Tầm quan trọng của việc tin, cậy, mến đã được nói đến thật nhiều trong các chương trước. Từ thời xa xưa, chúng được gọi là “các nhân đức đối thần”; nói cách khác, các nhân đức liên kết chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể đạt được tự do nội tâm tuỳ theo mức độ chúng ta phát triển các nhân đức đối thần này.
Ngày nay, “nhân đức” đã mất nhiều ý nghĩa. Nguồn gốc Latin của nó là virtus, có nghĩa là sức mạnh hay quyền năng. Đức tin là sức mạnh cho chúng ta. Thư gửi tín hữu Rôma nói về Abraham, “Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa”1. Cũng thế, cậy trông không phải là viễn vông hay mơ mộng, nhưng tin vào lòng trung thành của Thiên Chúa, Đấng thực hiện lời hứa của Người - một niềm tin vốn đem đến cho chúng ta sức mạnh lớn lao. Và đức mến có thể được gọi là lòng can đảm để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.
Ba nhân đức đối thần này làm nên năng lực thiết yếu của đời sống người Kitô hữu. Thật quan trọng để hiểu đúng vai trò của chúng và tập trung toàn bộ đời sống thiêng liêng vào chúng hơn là, như đôi lúc xảy ra, vào những khía cạnh thứ yếu. Đối với người Kitô hữu, trưởng thành có nghĩa là có khả năng sống nhờ tin, cậy, mến. Kitô hữu không phải là những người sống theo một bộ luật. Trên hết và trước hết, Kitô hữu là người tin vào Thiên Chúa, hy vọng mọi sự từ Người, muốn yêu mến Người và yêu thương tha nhân hết lòng. Các giới răn, kinh nguyện, bí tích và mọi ân sủng đến từ Thiên Chúa (kể cả những kinh nghiệm thần nghiệm cao nhất) chỉ có một mục đích duy nhất là gia tăng lòng tin, cậy, mến.
Tân Ước, đặc biệt trong các Thư của thánh Phaolô, mô tả tin, cậy, mến là trọng tâm của đời sống Kitô hữu. “Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa… nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vì lòng mến và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô”2. Trong cuộc chiến thiêng liêng, vũ khí thiết yếu nhất của người Kitô hữu là các nhân đức đối thần, “Chúng ta hãy mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ”3.
Các nhân đức đối thần có vai trò then chốt trong đời sống thiêng liêng bởi vì ở đây, tự do của chúng ta và ơn Chúa hợp tác với nhau. Mọi sự tích cực và tốt lành trong đời sống chúng ta đều phát sinh từ ơn Chúa và hành động của Chúa Thánh Thần trao ban cách nhưng không mà chúng ta không đáng nhận; thế nhưng, ân sủng không thể sinh hoa kết trái dồi dào trong chúng ta trừ phi chúng ta hợp tác hoàn toàn, “Để tác tạo con, Ta không cần con; nhưng để cứu con, Ta cần con”, Chúa Giêsu đã nói với thánh Catherine Siena như thế.
Vậy, một cách huyền nhiệm nhưng là thực sự, các nhân đức đối thần là quà tặng của Thiên Chúa và hành động của con người. Đức tin đến từ Thiên Chúa là quà tặng nhưng không, không ai có thể nói “Đức Giêsu là Chúa” nếu Thánh Thần không mạc khải cho người ấy; cùng lúc đó, hành vi tự nguyện của họ cũng bằng lòng trước những chân lý được Thánh Kinh và Truyền Thống Giáo Hội dạy. Khía cạnh tự nguyện của hành vi ấy thể hiện rõ ràng nhất lúc gặp cám dỗ hay nghi ngờ, “Tôi tin những gì tôi muốn tin”, thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu nói giữa những thử thách chị phải chịu vào cuối đời. Tin không luôn diễn ra cách tự nhiên và đôi lúc đòi hỏi chúng ta can đảm nắm chặt đôi tay để kết thúc những do dự và nghi ngờ. Dẫu thế, khi chúng ta thực hiện một hành vi đức tin thì điều đó chỉ có thể khả thi vì chính “Chúa Thánh Thần giúp đỡ chúng ta trong sự yếu đuối của chúng ta”4.
Cũng thế, trông cậy là một chọn lựa thường đòi hỏi một nỗ lực. Lo lắng, nản lòng và sợ sệt thì dễ hơn. Trông cậy có nghĩa là tín thác. Khi cậy trông, chúng ta không bị động, nhưng đang hành động.
Yêu mến cũng là một quyết định. Một đôi khi, nó chợt đến, nhưng rất thường khi, yêu thương người khác có nghĩa là chọn yêu thương họ. Bằng không, tình yêu sẽ không hơn gì cảm xúc, thậm chí ích kỷ và là một cái gì đó không liên quan gì đến tự do của chúng ta.
Nhưng chính qua hành động của Thiên Chúa, ẩn tàng hay công khai, mà đức tin, cậy, mến có thể thực hiện 5. Các nhân đức đối thần thức dậy và lớn lên trong tâm hồn con người bởi công việc và giáo huấn của Chúa Thánh Thần. Việc huấn giáo của Thiên Chúa như thế đôi lúc làm rối tung cả lên. Hãy xem cách Chúa Thánh Thần hoạt động bên trong chúng ta.
Không có cách nào để lập biểu đồ tất cả những gì Chúa Thánh Thần làm trong bất cứ một cuộc sống nào. Chúng ta không thể đưa ra luật lệ hay hoạch định nó. “Gió thổi đâu tùy ý nó, anh nghe tiếng gió nhưng không biết gió từ đâu đến và nó đi đâu”6. Tuy nhiên, chúng ta có thể lần theo một vài thông số nào đó. Các mầu nhiệm kinh Mân Côi có thể giúp ta thấy điều đó.
Kinh Mân Côi là một lời kinh rất hay mà qua đó, chúng ta phó mình cho Đức Mẹ để đi vào thông hiệp với các sự kiện trong cuộc đời Đức Kitô. Kinh Mân Côi còn là một biểu tượng của mọi đời sống con người. Cũng như kinh Mân Côi chứa đựng các mầu nhiệm vui mừng, đau khổ và cuối cùng là vinh quang; cũng thế, có thể nói, công trình của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời chúng ta cũng có những “suối nguồn” vui mừng, đau khổ và vinh quang. (Đó là thứ tự tầm quan trọng của chúng, nhưng chúng diễn ra theo đường tròn).
Một số suối nguồn của Chúa Thánh Thần chiếu sáng và mặc khải; một số lột bỏ và làm hao mòn; một số xác định và làm cho vững chắc. Cả ba loại này đều cần thiết: loại thứ nhất sinh ra đức tin, loại thứ hai dạy chúng ta trông cậy và loại thứ ba ban cho chúng ta lòng can đảm để yêu mến.
Chúng ta hãy lấy gương cuộc đời thánh Phêrô. Một đôi khi, tôi hỏi những người thuộc nhóm Canh Tân Đặc Sủng, “Thánh Phêrô đã đón nhận suối nguồn của Chúa Thánh Thần khi nào?”, họ thường trả lời, “Vào Lễ Ngũ Tuần!”. Dĩ nhiên điều này đúng, nhưng tôi thêm rằng, đó không phải là thời gian duy nhất. Theo ý tôi, thánh Phêrô đã trải nghiệm “những suối nguồn khác của Chúa Thánh Thần trước cả suối nguồn trong sách Công Vụ Tông Đồ. Có ít nhất hai suối nguồn mà tôi muốn gợi lại.
Suối nguồn đầu tiên của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời thánh Phêrô diễn ra vào thời khắc ơn gọi của ngài, khi ngài cảm thấy buộc phải từ bỏ mọi sự - công việc, lưới, thuyền và gia đình - để theo Đức Giêsu. Thông điệp của Đức Giêsu và trên hết, chính Ngài đã đánh động Phêrô cách sâu xa, “Chưa hề có ai nói năng như ông ấy!”7. Niềm say mê vị ngôn sứ đến từ Galilê xâm chiếm Phêrô và ông cảm nhận được lời Ngài là lời hằng sống. Cùng lúc, ông dự đoán rằng, bằng cách đáp lại lời mời gọi “Hãy đến và theo tôi” của Đức Giêsu, vận mệnh của đời ông lật sang một trang hoàn toàn mới và từ đó cống hiến cho một cuộc mạo hiểm phi thường. Chúa Thánh Thần vừa mạc khải cho Phêrô biết Đức Giêsu là ai vừa cho ông thấy ý nghĩa mới của cuộc đời ông, gợi lên niềm vui và hạnh phúc lớn lao trong ông. Đó là khởi đầu của một cuộc phiêu lưu thiêng liêng tuyệt diệu.
Đây là những “suối nguồn vui mừng” của Thánh Thần. Chúa Thánh Thần cũng làm cho chúng ta nên phong phú bằng sự hiện diện mới mẻ của Đức Kitô, đồng thời, một sự hiểu biết mới mẻ về ý nghĩa cuộc đời chúng ta. Vào những thời điểm như thế, vai trò chính của Chúa Thánh Thần là soi lòng mở trí chúng ta và gợi lên sự đáp trả bằng niềm tin.
Nhưng một đôi khi, Chúa Thánh Thần làm chúng ta hao mòn. Kinh nghiệm lớn nhất của thánh Phêrô về điều này ở ngay thời điểm kinh khủng nhất trong đời ông: chối Thầy. Nhưng nhờ lòng nhân lành của Thiên Chúa, sự chối nhận đó đã trở nên cơ hội cho suối nguồn sâu thẳm của Chúa Thánh Thần. Hoàng Tử của các Tông Đồ khóc cho sự hèn hạ và tội lỗi mình, nhưng trong nước mắt, ông nhận được niềm hy vọng của sự tha thứ.
Việc chối Thầy của Phêrô là một cú ngã kinh khủng đối với ngài, là Tông Đồ Trưởng. Đức Giêsu đã chọn ngài làm trưởng. Nhưng mọi tình cảm cao quý và tinh thần trách nhiệm cao cả của ngài cũng tan biến chỉ trong vài giây. Tất cả những gì cần thiết chỉ là một cô hầu gái trong sân vị Thượng Tế hỏi ngài, “Có phải ông cũng là một trong những môn đệ của người này không?”. Ba lần Phêrô chối Thầy khi thề thốt mình không liên quan gì tới Ngài. Nhưng Chúa Thánh Thần, Cha kẻ cơ bần, tận dụng cú ngã kinh khủng ấy để một lần nữa chạm đến tâm hồn vị Tông Đồ, rất sâu. Phêrô bắt gặp ánh mắt của Đức Giêsu và hiểu được tất cả sự khủng khiếp của việc phản bội. Cùng lúc ấy, ngài thấy mình không bị kết án nhưng lại được yêu thương trìu mến hơn bao giờ hết. Với ngài, vẫn còn hy vọng được nhấc lên lại, niềm hy vọng cứu độ. Phêrô quỵ xuống trong nước mắt, và trong nước mắt, ngay lúc ấy, ông được thanh tẩy. Giuđa, tại sao ông tránh ánh mắt của Đức Giêsu và như thế, chôn vùi mình trong thất vọng? Ngay cả đến hơi thở cuối cùng, hy vọng cứu độ và tha thứ vẫn có thể là của ông. Tội lỗi của ông không tồi tệ hơn của Phêrô…
Trong cái nhìn của Đức Giêsu, Phêrô đón nhận suối nguồn của Chúa Thánh Thần. Một trong những suối nguồn đau đớn đó bần cùng hóa chúng ta nhưng rốt cuộc, sinh ích vô cùng vì chúng cho chúng ta thấy sự bất lực của mình và buộc chúng ta từ đó trở đi, chỉ tin tưởng vào lòng thương xót và trung thành của Thiên Chúa.
“Người thấy tội mình thì vĩ đại hơn người làm cho kẻ chết chỗi dậy”, các Giáo Phụ sa mạc đã nói như thế. Phêrô đi từ kiêu căng đến cậy trông. Cậy trông là nhân đức của người biết mình vô cùng yếu đuối và dễ đổ vỡ để rồi chỉ cậy dựa vững chắc vào Thiên Chúa bằng niềm tín thác hoàn toàn. Lần đầu tiên trong đời, thánh Phêrô thực hiện một hành động cậy trông thực sự, “Điều con không thể làm bằng chính sức mạnh của mình, thì con cậy trông nơi Người, ôi lạy Thiên Chúa của con. Không phải nhờ công đức của con vì con chẳng có công trạng gì nhưng chỉ nhờ lòng nhân từ của Người mà thôi”.
Đức cậy trông chỉ có thể phát sinh từ cảm nghiệm sâu xa về sự khó nghèo của mình. Chừng nào chúng ta giàu có, chúng ta chỉ dựa vào của cải của mình. Để học cậy trông, chúng ta phải đi qua sự bần cùng. Những trải nghiệm này là cửa ngõ dẫn vào trải nghiệm sự tốt lành, lòng trung tín và quyền năng của Thiên Chúa theo một công thức hoàn toàn khác thường, “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó”- những người bị Chúa Thánh Thần tước bỏ hết mọi sự - “vì Nước Trời là của họ”8.
Chuyển sang các mầu nhiệm vinh quang, chúng ta thấy Lễ Ngũ Tuần rõ ràng là “suối nguồn vinh quang” của Chúa Thánh Thần tuôn tràn trên Phêrô và các môn đệ khác. Nó đổ đầy họ - và đổ đầy chúng ta - sự hiện diện của Thiên Chúa và liên kết họ mật thiết với Đức Kitô; hoa quả tốt đẹp nhất của nó là lòng can đảm để yêu thương. Trong phòng Tiệc Ly, thánh Phêrô lãnh nhận quyền năng từ trên cao như Đức Giêsu đã hứa 9. Đây là quyền năng của đức mến, lửa yêu mến, lòng can đảm để yêu mến Thiên Chúa hơn bất cứ ai, bất cứ điều gì khác và hiến đời mình phục vụ tha nhân qua việc rao giảng Tin Mừng. Bừng cháy lửa yêu mến mà Thánh Thần đốt lên trong tâm hồn mình, từ đó trở đi, Phêrô là vị Tông Đồ không biết mệt mỏi, vui mừng trong những dịp chịu đau khổ vì danh Đức Giêsu 10, và hoàn toàn dấn thân cho việc “chăn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa mà ngài sẵn lòng đảm trách”11.
Ba khía cạnh của đời sống thiêng liêng - những suối nguồn vui mừng, đau thương và vinh quang của Chúa Thánh Thần - gợi lại hình ảnh ngọn lửa và khúc gỗ mà thánh Gioan Thánh Giá dùng12.
Khi ngọn lửa bén vào khúc gỗ, trước hết, nó làm cho khúc gỗ sáng lên và được sưởi ấm. Điều đó tương ứng với mầu nhiệm vui mừng. Chúng ta được sưởi ấm bởi tình yêu Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta. Khi ngọn lửa đến gần hơn, khúc gỗ bắt đầu nám đen, bốc khói, có mùi khó chịu, rỉ ra nhựa đốt và những chất khó ưa khác. Đây là suối nguồn đau thương: tâm hồn cảm thấy đau khổ trước nỗi khốn cùng của mình. Giai đoạn này kéo dài cho đến khi ngọn lửa thanh luyện đã hoàn tất công việc của nó và tâm hồn hoàn toàn được biến đổi thành ngọn lửa yêu mến. Đây là suối nguồn vinh quang, trong đó, linh hồn được củng cố trong đức mến, ngọn lửa mà Đức Giêsu đến để đốt lên trong trần gian.
Bài học từ hình ảnh này rất lạc quan, chúng ta không nên sợ hãi những lúc bị giày vò bởi những nỗi khốn cùng của mình. Chúng ta hãy phó mình cách tin tưởng cho Thiên Chúa và tin chắc rằng sớm muộn gì nỗi khốn cùng rồi sẽ được biến đổi thành đức mến cháy bừng. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu viết cho chị mình, Marie du Sacré-Cœur, “Hãy tránh xa mọi thứ hào nhoáng, hãy yêu mến sự nhỏ bé của mình… rồi chúng ta sẽ nghèo khó trong lòng và Đức Giêsu sẽ đến tìm chúng ta. Dù ở xa thế nào đi nữa, Ngài cũng sẽ biến đổi chúng ta thành những ngọn lửa tình yêu”13.
Thánh Seraphim Sarov nói, mục đích của đời sống Kitô hữu là chiếm hữu được Chúa Thánh Thần. Ta có thể nói thêm - các sự kiện cuộc đời thánh Phêrô cho thấy điều này - rằng, mục đích của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời chúng ta là gợi lên các nhân đức đối thần tin, cậy, mến trong chúng ta và làm cho chúng lớn lên. Mọi đặc sủng, quà tặng và hoạt động khác của ân sủng chỉ là phương tiện Ngài dùng để gia tăng đức tin, đức cậy và đức mến.
Ba nhân đức đối thần không thể bị tách biệt. Nhân đức này không thể tồn tại mà không có hai nhân đức kia. Dĩ nhiên, nhân đức quan trọng nhất là đức ái hay tình yêu. “Vào cuối đời mình, chúng ta sẽ bị phán xét về đức ái”, thánh Gioan Thánh Giá nói. Chúng ta nên đọc lại bài ca đức mến tuyệt vời trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô, “Nếu tôi có tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì”14. Sau này, thánh Phaolô nói thêm, “Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”15. Đức tin và đức cậy chỉ là tạm thời; chúng chỉ tồn tại trên trần gian này và sẽ qua đi. Trên trời, đức tin sẽ được thay thế bằng việc nhìn thấy và đức cậy sẽ được thay thế bằng việc sở hữu; chỉ đức mến là không bao giờ qua đi thôi. Nó sẽ không bao giờ bị thay thế bởi bất cứ điều gì khác bởi nó là mục tiêu mà tất cả hướng tới. Trên trần gian này, đức mến là sự thông phần sung mãn nhất sự sống trên trời; đức tin và đức cậy chỉ tồn tại cho nó.
Nhưng đức mến không thể tồn tại mà không có hai “đầy tớ” này, đức tin và đức cậy. Nó cần chúng để có thể lớn lên và phát triển. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ xem lý do tại sao.
Không thể yêu mến nếu không cậy trông. Tình yêu cần không gian để lớn lên và phát triển; đó là một điều kỳ diệu, nhưng rất mong manh theo một nghĩa nào đó. “Môi trường” đặc biệt mà đức mến cần để được hình thành là đức trông cậy. Nếu đức mến không phát triển hay trở nên lạnh lùng, thì rất thông thường, nó bị bóp nghẹt bởi những bận tâm, lo lắng, sợ hãi hay nhát đảm. Đức Giêsu nói với thánh Faustina, “Cản trở lớn nhất của sự thánh thiện là nhát đảm và sợ sệt”16.
Chúng ta được tạo dựng để yêu thương; dù ý thức hay không ý thức điều đó thì một trong những khát vọng sâu xa nhất của chúng ta vẫn là trao ban chính mình cho người khác. Một dụ ngôn Tin Mừng ví tình yêu lớn lên trong tâm hồn chúng ta như hạt lúa mì được gieo vãi, đâm chồi và tự mình lớn lên dù người nông dân thức hay ngủ17. Vậy mà tình yêu thường không lớn lên được và sự phát triển của nó bị bóp nghẹt bởi những ích kỷ, tự kiêu, “những lo lắng thế sự và đam mê trần tục”18 như Chúa Giêsu nói, hoặc do những cản trở khác. Rất thông thường, cội rễ của vấn đề là thiếu cậy trông.
Thiếu trông cậy, chúng ta không thực sự tin Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta hạnh phúc và như thế, chúng ta xây dựng hạnh phúc của mình từ lòng thèm muốn và ham mê nhục dục. Không mỏi mong tìm kiếm sự sung mãn của đời mình trong Thiên Chúa và vì thế, chúng ta tự hình thành một bản tính nhân tạo dựa trên kiêu căng. Hoặc nữa - điều thông dụng nhất giữa những người có ý hướng ngay lành - chúng ta muốn yêu, quảng đại trong tình yêu, trao ban chính mình nhưng lại e sợ, do dự và lo lắng giữ lại. Việc thiếu niềm tin vào những gì ân sủng Chúa có thể làm trong đời sống chúng ta và những gì chúng ta có thể làm nhờ sự trợ giúp của Người dẫn đến một sự co rút cõi lòng, một đức mến thu nhỏ lại. Nhưng như thánh Têrêxa nói, “cậy trông dẫn đến yêu thương”.
Khi chúng ta đánh mất sự tha thiết, sự thú vị cũng như lòng quảng đại trong việc yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, thì thông thường, nguyên nhân của nó là do sự nhát đảm hay một loại thất vọng bí mật nào đó. Phương thuốc chữa lành là thắp lên lại niềm cậy trông của mình, tái khám phá một niềm tin mới vào những gì Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta (dù chúng ta yếu đuối và suy đồi đến đâu) và những gì chúng ta có thể làm với sự trợ giúp của ơn Chúa.
“Nhát đảm huỷ hoại linh hồn”, Chân Phước Francis Mary Paul Libermann đã từng nói. Vì thế, phương thức chữa lành tốt nhất là khám phá cội rễ của sự nhát đảm và học lại cách nhìn vào khía cạnh đặc biệt đó của cuộc sống bằng đôi mắt của đức trông cậy.
Để ý chí trở nên mạnh mẽ và táo bạo, nó cần được khuấy động bởi lòng khát khao. Khát khao chỉ có thể mạnh mẽ nếu những gì đáng khao khát được coi là có thể tiếp cận và khả thi. Chúng ta không thể muốn điều gì đó cách hiệu quả nếu có cảm giác “mình sẽ không bao giờ làm được điều đó”. Khi ý chí trở nên yếu nhược, chúng ta phải xác định lại mục tiêu sao cho nó được coi là có thể đạt được. Cậy trông là nhân đức gây ảnh hưởng. Nhờ cậy trông, chúng ta biết mình có thể tin tưởng mong đợi mọi sự từ Thiên Chúa. “Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”19, thánh Phaolô nói. Cậy trông làm cho đức mến có thể mở rộng và phát triển.
Nhưng để cậy trông trở thành một động lực thực sự trong đời sống, nó cần có một nền móng vững chắc, một đá tảng chân lý. Nền tảng vững chắc đó được thiết lập bởi đức tin, chúng ta có thể “hy vọng điều không thể hy vọng”20 vì chúng ta “biết Đấng chúng ta tin”21. Đức tin giúp chúng ta bám chắc vào chân lý mà Thánh Kinh truyền lại, chân lý về sự tốt lành, lòng nhân từ và sự tuyệt đối trung thành với lời hứa của Thiên Chúa. Thư gửi tín hữu Do Thái nói, “Chúng ta là những kẻ ẩn náu bên Thiên Chúa, được khuyến khích mạnh mẽ để nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta. Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh. Đó là nơi Đức Giêsu đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta”22.
Thánh Kinh cho thấy tình yêu tuyệt đối không điều kiện và không thể thu hồi mà Thiên Chúa dành cho con cái Người được biểu lộ nơi Đức Kitô, Đấng được sinh ra, chết và chỗi dậy vì chúng ta. Ngài “yêu tôi và hiến dâng mình vì tôi”23. Nhờ đức tin, tâm hồn chúng ta bám vào chân lý và tìm thấy trong đó một niềm cậy trông vô biên và không thể huỷ hoại. “Cũng như niềm tín thác và tin tưởng, đức tin là mẹ của đức mến và đức cậy”24.
Những suy xét này cho thấy vai trò chính của đức cậy trong đời sống Kitô giáo. Có thể nói, trong khi đức mến là nhân đức cao cả nhất trong ba nhân đức đối thần, thì trong thực tế, đức cậy là nhân đức quan trọng nhất. Chừng nào còn cậy trông, đức mến còn phát triển. Nếu cậy trông tuyệt chủng, đức mến trở nên lạnh nhạt. Một thế giới không có hy vọng sẽ sớm trở thành một thế giới không có tình yêu. Nhưng đức cậy cần đức tin mà từ đó nó phát xuất. Thánh John Climacus, Giáo Phụ thế kỷ thứ bảy nói, “Đức tin mang lại điều dường như vô vọng trong tầm với của chúng ta”; ngài nói thêm, “Một người tin không phải là người tin Thiên Chúa có thể làm mọi sự nhưng là người tin rằng, họ có thể đạt được mọi sự từ Thiên Chúa”.
Chúng ta hãy suy gẫm về những lời này của thánh Gioan Thánh Giá, những lời quyết định trong việc khuyến khích thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu trên “con đường nhỏ bé của phó thác và yêu thương”, “Từ Thiên Chúa, chúng ta có được thật nhiều như chúng ta cậy trông nơi Người”25. Thiên Chúa không trao ban theo công trạng nhưng theo niềm cậy trông của chúng ta.
Nhưng cậy trông chỉ có thể được sinh ra trong khó nghèo. Đó là lý do tại sao nghèo khó trong tâm hồn là chìa khoá mở ra trước mọi trưởng thành thực sự trong đức mến. “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”26.
Vậy, đức tin tạo ra đức cậy, đức cậy làm cho đức mến khả thi và giúp nó lớn lên. Động cơ này của các nhân đức đối thần là hoa trái của ân sủng, công trình của Chúa Thánh Thần, nhưng nó còn cần đến sự hợp tác của ý chí con người. Động cơ tích cực này bị đối chọi, điểm này đến điểm khác, với động cơ tiêu cực của tội lỗi.
Đức tin → đức cậy → đức mến
Hoài nghi → không tin → tội lỗi
Cách thức tội lỗi chiếm hữu linh hồn có thể thấy trong câu chuyện sa ngã của Adam và Eva ở chương thứ hai sách Sáng Thế. Ngờ vực, hoài nghi Thiên Chúa là cội rễ của tội lỗi. Thiên Chúa có tốt lành thực sự như Người nói không? Có thể tin lời Người không? Người có thực sự là Cha không? Hoài nghi sinh ra không tin, chúng ta không tin Thiên Chúa có thể thoả mãn và làm cho chúng ta hạnh phúc. Rồi chúng ta cố sức tự xoay xở trong sự bất tuân. Đây là mẹ của ích kỷ, ham muốn, dâm dật, ganh tỵ, lo sợ, mâu thuẫn, bạo lực và toàn bộ mạng lưới sự dữ.
Đức tin là căn nguyên của việc chữa lành và giải thoát chúng ta, là khởi đầu của tiến trình trao ban sự sống vốn chữa lành sự chết do tội lỗi gây nên. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu nhấn mạnh đức tin đến thế, “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này, ‘Rời khỏi đây, qua bên kia!’, nó cũng sẽ qua”27. “Đức tin là bảo chứng những điều hy vọng”28, trích thư gửi tín hữu Do Thái.
Đến lượt mình, đức cậy nổi bật với vai trò chính của mình là làm cho đức mến lớn lên và phát triển. Bản chất của cuộc chiến đấu thiêng liêng của người Kitô hữu là, nhờ sức mạnh của đức tin, duy trì một cái nhìn tràn trề hy vọng về mọi hoàn cảnh, về chính mình, về người khác, về Giáo Hội và thế gian. Một nhãn quan như thế có thể giúp chúng ta ứng xử trước mọi hoàn cảnh bằng đức mến.
Mối phúc “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”29 chứa đựng một trong những lời hứa hay nhất của Tin Mừng. Thánh Gioan tạo nên một mối liên kết nổi bật giữa cậy trông và sự trong sạch của tâm hồn. “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào, Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta là vì thế gian đã không biết Người. Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”. Và vị Tông Đồ nói tiếp, “Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Kitô thì làm cho mình nên trong sạch như Người là Đấng thanh sạch”30.
Lời phát biểu đáng ngạc nhiên này hoàn toàn hợp với truyền thống đại ngôn sứ của Cựu Ước, nơi những người có tâm hồn trong sạch thì không phải là những người không có lầm lỗi hay tì tích nào nhưng là những ai đặt mọi hy vọng vào Thiên Chúa và đoan chắc lời hứa của Người sẽ được thực hiện. Những người có tâm hồn trong sạch mong chờ mọi sự từ Thiên Chúa; họ cậy trông vào Người và chỉ nơi Người mà thôi. Sự ô uế tâm hồn là sự lừa dối của kẻ hai lòng mà các ngôn sứ thường lên án: đó là những người thiếu niềm tin hoàn toàn vào Thiên Chúa, cầu xin ngẫu tượng, phiêu bạt lùng sục ơn cứu độ.
Ai trong sạch nơi tâm hồn sẽ nhìn thấy Thiên Chúa trong cõi vĩnh hằng. Nhưng ngay cả bây giờ, trong cuộc sống này, họ vẫn có khả năng nhìn thấy Thiên Chúa hành động. Thiên Chúa sẽ đáp lại niềm cậy trông mà họ đặt nơi Người và sẽ can thiệp cho họ.
Nhà thơ lớn nhất về niềm cậy trông là Charles Péguy viết về Đức Trông Cậy trong Portal of the Mystery of Hope31,
Chúa nói:
Những tâm hồn cằn cỗi, Nàng làm cho trẻ trung
Những ngày tháng mỏi mòn, Nàng làm nên thời mới
Những tâm hồn vẩn đục, Nàng biến thành trinh trong
Những tâm hồn gục ngã, Nàng vực cho chỗi dậy
Những ngày tháng rối bời, Nàng làm cho sáng trong
Nếu từ ngày sáng trong, Nàng làm nên những ngày sáng trong
Nếu từ những tâm hồn trinh trong như dòng nước tinh tuyền, Nàng làm nên những nguồn suối,
Với nước trong, Nàng làm nên mạch nước trong,
Với tâm hồn trong sạch, Nàng làm nên tâm hồn thanh sạch,
Thế thì, có gì hay! Ai mà không làm như thế!
Và có gì gọi là kỳ diệu đâu!
Thế nhưng, với nước nhơ bẩn, nước già cỗi, nước nhạt nhẽo,
Với một tâm hồn không thanh sạch, Nàng vẫn có thể làm nên một tâm hồn thanh khiết
Đó mới là điều kỳ diệu cao đẹp hơn cả nơi vườn trần gian.