Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã dẫn dắt Giáo Hội Công Giáo trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất lịch sử. Những thay đổi lớn lao qua các sắc lệnh Công Ðồng Vatican II đã dẫn đưa Giáo Hội ra khỏi giai đoạn Triđentinô đến một giai đoạn mới. Tuy nhiên, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI nhận thấy sự quan trọng khi phải duy trì sự liên tục với quá khứ, vì đây không phải là một Giáo Hội Công Giáo mới mà là một bước tiến trong lịch sử và truyền thống của Giáo Hội. Do đó, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI muốn thể hiện các thay đổi của Công Ðồng Vatican II một cách từ từ. Nhiều người chỉ trích người là quá chậm chạp, nhưng ngày nay người ta mới thấy sự khôn ngoan của người .
Chắc chắn là không phải tất cả hoạt động của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đều liên hệ đến Công Ðồng Vatican II. Cũng như Thánh Phaolô, đức giáo hoàng đi công du khắp thế giới. Người nói chuyện trước Liên Hiệp Quốc và kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Người đến Ðất Thánh để gặp gỡ các thượng phụ của Chính Thống Giáo Ðông Phương với “nụ hôn hòa bình” ở núi Olive. người tham dự Ðại Hội Thánh Thể ở Ấn, Colombia, và Ý, và đến thăm những nơi bị thiên tai (Pakistan), cũng như những nơi sùng kính Ðức Maria (Fatima và Ephêsô). Người cũng tìm kiếm sự hiệp nhất với vị giám mục lãnh đạo Anh Giáo, Ðức Michael Ramsey. Quả thật Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI là vị tông đồ hòa bình.
Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI còn là một bậc thầy có thế lực. Người nói về bản chất thực sự của Giáo Hội trong thông điệp đầu tiên, Ecclesiam Stuam (1964) và sau đó là thông điệp về xã hội, Populorum Progressio, “Về Sự Phát Triển của Người Dân,” năm 1967. Trong thông điệp thứ tư năm 1966, người thúc giục mọi người Công Giáo lần chuỗi mai khôi cầu nguyện cho hòa bình, và người giải thích về đời sống độc thân của linh mục trong thông điệp năm tiếp đó. Giáo huấn của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI thật bao quát, và thật cay đắng là nhiều người chỉ nhớ đến người qua thông điệp Humanae Vitae (1968), trong đó người kêu gọi vợ chồng Công Giáo điều hòa sinh sản theo phương cách tự nhiên, tái xác nhận giáo huấn truyền thống của Giáo Hội Công Giáo.
Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng nâng một số vị lên hồng y và làm cho bộ mặt hồng y đoàn có tính cách quốc tế hơn. Người cũng đưa một nữ tu đầu tiên vào làm việc trong Giáo Triều Rôma. Người cũng khôi phục lại chức phó tế vĩnh viễn như đã có từ thời Giáo Hội tiên khởi. Người nhìn nhận vai trò mới của giám mục bằng cách triệu tập nhiều thượng hội đồng giám mục để cố vấn cho người. Mặc dù tình trạng sức khỏe yếu kém đã giới hạn các sinh hoạt của người vào cuối thời giáo hoàng, Ðức Phaolô VI được nhớ đến như một khuôn mặt chính yếu đã duy trì sự quân bình giữa việc thể hiện các thay đổi trong Giáo Hội và vẫn giữ Giáo Hội trung thành với truyền thống của mình.
Nhiều người Công Giáo phi thường đã góp phần trong giai đoạn lịch sử này: Ðức Dom Helder Camara, tổng giám mục của Recife, Brazil, nổi tiếng là tận tụy cho người nghèo; bà Dorothy Day, người đồng sáng lập Phong Trào Thợ Thuyền Công Giáo, và cũng nổi tiếng khắp thế giới là Mẹ Têrêsa ở Calcutta, mà dòng Bác Ái Truyền Giáo của người hiện đang phục vụ trên toàn thế giới. Tất cả các vị này đã đại diện cho hàng ngàn người Công Giáo khác đang làm việc một cách anh hùng trong giai đoạn lịch sử này để mở rộng nước Thiên Chúa.
Sau cái chết đột ngột của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I, mới ba mươi ba ngày làm giáo hoàng, các vị hồng y lại phải gặp gỡ nhau để tuyển chọn vị giáo hoàng đầu tiên không phải là người Ý kể từ năm 1522, đó là Ðức Hồng Y Karol Wojtyla, tổng giám mục của Krakow, Ba Lan. Người cũng là vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ quốc gia dưới sự thống trị của cộng sản. Triều đại giáo hoàng của người là triều đại thứ ba lâu nhất trong lịch sử. Ảnh hưởng của triều đại này thật sâu đậm đến độ nhiều người đặt tên cho người là “Gioan Phaolô Cả” - một danh xưng mà thời gian có thể minh chứng.
Ngay khi mở đầu triều đại giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã mời gọi thế giới hãy loại bỏ sự sợ hãi và hãy “mở rộng cửa cho Chúa Kitô.” Vị giáo hoàng truyền giáo này đã đi đến mọi ngõ ngách của trái đất. Được ước lượng rằng những chuyến thánh du của người tương đương với ba lần khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng (trên bảy trăm ngàn dặm) và không ai trong lịch sử đã nói chuyện với rất nhiều người như thế -- hàng trăm triệu -- đích thân hay qua truyền thông, trong nhiều khung cảnh văn hóa. Một sáng kiến của vị giáo hoàng này là Ngày Giới Trẻ Thế Giới, nơi hàng trăm ngàn người trẻ bị thu hút bởi tính cởi mở và thân thiện của ĐGH Gioan Phaolô II cũng như thông điệp của người tràn đầy hy vọng và khích lệ trong Chúa Giêsu Kitô.
ĐGH Gioan Phalô II cũng có sức thuyết phục trong những giảng dậy. Người là triết gia có hạng như được minh chứng trong các tác phẩm của người The Acting Person (1969) và Love and Responsibility (1960). Người có thể chuyển biến các ý niệm thâm trầm thành sự giảng dậy mục vụ thực tế, như trong “thần học về thân xác” của người. Chìa khóa để hiểu tư tưởng của người là phẩm giá của con người, một ý niệm mà nó ở tâm điểm của phong trào phò-sự-sống và mọi giáo huấn xã hội của Công Giáo.
Khi là giám mục trẻ Karol Wojtyla đã được tham dự Công Đồng Vatican II, mà nó đã ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời và hoạt động của người. Khi là giáo hoàng người nhìn thấy nhiệm vụ chính của người là thi hành Công Đồng Vatican II một cách trọn vẹn và trung tín, mà người gọi công đồng ấy là “ơn sủng lớn lao ban cho Giáo Hội trong thế kỷ hai mươi” và là một “la bàn vững chắc” để dẫn dắt Giáo Hội khi đi vào thiên niên kỷ thứ ba. Người cho phép phát hành sách giáo lý phổ quát (lần đầu được phát hành năm 1992) để trình bày học thuyết Công Giáo theo công đồng này. Người triệu tập các thượng hội đồng giám mục để thảo luận về việc triển khai thực hiện công đồng trong nhiều lãnh vực, cũng như giải quyết các lưu tâm mục vụ khác, và người đã viết các tông thư về những đề tài quan trọng, tỉ như phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ (Mulieris Dignitatem).
Trong mười bốn thông điệp của ĐGH Gioan Phalô II, một số phản ánh những lưu tâm của công đồng, tỉ như sự cổ vũ công bằng xã hội, đại kết và hoạt động truyền giáo. Trong một số lãnh vực này đã có sự tiến bộ trong triều đại của người, như vào năm 1997 “Tuyên Bố Chung về Công Chính Hóa” đã được tán thành bởi World Lutheran Federation và cả Giáo Hội Công Giáo. Các thông điệp khác phản ánh đức tin và linh đạo sâu xa của đức giáo hoàng, tỉ như thông điệp về lòng thương xót của Chúa (Dives in Misericordia; người còn tuyên thánh cho Chị Faustina Kowalska, “vị thánh của lòng thương xót Chúa”), về Đức Maria (Redemptoris Mater; châm ngôn riêng của người là Totus Tuus, (Hoàn toàn thuộc về Mẹ Maria) và về Thánh Thể (Ecclesia de Eucharistia).
Đức Gioan Phaolô II là một nhà lãnh đạo dứt khoát, người không sợ công bố và sống thông điệp về hòa bình và hòa giải. Nhiều quan sát viên cho rằng sự xụp đổ của Xô Viết trong sự thống trị Đông Âu năm 1989, tối thiểu một phần là vì ảnh hưởng luân lý và tài ngoại giao của người. Năm 1979, lần đầu tiên người về thăm quê nhà khi là giáo hoàng, và người liên tục hỗ trợ phong trào bất bạo động của công nhân ở Ba Lan, do Lech Walesa lãnh đạo, ông được giải thưởng Nobel Hòa Bình.
Đức Gioan Phalô II đã mời các đại diện của các tôn giáo lớn trên thế giới đến Assisi năm 1986 trong Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Hòa Bình. Người xin tha thứ các lỗi lầm của Giáo Hội Công Giáo, trong quá khứ và hiện tại, nhất là trong cực điểm triều đại của người -- “Đại Năm Thánh” kỷ niệm việc giáng lâm của Chúa Giêsu Kitô hai ngàn năm trước. Chính Đức Gioan Phaolô II đã làm gương tha thứ khi người đến thăm và tha thứ cho Mehmet Ali Agca, là thủ phạm đã ám sát hụt người vào năm 1981.
Thế giới ở thế kỷ hai mươi mốt là một nơi khó khăn và hiểm nghèo. ĐGH Gioan Phaolô II đã dùng chân lý để đương đầu với sự mơ hồ, lòng bác ái với sự chia rẽ và đức tin và đức cậy chống lại sự sợ hãi. Người kêu gọi Giáo Hội hãy trở nên thánh thiện qua sự cầu nguyện, như được minh họa bởi Thánh Têrêsa ở Calcutta.
Khi Đức Gioan Phaolô II từ trần, vẫn còn nhiều thách đố chưa được giải quyết, tỉ như những cáo buộc các linh mục lạm dụng tình dục trẻ em, nhất là ở Hoa Kỳ. Trên toàn thế giới, Giáo Hội vẫn phải đối diện với sự khước từ các quyền lợi và các quyền tự do trong nhiều quốc gia và ngay cả sự chống đối của dân quân và có tổ chức. Ở những nơi khác, nhất là ở Tây Phương, việc sa sút sống đức tin và hoang mang về ý nghĩa đức tin hướng đến một nhu cầu cần canh tân hoặc một sự phục hồi và hướng dẫn rõ ràng về sự canh tân mà Công Đồng Vatican II đã mời gọi cũng như cần các giáo hoàng tìm cách thi hành. Chắc chắn thời gian đã chín mùi cho việc “truyền bá mới” -- sự công bố phúc âm của Chúa Giêsu Kitô cho thế giới với sự hăng say được đổi mới -- do Đức Gioan Phaolô II mời gọi.
Đó sẽ là công việc của người mà ĐGH Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm là trưởng Thánh Bộ Tín Lý năm 1981. Đức Hồng Y Joseph Ratzinger tiếp tục việc hướng dẫn Giáo Hội Công Giáo với tư cách người kế vị kế tiếp của Thánh Phêrô. Người sẽ thi hành công việc này với sự can đảm và hy vọng rằng có đặc tính của người bạn thân là Karol Wojtyla, mà trong năm 2001 người đã thúc giục Giáo Hội hãy lắng nghe lời mời gọi của Chúa Giêsu là “hãy thả lưới chỗ nước sâu” (Duc in Altum!) -- vào đại dương mênh mông của thiên niên kỷ mới.
Là Trưởng Thánh Bộ Tín Lý trong gần hai mươi bốn năm, Đức Joseph Ratzinger sinh ở Đức và nổi tiếng là người chú tâm đến chân lý (và bảo vệ chân lý). Sự phục vụ của người ngay lúc khởi đầu đời sống linh mục thì trong lãnh vực thần học, và người là cố vấn thần học cho Đức Hồng Y Joseph Frings ở Cologne trong Công Đồng Vatican II. Người đồng sáng lập một tờ tạp chí thần học “cấp tiến”, Concilium, nhưng khi tờ này bắt đầu tách khỏi những gì người nghĩ là giáo huấn đích thực của Công Giáo, người đã từ bỏ và hỗ trợ một tạp chí mới, Communio. Người bắt đầu nổi tiếng vì những sáng tác thâm trầm của người, nhất là cuốn Introduction to Christianity (Dẫn Nhập Kitô Giáo - 1968) và Eschatology: Death and Eternal Life (Cánh Chung Luận: sự Chết và sự Sống Đời Đời -- 1977).
Tuy Đức Joseph Ratzinger dành toàn thể cuộc đời linh mục như một thần học gia, ĐGH Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm người vào chức vụ tổng giám mục của Munich năm 1977 và còn đặt người là hồng y. Là một chủ chăn nổi tiếng là một thần học gia tuyệt sắc và là người biết lắng nghe và hợp tác, một cách tự nhiên người được ĐGH Gioan Phaolô II chọn vào chức vụ trưởng thánh bộ tín lý, nơi người phục vụ một cách lỗi lạc. Bản chất của thánh bộ này kéo theo những hành động mạnh mẽ để bảo vệ đức tin, như Đức Joseph Ratzinger đã thi hành đối với thần học giải phóng trong thập niên 1980 và một số điều tra các bài viết của các thần học gia làm nguy hại đến đức tin Công Giáo. Việc trình bày Đức Joseph Ratzinger như một “người canh giữ” hay “người củng cố” giáo lý cách cứng rắn thì bất công, và các hồng y đã cho thấy sự tôn trọng của họ khi chọn người làm giáo hoàng năm 2005.
Khi lấy tên Bênêđích, Đức Joseph Ratzinger cho thấy ao ước của người là duy trì và khôi phục văn hóa Tây Phương, như Thánh Bênêđích đã thi hành. Trong cái nhìn của người, thách đố lớn lao nhất đối với Tây Phương là “sự độc đoán của thuyết tương đối”, mà nó từ chối sự hiện diện của một trật tự luân lý khách quan và chân lý khách quan.
Trong bài giảng đầu tiên là giáo hoàng, ĐGH Bênêđích bày tỏ sự quyết tâm thực hiện trọn vẹn và trung thực với giáo huấn của Công Đồng Vatican II như ĐGH Gioan Phaolô II đã thi hành một cách cần mẫn. Người nói rằng “quyết tâm chính” của người là phục hồi sự đoàn kết Kitô Giáo, sự đoàn kết mà Đại Diện Chúa Kitô phải làm việc không ngừng nghỉ.
Nếu ĐGH Bênêđích tìm cách dậy dỗ và bảo vệ chân lý, thật hiển nhiên là người ao ước thi hành việc đó với bác ái và qua sự đối thoại kiên nhẫn, thay vì những tranh luận và kết án nghiệt ngã. Hai thông điệp đầu tiên của người là về tình yêu (nhất là, Deus Caritas Est [Thiên Chúa là Tình Yêu]) và về hy vọng (Spe Salvi). Trong chuyến tông du đầu tiên, hy vọng là tâm điểm thông điệp của người, tập trung đến niềm hy vọng sau cùng và chắc chắn mà chúng ta tìm thấy nơi Chúa Giêsu và phúc âm của Người. Sự sợ hãi đầy dẫy trong thế giới phải nhường chỗ cho niềm hy vọng của những ai tin vào Thiên Chúa. Ở Hoa Kỳ người nói về một “Pentecost mới” và một “mùa xuân mới trong Thần Khí” cho Mỹ Châu, nếu Kitô Hữu cầu xin và sống với lòng khao khát được Chúa Thánh Thần ngự đến.
Những ảnh hưởng của ĐGH Bênêđích thì lan xa. Người đã phát hành hơn năm mươi cuốn sách, và ngay cả khi là giáo hoàng người phát hành cuốn Jesus of Nazareth (Đức Giêsu ở Nagiarét), là cuốn mẫu mực cho các thần học gia về cách trình bày đức tin của Giáo Hội qua nguồn Kinh Thánh uyên thâm.
ĐGH Bênêđích dường như sẽ tiếp tục các nỗ lực để đưa phụ nữ vào các vai trò tích cực trong Giáo Hội và để cổ vũ sự mỹ miều và trang trọng của phụng vụ. Khi ĐGH Gioan Phalô II từ trần chỉ vài tháng trước Ngày Giới Trẻ Thế Giới được dự trù ở Cologne, nước Đức, ĐGH Bênêđích đã không bỏ lỡ cơ hội tham dự biến cố vĩ đại này, được tổ chức ngay trên quê hương của người. Đức Bênêđích tiếp tục khích lệ việc tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới, tỉ như năm 2008 ở Úc. Trong bài diễn văn này, cũng như nhiều bài khác, ĐGH Bênêđích nhấn mạnh rằng Đức Giêsu Kitô là nguồn mạch hy vọng của chúng ta: hy vọng của nhân loại và của từng người. Người còn lên tiếng hỗ trợ các phong trào mới trong giáo hội, mà người đã nói vào năm 1985 là “điều tràn trề hy vọng ở mức độ Giáo Hội hoàn vũ…như một mùa pentecost trong Giáo Hội.” Người đã tổ chức một đại hội quốc tế cho các phong trào này tại Pentecost 2006, cũng như ĐGH Gioan Phaolô II đã làm tại Pentecost 1998.
Triều đại ĐGH Bênêđích không phải là không có thử thách. Vô tình người đã tạo ra một thách đố khi trong bài diễn văn ở Đại Học Regensburg, người ám chỉ đến những khó khăn về niềm tin và cách sống đạo của Hồi Giáo. Tuy lúc đầu những tương giao giữa Công Giáo và Hồi Giáo có căng thẳng trong một số vùng, sau cùng sự kiện này đã mở ra và cổ vũ việc đối thoại chân thành, là điều thiết yếu cho những tương giao liên tôn đích thực. Tuy thế, biến cố này báo hiệu rằng những tương quan giữa người tín hữu Kitô và Hồi Giáo, cũng như những tương giao giữa các tôn giáo trên thế giới, sẽ là một lãnh vực đòi hỏi nhiều sự cầu nguyện và nhậy cảm trong thế kỷ hai mươi mốt.
Giáo Hội không thể thay đổi sự quyết tâm với sứ mệnh đã được chính Đức Kitô trao phó, để làm chứng cho phúc âm một cách không mệt mỏi và can đảm, “khi hợp thời hay không hợp thời” (x. Timôtê 4:2). “Việc truyền bá mới” này như ĐGH Gioan Phalô II đã gọi, bao gồm việc làm chứng cho những ai chưa được nghe và chưa tin vào phúc âm của Chúa Kitô (mà họ khoảng hai phần ba dân số thế giới) và cả những ai trong các quốc gia Kitô Giáo (kể cả Công Giáo), họ cần được nghe và trân quý phúc âm một cách mới mẻ (được “tái phúc âm hóa”).
ĐGH Bênêđích XVI mừng sinh nhật thứ tám mươi vào năm 2008, người từng là một chứng nhân hăng say cho sức mạnh của phúc âm Chúa Kitô và chân lý của Người trong thế gian. Người tiếp tục một chuỗi giáo hoàng gương mẫu của thế kỷ mười chín và hai mươi. Người Công Giáo chỉ có thể cảm ơn Thiên Chúa vì những ơn lành của các vị lãnh đạo này, trong các vị ấy, Chúa Kitô, Mục Tử Nhân Lành, được thấy (qua đức tin) đang dẫn dắt Giáo Hội tiến bước cho đến khi hoàn tất vương quốc của Người. Tạ ơn Chúa!