Thế kỷ thứ năm bắt đầu bằng sự chia cách thực sự giữa các đế quốc của Ðông Phương (nói tiếng Hy Lạp) và Tây Phương (nói tiếng Latinh). Chúng ta có thể nhắc lại lịch sử của mỗi miền một cách riêng biệt. Vào năm 410, Tây Phương bị rúng động bởi hành động xâm lấn của bộ lạc người Visigoth. Dần dà, các bộ lạc khác như Vandal và Hun cũng đã xâm lấn các phần đất của Ðế Quốc Tây Phương, cho đến khi họ hoàn toàn kiểm soát Tây Phương vào năm 476. Khi thế lực chính trị của Rôma tan rã, đức giáo hoàng và các giám mục bắt đầu phải dẫn dắt và bảo vệ dân Chúa về phương diện vật chất cũng như tinh thần. Có lẽ vị lãnh đạo Giáo Hội can đảm nhất là Ðức Lêô I, là giáo hoàng từ 440 đến 461, người đã can gián Attila người Hun đừng xâm lăng Rôma, và đã thuyết phục Geneseric người Vandal dù cướp bóc Rôma nhưng đừng tàn phá thành phố này. Vào thế kỷ thứ sáu và thứ bảy, “điểm vui mừng” là Kitô Hữu bắt đầu tìm cách đưa những người theo lạc giáo Arian trở về với Công Giáo. Giáo Hội thường “chiến thắng những kẻ chinh phục” theo phương cách này - đó là sự hoán cải.
Sự thử thách về phương diện thần học của Giáo Hội Tây Phương trong thời gian này là ảnh hưởng của phe Pelagius. Pelagius là một đan sĩ người Anh cho rằng bản tính loài người không bị hư hỏng bởi tội nguyên tổ. Do đó, người ta không cần ơn Chúa để xa lánh tội lỗi nhưng chỉ cần sống tốt lành, như Ðức Giêsu. Giáo Hội Tây Phương nhận định rằng Pelagius đã sai lầm, vì nếu như thế ơn cứu độ sẽ tùy thuộc vào công sức của loài người chứ không phải là ơn sủng của Thiên Chúa. Một số thần học gia nghĩ rằng, Thánh Augustine đã đi quá xa khi bài bác Pelagius, khi người cho rằng mọi sự đều nhờ đến ơn Chúa và công phúc của loài người chỉ có giá trị rất nhỏ. Công Ðồng Orange năm 529 đưa ra quyết định dựa trên quan điểm của Thánh Augustine, nhấn mạnh đến sự tuyệt đối cần thiết của ơn Chúa để có thể thi hành điều lành, nhưng cũng công nhận rằng cần có sự cộng tác của loài người trong việc chấp nhận ơn sủng của Thiên Chúa.
Trong Ðế Quốc Ðông Phương, tình hình chính trị ổn định hơn đã đem lại cơ hội cho các giám mục và thần học gia chú trọng đến các vấn đề thần học. Trước hết, đức giám mục của Constantinople là Nestorius cho rằng không thể gọi Ðức Maria là theotokos, nghĩa là Mẹ Thiên Chúa. Nestorius là một phần tử của nhóm thần học được gọi là trường phái Antiôkia, nhóm này không muốn bị mơ hồ giữa thiên tính và nhân tính. Gọi Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa sẽ đưa đến sự lẫn lộn giữa Thiên Chúa và loài người, vì Ðức Maria không thể sinh ra Thiên Chúa.
Tuy nhiên, một nhóm khác được gọi là trường phái Alexandria, do Thánh Cyril là giám mục của Alexandria đứng đầu, lại không thấy có gì trở ngại khi gọi Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa, vì câu xưng tụng đó đã bảo vệ được tính cách hiệp nhất của thiên tính và nhân tính của Ðức Giêsu. Vấn đề này được giải quyết vào năm 431 bởi Công Ðồng Êphêsô, trong đó các giám mục tuyên bố là Nestorius sai lầm và xác nhận truyền thống lâu đời của Kitô Hữu khi cầu xin với Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Ðiều này có nghĩa Ðức Maria là mẹ của Thiên Chúa trong bản tính loài người, người mẹ của “Thiên Chúa làm người”, chứ không phải mẹ của Ðức Giêsu về bản tính Thiên Chúa.
Cuộc tranh luận về bản tính của Ðức Kitô đã nẩy sinh một cuộc tranh luận khác vào giữa thế kỷ. Không kể đến sự kèn cựa có tính cách chính trị ở hậu trường giữa đức thượng phụ Constantinople và đức thượng phụ Alexandria, còn có vấn đề thần học nghiêm trọng về bản tính Ðức Giêsu, vấn đề Người chỉ có một bản tính là thiên tính hoặc có hai bản tính tách biệt nhau gồm thiên tính và nhân tính. Sau cùng, vấn đề được giải quyết trong Công Ðồng Chalcedon năm 451 mà trong đó các giám mục đã tổng hợp và quân bình những điều tin tưởng chính đáng của hai trường phái Antiôkia và Alexandria. Công đồng tuyên bố rằng Ðức Giêsu có hai bản tính, thiên tính và nhân tính, cùng hợp với nhau “một cách không mơ hồ hoặc biến đổi, không phân chia hoặc tách biệt” để hình thành một con người trọn vẹn của Ðức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể.
Yếu tố then chốt để giải quyết vấn đề là lá thư của Ðức Giáo Hoàng Lêô I mà trong thư ấy, người đã tiên đoán đúng để đưa ra những hướng dẫn cho các giám mục Ðông Phương trong Công Ðồng Chalcedon. Công đồng này đem lại nhận thức căn bản về bản tính của Ðức Giêsu Kitô mà vẫn còn giá trị cho đến ngày nay.
Nhưng không may, vấn đề không chấm dứt ở đây. Như đã xảy ra sau Công Ðồng Nicaea năm 325, một số Kitô Hữu ở Ðông Phương tẩy chay quyết định của Công Ðồng Chalcedon năm 451 và họ tiếp tục tin rằng Ðức Giêsu Kitô chỉ có một bản tính (monophysis), là bản tính Thiên Chúa. Những người này mệnh danh là Monophysite và tự tách rời thành lập giáo hội riêng ở Ðông Phương. Một số (có thể nói hầu hết) các thần học gia sáng giá của Ðông Phương trong thế kỷ thứ năm và thứ sáu đều thuộc Monophysite. Ngay cả các thủ đoạn chính trị của các hoàng đế Ðông Phương như Justinian cũng không thể tiêu diệt hoặc khuất phục được người Monophysite.
Trong thế kỷ thứ năm và thứ sáu, có sự phát triển mạnh mẽ về tư tưởng và quan niệm thần học trong Ðế Quốc Ðông Phương. Thần học này, thường được gọi là Byzantine, được phong phú hoá bởi tư duy triết Hy Lạp, kể cả lý luận của Aristotle. Thần học Byzantine không chỉ trích dẫn trong Phúc Âm mà còn dùng đến các văn bản của các Giáo Phụ Ðông Phương (ngay cả Ðức Cyril) như các nguồn trích dẫn có thẩm quyền. Ở Ðông Phương, không có sự cách biệt lớn lao giữa giáo sĩ và giáo dân hoặc Giáo Hội và nhà nước. Các hoàng đế như Justinian tự coi mình là thần học gia và cảm thấy có trách nhiệm dẫn dắt Giáo Hội, ngay cả việc sử dụng đến quyền bổ nhiệm hoặc truất phế các giám mục. Vào thời kỳ này, ở Ðông Phương có sự liên minh chặt chẽ giữa Giáo Hội và nhà nước cho đến khi có sự xâm lăng của người Hồi Giáo.
Kitô Hữu Ðông Phương cũng phát triển một cách thờ phượng phong phú và đầy ý nghĩa, được kéo dài cho đến ngày nay. Họ nhấn mạnh đến tính cách linh thiêng của các mầu nhiệm đức tin, các nghi thức và phụng vụ của họ thật huy hoàng và nhiều cảm xúc. Họ thành lập nghi thức phụng vụ riêng, tỉ như Phụng Vụ Thánh Gioan Chrysostom mà càng ngày càng tách biệt với các phụng vụ Latinh của Tây Phương. Giáo Hội Ðông Phương cũng nhấn mạnh đến việc sùng kính Ðức Maria và các thánh.
Một giai đoạn lớn lao trong việc học hỏi thần học và linh đạo được gọi là Thời Các Giáo Phụ đi đến kết thúc vào thế kỷ thứ sáu. Tây Phương thì đủ bận rộn với vấn đề sống còn khi phải đương đầu với sự xâm lăng của các bộ lạc từ phương bắc, phương đông, và phương nam.
Ðế Quốc Ðông Phương, trước đây từng ổn định, bây giờ bắt đầu bị đe dọa bởi sự tấn công của người Hồi Giáo, mà sau đó đã bị tràn ngập. Ðế Quốc Tây Phương dưới sự kiểm soát của những bộ lạc theo Arian bắt đầu hoán cải những người này trở lại Kitô Giáo, và lần lượt từng vương quốc ở Tây Phương sụp đổ (người Burgundy năm 532; người Vandals năm 533; người Ostrogoth năm 553). Trong khi đó, Clovis, vua người Frank, đã trở lại Kitô Giáo năm 496 và mạnh mẽ hỗ trợ Giáo Hội. Năm 529, Thánh Benedict (Biển Đức) thành lập một đan viện ở Cassino nước Ý mà không bao lâu đã thay đổi cả bộ mặt Âu Châu. Dựa trên một chính sách lành mạnh “vừa làm vừa cầu nguyện” và chủ trương các đan sĩ chỉ ở một nơi, các đan viện của Thánh Biển Ðức trở nên trung tâm duy trì các nền văn hóa Tây Phương và La Mã, đồng thời cũng là nơi truyền bá Phúc Âm. Dưới thời Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô I (Cả), các đan sĩ Biển Ðức là một sức mạnh truyền giáo đáng kể.
Tuy nhiên, trước thời các đan sĩ Biển Ðức, Thánh Patrick đã đem tin mừng đến Ái Nhĩ Lan (461) và thành lập các đan viện khổ tu giống như các đan viện của Thánh Pachomius ở Ai Cập. Thánh Columba, một đan sĩ Ái Nhĩ Lan, thành lập một đan viện ở Iona, Tô Cách Lan năm 563. Nhờ đó, các bán đảo người Anh bắt đầu biết đến Kitô Giáo. Và lịch sử Giáo Hội bước sang một giai đoạn mới, thời Trung Cổ.