Một trong những nhu cầu sâu xa nhất của con người là nhu cầu liên quan đến căn tính1. Chúng ta cần biết mình là ai; chúng ta cần tồn tại trong mắt mình và trong mắt người khác. Nhu cầu liên quan đến căn tính đó mạnh đến nỗi có thể dẫn đến lầm lạc. Ngày nay, chúng ta đặc biệt thấy điều ấy khi đàn ông cũng như đàn bà, đặc biệt là giới trẻ, có thể chạy theo “cái mã” kỳ quặc nhất theo tiếng gọi của mốt nhất thời, đơn giản như một phương thế khẳng định họ là ai. Các phương tiện truyền thông chào mời biết bao người mẫu: một người trẻ, một ủy viên quản trị đầy năng lực, ngôi sao thể thao, siêu người mẫu, đứa trẻ vượt qua số phận…
Ở mức độ hời hợt nhất, nhu cầu khẳng định căn tính này thường tìm thoả mãn trong sở hữu vật chất và một phong cách sống bên ngoài nào đó: chúng ta đồng hoá mình với những người giàu, với dáng dấp thể lý bên ngoài, với chiếc môtô hay chiếc thuyền buồm của mình. Điều này vô cùng rắc rối: chúng ta đang tìm cách thoả mãn nhu cầu hiện hữu bằng sở hữu. Nó có thể cho chúng ta hạnh phúc một thời gian, nhưng không được bao lâu và sẽ sớm thất vọng. Nhận ra rằng, điều duy nhất mà những người khác quan tâm nơi họ là tiền bạc của họ, chứ không phải chính họ, người ta cảm nghiệm một sự cô đơn kinh khủng.
Ở mức độ cao hơn một chút, nhu cầu hiện hữu tìm sự thoả mãn qua việc đạt được hay sử dụng một số tài năng nào đó hoặc là thể thao, hoặc là nghệ thuật hay tri thức. Như vậy lại mắc phải nguy cơ nhầm lẫn hiện hữu với hữu hiệu (công việc). Nhưng nếu người ta mất hết tài năng và khả năng thì sao? Giả sử một cầu thủ bóng đá đẳng cấp quốc tế rốt cuộc, ngồi xe lăn thì sao? Giả sử một người am tường văn chương kim cổ nước Pháp bị mất trí nhớ trong một tai nạn thì sao? Khi ấy họ là ai?
Một điều thông thường và tốt lành khi một người khám phá mình có thể làm điều này hay điều kia, hiện thực hoá tiềm năng của mình và như thế, họ biết mình là ai. Vì thế, chúng ta có được tự tin và cảm nghiệm được niềm vui bộc lộ tài năng được phú bẩm. Sự nuôi dưỡng và giáo dục của chúng ta cần được đặt nền tảng phần lớn dựa trên khuynh hướng này và chúng cần được như thế.
Nhưng căn tính không bị chôn chân trong tổng số năng lực của một con người. Mỗi người có một có giá trị và một phẩm giá duy nhất, độc lập với những gì họ có thể làm. Ai không nhận ra điều này có nguy cơ trải qua một cuộc “khủng hoảng căn tính” thực sự vào ngày họ gặp thất bại; hoặc họ sẽ khinh miệt kẻ khác khi phải đối mặt với những giới hạn của tha nhân. Trong một thế giới mà con người được đánh giá bởi hiệu năng và lợi nhuận họ có thể làm ra thì đâu là chỗ đứng cho những người nghèo khó và tàn tật?
Ở đây, vấn đề kiêu căng đáng cho chúng ta suy nghĩ2. Tất cả chúng ta chào đời với một vết thương khó lường, được cảm nghiệm như một sự thiếu hiện hữu. Để bù lại, chúng ta tìm cách tạo nên một cái tôi khác cái tôi thực sự của mình. Cái tôi nhân tạo này đòi hỏi một khối lớn năng lượng để nuôi dưỡng nó; thật dễ vỡ, nó cần được bảo vệ. Khốn cho ai phủ nhận nó, đe doạ nó, đặt vấn đề về nó hay ngăn cản sự phát triển của nó. Khi Tin Mừng nói chúng ta phải “chết cho chính mình” là muốn nói đến cái tôi nhân tạo này, cái tôi tự tạo này phải chết để “cái tôi” thực sự Thiên Chúa ban cho chúng ta có thể nổi lên.
Khuynh hướng tương tự này cũng tồn tại trong đời sống thiêng liêng của chúng ta. Điều đó thật bình thường và tích cực, đây là một suối nguồn cho sự trưởng thành nhân bản và thiêng liêng, bởi nó thôi thúc chúng ta tiến bộ, đạt được những thiên khiếu và tài năng, bắt chước mẫu người này hay mẫu người kia. Việc muốn trở thành một người như thánh Phanxicô Assisi hay Mẹ Têrêxa có thể giúp chúng ta bước đi trên con đường nên thánh.
Nhưng điều này sẽ trở nên nguy hiểm nếu chúng ta dừng lại ở đó. Rõ ràng, thật là tuyệt vời khi làm những việc lành như cầu nguyện, ăn chay, dấn thân phục vụ tha nhân, rao giảng Tin Mừng và vân vân. Nhưng sẽ vô cùng hiểm nghèo khi chúng ta đồng hóa chính mình với những việc lành thiêng liêng mà chúng ta có thể làm. Bởi lẽ, căn tính này vẫn chỉ là một căn tính nhân tạo mỏng manh và sẽ sụp đỗ vào ngày mà một trong những đức hạnh của chúng ta thất bại hay một tài năng thiêng liêng đặc biệt nào đó bị lấy khỏi chúng ta, một tài năng mà chúng ta dốc toàn lực con người mình vào. Làm sao có thể chịu đựng được những thất bại nếu chúng ta đồng hóa bản thân với những thành công thiêng liêng của mình? Tôi đã từng gặp nhiều tu sĩ nam nữ, những người cống hiến đời mình cho việc tông đồ, hiến dâng cả thể xác lẫn linh hồn cho một mục đích cao cả, cũng là người đã trải nghiệm một khủng hoảng sâu sắc đến mức không còn biết mình là ai khi mà bệnh tật hay quyết định của bề trên buộc họ phải dừng lại.
Đồng hóa chính mình với một nhân cách tốt lành có thể thực hiện được dẫn đến kiêu căng thiêng liêng: dù ý thức hay không, chúng ta vẫn xem mình là nguyên nhân của sự lành đó thay vì nhận ra mọi sự lành chúng ta có thể làm là quà tặng nhưng không phát xuất từ Thiên Chúa. “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, thì tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?”3. Tính kiêu căng này dẫn chúng ta đến chỗ xét đoán những ai không làm được nhiều việc như chúng ta, chúng ta thiếu kiên nhẫn với những ai ngăn cản chúng ta thực hiện một dự án đã được đề ra và vân vân.
Kiêu căng, cứng lòng, khinh miệt tha nhân cùng với nhát đảm sợ hãi là những hậu quả không thể tránh khỏi của việc nhẫm lần cái tôi với tài năng của tôi. Nhữngthất bại là điều không thể chịu đựng được bởi lẽ thay vì được coi là bình thường, thậm chí có lợi cho mình, thì chúng ta coi nó như một cái gì đang tấn công vào hữu thể của mình.
Con người quý giá hơn tất cả tổng số những điều tốt lành họ có thể làm được. Họ là con cái Thiên Chúa dù họ làm điều lành hoặc không thể tự làm bất kỳ điều gì. Cha chúng ta trên trời không yêu mến chúng ta vì những điều tốt lành chúng ta làm. Người yêu mến chúng ta vì chúng ta, bởi Người đã nhận chúng ta làm nghĩa tử mãi mãi.4
Đó là lý do tại sao khiêm tốn, khó nghèo thiêng liêng thật quý báu: nó an toàn đặt căn tính chúng ta vào nơi an toàn, một nơi không có một tổn hại nào. Nếu kho tàng của chúng ta ở trong Thiên Chúa, không ai có thể cướp nó khỏi chúng ta. Khiêm tốn là sự thật. Tôi là những gì tôi là trong mắt Thiên Chúa: một đứa trẻ nghèo khó, tuyệt đối không có gì, nhận mọi điều, được yêu thương vô cùng và hoàn toàn tự do. Tôi đã nhận trước mọi điều từ tình yêu trao ban nhưng không của Cha tôi, Đấng nói với tôi cách dứt khoát, “Tất cả những gì của Cha đều là của con”5.
Kho tàng của chúng ta không phải là cái gì mối mọt có thể gặm nhắm6, đó chính là thiên đường trong tay Thiên Chúa. Nó tùy thuộc vào chỉ một mình Người, vào ý muốn tốt lành và lòng hào hiệp bền vững của Người đối với chúng ta. Căn tính của chúng ta có nguồn cội từ tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa, Đấng tác tạo chúng ta theo hình ảnh Người và dự định cho chúng ta sống mãi với Người.
Tình yêu là những gì còn lại khi mọi sự đã qua đi. Tất cả chúng ta hãy ghi nhớ điều này mỗi khi đứng trước những thất bại, chia cắt, những lời nói mà chúng ta lấy làm hối tiếc. Tình yêu dấy lên từ vực thẳm của đêm tối như một khúc ca chỉ vừa đủ nghe, thế mà vẫn nảy sinh một bảo đảm rằng, trước mọi tai ương trong đời, ngay cả trước những niềm vui, đau khổ, sinh, tử… vẫn tồn tại một khoảng không nơi không gì có thể đe doạ, không gì từng đe doạ, không có nguy cơ bị phá hủy, một khoảng không nguyên vẹn, khoảng không của tình yêu vốn là nền tảng hiện hữu của chúng ta. 7
Điều này không có nghĩa là không thành vấn đề khi chúng ta cư xử tốt hay không tốt. Hãy làm lành lánh dữ ngần nào có thể, bởi tội lỗi làm tổn thương Thiên Chúa và tác hại đến chúng ta cũng như người khác và thiệt hại nó gây ra thường rất khó cứu chữa. Nhưng chúng ta không có quyền đồng hoá người khác với những sai phạm của họ. Điều đó sẽ giam hãm họ và làm cho họ mất hết hy vọng. Chúng ta cũng không thể đồng hoá bất cứ ai - cách riêng với chính mình - với việc lành họ làm.
Những suy xét này làm sáng tỏ đường lối Thiên Chúa đang dạy dỗ và đào luyện mỗi người chúng ta, đồng thời cũng cho thấy ý nghĩa của những thử thách trong đời sống thiêng liêng.
Theo các nhà thần nghiệm, những thử thách hay “thanh luyện” sẽ phá huỷ những gì là nhân tạo trong tính cách của chúng ta, để hữu thể đích thực của chúng ta có thể thể hiện - tức là, chúng ta là gì đối với Thiên Chúa. Đêm tối tâm hồn có thể được gọi là một chuỗi những gì làm cho con người ra nghèo đi, đôi khi khá mạnh mẽ, để rồi lột khỏi những người tin mọi khả năng cậy dựa vào chính mình. Những thử thách này thật hữu ích vì chúng dẫn chúng ta đến chỗ đặt căn tính của mình vào nơi chốn thực sự là của chúng. Trải nghiệm này có thể rất đau đớn khi ai đó yêu mến Thiên Chúa mà phải trải qua một giai đoạn không có mảy may một chút tha thiết và thậm chí với một sự ghê tởm sâu xa trước những điều thiêng liêng. Người ta không đánh mất tình yêu đối với Thiên Chúa vì cả hữu thể của họ vẫn hướng hoàn toàn về Người; nhưng người ta đã đánh mất cảm giác yêu thương. Lợi ích của thử thách này là nó tước khỏi chúng ta khả năng cậy dựa vào điều lành chúng ta làm. Lòng nhân từ của Thiên Chúa là tất cả. Có lần linh mục kia bảo tôi trong tòa giải tội, “Khi bạn không còn tin vào những gì mình có thể làm cho Thiên Chúa, hãy tiếp tục tin vào những gì Người có thể làm cho bạn”.
Dần dần và theo một cách thức vốn xảy ra song song với sự bần cùng kinh khủng của mình, những ai trải qua những thử thách như thế trong khi vẫn cậy trông vào Chúa, sẽ bắt đầu nhận ra chân lý của một điều gì đó mà cho tới lúc ấy, mới chỉ là một biểu hiện đạo đức: Thiên Chúa yêu thương chúng ta một cách tuyệt đối vô điều kiện bởi nhân đức, lòng nhân từ, sự trìu mến vô biên và tình phụ tử của Người dành cho chúng ta.
Cảm nghiệm này tạo ra một sự đổi thay căn bản trong đời sống Kitô hữu chúng ta. Đó là một hồng ân vô biên. Nền tảng mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa không còn đặt nơi chúng ta nhưng hoàn toàn và độc nhất nơi Thiên Chúa. Giờ đây, chúng ta trở nên tự do hoàn toàn. Khi tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa có tình phụ tử của Người như là nền tảng duy nhất, nó sẽ tránh khỏi mọi tổn hại.
Những ai vượt qua được loại thử thách này thì còn hơn cả việc từng yêu mến Thiên Chúa và mong làm hài lòng Người bằng những việc lành, nhưng những việc lành họ làm giờ đây sẽ được làm một cách tinh tuyền, tự do và vô vị lợi. Nó không sản sinh từ một nhu cầu tạo ra một căn tính nào đó hay một khát khao thành công. Nó cũng không có một động cơ ẩn tàng là để được phần thưởng. Động lực cội nguồn của nó là chính Thiên Chúa.
Sự cải hoá thiêng liêng này được tu sĩ Ai Cập Matta El - Maskeen hay el Maskine (Matthew Nghèo Khó) mô tả rất hay trong tác phẩm về cầu nguyện của ông.
Khi những người Kitô hữu hiến mình cho cuộc chiến thiêng liêng, cho việc chuyên chăm cầu nguyện và tuân giữ cẩn thận những thực hành đạo đức khác, họ có thể đi đến chỗ cảm nhận rằng, hành vi này hay tình trạng siêng năng kia là điều kiện của tương quan giữa họ với Thiên Chúa. Rồi dường như đối với họ, chính vì sự kiên trì và trung thành với việc cầu nguyện đó, họ đáng được Thiên Chúa yêu thương và trở nên con cái của Người. Nhưng Thiên Chúa không muốn các linh hồn đi lạc vào con đường sai lầm đó, vốn trong thực tế, tách xa họ ra khỏi tình yêu và cuộc sống với Thiên Chúa được trao tặng cách nhưng không của Người. Vì thế, Người lấy đi năng lượng và sự siêng năng là những gì có thể đe doạ nỗi mất mát này.
Một khi Thiên Chúa đã lấy đi những khả năng mà Người trao ban cách nhưng không cũng là chứng từ yêu thương của Người - những linh hồn này bị bỏ mặc không chút sức mạnh, không thể thực hiện bất cứ hành vi thiêng liêng nào và phải đối đầu với chân lý đáng kinh ngạc mà họ kháng cự vì không tin và cứ khăng khăng coi đó là điều hầu như không thể được, chân lý đó là: Thiên Chúa trong cương vị người Cha, không cần lời cầu nguyện hay những việc lành của chúng ta. Lúc đầu, họ bám vào ý tưởng rằng Thiên Chúa đã rút lại sự quan tâm đầy tình cha của Người đối với họ sau khi họ ngừng cầu nguyện; và Thiên Chúa đã bỏ họ, lãng quên họ bởi những công việc và sự kiên trì của họ không theo kịp mức độ đòi hỏi của tình yêu. Họ phí công hoài sức đứng lên từ sự kiệt quệ và đau buồn của mình. Họ tiếp tục những công việc trước đây, nhưng mọi quyết tâm của họ đều tan thành mây khói. Và rồi, dần dần, họ bắt đầu hiểu rằng, sự cao cả của Thiên Chúa không được cân đo bằng những tiêu chuẩn vô bổ của con người; tình phụ tử vô cùng trổi vượt của Người chọn nhận những người con từ cát bụi làm nghĩa tử là do sự trìu mến vô cùng và ân sủng vô biên của Người, không phải để đền đáp những công việc của con người hay những nỗ lực của chúng ta; rằng việc Thiên Chúa nhận chúng ta làm nghĩa tử là một sự thật bắt nguồn nơi Thiên Chúa chứ không phải bắt nguồn nơi chúng ta, một sự thật luôn luôn hiện hữu, muôn đời tồn tại - bất chấp sự bất lực và tội lỗi của chúng ta - là bằng chứng sự nhân từ và quảng đại của Người. Bằng cách này, sự thờ ơ thiêng liêng của họ dẫn các linh hồn này đến chỗ xem lại quan niệm của họ về Thiên Chúa một cách căn bản, đồng thời, xem lại việc đánh giá về các mối tương quan thiêng liêng giữa linh hồn và Người. Điều này thay đổi cách sâu xa quan niệm của họ về nỗ lực và sự siêng năng trong những việc thiêng liêng. Họ không còn coi những thứ này như giá phải trả trước tình yêu của Thiên Chúa nữa nhưng là sự đáp trả trước tình yêu và sự chăm sóc đầy tình cha của Người.8
Những gì Thiên Chúa làm trong những tâm hồn của một số người nào đó bằng cách nhấn chìm họ vào cái được gọi là “lãnh đạm thiêng liêng” là một điều gì đó Người muốn làm cho mọi người dù có lẽ theo cách thức ít lạ thường hơn và thường xuyên hơn qua những đau khổ của họ: thất bại, vô dụng, sa ngã đủ loại, đau ốm, thất vọng, những yếu đuối tâm lý và tình cảm, thậm chí đó là lầm lỗi của chính họ. Giữa thử thách thiêng liêng và các thử thách khác không có sự khác biệt lớn lao nào. Thiên Chúa tận dụng mọi sự, ngay cả hậu quả tội lỗi của chúng ta! Thật là an ủi khi biết rằng, chúng ta có thể rút ra những lợi ích thiêng liêng lớn lao từ một thử thách không liên can gì đến việc thiêng liêng.
Những Kitô hữu “trưởng thành” đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa là những người đã cảm nghiệm được sự hư vô căn cơ của mình, sự nghèo khó tuyệt đối của mình, đến mức hư không. Ở tận đáy của sự hư vô đó, cuối cùng, họ khám phá ra sự trìu mến không thể diễn tả được cũng như tình yêu tuyệt đối vô điều kiện của Thiên Chúa. Từ đó, nguồn trợ lực và cậy trông duy nhất của họ là lòng nhân từ vô bờ bến của Chúa Cha. Đối với họ, lời Thiên Chúa nói với dân Israel qua miệng ngôn sứ Xôphônia đã thành hiện thực, “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa”9. Họ làm mọi điều tốt lành mà họ có thể. Họ đón nhận những gì tha nhân có thể làm cho họ với niềm vui và lòng biết ơn, nhưng trong sự tự do cao cả, bởi nguồn trợ lực của họ là chỉ một mình Thiên Chúa. Họ không rối rắm bởi những yếu đuối của mình, cũng không tố cáo người khác vì không đáp ứng mong mỏi của họ. Sự cậy trông vào chỉ một mình Thiên Chúa bảo vệ họ khỏi mọi thất vọng. Nó mang lại cho họ tự do nội tâm, một tự do mà họ sử dụng hoàn toàn để phụng sự Thiên Chúa và tha nhân, họ đáp trả tình yêu bằng tình yêu.
Thế gian tìm kiếm tự do qua việc tích trữ của cải và quyền lực. Người ta quên rằng, những người tự do đích thực là những người không còn gì để mất. Bị tước đoạt mọi thứ, bị dựt khỏi mọi điều, họ “thoát khỏi mọi người” và mọi sự. Thật ra, người ta có thể nói, cái chết đã thực sự ở đằng sau họ rồi, bởi vì mọi “kho tàng” của họ giờ đây đều ở trong Thiên Chúa và chỉ ở trong một mình Người. Những người tự do trọn hảo không ước ao cũng không sợ hãi một điều gì. Mọi điều tốt lành quan trọng đối với họ đã được Thiên Chúa bảo đảm rồi. Họ không còn gì để mất, không còn gì để bảo vệ. Họ là những người “nghèo khó nơi tâm hồn” của các Mối Phúc: tách biệt, khiêm tốn, nhân từ, nhu mì, kiến tạo hòa bình.
Chân lý này được diễn tả qua câu chuyện đặc trưng cho kỷ nguyên độc tài của Stalin trong quyển sách The First Circle10 của Solzhenitsyn. Một sĩ quan cao cấp cần sự cọng tác của một “zek”, nhà khoa học, cho dự án mà ông đảm trách và nguy cơ mất việc sẽ xảy đến nếu ông không thực hiện được dự án đó. Ông đưa ra mọi lý lẽ có thể được để thuyết phục nhà khoa học hợp tác. Solzhenitsyn cho thấy cách sâu sắc con người tự do thực sự trong cuộc trao đổi này không phải là viên sĩ quan quyền lực mà là người tù kia, bởi anh ta không còn gì để mất. Anh sẵn sàng trở lại Siberia nếu cần: ngay trong những điều kiện tồi tệ đó, một người vẫn còn có thể là người.
Gulags và các trại tập trung khác là một trong những vết thương nghiêm trọng nhất của thế kỷ hai mươi, vậy mà chúng cho vẫn cho thấy vô số trường hợp những con người tìm được tự do đích thực đằng sau những chắn song. Bị giam trong một trại tù ở Westerbork, Etty Hillesum đã suy tư trong cuốn sách của mình:
Kẽm gai thì hơn cả một vấn đề về thái độ.
‘Chúng tôi đằng sau kẽm gai ư?’, một quý ông cao niên rất kiên định có lần đã nói với cái vẫy tay đầy uất ức. ‘Họ là những người sống sau kẽm gai’- và ông ta chỉ những toà nhà cao tầng sừng sững như những lính gác phía trên kia của hàng rào.11
Cô cũng viết, “Tôi sẽ nói rằng, nếu bạn có một đời sống nội tâm phong phú, thì có lẽ ở trong tù hay ở ngoài tù có khác gì nhau đâu”.12
Theo tháng năm, tôi gặp nhiều người mà với họ, tôi chia sẻ nhiều điều sâu sắc và cảm nghiệm những hành động lặng lẽ, nhiệm mầu, nhưng rất thiết thực của Thiên Chúa trong đời tôi cũng như trong đời họ. Càng ngày, tôi càng bị đánh động bởi sự khôn ngoan của Tin Mừng và cách thức Ngôi Lời toả chiếu ánh sáng chính xác đến ngạc nhiên trên hoàn cảnh con người. Tin Mừng nghịch lý, không mệt mỏi… có một năng lực ngoại thường để làm cho con người “trở nên người” hơn.
Ở trung tâm của Tin Mừng, có Bát phúc. Mối phúc đầu tiên tóm lược tất cả các mối phúc khác, “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ”. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp độc giả hiểu được lời phát biểu đáng ngạc nhiên này của Đức Giêsu và bắt đầu thực hành nó. Nghèo khó tinh thần, hoàn toàn phụ thuộc vào Thiên Chúa và lòng nhân từ của Người là điều kiện để có tự do nội tâm. Chúng ta cần trở nên con cái và “bằng lòng chờ mong mọi sự từ Thiên Chúa là Cha chúng ta: mọi sự cách tuyệt đối, lần này đến lần khác”.13
Chúng ta không biết những sự kiện nào sẽ đánh dấu thiên niên kỷ thứ ba, nhưng biết chắc một điều: những ai học cách khám phá và mở rộng không gian không thể chuyển nhượng của tự do mà Thiên Chúa đặt vào tâm hồn họ qua việc cho họ trở nên con cái Người, sẽ không bao giờ bị bắt chộp vì mất cảnh giác.
Để kết luận, tôi dành cho độc giả mẩu đối thoại dễ thương giữa Đức Giêsu và một tác giả tu đức người Tây Ban Nha đương thời, người đã tương quan mật thiết với Đức Maria từ lúc còn bé và xin được ẩn danh.
“Qua những trải nghiệm mang lại cho Ta niềm vui, con không bao giờ phân vân về điều gì làm cho Ta vui nhất sao?”.
“Dạ không”, tôi thưa Đức Giêsu.
Ngài nói, “Khi, trong tự do sáng suốt, con thưa xin vâng trước những lời mời gọi của Thiên Chúa”. Rồi Ngài nói tiếp, “Hãy nhớ Tin Mừng nói gì, ‘Sự thật sẽ giải thoát chúng ta’. Con chỉ có thể tự do đáp trả lời mời gọi của ân sủng khi sự thật của con trở nên trong sáng, khi con chấp nhận nó một cách khiêm tốn, và khi, dựa trên nền tảng đó, con giữ mãi cuộc đối thoại với Thiên Chúa, nhận ra rằng mọi sự đã xảy ra và xảy đến với con là một phần của dự án tình yêu và quan phòng của Chúa Cha của con.
“Vâng, nhiều điều sẽ làm cho con rối trí. Thậm chí chúng dìm con vào đêm tối dày đặc, hơn thế nữa, dìm con vào khổ đau gây thương tích và làm con tê liệt. Nhưng nếu con cậy dựa vào niềm tin của mình, niềm tin đó sẽ là khiên thuẫn của con. Thiên Chúa không tỏ mình với tư cách là Abba của con sao? Ta, người Con, đã không đón nhận con khi con đang ở trong điều kiện tồi tệ nhất sao? Đấng Bào Chữa không bảo vệ con sao? Hãy xác tín điều này hết tấm lòng, hết linh hồn, và nó sẽ đổ đầy tâm hồn con niềm tín thác và niềm tin.
“Đừng sợ chính mình! Đừng sợ, dù con đang là thế này, thế khác; chính trong thực tại con người của con mà Thiên Chúa đến cắm lều để ở với con. Thiên Chúa nhập thể. Tên mới của Người là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta: Thiên Chúa với con người thực của con. Không chút sợ hãi, hãy mở lòng đón nhận điều đó. Mức độ con khám phá chính mình cũng là mức độ con khám phá vực thẳm tình yêu của Người. Trong vực thẳm của những gì là con người của con, con sẽ cảm nghiệm rằng, con không lẻ loi. Một ai đó, đầy yêu thương và nhân từ, đã đi vào mầu nhiệm nhân tính của con, không như một khán giả, không như một quan tòa, nhưng là một ai đó đang yêu thương con, hiến dâng chính mình cho con, cưới con để con được tự do, cứu độ con, chữa lành con… Để ở cùng con mãi mãi, yêu thương con, yêu mến con!”.
Phục Sinh, 2002.