Khi Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII yêu dấu từ trần, công việc điều khiển Công Ðồng Vatican II rơi vào tay Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI (1963-78). Chắc chắn đó là một trong những quãng thời gian đầy phấn khởi và nhiều kết quả trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, nhưng cũng là thời gian đầy sóng gió cho đấng kế vị ngai tòa Thánh Phêrô. Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI không chỉ điều khiển công đồng và, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, đưa công đồng ấy đến sự thành công, mà người còn phải thể hiện các nghị quyết của Công Ðồng Vatican II -- đưa những gì trên giấy trắng mực đen vào đời sống Giáo Hội Công Giáo.
Ðể thẩm định kết quả của các giáo huấn mà Công Ðồng Vatican II đã quyết định, cần phải biết chính xác những gì công đồng dạy. Mặc dù các sắc lệnh và hiến chương của Công Ðồng Vatican II không được đưa ra như các quyết định chính xác, bất khả ngộ, Giáo Hội Công Giáo tin rằng những gì chất chứa trong các nghị quyết ấy đã được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để như lời nhắn nhủ cho thời đại chúng ta, hướng dẫn tương lai của Giáo Hội Công Giáo và thế giới. Các giáo huấn chính thức của hai mươi mốt công đồng của Giáo Hội Công Giáo, kể cả Công Ðồng Vatican II, có hiệu lực bó buộc người Công Giáo. Do đó, chúng ta phải cẩn thận học hỏi những gì công đồng này dạy bảo, cũng như làm quen với các giáo huấn chính yếu của hai mươi công đồng khác trong quá khứ.
Sau đây là phần tóm lược của hầu hết các giáo huấn trong Công Ðồng Vatican II. Các văn kiện này có thể chia làm hai loại: các văn kiện liên hệ đến chính đời sống Giáo Hội Công Giáo, kể cả sự tương giao với các Kitô Hữu khác, và các văn kiện liên quan đến sự tương giao giữa Giáo Hội Công Giáo và thế giới, kể cả những người ngoài Kitô Giáo.
Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội (Lumen Gentium). Các giám mục của Công Ðồng Vatican II đã viết hai hiến chế, là các tóm lược về giáo huấn chính thức của Giáo Hội Công Giáo trong lãnh vực học thuyết. Hai hiến chế này đề cập đến các nét chính yếu mà Giáo Hội hiểu biết về chính mình.
Như chúng ta đã biết, sự chấm dứt đột ngột của Công Ðồng Vatican I trước đây đã khiến công đồng này không thể đề cập gì đến vai trò và trách nhiệm của giám mục, linh mục, tu sĩ, và giáo dân. Ðiều khẳng định của Công Ðồng Vatican I về quyền tối thượng và sự bất khả ngộ của đức giáo hoàng thì rất quan trọng (được tái xác nhận trong hiến chế tín lý Lumen Gentium), nhưng công đồng này đã để lại trong đầu óc người Công Giáo một hình ảnh chưa trọn vẹn của Giáo Hội. Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội của Công Ðồng Vatican II hoàn tất những gì Công Ðồng Vatican I khởi sự. Sau đây là tóm lược của mỗi chương:
1. Mầu Nhiệm Giáo Hội - Chương đầu nhấn mạnh rằng, một cách chính yếu Giáo Hội không phải là một tổ chức, nhưng là một công trình của Thiên Chúa. Giáo Hội là một mầu nhiệm như Ðức Giêsu Kitô là một mầu nhiệm: đó là sự kết hợp giữa Thiên Chúa và loài người. Giáo Hội là một bí tích, hoặc là một tiếp nối hữu hình của Ðức Giêsu Kitô trong thế giới mà Người đã sáng lập nên.
2. Dân Chúa -- Chương này cũng nhấn mạnh rằng, chính yếu Giáo Hội không phải là một cơ cấu tổ chức nhưng là dân của Giao Ước Mới được chọn để trở nên dân riêng, là nhiệm thể của Chúa trong thế giới.
3. Giáo Hội Phẩm Trật -- Chương này xác nhận rằng Giáo Hội mà Ðức Giêsu thành lập gồm các vị lãnh đạo có chức thánh, họ là những ơn sủng của Thiên Chúa để dẫn dắt dân người khi tiếp tục sứ vụ của Ðức Giêsu trên trần gian. Chương này cũng bàn đến nhiệm vụ của đức giáo hoàng, giám mục, linh mục, và phó tế.
4. Giáo Dân -- Phần này đề cập đến vai trò tư tế, vương đế và ngôn sứ của Ðức Giêsu Kitô được chia sẻ cho những người Công Giáo không có chức thánh, hay không khấn trọn. Ðây là một chương quan trọng công nhận vai trò tích cực và phẩm giá trọn vẹn của giáo dân trong Giáo Hội Công Giáo. Họ không phải là công dân hạng hai nhưng là tham dự viên trọn vẹn trong sứ vụ của Ðức Kitô.
5. Lời Mời Gọi Toàn Thể Giáo Hội Nên Thánh - Chương này nhấn mạnh rằng tất cả Kitô Hữu được mời gọi để nên thánh. Tất cả Kitô Hữu, không chỉ linh mục và tu sĩ, được mời gọi để trở nên thánh. Công đồng xác nhận rằng mỗi ơn gọi đều có một phương cách riêng để đạt tới sự thánh thiện.
6. Tu Sĩ -- Chương này xác nhận vai trò lãnh đạo Giáo Hội của những ai đã tận hiến cho Ðức Kitô qua các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Chương này nhấn mạnh đến giá trị và sự thích đáng của đời sống tu trì đối với thế giới hiện đại dựa trên ba nhân đức Phúc Âm này.
7. Giáo Hội Lữ Hành -- Chương này nhắc nhở chúng ta rằng Giáo Hội chỉ là một lữ khách trên trần gian; mục tiêu và căn nhà thật của Giáo Hội là sự hợp nhất với Thiên Chúa ở thiên đường. Chương này cũng nhấn mạnh đến sự hợp nhất hay hiệp thông giữa Giáo Hội lữ hành với các phần tử của Giáo Hội đang được thanh tẩy trong luyện ngục cũng như với những người đã được vinh hiển trên thiên đường. Sự tương giao này thuờng được gọi là các thánh thông công.
8. Ðức Maria -- Chương sau cùng của văn kiện được dành để đề cập đến vai trò quan trọng của Ðức Maria như người mẹ và gương mẫu của Giáo Hội, cũng như vai trò của người trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Trong chương này, thay vì có một văn kiện riêng về Ðức Maria như một vài người đề nghị, các giáo phụ công đồng đã bao gồm những tranh luận về Ðức Maria trong chương này để nhấn mạnh rằng, trước hết và trên hết, Ðức Maria là một phần tử của Giáo Hội chứ không “ở trên” Giáo Hội. Ðức Maria cũng là một phần tử của cộng đồng các tín hữu được cứu chuộc qua ơn sủng của Ðức Giêsu Kitô.
Mặc dù hiến chế này là văn kiện chính yếu của Công Ðồng Vatican II, còn có các sắc lệnh khác khai triển những gì được tóm lược trong hiến chế. Ðó là: Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân; Sắc Lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục; Sắc Lệnh về Sự Huấn Luyện Linh Mục; Sắc Lệnh về Sự Canh Tân Ðời Sống Tu Trì; và Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ Giám Mục. Tất cả các sắc lệnh này là những khai triển thêm và chi tiết hóa các nguyên tắc liên hệ trong Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội. Ðiều này không có nghĩa chúng không quan trọng, trái lại, chúng rất cần thiết để một người Công Giáo hiểu biết đầy đủ về các phương cách khác biệt của đời sống và ơn gọi đã tạo nên cộng đồng dân Chúa. Cũng giống như các mẩu đá của một bức khảm, khi được ráp lại với nhau chúng tạo thành một bức tranh tuyệt mỹ, thì mọi phần tử trong Giáo Hội cũng giống như vậy.
Sắc Lệnh về Các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương. Giáo Hội Công Giáo không chỉ giới hạn trong lễ điển Rôma. Sắc lệnh này nói lên sự mỹ miều và quan trọng của các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương, đó là các giáo hội cũng dưới thẩm quyền của đức giáo hoàng nhưng theo các lễ điển khác với Rôma. Trong quá khứ, các giáo hội này thường bị bỏ quên hay không được coi là một thành phần đích thực của Giáo Hội Công Giáo, chỉ vì khác truyền thống hoặc vì số ít. Sắc lệnh này cho thấy, nhờ có các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương mà Giáo Hội Công Giáo thêm đa dạng và mỹ miều. Ðối với người Công Giáo, hợp nhất không có nghĩa giống nhau.
Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh. Ðây là văn kiện đầu tiên được thảo luận và biểu quyết trong Công Ðồng Vatican II, và là văn kiện có ảnh hưởng ngay lập tức đến đời sống và cảm nghiệm hàng ngày của người Công Giáo. Nền tảng cho hiến chế này được soạn thảo bởi các học giả từng làm việc trong hai mươi năm hay hơn về vấn đề cải tổ và canh tân phụng vụ Công Giáo.
Ðiểm chính của hiến chế là “sự tham dự tích cực”. Giáo dân không còn là quan sát viên trong phụng vụ mà họ phải tích cực góp phần trong việc thờ phượng Chúa. Nhiều thay đổi thực tiễn mà hiến chế đưa ra nhằm giúp giáo dân hiểu biết và tham dự vào phụng vụ dễ dàng hơn. Tỉ như, Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng bản xứ được coi là một điều có thể thực hành ngay, và đã được hầu hết các giám mục trên toàn thế giới thi hành trong các giáo phận.
Ðiều thường bị chỉ trích về hiến chế này, nếu có, là sự áp dụng vào thực tế quá mau chóng hoặc không giải thích đầy đủ, khiến người Công Giáo không kịp thích ứng. Ở một vài nơi, vấn đề xảy ra là khi các linh mục vi phạm các chỉ dẫn rõ ràng của hiến chế, tỉ như không ai được thay đổi Lời Nguyện Thánh Thể đã được chuẩn nhận. Hoặc một số thừa tác viên không có chức thánh nhưng đã được cho phép thi hành một số nghi thức dành riêng cho chức thánh. Những lạm dụng ấy đã tạo nên các căng thẳng không cần thiết và sự hoang mang trong giới Công Giáo.
Hiến chế cũng góp phần quan trọng khi làm sáng tỏ quan điểm của người Công Giáo về phụng vụ, tỉ như về Thánh Lễ, người Công Giáo coi đó như một tưởng nhớ hoặc diễn lại sự hy sinh có giá trị ngàn đời của Ðức Kitô trên đồi Can-vê xưa, chứ không phải Ðức Kitô lại hy sinh một lần nữa.
Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum). Một diễn đạt chính thức khác về học thuyết căn bản của Giáo Hội Công Giáo được tìm thấy trong hiến chế tín lý này. Hiến chế tiếp tục hướng dẫn và khuyến khích các học giả Kinh Thánh mà sự khích lệ ấy đã được khởi sự từ thời Ðức Giáo Hoàng Piô XII với thông điệp Divino Afflante Spiritu. Hiến chế này cổ võ việc sử dụng các phương pháp hiện đại để chú giải Kinh Thánh trong khi vẫn nhắc nhở các học giả rằng, quyết định sau cùng về giá trị của những khám phá mới thì tùy thuộc ở đức giáo hoàng và các giám mục, là những người tạo thành huấn quyền (magisterium) của Giáo Hội Công Giáo.
Hiến chế này khẳng định rằng Thiên Chúa đã tiết lộ chân lý của Người qua loài người, do đó Phúc Âm có thể coi như “lời của Chúa trong ngôn ngữ loài người.” Hiến chế này tóm lược sự hiểu biết của Công Giáo về cách chuyển trao và loan truyền chân lý của Thiên Chúa trong Giáo Hội. Hiến chế giải thích rằng, trong khi chỉ có một nguồn mặc khải, là chính Thiên Chúa, chân lý của Người đến với Giáo Hội qua các nguồn hợp nhất và phụ thuộc lẫn nhau, đó là Kinh Thánh, truyền thống thánh, và magisterium, là một tôi trung của lời Chúa -- bởi lắng nghe, gìn giữ và giảng dạy lời ấy một cách trung tín.
Sau khi nhìn lại Cựu Ước và Tân Ước, hiến chế chấm dứt với một chương về “Kinh Thánh trong Ðời Sống Giáo Hội” nhằm cổ vũ mọi người Công Giáo, nhất là linh mục và tu sĩ nam nữ, hãy nghiên cứu và đọc Phúc Âm cách kiên trì, “đắm chìm trong Phúc Âm bởi việc kiên trì học hỏi một cách sùng kính và chuyên cần nghiên cứu.”
Tuyên Ngôn Về Giáo Dục Kitô Giáo. Giáo dục là lưu tâm chính của người Công Giáo và Kitô Hữu nói chung. Nhu cầu tự do tôn giáo đích thực trong các trường Kitô Giáo cũng có một vị thế và cơ hội đồng đều để được hỗ trợ tài chánh như các trường công. Quan điểm của Công Giáo về phương cách giáo dục cũng được duyệt xét.
Sắc Lệnh về Hiệp Nhất. Sắc lệnh này thực sự khởi đầu một kỷ nguyên mới trong sự tương giao giữa Công Giáo và các giáo phái Kitô Giáo khác. Gạt bỏ mọi tự hào chiến thắng của quá khứ, Giáo Hội Công Giáo công khai thú nhận là có góp phần trong lỗi lầm chia cắt Kitô Giáo. Văn kiện khẳng định rằng người Công Giáo phải coi các Kitô Hữu khác như anh chị em trong Ðức Kitô, dù họ khác biệt trong niềm tin và cách thờ phượng. Sắc lệnh cũng nhìn đến một số khác biệt đã chia cắt Công Giáo với Tin Lành và Chính Thống Giáo, nhưng nhấn mạnh đến các điều tin tưởng chung.
Trong chương “Các Nguyên Tắc Hợp Nhất của Công Giáo,” một số hướng dẫn thực tế được đưa ra cho người Công Giáo khi họ tham dự các sinh hoạt hợp nhất, tìm cách kết hợp với các Kitô Hữu khác. Người Công Giáo được khuyến khích hãy khởi xướng việc xây dựng sự hợp nhất với Kitô Hữu khác. Nhưng hãy thận trọng, tránh một “thái độ hòa giải lầm lạc” -- đó là khi quên đi các khác biệt thực sự đã chia cách Kitô Giáo hoặc cho rằng đức tin Công Giáo là lầm lạc để đi đến sự hợp nhất. Thí dụ, sắc lệnh này khẳng định rằng chỉ có Giáo Hội Công Giáo mới có đầy đủ ơn cứu chuộc mà Ðức Giêsu Kitô đã đem xuống cho loài người. Người Công Giáo cũng không tin vào việc rước lễ chung với các Kitô Hữu khác cho đến khi có sự hiệp thông trọn vẹn (tuy nhiên các giám mục có thể ban cho ngoại trừ về vấn đề này). Mặc dù người Công Giáo không muốn nêu lên các điều tin tưởng này trong vấn đề hợp nhất, họ cũng không được chối bỏ hoặc tương nhượng các tín điều ấy. Sắc Lệnh Hợp Nhất cho rằng sự hợp nhất đích thực được dựa trên chân lý. Ðiều này có nghĩa mọi Kitô Hữu phải tiếp tục trung thành với điều họ thực sự tin tưởng, tín thác vào ơn của Chúa và sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần để đem họ lại với nhau như ý Chúa muốn. Cho đến khi sự hợp nhất trọn vẹn được thể hiện, sắc lệnh khuyến khích người Công Giáo hãy kết hợp với Kitô Hữu khác trong sự phục vụ, trong việc cầu nguyện chung, và chia sẻ đời sống Kitô Hữu trong các phương cách khác nhau, tất cả nhằm đề cao sự hợp nhất của dân Chúa.