Có quá nhiều điều cần phải học hỏi trong lịch sử thu gọn của Giáo Hội Công Giáo, và cũng có quá nhiều điều cần phải nói. Có rất nhiều vị đại thánh không được nhắc đến nhưng đó là những vị đã hứng khởi và dẫn dắt chúng ta. Có nhiều khủng hoảng và thử thách là những bài học cho dân Chúa chưa được khai thác.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn không phải là nhớ hết tất cả các biến cố và chi tiết, mà là có được một cái nhìn đúng đắn về lịch sử Giáo Hội Công Giáo. Có thể một số người nhìn đến lịch sử này chỉ như một lịch sử của con người, phán xét nó theo những khuyết điểm và thất bại của các phần tử trong Giáo Hội, nhất là của các giáo hoàng và giám mục, là các vị lãnh đạo Giáo Hội.
Người tín hữu Kitô nhìn đến lịch sử Giáo Hội mình với quan điểm đức tin, với con mắt đức tin, có thể nói như vậy. Thiên Chúa đã chọn cho Người một dân riêng, và đã giao ước với dân này. Người hứa sẽ không phá vỡ giao ước đó dù Kitô Hữu có bất trung. Giao ước này được niêm phong bằng máu của Con Thiên Chúa độc nhất-tự hữu, là Ðức Giêsu Kitô. Ðức Giêsu đã hứa sẽ ở với dân của Người cho đến tận thế (Mt. 28:20), và Người đã chu toàn lời hứa khi sai Thần Khí đến dẫn dắt dân của Người đến sự thật toàn vẹn (Gioan 16:12-15). Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh của Ðức Giêsu trong trần gian, được Người sai đi “làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt. 28:19-20).
Biết rằng dân của Người sẽ không thể nào tuyệt hảo hay sạch tội, Ðức Giêsu đã giúp chúng ta biết cách nhìn đến tội lỗi và biết cách đương đầu với tội. Ðiều này không chỉ áp dụng cho cá nhân nhưng cho tất cả dân Chúa được kết hợp thành thân thể của Ðức Kitô. Người nói: "Ðừng phán đoán, và anh em sẽ không bị phán đoán; đừng xét xử, và anh em sẽ không bị xét xử." (Luca 6:37; Mt. 7:1).
Chúng ta có thể nhận ra tội lỗi nơi một Kitô Hữu khác hoặc nơi Giáo Hội, nhưng chúng ta không có quyền phán đoán. Sự phán đoán được dành cho Thiên Chúa (Gioan 5:22). Ngay cả Ðức Giêsu cũng nói với người phụ nữ bị bắt về tội ngoại tình, “Này bà, không ai xét xử bà cả sao?” Bà trả lời, “Thưa Thầy, không có ai.” Và Ðức Giêsu nói, “Tôi cũng không xét xử bà; hãy đi đi và đừng phạm tội nữa” (x. Gioan 8:10-11).
Ðức Giêsu nói với các môn đệ là họ hãy tha thứ cho nhau, và điều này cũng áp dụng cho Giáo Hội. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện, “Xin hãy tha tội cho chúng tôi, vì chính chúng tôi cũng tha cho bất cứ ai mắc nợ chúng tôi” (Luca 11:4; Mt. 6:12). Hơn thế nữa, không có giới hạn cho sự tha thứ. Ðức Giêsu nói với Phêrô không chỉ tha thứ có bảy lần, nhưng “bảy mươi bảy lần” (Mt. 18:22). Khi nhìn vào lịch sử Giáo Hội Công Giáo, chúng ta thấy có nhiều lần cần đến sự chịu đựng và sự tha thứ của Thiên Chúa. Lịch sử cũng cho thấy bất kể Giáo Hội hay cá nhân trong Giáo Hội có sa sút đến mức nào, ơn Chúa luôn luôn dồi dào để tha thứ và nâng đỡ Giáo Hội lại vươn dậy. Lịch sử của Giáo Hội Công Giáo là lịch sử của sự tha thứ và canh tân không ngừng của Thiên Chúa đối với dân của Người.
Ðây là khía cạnh tích cực của lịch sử Giáo Hội. Ơn của Thiên Chúa luôn luôn mạnh mẽ và dồi dào hơn bất cứ sự yếu đuối nào của con người hay bất cứ tội lỗi nào trong Giáo Hội. Về sự thật lịch sử, không có một tổ chức nào của con người có thể tồn tại trên hai ngàn năm như Giáo Hội Công Giáo.
Sử gia người Anh [Thomas Babington] Macaulay, đã diễn tả Giáo Hội bằng những lời hùng hồn như sau:
Khi Thiên Chúa ban cho chúng ta sự tự do ý muốn, Người biết chúng ta sẽ phạm tội. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, nhiều người đã dùng sự tự do ý muốn của mình để đáp lại ơn huệ và lòng thương xót của Chúa. Các vị thánh trong Giáo Hội và các gương mẫu đáng khâm phục của các vị giáo hoàng thánh thiện, các tu sĩ nam nữ, các vị tử đạo, các giám mục, và ngay cả các thiếu niên và giới trẻ là những người hy sinh đời sống cho Thiên Chúa, đã phấn khởi chúng ta và cho chúng ta thấy bản chất đích thực của Giáo Hội -- một quốc gia thánh thiện, một dân tộc được đặt riêng hay được thánh hiến cho Thiên Chúa. Như Thư gửi Tín Hữu Do Thái đã viết,
Chúng ta hãy nhìn đến các chứng nhân đức tin được tìm thấy vô số kể trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo và nhìn đến chính Ðức Giêsu, để tìm thấy sự can đảm và hy sinh đời sống cho Thiên Chúa và cho Giáo Hội của Người.
Người Công Giáo hiểu rằng Giáo Hội luôn luôn cải tổ hay canh tân. Ðây là công việc quan trọng và liên tục của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là nguyên lý-sự sống của dân Chúa, được Chúa Giêsu và Chúa Cha ban cho chúng ta để hướng dẫn Giáo Hội và để liên tục tái sinh hoặc canh tân Giáo Hội. Chúa Thánh Thần hoạt động trong thân thể của Ðức Kitô để làm cho Giáo Hội và mọi phần tử được trở nên thích hợp trọn vẹn hơn với đầu của Giáo Hội, là Ðức Giêsu Kitô.
Khi nhìn vào lịch sử Giáo Hội Công Giáo, chúng ta thấy đời sống Giáo Hội có những thăng trầm theo chu kỳ hay giai đoạn. Có giai đoạn, Giáo Hội thật mạnh mẽ và đầy sức sống tâm linh và nhiệt huyết. Sau một thời gian, dường như Giáo Hội đi vào giai đoạn suy thoái khi các khủng hoảng vây hãm Giáo Hội hoặc đời sống tâm linh của dân Chúa suy yếu hoặc sa sút. Nhưng thường khi Giáo Hội Công Giáo trong tình trạng tệ hại nhất thì Chúa Thánh Thần lại bắt đầu công cuộc canh tân và tái sinh.
Chúa Thánh Thần luôn luôn sẵn sàng đem lại sức sống mới cho dân của Chúa. Ðôi khi, chúng ta không thấy Chúa Thánh Thần hoạt động cách mạnh mẽ là vì chúng ta không cầu xin Người. Ðức Giêsu nói, nếu các người làm cha mẹ còn biết sẵn sàng ban phát cho con cái của mình những điều thiện hảo, thì “Cha trên trời còn muốn ban phát Thánh Thần cho những ai cầu xin Người biết là chừng nào!” (Luca 11:13).
Ðời sống Giáo Hội Công Giáo thì phần nào giống như đời sống cá nhân chúng ta. Cũng có những thăng trầm. Những giai đoạn hăng say tinh thần và cảm được sự hiện diện của Thiên Chúa được tiếp theo bằng giai đoạn tội lỗi hoặc cảm thấy Thiên Chúa thật xa cách hay từ bỏ chúng ta. Sự thật thì Thiên Chúa luôn luôn ở đó, vì chúng ta và vì toàn thể Giáo Hội. Như sách Ai Ca đã viết,
Ðâu là những giai đoạn thăng trầm, những lên xuống trong đời sống Giáo Hội Công Giáo? Nhà sử gia Công Giáo Christopher Dawson nhận xét rằng Giáo Hội Công Giáo (đặc biệt Giáo Hội Tây Phương) đã kinh qua sáu thời kỳ, mỗi thời kỳ bắt đầu bằng một thời gian phát triển cũng như hoạt động canh tân của Chúa Thánh Thần, dẫn đến cực điểm của đời sống và văn hóa Công Giáo, và chấm dứt bằng giai đoạn xuống dốc về đời sống tâm linh hoặc với các loại khủng hoảng khác. Theo ông Dawson:
Thời Kỳ Ðầu Tiên của Giáo Hội được bắt đầu bằng sự tuôn đổ Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần, dẫn đến sự hoán cải của rất nhiều người trong Ðế Quốc Rôma, bất kể sự bách hại của nhà cầm quyền. Giai đoạn này chấm dứt không phải vì sự suy thoái tâm linh nhưng vì sự bách hại ghê gớm của chế độ trong năm 259 và đầu thế kỷ thứ tư, trong đó rất nhiều Kitô Hữu đã hy sinh tính mạng vì đức tin.
Thời Kỳ Thứ Hai của Giáo Hội bắt đầu với sự chiến thắng của Constantine, giúp cho Kitô Hữu được tự do tôn giáo vào năm 313 và đưa đến sự hoán cải của rất nhiều người thuộc Ðế Quốc Rôma qua quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ðây cũng là thời kỳ vĩ đại về tâm linh và sáng tác thần học thường được gọi là Thời Giáo Phụ của Giáo Hội. Giai đoạn này được chấm dứt với sự tiếp quản chính trị Ðế Quốc Rôma bởi các sắc tộc không phải Kitô Giáo, và tột độ của giai đoạn này là khi Hồi Giáo xâm chiếm Giêrusalem năm 643.
Thời Kỳ Thứ Ba của Giáo Hội bắt đầu bằng sự hoán cải của một vài sắc tộc và được khuấy động bởi sự canh tân của Chúa Thánh Thần, và hoạt động truyền giáo ra bên ngoài được bắt đầu dưới thời Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô I. Ðây là khởi đầu của Kitô Giáo ở phương Tây, cũng như bắt đầu thời kỳ liên minh giữa Giáo Hội Công Giáo và các thể chế chính trị mà cao điểm là trong thời gian trị vì của hoàng đế Charles Ðại Ðế. Sau cái chết của ông, Ðế Quốc Rôma bị phân chia và Giáo Hội Công Giáo trải qua thời kỳ suy sụp tâm linh.
Thời Kỳ Thứ Tư của Giáo Hội bắt đầu bằng sự canh tân đời sống đan viện của Chúa Thánh Thần được bắt đầu ở Cluny năm 910 và đạt đến tâm điểm của Giáo Hội qua các cuộc cải cách của Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô VII vào năm 1073 (Người là một đan sĩ ở Cluny). Tuy nhiên, linh đạo và văn hóa của Giáo Hội trong giai đoạn này chỉ đạt đến cực điểm vào thế kỷ 13 qua các dòng Khất Thực của Thánh Phanxicô và Thánh Ða Minh và các đại học cũng như trường phái Công Giáo. Nhưng sự suy thoái tâm linh và tư duy của giai đoạn này bắt đầu vào cuối thế kỷ 13, xuống đến độ thấp nhất vào khoảng năm 1500, với biến cố Cải Cách Tin Lành.
Thời Kỳ Thứ Năm của Giáo Hội bắt đầu từ thế kỷ 16, với sự canh tân của Chúa Thánh Thần, đưa đời sống Công Giáo ra khỏi các xáo trộn của cuộc Cải Cách Tin Lành. Sự canh tân lớn lao này đạt đến cực điểm vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17. Sau đó, ảnh hưởng của phong trào Khai Sáng và các cuộc chiến tranh tôn giáo đã bắt đầu làm suy yếu đời sống, tư duy, sức mạnh tâm linh của Công Giáo một cách trầm trọng, và xuống đến độ thấp nhất vào thế kỷ 18.
Thời Kỳ Thứ Sáu của Giáo Hội bắt đầu trong thế kỷ 19 qua việc Chúa Thánh Thần đưa ra các vị giáo hoàng và các người Công Giáo vững mạnh để có thể đối phó với các cuộc tấn công và sự ảnh hưởng của phong trào Khai Sáng, cũng như các thử thách chính trị và ý thức hệ mà Giáo Hội phải đương đầu. Một vài người nhận xét rằng, mỗi một vị giáo hoàng từ thế kỷ 19 cho đến nay đều là các nhà lãnh đạo thánh thiện, cương quyết, và đầy ơn sủng. Ðó là điều chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa. Vì đây là thời đại chúng ta đang sống, do đó thật khó để biết rằng đó có phải là thời kỳ tiến bộ hay suy thoái, nhưng chúng ta phải kiên trì cầu xin Chúa Thánh Thần để Người tiếp tục dẫn dắt, kiên cường, và canh tân Giáo Hội Công Giáo.
Dựa trên cái nhìn về sáu giai đoạn của Giáo Hội với những thăng trầm của nó, một biểu đồ sơ phác lịch sử Giáo Hội Công Giáo có thể vẽ ra như sau:
Có lẽ cần phải kết thúc đoạn này với sự thận trọng nhận xét rằng lịch sử Giáo Hội thì thật phức tạp, và việc phân chia lịch sử thành các giai đoạn tiến bộ hoặc suy thoái chỉ là một phương cách để lĩnh hội một vài khía cạnh chân lý của lịch sử. Cần phải nhớ hai điều:
1. Thiên Chúa luôn luôn ở với Giáo Hội và Chúa Thánh Thần luôn luôn hoạt động, ngay cả khi có các khủng hoảng tâm linh hoặc sự sa sút của dân Chúa.
2. Ngay trong các thời kỳ Giáo Hội vững mạnh ở một vài lãnh vực, vẫn có những khó khăn trầm trọng ở các lãnh vực khác. Một thí dụ là trong thế kỷ thứ tư, có những Giáo Phụ lớn của Giáo Hội như Thánh Athanasius, Thánh Basil, Thánh Grêgôriô ở Nyssa, Thánh Grêgôriô ở Nazianzen, Thánh Giêrôm và Thánh Augustinô nhưng đây cũng là thế kỷ mà trong đó lạc giáo Arian hầu như phân tách Giáo Hội làm đôi, hầu như đã dẫn dắt Giáo Hội đến sự tin tưởng sai lầm. Tương tự như thế, sự suy thoái trong đời sống Giáo Hội thường tạo nên các vị đại thánh, tỉ như Thánh Catarina ở Siena và Thánh Bridget ở Thụy Ðiển trong thời giáo triều Avignon.