Theo một nghĩa nào đó, văn minh hiện đại và Kitô giáo có thể tìm thấy tương đồng trong khái niệm về tự do. Xét cho cùng, Kitô giáo là một thông điệp về tự do và giải thoát. Để nhận ra điều này, chúng ta chỉ cần mở sách Tân Ước, những từ “tự do”, “sự tự do”, “giải thoát” thường xuyên được dùng. “Chân lý sẽ giải thoát anh em”, Đức Giêsu nói trong Tin Mừng thánh Gioan 1. Thánh Phaolô nói, “Ở đâu có Thần Khí, ở đó có tự do” 2, và nơi khác, “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” 3. Thánh Giacôbê gọi luật của Kitô giáo là “luật tự do”. Điều chúng ta cần làm và sẽ cố gắng làm trong cuốn sách này là tìm ra bản chất thật sự của tự do.
Trải qua một vài thế kỷ, văn minh hiện đại được đánh dấu bởi một khát vọng mạnh mẽ đối với sự tự do. Tuy nhiên, ai cũng biết, khái niệm tự do có thể rất tối nghĩa; những quan niệm lệch lạc về tự do đã làm cho con người xa rời chân lý và dẫn đến hàng triệu cái chết. Trước hết, thế kỷ hai mươi đã chứng kiến cái giá phải trả đó; thế nhưng, khát vọng tự do vẫn còn có thể thấy được ở mọi lãnh vực, xã hội, chính trị, kinh tế và tâm lý. Sở dĩ nó cần kíp đến thế vì lẽ dẫu cho tất cả mọi “tiến bộ” đã đạt được cho đến nay, thì khát vọng tự do vẫn chưa được thoả mãn.
Trong lãnh vực luân lý, khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba, tự do có vẻ gần như là giá trị duy nhất mà vô hình chung, mọi người đều đồng ý. Mọi người ít nhiều chấp nhận rằng, tôn trọng tự do của người khác vẫn là chuẩn mực đạo đức căn bản. Không còn nghi ngờ gì, đây là vấn đề lý thuyết hơn là thực hành khi chủ nghĩa tự do tây phương ngày càng trở nên chuyên chế hơn. Có thể đó chỉ là sự biểu lộ lòng ích kỷ ngấm ngầm của con người hiện đại mà với họ, tôn trọng tự do cá nhân là sự tuyên bố chủ nghĩa cá nhân hơn là thừa nhận một luật luân lý - không ai có thể ngăn cản tôi làm điều tôi cảm thấy thích! Vậy mà, khát vọng tự do vốn chứa một điều gì đó rất thật và cao quý này lại rất mãnh liệt nơi con người ngày nay dẫu nó kéo theo vô ngần ảo ảnh và đôi khi, được đáp ứng với những phương thế lệch lạc.
Con người không được tạo dựng để làm nô lệ, nhưng để làm chúa của thọ tạo. Điều này được nói rõ ràng trong sách Sáng Thế. Chúng ta không được tạo dựng để sống một cuộc sống buồn tẻ, hẹp hòi và gò bó, nhưng trong những không gian rộng mở. Không ai chịu nổi sự gò bó, bởi lẽ chúng ta được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa và mang trong mình một nhu cầu không thể dập tắt trước cái tuyệt đối và vô cùng. Đó là sự vĩ đại và đôi lúc, cũng là bất hạnh của con người.
Chúng ta bị giày vò bởi cơn khát tự do vì lẽ, khát vọng căn bản nhất của con người là hạnh phúc; và chúng ta cảm nhận rằng, không có hạnh phúc nếu không có tình yêu; và không có tình yêu nếu không có tự do. Điều này hoàn toàn đúng. Con người được tạo dựng cho tình yêu, và họ chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc khi yêu và được yêu. Như thánh Catherine Siena nói 4, con người không thể sống mà không yêu thương. Vấn đề là tình yêu của chúng ta thường đi lạc hướng, chúng ta yêu chính mình, một cách ích kỷ và rốt cuộc, nản lòng, bởi chỉ tình yêu đích thực mới có thể làm chúng ta thoả lòng.
Vậy chỉ tình yêu mới có thể thoả mãn chúng ta và cũng không có tình yêu nếu không có tự do. Một thứ tình yêu vốn là kết quả của sự gò bó, tư lợi, hay chỉ là sự thoả mãn một nhu cầu không đáng được gọi là tình yêu. Tình yêu không do chiếm hữu mà có, không mua mà được. Có tình yêu đích thực và thế là, có hạnh phúc đích thực chỉ giữa những người tự do hiến dâng sở hữu cái tôi để trao tặng chính mình cho nhau.
Tự do đáng quý biết bao. Đến đây, có thể chúng ta đã có một ý niệm nào đó về điều ấy. Tự do mang lại giá trị cho tình yêu và tình yêu là điều kiện tiên quyết của hạnh phúc. Lý do tại sao người ta gán quá nhiều tầm quan trọng cho tự do… có lẽ do họ nhận ra chân lý này, tuy hơi mơ hồ; và từ quan điểm đó, phải thừa nhận rằng, họ có lý.
Nhưng làm sao chúng ta đạt được sự tự do vốn có thể làm cho tình yêu trổ sinh hoa trái? Để đạt được mục tiêu này, trước tiên hãy nhìn vào một số ảo giác phổ biến vốn phải được gạt sang một bên nếu chúng ta muốn tận hưởng tự do đích thực.
Dẫu khái niệm tự do, như chúng ta thấy, có thể được xem như điểm gặp gỡ giữa Kitô giáo và văn minh hiện đại, nhưng cũng thật nghịch lý khi nó trở thành điểm mà ở đó, Kitô giáo và văn minh hiện đại cách xa nhau nhất. Với con người hiện đại, tự do thường có nghĩa là vứt bỏ mọi ràng buộc và mọi quyền bính -“Không Thiên Chúa, không ông chủ”. Trái lại, với Kitô giáo, tự do chỉ có thể được tìm thấy bằng việc quy phục Thiên Chúa, trong sự “vâng phục của đức tin” như thánh Phaolô nói tới 5. Tự do đích thực không phải là vô số điều này điều kia con người dành được cho chính mình; nó là quà tặng không của Thiên Chúa, một hoa trái của Chúa Thánh Thần, được đón nhận theo mức độ chúng ta đặt mình trong tương quan phụ thuộc đầy yêu thương vào Đấng Tạo Thành và Đấng Cứu Độ chúng ta. Đây là nơi mà sự nghịch lý của Tin Mừng lộ rõ nhất, “Ai cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ tìm thấy nó” 6. Nói cách khác, người muốn giữ và bảo vệ tự do của mình bất cứ giá nào, sẽ mất nó; nhưng những ai sẵn sàng “đánh mất” nó bằng cách tin tưởng giao phó nó vào tay Thiên Chúa, sẽ giữ được nó. Tự do sẽ được phục hồi cho họ, đẹp đẽ và sâu sắc hơn vô cùng như một quà tặng tuyệt diệu từ sự trìu mến của Thiên Chúa. Quả vậy, tự do của chúng ta tương ứng với tình yêu và niềm tin như con thơ chúng ta dành cho Cha trên trời của mình.
Thật khích lệ cho chúng ta khi nhìn vào kinh nghiệm sống động của các thánh. Họ hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa mà không giữ lại điều gì, một chỉ muốn thực thi thánh ý Người. Đến lượt, họ cảm nhận được tận hưởng một sự tự do vô biên mà không gì trên thế gian có thể cướp đi và đó cũng là nguồn của những niềm vui tột đỉnh. Làm sao điều đó có thể xảy ra? Chúng ta cố gắng tìm hiểu dần dần.
Một sai lầm nghiêm trọng khác về tự do là làm cho nó trở thành một điều gì bên ngoài, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, chứ không phải là một điều gì trước hết do tự bên trong 7. Ở lãnh vực này cũng như trong nhiều lãnh vực khác, chúng ta tái diễn vở kịch mà thánh Augustinô đã trải nghiệm, “Chúa ở trong con, con ở ngoài con và con tìm Chúa ở ngoài con!”8.
Tôi xin giải thích. Rất nhiều lần, chúng ta cảm thấy tự do của mình bị giới hạn bởi những hoàn cảnh, những giới hạn áp đặt trên chúng ta do xã hội, đủ loại hình bổn phận mà người khác chất trên chúng ta, giới hạn thể lý hay sức khoẻ này kia và vân vân. Để tìm ra tự do, chúng ta tưởng tượng mình phải gạt bỏ những ràng buộc và giới hạn đó. Khi cảm thấy bị hoàn cảnh bót nghẹt hay cản trở cách nào đó, chúng ta căm phẫn những thể chế hay những con người được coi như nguyên nhân của điều đó. Biết bao lần những phàn nàn kêu trách mọi thứ trong cuộc sống vốn không diễn ra như chúng ta muốn và vì thế, chúng ta không được tự do như mình khát khao!
Cách thức nhìn sự việc chứa đựng một cấp độ chân lý. Một đôi khi, để đạt được tự do, một vài giới hạn cần được điều chỉnh, những gò bó cần phải vượt qua. Nhưng ở đây vẫn có một điều sai lạc cần phải bóc trần nếu chúng ta luôn luôn ước ao cảm nếm tự do đích thực. Ngay cả khi mọi thứ được cho là cản trở tự do của chúng ta không còn, điều đó cũng không bảo đảm chúng ta sẽ tìm thấy tự do sung mãn như hằng khao khát. Khi chúng ta đẩy lùi những ranh giới, sẽ có nhiều ranh giới khác xuất hiện xa xa. Chúng ta có nguy cơ cảm thấy mình không bao giờ được thoả mãn và sẽ luôn đương đầu với những giới hạn đau thương. Chúng ta có thể vượt qua một số nào đó, nhưng một số khác lại bất di bất dịch, định luật thể lý, giới hạn của con người, của cuộc sống trong xã hội và nhiều hơn nữa.
Khát vọng tự do cư ngụ trong mọi tâm hồn con người thời nay; vì thế, nó thường được biểu lộ trong một nỗ lực tưởng chừng như vô vọng để vượt qua những giới hạn. Người ta muốn đi xa hơn, nhanh hơn và có quyền lực hơn để biến đổi thực tại. Điều này thật hiển nhiên trong mọi lãnh vực. Người ta nghĩ mình sẽ tự do hơn khi “những tiến bộ” sinh học cho họ khả năng chọn lựa giới tính con cái. Họ nghĩ sẽ tìm thấy tự do khi luôn cố gắng vượt qua những năng lực của mình. Không bằng lòng với việc leo núi “bình thường”, người ta cố sức “leo núi ngoại thường”- cho tới ngày họ đi khá xa và cuộc phiêu lưu hồ hởi kết thúc bằng một cú ngã định mệnh. Khía cạnh tự sát này - của một hình thức nào đó - trong việc tìm kiếm tự do được mô tả cách ý nghĩa trong cảnh cuối của cuốn phim The Big Blue (Le Grand Bleu, đạo diễn Luc Besson). Bị cuốn hút bởi sự dễ dàng và tự do di chuyển của đàn cá heo trong làn nước biển, người hùng, rốt cuộc, bơi theo chúng. Bộ phim bỏ qua việc nói lên một điều hiển nhiên, anh ta tự kết án tử cho mình bằng một cái chết. Bao người trẻ đã bị giết chết bởi quá tốc độ hay quá liều lượng ma tuý vì họ khát khao tự do nhưng chưa bao giờ học biết con đường đúng đắn dẫn tới tự do đó? Điều đó có nghĩa là phải chăng khát khao này chỉ là một giấc mơ, chúng ta nên từ bỏ nó hoặc tự bằng lòng với cuộc sống ngu muội và tẻ nhạt? Chắc chắn không! Nhưng chúng ta phải khám phá tự do đích thực bên trong chính mình và trong mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa.
Cố gắng giải thích bản chất của khoảng không tự do bên trong, một tự do không ai có thể cướp mất mà mỗi người chúng ta có, tôi muốn chia sẻ cùng bạn một ít kinh nghiệm của mình liên quan đến thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu.
Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã từng là bạn rất thân của tôi nhiều năm và tôi đã lĩnh hội một lượng kiến thức đồ sộ từ trường dạy sự đơn sơ và lòng tín thác theo Tin Mừng của chị. Cách đây hai năm, tôi tình cờ có mặt tại Lisieux vào một trong những dịp đầu tiên khi người ta mang xương thánh của chị từ Tu viện Carmel đến một trong những thành phố xin thánh tích đó - tôi nghĩ đó là Marseilles. Các chị Dòng Carmel nhờ các anh em cộng đoàn Bát Phúc mang giúp hòm đựng thánh tích quý giá và khá nặng đó ra xe để chở đến nơi đã định. Tôi tình nguyện làm công việc thú vị này, nhờ đó tôi bất ngờ có cơ hội đi vào khu nội cấm của Nhà Kín Lisieux và vừa vui mừng, vừa xúc động khám phá những nơi thật sự mà Têrêxa đã sống: phòng bệnh, hành lang, nhà giặt, vườn cây với những con đường rợp bóng cây hạt dẻ - tất cả những nơi mà tôi biết từ sự mô tả của thánh nhân trong những bài viết tự truyện của chị. Một điều đánh động tôi, những nơi này nhỏ hơn tôi tưởng tượng nhiều. Ví dụ, vào cuối đời, Têrêxa kể lại câu chuyện khôi hài về việc các chị ghé qua để trò chuyện một lúc với chị trên đường họ đi làm cỏ khô; nhưng cánh đồng cỏ khô rộng lớn mà tôi hình dung trong đầu thực ra, chỉ là một chiếc khăn bỏ túi!
Sự kiện không đáng để ý này, sự nhỏ bé của những nơi Têrêxa sống làm tôi suy nghĩ nhiều. Tôi nhận ra thế giới nhỏ nhắn, theo thuật ngữ loài người, nơi chị sống, một Tu viện Carmel tỉnh lẻ tí tẹo, không nổi trội về kiến trúc; một khu vườn bé xíu, một cộng đoàn nhỏ gồm các nữ tu mà sự dưỡng dục, giáo dục và cách thức thường để lại nhiều điều khiến người thế gian phải khao khát; một bầu không khí nơi những tia nắng mặt trời len qua rất ít. Chị cũng đã trải qua một thời gian vắn vỏi đến thế trong tu viện, chỉ mười năm! Tuy nhiên, đây là điều nghịch lý đánh động tôi, khi đọc các bản chép tay của chị, bạn không bao giờ nghĩ một cuộc sống như thế lại diễn ra trong một thế giới nhỏ hẹp đến như vậy, nhưng phải nghĩ ngược lại. Bỏ qua một số giới hạn về văn phong, cách chị bày tỏ chính mình cũng như những nhạy cảm thiêng liêng riêng tư khiến người đọc nghĩ tưởng đến một không gian rộng lớn mênh mông và tuyệt vời. Têrêxa sống trong những chân trời mênh mông, chân trời của lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa cùng với niềm khát khao mến yêu Người vô bờ. Chị cảm thấy như một nữ hoàng đứng trên toàn thế giới vì chị có thể đạt được bất cứ điều gì từ Thiên Chúa và ngang qua tình yêu, chị có thể đi đến mọi ngõ ngách địa cầu, nơi các nhà truyền giáo cần sự cầu nguyện và hy sinh của chị!
Phải nghiên cứu tổng thể về tầm quan trọng của những thuật ngữ Têrêxa dùng để diễn tả những chiều kích vô biên của vũ trụ thiêng liêng, nơi chị sống, “những chân trời vô tận”, “những khát vọng vô biên”, “những đại dương ân sủng”, “những vực thẳm tình yêu”, “những suối nguồn của lòng nhân từ” và vân vân. Đặc biệt, “Bản Thảo B” của chị, kể lại cuộc khám phá ơn gọi của mình giữa lòng Giáo Hội, biểu lộ rất rõ. Dĩ nhiên, chị nói về đau khổ, sự đơn điệu của hy sinh, nhưng tất cả đều được vượt qua để biến thành sự trào dâng của một đời sống nội tâm.
Tại sao thế giới của Têrêxa - nói theo kiểu loài người, một thế giới chật hẹp và nghèo nàn đến thế - lại tạo nên một cảm giác phong phú và thoáng đãng như vậy? Tại sao cảm giác tự do lại vọt ra từ trình thuật của chị về đời sống ở Carmel?
Tất cả chỉ vì Têrêxa yêu mến nồng nàn. Chị cháy lửa tình yêu dành cho Thiên Chúa và bác ái đối với chị em của mình, chị mang Giáo Hội và cả thế giới bằng sự trìu mến của người mến yêu. Đó là bí quyết của chị, chị không bị giới hạn trong tu viện nhỏ bé vì chị yêu mến nó. Tình yêu biến đổi mọi sự và chạm đến những thực tại tầm thường nhất bằng những nốt nhạc ngân vang đến vô tận. Tất cả các thánh đã có kinh nghiệm tương tự. Thánh Faustina kêu lên trong nhật ký thiêng liêng của chị, “Tình yêu là một huyền nhiệm biến mọi thứ nó chạm đến thành những thứ đẹp đẽ làm vui mắt Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa giải phóng tâm hồn con người. Như một nữ hoàng, nó không nếm trải điều gì về sự gò bó của kiếp nô lệ” 9.
Khi suy tư điều này, một cụm từ của thánh Phaolô nói với tín hữu Côrintô gợi lên trong trí tôi, “Chúng tôi không hẹp hòi với anh em đâu, nhưng chính lòng dạ anh em hẹp hòi” 10.
Rất thông thường, chúng ta cảm thấy bị gò bò trong hoàn cảnh, gia đình hoặc môi trường sống của mình. Nhưng có thể vấn đề thực sự nằm ở chỗ khác, ở trong lòng chúng ta. Ở đó, chúng ta bị gò bó và đó là cội rễ của việc thiếu tự do nơi mỗi người. Nếu yêu mến nhiều hơn, tình yêu sẽ mang cho đời sống chúng ta những chiều kích vô tận và mỗi người sẽ không còn cảm thấy bị vây hãm nữa.
Điều này không có nghĩa là thỉnh thoảng không có những hoàn cảnh khách quan cần thay đổi, hay những hoàn cảnh đàn áp cần được chữa lành trước khi tâm hồn có thể trải nghiệm tự do nội tâm thực sự. Thông thường, chúng ta cũng đau khổ do một sự bối rối nào đó. Chúng ta đổ tội cho môi trường trong khi vấn đề đích thực nằm ở chỗ khác, chúng ta thiếu tự do là vì chúng ta thiếu tình yêu. Chúng ta kết án chính mình là nạn nhân của những hoàn cảnh khó khăn, khi vấn đề đích thực (và giải pháp của nó) nằm bên trong chúng ta. Tâm hồn chúng ta bị tính ích kỷ hay sợ sệt giam hãm; và chính chúng ta cần thay đổi, học cách yêu thương, buông mình cho sự biến đổi của Thánh Thần: đó là cách duy nhất để chúng ta thoát khỏi cảm giác bị gò bó. Những ai không học cách yêu thương sẽ luôn thấy mình như nạn nhân; họ cảm thấy gò bó dù họ ở đâu. Nhưng người yêu mến không bao giờ cảm thấy bị gò bó. Đó là những gì mà Têrêxa bé nhỏ dạy tôi. Chị làm cho tôi hiểu một điều quan trọng khác nữa, nhưng cần xem xét sau này: chúng ta không có khả năng yêu thương thường là vì chúng ta thiếu tin tưởng và hy vọng.
Tôi muốn trích dẫn ngắn gọn một nhân chứng khác, một bằng chứng gần hơn về tự do nội tâm, một người vừa rất khác vừa rất gần gũi với thánh Têrêxa. Tôi thật xúc động với chứng từ này. Đó là chứng từ của Etty Hillesum, một thiếu nữ Do Thái chết tại Auschwitz tháng 11 năm 1943, và nhật ký của cô được xuất bản năm 1981 11.“Chuyện một tâm hồn” của cô mở ra ở Hà Lan vào lúc mà sự tàn sát người Do Thái của Phát xít diễn ra gay gắt nhất. Khi Etty bắt đầu viết bài báo, thì đời sống đạo đức của cô không hề sáng sủa tí nào. Cô bị tổn thương tình cảm, không có những nguyên tắc luân lý cố định và trước đó đã có một vài tình nhân. Tuy nhiên, cô bị thôi thúc bởi một khát khao mãnh liệt muốn biết sự thật về chính mình. Nhờ một trong những người bạn của cô, một nhà tâm lý và cũng là người Do Thái, cô khám phá (mà không công khai trở thành người Kitô hữu) một số giá trị cốt lõi của Kitô giáo như: cầu nguyện, sự hiện diện của Thiên Chúa trong lòng và lời Tin Mừng mời gọi cô tin tưởng phó mình cho Đấng Quan Phòng. Khi còn là tù nhân ở trại tị nạn Hà Lan trước khi bị chuyển đến Auschwitz, cô biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa, can đảm chịu đựng và hy sinh cho tha nhân. Tất cả điều đó chứng tỏ thực tại đời sống thiêng liêng của cô bất chấp bóng tối bao phủ đời mình.
Thật ngạc nhiên khi đọc cách thức thiếu nữ này hiến dâng chính mình để sống những giá trị Tin Mừng mà cô khám phá dần dần. Chỉ khi mọi tự do bên ngoài của cô ngày này qua ngày khác bị lấy đi, cô mới khám phá trong mình niềm hạnh phúc và tự do nội tâm không ai có thể cướp mất được kể từ đó trở đi. Đây là một đoạn rất ý nghĩa trong kinh nghiệm thiêng liêng của cô:
Sáng nay tôi đạp xe dọc theo Station Quay, tận hưởng những con đường vòng rộng lớn của bầu trời ở ven thành phố, hít thở không khí trong lành, tự do. Khắp nơi nhan nhản những biển báo ngăn chặn người Do Thái đến những con đường và vùng quê rộng mở. Nhưng phía trên những con đường chật hẹp đó vẫn còn cho chúng tôi những bầu trời vươn rộng không tỳ tích. Họ không thể làm gì chúng tôi, thật sự họ không thể. Họ có thể quấy rầy chúng tôi, họ có thể cướp đi của cải vật chất, tự do đi lại của chúng tôi, nhưng chính chúng tôi lại đánh mất những tài sản lớn nhất của bản thân bằng sự khúm núm dại dột của mình, bằng chính cảm giác mình bị tra tấn, làm nhục và đàn áp; bằng sự thù hằn của chúng tôi; bằng vẻ vênh váo che giấu nỗi sợ của mình. Dĩ nhiên chúng tôi có thể buồn và thất vọng trước những gì họ đã làm cho mình; điều đó hoàn toàn là con người và dễ hiểu thôi. Tuy nhiên, tổn thương nghiêm trọng nhất vẫn là tổn thương mà chúng tôi gây ra cho chính mình. Tôi thấy cuộc sống tươi đẹp, tôi tự do. Bầu trời trong tôi bát ngát như bầu trời đang giang rộng trên đầu tôi. Tôi tin vào Chúa và tôi tin vào con người, tôi nói thế mà không bối rối. Cuộc sống thật khắc nghiệt, nhưng đó không phải là điều tồi tệ. Nếu ta bắt đầu bằng cách đề cao tầm quan trọng của mình, thì phần còn lại cũng thế. Không phải chủ nghĩa cá nhân thiếu lành mạnh tác động đến ta. Bình an đích thực sẽ chỉ đến khi mỗi cá nhân tìm thấy bình an trong chính mình; khi chúng ta đánh bại tất cả và biến nỗi thù hằn đồng loại dù họ thuộc sắc tộc nào - thậm chí thành tình yêu một ngày nào đó, dù có lẽ điều đó đòi hỏi quá nhiều. Tuy nhiên, đó là giải pháp duy nhất. Tôi là người hạnh phúc và tôi thực sự yêu mến cuộc đời, trong năm của Chúa 1942, năm chiến tranh không biết lần thứ mấy 12.
Kinh nghiệm sống của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Etty Hillesium cho thấy điểm tiếp theo mà chúng ta cần xem xét. Tự do đích thực, tự do tối thượng của người Kitô hữu cốt tại khả năng tin, cậy, mến trong mọi hoàn cảnh nhờ vào sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đấng “giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn” 13. Không ai có thể ngăn cản chúng ta bao giờ. “Đúng thế, tôi tin chắc rằng, cho dù là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” 14.
Không hoàn cảnh nào trên thế gian có thể ngăn cản chúng ta tin vào Thiên Chúa, đặt trọn niềm tín thác vào Người, yêu mến Người hết lòng và yêu thương anh chị em. Tin, cậy, mến là tự do tuyệt đối; nếu chúng được cắm rễ đủ sâu trong chúng ta, chúng có thể rút ra sức mạnh từ bất cứ điều gì chống lại chúng! Nếu có ai tìm cách ngăn cản chúng ta tin bằng việc bách hại, chúng ta sẽ luôn duy trì chọn lựa tha thứ cho kẻ thù, đồng thời, biến tình huống đàn áp thành tình huống yêu thương quảng đại hơn. Nếu có ai cố làm cho đức tin chúng ta im tiếng bằng việc giết chóc, cái chết của chúng ta sẽ là lời tuyên xưng đức tin khả thi nhất! Tình yêu và chỉ tình yêu mới có thể vượt qua sự dữ bằng những việc lành và rút ra sự lành từ sự dữ.
Phần còn lại của cuốn sách nhắm đến việc minh họa chân lý cao đẹp này từ những quan điểm khác nhau. Bất cứ ai hiểu và thực hành điều đó, sẽ đạt được tự do tuyệt hảo. Trưởng thành trong đức tin, cậy, mến là con đường duy nhất dẫn đến tự do.
Trước khi phân tích điều này một cách sâu xa hơn, chúng ta cần xem xét một điểm quan trọng khác liên quan đến những phương thức khác nhau cho việc sử dụng tự do thực sự.
Quan điểm sai lầm về tự do mô tả trước đây thường dẫn người ta đến chỗ tưởng tượng rằng, phương thức duy nhất để thực hiện tự do là chọn điều thích hợp nhất cho họ từ những khả năng khác nhau. Họ nghĩ, phạm vi chọn lựa càng nhiều thì tự do của mình càng lớn. Họ lượng giá tự do bằng phạm vi chọn lựa.
Quan niệm về tự do theo cách này sẽ nhanh chóng dẫn đến những ngõ cụt và những mâu thuẫn. Nó có mặt ở mọi hoàn cảnh, dù ở dạng tiềm thức. Người ta muốn chọn lựa trong mọi hoàn cảnh sống: chọn điểm du lịch, chọn nghề nghiệp, chọn số con cái sẽ có và rồi, chọn lấy giới tính và cả màu mắt của con cái. Họ mơ tưởng một cuộc sống tựa hồ một siêu thị mênh mông, ở đó, mỗi gian hàng chưng ra vô số khả năng và họ có thể thoải mái ghé vào lấy bất cứ thứ gì họ chọn và bỏ đi những thứ còn lại. Hay như một hình ảnh khác, người ta muốn chọn lựa cuộc sống của mình như chọn áo xống từ mục đặt hàng đồ sộ của các trang mạng internet.
Bấy giờ, thật đúng khi cho rằng, việc sử dụng tự do thường liên quan đến một lựa chọn giữa những lựa chọn khác nhau. Đó là một điều hay, nhưng nếu chỉ nhìn vấn đề từ khía cạnh đó thôi thì hoàn toàn phi thực tế. Có rất nhiều khía cạnh cơ bản của cuộc sống mà chúng ta không hề chọn lựa: giới tính, cha mẹ, màu mắt, tính tình hay tiếng mẹ đẻ. Ở một số khía cạnh nào đó, những yếu tố chúng ta chọn lựa trong cuộc sống ít quan trọng hơn những yếu tố mà chúng ta không chọn lựa.
Ngoài ra, ở thiếu thời, cuộc sống chúng ta dường như trải ra trước mặt mình với một phạm vi khả năng rộng lớn để chọn lựa; nhưng theo dòng thời gian, phạm vi đó sẽ hẹp lại dần. Chúng ta phải chọn lựa và những khả năng chọn lựa làm giảm đi số khả năng còn lại. Kết hôn có nghĩa là chọn một người nam hay người nữ; vì thế, loại trừ tất cả những người khác. (Cũng cần hỏi theo nghĩa nào mà người ta thực sự chọn người họ kết hôn - thông thường, họ lấy người họ yêu, vốn không thực sự là một chọn lựa, như từ “yêu” cho thấy! Nhưng điều đó không làm tổn hại gì).
Đôi lúc tôi nói bông đùa rằng, chọn lựa độc thân vì Nước Trời và chọn lựa hôn nhân Kitô giáo thật giống nhau xét về căn bản. Một người đàn ông độc thân chọn khước từ mọi phụ nữ và một người đàn ông kết hôn khước từ mọi phụ nữ khác trừ một người. Đó quả là một khác biệt lớn lao!
Càng già, khả năng chọn lựa của chúng ta càng ít. “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết, lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” 15. Vậy điều gì còn lại từ tự do của chúng ta, nếu chúng ta hiểu nó trong thuật ngữ “siêu thị” được mô tả trước đây?
Quan niệm sai lầm về tự do đã tác động sâu sắc đến thái độ của người trẻ hôm nay, kể cả việc tiến đến hôn nhân hay những hình thức cam kết khác, họ trì hoãn việc đưa ra chọn lựa cuối cùng, vì họ xem chọn lựa là mất tự do. Kết quả, họ không dám quyết định và không bao giờ sống thực sự! Nhưng dù thế nào đi nữa, cuộc sống cũng chọn lựa thay cho họ, bởi lẽ thời gian trôi qua một cách dứt khoát.
Rõ ràng, thực hiện tự do như một chọn lựa giữa những khả năng chọn lựa thật là quan trọng. Tuy nhiên, để tránh vấp phải những sai lầm đau thương, chúng ta cũng cần biết rằng, có một phương thế khác trong việc thực hiện tự do, ít hồ hởi hơn, nghèo khó hơn, khiêm tốn hơn nhưng lại phổ biến hơn nhiều, hiệu quả hơn nhiều cả trần tục lẫn thiêng liêng. Đó là bằng lòng với những gì chúng ta không chọn lựa ban đầu.
Cần nhấn mạnh tầm quan trọng của phương cách sử dụng tự do này. Hình thức cao nhất và hiệu quả nhất của tự do con người được tìm thấy trong việc chấp nhận, ngay cả việc tùng phục quyền thống trị. Sự cao cả của tự do mỗi người sẽ thể hiện khi chúng ta biến đổi thực tại, nhưng sẽ cao cả hơn khi chúng ta chấp nhận nó cách tin tưởng như nó được trao ban cho chúng ta ngày này qua ngày khác.
Thật tự nhiên và dễ dàng khi bằng lòng với những hoàn cảnh dễ chịu chợt đến mà chúng ta không phải chọn lựa. Rõ ràng nó trở thành vấn đề khi sự việc không thuận buồm xuôi gió, nó chống lại chúng ta hoặc làm chúng ta đau khổ. Nhưng một cách chính xác, để tự do thực sự, chúng ta thường được mời gọi chọn cách chấp nhận những gì chúng ta không muốn, cả những gì lẽ ra chúng ta không muốn bất cứ giá nào. Có một quy luật nghịch lý của cuộc sống con người ở đây: người ta không thể trở nên tự do thực sự trừ phi họ chấp nhận không luôn luôn tự do!
Để đạt được tự do nội tâm đích thực, chúng ta phải tập chấp nhận cách thanh thản và sẵn sàng trước bao điều dường như đối nghịch với tự do của mình. Điều này có nghĩa là bằng lòng với những giới hạn cá nhân, yếu đuối, bất lực, hoàn cảnh này hoàn cảnh kia mà cuộc sống áp đặt trên chúng ta .v.v.. Thật không dễ để làm điều này vì tự nhiên chúng ta cảm thấy hoảng sợ trước những tình huống không thể kiểm soát. Nhưng sự thật là chính những tình huống chúng ta không thể kiểm soát là những tình huống làm chúng ta trưởng thành thực sự 16. Có rất nhiều ví dụ về điều này.
Trước khi đi xa hơn, chúng ta cần làm rõ các thuật ngữ. Khi chúng ta đối mặt với những gì bất ưng hay được xem là tiêu cực trong chính mình hay trong hoàn cảnh của mình; lúc bấy giờ, ba thái độ có thể xảy ra:
Trước hết là nổi loạn. Chẳng hạn, chúng ta không chấp nhận con người mình; chúng ta nổi loạn chống lại Thiên Chúa, Đấng đã tác thành chúng ta; chống lại cuộc sống cho phép sự kiện này, sự kiện kia xảy đến; chống lại xã hội .v.v.. Quả thực, nổi loạn không phải luôn luôn tiêu cực - nó có thể là một phản ứng theo bản năng và cần thiết trong những hoàn cảnh cùng cực nào đó. Như vậy, đó là một phản ứng lành mạnh miễn là chúng ta không đeo bám nó. Nổi loạn cũng có thể tích cực như sự từ khước một tình huống không thể chấp nhận được, một tình huống mà ai ai cũng hành động chống lại từ những động cơ chính đáng với những phương tiện hợp pháp và tương xứng. Tuy nhiên, điều chúng ta xem xét ở đây chính là: nổi loạn như là sự khước từ thực tại. Thông thường, đó là phản ứng đầu tiên, tức thời của chúng ta trước khó khăn hay đau khổ nhưng nó không bao giờ giải quyết được điều gì. Tất cả những gì mà hình thức nổi loạn này mang lại là làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Đó là nguồn cội của thất vọng, bạo lực và nổi giận. Một loại chủ nghĩa lãng mạn văn chương tự do nào đó đã bênh vực tính nổi loạn, nhưng lẽ thường bảo cho chúng ta rằng, không gì cao cả hay tích cực đã từng được xây dựng trên nổi loạn như một sự khước từ thực tại, nó chỉ làm tăng thêm và nhân rộng cái sai lầm mà nó cố giải quyết.
Nổi loạn có thể kéo theo cam chịu. Chúng ta nhìn nhận rằng, không thể thay đổi hoàn cảnh hay không thể thay đổi chính mình và rốt cuộc chúng ta cam chịu. Cam chịu có thể biểu thị một mức độ tiến triển nào đó đàng sau cuộc nổi loạn theo nghĩa nó dẫn đến một lối tiếp cận ít gay gắt và thực tế hơn. Nhưng ngần ấy thì không đủ. Nó có thể là một đức hạnh đối với các triết gia nhưng không phải là một nhân đức theo Kitô giáo vì nó không bao hàm một niềm hy vọng. Cam chịu là lời tuyên bố về sự bất lực vốn không thể tiến xa hơn. Nó có thể là một giai đoạn cần thiết nhưng nếu dừng lại ở đó thì nó vẫn vô ích.
Thái độ phải hướng tới là bằng lòng. So với cam chịu, bằng lòng dẫn đến một thái độ nội tâm hoàn toàn khác. Chúng ta nói ‘vâng’ với một thực tại mà thoạt tiên được cho cho là tiêu cực bởi chúng ta nhận ra một điều gì đó tích cực có thể nảy sinh từ đó. Điều này gợi lên niềm hy vọng. Chẳng hạn, chúng ta có thể nói ‘vâng’ trước những gì làm nên chính mình bất chấp những khiếm khuyết của bản thân bởi chúng ta biết Thiên Chúa yêu thương mình; chúng ta tin chắc Thiên Chúa có thể làm những điều kỳ diệu từ những thiếu sót của chúng ta. Chúng ta có thể nói ‘vâng’ trước những nguyên liệu thô thiển bần cùng và kém cỏi nhất của con người vì tin rằng, “Tình yêu thật mạnh mẽ trong mọi việc đến nỗi nó có thể rút ra điều lành từ mọi sự, cả điều tốt lẫn điều xấu mà nó tìm thấy trong tôi” như Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu thổ lộ 17.
Sự khác biệt tối hậu giữa cam chịu và bằng lòng là khi bằng lòng, thì dù thực tại khách quan vẫn là như nhau, thái độ tâm hồn chúng ta vẫn rất khác nhau. Có thể nói, chúng đã thai nghén các nhân đức tin, cậy, mến. Chẳng hạn, bằng lòng với những khuyết điểm thể lý của con người mình có nghĩa là tin vào Thiên Chúa, Đấng tác thành chúng ta như con người chúng ta. Vì thế, hành động bằng lòng chứa đựng niềm tin vào Thiên Chúa, tín cẩn Người và vì thế yêu mến Người nữa, vì tin tưởng ai cũng là một cách yêu mến người đó. Do sự hiện diện của lòng tin, cậy, mến nên sự bằng lòng đạt được giá trị, tầm mức và sinh hoa kết quả thật lớn lao. Vì ở đâu có tin, cậy, mến, thì sự mở lòng ra với ân sủng của Thiên Chúa, chấp nhận thánh ân của Người và không sớm thì muộn, những hiệu quả tích cực của ân sủng sẽ được trao ban lúc cần thiết. Ở đâu ân sủng được đón nhận, nó sẽ không bao giờ trở nên vô hiệu nhưng trái lại, luôn hiệu quả một cách phi thường.