Khi người Tin Lành và Công Giáo nói chuyện với nhau, khó có đề tài nào mơ hồ cho bằng vấn đề cứu rỗi. Nó không chỉ là câu hỏi thường được người Fundamental đặt ra: “Bạn được cứu rỗi chưa?” Mà nó còn có nghĩa, “Bạn không muốn được đảm bảo sự cứu rỗi hay sao?” Người Tin Lành theo phái Tin Mừng (Evangelic) và Giáo Ðiều Cơ Bản (Fundamental) nghĩ rằng họ có sự đảm bảo tuyệt đối đó. Họ cho rằng, ngay sau khi chết, chắc chắn họ sẽ được lên thiên đường. Qua Phúc Âm, họ kết luận rằng Ðức Kitô hứa nước thiên đường cho họ mà chỉ cần một hành động đơn giản. Tất cả những gì họ phải làm, chỉ một lần trong đời sống, là “chấp nhận Ðức Kitô như Ðấng Cứu Ðộ của họ,” và thế là đủ. Có thể sau đó họ sống một cuộc đời gương mẫu, nhưng đó không phải là điều quan trọng, và như họ chủ trương, lối sống đó chắc chắn không ảnh hưởng đến sự cứu chuộc.
Bất kể những gì xảy ra sau đó, bất kể họ sống tội lỗi như thế nào, sự cứu chuộc của họ đã được đảm bảo. Giả sử là như vậy thì Chúa Thánh Thần chỉ có thể trừng phạt họ trong cuộc đời này vì tội lỗi của họ, nhưng không cách chi tội lỗi ấy có thể làm mất đi ơn cứu chuộc, vì nói cho cùng ơn cứu độ không bị ảnh hưởng bởi việc lành hay tội lỗi.
Ông Kenneth E. Hagin, một nhà thuyết giáo Tin Lành nổi tiếng trên truyền hình, quả quyết rằng sự cứu chuộc chắc chắn này do bởi “sự tái sinh”: “Trừ phi họ được tái sinh, họ không thể nhìn thấy vương quốc Thiên Chúa” (Gioan 3:3). Trong cuốn sách của ông, The New Birth, Hagin nói với chúng ta rằng, “Sự tái sinh cần thiết để được cứu độ. Qua sự tái sinh, bạn bước vào một tương giao xứng hợp với Thiên Chúa.”
Theo ông Hagin, sự tái sinh này không dính dáng đến các điều sau đây: “được thêm sức, một phần tử của giáo hội, nước rửa tội, lãnh nhận các bí tích, tuân giữ bổn phận tín hữu, hiểu biết về Kitô Giáo, đức tin chính truyền, đi nhà thờ, đọc kinh, đọc Phúc Âm, sống đạo đức, có học thức, làm việc lành, hay bất cứ những gì mà người ta tin tưởng có thể cứu độ họ.” Những người được tái sinh “chỉ cần làm một điều cần thiết: họ chấp nhận Ðức Giêsu Kitô như Ðấng Cứu Ðộ qua sự sám hối và quay trở về với Thiên Chúa với tất cả tâm hồn như một trẻ thơ.” Ông xác quyết rằng hành động ý chí đó là tất cả những gì họ phải làm. Nhưng điều này có đúng không? Trong Phúc Âm có hỗ trợ quan điểm này không?
Giáo Hội Công Giáo dạy rằng sự cứu chuộc tùy thuộc trạng thái của linh hồn khi chết (xem Mat 25:31-46). Người chết trong tình bằng hữu với Thiên Chúa (tình trạng ơn sủng) sẽ được lên thiên đường. Người chết trong tình trạng thù nghịch và chống đối Thiên Chúa (tình trạng tội trọng, xem Gioan 5:16-17) sẽ xuống hỏa ngục. Ðức Kitô đã đền thay cho chúng ta và đã mở cửa thiên đường. Người đã làm phần của Người, và kết quả của các ơn sủng mà Người đã lập công cho chúng ta qua cái chết của Người trên Thập Giá, đó là Người giúp chúng ta có thể thi hành phần của mình (Phil. 1:6; 2:13, Dt. 13:20-21). Nếu chúng ta muốn vào cửa thiên đường, chúng ta phải trong tình trạng ơn sủng khi lâm tử. Nếu một linh hồn trong tình trạng tội lỗi, không có ơn thánh hóa của Thiên Chúa - là ơn ban sự sống siêu nhiên cho linh hồn - thì đó là sự chết thiêng liêng và không thể vui hưởng thiên đường.
Ðối với người Fundamental và Evangelic, về vấn đề cứu chuộc, lối sống của bạn không có ảnh hưởng gì đáng kể. Bạn có thể sống như Mẹ Têrêsa, nhưng bạn sẽ xuống hỏa ngục nếu không chấp nhận Ðức Kitô (theo ý nghĩa của người Tin Lành), và nhiều tác giả thuộc phái Evangelic và Fundamental nhận xét rằng Mẹ Têrêsa bị phạt xuống hỏa ngục, bất kể đức tin của ngài, các việc lành và việc thiện ngài làm vì danh Ðức Kitô, và kết quả tinh thần mà ngài tạo ra được. Ngược lại, một sáng Chúa Nhật kia, bạn có thể đến nhà thờ, công bố rằng từ nay trở đi bạn chấp nhận Ðức Giêsu như Ðấng Cứu Ðộ của mình, và một khi bạn thực sự tin điều ấy, bạn đã được cứu độ. Và nhiều người Tin Lành còn cho rằng từ lúc đó trở đi bất cứ gì bạn làm, bất cứ tội lỗi gì bạn phạm, dù ghê gớm đến đâu, cũng không thể làm mất đi ơn cứu độ ấy. Bạn không thể hủy bỏ ơn cứu độ, ngay cả nếu bạn muốn.
Có thật như vậy không? Hãy xem các người Tin Lành nói gì. Ông Wilson Ewin, tác giả cuốn “There is Therefore Now No Condemnation” (Bởi Ðó Bây Giờ Không Còn Luận Phạt), nói rằng “người đặt đức tin nơi Ðức Giêsu Kitô và máu Người đổ ra trên núi Canvê là sự đảm bảo đời đời. Họ không thể mất ơn cứu độ. Không ai vi phạm các điều răn của Chúa hay quy luật loài người có thể vô hiệu hóa tình trạng này.”
Ewin đưa ra đoạn Thư Do Thái 9:12, nói rằng Ðức Giêsu “đã một lần vào cung thánh không phải với máu dê, máu bò, nhưng với chính máu của mình, và do đó đảm bảo ơn cứu chuộc đời đời.” Ewin lý luận rằng, “từ chối tính cách đảm bảo của ơn cứu chuộc là từ chối sự đền bù tuyệt hảo của Ðức Kitô.” Ông ta nói như vậy là vì ông lầm lẫn giữa sự đền bù và sự cứu độ. Sự thật là tất cả chúng ta đã được đền thay bởi cái chết của Ðức Kitô trên Thập Giá, nhưng sự cứu độ của chúng ta thì có điều kiện.
Ewin nói rằng “không một hành động sai trái nào hay tội lỗi nào có thể ảnh hưởng đến sự cứu chuộc người tín hữu. Tội nhân đã không làm gì để đáng hưởng ơn của Chúa thì cũng giống như vậy, họ không thể làm gì để có thể hư hại ơn sủng ấy. Thật vậy, tội lỗi luôn luôn làm mất đi tình bằng hữu với Ðức Kitô, giới hạn sự đóng góp của họ vào công trình của Thiên Chúa và có thể đưa đến sự trừng phạt bởi Chúa Thánh Thần.” (Nhưng sự trừng phạt này nghiêm trọng đến mức độ nào? Có phải mất thiên đường là một phần của sự trừng phạt ấy hay không?).
Ewin nói thêm “sự đảm bảo tuyệt đối của ơn cứu độ qua sự công chính hóa quy thuộc (*) không thể bị tội lỗi phá vỡ. Lý do thật đơn giản - sự công chính hóa không ảnh hưởng gì đến việc tuân giữ điều răn của Chúa hay không. Phúc Âm nói, 'Nhưng ngày nay cho thấy sự công chính của Thiên Chúa tách biệt với Luật, đang được làm chứng bởi Luật và các Ngôn Sứ, sự công chính của Thiên Chúa được ban cho những ai tin vào Ðức Giêsu Kitô và cho tất cả những ai có lòng tin' (Rom. 3:21-22). Thiên Chúa ban cho các điều răn hay luật lệ là vì tội lỗi. Luật lệ cho thấy một người không tái sinh thì xấu xa chừng nào và bị hư mất trước Thiên Chúa thánh thiện. Giữ luật hay vi phạm luật không ảnh hưởng đến việc sở hữu sự công chính hóa quy thuộc của người tín hữu.” Nhưng quan điểm này, dù nghe rất xuôi tai đối với một số người, nó không phù hợp với Phúc Âm. “Hỡi bạn, khi bạn xét đoán những kẻ làm điều đó và chính bạn cũng làm như vậy, bạn sẽ thoát khỏi sự xét xử của Thiên Chúa hay sao? Hay bạn lạm dụng sự nhân hậu, sự chịu đựng và sự kiên nhẫn vô cùng của Người? Bạn không biết rằng sự nhân hậu của Thiên Chúa là để thúc giục bạn hối cải sao? Nhưng bởi lòng chai dạ đá không chịu hối cải bạn càng chất chứa hình phạt cho mình khi ngày thịnh nộ của Thiên Chúa và phán quyết công minh Người được tỏ lộ. Vì Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tuỳ theo việc họ làm; những ai bền chí làm việc thiện mà tìm vinh quang, danh dự và phúc trường sinh bất tử, thì Thiên Chúa sẽ cho họ được sống đời đời; còn những ai chống đối Thiên Chúa mà không vâng phục chân lý và chạy theo điều ác, thì Người sẽ nổi trận lôi đình, trút cơn thịnh nộ xuống đầu họ” (Rôma 2:3-8; xem thêm Mt. 19:16-21; 25:31-46).
Về vấn đề người Kitô có được đảm bảo “tuyệt đối” về ơn cứu độ hay không, bất kể lối sống của họ, hãy để ý đến ba lời khuyên của Thánh Phaolô, “Những điều này xảy ra cho họ như một cảnh cáo, nhưng đã được ghi lại để răn dạy chúng ta, là những người đang sống trong thời sau hết. Do đó, ai tưởng mình đang đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã” (1 Cor. 10:11-12); “Ðối với tôi, dù có bị anh em hay toà đời xét xử, tôi cũng chẳng coi là gì. Mà tôi, tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình. Quả thật, tôi không thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người công chính. Ðấng xét xử tôi chính là Chúa. Vậy xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người. Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng” (1 Cor. 4:3-5); và, “Hãy để ý đến sự nhân từ và nghiêm khắc của Thiên Chúa: nghiêm khắc với những kẻ sa ngã, nhưng nhân từ với bạn, nếu bạn cậy nhờ vào lòng nhân từ của Người; nếu không, cả bạn nữa cũng sẽ bị chặt đi” (Rom. 11:22; xem thêm Dt. 10:26-29, 2 Phêrô 2:20-21).
Làm thế nào một người Fundamental biết sự cứu độ của họ là có thật? Nói cho đúng, không thể nào họ biết được. Dù sống tốt lành ngay sau khi “tái sinh” cũng không chứng minh được điều gì, vì sau đó người ta vẫn có thể phạm tội trọng. Và sống bê bối ngay sau khi được “cứu độ” cũng không làm mất ơn cứu độ, vì tội lỗi của một người không quan trọng. Cách nào đi nữa, lý thuyết này dường như vô hiệu, vì khi suy nghĩ kỹ, nó không thể nào đảm bảo được gì cả.
Ngoài ra, còn có những câu trong Phúc Âm có thể bác bỏ toàn thể ý niệm đảm bảo này. Thánh Phaolô nói, “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1 Cor. 9:27). Câu này tiếp sau đoạn Thánh Phaolô thúc giục độc giả tham dự cuộc đua Kitô Giáo. Người muốn nói về cuộc đua trên trường đời mà mức đến là thiên đường.
Lại nữa, trong thư gửi tín hữu Philíp, Thánh Phaolô viết: “Bởi thế, anh em thân mến, như anh em từng vâng phục, thì bây giờ, không chỉ khi tôi hiện diện mà nhất là khi tôi vắng mặt, anh em hãy gắng sức lo cho ơn cứu độ của mình với sự run sợ” (Phil. 2:12). Ðây không phải là kiểu nói đảm bảo tự tin. Sự cứu độ là điều chúng ta phải cố gắng.
Thánh Phaolô còn nói, “Vì tất cả chúng ta đều phải xuất hiện trước ngai xét xử của Ðức Kitô, để mỗi người nhận được phần thưởng hay hình phạt, tùy theo những gì họ đa làm trong thân xác này” (2 Cor. 5:10); “Vì ai gieo trong xác thịt thì sẽ thu hoạch sự hư nát bởi xác thịt; nhưng người gieo trong Thần Khí sẽ thu hoạch sự sống đời đời từ Thần Khí. Và cố gắng đừng chán nản khi làm điều lành, vì khi đến mùa chúng ta sẽ thu hoạch nếu chúng ta còn nhiệt tâm” (Gal. 6:8-9).
Những câu phúc âm trên đây cho thấy, chúng ta sẽ bị xét xử theo những gì chúng ta làm - chứ không phải bởi hành động duy nhất là chấp nhận Ðức Giêsu như Ðấng Cứu Ðộ của chúng ta. Như vậy, bạn tự hỏi, “Là một người tốt lành có đủ để được cứu độ không?” Chắc chắn là không! Trong Phúc Âm nói rõ là chúng ta không được cứu độ bởi hành động của chúng ta, để không ai trong chúng ta khoác lác, nhưng bởi ơn sủng của Thiên Chúa được lãnh nhận qua đức tin (Eph. 2:8-9). Người Tin Lành thường đưa ra đoạn Phúc Âm này để dẫn chứng nhưng thực sự họ chỉ lập lại giáo huấn của Công Giáo. Họ sai lầm ở điểm cho rằng họ được cứu độ chỉ nhờ đức tin mà thôi. (Chính Martin Luther, trong sự chuyển dịch Phúc Âm cốt ý sai lầm, ông đã thêm chữ “chỉ có” trong Rôma 3:28 và Galát 2:16, và ông không kể Thư của Thánh Giacôbê thuộc về Tân Ước, vì trong thư ấy có câu: “Hỡi người nông cạn, bạn có muốn thấy rằng đức tin không có hành động thì vô ích không?... Bạn thấy đó, người ta được công chính hóa là nhờ các hành động chứ không chỉ nhờ đức tin mà thôi” (Gia. 2:20,24)). Phúc Âm dạy rằng những việc thiện của chúng ta thực hiện được nhờ tin vào Ðức Kitô thì thực sự và đúng là tác động của Chúa trong chúng ta (”vì Thiên Chúa hoạt động trong anh em, trong ý chí cũng như hành động vì lòng yêu thương của Người” [Phil.2:13]). Nói cách khác, cả đức tin và việc làm của chúng ta không thể hoàn thành được bởi sự chính đáng của riêng mình (tách rời khỏi Ðức Kitô), nhưng đó là nhờ ơn sủng của Thiên Chúa trong con người chúng ta. Ðó là lý do tại sao chúng ta không thể khoe khoang và coi đó như công trạng của riêng mình.
Hãy nhớ lại rằng ông Nicôđêmô được Ðức Kitô bảo ông phải tái sinh trong nước và Chúa Thánh Thần (Gioan 3:5). Người Công Giáo giữ lập trường của Phúc Âm, xác nhận toàn thể câu, “nước và Chúa Thánh Thần,” là một; nó có nghĩa bí tích Rửa Tội. Nhưng nhiều người Tin Lành nghĩ rằng chỉ có phần thứ hai là có hiệu lực, còn nước không làm gì cả. Họ lý luận rằng, Chúa Thánh Thần giúp chúng ta tin rằng mình đã phạm tội và cần có đức tin nơi Ðức Kitô. Nhưng nhu cầu của nước trong bí tích rửa tội đã bị bỏ quên.
Mặc dù hầu hết người Evangelic và Fundamental coi bí tích rửa tội là một nghi thức quan trọng, nhưng đối với họ, nó không cần thiết cho sự cứu độ. Ðó là một điều tốt để thi hành, là một cách để chứng tỏ với giáo đoàn rằng bây giờ bạn là một Kitô Hữu, nhưng họ cho rằng không có sự liên hệ giữa bí tích rửa tội và sự cứu độ vì bí tích rửa tội tự nó không ảnh hưởng gì đến linh hồn. Theo họ nghĩ, chỉ có trí tuệ và lòng muốn chp nhận Ðức Kitô là đủ hết tất cả.
Không may, đây không phải là điều Phúc Âm dạy. Thánh Phêrô giải thích điều này trong vài phương cách: Trước hết, ngài nói, 'Hãy sám hối, và mọi người hãy rửa tội trong danh Ðức Giêsu Kitô để được tha thứ tội lỗi; và anh chị em sẽ được nhận ơn của Chúa Thánh Thần” (TVCÐ 2:38); và lại nữa, “Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi trong thời ông Noe, khi ông đóng tầu, mà trong thời gian ấy, chỉ có tám người được cứu thoát nhờ nước. Phép rửa, tương xứng với nước này, bây giờ cứu thoát anh em, không chỉ như lấy đi bụi đất nơi thân xác anh em nhưng như một lời cầu xin Thiên Chúa ban cho anh em một lương tâm trong sáng, nhờ sự phục sinh của Ðức Giêsu Kitô” (1 Phêrô 3:20-21). Thánh Phaolô lập lại điều này khi ngài nói với Titô, “Người cứu chúng ta, không phải vì những việc công chính mà chúng ta thực hiện được, nhưng nhờ lòng thương xót của Người, qua việc tẩy rửa tái sinh và canh tân trong Chúa Thánh Thần, mà Người đã tuôn đổ trên chúng ta qua Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, để chúng ta có thể nên công chính nhờ ơn sủng của Người và trở nên người thừa tự trong hy vọng sự sống đời đời” (Titô 3:5-7).
Khi người Fundamental hỏi “Bạn có được cứu độ không?” Người Công Giáo phải trả lời: “Theo Phúc Âm, tôi đã được cứu độ (Rom. 8:24, Eph. 2:5-8), nhưng tôi cũng đang được cứu độ (1 Cor. 1:8, 2 Cor. 2;15, Phil. 2:12), và tôi hy vọng sẽ được cứu độ (Rom. 5:9-10, 1 Cor. 3:12-15).” Sau cùng, người Công Giáo trả lời, “Tôi đã được cứu chuộc, và như Thánh Phaolô Tông Ðồ, tôi đang mưu cầu sự cứu độ của tôi trong lo sợ (Phil. 2:12), với sự hy vọng đầy tin tưởng nơi lời hứa của Ðức Kitô (Rom. 5:2, 2 Tim. 2;11-13) - chứ không phải với sự đảm bảo “tuyệt đối” lầm lạc về khả năng kiên trì của chính tôi (2 Cor. 13:5). Và tôi thi hành tất cả điều này như Giáo Hội Công Giáo đã từng dạy bảo từ thời Ðức Kitô, chưa bao giờ thay đổi.”