Nguoi Tin Huu Logo
  • Trang Nhà
  • Trang Chính
    • CHIA SẺ
      • ĐỖ TRÂN DUY
      • Lm. HỒNG GIÁO
      • NGUYỄN HUỆ NHẬT
        • TỪ ÁO CÀSA ĐẾN THẬP TỰ GIÁ
        • AI CHẾT CHO AI? AI SỐNG CHO AI?
        • ĐỐI THOẠI VỚI MỘT PHẬN TỬ
      • NHIỀU TÁC GIẢ
    • DÒNG MÁU ANH HÙNG
    • ĐƯỜNG VÀO ĐẠO
    • HIỂU ĐỂ SỐNG ĐẠO
    • HÔN NHÂN CÔNG GIÁO
    • HỘ GIÁO
    • LỊCH SỬ GIÁO HỘI
    • MÁI ẤM GIA ĐÌNH
    • PHỤNG VỤ
      • Bài Giảng
      • Các Nghi Thức
    • SÁCH & TRUYỆN
  • Trang Hàng Ngày
    • GƯƠNG THÁNH NHÂN
    • SUY NIỆM HÀNG NGÀY
  • Trang Ngoài
    • VIETCATHOLIC
    • CẦU NGUYỆN BẰNG THÁNH VỊNH ĐÁP CA
    • HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN
    • DÒNG CHÚA CỨU THẾ VN
    • DÒNG TÊN VN
    • LIÊN HIỆP BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP VN
    • TRANG SỨ GIẢ TÌNH YÊU

Lm. Vinh Sơn Trần Minh Thực
I. BẮC NINH - GIAI ĐOẠN ĐẦU TIÊN CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG

2. Xem xét lại vị trí Cha Đắc Lộ dừng lại để chờ Chúa Trịnh

Cha Đắc Lộ đã cập bến Cửa Bạng vào ngày 19-3-1627, đúng vào dịp Trịnh Tráng dẫn đoàn thuỷ quân vào đánh Đàng Trong. Trong khi cha Đắc Lộ và bằng hữu ở Cửa Bạng, cây thánh giá mà các ngài dựng lên trên núi đã thu hút sự chú ý, một sứ giả của chúa Trịnh 6 đến gặp và cho biết chúa Trịnh đã lên đường đi đánh Đàng Trong và chờ gặp các ngài trên đường đi. Họ theo thuyền vị sứ giả đi hai ngày và vào một con sông rộng khoảng hơn mười dặm 7. Về đoạn văn này, cha C. A. Poncet xác định rằng dòng sông mà cha Đắc Lộ nhắc đến ở đây hẳn phải là sông Đáy, đồng thời tác giả này cũng cho rằng nơi gặp mặt của nhóm cha Đắc Lộ với chúa Trịnh phải nằm về phía Hưng Yên, ở một địa điểm thuộc trấn Sơn Nam, vì bản văn của cha Đắc Lộ nói tới tỉnh Thin hoa gần bên 8. Nhóm cha Đắc Lộ tiếp tục theo đoàn thủy binh của chúa Trịnh khoảng tám ngày 9. Chúng tôi nhận thấy thông tin này phần nào giúp chúng ta tạm xác định được vị trí mà chúa Trịnh chỉ định cho nhóm dừng lại chờ đợi, trong khi nhà chúa tiếp tục đi đánh Đàng Trong. Trong phần có nhan đề Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (天南四至路圖書) 10 thuộc bộ Hồng Đức bản đồ (洪德版圖), chúng ta có thể đọc thấy hai lộ trình đường thủy từ Thăng Long đi Chiêm Thành:

Thứ tự kể theo ngày đi bằng đường thủy.

Đường thủy thì chọn ngày lành mà đi thuyền. Từ bến Vọng-lâu, khởi-hành sớm, đi 1 ngày đậu ở Phủ Linh; đi 2 ngày, đậu ở Vân-sàng; đi 3 ngày đậu ở Thần-phù; đi 4 ngày đậu ở Gái-lo(?); đi 5 ngày, đậu ở cầu Khương; đi 6 ngày, đậu ở vũng Hinh; đi 7 ngày, đậu ở chợ Bạng; đi 8 ngày đậu ở Cửa Kiền […]

Đường thủy của binh thuyền.

Từ Kinh-đô mà đi 1 ngày đến bãi Bông; đi 2 ngày, đến bãi Tức Mặc; đi 3 ngày đến Thiên-phái; đi 4 ngày đến Thần-phù; đi 5 ngày; đến vạn Xích-thẩm; đi 6 ngày đến vạn Tốt; đi 7 ngày, đến Bố vệ; đi 8 ngày, đến vũng Hinh; đi 9 ngày, đến chợ Bạng; đi 10 ngày, đến cửa Kiền […] 11.

Thực ra, hai lộ trình chỉ khác nhau ở tốc độ. Chúng tôi cho rằng đoàn binh thuyền của chúa Trịnh, với hơn 200 chiến thuyền, và khoảng 500 thuyền chở lương thực 12, hẳn phải đi theo tốc độ của lộ trình thứ hai. Nơi nhóm cha Đắc Lộ gặp chúa Trịnh có thể là Bãi Bông hoặc Bãi Tức Mặc, vì Thiên Phái đã là ranh giới giữa trấn Sơn Nam và trấn Thanh Hoa ngoại 13. Như vậy, sau khoảng 8 ngày, đoàn chiến thuyền này có thể tới Chợ Bạng hoặc Cửa Cờn 14. Tuy nhiên, Cửa Cờn đã thuộc trấn Nghệ An, nên nơi nhóm linh mục A. de Rhodes dừng lại không thể ở xa hơn Chợ Bạng, tức là thực ra, sau khi gặp và đi theo đoàn chiến thuyền của chúa Trịnh, nhóm cha Đắc Lộ dừng lại chờ đợi ở gần hoặc chính điểm trước đó họ đã xuất phát đi gặp chúa Trịnh. Có lẽ vì thế, trong cuốn Hành trình và truyền giáo tất cả những sự kiện chúng tôi vừa điểm lại đã được tóm lược vắn tắt và tạo ấn tượng rằng nhóm cha Đắc Lộ đã không di chuyển nhiều:

Chúng tôi ở bên này không lâu và mỗi ngày đều có người đến nghe giảng và tin theo sự thật Chúa cho hiểu biết. Người ta dẫn chúng tôi tới với chúa 15, lúc đó chỉ nghĩ tới chiến tranh. Chúa cầm đầu một đạo quân lớn gồm có một trăm hai mươi ngàn người và bốn trăm thuyền chiến. Người Bồ đến lạy chúa và dâng phẩm vật. Tôi cũng đi với họ. Ngoài những phẩm vật khác, tôi dâng chúa một đồng hồ có bánh xe và một đồng hồ cát, nhưng chúa không ngó tới vì còn mải sửa soạn cuộc hành quân chống chúa Đàng Trong. Chúa truyền cho chúng tôi đợi chúa trong tỉnh Thanh Hoa 16, nơi chúa để lại hết các hành trang và cung phi. Chúa cũng cho một toán binh hộ vệ chúng tôi 17.

Những so sánh và tính toán trên đây xem ra cũng phù hợp với vị trí của Anvuc và Vanno trong tấm bản đồ được in trong cuốn Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài. Trong tấm bản đồ này, Anvuc nằm ở phía bắc của con sông đổ ra Cuabang, còn Vanno nằm ở phía nam của con sông này. Hai địa danh này cùng nằm ở phía nam của Diempho, và phía bắc ranh giới giữa Thinhoa và Nghean. Những chi tiết này xem ra cũng phù hợp với khoảng cách giữa kinh thành với địa danh Che no 18ở chương 28 của cuốn Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài 19. Chúng tôi xin được trích ra dưới đây một phần của bản đồ vừa nêu ở trên.

Chúng tôi cũng tìm thấy một bản đồ khác được cho là của linh mục A. de Rhodes với những thông tin tương tự, nhưng được trình bày hơi khác. Chúng tôi cho rằng bản đồ thứ hai này chính xác hơn, vì cho thấy ranh giới giữa Kénam - tức là Kẻ Nam, cũng là trấn Sơn Nam - và trấn Thanh Hoa nằm ở phía bắc của dòng sông đổ ra Cua bic 20, rất có thể là Chebich trong cuốn Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài 21. Chúng tôi cũng xin được trích ra dưới đây một phần của tấm bản đồ này.

Ghi Chú

6 X. A. de Rhodes, Histoire du Royaumede Tunquin, Lyon 1651, tr. 133-134. Chúng tôi cho rằng le Roy được nói đến ở đây hẳn là chúa Trịnh Tráng.
7 C. A. Poncet, “Le voyage du P. Alexandre de Rhodes de Cua-bang à Hanoi en 1627”, BAVH 1942, số 3, tr. 263 dẫn bản tiếng Latinh của cuốn sách (Tunquinensis Historiae) rằng nhóm linh mục A. de Rhodes đi ngược dòng sông vài ngày (dies aliquot) và gặp chúa Trịnh đang xuôi xuống. Bản tiếp Pháp không có chi tiết này và chỉ cho biết nhóm đã gặp chúa Trịnh ở dòng sông rộng hơn mười dặm. Dặm được dùng ở đây có lẽ là đơn vị đo lường Rôma, được dùng trong các nước Ý, Pháp, Đức, tương đương khoảng 1472m. 
8 A. de Rhodes, sđd, tr. 135. X. C. A. Poncet, đd, tr. 267-269. Trong bản đồ của A. de Rhodes, Divers voyages et missions, mà chúng tôi đã nhắc đến ở trên có một cửa biển rất lớn, với tên gọi Cua dai. Có lẽ bản văn muốn nói tới cửa biển này.
9 A. de Rhodes, Histoire du Royaume, tr. 136.
10 Nhận xét về niên đại của phần này, bài giới thiệu của Bửu Cầm et al., sđd, tr. XII cho rằng: “các bản địa-đồ ấy được thực hiện vào cuối thế-kỷ XVII hơn là vào đầu thế-kỷ XVIII.” Xét như thế phần bản đồ và những chỉ dẫn các lộ trình thủy bộ từ Thăng Long đi Chiêm Thành ở phần này có thể được biên soạn rất gần với thời điểm linh mục A. de Rhodes đến Đàng Ngoài.  
11 Bửu Cầm et al., sđd, tr. 75-76.
12 X. A. de Rhodes, sđd, tr. 134-135.
13 Bản đồ Sơn Nam thừa tuyên trong Bửu Cầm et al., sđd, tr. 18-19 cho thấy ngã ba Thiên Phái là khúc sông nằm ờ phía bắc núi Non Nước và đò Gián. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (bản dịch của viện sử học). Tập 3. Huế 2006, tr. 298-299 cho biết Thiên Phái chính là sông Thanh Quyết, còn có tên khác là Bô Cô, nơi có Đò Khuất. Như vậy, Thiên Phái là ranh giới giữa trấn Sơn Nam và trấn Thanh Hoa ngoại lúc đó.
14 Bản văn của Bửu Cầm et al., sđd, tr. 76 gọi tên cửa biển giữa Thanh Hoa và Nghệ An là Cửa Kiền. Chúng tôi dựa theo cách gọi tên của dân địa phương Cửa Cờn.
15 A. de Rhodes, Divers voyages, tr. 92: “vers le Roy”.
16 A. de Rhodes, sđd, tr. 92: “Il nous commanda de l’attendre dans la Prouince de Sinoa”.
17 Trích theo bản dịch của Hồng Nhuệ, Hành trình và truyền giáo, tp. Hồ Chí Minh 1994, tr. 69-70, với một đôi chỗ điều chỉnh theo bản tiếng Pháp. X. A. de Rhodes, sđd, tr. 92. Chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt về số binh sĩ và chiến thuyền trong hai cuốn sách của linh mục A. de Rhodes được sử dụng trong bài viết này, nhưng chúng tôi xin được miễn bàn về khác biệt này.
18 Như đã nói ở ghi chú số 8, chúng tôi cho rằng phải đọc địa danh này là Kẻ No. Cũng phải ghi nhận thêm rằng trong cuốn Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài, trước khi nhắc tới Anvuc và Vanno ở chương 7, ở chương 6, A. de Rhodes đã nói tới thành (Ville), nơi các ngài ở lại chờ chúa Trịnh, có tên là No. Chúng tôi thấy cần phải đưa thêm thông tin từ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (bản dịch của viện sử học). Tập 2. Huế 2006, tr. 305-306: “Núi Thệ Nguyện: ở địa phận giáp Nỗ và Vân Trai huyện Ngọc Sơn. Tục truyền, chỗ này núi biển sát liền, trước kia Thủy Thần và Sơn Thần hội thề ở đât vạch vào đá để ghi dấu, ước hẹn rằng hằng năm nước biển vĩnh viễn không tràn đến địa phận cửa Bạng, đến nay dấu vết ở đá vẫn còn”. Trong phần Đồng Khánh bản đồ thuộc bộ Đồng Khánh địa dư chí, núi Thệ Nguyện nằm không xa Cửa Bạng. Phải chăng giáp Nỗ chính là No được nói tới trong tài liệu của linh mục A. de Rhodes?
19 X. A. de Rhodes, Histoire du Royaume, 225-228 cho biết từ kinh đô, linh mục A. de Rhodes đi đến Che bo, cách kinh đô khoảng 100 dặm, tức khoảng gần 150 km, rồi từ đó đi thuyền thêm một ngày nữa tới Che no. Tốc độ của thuyền dĩ nhiên phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thủy triều, hướng gió, độ lớn của thuyền.
20 C. A. Poncet, đd, tr. 281 cho biết trước khi đổ ra biển, sông Lèn chia làm hai nhánh, phía bắc là Cửa Sung, phía nam là Cửa Bích. Cửa Bích sau này dần biến mất.
21 X. A. de Rhodes, sđd, 258.

Mục Lục

  • Lời Ngỏ
  • I. Bắc Ninh - Giai Đoạn Đầu Tiên Công Cuộc Loan Báo Tin Mừng
  • Vài Nét Sơ Lược về Bối Cảnh Chính Trị, Địa Lí & Hành Chính Đương Thời
  • Xem Xét Lại Vị Trí Cha Đắc Lộ Dừng Lại Để Chờ Chúa Trịnh
  • Một Số Chi Tiết Về Sự Khởi Đầu Việc Rao Giảng Tin Mừng tại Đàng Ngoài
  • Xứ Bắc Trong Giai Đoạn Đầu Tiên của Việc Loan Báo Tin Mừng
  • Những Cuộc Xung Đột Giữa Dòng Tên Với Hội Thừa Sai Paris & Những Hệ Quả
  • II. Một Đôi Nét Về Những Cuộc Bách Hại Đạo Thủa Ban Đầu & Dưới Thời Nhà Nguyễn
  • Một Số Văn Bản Cấm Đạo Lúc Đầu
  • Chính Sách Đối Với Công Giáo Thời Nhà Nguyễn
  • Thử Xem Xét Một Vài Bản Văn Thời Vua Tự Đức
  • Vài Ghi Nhận về Thái Độ của Vua Chúa Đối Với Đạo Công Giáo
  • Từ Góc Nhìn của Người Châu Âu

Liên Lạc Với Chúng Tôi

  • 8810 Diamond Lake Ln - Houston, TX 77083
  • 713-870-8955
  • nth@nguoitinhuu.org

Vể NGƯỜI TÍN HỮU

NguoiTinHuu.org được thành lập năm 1997 với mục đích loan truyền Tin Mừng qua hệ thống tin học và chuyển tải tài liệu. Sứ vụ này được thể hiện qua việc cung cấp MIỄN PHÍ cho tất cả mọi người các kiến thức về đức tin Công Giáo, kể cả tin tức và mọi vấn đề liên quan đến đời sống Công Giáo.
Chúng tôi nhất quyết trung thành với Huấn Quyền của Giáo Hội, Đức Thánh Cha và các Giám Mục trên toàn thế giới cùng với hợp nhất với người như các chủ chăn của Giáo Hội, trong khi vẫn cởi mở đối thoại với bất cứ ai.
NguoiTinHuu.org được duy trì bởi Pt. Giuse Trần Văn Nhật với sự cộng tác của các linh mục Việt Nam trên toàn thế giới, nhất là các linh mục và phó tế của tổng giáo phận Galveston-Houston.

How to Help Nguoi Tin Huu

Please pray daily for all the members and benefactors of NguoiTinHuu.org, past and present, living and deceased.

Về Bài Trích Trong www.nguoitinhuu.org

Có thể sử dụng các bài trong www.nguoitinhuu.org cho nhu cầu tinh thần, xin đừng làm thương mãi và xin ghi rõ xuất xứ cũng như tác giả.

Về Bài Gửi Cho www.nguoitinhuu.org

Bài gửi cho www.nguoitinhuu.org thì xin đừng gửi cho chỗ khác.
Khi tự ý gửi bài cho www.nguoitinhuu.org, tác giả đương nhiên cho phép phổ biến theo quy tắc của www.nguoitinhuu.org.
Chúng tôi có toàn quyền kiểm duyệt hay từ chối đăng tải mà không cần nêu lý do.
© 2019 NGUOI TIN HUU - All Rights Reserved.NGUOITINHUU