Thế kỷ thứ ba là giai đoạn chính yếu trong sự phát triển Kitô Giáo cũng như thiết lập các tổ chức và hình thành thần học. Sự bình an tương đối ở Ðế Quốc La Mã từ năm 200 đến 250 đã đem lại thời gian cần thiết cho Giáo Hội để phúc âm hóa và cơ cấu hóa, cũng như các thần học gia có thì giờ suy tư và sáng tác.
Người đầu tiên hệ thống hóa tư tưởng Kitô Giáo, phần lớn dựa vào triết thuyết Hy Lạp, là Ðức Origen ở Alexandria (184 - 254), là người đứng đầu khoa giáo lý ở đây. Dù rằng một số tư tưởng của người sau này bị coi là sai lầm (về vấn đề ma quỷ cũng có thể được cứu chuộc và linh hồn thì đầu thai), Ðức Origen được coi là một nguồn trích dẫn có thẩm quyền trong thế kỷ tiếp đó. Ðức Origen chủ trương phải hiểu Kinh Thánh theo nghĩa biểu tượng - những hình ảnh và câu truyện tượng trưng cho những chân lý sâu xa hơn và cao cả hơn.
Thời gian tương đối êm ả của thế kỷ thứ ba đã giúp nhiều cộng đoàn Kitô Giáo được thành lập một cách dễ dàng và vì thế rất lỏng lẻo. Vào năm 250, Hoàng Ðế Decius, vì sợ số Kitô Hữu ngày càng gia tăng nên đã ra lệnh bách hại toàn thể Giáo Hội trong đế quốc. Trước mặt đại diện nhà cầm quyền, Kitô Hữu nào từ chối không chịu thờ cúng các thần ngoại giáo đều bị tử hình. Hàng ngàn Kitô Hữu vì sợ chết nên đã chối bỏ đức tin, mặc dù cũng có một số sẵn sàng chịu tử đạo. Ðược một năm, cũng như lúc khởi đầu, lệnh bách hại đột ngột chấm dứt, và xảy ra cuộc tranh luận về vấn đề những người chối đạo có được tái gia nhập Giáo Hội hay không. Ðức Giám Mục Cornelius của Rôma và Ðức Giám Mục Cyprian của Carthage chủ trương rằng các giám mục có thể thay quyền Thiên Chúa để tha tội, dù tội trọng, như chối bỏ đức tin, qua sự đền tội khắt khe và lâu dài. Novatian, một linh mục của Rôma bất đồng ý và đã đứng ra thành lập một giáo hội riêng gồm những người đã trung thành với đức tin khi bị bách hại. Giáo Hội Công Giáo xác nhận rằng cộng đồng dân Chúa bao gồm cả những kẻ tội lỗi chứ không chỉ những người chưa bao giờ phạm tội trọng.
Vấn đề này lại tái diễn sau cuộc bách hại của Hoàng Ðế Diocletian từ năm 303 đến 311, mà trong đó các giám mục và linh mục buộc phải giao nộp sách Phúc Âm và sách thiêng liêng để bị thiêu hủy. Sau khi cuộc bách hại chấm dứt, một số Kitô Hữu ở Bắc Phi từ chối không công nhận thẩm quyền của các giám mục và linh mục đã lẩn trốn trong cuộc bách hại hoặc đã trao nộp sách thiêng liêng. Những Kitô Hữu này thành lập một giáo hội riêng và lấy tên là Giáo Hội Ðônatô theo tên của vị giám mục Donatus. Giáo hội này chỉ công nhận thẩm quyền của các vị lãnh đạo đã không chịu trao nộp sách thiêng liêng. Một lần nữa, Giáo Hội Công Giáo khẳng định rằng các người lãnh đạo đã vấp ngã vì “thử thách” vẫn có thể tiếp tục hướng dẫn cộng đồng, vì quyền bính của họ xuất phát từ chính Ðức Kitô. Ngay cả sự yếu đuối và tội lỗi cá nhân cũng không thể làm mất đi sứ vụ mà Ðức Kitô đã giao phó cho họ qua bí tích chức thánh.
Một nguyên tắc quan trọng của Công Giáo xuất phát từ biến cố này: thẩm quyền ban phát các bí tích, giảng dạy, hay hướng dẫn Giáo Hội không tùy thuộc vào sự xứng đáng hay thánh thiện của cá nhân thừa tác viên chức thánh. Ðức Giêsu tiếp tục hoạt động qua trung gian của loài người và tha thứ cho sự yếu hèn của họ, để chứng tỏ rằng sức mạnh của bí tích và chức thánh thì xuất phát từ Thiên Chúa, chứ không bởi loài người.
Cho đến thế kỷ thứ ba, có lẽ hình ảnh đúng nhất về Giáo Hội là cái nhìn của Thánh Cyprian về một con tầu vĩ đại, trong đó có cả kẻ tội lỗi cũng như các thánh và các vị tử đạo, tuy nhiên ơn cứu độ trong thế giới ngoại giáo và điêu tàn chỉ có thể tìm thấy nơi con tầu ấy.
Bất kể các cuộc bách hại dữ dội của các hoàng đế Decius và Diocletian, vào năm 300 số Kitô Hữu gia tăng khoảng năm triệu người trong tổng số 50 triệu của Ðế Quốc La Mã. Vào năm 311, Hoàng Ðế Galerius chấm dứt cuộc bách hại lâu dài của Diocletian. Tuy nhiên, một biến cố xảy ra vào năm tiếp đó đã thay đổi vận mệnh của Giáo Hội Công Giáo và của nền văn minh Tây Phương.
Hoàng Ðế La Mã của miền Tây (phía Tây Ðịa Trung Hải) là Constantine nằm mơ thấy có người hiện ra, đảm bảo là ông sẽ thắng trận nếu dùng dấu hiệu của Ðức Kitô bằng tiếng Hy Lạp, chữ Chi-Rho . Khi ra lệnh khắc dấu hiệu này trên khiên thuẫn của quân lính và ông đã thắng lớn ở trận Milvian gần Rôma, ông cho rằng Thiên Chúa của người Kitô đã giúp ông chiến thắng. Năm kế đó (313), với sự đồng ý của Hoàng Ðế phương Ðông là Licinius, ông ban hành Chỉ Dụ Milan cho phép tự do tôn giáo trên toàn Ðế Quốc La Mã. Kitô Giáo không còn là một tôn giáo bất hợp pháp!
Ðó mới chỉ là bước đầu. Vào năm 324, khi Constantine trở thành hoàng đế độc nhất của đế quốc, ông bắt đầu tích cực hỗ trợ Kitô Giáo và coi đó là mối giây kết hợp mới trong Ðế Quốc La Mã thế cho việc thờ các thần của người La Mã. Constantine xây cất nhà thờ; thiết đặt các luật lệ nhằm tôn trọng ngày Chúa Nhật, Lễ Giáng Sinh và các ngày lễ Kitô Giáo khác; bảo vệ giáo sĩ Kitô Giáo; vân vân. Dù có nhiều giả thuyết khác nhau về động lực cũng như chiều kích sâu xa của việc Constantine trở lại Kitô Giáo, vào năm 313 ông tự xưng là một Kitô Hữu và được rửa tội khi trên giường hấp hối vào năm 337.
Kitô Hữu trên toàn đế quốc đã hân hoan khi nghe Constantine trở lại đạo. Ðây là điều họ từng cầu xin và chờ đợi hàng thế kỷ - một đế quốc Kitô Giáo. Tuy nhiên, không bao lâu Giáo Hội thấy rằng đó không phải là một ơn sủng thuần tuý không có những sự xáo trộn. Sự liên minh giữa Giáo Hội và quốc gia tạo nên nhiều căng thẳng, như lịch sử trong thế kỷ thứ tư đã cho thấy.
Một thí dụ là cuộc khủng hoảng Arian, là sự thử thách lớn nhất mà Giáo Hội phải đương đầu lúc bấy giờ, và có lẽ cả trong lịch sử Giáo Hội. Một linh mục tên Arius, ở Alexandria, Ai Cập, chủ trương rằng Con Thiên Chúa (được thể hiện qua Ðức Giêsu Kitô) không phải là Thiên Chúa mà là một tạo vật thượng đẳng của Thiên Chúa. Arius hậu thuẫn cho các lý luận của mình qua một số văn bản trong Phúc Âm (Gioan 14:28; Mc 13:32; 15:34; Mt 27:46), nhất là các đoạn nhấn mạnh đến nhân tính của Ðức Giêsu. Ðiều ngạc nhiên là Arius đã thuyết phục được một số giám mục Công Giáo.
Khi các giám mục bắt đầu tranh luận về giáo thuyết của Arius, Constantine coi đây là mối đe dọa cho sự hợp nhất của đế quốc và ông quyết định can thiệp. Ông triệu tập tất cả các giám mục trong “công đồng” đầu tiên ở Nicaea (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) năm 325. Các giám mục quyết định rằng Arius thì sai lầm và các đấng ấy phát triển một công thức tuyên tín để làm sáng tỏ tín điều của Giáo Hội. Kinh tin kính này đã dùng chữ Hy Lạp homoousios để chống lại Arius -- nghĩa là, Ðức Giêsu “đồng bản tính” hoặc “làm một” với Ðức Chúa Cha. Nói cách khác, bất cứ Cha như thế nào thì Con cũng vậy; nếu Cha là Thiên Chúa thì Con cũng là Thiên Chúa.
Cuộc tranh luận lẽ ra phải chấm dứt ở đây, nhưng đã không xảy ra như vậy. Hai trong ba vị giám mục sau này quyết định rằng, Giáo Hội không thể dùng một chữ không có trong phúc âm (homoousios) để giải quyết vấn đề, do đó họ quyết định là Arius đúng. Họ xoay sở để thay đổi ý kiến của một vài vị giám mục khác và sau cùng tìm cách thuyết phục vị tân hoàng đế. Tại đây bắt đầu một trang sử bất hạnh vì Nhà Nước Rôma can thiệp vào Giáo Hội. Khi các giám mục phò-Arius vận động để vị tân hoàng đế (và các hoàng đế tiếp đó) nghe theo ý kiến của mình, các hoàng đế bắt đầu dùng áp lực chính trị đối với các giám mục hỗ trợ Kinh Tin Kính Nicaea. Thật vậy, một số giám mục đã bị áp lực phải trục xuất ra khỏi giáo phận của mình.
Ðể tóm lược, sự khủng hoảng này đưa đến ba nhận định sau:
1. Thật nguy hiểm cho Giáo Hội khi để nhà cầm quyền dân sự dính líu đến các vấn đề thần học và tín lý cũng như vấn đề nội bộ Giáo Hội nói chung.
2. Sự xuất hiện của một số khuôn mặt vĩ đại, kiên trì bảo vệ chân lý. Trên tất cả là Thánh Athanasius, đức giám mục của Alexandria, bị hoàng đế phe Arius lưu đầy năm lần vì người bảo vệ Công Ðồng Nicaea.
3. Nguyên tắc của Công Giáo là nếu cần phải dùng một chữ không có trong phúc âm để xác định hoặc làm sáng tỏ một chân lý, thì điều ấy hợp pháp. Người Công Giáo tin rằng, khi dẫn dắt Giáo Hội, Chúa Thánh Thần không bị giới hạn trong Phúc Âm. Chân lý của Thiên Chúa được lưu truyền qua truyền thống đích thực của Kitô Giáo - qua công thức tuyên tín cũng như Phúc Âm. Danh từ homoousios là chữ duy nhất có thể bài bác lại Arius và xác nhận tín điều Kitô Giáo về thiên tính của Ðức Giêsu Kitô, là Con Thiên Chúa.
Trong thời kỳ khủng hoảng, mọi sự có vẻ tiêu điều vì lạc giáo Arian. Năm 361, Thánh Giêrôme viết, “Toàn thế giới bừng tỉnh và rên rỉ khi thấy mình thuộc phe Arian.” Nhưng sau đó, cả một làn sóng đảo ngược tình hình. Sau hoạt động bền bỉ của Ðức Athanasius ở Ai Cập, ba vị thần học lớn của Cappadocia thuộc Tiểu Á đã xuất hiện để bảo vệ Kinh Tin Kính Nicene: Thánh Basil ở Caesarea, Thánh Grêgôriô ở Nyssa, và Thánh Grêgôgiô ở Nazianzus. Văn bản và ảnh hưởng của các đấng ấy đã thuyết phục được các giám mục còn lưỡng lự hoặc chưa hỗ trợ lập trường của Công Ðồng Nicaea. Năm 381, Công Ðồng Constantinople tái xác nhận Chúa Con thì “đồng bản tính” (homoousius) với Chúa Cha, và công đồng còn thêm là Chúa Thánh Thần cũng là Thiên Chúa như các Giáo Phụ Cappadocia đã lập luận. Kinh Tin Kính Nicaea mà người Công Giáo ngày nay tuyên xưng trong Thánh Lễ Chúa Nhật thực sự đã được các giám mục trong công đồng này tuyên xưng. Không may, sự tin tưởng lầm lạc của phe Arian lan tràn đến các bộ lạc chung quanh Ðế Quốc Rôma (như bộ lạc người Visigoth, người Ostrogoth, và người Vandal), là những người đã quấy phá Giáo Hội Công Giáo trong thế kỷ tới khi họ chiếm được khá nhiều lãnh thổ của Ðế Quốc Rôma.
Việc chấm dứt bách hại người Kitô trong Ðế Quốc Rôma cũng đưa đến kết quả là chấm dứt sự tử đạo. Trong thế kỷ thứ tư một số anh hùng mới mẻ của đức tin xuất hiện: đó là các đan sĩ, và cũng được gọi là Tu Phụ Sa Mạc. Họ đích thực là những người đáp lời mời gọi của Ðức Giêsu để bán tất cả của cải, phân phát cho người nghèo, và đi theo Người. Ðể noi gương Ðức Kitô qua đời sống hãm mình và cầu nguyện, họ đi vào sa mạc hoặc hoang địa để sống cô độc với Thiên Chúa. Chữ “đan sĩ” được dịch từ tiếng Latinh “monos” (đan độc). Khoảng năm 270, Antony, một nông dân Ai Cập, đã đi vào sa mạc và mãi cho đến năm 305 người mới về lại thành phố và trở nên một bậc thầy về linh đạo. Thánh Athanasius đã lưu danh muôn thuở tên tuổi của Thánh Antony và giúp lan truyền phong trào “đan viện” hoặc “ẩn tu” qua những bài viết về tiểu sử Thánh Antony. Thánh Athanasius luôn luôn là người bạn chí thiết và nhiệt liệt hỗ trợ các đan sĩ trong suốt cuộc đời người .
Thánh Pachomius, một người Ai Cập khác, đã thành lập một cộng đoàn khổ tu trong sa mạc gần sông Nile và từ đó đã phát sinh một nếp sống đan viện mới. Hầu hết các đan sĩ sau thời kỳ này đã sống gần nhau trong các làng thưa thớt hoặc cùng sống chung với nhau qua những lúc cầu nguyện, thờ phượng và làm việc. Họ dùng toàn thời gian còn lại để chiêm niệm, một số để làm việc, và thường thường trong thinh lặng.
Lối sống mới này của Kitô Giáo, phong trào đan viện hay khổ tu, không phải là điều kỳ cục hoặc có vẻ mầu mè của quá khứ. Nó lan rộng khắp Ðế Quốc La Mã và mau chóng thu hút được nhiều người muốn theo Ðức Kitô, sống đời cầu nguyện và khước từ bản thân trong một phương cách quyết liệt. Mặc dù ngày nay, một số người cho đó là lối sống kỳ quặc hoặc một cách thoát khỏi thực tế, nhưng đó là một chứng từ đối với những người thời ấy và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Ðời sống đan viện chứng minh rằng người Kitô không chỉ sống cho sự thành công hoặc vui thú ở đời này nhưng còn để thờ phượng Thiên Chúa và chuẩn bị cho sự sống đời sau. Thời gian ấy, các đan sĩ được Kitô Hữu kính trọng như các vị tử đạo mới, các nhân chứng mới cho Ðức Kitô.
Mặc dù các đan sĩ đi vào sa mạc để thoát khỏi thế gian, một số được gọi trở lại để phục vụ với tư cách giám mục, là các nhà lãnh đạo Giáo Hội. Các Giáo Phụ Cappadocia khởi sự là các đan sĩ sau đó được chọn làm giám mục vì sự thánh thiện và tài lãnh đạo của họ. Thật vậy, Thánh Basil ở Caesarea đã viết “quy luật” đầu tiên cho các đan sĩ thuộc Giáo Hội Ðông Phương. Nhiều vị giám mục vĩ đại của Ðông Phương và các giáo hoàng cũng như các giám mục Tây Phương (nói tiếng Latinh) trong thế kỷ kế tiếp cũng đã xuất thân từ đan viện. Thánh Gioan Chrysostom (354-407) vị thuyết giảng “kim khẩu” cũng khởi đầu là một đan sĩ, người làm giám mục Constantinople cho đến khi bị hoàng đế đầy ải.
Thánh Martin ở Tours sáng lập một đan viện ở Gaul (Pháp) năm 371, và thường được coi là Viện Phụ Tây Phương. Hai vị Giáo Phụ vĩ đại của Giáo Hội Tây Phương trong thế kỷ thứ tư là Thánh Augustine và Thánh Giêrôme cũng đã sống như các đan sĩ. Thánh Giêrôme, vị học giả Kinh Thánh vĩ đại của thế giới nói tiếng Latinh, đã sống khổ hạnh một thời gian khá lâu trong cái hang ở Bêlem. Thánh Augustine sống đời ẩn tu cùng với một số bạn hữu sau khi trở lại Kitô Giáo. Người trở lại đạo là nhờ lời cầu nguyện của mẹ người là Thánh Mônica, và lời rao giảng của Thánh Ambrôsiô, vị giám mục của Milan. Dù được tấn phong làm giám mục của Hippo, Bắc Phi, Thánh Augustine vẫn sống như một đan sĩ và đã đặt ra quy tắc đan viện cho các đan sĩ mà người sống chung với họ. Lối sống kỷ luật này đã giúp Thánh Augustine, qua quyền năng của Thiên Chúa, trở nên một văn sĩ có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Giáo Hội. Người viết cuốn Tự Thú (Confessions), những nhận định về Kinh Thánh, những văn bản chống với bè phái Donatist và lạc giáo Pelagianis, các luận án thần học vĩ đại (như cuốn On The Trinity), và sau cùng những nhận định xác đáng về sự tương giao giữa Giáo Hội và trần thế, cuốn The City of God.
Thế kỷ thứ tư là thế kỷ của sự khủng hoảng cũng như sự vĩ đại cho Giáo Hội Công Giáo. Năm 381, Theodosius tuyên bố Kitô Giáo là tôn giáo chính thức duy nhất của Ðế Quốc Rôma và ông muốn chấm dứt ngoại giáo. Số người theo Kitô Giáo vút cao và đưa đến vấn đề là nhiều người gia nhập Giáo Hội chỉ vì lợi ích chính trị. Bây giờ, làm người Kitô thì dễ dàng và thoải mái hơn người ngoại giáo, hoặc tín đồ của bất cứ tôn giáo nào khác. Ðiều này đưa đến một thử thách mới cho Giáo Hội. Mặc dù bài vở giáo lý căn bản cho người tân tòng đã được hình thành cách đầy đủ bởi các giám mục, như Thánh Cyril ở Giêrusalem, nhưng các bài giảng Chúa Nhật thường kéo dài từ ba đến bốn tiếng đồng hồ để dạy bảo làn sóng người tân tòng.
Vào năm 343, Công Ðồng Sardica trao toàn quyền của giáo hội Tây Phương cho vị giám mục Rôma là đức giáo hoàng, và quyết định này được Hoàng Ðế Gratian xác nhận năm 378. Ðức Giáo Hoàng Damasus tuyên bố rằng quyền bính của đức giáo hoàng thực sự không do bởi một công đồng hay một hoàng đế nhưng bởi chính Thiên Chúa qua mệnh lệnh của Người ban cho Thánh Phêrô (Mt 16:18). Ðể hỗ trợ cho thẩm quyền của đức giáo hoàng, Thánh Ambrôsiô đồng ý rằng “Ngai tòa Phêrô ở đâu, thì Giáo Hội ở đó”. Thánh Giêrôme viết cho Ðức Giáo Hoàng Damasus:
Mặc dù trong thế kỷ này, đức giám mục của Constantinople ngày càng gia tăng thẩm quyền và được coi như các “thượng phụ” (hoặc trưởng giám mục) của Ðông Phương hay các giáo hội nói tiếng Hy Lạp, nhưng không một quyết định nào có thể ràng buộc Giáo Hội Công Giáo mà không có sự chấp thuận của giám mục Rôma.
Nhưng chúng ta sẽ thấy, sự can trường và thẩm quyền của đức giáo hoàng và các giám mục sẽ bị thử thách nặng nề trong thế kỷ thứ năm bởi các tranh luận về thần học và bởi Ðế Quốc Rôma bị xâm lăng.