1. Tại sao các tổ chức tôn giáo như Mormons và Jehovah's Wirnesses lại được coi là “tà giáo”, trong khi các tổ chức khác như Fundamentalist và Calvinist thì không? Không phải rằng những tổ chức tôn giáo này có cùng một giáo thuyết lầm lạc hay sao?
TL: Chữ “cult” hiện rất phổ thông ở Hoa Kỳ, theo tự điển của Cha Ngô Minh và Nguyễn Thế Minh, nó có nghĩa: phụng thờ, sùng bái, hay hình thức đam mê quái dị. Nếu dùng một cách xác thực, nó chỉ về một nhóm người có mục đích tôn giáo nào đó; nó cũng có thể chỉ về một vài nghi lễ, nghi thức, và sinh hoạt cầu nguyện đặc biệt được thi hành trong một nhóm đặc biệt. Thí dụ, Công Ðồng Vatican II được đề cập đến như “sự sùng bái các thánh”, nó có nghĩa người Kitô vinh dự và sùng kính các Kitô Hữu đang ngự trên trời với Ðức Kitô. Dùng theo phương cách này, “cult” không có ý nghĩa xấu.
Trong một vài thập niên vừa qua, một hiện tượng đáng tiếc đã phát sinh, chính yếu từ các giáo phái Tin Mừng (Evangelical Protestants) là những người đã dùng chữ này để gán cho các tổ chức tôn giáo mà họ bất đồng ý. Những người theo Mormons và Jehovah's Witnessess trở thành “người tà giáo”. Trong một ý nghĩa phổ thông hơn, chữ “cult” không chỉ nói đến một giáo phái có nhiều giáo lý kỳ quặc, nó còn ám chỉ đến một tổ chức có hoạt động bí mật, dùng sự lừa gạt và nhồi sọ để giữ tín đồ, và đôi khi những tổ chức này xuất phát từ việc thờ Satan (tà giáo). Việc gọi ai đó là “người tà giáo” trở nên một vũ khí tiện lợi để tấn công các tôn giáo thiểu số. Một số người Fundamentalist gọi Giáo Hội Công Giáo là tà giáo.
Dĩ nhiên, có một số giáo phái thực sự là tà giáo, nhưng bạn phải thận trọng khi đề cập đến sự kiện đó. Nếu bạn muốn giảng đạo cho những người có liên hệ với các giáo phái ấy, bạn phải tránh những phương cách làm họ xa lánh bạn. Kiên quyết nhưng khoan dung. Ðừng dùng chữ “tà giáo”. Tự kềm hãm một chút mà bạn sẽ thành công hơn.
1. Tôi vừa gặp phái Christadelphians. Xuất xứ họ ra sao và họ tin những gì?
Giáo phái Christadelphians (”anh em Ðức Kitô”) được thành lập năm 1848 bởi John Thomas, là một y sĩ và con của một mục sư phái Congregationalist. Vào lúc đó, ông tự nhận là một thành viên của phái Campbellites (phong trào “Giáo Hội Ðức Kitô”). Năm 1848 ông viết cuốn “Elpis Israel-An Exposition of the Kingdom of God”, nói lên những quan niệm tôn giáo của ông.
Giáo phái này thu hút nhiều người ở Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại, và Anh Quốc và dần dần được biết đến dưới cái tên Christadelphians trong thời Nội Chiến Hoa Kỳ, khi các hội viên hiếu hòa của họ buộc phải chọn một danh xưng. Vào thời đó, họ chưa phát triển mạnh, và ngày nay, có khoảng 20,000 thành viên ở Anh Quốc và 16,000 ở Hoa Kỳ. Các tín đồ của họ cũng được nhận thấy ở Gia Nã Ðại, Úc, Ðức, và Tân Tây Lan.
Phái Christadelphians chủ trương độc vị (unitarianism), chỉ tin có một ngôi vị nơi Thiên Chúa Cha. Họ coi Chúa Giêsu như một trong nhiều “Elohim” hay “chư thần được dựng nên” mà đã có lần làm người; về phương diện này, phái Christadelphians giống như phái Mormons. Họ không coi Chúa Thánh Thần là một thần khí nhưng là một sức lực.
Người Christadelphians tin rằng linh hồn “ngủ” giữa sự chết và sự sống lại, và do đó không có hình phạt đời đời; về phương diện này, họ giống phái Jehovah's Witnesses. Họ cho rằng người độc ác sẽ không được sống lại vào ngày sau hết.
Phái Christadelphians từ chối sự hiện diện của ma quỷ và cho rằng, vào một ngày rất gần Ðức Kitô sẽ trở lại thống trị Giêrusalem trong vòng một ngàn năm.
Phái Christadelphians không tập trung thẩm quyền. Mỗi một giáo hội địa phương hay “ecclesia”--như họ thường gọi, hành xử cách độc lập và thường tụ họp ở nhà hay các cơ sở được thuê mướn. Họ không dùng đến hàng giáo sĩ được trả lương, nhưng tuyển chọn “serving brethren” (anh em phục vụ) trong một nhiệm kỳ ba năm. Họ không có sứ mệnh và chống đối việc phục vụ trong quân đội, nghiệp đoàn, nắm giữ chức vụ công cộng, và đi bầu; một lần nữa, về phương diện này, họ giống phái Jehovah's Witnesses.
2. Người Christadelphians cho rằng nhiều người sẽ không bao giờ sống lại từ cõi chết (xem Is. 26:14, 43:17, Jer. 51:57). Họ nói rằng Thánh Phaolô cũng đề cập đến điều này trong thư I gửi giáo đoàn Côrintô 15:18, là đoạn người nói nếu không có sự sống lại thì những người đã chết trong Ðức Kitô sẽ bị diệt vong. Làm sao để bác bẻ điều này?
Trưng ra đoạn phúc âm đó không có nghĩa là họ đúng, nhưng thực ra nó được giải thích theo cách khác. Sách Tiên Tri Isaiah 26:14 đề cập đến sự thất bại của kẻ xâm lăng Israel như “cái bóng không thể vươn lên.” Ðiều này có nghĩa họ không thể tự sống lại từ cõi chết. Sách Tiên Tri Isaiah 43:17 và Giêrêmia 51:57 nói đến sự bất lực của người chết không thể chỗi dậy khi vấp ngã, và trong trường hợp của Tiên Tri Giêrêmia câu 51 đoạn 57, đó là sự bất lực không thể thức giấc. Tất cả ba đoạn này có giá trị trong khung cảnh thời gian đó, với thời đại chúng ta thì những đoạn ấy bị giới hạn và không dính líu gì đến ngày tận thế. Tận thế là vấn đề khác.
Khi giở sang các đoạn đề cập đến ngày tận thế, chúng ta thấy người độc ác sẽ được sống lại vào ngày sau hết. Trong Phúc Âm Thánh Gioan 5:28-29, Chúa Giêsu nói với chúng ta, “Ðừng ngạc nhiên về điều này, khi đã đến giờ thì mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng Người và sẽ ra khỏi đó, những ai làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống, những ai làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án.” Chúng ta thấy mọi kẻ chết sẽ nghe tiếng Người và sẽ sống lại và người độc ác sẽ “sống lại để bị kết án.”
Trong Khải Huyền 20:12-15, chúng ta thấy, “Và tôi thấy những người chết, lớn cũng như nhỏ, đứng trước ngai, và quyển sách mở sẵn. Một cuốn khác cũng mở ra: đó là sách trường sinh. Các người chết được xét xử tuỳ theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách. Và biển trả lại những người chết nó đang giữ; tử thần và âm phủ trả lại những người chết chúng đang giữ, và mỗi người chịu xét xử tuỳ theo các việc đã làm... Ai không có tên ghi trong Sổ trường sinh thì bị quăng vào hồ lửa.”
Qua đoạn văn này, chúng ta được biết tất cả mọi người chết, lớn cũng như nhỏ, được xét xử theo những gì họ đã làm. Biển, tử thần, và âm phủ cũng sẽ trả lại các người chết trong đó, điều này có nghĩa không một người chết nào mà không được sống lại. Trong những người được sống lại sẽ có người độc ác, họ sẽ bị luận phạt.
Lý luận của phái Christadelphians về câu 18 đoạn 15 trong thư I gửi giáo đoàn Côrintô là sai lầm. Thánh Phaolô quả quyết rằng nếu Ðức Kitô không được sống lại, thì những người đã chết trong Ðức Kitô sẽ bị tiêu vong. Cách hay nhất để bác bẻ là quay về Ðức Kitô. Người đã sống lại, bởi thế những người còn đang ngủ trong Người sẽ không bị diệt vong -- họ đang tỉnh thức với Người trên thiên đường.
Vài điểm cần biết thêm:
Thứ nhất, người Do Thái có hai quan điểm về đời sau, một là hoàn toàn hủy diệt (theo người Sa-đu-xê) và hai là sự sống lại (theo người Pharisêu). Khi Thánh Phaolô nói, “Nếu không có sự sống lại thì những kẻ chết trong Ðức Kitô sẽ tiêu vong,” có lẽ ngài muốn ám chỉ đến quan điểm của người Sa-đu-xê là không có sự sống sau khi chết. Người không nghĩ đến một sự hiện hữu ngoài thân xác (linh hồn), vì trong tư tưởng của người Do Thái, sự hiện hữu ngoài thân xác chỉ là tình trạng tạm thời trước khi sống lại. Nếu không có sự sống lại, thì cũng không có tình trạng ngoài thân xác. (Sự thật thì có linh hồn, xem Luca 16:19-31 và Khải Huyền 6:9).
Thứ hai, người phái Christadelphians có lẽ cho rằng trong thư I Côrintô 15:18, “tiêu vong” có nghĩa “bị tiêu hủy” hay “không còn hiện hữu.” Không nhất thiết phải hiểu như thế. Thí dụ, trong Êphêsô 2:1, Thánh Phaolô đề cập đến cái chết về tinh thần (”chết đi tội lỗi của một người”), điều đó có thể xảy ra khi người ấy còn sống. Ðiểm của ngài trong thư I Côrintô 15:18 có thể là những Kitô Hữu không chỉ chết về thể xác mà còn chết về đàng tinh thần nếu không hy vọng vào sự sống lại; họ đặt hy vọng vào Ðức Kitô một cách vô hiệu. Ðây là ý tưởng của câu trước đó: “Nếu Ðức Kitô không sống lại, đức tin của anh chị em sẽ vô ích và anh chị em vẫn ở trong tội” (1 Cor. 15:17).
1. Tri Thức Giáo là gì?
Tri thức giáo (gnosticism), có tên từ chữ Hy Lạp “gnosis” (”tri thức”) là một phong trào tôn giáo có lẽ bắt đầu từ trước thời Ðức Kitô và kéo dài cho đến vài thế kỷ sau Chúa Giáng Sinh. Người theo tri thức giáo tự coi mình là “người hiểu biết.” Tà thuyết của họ thay đổi theo từng nhóm, và không thể kết luận một nét riêng biệt nào, nhưng nói chung, giáo phái này tin tưởng những điều sau:
Trong một vài phương cách, tri thức giáo (gnosticism) tương tự như phong trào New Age hiện nay. Cũng giống như những người theo New Age, người tri thức giáo dùng thuật ngữ và dấu hiệu của Kitô Giáo, nhưng họ đặt chúng vào những khung cảnh tôn giáo lạ lùng nhằm phá hủy sự giảng dạy chân chính của Ðức Kitô. Người ta không rõ tri thức giáo bắt đầu lúc nào. Nhiều Giáo Phụ cho rằng tri thức giáo được sáng lập bởi Simon Magus, là người phù thủy Samaritan trở lại Kitô Giáo (CVTÐ 8:9-24).
Tuy nhiên, thật hiển nhiên là chính các tông đồ đã tranh luận với một hình thức tri thức giáo (Col. 2:8, 18; 1 Gioan 4:1-3; Khải Huyền 2:6, 15). Thánh Phaolô nói, “Tránh những chuyện nhảm nhí, trống rỗng, và những ngu xuẩn của nhóm gọi là tri thức [gnosis]. Vì chủ trương tri thức đó mà một số người đã lạc mất đức tin” (1 Tim. 6:20-21)
2. Văn bản Nag Hammadi là gì, và những tài liệu ấy có tiết lộ điều gì mà chúng ta chưa biết về Ðức Kitô hay Phúc Âm không?
Ðược tìm thấy vào năm 1945 gần ngôi làng Nag Hammadi vùng Thượng Ai Cập, đó là những văn bản chỉ thảo (papyrus) thời thế kỷ thứ tư và tài liệu ấy tạo nên một phần của tủ sách tri thức giáo. Những văn bản này là các nguồn tài liệu có giá trị về niềm tin và cách thực hành của tri thức giáo. Từ những văn bản này chúng ta có thể thấy rõ ràng hơn những tranh luận và thần học mà người tri thức giáo dùng để tấn công Giáo Hội Công Giáo.
Mặc dù các văn bản này rất rời rạc, nhưng nó vẫn còn khá nguyên vẹn để thấy tri thức giáo lộ diện trong những phúc âm và thánh thư giả tạo. Trong bộ văn bản Nag Hammadi là những sản phẩm không xác thực như Nguỵ Thư của Thánh Gioan, Phúc Âm Thánh Philíp, Khải Huyền của Thánh Phaolô, và Phúc Âm của Ðức Maria.
Các học giả thích thú khi khám phá ra một vài sản phẩm được biết là có hiện diện trong các thế kỷ đầu của Giáo Hội nhưng được coi là thất lạc. Muốn biết thêm về văn bản này, có lẽ nên đọc ấn bản Anh ngữ “The Nag Hammadi” (San Francisco: Harper & Row, 1988).
1. Ngày nay Do Thái Giáo có còn các tư tế không? Có phải họ thuộc chi tộc Lêvi? Các tư tế có còn tế lễ không?
Không, ngày nay không còn tư tế Do Thái Giáo. Theo Cựu Ước, chỉ có một nơi xứng đáng để giết thú vật làm của lễ dâng lên Thiên Chúa là Ðền Thờ ở Giêrusalem. Vào năm 70 A.D. Ðền Thờ bị phá hủy, có nghĩa tư tế Do Thái Giáo không còn chỗ để tế lễ. Cho đến ngày nay, Ðền Thờ vẫn còn đổ nát, không có chỗ để tế lễ. Bởi đó, trong Do Thái Giáo tư tế không có sự hoạt động.
Ðiều này không có nghĩa không còn những người được kêu gọi làm tư tế khi Ðền Thờ được xây dựng lại. Không giống như các chi tộc khác của Israel, chi tộc Lêvi không bị tiêu diệt như người ta nghĩ. Nhiều người Do Thái ngày nay, với các tên như Levit, Levin, và Levine, được coi là thuộc chi tộc Lêvi. Vì di sản tư tế, họ được trao cho các vai trò đặc biệt trong sự thờ phượng ở hội đường Do Thái Giáo. Những người có tên như Cohen, Kahan, và đôi khi Katz được coi xuất phát từ các gia đình tư tế trong chi tộc Lêvi.
Trong những năm gần đây có sự thảo luận về việc xây dựng lại Ðền Thờ, và hầu hết các cuộc thảo luận đều để ý đến việc có nên xây dựng lại Ðền Thờ mà không phải phá huỷ Vòm Ðá, là Ðền Thờ Hồi Giáo xây trên Ðền Núi (Temple Mount) ở Giêrusalem không.
Những chứng tích khảo cổ mới đây cho thấy chỗ Cực Thánh--nơi quan trọng nhất của Ðền Thờ và là nơi cất giữ Hòm Bia--nằm ở ngoài Vòm Ðá, điều đó có nghĩa người ta có thể tái xây dựng Ðền Thờ, kể cả nơi Cực Thánh, mà không đụng đến Vòm Ðá.
Người ta đồn rằng các người Do Thái thuộc chi tộc Lêvi đang được huấn luyện để hồi phục chức tư tế. Trong năm qua, một nhóm Do Thái Giáo chính thống cực đoan đã đặt viên đá xây dựng Ðền Thờ mới.
Không phải mọi người Do Thái Giáo đều ủng hộ việc tái xây dựng Ðền Thờ. Một số nói lên sự lo ngại phải đối phó với vấn đề có nên dùng thú vật để tế lễ hay không--là vấn đề mà nhiều người Do Thái Giáo không muốn đụng đến.
1. Cách tốt nhất để tranh luận với Chứng Nhân Giêhôva khi họ đến nhà giảng đạo là gì?
Hãy chú ý đến Phúc Âm Thánh Gioan chương 6.
Nếu bạn may mắn, việc thảo luận của bạn về chương này--là đoạn mà Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thể và tuyên bố rõ ràng là bánh và rượu thực sự là mình và máu của Người--sẽ đưa Chứng Nhân Giêhôva vào vòng lẩn quẩn. Hãy nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu lập đi lập lại là chúng ta phải ăn thịt và uống máu Người, và Người không thể thuyết phục người nghe thời đó đừng nghĩ rằng điều đó có ý nghĩa biểu tượng. Người nói theo nghĩa đen, và những người thời đó hiểu như vậy.
Trước hết nhiều người Do Thái bỏ đi, lắc đầu không tin nổi. Sau đó một vài môn đệ bỏ Chúa Giêsu, không thể chấp nhận tín điều về sự Hiện Diện Thực. Một nhân vật đặc biệt bỏ đi: đó là Giuđa (xem câu 64). Chính lúc này, vì không tin sự Hiện Diện Thực, mà Giuđa đã phản bội Ðức Kitô. Quả thật Giuđa là một tên trộm và là kẻ phản bội, nhưng chính lúc này mà hắn bắt đầu có manh tâm.
Nếu bạn đọc chương 6 một cách chậm rãi, nhấn mạnh vào những sự kiện xảy ra, Chứng Nhân Giêhôva sẽ rơi vào hoàn cảnh khó xử. Hãy cho họ thấy rằng những người thời đó hiểu lời Chúa Giêsu nói theo nghĩa đen--vậy tại sao chúng ta lại không hiểu như vậy?
Có thể họ nói rằng “Thiên Chúa Giêhôva” khai sáng cho họ để hiểu điều Thánh Gioan thực sự muốn nói trong chương 6. Hãy bảo họ đọc lại Phúc Âm, phải “ngay thẳng với Thiên Chúa”, và điều đó có nghĩa phải đi theo chân lý đã dẫn dắt họ. Phải tín thác vào Thiên Chúa và theo Người bất cứ đâu Người dẫn dắt, ngay cả đó là lúc họ không muốn theo.
Những giải thích trên chỉ xảy ra nếu bạn may mắn gặp người Chứng Nhân Giêhôva có hiểu biết. Có thể điều bạn dẫn chứng trong Phúc Âm Thánh Gioan chương 6 không ảnh hưởng gì đến họ. Hãy kiên nhẫn, đợi họ trở lại và tiếp tục.
2. Tôi có được đến “Kingdom Hall”, là nơi mà người Chứng Nhân Giêhôva thờ phượng không?
Ðược và không. Nếu bạn thực sự có kiến thức về giáo phái này và muốn xem cách họ cử hành nghi lễ và những kiểu cách họ giảng dạy cho dân chúng, thì cứ tự nhiên. Bạn không thiệt hại gì, và có thể bạn học được những tinh xảo mà bạn áp dụng vào việc đi truyền giáo từng nhà.
Nhưng nếu bạn bị tò mò vì những gì người Chứng Nhân Giêhôva nói, và nghĩ rằng “Tôi muốn tự mình tìm hiểu”, thì bạn nên tránh xa. Nếu bạn chỉ có một chút nghi ngờ về những gì người Chứng Nhân Giêhôva nói, có lẽ bạn không đủ kiến thức về đức tin của chính bạn và của họ.
Nếu bạn thực sự hiểu biết đủ, nếu bạn nắm vững đức tin Công Giáo và qua sự học hỏi bạn tin rằng đức tin của bạn không bị lay chuyển bởi bất cứ gì người Chứng Nhân Giêhôva nói, thì hãy tin rằng giáo lý của họ cũng không có gì là tốt đẹp hay có giá trị lịch sử.
Ðiều đó nghe có vẻ thiển cận, và thực như vậy nếu chúng ta nói về một tổ chức Kitô Giáo chính đáng, nhưng Chứng Nhân Giêhôva không phải là Kitô Giáo, và giáo lý của họ thiếu xác thực--như được chứng minh bởi bản dịch Phúc Âm của họ, được gọi là “The New World Translation”, gồm những đoạn chủ ý dịch sai để hỗ trợ cho điều họ tin tưởng. (Phúc Âm của người Công Giáo và Tin Lành không đồng ý với những ý tưởng này, tỉ như họ cho rằng không có hỏa ngục hay Ðức Giêsu không phải là Chúa mà là Tổng Lãnh Thiên Thần Micae).
Bất kể giáo lý của Chứng Nhân Giêhôva có sai lầm đến đâu, đừng coi thường sự dụ dỗ của các người theo giáo phái này. Họ là những người có tài thuyết phục. Ðừng đưa mình vào hoàn cảnh bị cám dỗ nghĩ rằng, “Ồ, mình có thể lý luận với những tên này, dù mình không biết nhiều về đức tin Công Giáo.” Nếu bạn nghĩ như thế, thì bạn là con mồi ngây thơ mà họ đang tìm kiếm, vì một khi bạn không thể bài bác những điều họ tin tưởng, và không thể nêu ra lý lẽ của Công Giáo, bạn sẽ thất bại và sẽ bắt đầu liên lạc với Kingdom Hall.
Ðừng cười. Nó đã xảy ra nhiều lần. Nhiều người Công Giáo có thái độ tự mãn: “Tôi không cần biết đức tin của tôi vì đức tin của tôi có thật.” Thái độ đó tốt--cho đến khi bỗng dưng bạn cảm thấy mình rỗng tuếch khi được hỏi những câu quan trọng về đức tin. Có thể ngày hôm nay bạn nghĩ mình không bị khuất phục bởi sự tán tỉnh của các Chứng Nhân Giêhôva, nhưng đó là điều mà những người đi theo giáo phái này từng nói như thế.
3. Trong cuộn băng, “I Escape from the Watchtower” (Tôi Thoát Khỏi Watchtower), có đoạn phỏng vấn một người trước là Chứng Nhân Giêhôva và ông ấy có đề nghị đọc cuốn “The Finished Mystery” (Bí Ẩn Sau Cùng). Cuốn sách ấy nói về điều gì, ai viết, và tại sao lại quan trọng?
Ông Leonard Chretien, một cựu Chứng Nhân Giêhôva từng giữ chức vụ trong “Wachtower Bible” và “Tract Society” của giáo phái này trong 22 năm, đề nghị cuốn “The Finished Mystery” vì đó là một thí dụ điển hình của sự biến thái quái dị về giáo lý của Watchtower trong vài trăm năm qua, và nó hữu ích vì cho chúng ta thấy những sai lầm và mâu thuẫn của giáo lý Chứng Nhân Giêhôva.
Cuốn “The Finished Mystery” là cuốn thứ bảy trong bộ “Studies in the Scriptures”, là bộ sách do giáo chủ Chứng Nhân Giêhôva, ông Charles Taze Russell viết. Ðó là mớ hỗn tạp những điều tiên tri sai lạc, nói bừa bãi về việc dẫn giải Kinh Thánh, và huênh hoang tấn công Giáo Hội Công Giáo. Cuốn “The Finished Mystery” được ấn hành năm 1917, sau khi tác giả chết, và được rêu rao đó là một chỉ trích “Thế Giới Kitô Giáo” mà không có câu giải đáp.
Nhiều năm trôi qua, và khi các điểm chính yếu về thần học của giáo phái này thay đổi, cơ quan “The Watchtower” rầm rĩ công bố những tiên đoán ma về ngày giờ Ðức Kitô tái giáng lâm. Thật trớ trêu, cơ quan “The Watchtower” đã có nhiều mâu thuẫn trong các điểm thần học mới của họ và cũng không thể giải thích được những tiên đoán sai lầm trong sách của giáo chủ Russell. Trong một hành động được hiểu là để kềm chế mối bất lợi này, nhóm lãnh đạo Chứng Nhân Giêhôva đã thu hồi tất cả các sách trong bộ “Studies in the Scriptures.”
Hầu hết các người Chứng Nhân Giêhôva không biết đến bộ sách này, với lý do hiển nhiên là cơ quan “The Watchtower” thận trọng không để lọt vào tay bất cứ ai. Nhưng bạn có thể có được bản chụp ảnh (photographically reproduced) của cuốn này từ cơ quan Witness Inc., một tổ chức hộ giáo của Tin Lành nhằm bác bẻ những sai lạc của “The Watchtower”. (P.O. Box 597, Clayton, CA 94517, [415] 584-3838).
Như với tất cả mọi tổ chức hộ giáo của Tin Lành, rất có thể có những sai lầm về thần học mà người Tin Lành đưa ra như một “giải đáp” cho những sai lạc của các “tà giáo.” Bạn cần thận trọng về chiều hướng của người Tin Lành. Cuộc nghiên cứu của tổ chức này (Witness Inc.) vẫn hữu ích vì khả năng chuyên môn của họ trong việc vạch trần những sai lạc và mâu thuẫn trong các tài liệu của “The Watchtower” như Awake! cũng như những tài liệu không còn xuất bản.
4. Vợ tôi đang học đạo với Chứng Nhân Giêhôva, và họ thuyết phục cô ấy rằng việc mừng ngày sinh nhật là một thói đời và là người Kitô Giáo thì không nên làm. Cô ấy ngăn cản con cái tôi mừng ngày sinh nhật. Tôi phải làm gì?
Việc mừng sinh nhật được nhắc đến vài lần trong Kinh Thánh, và không có chỗ nào bị lên án. Người Chứng Nhân Giêhôva sai lầm cho rằng việc mừng sinh nhật là điều xấu vì chỉ có hai đoạn trong kinh thánh rõ rệt nhắc đến việc mừng sinh nhật, một là của người ngoại giáo, Pharaoh (Sáng Thế 40:20-22), và của người độc ác, Hêrôđê Antipas (Máccô 6:21; xem Mátthêu 14:1-12). Ðể tóm lược vấn đề, việc mừng sinh nhật Vua Hêrôđê đã trở thành cơ hội dâm đãng với con gái của người vợ anh vua, là cô Hêrôđia, và đưa đến việc chém đầu Gioan Tẩy Giả. Người Chứng Nhân Giêhôva lý luận sai lầm rằng, vì biến cố trong phúc âm mô tả việc mừng sinh nhật của các người độc ác, thì việc mừng sinh nhật của bất cứ ai, tự nó là tội lỗi. Bạn có thể cho thấy điều này vô lý khi trưng ra đoạn Phúc Âm nói rằng ngày sinh của Gioan Tẩy Giả sẽ là nguyên nhân của “sự vui mừng hớn hở, và nhiều người được hỉ hoan ngày con trẻ chào đời, vì em sẽ nên cao trọng trước mặt Chúa” (Luca 1:14-15). Dù đoạn này không hiển nhiên đề cập đến việc mừng sinh nhật của Gioan Tẩy Giả, nhưng chắc chắn có thể giải thích như thế và tối thiểu cho thấy việc mừng sinh nhật của một người thánh thiện thì nên làm.
5. Tại sao Chứng Nhân Giêhôva không chấp nhận việc tiếp máu, ngay cả khi mạng sống bị nguy kịch?
Chính yếu là vì giáo chủ Charles Taze Russell, đã góp nhặt lung tung để thành một bộ giáo lý độc đáo của ông. Dường như ông không quan tâm đến những điều Phúc Âm mà ông chấp nhận hay ông khước từ, một khi kết quả góp nhặt ấy trở nên kỳ lạ. Trên căn bản “phúc âm”, từ chối tiếp máu là một trong những giáo lý kỳ quặc khiến “The Watchtower” trở nên một tổ chức thực sự lạ đời. Người Chứng Nhân Giêhôva trưng ra hai câu làm căn bản cho lập trường của họ: “Ngươi không được ăn máu bất cứ giống gì, dù là chim muông hay thú vật, ở nhà ngươi. Bất cứ ai ăn máu một giống nào, người đó sẽ bị loại ra khỏi dân tộc” (Lêvi 7:26-27); “Vì sự sống của bất cứ tạo vật nào là máu của nó; bởi thế Ta nói với dân Israel, ngươi không được ăn máu bất cứ tạo vật nào, vì sự sống của tạo vật ấy là máu của nó; bất cứ ai ăn máu sẽ bị loại trừ” (Lêvi 17:14).
Ngoài tính cách mâu thuẫn bởi giữ điều này bỏ điều kia trong Cựu Ước, tỉ như việc cắt bì (xem Sáng Thế 17:2-14) và luật về đồ ăn kiêng khem (xem Thứ Luật 14:3-21), Chứng Nhân Giêhôva hiểu sai lầm về ý nghĩa những đoạn này. Trong cả hai đoạn Lêvi 7 và 17 chỉ việc ăn máu bị cấm, chứ không phải việc tiếp máu (là phương pháp y khoa chỉ được phát triển trong vòng thế kỷ sau này). Chứng Nhân Giêhôva bỏ qua một sự kiện trong sách Lêvi mà Thiên Chúa cấm không được ăn máu và mỡ: “Ðó sẽ là một điều luật vĩnh viễn trong toàn thế hệ ngươi, trong mọi nơi ngươi sống, là ngươi không được ăn máu hoặc mỡ” (Lêvi 3:17). Tuy nhiên “The Watchtower” không lên án việc ăn mỡ, và không một người Chứng Nhân Giêhôva nào cảm thấy cắn rứt khi nhâm nhi gói da heo chiên hay thưởng thức một khúc sườn nướng thơm phức. Ðây là một thí dụ điển hình của “giáo lý” chọn lọc của “The Watchtower”.
1. Lập trường chính thức của Giáo Hội Công Giáo đối với Tam Ðiểm là gì? Người Công Giáo có được tự do gia nhập Tam Ðiểm không?
Tam Ðiểm không thích hợp với đức tin Công Giáo. Tam Ðiểm giảng dạy về một tôn giáo căn cứ vào tự nhiên, coi đạo nào cũng vậy, bởi đó ai ai cũng có thể làm vui lòng Thiên Chúa dù ở bất cứ tôn giáo nào.
Tam Ðiểm còn là một tổ chức bí mật. Trong nghi thức gia nhập, hội viên uống máu thề những điều trái ngược với luân lý Kitô Giáo. Hội viên Tam Ðiểm thề nếu họ tiết lộ những bí mật của Tam Ðiểm--bí mật nhưng không quan trọng và ai ai cũng biết--thì họ sẽ tự xẻo thịt mình hay bị hành quyết cách khủng khiếp.
Theo lịch sử, một trong những mục tiêu chính của Tam Ðiểm là tiêu diệt Giáo Hội Công Giáo, điều này đặc biệt đúng với hội Tam Ðiểm ở các quốc gia Âu Châu. Ở Hoa Kỳ, hội Tam Ðiểm không khác hơn một tổ chức xã hội bao nhiêu, nhưng nó vẫn chủ trương một tôn giáo tự nhiên nên trái ngược với Kitô Giáo chính thống.
Giáo Hội phạt vạ tuyệt thông những người Công Giáo gia nhập hội Tam Ðiểm. Vạ tuyệt thông vì tham dự hội Tam Ðiểm được nói rõ trong bộ giáo luật 1917 (điều 2335), và được hiểu ngầm trong bộ luật 1983 (điều 1374).
1. Về giáo phái Mormon, có người nói rằng tín đồ Mormon tin là Thiên Chúa “nguyền rủa” một số người bằng cách làm cho da họ đen. Xin cho biết điều đó được trích dẫn ở đâu?
Sách Mormon nói rằng người Lamanite và một số người Nephite (là người Do Thái phải di cư từ Palestine sang Tân Thế Giới khoảng năm 600 B.C.) bị Chúa phạt làm cho da họ đen. “Hình phạt”, dưới hình thức một lời nguyền rủa, biến họ từ người da trắng Semite sang người Indian da đen (xem 1 Nephi 12:23; 2 Nephi 5:20-24; Jacob 3:3-5; Alma 3:5-9; Mormon 5:15-18). Sách Mormon nói thêm rằng những người bị nguyền rủa mà sau này hối cải thì da họ trắng trở lại (Jacob 3:8; 3 Nephi 2:14-15; Alma 23:18).
2. Người Mormon đến nhà tôi truyền giáo, và chúng tôi thảo luận khá lâu về sự khác biệt giữa Công Giáo và Mormon. Một trong những điều mà họ hãnh diện về giáo huấn của họ gọi là “Word of Wisdom -- Lời Khôn Ngoan”, cấm hút thuốc, uống trà, cà phê, và rượu. Làm sao tôi có thể bác bẻ lý lẽ này?
Hãy từ từ! Mặc dù Giáo Hội Mormon sai lầm nhiều vấn đề thần học, “Lời Khôn Ngoan” của họ không phải là điều giảng dạy xấu và không cần phải bác bẻ. Ðúng vậy, người Mormon rất nhiệt tình trong việc bài bác trà, cà phê, và rượu (họ coi những thứ này tự bản chất luôn luôn có hại cho thân thể), nhưng trong điều họ rao giảng có tiềm ẩn một sự thật.
Chính Giáo Hội Công Giáo dạy rằng việc cố ý gây thương tích cho thân thể một cách không cần thiết là vi phạm Ðiều Răn Thứ Năm. Bây giờ y khoa cho thấy khói thuốc lá làm hại cho thân thể nên nhiều người cho rằng những người hút thuốc là tự ý làm tổn thương cho cơ thể và điều đó có tội.
Ðiều này đúng với việc hút thuốc lá, nhưng không đúng với trường hợp uống trà, cà phê, và rượu, trừ khi lạm dụng. Mọi người đều có thể uống rượu một cách điều độ mà không hại gì cho sức khoẻ. (Rượu còn có lợi cho sức khoẻ, như các tiền nhân đã biết: “Ðừng chỉ uống nước mà thôi, nhưng hãy dùng một chút rượu vì có lợi cho bao tử và vì cơn bệnh thường xuyên của anh” [1 Timôthê 5:23]).
Một cách tự nhiên, người ta phải tránh những gì thường trực tiếp tổn thương cho cơ thể, tỉ như dùng ma tuý và hút thuốc, nhưng các thực phẩm và thức uống không gây thiệt hại cho thân thể khi dùng một cách điều độ thì không nên bài trừ như một điều xấu xa. Dĩ nhiên không có gì sái quấy khi kiêng cữ để hãm mình phạt xác hay để khoẻ mạnh hơn (nói cho cùng, không cần phải cữ uống trà, cà phê, hay rượu thì mới mạnh khoẻ). Như Thánh Phaolô nói, “Ðối với tôi mọi sự đều hợp pháp, nhưng không phải mọi sự đều có ích. Tôi được phép làm mọi sự, nhưng tôi sẽ không để bất cứ sự gì làm chủ được tôi” (1 Cor. 6:12). Một khi “Lời Khôn Ngoan” dạy người ta sống mạnh khỏe bằng cách kiêng cữ một vài loại thức ăn, điều đó có ích nhưng về phương diện luân lý thì điều đó không tốt cũng không xấu. Nhưng người Mormon đã sai lầm khi lên án trà, cà phê, và rượu như những thứ luôn luôn xấu xa tự bản chất.
3. Ai là “những chiên khác” mà Chúa Giêsu đã nhắc đến trong Phúc Âm Thánh Gioan 10:16? Trong một quảng cáo, người Mormon nói rằng câu đó ám chỉ người Do Thái đã di cư sang Nam Mỹ khoảng 600 B.C.
Chúa Giêsu nói, “Và tôi còn những chiên khác không thuộc đàn này; tôi cũng phải đưa chúng về, và chúng sẽ nghe tiếng tôi. Như thế chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” Hầu hết các học giả kinh thánh Công Giáo, theo sự giảng dạy của các giáo phụ thời tiên khởi, đồng ý rằng “những chiên khác” là lương dân (dân ngoại), mà phúc âm được rao truyền cho họ sau khi người Do Thái từ chối Ðức Kitô (Rom. 11:11-12).
Trong thời Chúa Giêsu rao giảng, Người chỉ rao giảng cho người Do Thái (Mátthêu 10:5-6, 15:24), và trong thời Giáo Hội tiên khởi, người Do Thái cũng là trọng tâm của sự rao giảng của các tông đồ, mặc dù Chúa Giêsu đã tiên báo rằng phúc âm sẽ được loan truyền cho mọi dân tộc” (Matt. 28:19, TÐCV 1:8). Việc Thiên Chúa nới rộng ơn phúc của Người cho Dân Ngoại đã được nói trước trong Cựu Ước (TV 2:7; Isa. 2:2-6).
Thánh Phaolô đã giải thích điều này cho Kitô Hữu Dân Ngoại . “Hãy nhớ rằng đã có lần anh em là Dân Ngoại về phần xác, được coi là người chưa cắt bì dù đã được tay người phàm cắt bì thân xác anh em--hãy nhớ rằng lúc đó anh em tách biệt với Ðức Kitô, xa lạ với cộng đồng Israel, và xa lạ với giao ước đã được hứa trước, không có hy vọng và không có Thiên Chúa trong cuộc sống. Nhưng bây giờ, trong Ðức Giêsu Kitô, anh em là người đã từng cách biệt nay được đem lại gần nhờ máu Ðức Kitô” (Êphêsô 2:11-13; coi Rom. 3:22; Gal. 3:27-28).
4. Tôi được cho biết là người Mormon thờ Satan trong các nghi thức ở đền thờ của họ, và họ mang những dấu hiệu ma quỷ trên y phục. Ðiều đó có thật không?
Không. Người Mormon không thờ Satan dù ở đền thờ của họ (mà chỉ một phần nhỏ người Mormon đến viếng) hay trong nghi thức Chúa Nhật hàng tuần, và họ cũng không mang những dấu hiệu Satan trên y phục. Nhưng họ có một diễn viên đóng vai trò Luxiphe trong nghi thức tài trợ ở đền thờ. Qua vở kịch ngắn này người tham dự được biết quan niệm của người Mormon về lịch sử cứu chuộc, kể cả việc Luxiphe cám dỗ ông ADong và bà Evà, nhưng không bao giờ có việc thờ cúng Luxiphe trong các nghi thức đó. Về dấu hiệu, những người Mormon tham dự nghi thức này phải mặc “quần áo lót thiêng liêng” mà họ tin rằng có khả năng che chở họ khỏi bị nguy hại về thể xác cũng như tinh thần. Những quần áo lót này, căn bản là một bộ quần cụt và áo ngắn tay dính liền, mầu trắng, có thêu các dấu hiệu, tỉ như thước vuông của người thợ mộc, là một dấu hiệu bắt chước Tam Ðiểm.
5. Người Mormon đến nhà tôi truyền giáo, và trong những điều họ nói, họ lên án người Công Giáo có thói quen không được thấy trong phúc âm là việc trả lương cho giám mục và linh mục. Họ rất hãnh diện là Giáo Hội Mormon không trả lương cho hàng giáo sĩ, và cho rằng họ là người theo sát gương của các Kitô Hữu tiên khởi. Tôi im lặng, bối rối vì tôi không biết trong Phúc Âm có đoạn nào hỗ trợ lập trường của Công Giáo. Có đoạn nào không?
Có. Hãy trả lời họ bằng Thư 1 gửi cho giáo đoàn Côrinthô đoạn 9. Trong câu 7 đến 12, Thánh Phaolô đã đề cập đến điều này, khi nói, “Có ai làm lính mà phải tự túc bao giờ? Có ai trồng nho mà lại không được ăn trái? Hay có ai chăn súc vật mà lại không được dùng sữa của chúng? Có phải tôi nói như vậy là dựa trên quyền thế cá nhân hay chính lề luật cũng không đề cập đến điều đó?
“Trong luật Mô-sê có chép: 'Ðừng bịt mõm con bò đang đạp lúa.' Chẳng lẽ Thiên Chúa lại bận tâm đến chuyện trâu bò, hay vì chúng ta mà Người phán như vậy? Chính vì chúng ta mà có lời chép, người ta cày cấy với niềm hy vọng và kẻ đập lúa cũng hy vọng được chia phần. Nếu chúng tôi gieo hạt thiêng liêng cho anh em, thì đó có phải là điều quá đáng khi chúng tôi hưởng của vật chất nơi anh em? Nếu những người khác còn có quyền đòi hỏi anh em, thì huống hồ là chúng tôi?”
Người nói tiếp, mặc dù việc trả lương cho sứ vụ của ngài là điều chính đáng (câu 18), nhưng ngài không muốn như thế để giảm bớt các nguyên cớ gièm pha của những người ưa chỉ trích. Trong các câu 13 và 14 ngài giải thích: “Anh em không biết rằng người lo các thánh vụ thì được hưởng lộc đền thờ, và kẻ phục vụ bàn thờ thì cũng được chia phần của hiến tế sao? Cũng vậy, Chúa truyền cho những ai rao giảng Tin Mừng phải sống nhờ Tin Mừng.” Nên xem thêm Rôma 15:26-27, 2 Thess 2:6-10; và 2 Timôthê 2:6.
6. Người Mormon hỏi tôi có muốn đi thăm “stake center--trung tâm trụ” của họ không. Tôi từ chối, nhưng thực sự không hiểu “trung tâm trụ” là gì?
Trung tâm trụ của người Mormon thì tương tự như một giáo xứ Công Giáo, với các văn phòng, nơi hội họp, nơi thờ phượng, nhà bếp, lớp học, và nhiều trung tâm trụ còn có một thư viện về phả hệ.
Hầu hết các trung tâm trụ đều có một chỗ được gọi là trung tâm văn hóa, là một phòng thật lớn như sân chơi bóng rổ và giảng đường. Trung tâm văn hóa tách biệt với điện thờ bởi tấm vách di động, được mở ra vào các ngày Chúa Nhật khi giáo đoàn quá đông hoặc khi có tổ chức đặc biệt.
Theo tổ chức của người Mormon, một trung tâm trụ thì lớn hơn một khu hội nhưng nhỏ hơn một vùng. Một khu hội chỉ bao gồm vài trăm người. Một trung tâm trụ gồm vài khu hội, có khi tới mười lăm khu hội. Các khu hội do các giám mục đứng đầu, và các giám mục khu hội phải phúc trình lên một chủ tịch trung tâm trụ, là người phải chịu trách nhiệm với chủ tịch vùng.
Chữ “stake--trụ” do bởi hai câu Phúc Âm. “Hãy nhìn đến Zion [người Mormon tự coi họ và Salt Lake City là tổ chức hiện nay giống với Zion xưa], thành phố của nghi thức: mắt ngươi sẽ thấy Giêrusalem, một nơi trú ngụ êm ả, một lều tạm không bị tháo gỡ; không một cột trụ nào ở đó được rỡ đi” (Is. 33:20); “Hãy nới rộng căn lều của ngươi, và hãy để chúng trải rộng các màn trướng nơi trú ngụ; cũng đừng quên nới dài các dây nhợ, và củng cố các cột trụ” (Is. 54:2).
Trung tâm trụ là sức mạnh của hạ tầng cơ sở Giáo Hội Mormon. Từ các trung tâm trụ, hàng ngàn tín đồ của Giáo Hội này đi khắp nơi để truyền đạo. Các đại hội thường niên của Giáo Hội Mormon thường được truyền hình qua hệ thống viễn tinh đến các trung tâm trụ. Công việc phả hệ địa phương được thi hành ở các trung tâm trụ, và hầu hết những người theo đạo Mormon được rửa tội ở các trung tâm trụ.
Sau đây là một vài dữ kiện về sự gia tăng nhanh chóng của các trung tâm trụ Mormon: Vào tháng Mười, 1988 có 1,108 trung tâm trụ ở Hoa Kỳ. Trong mười quốc gia nhiều trung tâm trụ nhất, có sáu quốc gia mà trước đây đa số dân là Công Giáo (Mễ có 92; Brazil có 57; Chí Lợi có 48; Phi Luật Tân có 32; Peru có 31; Argentine có 26. Ngày nay, trên một nửa số người trở lại đạo Mormon là người Công Giáo). Phải mất 143 năm để hình thành một nửa tổng số trung tâm trụ toàn thế giới (1700). Nhưng gần đây, chỉ cần có mười một năm để hình thành năm mươi phần trăm trung tâm trụ còn lại.
7. Năm qua tôi từ giã Giáo Hội Mormon để theo đạo Công Giáo. Tôi muốn kiên cường đức tin qua sự hiểu biết, nhất là về vấn đề bản tính của Thiên Chúa để có thể giải thích cho những người trong gia đình tôi vẫn theo đạo Mormon. Họ luôn luôn thách thức tín điều Công Giáo, nhất là vấn đề chỉ có một Thiên Chúa. Bạn có đề nghị gì?
Nên bắt đầu với cuốn “Theology and Sanity” của Frank Sheed, có những giải thích minh bạch và xúc tích về vấn đề này. Sau đó đưa cho người nhà đọc và thảo luận về những gì họ đã đọc. Trong cuộc thảo luận, hãy đưa ra những đoạn kinh thánh minh chứng chỉ có một Thiên Chúa: Isaiah 44:6; 45:5-6, 18, 21-22; 46:9. Những đoạn sau chứng minh Chúa hiện diện khắp mọi nơi: Thánh Vịnh 138 (139):7-8; Sách Khôn Ngoan 1:7; Tiên Tri Giêrêmia 23:24; và Ephêsô 1:23.
1. Một linh mục Anh Giáo nói với tôi rằng chức thánh của ông ta có giá trị và ông có thể cử hành Thánh Lễ và ban phép xá giải. Ðiều tôi biết thì ngược với những gì ông ấy nói. Lập trường của đạo Công Giáo là gì?
Mặc dù ngày nay người Công Giáo và nhiều người Anh Giáo truyền thống đang có sự thân thiện và ngày càng hỗ tương cộng tác, vẫn còn vấn đề tế nhị về giá trị của chức thánh trong Anh Giáo. Giáo Hội Công Giáo tiếp tục phủ nhận giá trị này.
Vào năm 1896, Ðức Giáo Hoàng Leo XIII ra tông thư Apostolicae Curae, trong đó ngài duy trì lập trường của Giáo Hội là coi chức thánh của Anh Giáo “tuyệt đối vô giá trị và không có hiệu lực.” Khi Tổng Giám Mục Canterbury của Anh Giáo đầu tiên là Thomas Cranmer, lên nắm quyền dưới thời Vua Henry VIII, ngài đã thay đổi nghi thức truyền chức một cách quyết liệt, cắt bỏ mọi liên quan đến sự thánh thiện của chức tư tế.
Ðể có giá trị, các bí tích phải có nghi thức và ý nghĩa thích hợp, do đó nhiều câu hỏi nghiêm trọng về giá trị của chức thánh trong Anh Giáo được nêu lên. Sau những nghiên cứu, Giáo Hội Công Giáo quyết định rằng, mặc dù việc phong chức linh mục được cử hành bởi một giám mục Công Giáo hợp lệ nhưng lạc đạo, vì nghi thức tấn phong của Anh Giáo bị sái lệch quá nhiều nên chức thánh không còn giá trị.
Do đó, chỉ trong vòng một hay hai thế hệ sau khi Giáo Hội Anh Giáo khởi đầu thì không còn giám mục Anh Giáo hợp lệ (vì các giám mục Công Giáo nguyên thủy đi theo giáo thuyết này đã từ trần). Bởi đó, các giám mục Anh Giáo (là những người về phương diện kỹ thuật không phải là giám mục hay ngay cả linh mục) không thể phong chức linh mục cho bất cứ ai.
Tuy nhiên, tình trạng còn rắc rối hơn nữa. Một số người sắp chịu chức linh mục Anh Giáo, nhận thấy tình trạng vô hiệu của chức thánh trong giáo hội của họ, đã chịu chức dưới tay các giám mục ly giáo đã được tấn phong cách hợp lệ (tỉ như người Công Giáo Cổ, ly khai Rôma sau Công Ðồng Vatican I). Giả như các giám mục này dùng nghi thức hợp lệ và có ý định thiết yếu, việc phong chức sẽ có giá trị, dù trái phép. Vấn đề là sự khó khăn để xác định giá trị chức thánh của linh mục Anh Giáo.
Ðó là lý do tại sao khi linh mục Anh Giáo muốn trở lại đạo Công Giáo và làm việc như một linh mục họ phải được truyền chức lại trong Giáo Hội Công Giáo. Họ được tấn phong “một cách vô điều kiện” --nghĩa là, họ được giả sử rằng chưa được tấn phong cách hợp lệ trong Anh Giáo, bất kể vị giám mục tấn phong là ai.
2. Một số người trong phong trào Giáo Hội Ðức Kitô (Church of Christ) lý luận rằng giáo hội của họ là giáo hội thật, được Chúa Giêsu thiết lập, vì đó là tên trong phúc âm (Rôma 16:16 đề cập đến “các giáo hội của Ðức Kitô”). Họ giải thích rằng khi người đàn bà lấy chồng, bà lấy tên họ của chồng. Vì Giáo Hội được gọi là tân nương của Ðức Kitô, họ lý luận rằng tên thực sự của Giáo Hội phải là Giáo Hội Ðức Kitô.
Ở đây có hai lý lẽ. Một thuộc về phúc âm và một thuộc về văn hóa.
Lý lẽ phúc âm thì dễ để bác bỏ. Trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 16:16 là đoạn đề cập đến “các giáo hội của Ðức Kitô.” Trong đoạn này, câu ấy không được dùng như một danh hiệu, nhưng liên quan đến tính cách địa lý ám chỉ các giáo đoàn địa phương của một Giáo Hội thật do Ðức Kitô thiết lập. Không thể hiểu câu ấy là Ðức Kitô thiết lập vài giáo hội khác nhau.
Về lý lẽ văn hóa, trong khi các bà vợ có thể lấy tên chồng, họ thường không lấy chữ “Kitô” vì nó là một danh hiệu, chứ không phải cái tên. Nếu Giáo Hội được đặt tên theo Ðức Kitô, thì phải là “Giáo Hội Ðức Giêsu--Church of Jesus” (là câu không có trong Kinh Thánh).
3. Con gái tôi vừa lấy một người theo đạo Seventh-Day Adventist--Cơ Ðốc Phục Lâm Ngày Thứ Bảy (trái với sự chống đối của vợ chồng chúng tôi). Khi có cơ hội là chồng nó tấn công đạo Công Giáo. Một trong những khinh miệt chính yếu là Ðức Thánh Cha, là người mà hắn nói là con quái vật được đề cập đến trong Khải Huyền 13. Hắn nói có thể “chứng minh” điều này vì danh hiệu của đức giáo hoàng, Vicarius Filii Dei, có nghĩa Vị Ðại Diện Con Thiên Chúa, cộng thành con số 666--là “số của con quái vật” được nhắc đến trong Khải Huyền 13. Ðiều này có đúng không? Chúng tôi phải trả lời thế nào?
Bà chống đối hôn nhân này là đúng. Với thái độ như vậy, chắc chắn con rể của bà sẽ làm bất cứ gì để cướp đoạt đức tin Công Giáo của cô con gái, và lôi cô ta ra khỏi Giáo Hội (đây là lý do Thánh Phaolô khuyến cáo chúng ta đừng “chung một ách với kẻ không tin” [2 Cor. 6:14]). Hãy khuyến khích cô con gái giữ vững đức tin, và cố gắng hết sức để phản ứng với các tấn công một cách chắc chắn nhưng độ lượng.
Trước hết hãy tìm hiểu điều cáo buộc này. Trong tiếng La Tinh, Hy Lạp, và Do Thái các mẫu tự được dùng để chỉ các trị số. Trong tiếng La Tinh các trị số này là: I=1, V=5, X=10, L=50, C=100, D=500, M=1,000. Nới rộng thêm thì W=10 (vì W là hai chữ V ghép lại), và U=V (vì người La Mã không có chữ U; nếu trong văn từ hiện tại bạn muốn dùng chữ U thì phải dùng chữ V thay thế).
Như bà thấy, câu Vicarius Fillii Dei thực sự cộng thành 666 theo tiếng La Tinh: Vicarius=112, Filii=53, Dei=501. (Hãy bỏ qua những chữ không có trị số). Vấn đề là Vicarius Fillii Dei không phải là danh hiệu của đức giáo hoàng. Một trong những danh hiệu của ngài là Vicarius Christi (Ðại Ðiện Ðức Kitô), là danh hiệu chính thức, nhưng không may cho người theo Cơ Ðốc Phục Lâm Ngày Thứ Bảy và những người chống Công Giáo muốn dùng thủ đoạn này, chữ Vicarius Christi cộng lại chỉ có 214, chứ không phải là con số quỷ quái 666.
Với những người trung bình, dù Công Giáo hay Tin Lành, không biết mô tê gì về danh hiệu của đức giáo hoàng bằng tiếng La Tinh thì những người chống Công Giáo mới có thể dùng trò bịp bợm này.
Nhưng nếu một trong những danh hiệu của đức giáo hoàng cộng lại thành 666 thì sao? Sự trùng hợp đó có thể chứng minh đức giáo hoàng là quái vật được không? Làm sao được. Nó không chứng minh được gì vì rất nhiều tên và danh hiệu cộng lại thành số 666. Với một chút thông minh, bà có thể khiến người theo Cơ Ðốc Phục Lâm thú nhận rằng con số 666 chẳng chứng minh được gì, ngay cả nếu đó là danh hiệu của đức giáo hoàng. Hãy làm như sau.
Bảo con rể bà làm toán cộng, và hắn sẽ sửng sốt khi thấy cái tên của người phụ nữ sáng lập Cơ Ðốc Phục Lâm Ngày Thứ Bảy là Ellen Gould White, cộng thành số 666: Ellen=100, Gould=555, White=11. Hỏi nó xem điều đó có “chứng minh” là người sáng lập đạo của hắn là quái vật không? Nếu nó trả lời “Không,” thì việc tính toán cái tên chẳng có ý nghĩa gì. Nếu nó trả lời “Phải”, thì nó làm gì với cái giáo hội được quái vật thành lập? Cách trả lời nào đi nữa thì lý luận của hắn cũng vỡ vụn.