽ nhận biết con người thật của chính chúng ta là gì. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra nếu những người sống quanh ta trở nên giống Đức Kitô.
Tôi tin rằng nếu muốn điều đó xảy ra, chúng ta phải bắt đầu với bản thân mình. Điều đầu tiên phải làm là chúng ta cần thú tội trước Thiên Chúa những ưu điểm cũng như những yếu hèn của mình. Lời thú tội sẽ biến đổi tính cách của chúng ta. Dần dà chính sự biến đổi trong con người chúng ta cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi thật ý nghĩa trong gia đình hay trong cộng đoàn mình.
Vậy chúng ta mong sao khi chúng ta nghe lời này từ Thiên Chúa. Đây là người Kitô hữu đích thực. Không có gì gian dối. Nơi anh ta không sống hai lòng.
Chúng ta không cần đợi Thiên Chúa nói rằng Người đã nhìn thấy chúng ta ngồi dưới cây keo hay cây vả trước khi ta thực lòng cố gắng để trở thành những người con ngoan của Thiên Chúa. Đứng trước nhau, chúng ta khẳng định về thiên tính của Đức Giêsu, và đứng trước nhau, chúng ta cần củng cố tình huynh đệ thật sự ngay trong gia đình tự nhiên hay tôn giáo của mình, nơi đây lòng gian dối sẽ không có chỗ nào để tồn tại. Một khi chúng ta đạt tới điều này, chắc chắn chúng ta sẽ được nghe thấy những điều tuyệt vời nói về chúng ta, về gia đình cũng như về cộng đoàn chúng ta.