Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium et Spes). Ðây là văn kiện duy nhất mà công đồng gọi là hiến chế mục vụ. Chữ “hiến chế” nói lên tầm quan trọng của văn kiện đối với đời sống Giáo Hội; chữ “mục vụ” muốn nói rằng văn kiện đem lại hướng dẫn thực tiễn cho người Công Giáo. Hiến chế này hiện thực hoá niềm khao khát của Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII, khi người muốn cập nhật hoá Giáo Hội qua sự tiếp xúc với các nhu cầu và hoàn cảnh của thế giới. Hiến chế này được chia làm hai phần: (1) trình bầy tổng quát về sự hiểu biết của Giáo Hội về hoàn cảnh con người hiện nay và sự tương giao giữa Giáo Hội với con người thời đại; và (2) duyệt xét một số lãnh vực đặc biệt khẩn thiết trong đời sống nhân loại ngày nay.
Tiền đề căn bản của phần thứ nhất là phẩm giá con người, là hình ảnh của Thiên Chúa. Giáo Hội không tách biệt với thế giới và các khó khăn của nó, nhưng là một phần của các khó khăn và mong muốn cùng với các người thiện tâm tìm kiếm các giải pháp. Văn kiện mạnh mẽ nói lên sự tin tưởng của Giáo Hội Công Giáo rằng, giải pháp đích thực cho mọi hoàn cảnh khó khăn và vấn đề của con người, và sự thoả đáp mọi hy vọng của con người, chỉ được tìm thấy nơi Ðức Giêsu Kitô. Ðức Giêsu, là Con duy nhất của Thiên Chúa, đã thực sự mặc lấy bản tính nhân loại và đã chiến thắng mọi sự dữ, mọi tội lỗi, và thần chết, đem lại cho loài người niềm hy vọng sẽ được chia sẻ chính sự chiến thắng ấy.
Phần thứ hai của hiến chế thảo luận về các lãnh vực đặc biệt: phẩm giá của hôn nhân và đời sống gia đình, sự phát triển thích hợp về phương diện văn hóa, kinh tế và đời sống xã hội, cộng đồng chính trị, việc duy trì hòa bình và củng cố cộng đồng các quốc gia. Sự tóm lược ngắn gọn vừa kể chỉ đem lại cái nhìn sơ sài về một viễn ảnh rộng lớn của văn kiện dài nhất trong Công Ðồng Vatican II. Mặc dù văn kiện cố gắng thiết thực hóa, mục đích chính của văn kiện là cung ứng các nguyên tắc để hướng dẫn người Công Giáo về cách liên hệ với thế giới hiện đại và cách tiếp cận với một vài lãnh vực được đặc biệt lưu tâm.
Tuyên Ngôn về Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo (Nostra Aetate). Công Ðồng Vatican II cũng có cái nhìn tích cực về các tôn giáo ngoài Kitô Giáo. Văn kiện này khẳng định rằng Giáo Hội Công Giáo tôn trọng bất cứ gì là chân thật và thiện hảo trong các tôn giáo này, và văn kiện còn nói rằng, trong sự thương xót của Thiên Chúa, Người có thể ban ơn cứu độ cho những ai chưa chấp nhận Kitô Giáo nhưng sống theo chân lý mà họ biết được qua lương tâm. Tuy nhiên, văn kiện cũng nhấn mạnh rằng Kitô Hữu phải không ngừng loan truyền tin mừng cứu độ của Ðức Giêsu Kitô cho những người ngoài Kitô Giáo, người là Ðấng Cứu Chuộc duy nhất của nhân loại. Nhiều người có thể bị hư mất vì không được biết tin mừng đó.
Một phần lớn của tuyên ngôn đề cập đến người Do Thái, là những người có liên hệ đặc biệt với Kitô Hữu qua ông Abraham, Môsê, các ngôn sứ, và tất cả những ai trung thành chuẩn bị cho việc giáng thế của Ðức Kitô. Mọi thái độ bài-Do Thái hoặc kỳ thị đối với người Do Thái đều bị tuyên ngôn tẩy chay mạnh mẽ.
Sắc Lệnh về Hoạt Ðộng Truyền Giáo của Giáo Hội (Ad Gentes). Khi đọc Tuyên Ngôn về Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo, một số người Công Giáo đã kết luận sai lầm rằng không cần phải đi truyền giáo để phúc âm hóa những người ngoài Kitô Giáo nữa. Sắc lệnh này làm sáng tỏ ý nghĩa của Tuyên Ngôn về Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo, đó là mệnh lệnh của Ðức Giêsu “hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt. 28:19) vẫn tuyệt đối xác thực và cần thiết trong ngày nay. Sắc lệnh này kêu gọi việc tổ chức các công cuộc truyền giáo sinh động nhằm đưa những ai chưa được nghe hoặc chưa chấp nhận Phúc Âm về với Ðức Giêsu Kitô. Sắc lệnh còn đưa ra các chỉ dẫn thực tiễn về cách thức tổ chức sinh hoạt truyền giáo và làm thế nào để có hiệu quả.
Tuyên Ngôn Về Tự Do Tôn Giáo (Dignitatis Humanae). Ðây là một biến cố lớn trong tư duy Công Giáo. Trong nhiều thế kỷ trước, người Công Giáo chấp nhận giả thuyết rằng sự tự do chỉ có thể ban cho những ai có đức tin chân chính; điều đó có nghĩa nhà cầm quyền có thể đàn áp các tôn giáo lầm lạc. Tuyên ngôn này nói rằng mọi người đều có quyền tự do tuân giữ và thực hành bất cứ tôn giáo nào họ muốn mà không bị ép buộc, miễn là họ tôn trọng ích lợi chung cũng như quyền lợi của người khác về việc sống đức tin. Căn bản của văn kiện này là giúp ý thức một cách sâu đậm hơn về phẩm giá con người mà sự tự do lựa chọn tôn giáo của họ được tôn trọng một cách trọn vẹn.
Sắc Lệnh về Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (Inter Mirifica). Là một trong những văn kiện được hình thành và biểu quyết sớm nhất trong công đồng, sắc lệnh này đôi khi bị chỉ trích vì thiếu chiều sâu hoặc tính cách uyên thâm như các văn kiện khác. Tuy nhiên, nó bao gồm các nguyên tắc cũng như các hướng dẫn luân lý quan trọng cho việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, là một vấn đề rất quan trọng trong thời đại mà các phương tiện thông tin phát triển mau chóng và sự tuyên truyền được sử dụng để ảnh hưởng đến quần chúng trong thời đại ngày nay. Tuyên ngôn này chỉ là bước khởi đầu, vì Giáo Hội cần có thêm những giáo huấn cần thiết để hướng dẫn người Công Giáo và thế giới trong lãnh vực nhiều mâu thuẫn này.
Công Ðồng Vatican II canh tân đời sống Giáo Hội và đưa Giáo Hội vào một tương giao tích cực, cởi mở hơn đối với các Kitô Hữu khác, với người ngoài Kitô Giáo, và với thế giới hiện đại.
Sinh Hoạt Trong Lòng Giáo Hội Công Giáo. Có nhiều thay đổi quan trọng trong sinh hoạt của Giáo Hội Công Giáo. Hệ thần học dựa trên Thánh Tôma Aquinas và các trường phái thời Trung Cổ, tuy vẫn được Giáo Hội Công Giáo tôn trọng, nhưng không còn được coi như cách tiếp cận thần học chính đáng duy nhất của Công Giáo. Nhiều sự tự do được ban cho các nhà chú giải kinh thánh, các sử gia, và các học giả Công Giáo để họ khám phá ra các tiếp cận mới trong lãnh vực khảo cứu. Các giám mục của Công Ðồng Vatican II đã được nghe phần diễn giảng của các nhà thần học nổi tiếng như Karl Rahner, Dòng Tên và Yves Congar, Dòng Ða Minh, và các vị ấy đã ảnh hưởng đến sự hiểu biết thần học cũng như sự biểu quyết của các giám mục trong khóa họp.
Bên trong Giáo Hội Công Giáo, vai trò và thẩm quyền của vị giám mục được nhấn mạnh hơn, và các giám mục được khuyến khích cùng làm việc với nhau, tích cực hỗ trợ và cộng tác với nhau và với đức giáo hoàng. Công đồng cũng kêu gọi triệu tập thường xuyên các buổi họp của các giám mục để cố vấn đức giáo hoàng về các vấn đề quan trọng cũng như thiết lập và thừa nhận các hội nghị giám mục ở các quốc gia hay các vùng. Các giám mục được mời gọi để trở nên người cha và mục tử đích thực của dân Chúa.
Các tu sĩ nam nữ được khích lệ để canh tân cộng đoàn của họ, đi sát với tinh thần của vị sáng lập hơn và thích ứng với các điều kiện của đời sống hiện nay. Vai trò mục vụ của các linh mục cũng được trao cho một ý nghĩa đầy đủ hơn và họ cần phải cộng tác và hỗ trợ lẫn nhau trong sự hiệp thông với đức giám mục.
Một ý tưởng rất cách mạng là tầm quan trọng của vai trò giáo dân trong Giáo Hội Công Giáo. Giáo dân ý thức trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục sứ vụ của Ðức Kitô và của Giáo Hội, với sự hướng dẫn của hàng giáo sĩ, tuy nhiên độc lập với họ trong các hoạt động. Sự quan trọng của hôn nhân và đời sống gia đình, cũng như ơn gọi độc thân, được nhấn mạnh nhiều lần trong các văn kiện của công đồng. Giáo dân ý thức rõ rệt hơn rằng sự thánh thiện của Kitô Hữu không chỉ dành cho linh mục và tu sĩ nam nữ mà còn dành cho họ.
Sự canh tân Phụng Vụ Thánh đã giúp cho Thánh Lễ và các cử hành phụng vụ khác có ý nghĩa hơn và dễ hiểu hơn. Sự tham dự trong Phụng Vụ, nhất là qua âm nhạc và chia sẻ trách nhiệm, đã gia tăng cách rõ ràng. Việc đọc Phúc Âm cũng trở nên quan trọng trong đời sống hàng ngày và trong sự thờ phượng của người Công Giáo, và cũng có nhiều phương tiện giúp cho sự học hỏi Phúc Âm được dễ dàng hơn.
Các Tương Giao của Giáo Hội Công Giáo Với Bên Ngoài. Về sự tương giao của Giáo Hội Công Giáo với các Kitô Hữu khác, với người ngoài Kitô Giáo và với thế giới, có nhiều tiến bộ đã được thể hiện. Ðại kết là chữ mới đối với nhiều người Công Giáo, nhưng sau đó không lâu, đại kết là mối quan tâm hàng đầu để người Công Giáo biết thông cảm với các Kitô Hữu như anh chị em trong Ðức Kitô, cũng như để quý trọng các yếu tố xác thực và có giá trị trong các truyền thống của họ và của Giáo Hội. Các tổ chức đại kết, các nhóm cầu nguyện, và các tổ chức khác đã được khởi sự và được Công Giáo hỗ trợ.
Nhiều người Công Giáo không cảm thấy ảnh hưởng ngay lập tức của giáo huấn công đồng về các tôn giáo ngoài Kitô Giáo và các hoạt động truyền giáo, nhưng ít ra ngày càng có nhiều người Công Giáo ý thức rằng không phải mọi người ngoài Kitô Giáo đều bị luận phạt xuống hỏa ngục. Giữa các tín hữu Công Giáo và Do Thái Giáo có nhiều tương giao và quan điểm lạc quan hơn đã được phát động ở nhiều nơi.
Ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của công đồng đối với thế giới là sự thúc giục người Công Giáo phải tiếp tay vào các sinh hoạt của xã hội, nhất là để cổ võ sự công chính và hòa bình. Ðiều này được dựa trên sự hiểu biết sâu đậm hơn về tự do và nhân phẩm. Việc tìm kiếm công bằng xã hội, sự lưu tâm đến người nghèo, và tìm kiếm sự tự do trong lãnh vực chính trị, xã hội, và kinh tế cho người bị áp bức đã được đề cập trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo.
Các Tổ Chức và Phong Trào Canh Tân. Mặc dù Công Ðồng Vatican II không kêu gọi việc hình thành các phong trào hay tổ chức canh tân (ngoại trừ việc khuyến khích phong trào Công Giáo Tiến Hành trong Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân), ơn sủng dồi dào của Thiên Chúa và của quyền năng Chúa Thánh Thần phát sinh từ công đồng đã dẫn đến nhiều việc canh tân.
Cả Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội và Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân đều nói về tầm quan trọng của công việc và ơn sủng Chúa Thánh Thần. Chỉ hai năm sau khi bế mạc công đồng vào năm 1965, một luồng gió mạnh mẽ của quyền năng và ơn sủng Chúa Thánh Thần bắt đầu thổi qua Giáo Hội Công Giáo, thường được gọi là Phong Trào Canh Tân Thánh Linh. Kể từ lúc đó, hàng trăm ngàn người Công Giáo được thanh tẩy trong Chúa Thánh Thần. Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI chuẩn nhận phong trào canh tân này vào năm 1975, và sau đó cũng đã được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tái xác nhận. Nhiều người Công Giáo tin rằng lời cầu xin “một biến cố Hiện Xuống mới” của Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã được nhận lời và được minh chứng một cách hùng hồn qua sự tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần.
Danh sách các phong trào canh tân vừa mới bắt đầu và các tổ chức vừa mới thành lập sau khi công đồng bế mạc thật đáng kinh ngạc: canh tân về Phúc Âm, canh tân hôn nhân và đời sống gia đình, các phong trào tĩnh tâm và canh tân linh đạo, canh tân rao giảng và tân phúc âm hóa, canh tân giáo xứ, và các phong trào liên quan đến công bằng xã hội, bảo vệ sự sống. Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger, trưởng Thánh Bộ Ðức Tin của Toà Thánh, đã phát biểu như sau:
Trong khi thú nhận rằng những phong trào này thỉnh thoảng cũng có vấn đề, Ðức Hồng Y Ratzinger nhấn mạnh rằng chính “đời sống cầu nguyện mãnh liệt”, “niềm vui đức tin”, và “các ơn gọi mới” phát xuất từ các phong trào này đã chứng minh rằng đó là những phương cách đích thực mà Thiên Chúa canh tân Giáo Hội Công Giáo trong thời đại chúng ta. Không có ai hoạch định hay tổ chức mà nhiều phong trào đã xuất hiện; đó chính là nhờ hành động của Thiên Chúa và cũng là sự thể hiện lòng yêu thương của Người đối với dân chúng.
Người Công Giáo phải ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa vì những thành quả của Công Ðồng Vatican II và vì các phong trào canh tân xuất phát trong Giáo Hội Công Giáo kể từ đó trở đi. Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn và khủng hoảng theo sau công đồng. Một số người nhận định rằng, khi Ðức Gioan XXIII “mở cánh cửa” của Giáo Hội Công Giáo để “gió mới” thổi vào, thì ngoài Chúa Thánh Thần còn có một số điều phiền toái cũng theo sau. Ðức Gioan XXIII cảnh giác về sự xuất hiện của các ngôn sứ “u ám và chết chóc,” nhưng chúng ta không thể ngây thơ quên đi những khó khăn trầm trọng bắt đầu gây khó khăn cho Giáo Hội Công Giáo sau Công Ðồng Vatican II.
Phải nói ngay là một số khó khăn trầm trọng được phát sinh từ sự hiểu lầm hoặc áp dụng sai lầm những gì công đồng thực sự chỉ dạy. Ðó là lý do tại sao cần phải học hỏi văn kiện của Công Ðồng Vatican II. Nhiều người Công Giáo tin tưởng hoặc hành động theo những điều mà họ cho là đúng với tinh thần Công Ðồng Vatican II nhưng thực sự đã vi phạm điều công đồng dạy bảo. Một số người Công Giáo khác lại cho rằng những dạy bảo chính thức chỉ là điểm khởi đầu, vì thế họ có thể tiếp tục triển khai và theo đuổi các ý tưởng mới không dựa trên nền tảng các văn kiện công đồng. Bài học mà Giáo Hội Công Giáo cần phải nhớ, đó là, chỉ những gì Công Ðồng Vatican II thực sự giảng dạy mới được Chúa Thánh Thần đảm bảo, và người Công Giáo cần sự hướng dẫn và khôn ngoan của huấn quyền hay quyền giảng dạy của Giáo Hội Công Giáo để thi hành giáo huấn của công đồng một cách chính xác, hoặc để khởi sự một hướng đi mới.
Cũng vậy, cần phải hiểu rằng nhiều khó khăn trong Giáo Hội Công Giáo kể từ Công Ðồng Vatican II thì không dính dáng gì đến công đồng, nhưng đó là các khó khăn tạo nên bởi một nền văn hóa ngày càng trần tục và vô thần mà Giáo Hội đang ở trong đó. Thật vậy, nếu không có Công Ðồng Vatican II, Giáo Hội Công Giáo sẽ ở vào tình trạng tệ hại hơn nữa trong việc đối phó với các thử thách ở bên ngoài Giáo Hội.
Chúng ta hãy tóm lược một số khó khăn phát sinh từ 1965 có thể liên hệ đến Công Ðồng Vatican II hoặc do sự hiểu lầm công đồng. Nhiều khó khăn phát sinh vì đã hiểu sai lầm về điều công đồng dạy bảo về cách cởi mở hoặc tiếp xúc với thế giới hiện đại. Hàng ngàn linh mục và tu sĩ nam nữ đã từ bỏ cộng đoàn của họ chỉ vì tinh thần truyền giáo và sứ vụ không còn ý nghĩa gì đối với họ. Họ nghĩ rằng Công Ðồng Vatican II khuyến khích họ phải liên hệ nhiều đến thế giới, phải hoạt động như các các sự xã hội ngoài đời, như các tâm lý gia, hoặc những người phục vụ nhu cầu của quần chúng. Nhiều linh mục và tu sĩ hiển nhiên đã không hiểu những gì Công Ðồng Vatican II nói về căn tính thiêng liêng và sứ vụ của họ, cũng như họ cần được tiếp tục hướng dẫn bởi các bề trên có thẩm quyền trong Giáo Hội.
Một số giám mục dường như lẫn lộn giữa sự dễ dãi với điều công đồng cổ võ là hãy trở nên vị mục tử đúng nghĩa; họ đã lẫn lộn giữa vai trò người cha và mục tử của dân Chúa với việc cho phép người Công Giáo suy nghĩ và hành động bất cứ gì họ muốn. Tinh thần thử nghiệm đang lan tràn trong Giáo Hội Công Giáo mà một số giám mục không biết cách kiểm soát thế nào cho đúng.
Trong lãnh vực phụng vụ, nhiều người Công Giáo mất đi tính cách thiêng liêng trong sự thờ phượng. Sự tham dự được nhấn mạnh, nhưng nhiều người không còn tôn kính sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu. Những thử nghiệm và sáng chế trái phép đã làm khó khăn hơn việc thích nghi với những thay đổi thích đáng mà chính sự thích nghi ấy đã là một thử thách, tỉ như cử hành phụng vụ bằng tiếng bản xứ và chủ tế quay mặt xuống giáo đoàn. Liên hệ đến vấn đề này là nhiều người mất đi sự hiểu biết về Giáo Hội, họ không coi Giáo Hội là mầu nhiệm của công trình và sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới. Một số người Công Giáo bắt đầu coi Giáo Hội chỉ như một tổ chức của loài người.
Với sự cổ võ các phương cách tiếp cận mới đối với việc nghiên cứu phúc âm và các lãnh vực khác, một số thần học gia và người Công Giáo đã không nhìn thấy vai trò của đức giáo hoàng và các giám mục như những người giảng dạy đích thực và duy trì đức tin. Nhiều người Công Giáo hoang mang khi một số lý thuyết của các học giả phúc âm đã được trình bầy trong nhà thờ vào ngày Chúa Nhật như một tín điều tuyệt đối. Nhiều người Công Giáo bắt đầu chấp nhận quan điểm của các thần học gia và quay về với họ để tìm sự chỉ đạo. Khi huấn quyền cố gắng sửa đổi điều này, nhiều khi xảy ra sự xung khắc giữa các thần học gia và các giám mục, hoặc giữa các học giả và đức giáo hoàng; một số người Công Giáo bắt đầu coi quan điểm của các học giả có giá trị hơn sự giảng dạy chính thức của Giáo Hội qua đức giáo hoàng và các giám mục.
Liên hệ đến vấn đề trên là sự khủng hoảng trong giáo dục Kitô Giáo, nhất là vấn đề giáo lý. Ở một vài nơi, trẻ em không được dạy các điều căn bản của đức tin chỉ vì người lớn chống đối các tín điều ấy. Ðôi khi, điều được cho là chân lý Công Giáo thì thực sự chỉ là quan điểm chung của thời đại, tỉ như việc khước từ tội nguyên tổ. Phương pháp dạy và việc làm sáng tỏ các chân lý đôi khi lại che khuất học thuyết đíùch thực và trọn vẹn của Công Giáo.
Sau Công Ðồng Vatican II, truyền thống Công Giáo về luân lý quả thực có hư hao, vì nhiều người Công Giáo giải thích rằng, việc đi vào thế giới hoặc tiếp xúc với thế giới có nghĩa tìm kiếm giá trị đạo lý trong thế giới trần tục. Ðiều này đã mở cửa cho sự dễ dãi tình dục, tách biệt tình dục với mục đích sinh sản và vai trò làm mẹ, và nhiều giá trị giả dối khác. Sự gia tăng ly dị, ngừa thai nhân tạo, và ngay cả phá thai trong giới Công Giáo -- một điều hiếm hoi cách đây 40 năm trước -- là chứng cớ của sự hư hao về cách sống đạo của người Công Giáo.
Do bởi Tuyên Ngôn về Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo, một số người Công Giáo lầm tưởng rằng không cần phải hoán cải người ngoại giáo về với Ðức Giêsu Kitô. Cũng thế, một số người Công Giáo Tây Phương tưởng được khuyến khích tìm về các tôn giáo khác để có được sự chỉ đạo, và họ thâu nhận hình thức cầu nguyện của các tôn giáo ấy như thể đức tin và linh đạo Công Giáo một cách nào đó chưa đầy đủ hay chưa thích đáng.
Sắc Lệnh về Hiệp Nhất đôi khi bị hiểu lầm là Giáo Hội dạy bảo rằng mọi giáo phái Kitô Giáo đều như nhau (hoặc tối thiểu chân chính bằng nhau), và người Công Giáo, ngay cả các linh mục, bắt đầu coi thường các hướng dẫn chính thức của Giáo Hội Công Giáo về đối thoại liên tôn và các lãnh vực khác. Thay vì giải thích đức tin Công Giáo một cách trọn vẹn cho các Kitô Hữu khác, một số người Công Giáo bắt đầu giảm thiểu hoặc từ chối một vài khía cạnh của đức tin trong cuộc đối thoại hiệp nhất. Buồn hơn nữa, một số người Công Giáo đã từ bỏ Giáo Hội để gia nhập các giáo phái khác mà họ gặp gỡ qua các cuộc tiếp xúc đại kết, khi họ tự cho mình đầy sức sống và chân thực hơn Giáo Hội Công Giáo.
Sau cùng, sự mơ hồ về giáo huấn Công Giáo đối với nhu cầu phục vụ và giải thoát người nghèo khỏi sự áp bức về kinh tế, xã hội và chính trị đã khiến một số người Công Giáo liên kết với các phong trào vô thần hay Mác-xít, hoặc chấp nhận tín điều và chiến lược của Mác-xít. Sứ vụ chính yếu của Giáo Hội là dẫn đưa người ta đến với Ðức Giêsu Kitô để thờ phượng người thì đã bị coi là lệ thuộc vào sự giải thoát ở trần gian hoặc hoàn toàn bị quên lãng.
Những thử thách mà Giáo Hội Công Giáo hậu Công Ðồng Vatican II phải đương đầu thì còn nhiều, nhưng một vài tóm lược trên đủ cho chúng ta thấy mức độ khẩn trương mà người Công Giáo phải được hiểu biết một cách đúng đắn về Công Ðồng Vatican II. Ðể tóm lược, Ðức Hồng Y Ratzinger nhận định rằng thay vì đem lại sự kết hợp mới trong Giáo Hội, một cách nào đó, Công Ðồng Vatican II đã tạo nên sự chia rẽ lớn lao, nhất là ở Tây Phương. Thay vì nhìn thấy làn gió canh tân thổi qua Giáo Hội, chúng ta nhận thấy sự suy đồi ngày càng gia tăng và sự hỗn độn ở nhiều nơi.
Dường như Giáo Hội Công Giáo đang trải qua thời kỳ thanh luyện. Dường như Ðức Giêsu đang kêu gọi người Công Giáo phải quyết định: hoặc theo người một cách sâu sát qua một đời sống tuân phục các giáo huấn của người và quyền bính mà người đã thiết lập trong Giáo Hội, hoặc theo các phương cách của trần gian hiện đang đối nghịch với giáo huấn của Ðức Kitô và các vị lãnh đạo trong Giáo Hội. Kể từ thời Công Ðồng Vatican II, ba vị giáo hoàng mà Thiên Chúa đưa lên đã can đảm gánh lấy trách nhiệm và dẫn dắt Giáo Hội qua giai đoạn khó khăn, nhưng cũng là thời kỳ phấn khởi của sự thay đổi, canh tân, và thanh luyện.