Vì Thiên Chúa yêu thương bạn và muốn những điều tốt hơn nữa cho bạn. Khi người ta nói họ có tinh thần hơn là có tôn giáo, họ thường muốn nói rằng tuy họ không thực hành một tôn giáo nào rõ rệt, họ nhận thức rằng thế giới này không chỉ có vật chất, nó còn có chiều kích tinh thần. Điều này tốt! Nhưng nó không đi xa hơn nữa. Biết nhiều hơn về chiều kích tinh thần có phải tốt hơn không? Trong bất cứ lĩnh vực nào, biết nhiều hơn thì tốt hơn, và thật hữu lý để tự hỏi mình có thể nào tôi hiểu biết thêm về chiều kích tinh thần trong thế giới này.
Từ quan điểm Kitô Giáo, chúng ta có thể tìm hiểu thêm. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và muốn chúng ta hiểu biết về Người chứ không chỉ cảm thấy hay phỏng đoán. Khi Thiên Chúa dựng nên vũ trụ, Người để lại những chứng cớ nhằm giúp chúng ta tìm hiểu một số điều nào đó về Người: “Những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người” (Roma 1:20).
Người còn để lại chứng cớ trong tâm hồn loài người: “Với tâm hồn cởi mở đón nhận sự thật và vẻ đẹp, với lương tri, tự do và tiếng nói của lương tâm, với khát vọng vươn tới vô tận và hạnh phúc, con người tự hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Qua những đặc tính trên, con người nhận ra những dấu chỉ cho thấy mình có linh hồn. Linh hồn, mầm sống vĩnh cửu mà con người mang nơi mình, không thể giản lược chỉ duy vào vật chất, nên linh hồn chỉ có thể xuất phát từ Thiên Chúa” (Giáo Lý Công Giáo [GLCG] 33).
Hơn nữa, Thiên Chúa đã đi vào lịch sử, giao tiếp với chúng ta qua các ngôn sứ của Người và, quan trọng nhất, qua Con của Người là Đức Giêsu.
Sự biện giáo nghiên cứu và trình bày chứng cớ cho thấy Thiên Chúa từng giao tiếp với chúng ta, và mục đích cuối cùng là để giúp chúng ta khám phá ra Thiên Chúa và niềm vui và hạnh phúc mà Người muốn chúng ta có được. “Tận đáy lòng, con người khao khát Thiên Chúa vì con người được tạo dựng do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với mình, và chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm gặp chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm” (GLCG 27).
Hoặc như T. Augustine đã nói: “Ngài dựng nên chúng con cho chính Ngài, và tâm hồn chúng con bồn chồn cho đến khi được yên nghỉ trong Ngài” (Tự Thú 1:1).
Để kết án người khác là mâu thuẫn, trước hết bạn phải hiểu ý nghĩa cách chính xác. Nếu không, bạn là anh hùng rơm. Sự chống đối này hiểu sai về sự toàn năng.
Chữ “toàn năng” có nghĩa “tất cả mạnh mẽ” (chữ Latinh, omnis, “tất cả”, và potens, “mạnh mẽ”). Điều này thường được cho là có nghĩa rằng Thiên Chúa có thể “làm bất cứ gì,” nhưng câu này thì mơ hồ, và sự mơ hồ dẫn đến lý lẽ nói trên. Nói rằng Thiên Chúa có thể làm bất cứ gì, điều đó có nghĩa gì? Nếu “bất cứ gì” có nghĩa bất cứ gì bạn có thể nói, thì ý tưởng này bao gồm những lý luận mâu thuẫn. Thí dụ, bạn có thể nói rằng Thiên Chúa có thề làm một tam giác bốn cạnh, một hình tròn vuông vức, người độc thân có vợ, và những thực thể khác mà định nghĩa của nó bao gồm những mâu thuẫn nội tại.
Đây không phải là điều các thần học gia Kitô Giáo muốn nói về toàn năng. Thật vậy, họ muốn nói rằng Thiên Chúa có thể làm bất cứ gì mà nó có thể một cách hữu lý – đó là, bất cứ gì không dính dáng đến một sự mâu thuẫn về lý lẽ. Điều này làm cho sự chống đối tan biến, bởi vì nếu sự toàn năng loại trừ những mâu thuẫn nội tại, thì, bởi định nghĩa, nó không bao gồm những điều này.
Như thế nó giải quyết vấn đề là Thiên Chúa có thể nào làm ra một hòn đá quá nặng đến độ Người không nhấc nổi không. Bởi sự toàn năng, Thiên Chúa có quyền năng vô hạn. Không có gì thật to lớn đến độ Thiên Chúa không thể nhấc lên được. Như thế một hòn đá quá nặng để Thiên Chúa nhấc lên nổi thì nó phải có trọng lượng lớn hơn vô hạn, và ý tưởng “lớn hơn vô hạn” bao gồm một sự mâu thuẫn nội tại.
Hòn đá quá nặng để một đấng toàn năng có thể nhấc nổi thì thuộc vào cùng một loại như tam giác bốn cạnh và người độc thân có vợ. Chúng bao gồm những mâu thuẫn nội tại và như thế tiêu biểu cho những thực thể vô nghĩa hơn là khả dĩ hữu lý.
Sự cầu nguyện không để cung cấp thông tin cho Thiên Chúa hoặc để thay đổi ý định của Người. Đó là một hoạt động mà Người muốn chúng ta thi hành vì sự cầu nguyện đưa chúng ta ra khỏi chính mình và xây đắp những tương giao – với Chúa và với người khác. Đó là lý do tại sao Người lại ban thưởng cho sự cầu nguyện. Chúa Giêsu nói rõ rằng sự cầu nguyện không phải để cung cấp thông tin cho Thiên Chúa: “Cha anh em biết rõ những gì anh em cần trước khi xin Người” (Mt 6:8).
Lý do Thiên Chúa muốn chúng ta cầu nguyện là để giúp chúng ta đừng quá khép kín. Người muốn chúng ta có sự tương giao với Người – để nghĩ về Người, để lo làm đẹp lòng Người, để yêu mến Người. Loài người xây dựng sự tương giao bằng cách nói chuyện, và vì thế Thiên Chúa ban thưởng cho chúng ta khi chúng ta trò chuyện với Người và quan hệ với Người bằng những cách có thể. Người cũng muốn chúng ta lo lắng đến người khác và đừng quá nghĩ đến những nhu cầu của chính chúng ta. Như thế Người ban thưởng cho chúng ta khi cầu nguyện cho người khác. Theo cách này, dân Chúa được hình thành qua tình thương và chăm sóc hỗ tương. Khi cầu nguyện, chúng ta được đưa ra khỏi chính mình để lưu tâm đến Chúa và đến người chung quanh.
Bởi vì Thiên Chúa biết những gì chúng ta cần, sự cầu nguyện không phải là điều gì đó giúp đỡ cho Người. Nó giúp chúng ta. Nó giải thoát chúng ta khỏi những điều thiếu suy nghĩ và làm cho chúng ta trở nên tốt hơn, yêu thương người khác hơn. Cầu nguyện không thay đổi ý định của Thiên Chúa. Thật đúng là Thiên Chúa ở bên ngoài thời gian và bất biến, nhưng điều này không ngăn cản Người biết đến những lời cầu xin mà chúng ta dâng lên Người ở giây phút nào đó trong thời gian và Người ban phát cho chúng ta.
Sự kiện rằng Thiên Chúa thì bất biến nhưng ban phát ơn sủng đúng lúc thì được Thánh Giacôbê nhận xét: “Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng” (Giacôbê 1:17).
Thiên Chúa có thể chọn một cách khác để cứu chuộc thế gian. Theo quan điểm thông thường, Người có thể đơn giản tha thứ tội lỗi của chúng ta và cứu chuộc chúng ta mà không cần bất cứ sự hy sinh nào ở trần gian. Nhưng có những lý do tại sao Người lại chọn Khổ Hình Thập Giá.
Khi chọn Khổ Hình Thập Giá, Thiên Chúa dựa trên một chủ đề mà người Do Thái ở thế kỷ thứ nhất sẽ hiểu: sự hy sinh. Thật vậy, đây là điều mọi người thời xưa đều hiểu. Động lực hy sinh được tìm thấy trong mọi văn hóa trên thế giới và nó bẩm sinh đối với bản tính con người, đem lại một phương cách để mọi người ở bất cứ đâu đều hiểu những gì Đức Kitô đã làm cho chúng ta.
Trong sự hiến tế, người ta đem đến một lễ vật – thường là con thú – và dâng nó lên bàn thờ. Lễ vật hy sinh này có thể là một nghĩa cử xin lỗi vì đã phạm tội hoặc một hành vi cảm tạ hoặc tôn kính. Bất cứ ý định nào, nó có nghĩa tổng quát là tạo nên sự tương giao tốt đẹp với Thượng Đế.
Trong Khổ Hình Thập Giá, Đức Giêsu tự coi mình là một lễ vật hy sinh thay cho chúng ta. Thật vậy, Người là lễ vật mà qua đó tất cả các lễ vật đền tội của Do Thái nhắm đến, “vì không thể nào máu bò và dê có thể tẩy xóa tội lỗi” (Dt 10:4).
Căn bản hơn nữa, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta các bài học quan trọng. Một trong những bài học đó là tội của chúng ta thì rất trầm trọng – phải cần đến cái chết của Con Thiên Chúa mới đền bù được. Người còn cho chúng ta thấy Người yêu thương chúng ta biết chừng nào bất kể tội lỗi của chúng ta. “Thiên Chúa cho thấy tình yêu của Người dành cho chúng ta đó là trong khi chúng ta là người có tội thì Đức Kitô đã chết cho chúng ta” (Rôma 5:8; GLCG 604). Thiên Chúa còn dựa trên một chủ đề có ý nghĩa đặc biệt cho người Do Thái: lễ Vượt Qua. Trong thời gian lập quốc, Thiên Chúa đã dẫn đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập qua lễ vật là con chiên Vượt Qua, khi sự thịnh nộ của Thiên Chúa vượt qua người Ít-ra-en. Giờ đây, Đức Giêsu, “Chiên Thiên Chúa” (Ga 1:29, 36), bị hy sinh trong lễ Vượt Qua (Ga 19:14-16), như thế để cơn thịnh nộ của Thiên Chúa có thể vượt qua chúng ta và chúng ta có thể được dẫn đưa thoát khỏi sự nô lệ cho tội lỗi. Vì thế T. Phaolô nói, “Đức Kitô, chiên vượt qua của chúng ta, đã bị hiến tế” (1 Cor. 5:7).
Câu này giả sử rằng chúng ta phải từ chối tin tưởng rằng một phép lạ xảy ra mà không nhìn đến chứng cớ.
Theo định nghĩa những sự can thiệp siêu nhiên thì không phải là không chắc có. Chúng có thể xảy ra đẩy dẫy chung quanh chúng ta, nhưng vì những sự đều đặn như thế mà chúng ta không nhận diện đó là phép lạ.
Những sự can thiệp chúng ta công nhận là phép lạ (nước hóa thành rượu, bánh hóa nhiều, người chết chỗi dậy) thì hiếm, nhưng đây không phải là lý do để kết luận rằng chúng không bao giờ xảy ra hoặc chúng ta không bao giờ nên tin vào phép lạ.
Thí dụ, trẻ song sinh thì rất hiếm. Nhưng cứ một ngàn trẻ sinh ra, chỉ có khoảng ba trẻ sinh đôi. Nhưng sự kiện trẻ song sinh thì hiếm không có nghĩa chúng không sinh ra hoặc chúng ta không được tin như thế.
Thật đúng là nếu chúng ta không có kiến thức gì thêm, dường như sự thai nghén sẽ không bao gồm trẻ song sinh. Nếu chúng ta đánh cá cược, chắc ăn nhất là phủ nhận trẻ song sinh. Nhưng sau khi sự sinh nở, điều phải làm là nhìn đến chứng cớ để thấy trẻ song sinh có hay không.
Phép lạ có lẽ ít thông thường hơn trẻ song sinh, nhưng phải áp dụng cùng một nguyên tắc ấy. Nếu chúng ta hỏi một phép lạ có xảy ra tại một nơi chốn và thời điểm nào đó hay không, và chúng ta không biết gì hơn nữa, thì cơ may đó rất thấp. Nếu chúng ta phải đánh cá cược, chắc ăn nhất là nó không có. Nhưng nếu chúng ta biết nhiều hơn thế, chúng ta phải đưa dữ kiện đó vào sự thẩm định của chúng ta. Nếu một phép lạ được báo cáo là đã xảy ra, chúng ta phải hỏi có chứng cớ nào không. Những biến cố bất thường có xảy ra, và chúng ta cần nhìn đến chứng cớ.
Chúng ta không có câu trả lời đầy đủ về vấn đề sự dữ ở đời này, nhưng chúng ta có thể thấy rằng tối thiểu một số sự dữ về thể lý thì hữu ích.
Thiên Chúa có thể cho phép một số sự dữ về thể lý vì có những điều tốt lành xuất phát từ đó. Theo Đức Gioan Phaolô II: “Một số hình thức ‘sự dữ’ thể lý… thuộc về chính cơ cấu của các tạo vật, mà theo bản chất, chúng bất ngờ và tạm thời, và vì thế dễ hư hỏng. Ngoài ra, chúng ta biết rằng vật chất thì rất phụ thuộc lẫn nhau như người xưa có nói: ‘cái chết của cái này là sự sống của cái kia.’ Vậy thì, trong một ý nghĩa nào đó, sự chết phục vụ sự sống” (General Audiences, 4 tháng Sáu, 1986).
Chúng ta thấy điều này trong thế giới tự nhiên, tỉ như một con sư tử giết một con ngựa để ăn thịt. Cái chết của con ngựa giúp cho sự sống của con sư tử. Cũng vậy, loài người chúng ta ăn các đồ vật sống (dù là thực vật hay động vật) để duy trì sự sống của chúng ta.
Giáo Lý Công Giáo viết:
Với sự khôn ngoan và nhân hậu vô biên của Ngừơi, Thiên Chúa đã tự ý sáng tạo một thế giới trong “tiến trình” hướng về sự trọn hảo tối hậu. Theo ý định của Thiên Chúa, sự tiến hóa này gồm có việc vật này xuất hiện và vật khác biến đi, có cái hoàn hảo hơn và có cái kém hơn, có xây dựng và cũng có tàn phá trong thiên nhiên. Một khi sự sáng tạo chưa đạt được sự trọn hảo, cùng với điều tốt thể lý cũng có sự dữ thể lý (GLCG 310).
Sự đau đớn cũng đóng một vai trò giá trị trong đời sống chúng ta. Một số người đau khổ vì khi sinh ra họ không có sự nhạy cảm với đau đớn, và hậu quả của nó thì có thể chết người. Sự đau đớn thể lý được dùng như một hệ báo động, và người không phản ứng thích hợp với sự đau đớn thì có thể bị thương tích nặng nề hoặc bị chết. Ngay cả sự đau đớn về cảm xúc cũng hữu ích. Cảm giác sợ hãi cảnh giác chúng ta trước sự nguy hiểm và thúc dục chúng ta phải tìm cách tránh né.
Ngoài những việc đề cập đến Đức Giêsu trong văn chương Kitô Giáo và ngoài Kitô Giáo thời tiên khởi, sự xuất hiện và lan tràn mau chóng của Kitô Giáo là minh chứng mạnh mẽ cho sự hiện diện của Chúa Giêsu.
Sử gia Josephus nói Đức Giêsu là một người Do Thái sống ở Palestine thế kỷ thứ nhất (như thế các ‘anh em’ của Đức Giêsu bị hành quyết năm 62 Tây Lịch [TL]; Antiquities of the Jews 20:9:1)
Tacitus nói Đức Giêsu bị “hành quyết trong thời Tiberius trị vì, bởi quan tổng trấn Pontius Pilate” (Annals 15:44). Nhiệm kỳ của Pilate là 26 đến 36 TL.
Khoảng năm 110 TL, Pliny “Em” chú thích là ông đã phỏng vấn những người trong tỉnh Bithynia của ông (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), họ từng là Kitô Hữu hai mươi năm trước. Phong trào này có ảnh hưởng mạnh đến phần đất của ông nên những người bán súc vật để dân ngoại tế lễ đã phải khổ sở vì kinh tế xuống dốc và các đền thờ của dân ngoại hầu như bị bỏ hoang (Thư 96).
Tacitus và Suetonius nói về Kitô Hữu ở Rôma trong thời trị vì của Nero (54 – 68 TL; Annals 15:44; Lives of the Caesars, “Nero” 16), và Suetonius đề cập đến họ ở đó dưới thời Claudius (41 – 54 TL; Lives of the Caesars, “Claudius” 25). Các nguồn khác trong thế kỷ thứ nhất và thứ hai cho thấy rằng phong trào này ở Syrian Antioch, Êphêsô, Côrintô, Thêxalônica, Philíppi, và nhiều địa điểm khác.
Tất cả các nguồn này đồng ý rằng Kitô Giáo là một phong trào mới, bắt đầu từ tiền bán thế kỷ thứ nhất. Các nguồn Kitô Giáo còn nhìn nhận rằng phong trào này đã không bắt đầu cho đến năm thứ mười lăm của Tiberius (xem Luca 3:1), hoặc năm 29 TL.
Điều này có nghĩa Kitô Giáo lan tràn thật mau chóng, và trong một thời đại không có truyền thông đại chúng, không có báo chí, và việc du hành thì khó khăn và nguy hiểm. Phương cách duy nhất để một phong trào lan tràn mau chóng, dưới các điều kiện đó, là nó được tổ chức và được thúc đẩy bởi một động lực truyền giáo thật mạnh mẽ.
Các bản văn Kitô Giáo tiên khởi tiết lộ nhiều về cách tổ chức của phong trào này. Các người lãnh đạo tiên khởi được gọi là “tông đồ”, tiếng Hy Lạp có nghĩa “người được sai đi”. Vậy ai sai? Chúng ta có một nguồn duy nhất: Đức Giêsu ở Nagiarét. Các tông đồ được Người sai đi.
Về sự lan tran mau chóng của Kitô Giáo, không có lý do gì để nghi ngờ. Các phong trào đều có những người sáng lập, và họ duy trì ký ức về người sáng lập. Như thế sự xuất hiện và gia tăng của Kitô Giáo hướng về sự hiện diện của Chúa Giêsu.
Đức Giêsu có nói rằng người Biệt Phái làm lời Chúa trở nên vô hiệu vì truyền thống của họ, nhưng Người không kết án chính truyền thống. Thật vậy, quan điểm của Kinh Thánh đối với Truyền Thống tông đồ thì tích cực.
Truyền thống thì quan trọng đối với từng người và từng nhóm người. Nó tiêu biểu cho văn hóa, giáo dục và mọi thứ của chúng ta mà đã được trao lại cho chúng ta từ các thế hệ trước. Theo định nghĩa, truyền thống là những gì được trao lại. Chữ này xuất phát từ tiếng Latinh tradere, “truyền lại”.
Một số truyền thống, như truyền thống của Biệt Phái, thì có thể gây thiệt hại. Những truyền thống khác, chỉ có nguồn gốc con người, thì không có uy thế. Kinh Thánh dồn cả hai dưới tiêu đề “truyền thống loài người”.
Những không phải mọi truyền thống đều thuộc loại này. Với Kitô Hữu, Đức Tin được truyền lại cho chúng ta từ Đức Kitô và các tông đồ thì vô cùng quan trọng. Trong vòng Công Giáo, việc truyền lại Đức Tin được đề cập đến là “Truyền Thống Thánh” hoặc “Truyền Thống Tông Đồ” (với chữ T hoa để phân biệt với những truyền thống, “t thường”, kém hơn).
Ban đầu, các tông đồ truyền lại Đức Tin qua lời nói – rao giảng – nhưng sau thời gian một số tông đồ và các phụ tá viết các văn bản Tân Ước, mà cùng với Cựu Ước tổng hợp thành Kinh Thánh. Vì Kinh Thánh được truyền lại cho chúng ta từ các tông đồ, sách được linh ứng, được viết như một phần của Truyền Thống Thánh.
Dù một đề mục của Truyền Thống có được viết trong Kinh Thánh hay không, nó vẫn quan trọng và có sức bó buộc. Như thế Tân Ước cổ vũ độc giả hãy duy trì Truyền Thống Thánh (1 Cor. 11:2; 2 Thêx 3:6), và trong 2 Thêxalônica 2:15, ông Phaolô nói với các độc giả của ông hãy “đứng vững và nắm giữ các truyền thống mà chúng tôi đã dạy cho anh chị em, bằng lời nói hay bằng thư từ.”
Một đoạn khác cần để ý là 2 Timôthê 2:2, trong đó ông Phaolô giảng dạy môn đệ của mình, “Những gì anh đã nghe tôi nói trước mặt nhiều nhân chứng, thì hãy trao lại cho những người tin cẩn, những người sẽ có khả năng dạy cho người khác”. Hãy nhớ rằng ông Phaolô viết thư này trước khi ông từ trần (xem 2 Tim 4:6-8), ông Phaolô cô vũ việc truyền lại Truyền Thống Thánh cho các thế hệ lãnh đạo Kitô Giáo – từ thế hệ của ông đến thế hệ Timôthê, đến các thế hệ sau đó.
Sự kiện là người ta có khuynh hướng chấp nhận những điều họ được dạy phải tin tưởng, điều đó không đem lại lý do để tẩy chay mọi đức tin. Ngoài ra, Thiên Chúa lưu tâm đến phương cách mà người ta được dậy bảo.
Trẻ con có khuynh hướng tự nhiên là chấp nhận những điều tin tưởng mà chúng được dạy bảo bởi cha mẹ và văn hóa của họ. Đây là điều căn bản của giáo dục, vì chúng ta không có cơ hội để tự mình minh chứng rất nhiều điều tin tưởng của chúng ta.
Điều này đúng trong mọi lĩnh vực, chứ không chỉ trong tôn giáo. Thí dụ, người ta có khuynh hướng chấp nhận những ý tưởng về thế giới thiên nhiên mà nó thịnh hành trong văn hóa của họ, nhưng điều này không có nghĩa họ có lý do để không tin vào thế giới thiên nhiên hoặc cách hoạt động của thế giới ấy. Đúng hơn, nó có nghĩa người ta có lý do để chấp nhận những gì họ được dạy bảo ngoại trừ và cho đến khi có một trường hợp cao hơn đưa ra một quan điểm khác.
Tương tự, người ta có lý do để chấp nhận một tôn giáo mà họ được lớn lên ở trong đó trừ khi và cho đến khi họ gặp một trường hợp cao hơn của một tôn giáo khác. Kitô Giáo không có gì phải sợ hãi về vấn đề này. Trong các tôn giáo, Kitô Giáo có lẽ đã hình thành sự nghiên cứu toàn bộ và thấu đáo về những lý luận và chứng cớ hỗ trợ - một lĩnh vực được gọi là biện giáo (apologetic).
Nếu hầu hết người ta vẫn ở trong tôn giáo khi sinh ra, đó là vì hầu hết không trải qua một sự nghiên cứu tỉ mỉ về biện giáo và như thế họ không gặp được các chứng cớ hiển nhiên về đức tin Kitô Giáo.
Tuy nhiên, Thiên Chúa để ý đến quá khứ mà trong đó người ta được lớn lên. Người không tự động luận phạt người ta vì những gì cha mẹ họ dạy bảo. Giáo Hội chủ trương rằng “những kẻ vô tình không nhận biết Tin Mừng của Chúa Ki-tô và Hội Thánh Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm thì họ có thể đạt tới ơn cứu độ muôn đời” (GLCG 847).
Tốt nhất, điều này dẫn đến một sự hiểu biết giản lược về khoa học. Tệ nhất, nó phản ánh một định kiến trí tuệ.
Chữ “thiên nhiên” (hay tự nhiên) thường được dùng để ám chỉ thế giới hữu hình được thấy ở chung quanh chúng ta (có nghĩa, một thế giới có thể được phát hiện bởi các giác quan và bởi các dụng cụ khoa học). Vậy siêu nhiên là bất cứ gì ở bên ngoài thế giới hữu hình.
Với sự hiểu biết này, khẳng định rằng khoa học không thể chấp nhận siêu nhiên sẽ có nghĩa khoa học không thể đối phó với bất cứ gì ở bên ngoài thế giới hữu hình. Tuy nhiên, nó không có nghĩa là chẳng có gì bên ngoài thế giới hữu hình. Chỉ vì chúng ta không thể phát hiện được điều gì đó bằng giác quan, điều đó không có nghĩa nó không có thật. Cả một lĩnh vực bao la bên ngoài thế giới hữu hình mà khoa học không thể tiếp cận theo sự hiểu biết này.
Hơn nữa, các lĩnh vực đó có khả năng tương tác với thế giới hữu hình, điều đó đặt ra một thách đố cho khoa học. Chúng ta có thể thấy các ảnh hưởng hữu hình của các căn nguyên trong thế giới không-thấy-được, nhưng khoa học không có thể giải thích các ảnh hưởng này theo các căn nguyên đích thực của chúng, mà nó sẽ ngăn cấm sự thảo luận.
Một số người dùng chữ “thiên nhiên” để ám chỉ mọi thứ hiện diện. Về sự hiểu biết này, người ta có thể khẳng định rằng thiên nhiên là tất cả, nhưng nó cũng không có nghĩa rằng thế giới hữu hình là tất cả những gì hiện hữu. Vẫn có thể còn những lĩnh vực mà giác quan không thể biết được. Chúng có thể tương tác với thế giới hữu hình. Dùng chữ “thiên nhiên” để ám chỉ mọi thứ hiện hữu thì chỉ là tái phân loại các sự vật mà nếu không thì chúng được gọi là siêu nhiên như những phần kỳ lạ của thiên nhiên.
Cho rằng thế giới hữu hình là tất cả những gì hiện hữu, điều đó chỉ là một khẳng định. Nó không phải là một xác nhận khoa học vì nó không thể được minh chứng bởi khoa học. Nếu khoa học, theo bản chất của nó, bị giới hạn ở việc nghiên cứu thế giới hữu hình, thì không cách chi quan sát và thí nghiệm được để chứng minh rằng không có các lĩnh vực bên ngoài thế giới hữu hình. Khẳng định rằng chỉ có thế giới hữu hình là thật, điều đó là một định kiến không có tính cách khoa học đối với quan niệm rằng vẫn có những điều bên ngoài thế giới hữu hình.