Nguoi Tin Huu Logo
  • Trang Nhà
  • Trang Chính
    • CHIA SẺ
      • ĐỖ TRÂN DUY
      • Lm. HỒNG GIÁO
      • NGUYỄN HUỆ NHẬT
        • TỪ ÁO CÀSA ĐẾN THẬP TỰ GIÁ
        • AI CHẾT CHO AI? AI SỐNG CHO AI?
        • ĐỐI THOẠI VỚI MỘT PHẬN TỬ
      • NHIỀU TÁC GIẢ
    • DÒNG MÁU ANH HÙNG
    • ĐƯỜNG VÀO ĐẠO
    • HIỂU ĐỂ SỐNG ĐẠO
    • HÔN NHÂN CÔNG GIÁO
    • HỘ GIÁO
    • LỊCH SỬ GIÁO HỘI
    • MÁI ẤM GIA ĐÌNH
    • PHỤNG VỤ
      • Bài Giảng
      • Các Nghi Thức
    • SÁCH & TRUYỆN
  • Trang Hàng Ngày
    • GƯƠNG THÁNH NHÂN
    • SUY NIỆM HÀNG NGÀY
  • Trang Ngoài
    • VIETCATHOLIC
    • CẦU NGUYỆN BẰNG THÁNH VỊNH ĐÁP CA
    • HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN
    • DÒNG CHÚA CỨU THẾ VN
    • DÒNG TÊN VN
    • LIÊN HIỆP BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP VN
    • TRANG SỨ GIẢ TÌNH YÊU

Lm. Vinh Sơn Trần Minh Thực
II. MỘT ĐÔI NÉT VỀ NHỮNG CUỘC BÁCH HẠI ĐẠO THỦA BAN ĐẦU VÀ DƯỚI THỜI NHÀ NGUYỄN

Từ góc nhìn của người châu Âu

Từ góc nhìn của người châu Âu, nội dung của các bản văn cấm đạo là những lời vu khống trắng trợn, giống như những gì đã diễn ra trong mọi cuộc bách hại từ thời Hội Thánh sơ khai 1. Trước những lời vu khống thậm tệ qua các bản văn cấm đạo dưới thời Minh Mạng, như chúng ta đã đọc ở trên, thừa sai Pierre Dumoulin Borie Cao, lúc đó đang hoạt động ở vùng Bố Chính, muốn vào tận triều đình để tranh luận với nhà vua 2. Vậy vì đâu vua Minh Mạng và triều đình Huế lại công bố những bản văn vu khống như chúng ta đọc thấy trên đây? Chúng ta đã thấy một phần lí do ít nhiều liên quan đến nghi lễ. Nhưng cũng còn có những lí do khác nữa.

Chủ ý bôi nhọ

Chúng ta có thể đọc thấy ý tưởng này trong bức thư đề ngày 21-1-1837 của cha Jaccard Phan, một người đã nhiều năm làm việc ở kinh thành Huế:

Vua Minh Mạng biết rất rõ về đạo, ít ra là những nét chính yếu. Chắc chắn nhà vua không tin vào những lời vu khống mà nhà vua công bố chống lại đạo này 3.

Về ý định vào Huế để biện hộ cho giáo lí công giáo của cha Borie Cao, bề trên trực tiếp của cha lúc đó là cha chính Masson đã ngăn cản với những lời lẽ như sau:

Trong khi vẫn khen ngợi nhiệt huyết của ngài, tôi phản đối kế hoạch này, vì tôi chắc chắn rằng vua Minh Mạng không phạm tội vì dốt nát, và rằng bằng cách thức liều lĩnh này, không chỉ cha Borie sẽ hứng chịu cái chết không cần thiết và vô ích, nhưng cha sẽ đưa đến những kết quả là những điều đáng tiếc cho mọi Kitô hữu thuộc quyền chúng tôi 4.

Khi nhận xét về bản Thập Điều này do vua Minh Mạng ban hành ngày 14-7-1834, cha Vermeil còn nói đến những lí do khác nữa:

Tài khéo của triết gia mang vương miện này chứng tỏ rằng nhà vua biết đến Kitô giáo. Quả thực ta biết rằng nhà vua có đọc những sách tôn giáo; Chính cha Jaccard đã mang đến cho nhà vua một cuốn Tân Ước; nhưng bị u mê vì những thói truỵ lạc tệ hại, hoặc bị mù quáng vì thù hận, nhà vua không hiểu được những sách này. Sau khi đã đọc rằng Giêsu Kitô, bị giết vì thù hận tôn giáo, đã phục sinh vào ngày thứ ba, rằng máu các vị tử đạo là hạt giống sinh ra các Kitô hữu, vả lại khi thấy người ngoại giáo bắt chương các tín hữu tỏ lòng tôn kính các vị tử đạo như các tín hữu, nhà vua bị nỗi sợ hãi tác động mạnh mẽ liên quan đến những hệ quả của cuộc bách hại. Sau khi đã chém đầu cha Gagelin, đem bêu ở mọi tỉnh mà vị thừa sai đã rao giảng, nhà vua sợ phải thấy cha sống lại vào ngày thứ ba. Nên nhà vua truyền cho xem xác cha, nhưng vị các Kitô hữu đã mai táng cha ở một nơi kín đáo, nên nhà vua đe doạ tiêu diệt tất cả, nghiền nát tất cả nếu người ta không trả lại xác cho nhà vua. Người ta đã tuân lệnh, và nỗi sợ của nhà vua tiêu tan khi ngày thứ ba trôi qua 5.

Chúng ta nhận thấy ở đây phần nào những lí do khiến vua Minh Mạng và triều đình đưa ra những lời vu khống nặng nề: óc kì thị, lòng hận thù, quan điểm Nho giáo mù quáng. A. Launay đưa ra những nhận xét giúp ta hiểu rõ hơn về vua Minh Mạng, sau khi đã nói về vua Gia Long:

Con trai ông, Minh Mạng, một ông vua nổi tiếng theo kiểu Nêrô, vốn sợ và ghét người châu Âu, đặc biệt là người Pháp, những người duy nhất đã làm những điều tốt đẹp cho gia đình ông; nhà vua đã muốn tiêu diệt đạo công giáo trong Nước mình, xua đuổi hoặc giết chết các thừa sai. Lòng biết ơn rõ ràng không chỉ là đức hạnh của những kẻ làm ơn, điều đó còn đúng hơn nữa ở Viễn Đông so với Tây Phương.

Người ta nói rằng nhà vua thông minh, có thể, nhưng là thông minh theo lối những sĩ phu Trung Quốc và Việt Nam, chỉ nhìn về quá khứ, cay đắng gắn bó với quá khứ, không có khả năng tìm kiếm nơi hiện tại những dấu chỉ giúp dự liệu và chuẩn bị tương lai. Chính tinh thần hẹp hòi, tinh thần đã khiến tính cố chấp của nhà vua nổi bật lên và lòng bất nghĩa được phản chiếu một cách khéo léo 6. 

Ngày 14-7-1834, vua Minh Mạng ban hành một bản huấn điều bao gồm 10 khoản, quen gọi là Thập Điều 7. Đức cha Retord Liêu đã đưa ra những lời nhận xét về bản huấn điều này:

Chẳng phải kì cục sao khi nghe nhà vua rao giảng thực hành mọi nhân đức, còn nhà vua lại là kẻ gian ác nhất trong vương quốc, khi nghe nhà vua ra lệnh sống tiết độ nơi bàn ăn, còn nhà vua say sưa mọi lúc; khi nghe nhà vua khích lệ dân chúng dẹp bỏ những dục vọng dâm ô, còn nhà vua chỉ có 700 phi tần, những người đó sinh cho nhà vua 125 người con hiện còn sống, không kể những người con đã chết; khi nghe nhà vua nới rằng người giầu không được đàn áp người nghèo, kẻ mạnh không đè bẹp người yếu, còn nhà vua lại đè bẹp cả vương quốc mình bằng sự tàn bạo sắt máu, khiến gieo rắc đói nghèo và cái chết mọi nơi … 8

Như vậy, có lẽ phải hiểu rằng những bản văn nặng tính vu khống của vua Minh Mạng nói riêng và triều đình nhà Nguyễn nói chung, mang dấu ấn sâu đậm của óc kì thị, lòng thù ghét, cùng với thái độ tự tôn thái quá dựa trên nền tảng Nho giáo. Những yếu tố này đã khiến vua Minh Mạng dùng những bản văn công khai tuyên truyền theo kiểu bôi nhọ, nhằm có lí do chính đáng tiêu diệt thứ tôn giáo mà nhà vua và triều đình cho rằng không phù hợp, thậm chí có hại cho chính giáo, tức Nho giáo.

Vì quyền bính tối thượng

Bên cạnh những yếu tố kể trên, chúng ta còn phải kể đến một lí do chính yếu dẫn đến sự thù ghét thậm tệ của vua chúa và triều đình đối với đạo công giáo, với nhận xét rất đáng lưu tâm dưới đây:

Đâu là lí do những cuộc cướp phá, thiêu huỷ, tù đày, những cuộc tử đạo, đánh vào những người công giáo? Đâu là những cảm xúc tham lam, báo thù, căm ghét đã là vũ khí cho những bàn tay đao phủ và gợi ý cho những sắc dụ mang tính huỷ diệt đẫm máu?

Đối với câu hỏi này, chỉ có một lời đáp, nhưng lời đáp này đã làm xuyên thấu vào những chốn sâu xa nhất của ngoại giáo, lời đáp này chỉ ra nền tảng giáo thuyết ngoại giáo, tiết lộ ra tác giả của truyền thống này và vạch trần những hệ quả của nó. Nguyên nhân của biết bao điều ác này chính là lòng thù hận. Cảm xúc thúc đẩy và trợ lực cho vua Tự Đức và những người theo ông chính là lòng thù hận. Lòng thù hận tôn giáo vốn đã tồn tại từ nhiều thế kỉ, hiện diện ở mọi nơi và mọi lúc trong những xứ ngoại giáo và có thể được định nghĩa bằng một từ: đó là lòng thù hận của Xatan chống lại Thiên Chúa. Chính lòng thù hận này đã gợi hứng cho Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Vào giai đoạn này, lòng thù hận lại được nhân đôi do sự thù ghét người ngoại quốc.

Nơi các quốc gia ở Viễn Đông, không giống như ở Phương Tây, đất nước không phải là nơi hội tụ thành một thể thống nhất một số nhiều ít đáng kể các tỉnh, được liên kết lại nhờ những kí ức vinh quang hay buồn bã, có lẽ đất nước là điều gì đó giống như trong các xã hội cổ xưa, là một lãnh thổ mà tôn giáo quốc gia đã thánh hiến. Chắc chắn và thoạt tiên, ta có thể nói rằng đất nước trước hết là phần đất của tổ tiên, với toàn bộ luật lệ, những thiết chế, những tập tục. Các dân tộc Viễn Đông thù ghét người ngoại quốc không chỉ vì họ ra lệnh nhân danh một vị chủ tể khác, nhưng vì họ xâm nhập đất đai nơi tổ tiên cư ngụ, ấn định những luật lệ khác và chế nhạo những lề thói cổ xưa. Sự lẫn lộn quyền bính dân sự và tôn giáo gây ra một vấn đề trầm trọng. Hoàng đế là vị được Trời sai đến nên là trưởng tế đại diện của Trời nên Hoàng đế có quyền cả trên thân xác lẫn lương tâm và hiểu biết của thần dân, mọi điều ông dạy phải là chân lí, mọi điều ông ra lệnh đều đúng đắn. Thế mà các Kitô hữu lại đặt mình dưới một thứ quyền bính còn cao hơn hoàng đế 9.

Thay lời kết

Trong những phần trình bày này, con đã trích dẫn rất nhiều, nhưng đó thực ra lại chỉ là những đoạn văn ngắn ngủi trong kho tài liệu đồ sộ là các bản văn các thứ tiếng Latinh, Ý, Pháp, Anh, và kho tàng Hán - Nôm từ thế kỉ 17. Đây là một kho tàng khôn ngoan đồ sộ, là nền tảng lịch sử quan trọng mà chúng ta dễ dàng tiếp cận vào thời kĩ thuật số, nhưng đồng thời cũng là kho tàng mà con người thời kĩ thuật số thường bỏ qua!

Nhưng để kết thúc bài này, con muốn nhân cơ hội quí báu này để nói đến một kho tàng, hay đúng hơn những kho tàng lịch sử đang ở trong tay quí cha, đó là vấn đề liên quan đến việc lưu giữ kí ức lịch sử tại các giáo xứ.

Giá trị thời gian

Lịch sử dĩ nhiên gắn liền với thời gian và những chứng tích liên quan đến kí ức lịch sử mang những giá trị khác nhau tuỳ thuộc vào việc chúng gắn liền với những con người đặc biệt, hay liên quan đến những biến cố đặc biệt, hoặc liên quan đến những địa điểm đặc biệt. Người Việt chúng ta thường ít quan tâm đến việc lưu giữ những kí ức này. Đôi khi, chúng ta lại cố ý phá bỏ đi những chứng tích này. Ngày nay, với phương tiện kĩ thuật hiện đại, chúng ta có thể xây dựng những công trình thật lớn, nhưng có một thứ chúng ta không thể tạo ra được, đó là thời gian.

Giá trị vật chất

Lại có những chứng tích thuộc về kí ức lịch sử, nhưng đồng thời lại có giá trị vật chất tự thân, khi chúng được làm bằng các chất liệu quí hiếm: những kim loại quí, những loại gỗ quí, lưu giữ giá trị nghệ thuật của những nghệ nhân bậc thầy. Những vật này sau một thời gian thường mang giá trị vượt xa giá trị vật chất của chính nó, vì đã mang thêm giá trị thời gian vô giá. Rất nhiều khi, vì không ý thức được giá trị của những vật này mà chúng ta huỷ hoại, hoặc bán đi để đổi lại những thứ không có giá trị.

Xin đừng tàn nhẫn với lịch sử

Lịch sử trôi đi một lần và không bao giờ trở lại, vì thế, những chứng tích lịch sử có giá trị đặc biệt. Những giáo xứ của chúng ta không phải là những nhà bảo tàng, mà là nơi sinh hoạt của các cộng đoàn. Nhù cầu xây dựng là rất rõ ràng. Tuy nhiên, một điều rất cần cân nhắc là khi trùng tu hay xây lại, chúng ta cần giữ lại những gì để người sau còn thấy được những dấu ấn thời gian trên mảnh đất quê hương chúng ta. Điều này đòi hỏi một óc phân định thực sự. Xin quí cha lưu ý để đừng bao giờ tàn nhẫn với lịch sử!

Để kết thúc, xin được trích một đoạn trong Tông huấn Gaudete et Exsultate:

Ta hãy để cho mình được thúc bách bởi các dấu hiệu của sự thánh thiện mà Chúa cho thấy qua những thành viên khiêm hạ nhất của đoàn dân “tham dự vào phận vụ ngôn sứ của Đức Kitô, bằng cách thể hiện khắp nơi chứng tá sống động cho Người, cách đặc biệt bằng đời sống đức tin và đức ái”. Chúng ta cần nhớ sự thật mà Thánh Têrêsa Benedicta Thánh Giá đã nêu ra, đó là lịch sử thật sự được làm ra bởi nhiều người trong họ. Vị thánh nữ viết: “Những gương mặt ngôn sứ và thánh thiện vĩ đại nhất trổi lên khỏi đêm tối thâm u. Nhưng phần lớn, dòng chảy của đời sống thần bí vẫn không được nhìn thấy. Chắc chắn rằng những bước ngoặt có tính quyết định nhất trong lịch sử thế giới thì thiết yếu được phối hợp ấn định bởi các linh hồn mà không một sử sách nào đề cập về họ. Và chỉ trong ngày mà tất cả những gì giấu ẩn hiện lộ ra thì chúng ta mới nhận ra những linh hồn mà mình mắc nợ về những bước ngoặt quyết định trong đời sống của mình”. 10

Ghi Chú

1 X. Launay, sđd, 77.
2 X. Vermeil, Vie du vénérable serviteur de Dieu Pierr-Rose-Ursule-Dumoulin Borie, Paris 18462, 230-231.
3 Vermeil, sđd, 235.
4 Vermeil, sđd, 232.
5 Vermeil, sđd, 185.
6 A. Launay, sđd, 74.
7 X. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục. Tập bốn (bản dịch của Viện sử học). Hà Nội 2007, 232-236.
8 A. Launay, sđd, 92-93.
9 A. Launay, sđd, 383-384.
10 Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 8.

Mục Lục

  • Lời Ngỏ
  • I. Bắc Ninh - Giai Đoạn Đầu Tiên Công Cuộc Loan Báo Tin Mừng
  • Vài Nét Sơ Lược về Bối Cảnh Chính Trị, Địa Lí & Hành Chính Đương Thời
  • Xem Xét Lại Vị Trí Cha Đắc Lộ Dừng Lại Để Chờ Chúa Trịnh
  • Một Số Chi Tiết Về Sự Khởi Đầu Việc Rao Giảng Tin Mừng tại Đàng Ngoài
  • Xứ Bắc Trong Giai Đoạn Đầu Tiên của Việc Loan Báo Tin Mừng
  • Những Cuộc Xung Đột Giữa Dòng Tên Với Hội Thừa Sai Paris & Những Hệ Quả
  • II. Một Đôi Nét Về Những Cuộc Bách Hại Đạo Thủa Ban Đầu & Dưới Thời Nhà Nguyễn
  • Một Số Văn Bản Cấm Đạo Lúc Đầu
  • Chính Sách Đối Với Công Giáo Thời Nhà Nguyễn
  • Thử Xem Xét Một Vài Bản Văn Thời Vua Tự Đức
  • Vài Ghi Nhận về Thái Độ của Vua Chúa Đối Với Đạo Công Giáo
  • Từ Góc Nhìn của Người Châu Âu

Liên Lạc Với Chúng Tôi

  • 8810 Diamond Lake Ln - Houston, TX 77083
  • 713-870-8955
  • nth@nguoitinhuu.org

Vể NGƯỜI TÍN HỮU

NguoiTinHuu.org được thành lập năm 1997 với mục đích loan truyền Tin Mừng qua hệ thống tin học và chuyển tải tài liệu. Sứ vụ này được thể hiện qua việc cung cấp MIỄN PHÍ cho tất cả mọi người các kiến thức về đức tin Công Giáo, kể cả tin tức và mọi vấn đề liên quan đến đời sống Công Giáo.
Chúng tôi nhất quyết trung thành với Huấn Quyền của Giáo Hội, Đức Thánh Cha và các Giám Mục trên toàn thế giới cùng với hợp nhất với người như các chủ chăn của Giáo Hội, trong khi vẫn cởi mở đối thoại với bất cứ ai.
NguoiTinHuu.org được duy trì bởi Pt. Giuse Trần Văn Nhật với sự cộng tác của các linh mục Việt Nam trên toàn thế giới, nhất là các linh mục và phó tế của tổng giáo phận Galveston-Houston.

How to Help Nguoi Tin Huu

Please pray daily for all the members and benefactors of NguoiTinHuu.org, past and present, living and deceased.

Về Bài Trích Trong www.nguoitinhuu.org

Có thể sử dụng các bài trong www.nguoitinhuu.org cho nhu cầu tinh thần, xin đừng làm thương mãi và xin ghi rõ xuất xứ cũng như tác giả.

Về Bài Gửi Cho www.nguoitinhuu.org

Bài gửi cho www.nguoitinhuu.org thì xin đừng gửi cho chỗ khác.
Khi tự ý gửi bài cho www.nguoitinhuu.org, tác giả đương nhiên cho phép phổ biến theo quy tắc của www.nguoitinhuu.org.
Chúng tôi có toàn quyền kiểm duyệt hay từ chối đăng tải mà không cần nêu lý do.
© 2019 NGUOI TIN HUU - All Rights Reserved.NGUOITINHUU