Chúng ta sẽ chấm dứt việc học hỏi lịch sử và ý nghĩa của Giáo Hội Công Giáo bằng cách nhìn đến sự tương giao giữa Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, với đời sống và lịch sử Giáo Hội. Ðức Maria là phần tử đặc biệt nhất của Giáo Hội, là người đầu tiên được nghe biết về sự sinh hạ của Ðấng Cứu Thế và cũng là người đầu tiên hết lòng trân quý và tin tưởng ở sứ điệp ấy.
Từ lâu, Ðức Maria được coi là gương mẫu của Giáo Hội. Trong người, Ðức Maria tóm lược toàn thể ý nghĩa của Giáo Hội và thể hiện điều người được mời gọi -- là một môn đệ của Ðức Giêsu Kitô. Ðức Maria là người đầu tiên nghe sứ thần Gabriel loan tin là Ðức Giêsu sẽ xuống thế, vì người đã tin vào điều ấy. Đức Maria không chỉ mang Con Thiên Chúa trong lòng và cùng với Thánh Giuse dưỡng dục Người theo truyền thống Do Thái, nhưng người còn là một tín hữu trung tín của Con người cho tới khi Người chết trên đồi Canvê mà Đức Maria đứng dưới chân thập giá. Cùng với các môn đệ khác, trong sự cầu nguyện và tin tưởng, Ðức Maria đã chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống vì người đã ở đó khi Chúa Thánh Thần phủ lấp trên các môn đệ khi Giáo Hội được khai sinh trong ngày lễ Ngũ Tuần, cũng như xưa Thần Khí Thiên Chúa đã bao trùm người khi thụ thai Con Thiên Chúa.
Ðức Maria là gương mẫu của Giáo Hội vì người đã vâng theo lời của Thiên Chúa và đã thi hành lời ấy (Mt 3:35). Ðây là nhiệm vụ căn bản của Giáo Hội và ý nghĩa của tinh thần tông đồ. Một số người chống đối việc coi Ðức Maria là gương mẫu của Giáo Hội vì Phúc Âm đề cập đến người rất ít, nếu so với Thánh Phêrô và Phaolô. Nhưng đời sống của Ðức Maria thực sự rất giống đời sống của toàn thể Giáo Hội -- thầm lặng nhưng trung tín thi hành ý Chúa hàng ngày mà không được ai biết đến. Trong cuộc đời, Ðức Maria đã tịnh niệm lời Chúa và sống lời ấy trong một phương cách đơn giản như Chúa đã ban cho người. Đức Maria là môn đệ khiêm tốn nhất và vâng phục nhất của Ðức Giêsu trên trần gian và đã được Thiên Chúa siêu tôn trên thiên đường. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Người nhỏ bé nhất trong anh em là người lớn nhất” (Luca 9:48), và “Ai tự hạ sẽ được nâng lên” (Mt. 23:12). Ðức Maria đã lập lại lời này trong lời nguyện của người, kinh Magnificat - “Người [Thiên Chúa] đã nhìn đến nữ tì thấp hèn... Bởi đó, muôn thế hệ sẽ gọi tôi là người có phúc; vì Ðấng quyền năng đã làm cho tôi những điều trọng đại, và danh Người là thánh” (Luca 1:48-49).
Cũng như Ðức Maria, Giáo Hội được kêu gọi để trở nên một tôi tớ trung tín và vâng phục Thiên Chúa. Bất cứ điều tốt lành nào trong Giáo Hội, chúng ta phải coi đó là nhờ công trạng của Thiên Chúa chứ không phải của chúng ta, vì “Ðấng quyền năng đã làm cho tôi những điều trọng đại, và danh Người là thánh.” Giáo Hội phải noi gương Ðức Maria trong việc trung tín đi theo Con của người, là Ðức Giêsu Kitô.
Ðức Maria không chỉ là gương mẫu của Giáo Hội. Người còn là mẹ của Giáo Hội. Từ trên thập giá, Ðức Giêsu đã nói với môn đệ yêu quý, đại diện cho toàn thể Giáo Hội, “Ðây là mẹ con!” (Gioan 19:27). Ngay từ thời tiên khởi của lịch sử Giáo Hội. Người tín hữu Kitô đã nhìn đến Ðức Maria như mẹ của mình, cũng là mẹ của Ðức Giêsu. Chúng ta, Giáo Hội, là thân thể của Ðức Kitô. Cũng như Ðức Maria là mẹ của Ðức Kitô, bây giờ người là mẹ thiêng liêng của thân thể Ðức Kitô trên trần thế, là Giáo Hội.
Như Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội của Công Ðồng Vatican II đã khẳng định, Ðức Maria tiếp tục chăm sóc Giáo Hội ở trần thế với “lòng bác ái của một người mẹ” hay “tình mẫu tử”. Mẹ cầu nguyện cho chúng ta, và “qua sự can thiệp vô số kể của người, ơn cứu độ tiếp tục tuôn đổ trên chúng ta.” Hãy thử tưởng tượng Ðức Maria trông coi Giáo Hội qua các thế kỷ, trong thời kỳ đầy kết quả cũng như thời kỳ đầy khó khăn. Người vẫn tiếp tục cầu nguyện cho dân Chúa được kiên cường và được cứu độ. Giáo Hội là gia đình của Thiên Chúa và chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa là Cha chúng ta, đã ban cho Giáo Hội một người mẹ để cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước mặt Người. Ðức Maria kết hợp lời cầu xin của người, cũng như tất cả lời cầu xin của chúng ta với sự can thiệp tuyệt hảo của “Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Ðức Giêsu Kitô, đã tự hiến mình làm giá cứu chuộc cho tất cả” (1 Tim. 2:5-6).
Thật quan trọng để người Công Giáo có cùng sự tin tưởng với Giáo Hội về vai trò của Ðức Maria trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Sự tin tưởng của dân Chúa được biểu lộ một cách sống động trong các lãnh vực nghệ thuật, âm nhạc và văn chương Kitô Giáo qua bao thế kỷ. Sự tin tưởng của Giáo Hội nơi vai trò của Ðức Maria như đấng trung gian và như một người mẹ không phải phát xuất từ một học thuyết nhưng từ cảm nghiệm của người tín hữu Kitô mà sự cầu khẩn của họ từng được nhậm lời qua sự trung gian của Ðức Maria và bởi Chúa Thánh Thần nói với tâm hồn họ về Ðức Maria và vai trò độc đáo của người trong chương trình cứu độ.
Cần nhắc lại rằng huấn quyền (magisterium) của Giáo Hội Công Giáo cũng từng cảnh giác những ai quá nhấn mạnh đến vai trò của Ðức Maria hoặc phóng đại địa vị của người. Một số người Công Giáo đã sai lầm coi Ðức Maria ngang hàng với Ðức Giêsu Kitô mà bởi đó ngang hàng với Thiên Chúa. Chắc chắn chính Ðức Maria cũng không muốn chúng ta sai lầm như vậy, vì mục đích cuộc đời người tất cả là để tôn vinh Thiên Chúa và đưa dẫn mọi người đến với Con của người, là Ðức Giêsu Kitô. Nếu hiểu biết đúng đắn về Ðức Maria thì phải biết rằng người lệ thuộc vào Thiên Chúa, và chấp nhận bất cứ vai trò gì mà Thiên Chúa giao phó. Chương sau cùng của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội của Công Ðồng Vatican II và Bản Huấn Dụ Tòa Thánh của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI về thứ tự xứng hợp và sự sùng kính Ðức Trinh Nữ Maria (Marialis Cultus, 2 Tháng Hai 1974), cả hai đều giải thích rõ ràng và đầy đủ về cái nhìn của người Công Giáo đối với Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa.
Trong thời gian Cựu Ước, Thiên Chúa ban các sứ điệp cho dân của Người qua các thiên sứ, chữ này có nghĩa người đưa tin. Như vậy, khi Thiên Chúa muốn nói với dân của Người trong thời Tân Ước, chẳng lẽ người thích hợp nhất không phải là Ðức Maria, mẹ của Giáo Hội hay sao? Ðây là một trong những vai trò làm mẹ của Ðức Maria -- loan báo tình thương yêu chăm sóc của Chúa cho dân Người, và để dẫn dắt hoặc cảnh tỉnh con cái Thiên Chúa, cũng là con cái của người, vào những lúc khẩn cấp đặc biệt.
Về việc Ðức Maria hiện ra và chuyển lời của Thiên Chúa. Người Công Giáo không buộc phải coi đó là một tín điều. Những thông điệp của Ðức Maria trong các lần xuất hiện được gọi là các mặc khải riêng phải được phán xét và thẩm định qua sự mặc khải chung mà Thiên Chúa đã ban cho toàn thể Giáo Hội của Người, nhất là qua Phúc Âm. Tuy nhiên, một vài việc hiện ra của Ðức Maria đã được nhiều người Công Giáo công nhận và đã được minh định tính cách xác thực bởi các giáo hoàng là những người đã đến thăm các nơi hiện ra. Trong khuôn khổ hạn hẹp của tài liệu này, chúng ta không thể đề cập đến tất cả các việc hiện ra của Ðức Maria, mà chỉ đề cập đến một vài biến cố quan trọng nhất.
Ðức Mẹ Guadalupe, 1531. Chỉ bốn mươi năm sau khi Kha Luân Bố tìm ra Mỹ Châu, Ðức Maria đã hiện ra với một nông dân nghèo tên Juan Diego người gốc Aztec, trong nước Mễ Tây Cơ, là thuộc địa của Tây Ban Nha thời bấy giờ. Chính quyền Tây Ban Nha đã tiêu diệt mọi thần thánh của người ngoại giáo, nhưng sự ác nghiệt và vô tổ chức ấy đã khiến nhiều người Aztec khước từ cả Kitô Giáo. Ðức Maria đã nói đến tình yêu đơn sơ của Thiên Chúa và của người dành cho dân Aztec, và yêu cầu xây một nguyện đường nơi hiện ra. Người bảo Juan Diego đến gặp đức giám mục Tây Ban Nha Zumarraga, và trình bày tất cả những gì ông được nghe thấy vào ngày hôm ấy. Ðức Zumarraga tiếp đón ông Juan Diego nhưng yêu cầu ông này trưng ra một vài dấu chỉ để chứng thực là Ðức Maria đã hiện ra với ông. Ba ngày sau, vào hôm 12 tháng Mười Hai, Ðức Trinh Nữ bảo ông Juan Diego cắt những bông hồng gần đó để làm bằng chứng cho đức giám mục. Thật ngạc nhiên khi thấy các hoa hồng lại mọc được trong tháng Mười Hai giá lạnh, ông Juan Diego cắt lấy những bông hoa ấy và bọc trong chiếc áo tơi. Khi Juan Diego đem đến cho đức giám mục, nNgười ngạc nhiên khi thấy trên chiếc áo tơi ấy có in hình của một phụ nữ trẻ, đang chắp tay cầu nguyện, được bao bọc bằng ánh sáng và đứng trên hình lưỡi liềm. Ðức giám mục đã tin và ra lệnh xây cất một nguyện đường đơn sơ để kịp cử hành Thánh Lễ Giáng Sinh.
Ảnh hưởng của việc hiện ra đối với thổ dân thật không ngờ. Theo ý nghĩa truyền thống của họ, hình ảnh này tượng trưng cho một phụ nữ đè bẹp một dấu hiệu biểu tượng thần rắn của họ, che mờ hình ảnh thần mặt trời của họ, và tôn thờ Thiên Chúa đích thực, được biểu hiệu bằng thập giá đen trên cây trâm vàng ở trên cổ của người. Dùng các hình ảnh này, Juan Diego nói với dân chúng rằng Con của Ðức Maria đã chết trên thập giá để giải thoát họ khỏi xiềng xích của các tà thần và biến họ trở nên con cái của một Thiên Chúa nhân hậu, là Người mà Ðức Trinh Nữ hằng khẩn nguyện. Ðức Maria được trưng ra như một người mẹ đầy lòng thương xót đang cầu nguyện cho con cái của người. Khi dân chúng đem các người bệnh tật đến với Ðức Maria để xin cầu bầu cho họ, nhiều phép lạ chữa lành đã xảy ra.
Kết quả của việc hiện ra này được nhận thấy vào bảy năm sau (1532-38) khi tám triệu người gốc Mễ Tây Cơ đã trở lại cùng Thiên Chúa và được rửa tội -- trên ba ngàn người trở lại mỗi ngày trong bảy năm! Juan Diego ở nguyện đường ấy trong mười bảy năm cho đến khi ông từ trần, để giải thích những gì xảy ra cho ông và ý nghĩa của tấm hình. Ðức Maria nói với ông Juan Diego, “Ta là người mẹ đầy thương xót của con. Người mẹ đầy thương xót của tất cả những ai sống đoàn kết trong phần đất này.” Người dân của Bắc và Nam Mỹ Châu, với Mễ Tây Cơ ở giữa, đã coi sứ điệp này như của chính họ. Việc hiện ra của Ðức Maria đã giúp hình thành lịch sử của hai lục địa.
Ðức Vô Nhiễm Nguyên Tội, 1858, Lộ Ðức. Trong một trăm năm mươi năm vừa qua, Ðức Maria đã hiện ra nhiều nhất trong bất cứ giai đoạn nào của lịch sử Giáo Hội Công Giáo. Dường như Thiên Chúa có nhiều điều quan trọng muốn nói với chúng ta trong giai đoạn này. Ðiều hiển nhiên khi Ðức Maria hiện ra với Bernadette Soubirous, một thiếu nữ mười bốn tuổi ở Lộ Ðức nước Pháp, đó là người tiết lộ một danh hiệu đã được Ðức Giáo Hoàng Piô IX dùng quyền bất khả ngộ để phê chuẩn bốn năm trước đó. Ðức Maria nói với Bernadette Soubirous, “Ta là Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.” Cô Bernadette lập lại lời này cho một người bạn thân mà không hiểu ý nghĩa của câu ấy, và cũng không biết rằng danh hiệu ấy nhắc đến một đặc ân mà Thiên Chúa đã ban cho Ðức Maria được thụ thai mà không bị tì ố của tội tổ tông, vì vai trò tương lai của người khi được mang Con Thiên Chúa trong lòng. Một suối nước xuất hiện cách lạ lùng nơi Ðức Maria hiện ra đã trở nên nguồn mạch chữa lành cho hàng ngàn người bệnh tật ở Lộ Ðức và ở bất cứ đâu khi dùng đến nước suối. Ðây là một dấu hiệu nữa để nói lên tình mẫu tử của Ðức Maria và quyền năng của người khi can thiệp cho dân Chúa.
Ðức Mẹ Fatima, 1917. Trong một chương trước đây, chúng ta đã đề cập đến ý nghĩa của việc Ðức Maria hiện ra với ba trẻ ở Fatima, Bồ Ðào Nha năm 1917. Sứ điệp này được tóm lược rất hay bởi Cha Gerald Farrell, M.M., và Cha George W. Kosicki, C.S.B., trong cuốn The Spirit and the Bride Say “Come!” (Thần Khí và Nàng Dâu Nói “Hãy Đến!”)
Trong việc hiện ra ngày 13 tháng Bẩy, 1917, Đức Maria tiết lộ rằng Con của người ao ước muốn thiết lập việc sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của người và nếu sự ao ước đó được tuân theo, nước Nga sẽ hoán cải và sẽ có hòa bình trên thế giới. Nếu không, người nói, thế giới đại chiến thứ hai sẽ xảy ra trong triều giáo hoàng của Đức Piô XI, và nước Nga sẽ gieo rắc sự lầm lạc trên toàn thế giới, gây nên chiến tranh và bách hại Giáo Hội. Sau này, trong một việc hiện ra với một trong ba trẻ, Lucy, vào ngày 13 tháng Sáu, 1929, Đức Mẹ đưa ra một yêu cầu có liên quan đến việc dâng hiến nước Nga một cách rõ rệt hơn, khi người nói, “Thiên Chúa yêu cầu Đức Thánh Cha, trong sự hiệp nhất với mọi giám mục của thế giới, hãy thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm của mẹ, Người hứa sẽ cứu thế giới qua bởi phương cách này.”
Lời hứa của Đức Mẹ vào cuối việc hiện ra vào tháng Bẩy 1918 vẫn còn đúng. “Nhưng sau cùng Trái Tim Vô Nhiễm của mẹ sẽ thắng. Đức Thánh Cha sẽ dâng hiến nước Nga cho mẹ, và nó sẽ được hoán cải và một số thời gian hòa bình sẽ được ban cho nhân loại.”
Chúng ta phải hiểu rằng điểm quan trọng nhất của những lần hiện ra của Đức Maria thì không phải là những tiên đoán tương lai. Sứ điệp căn bản của Đức Mẹ ở Fatima là sự khẩn trương cần phải cầu nguyện, sám hối, ăn chay và hoán cải tâm hồn để đem hòa bình đến thế giới và để dẫn đưa mọi dân tộc, nhất là nước Nga, đến sự tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô. Người đã thêm vào sứ điệp căn bản phúc âm một chân lý khác mà Giáo Hội Công Giáo đã biết: Đức Maria, qua Trái Vô Nhiễm yêu dấu của người là một sự cầu bầu mạnh mẽ với Con của người. Nhất là khi lần chuỗi mai khôi người Công Giáo được lôi kéo đến gần Chúa Kitô và xin Đức Maria cầu cho chúng ta, cho sự hoán cải của mọi dân tộc.
Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, trong khi thảo luận về sứ điệp Fatima năm 1984, người nói:
Một lời cảnh cáo nghiêm khắc đã được đưa ra từ nơi đó để trực tiếp chống với sự phù phiếm đang thịnh hành, một hiệu triệu đối với sự nghiêm trọng của đời sống, của lịch sử, đối với những nguy cơ đang đe dọa nhân loại. Đó chính là điều Chúa Giêsu thường nhắc nhở. “… Nếu các con không hoán cải, các con sẽ bị hủy diệt” (Lc 13:3). Sự hoán cải -- và Fatima nhắc lại rất rõ ràng -- là một đòi hỏi liên tục trong đời sống Kitô Hữu.
… [Sứ điệp Fatima] chỉ tái xác nhận tính cách khẩn trương của sự sám hối, hoán cải, tha thứ, chay tịnh.
Những việc hiện ra của Đức Maria là một dấu chỉ khác về sự hiện diện của Thiên Chúa với dân Người, là Giáo Hội. Tin tưởng rằng Thiên Chúa đã sai mẹ chúng ta, Đức Maria, để nói cho chúng ta biết sự thật của Người và đem cho chúng ta sự hướng dẫn ngày nay, điều đó thuyết phục chúng ta rằng Thiên Chúa thực sự theo dõi và chăm sóc chúng ta, là dân của Người.
Ðiều cần lưu ý ở đây là Ðức Maria luôn luôn hiện ra với những người “bé mọn”, hoặc với người trẻ hoặc với người nghèo. Chính Ðức Giêsu cũng nói, nếu chúng ta không trở nên bé mọn, chúng ta sẽ không được vào nước thiên đường (Mt. 18:3). Chúng ta phải có một đức tin đơn sơ, sẵn sàng nghe lời Chúa và đáp ứng với lời ấy, nếu chúng ta muốn vào vương quốc của Thiên Chúa. Sự xuất hiện của Ðức Maria đã làm sáng tỏ và hỗ trợ cho chân lý này.
Trong bất cứ phương cách nào mà Thiên Chúa nói với chúng ta qua Chúa Thánh Thần, trách nhiệm của chúng ta là lắng nghe Thiên Chúa và sứ điệp của Người và sống theo lời Người. Giáo Hội chỉ có thể được canh tân và hoàn tất kế hoạch của Thiên Chúa trong thời đại chúng ta -- ngay bây giờ -- nếu chúng ta nghe theo Chúa và đáp ứng với lời của Người. Chúng ta hãy xin Mẹ Maria cầu bầu cho chúng ta, và xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn và linh hứng cho chúng ta khi chúng ta cố gắng theo gương Ðức Giêsu Kitô và thi hành thánh ý Chúa Cha ở trên trời.