Từ giữa thế kỷ mười bảy cho đến nay là một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người, thường được gọi là thế giới cận đại. Thời gian này có gì khác biệt? Ðời sống văn minh Tây Phương thay đổi vì sự xuất hiện của ngành khoa học cận đại, một phương thức mới về triết lý chỉ dựa trên lý lẽ, và sự cải tiến hệ thống chính trị trên khắp Âu Châu mà đương nhiên nó đã ảnh hưởng đến hầu hết thế giới. Nền tảng xã hội Tây Phương lung lay tận gốc rễ. Giáo Hội Công Giáo và mọi Kitô Hữu phải chịu thử thách cùng cực mà nhiều khía cạnh của sự thử thách này vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay.
1. Sự Xuất Hiện của Khoa Học và Kỹ Thuật. Thế kỷ mười bảy và mười tám thường được gọi là Thời Ðại Khai Sáng. Một khía cạnh của thời đại này là cái nhìn mới về vũ trụ. Nicholas Copernicus (1473-1543) cho rằng mặt trời là tâm điểm của hành tinh hệ và trái đất xoay chung quanh mặt trời. Mặc dù điều này đã đảo ngược quan điểm của nhà thiên văn học Hy Lạp là Ptolemy, ông Galileo Galilei (1564-1642) chứng minh rằng quan điểm của Copernicus là đúng. Ngành khoa học hiện đại về thiên văn được khai sinh. Sau đó không lâu, các người khác như Sir Isaac Newton và Robert Boyle, đã tiên phong trong các ngành khoa học mới về vật lý và hóa học. Những ngành này không những cách mạng hóa sự hiểu biết về thế giới vật chất mà còn khai sinh việc ứng dụng khoa học vào các vấn đề thực tế -- kỹ thuật học -- mà nó đã dẫn đến cuộc cách mạng kỹ nghệ ở Anh và sau đó trên toàn Âu Châu. Các tiến bộ dựa trên khoa học và kỹ thuật đã trở nên mục tiêu chính của xã hội Tây Phương.
2. Triết Thuyết Mới. Một khía cạnh khác của Thời Ðại Khai Sáng là phương thức mới về triết học dựa trên lý lẽ con người. René Descartes (1596-1650) chủ trương rằng mọi ý niệm phải được thắc mắc hay nghi ngờ cho đến khi lý lẽ chứng minh là đúng. Triết thuyết này được gọi là Thuyết Duy Lý, nhấn mạnh đến khả năng lý lẽ của con người để tìm ra chân lý của mọi sự. Sau này, một số triết gia không chấp nhận việc đề cao lý lẽ và đề nghị các triết thuyết khác dựa trên, hoặc bao gồm cảm nghiệm của con người hoặc bao gồm quy luật tự nhiên có thể quan sát được của sự vật. Một điều mà hầu hết các triết gia này chủ trương là bất cứ loại đức tin nào, kể cả đức tin Kitô Giáo, đều bị tẩy chay, không được coi là một thành phần của triết học. Vì đối với họ, những ai đặt nền tảng đời sống hay tín ngưỡng vào đức tin thì họ không được khai sáng và vẫn sống trong thời quá vãng của sự tiến bộ con người.
3. Những Cảm Nghiệm Mới Trong Thể Chế Chính Trị. Thế giới cận đại còn kinh qua các biến động chính trị khi chính quyền thi hành các hình thức cai trị mới hoặc bị người dân thúc ép. Ý tưởng một vị vua nắm quyền cai trị là do thần quyền đã bị tẩy chay. Các giáo hội Kitô Giáo ngày càng ít tích cực trong vai trò dẫn dắt và khuôn đúc sinh hoạt chính trị của các quốc gia Âu Châu. Thật vậy, Giáo Hội Công Giáo và các giáo hội Kitô Giáo khác thường trở thành nạn nhân của thủ đoạn chính trị của các nhà cầm quyền thế tục, hoặc các tổ chức tôn giáo được coi là lỗi thời và không còn chỗ đứng trong thể chế chính trị; ngay cả một số tổ chức đã bị đàn áp.
4. Sự Tục Hóa. Một cách tổng quát, thời cận đại là thời kỳ Kitô Giáo ngày càng bị gò ép không được bày tỏ công khai và ít có ảnh hưởng trong sinh hoạt chính trị, văn hóa, và trí thức ở Tây Phương. Kitô Giáo chưa bị loại bỏ nhưng bị hạ cấp xuống mức độ sinh hoạt cá nhân. Tiến trình tư hữu hóa tôn giáo và loại bỏ tôn giáo ra khỏi sinh hoạt chung của xã hội (kể cả chính trị, triết lý, khoa học, văn chương, nghệ thuật, truyền thông, và các khía cạnh khác) được gọi là tục hóa. Tiến trình này vẫn tiếp tục, nhưng nó bắt nguồn từ thời đại được gọi là Khai Sáng của thế kỷ mười bảy và mười tám. Khi tiếp tục trình bầy đời sống Giáo Hội Công Giáo từ thời kỳ này cho đến nay, chúng ta sẽ để ý đến phản ứng của Công Giáo đối với thời Khai Sáng và thế giới cận đại.
1. Hấp Lực của Lý Lẽ. Trong một phương cách nào đó, chính tình trạng Kitô Giáo trong thế kỷ mười sáu và mười bảy đã đưa đến thời Khai Sáng. Người dân Âu Châu đã quá mệt mỏi vì chiến tranh tôn giáo, và một số triết gia lý luận rằng căn bản duy nhất để phục hồi sự hợp nhất và hòa bình cho Âu Châu là tìm ra một sự ưng thuận chung, hoặc trong lý lẽ hoặc trong một “tôn giáo hợp lý” không còn các giáo điều gây chia rẽ. Immanuel Kant (1724-1804) viết, “Hãy can đảm dùng đến lý lẽ của bạn -- đó là châm ngôn của thời khai sáng.” Một số triết gia, tỉ như Gottfried Leibniz của Ðức (1646-1716), rất lạc quan về viễn ảnh của một “tôn giáo hợp lý” để tái hợp nhất Âu Châu. Huân tước Herbert ở Cherbury đưa ra năm đề nghị làm nền tảng cho tôn giáo mới của lý lẽ, thường được gọi là Deism (Thuyết Hữu Thần). Theo những người chủ trương, Thiên Chúa lập ra các quy tắc của vũ trụ và để nó chuyển động -- như người thợ đồng hồ lên giây cót -- nhưng sau đó, Người không trực tiếp can thiệp đến sự vận hành của tạo vật. Dĩ nhiên, chủ trương này trái ngược với sự tin tưởng của Kitô Giáo vào sự mặc khải, các phép lạ của Thiên Chúa, và sự nhập thể của Chúa Giêsu Kitô. Tuy vậy, một số người theo thuyết hữu thần vẫn tự nhận họ là Kitô Hữu.
Một số triết gia trực tiếp tấn công Giáo Hội Công Giáo và Kitô Giáo, nhất là nhà văn trào phúng kiêm triết gia Voltaire (1694-1778). Hơn bất cứ ai khác, Voltaire đã biến việc chế nhạo Kitô Giáo trở thành mốt thời đại và ông rất cay độc đối với Công Giáo. Hậu quả của điều đó là một tổ chức của giới thượng lưu vô tín ngưỡng, được gọi là Freemason (Tam Ðiểm), xuất hiện ở Pháp và thu hút được cả một số linh mục.
Một tấn công khác, không hiển nhiên nhắm đến Kitô Giáo, là khuynh hướng dùng khoa học để nghiên cứu Phúc Âm với kiểu cách phân tích và thẩm định như đối với bất cứ văn bản nào khác. Tự nó, phương cách này không có gì sái quấy, nhưng những người theo chủ thuyết yếm thế, tỉ như triết gia Pháp Pierre Bayle và các người khác, kết luận rằng Phúc Âm cũng không khác gì với các sách khác.
Giáo Hội Công Giáo phản ứng như thế nào với các thách đố tri thức này? Blaise Pascal (1623-62), một nhà toán học nổi tiếng của Pháp, đã lý luận chống với Descartes bằng việc nhấn mạnh đến phương cách mà Thiên Chúa đến với con người qua sự mặc khải, cảm nghiệm tôn giáo, và truyền thống cũng như lý lẽ. Ông tin ở “Thiên Chúa của Abraham, Isaac, và Giacóp... Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô;” chứ không phải các thần trừu tượng của triết gia. Ở Anh, cũng có nhiều người trong Anh Giáo bảo vệ chân lý Kitô Giáo, tỉ như Ðức Giám Mục Joseph Butler. Không may, không có người Công Giáo nào ở Pháp hay bất cứ đâu có khả năng bác bẻ lại Voltaire, Diderot, và những triết gia sau này là những người làm suy yếu Kitô Giáo. Các giáo hoàng thì kịch liệt tẩy chay lập trường coi Phúc Âm như bất cứ văn bản nào khác, vì các đấng cho rằng đó là lời Chúa ban cho Giáo Hội chứ không chỉ là lời của con người.
2. Giáo Hội Công Giáo và Khoa Học. Vào thời gian này, Giáo Hội Công Giáo hiểu Sáng Thế Ký dường như trái ngược với những khám phá thiên văn của Copernicus và Galileo. Vào những năm 1616 và 1623, Tòa Thẩm Tra Rôma lên án những khám phá này, coi đó như một tấn công vào đặc tính không thể sai lầm của Kinh Thánh. Giáo Hội Công Giáo chưa phân định rõ ràng sự khác biệt giữa vấn đề lịch sử và khoa học trong Phúc Âm như ngày nay. Bây giờ, người Công Giáo hiểu rằng các tác giả của Phúc Âm không có ý định viết các sách ấy để dẫn giải các hiện tượng khoa học, hoặc để miêu tả các biến cố thực sự qua khung cảnh lịch sử. Nhưng, Phúc Âm dạy chúng ta về chân lý tôn giáo -- về sự tương giao giữa con người với Thiên Chúa và với đồng loại -- đó là chân lý không thể sai lầm. Chúng ta có thể hiểu tại sao Giáo Hội thời trước mơ hồ về vấn đề này, vì lúc ấy khoa học cận đại và các phương pháp nghiên cứu lịch sử chỉ mới phát sinh.
Không may, các người yếm thế vẫn nêu lên việc kết án Galileo để chứng minh rằng Giáo Hội Công Giáo chống với khoa học, xa rời thực tế và thế giới cận đại. Tuy nhiên, nhà khoa học sử nổi tiếng Hung Gia Lợi là Cha Stanley Jaki nhận định rằng, khoa học và kỹ thuật hiện đại chỉ phát sinh một cách tự nhiên trong xã hội Tây Phương vì trước đây nó là xã hội Kitô Giáo. Thay vì chống đối khoa học, Kitô Giáo đã phát sinh ra khoa học, vì Kitô Giáo đề cao sự hiểu biết của con người, và vì muốn xúc tiến việc loan truyền tin mừng qua các phương tiện chính đáng, tỉ như sự phát triển ngành hàng hải của khoa học cận đại. Cha Jaki còn đưa ra các dẫn chứng về hàng giáo sĩ cao cấp của Công Giáo, mà họ đã dựa trên sự quan sát và lý lẽ để có những khám phá khoa học trước cả các khoa học gia ngoài đời thời Khai Sáng đến hai ba thế kỷ.
Ngoài nhận định trên, từ lâu Giáo Hội Công Giáo đã nhận thấy những giới hạn quan trọng của lý lẽ và khoa học mà thường bị bỏ quên, ngay cả ngày nay. Thứ nhất, các khoa học gia và triết gia đời là những người lạc quan đề cao khả năng của lý lẽ thì họ thường từ chối hoặc bỏ qua thực tại của tội nguyên tổ. Học thuyết về tội nguyên tổ nói rằng lý trí của con người bị u mê, đến mức độ nào đó, bởi tội lỗi và sự ích kỷ. Lý trí được con người sử dụng, nhưng con người thường có thành kiến và sự suy đoán bị ảnh hưởng bởi tội nguyên tổ và tội cá nhân, do đó họ không thể nào khách quan và không thiên vị như họ lầm tưởng. Chỉ nhờ ơn Chúa và sự soi dẫn của đức tin Kitô Giáo mới có thể giúp lý trí chúng ta nhìn thấy chân lý rõ ràng hơn và sống xứng hợp với hoạch định của Thiên Chúa. Thứ hai, lý lẽ và khoa học có thể nói cho chúng ta biết thực thể đó là gì, nhưng chúng không thể cho biết mục đích tối hậu, hay ý nghĩa của những gì chúng ta nhận xét được hay khám phá ra. Thí dụ, các khám phá khoa học đã đạt được nhiều thành quả đáng kể, như trong lãnh vực y khoa, nhưng các khám phá ấy cũng đưa nhân loại đến bờ vực hủy diệt của cuộc thi đua vũ khí nguyên tử. Chỉ có Kitô Giáo mới có thể đem lại một hình ảnh đầy đủ về mục đích của đời sống con người cũng như phương cách áp dụng những tiến bộ của lý trí và khoa học cho ích lợi thuần tuý của nhân loại.
Trong thời kỳ từ 1650 đến 1789, Giáo Hội Công Giáo chỉ mới bắt đầu hình thành các ý tưởng này. Cần phải mất một thời gian. Thay vì cho phép chấp nhận một cách không hạn chế các lý lẽ và khám phá khoa học, quả thật Giáo Hội Công Giáo đôi khi đã lên án hoặc cảnh giác đối với một vài đề nghị của các triết gia và khoa học gia mà sau này mới biết là đúng. Ðó là một phần trong sự khôn ngoan của Giáo Hội Công Giáo khi chậm chấp nhận một điều gì mới lạ. Bởi vì rút lại điều cảnh giác hay một kết án thì dễ hơn là ngăn chặn hoặc lên án một điều gì đã được phổ biến khắp nơi hay đã được chấp nhận trong Giáo Hội và xã hội. Nói cho cùng, sự kết án của đức giáo hoàng đối với các khám phá của Galileo không cản trở sự tiến bộ của khoa thiên văn cận đại, và một số khoa học gia vĩ đại của thế giới hiện đại là những người Công Giáo trung kiên.
3. Tìm Kiếm Linh Ðạo Công Giáo Ðích Thực. Ở Pháp, trong thế kỷ mười bảy có hai phong trào cho thấy người ta đang tìm kiếm một linh đạo Công Giáo đích thực vào thời ấy. Tuy nhiên, hai phong trào này cũng phản ảnh sự hoang mang thời bấy giờ, vì sau cùng cả hai đều bị Giáo Hội Công Giáo kết án vì một số lầm lạc.
Thuyết Jansen là một phong trào linh đạo ở Pháp được dẫn đầu bởi một vài linh mục, giáo dân, và một tu viện dòng nữ ở Port Royal gần Balê. Phong trào này lấy tên của vị giám mục sáng lập là Cornelius Jansen, giám mục của Ypres, Hòa Lan (k. 1638). Jansen từng viết rất nhiều về sự thối nát của bản tính con người bởi tội nguyên tổ đến nỗi Ðức Giáo Hoàng Innôxentê X phải lên án một số đề nghị của Jansen vào năm 1653, và cho rằng Jansen nghiêng về thuyết Calvin. Tuy nhiên, những người hậu thuẫn Jansen cảm thấy rằng Jansen đã bị kết tội sai lầm. Họ nói, vấn đề thực sự là vì Giáo Hội Công Giáo, nhất là ở Pháp, ngày càng thờ ơ và lỏng lẻo trong cái nhìn về tội, chứ Jansen không quá nghiêm khắc. Họ đưa ra phương cách tha tội của các linh mục dòng Tên để chứng minh quan điểm của họ. Theo những người Jansen, các linh mục dòng Tên không kêu gọi người ta ăn năn sám hối vì sợ xúc phạm đến con người và luôn luôn nghĩ đến hoàn cảnh đặc biệt của từng trường hợp để có thể chước giảm tội lỗi người ta. Việc nghiên cứu những trường hợp này được phát triển thành một môn “khoa học” được gọi là “giải nghi học” (casuistry).
Sự chỉ trích này cũng có một vài giá trị, và Giáo Hội Công Giáo đã buộc phải kêu gọi người ta ăn năn sám hối nhiều hơn trong khi xưng tội. Tuy nhiên, những người theo Jansen cũng đã sai lầm khi quá lý tưởng hóa sự trọn lành và sự khắc khổ của đời sống, mà họ muốn đặt làm tiêu chuẩn cho mọi người Công Giáo. Trong suốt cuộc tranh luận, những người theo Jansen không luôn luôn phục tùng quyền bính của đức giáo hoàng hoặc hàng giám mục Pháp; và cho đến năm 1713 lý tưởng Jansen đã phải chấm dứt. Ngày nay, thuyết Jansen có thể tái diễn ở những người Công Giáo nào cảm thấy mình quá tội lỗi, chỉ vì quá tỉ mỉ hoặc quá khắt khe với lương tâm. Tuy nhiên, một cách tổng quát, có lẽ người Công Giáo ngày nay cần thận trọng đừng nghiêng về thái cực bên kia -- mà lương tâm quá dễ dãi đến độ không nhận ra được sự xấu xa và trầm trọng của tội lỗi để thường xuyên thành tâm sám hối và quay về với Ðức Kitô.
Một lạc thuyết khác xuất hiện trong Giáo Hội Pháp vào thời kỳ này là Quietism (vô vi thuyết). Phát xuất từ các bài viết về linh đạo của Miguel de Molines người Tây Ban Nha, Quietism là một loại linh đạo cổ võ sự hoàn toàn thụ động trước Thiên Chúa trong khi cầu nguyện. Theo thuyết này, Thiên Chúa được phép thi hành bất cứ điều gì trong khi chúng ta cầu nguyện, do đó tâm trí chúng ta không được vướng mắc bất cứ hình ảnh nào. Trước mặt Thiên Chúa, người ta cần phải thoát ra khỏi con người mình đến độ họ không còn lo lắng gì nữa, ngay cả sự cứu độ của chính mình. Các linh mục dòng Tên, là những người cổ võ sự tịnh niệm (sự hợp tác tích cực giữa tâm trí và trí tưởng trong khi cầu nguyện) đã lên tiếng đả kích phương cách này. Sau cùng Quietism đã bị đức giáo hoàng kết án vì nó không cho phép sự cộng tác cần thiết của con người với ơn sủng và sự hoạt động của Thiên Chúa, và vì Quietism không cho rằng người tín hữu phải khao khát ơn cứu độ.
Ngay cả trong thế giới hiện đại ngày nay mà một người trung bình, không phải triết gia hay khoa học gia, chưa biết gì đến Kitô Giáo và Công Giáo thì họ vẫn cảm thấy thoải mái với đời sống cầu nguyện bình thường trong lòng Giáo Hội Công Giáo. Làn sóng linh đạo của Giáo Hội Công Giáo còn được thể hiện trong giai đoạn này qua sự thành lập ba dòng tu nam: dòng Trappist (Xitô) kiểu đan viện năm 1664; dòng Passionist (Thương Khó) truyền giáo và canh tân (1725); và dòng Chúa Cứu Thế (1732).
4. Giáo Hội Công Giáo và Nhà Nước. Trong thế kỷ mười tám, bề ngoài, Giáo Hội Công Giáo có vẻ vững mạnh và có ảnh hưởng, nhưng bên trong, ngọn lửa canh tân của cuộc Cải Cách Công Giáo đã tắt ngấm từ năm 1650, và sự suy yếu gây nên bởi thời kỳ Khai Sáng cũng như sự gia tăng các chủ nghĩa dân tộc bắt đầu lộ diện trong thế kỷ này. Các nhà cầm quyền các quốc gia Công Giáo trước đây -- Pháp, Tây Ban Nha, và Áo -- đã cố gắng chiếm thêm quyền bính của các giáo hoàng và của Giáo Hội Công Giáo, đôi khi họ đã thành công.
Ở Pháp, một phong trào được gọi là Gallicanism thực sự muốn thành lập một Giáo Hội Công Giáo tự trị mà trong đó đức giáo hoàng không có thẩm quyền gì và nhà vua thực sự cai trị. Vua Louis XIV, một ông vua chuyên chế, đã lèo lái việc thông qua bốn Ðạo Luật vào năm 1682, trong đó từ chối mọi quyền bính của đức giáo hoàng ở nước Pháp. Ðức Giáo Hoàng Innôxentê VI (k. 1689) đã chống đối vua Louis cho đến khi người từ trần, khiến nhà vua phải nhượng bộ với đức giáo hoàng kế vị. Ở Ðức, một âm mưu tương tự nhằm kiểm soát các giáo hội.
Các hoàng tộc Bourbon và Habsburg, là những người cai trị ở Pháp, Tây Ban Nha và Áo, đã điều đình được với các giáo hoàng để trao cho họ quyền bổ nhiệm các giám mục địa phương và họ có thể cấm phổ biến các sắc lệnh của đức giáo hoàng. Trong phần lớn thế kỷ 18, những hoàng tộc này đã thành công đưa các vị nhu nhược, dễ nhượng bộ lên ngôi giáo hoàng, ngoại trừ Ðức Benedict XIV (1740-58). Khi Ðức Giáo Hoàng Piô VI (1775-99) đến nước Áo để điều đình với Hoàng Ðế Joseph II nhằm giảm bớt các ngăn cấm Giáo Hội Công Giáo ở đây thì đã bị hoàng đế đuổi về không tiếp. Người kế vị là Ðức Giáo Hoàng Piô VII (1800-23) cũng không khá gì hơn khi Napoleon tự xưng là Thánh Ðế Rôma vào năm 1804. Kể từ thời Trung Cổ, giáo triều đã bị giảm bớt quyền lực khi các giáo hoàng ban bố chính sách cho các hoàng đế cũng như khi tấn phong họ.
Có lẽ một thí dụ buồn thảm nhất về sự suy nhược của giáo triều và tình trạng xáo trộn của Giáo Hội Công Giáo vào cuối thế kỷ mười tám là việc Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XIV đóng cửa dòng Tên vào năm 1773. Các tu sĩ dòng Tên, là những người nổi tiếng trung thành với đức giáo hoàng, đã bị nhiều áp lực và bị tấn công trong suốt thế kỷ mười tám. Họ giữ vững lập trường thần học chống với các chủ thuyết thời Khai Sáng, do đó họ trở nên kẻ thù của giới trí thức. Các phương cách truyền giáo của họ ở vùng Viễn Ðông, đưa đến việc hội nhập đạo Công Giáo vào các văn hóa truyền thống, đã bị điều tra từ năm 1633 và sau cùng bị kết án bởi các giáo hoàng từ 1715 đến 1742. Các làng Công Giáo mà họ thành lập ở Paraguay, Nam Mỹ, bị tấn công bởi các nhà cầm quyền Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha vì các lý do chính trị. Sau cùng, một tổ chức mậu dịch với Tân Thế Giới do vị linh mục dòng Tên người Pháp điều khiển phải sụp đổ, và dòng Tên ở Pháp phải ngưng hoạt động để trả nợ. Bị áp lực từ mọi phía, Ðức Giáo Hoàng Clêmentê đã đóng cửa dòng Tên, hậu quả là sáu trăm cơ sở tôn giáo và hàng trăm trường học đã phải ngưng hoạt động, đồng thời trên hai mươi ngàn linh mục và tu sĩ dòng Tên phải giải tán. Dòng Tên, từng tiên phong trong cuộc Cải Cách Công Giáo và dẫn đầu việc truyền giáo ở khắp mọi nơi trên thế giới, bây giờ không còn nữa.
Ðời sống Công Giáo tiếp tục, nhưng trong thế kỷ mười tám, uy tín và ảnh hưởng của Giáo Hội ở mức độ thấp nhất. Các giáo hội Tin Lành bắt đầu công cuộc truyền giáo ở khắp nơi (điều này nhờ ở sự suy tàn quyền lực của Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha và Pháp). Thách đố của các triết gia Khai Sáng chưa được thần học gia Công Giáo giải đáp cách thoả đáng thì lại có nhu cầu cải tổ và canh tân các dòng tu Công Giáo. Trong điều kiện ấy, Giáo Hội Công Giáo ở Pháp, từng bị thử thách bởi các phong trào Gallicanism, Jansenism, Quietism, và việc đàn áp Dòng Tên, giờ đây lại bị thử thách lớn lao nhất, đó là Cách Mạng Pháp.