Có thể trong các giai đoạn khác nhau của cuộc sống, chúng ta sẽ phải dõi theo một lộ trình - có thể là một lộ trình không mấy dễ dàng - dẫn chúng ta từ nổi loạn hay cam chịu đến bằng lòng và cuối cùng, “chọn lấy điều mà chúng ta đã không chọn”.
Chúng ta hãy bắt đầu với một vài ý tưởng về tiến trình chậm chạp của việc học biết yêu thương chính mình một cách đúng đắn, hoàn toàn chấp nhận chính mình đúng như con người của mình. Trước hết, điều quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta không phải là những gì chúng ta có thể làm nhưng đúng hơn là nhường chỗ cho những gì Thiên Chúa có thể làm. Bí quyết tuyệt vời của mọi hoa trái và trưởng thành thiêng liêng là học biết cách để Thiên Chúa hành động. “Không có Thầy, anh em không làm gì được”,1 Đức Giêsu bảo chúng ta. Tình yêu Thiên Chúa thì lớn lao vô cùng, hơn bất cứ những gì chúng ta có thể làm bằng sự khôn ngoan hay sức mạnh của mình. Vậy mà, một trong những điều kiện thiết yếu nhất để ân sủng Thiên Chúa hành động trong đời mình là nói ‘vâng’ trước những gì làm nên chúng ta và trước những hoàn cảnh trong đó chúng ta tìm thấy chính mình.
Ấy là vì Thiên Chúa thì “thực tế”. Ân sủng Người không hoạt động trong những tưởng tượng, lý tưởng hay mơ mộng của chúng ta. Nó hành động trong thực tại với những yếu tố rõ ràng cụ thể trong đời sống chúng ta. Ngay cả khi công việc cuộc sống thường nhật của chúng ta không có vẻ gì hiển hách, chỉ như thế ân sủng Thiên Chúa mới có thể chạm đến chúng ta. Người mà Thiên Chúa yêu mến bằng sự trìu mến của một người cha, người mà Thiên Chúa muốn chạm đến và biến đổi bằng tình thương của Người không phải là con người mà chúng ta muốn lẽ ra mình là thế này hay thế nọ. Thiên Chúa không yêu “những mẫu người lý tưởng” hay “những hữu thể đức hạnh”, Người yêu thương những con người thực thụ, những con người thực. Người không buồn để ý đến những thánh nhân trên những kính màu cửa sổ, nhưng thích nhìn đến chúng ta là những tội nhân. Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta có thể lãng phí bao thời gian để than vắn thở dài rằng, mình không như thế này hay như thế khác, ta thán khuyết điểm này, kêu ca giới hạn nọ, tưởng tượng đủ điều tốt lành chúng ta đã có thể làm... nếu, thay vì chấp nhận con người của mình, chúng ta ít khiếm khuyết hơn, được ban cho giá trị hay phẩm hạnh này kia nhiều hơn và vân vân. Đây là một sự lãng phí thời giờ và sức lực vốn chỉ ngăn cản công việc của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn chúng ta.
Hành động của ân sủng Thiên Chúa trong đời chúng ta thường bị cản trở bởi lẽ chúng ta không chấp nhận sự yếu đuối của mình, thay vào đó chúng ta đỗ cho tội lỗi hay sai lầm của mình. Dù ý thức hay không ý thức, mọi bác bỏ đó, đều nói lên rằng, chúng ta chưa chấp nhận chính mình như con người của mình, cũng chưa chấp nhận những hoàn cảnh thực của mình. Để “ân sủng tự do hoạt động” và mở đường cho những thay đổi sâu xa kỳ diệu trong đời sống, đôi lúc chúng ta chỉ cần nói “vâng” là đủ - một tiếng “vâng” được gợi lên bởi niềm tín thác vào Thiên Chúa trước những khía cạnh của đời sống mà chúng ta đã khước từ. Chúng ta từ chối nhìn nhận mình có khuyết điểm này, điểm yếu kia, chúng ta bị đánh dấu bởi sự kiện này, sa sẩy vào tội lỗi nọ. Và thế là chúng ta cản trở hoạt động của Chúa Thánh Thần, bởi Ngài chỉ có thể tác động đến thực tại của chúng ta chừng nào chính chúng ta chấp nhận nó. Chúa Thánh Thần không bao giờ hành động trừ phi chúng ta tự do cộng tác với Ngài. Phải chấp nhận chính mình đúng như con người mình nếu muốn Chúa Thánh Thần biến chúng ta nên tốt hơn.
Tương tự như thế, nếu chúng ta không chấp nhận người khác - chẳng hạn, nếu chúng ta giận họ vì họ không như mình muốn - thì chúng ta cũng không cho phép Chúa Thánh Thần tác động tích cực đến các tương quan của chúng ta hay tạo cơ hội cho tương quan đó thay đổi. Đây là điểm chúng ta sẽ xem xét chi tiết hơn sau này.
Những thái độ được mô tả trên đây chẳng sinh ích gì. Chúng là sự khước từ thực tại, căn để do việc thiếu niềm tín thác vào Thiên Chúa, thiếu lòng trông cậy và kéo theo việc thiếu lòng yêu mến. Bằng cách ấy, chúng ta đóng kín trước ân sủng và ngăn cản hành động của Thiên Chúa.
Có thể có người phản đối rằng, quan niệm cần “chấp nhận chính mình” với mọi khuyết điểm giới hạn của bản thân chỉ cho thấy sự bị động và lười biếng. Vậy thì chúng ta không nên ước ao thay đổi, trưởng thành, vượt thắng chính mình để cải tiến sao? Tin Mừng không mời gọi chúng ta hoán cải bằng những lời “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” sao?2
Ước ao cải tiến, luôn cố gắng vượt qua chính mình để lớn lên trong sự hoàn thiện rõ ràng là cần thiết. Không có chuyện từ bỏ điều đó. Ngừng tiến tới có nghĩa là ngừng sống. Bất cứ ai không muốn trở nên thánh thiện, sẽ không bao giờ thánh thiện. Rốt cuộc, Thiên Chúa ban cho chúng ta những gì chúng ta ước muốn, không hơn không kém. Nhưng để nên thánh thiện, chúng ta phải chấp nhận chính mình như con người của mình. Hai lời này xem ra chỉ mâu thuẫn nhau, nhưng cả hai đều cần thiết như nhau, bởi chúng bổ sung và cân bằng nhau. Chúng ta cần chấp nhận những giới hạn của mình nhưng không bao giờ cam chịu sự tầm thường. Chúng ta cần ước ao thay đổi, nhưng không bao giờ khước từ, ngay cả trong tiềm thức, nhưng thừa nhận những giới hạn hay chấp nhận chính mình.
Bí quyết này thực sự rất đơn giản. Cần phải hiểu, chúng ta chỉ có thể thay đổi thực tại nếu trước tiên chúng ta chấp nhận nó. Điều này cũng có nghĩa là khiêm tốn nhận ra rằng, chúng ta không thể thay đổi chính mình bằng chính nỗ lực của bản thân, nhưng mọi tiến triển trong đời sống thiêng liêng, mọi chiến thắng bản thân, đều là ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ không đón nhận ân sủng để thay đổi trừ phi chúng ta ước muốn thay đổi; nhưng để đón nhận ân sủng biến đổi chúng ta, chúng ta phải “đón nhận” chính mình - chấp nhận chính mình như con người của mình.
Chấp nhận chình mình thì khó hơn nhiều như người ta tưởng. Kiêu căng, sợ không được yêu, nhận thức mình nhỏ bé... tất cả cắm rễ sâu trong chúng ta. Hãy nghĩ chúng ta phản ứng tồi tệ làm sao trước những sa ngã, lỗi lầm và thất bại của mình; chúng ta trở nên ngã lòng và rối tung thế nào; chúng làm cho chúng ta cảm thấy tội lỗi làm sao.
Chỉ dưới cái nhìn của Thiên Chúa, chúng ta mới hoàn toàn và thực sự chấp nhận chính mình, chúng ta cần được để mắt bởi một ai đó đã nói rằng, “Vì trước mắt Ta ngươi thật quý giá, được ta tôn trọng và mến thương”3 như Thiên Chúa đã nói qua ngôn sứ Isaia. Hãy coi một kinh nghiệm rất thông thường, một cô gái tin rằng mình tầm thường (tò mò một chút, như nhiều cô gái khác cũng nghĩ thế, thậm chí là những cô gái xinh đẹp) bắt đầu nghĩ có lẽ mình cũng không đến nỗi như thế sau khi một chàng trai trẻ đem lòng yêu mến và nhìn cô với đôi mắt trìu mến của một người đang yêu.
Để có thể yêu mến và chấp nhận chính mình, chúng ta thật sự cần đến sự nhìn nhận trung gian của người khác. Cái nhìn đó có thể là của cha mẹ, bạn bè, vị linh hướng; nhưng trên tất cả là cái nhìn của Thiên Chúa, Cha chúng ta. Cái nhìn trong đôi mắt Người thì tinh tuyền, chân thật, trìu mến, yêu thương và tràn đầy hy vọng nhất trên trần gian này. Quà tặng lớn nhất được trao ban cho những ai kiếm tìm gương mặt của Thiên Chúa bằng việc kiên trì cầu nguyện có thể là một ngày nào đó họ sẽ cảm nhận một điều gì đó từ cái nhìn này của Người trên cuộc đời họ; họ sẽ cảm thấy mình được yêu thương trìu mến đến nỗi sẽ đón nhận ân sủng của việc chấp nhận chính mình ở tận thâm tâm.
Những gì chúng ta đang nói có một hệ luỵ quan trọng. Khi tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa, con người cũng đánh mất khả năng thực để yêu chính mình 4. Điều này cũng đúng theo hướng ngược lại, những ai ghét chính mình lại tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa. Trong tác phẩm Dialogues of the Carmelites của Georges Bernanos, mẹ bề trên cao niên nói với Blanche de la Force, một nữ tu trẻ, “Trên hết, đừng bao giờ khinh miệt chính mình. Thật khó để khinh miệt chính mình mà không xúc phạm Thiên Chúa trong chúng ta”.5
Để kết thúc, chúng ta đọc một đoạn ngắn từ tác phẩm rất hay của Henry Nouwen, The Return of the Prodigal Son, Cuộc Trở Về của Người Con Hoang Đàng:
Từ lâu, tôi coi việc thiếu tự trọng là một loại nhân đức nào đó. Tôi thường xuyên được cảnh báo phải chống lại tội tự cao tự đại đến nỗi đi đến chỗ cho rằng, không tán thành bản thân là một điều tốt. Nhưng giờ đây, tôi nhận ra rằng, tội đích thực là phủ nhận tình yêu đầu tiên Thiên Chúa dành cho tôi, là không thấy sự tốt lành nguyên thuỷ của tôi. Vì nếu không công bố tình yêu đầu tiên và sự thánh thiện nguyên tuyền này cho chính mình, tôi không gặp được bản ngã đích thực của mình và rồi, lao vào cuộc tìm kiếm huỷ hoại giữa những con người lầm lạc ở những nơi chốn sai lạc những gì chỉ có thể tìm thấy nơi nhà của Cha tôi. 6
Khi nhìn chính mình với cái nhìn của Thiên Chúa, chúng ta cảm nghiệm được tự do lớn lao. Điều đó có thể được gọi là tự do kép: trở thành tội nhân và trở nên những vị thánh.
Tự do trở thành tội nhân không có nghĩa là chúng ta tự do phạm tội mà không lo lắng về hậu quả - đó không phải là tự do mà là thiếu trách nhiệm. Nó có nghĩa rằng, chúng ta không bị nghiền nát bởi việc mình là tội nhân - chúng ta có một loại “quyền” trở nên nghèo khó, quyền trở thành những gì mình muốn. Thiên Chúa biết những yếu đuối và thiếu sót của chúng ta, nhưng Người không bị chúng làm cho chướng tai gai mắt hay nguyền rủa chúng ta. “Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn. Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn Người nhớ, ta chỉ là cát bụi” 7. Dĩ nhiên Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên thánh thiện, thôi thúc chúng ta hoán cải và tiến bộ. Nhưng cái nhìn của Người không bao giờ làm chúng ta cảm thấy đau khổ trước ý nghĩ về việc không làm chủ được. Chúng ta không cảm thấy “áp lực” đôi lúc đến từ người khác hay cách chúng ta đánh giá chính mình bảo chúng ta rằng, mình không bao giờ có thể tốt đủ, làm cho chúng ta mãi mãi không bằng lòng với chính mình và luôn cảm thấy tội lỗi vì không đáp ứng được mong mỏi hay chuẩn mực nào đó. Việc chúng ta là những tội nhân đáng thương không có nghĩa là chúng ta cứ mặc cảm mình tội lỗi vì đã tồn tại như nhiều người đã tồn tại một cách vô ý thức. Cái nhìn của Thiên Chúa cho chúng ta những thực trạng đầy đủ để trở nên chính mình, với những giới hạn và khuyết điểm của mình. Nó cho chúng ta quyền “phạm lỗi”, và giải thoát chúng ta, có thể nói thế, khỏi cảm giác giam hãm và rồi để chúng ta trở nên một điều gì đó chứ không phải là mình. Cảm giác đó không bắt nguồn trong ý muốn Thiên Chúa nhưng trong tâm lý thương tổn của chúng ta.
Trong đời sống xã hội, chúng ta cảm nghiệm một sự căng thẳng dai dẳng về việc đáp ứng những mong mỏi của người khác nơi chúng ta (hay những gì chúng ta tưởng tượng chúng là thế này thế kia). Điều này có thể trở nên một gánh nặng không thể gánh. Thế giới đã quay lưng với Kitô giáo bởi những giáo điều và giới răn vì cho rằng, đó là tôn giáo chuyên về tội lỗi. Tuy nhiên, chưa bao giờ người ta bị tội lỗi đè bẹp như hôm nay. Các cô gái cảm thấy tội lỗi vì không xinh đẹp như những cô người mẫu thời trang nhất. Đàn ông cảm thấy tội lỗi vì không thành công như nhà phát minh Microsoft. Và cứ thế… Các tiêu chuẩn thành công mà nền văn minh hiện đại đưa ra đè nặng trên chúng ta nhiều hơn lời kêu gọi trở nên hoàn thiện Đức Giêsu đề nghị. Ngài nói với chúng ta trong Tin Mừng, “Hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. Vì ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng” 8.
Dưới cái nhìn của Thiên Chúa, chúng ta được giải thoát khỏi sự thúc ép phải trở nên “người giỏi nhất” hoặc phải luôn luôn là người “thắng cuộc”. Chúng ta cảm thấy mình được giải thoát bởi chúng ta không phải ráng sức mãi để thể hiện chính mình trong ánh sáng thuận lợi hoặc phải tiêu hao năng lượng để giả vờ trở thành những gì không phải là mình. Cách đơn giản và lặng lẽ, chúng ta có thể trở nên chính mình. Không có hình thức “thư giãn” nào tốt hơn là trở lại như một trẻ thơ trong sự trìu mến của Chúa Cha, Đấng yêu mến chúng ta đúng như con người chúng ta.
Chúng ta thấy quá khó để chấp nhận những khiếm khuyết của mình vì chúng ta tưởng tượng chúng làm cho chúng ta khó thương. Vì khiếm khuyết ở khía cạnh này hay khía cạnh kia, chúng ta thấy mình không đáng được yêu. Sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa làm cho chúng ta nhận ra rằng điều đó thật sai lầm biết bao. Tình yêu được trao ban cách nhưng không chứ không phải đáng được và khiếm khuyết không cản ngăn Thiên Chúa yêu thương chúng ta - ngược lại là khác! Vì thế chúng ta được giải thoát khỏi cảm giác kinh khủng, thất vọng, rằng, mình phải trở nên “đủ tốt” để đáng được yêu.
Nhưng trong khi nó “ủy quyền” cho chúng ta trở nên chính mình, những tội nhân tội nghiệp, thì cái nhìn của Thiên Chúa vẫn làm cho chúng ta can đảm tột bực trong ước muốn nên thánh. Chúng ta có quyền khát khao tột đỉnh, khát khao tầm mức thánh thiện cao nhất, bởi Thiên Chúa muốn và Người có thể ban điều đó. Chúng ta không bao giờ bị giam hãm trong sự tầm thường của chính mình hay bị đẩy vào một thứ cam chịu ngu ngốc nào đó, vì chúng ta luôn hy vọng vươn tới trong tình yêu. Thiên Chúa có thể biến chúng ta, dù là tội nhân thành các thánh: ân sủng của Người có thể thực hiện ngay cả phép lạ đó và chúng ta có thể có một niềm tin vô bờ bến vào sức mạnh tình yêu của Người. Thậm chí nếu chúng ta sa ngã mỗi ngày, miễn là lại đứng dậy và thưa, “Lạy Chúa, cảm tạ Người vì con tin chắc Người sẽ biến con thành một vị thánh!” thì chúng ta vẫn sẽ mang lại cho Người một niềm vui khôn tả và sớm muộn gì, từ Người, chúng ta cũng sẽ nhận được điều mình hy vọng.
Vậy, thái độ đúng đắn của chúng ta đối với Thiên Chúa là chấp nhận chính mình cách rất bình an, rất “thanh thản” cả những yếu đuối cũng như khát khao nên thánh mãnh liệt của mình với một quyết tâm thăng tiến vững bền dựa trên niềm tin vô biên vào ân sủng của Thiên Chúa. Thái độ sóng đôi này được biểu lộ rõ ràng trong đoạn nhật ký thiêng liêng của thánh Faustina,
Con ước ao yêu mến Người nhiều hơn bất kỳ ai yêu mến Người trước đây. Dù tội lỗi và sự nhỏ bé của con, con vẫn cắm sâu niềm tin của mình trong vực thẳm lòng nhân từ của Người là Chúa và là Đấng tạo thành con! Dù lỗi lầm nghiêm trọng của con, con vẫn không sợ điều gì, nhưng vẫn hy vọng dâng lời tán tụng luôn mãi. Xin đừng để linh hồn nào, thậm chí những người bé mọn nhất chừng nào họ còn sống, nghi ngờ rằng, mình có thể trở thành một vị thánh lớn. Vì quyền năng ân sủng của Chúa lớn lao biết bao.9
Những gì vừa nói sẽ giúp chúng ta tránh được quan niệm sai lầm rằng, chấp nhận chính mình với những khiếm khuyết có nghĩa là đóng khung chính mình trong những giới hạn của mình. Từ những tổn thương và kinh nghiệm trong quá khứ (ai đó có lần đã bảo chúng ta, “bạn không xoay xở được đâu”, “bạn sẽ không bao giờ khá lên tí nào”, .v.v..), từ một vài thất bại nào đó, và cũng từ việc thiếu niềm tin vào Thiên Chúa, chúng ta có khuynh hướng mang theo mình một loạt “niềm tin giới hạn” hay những cam kết phi thực tế vốn làm chúng ta nghĩ mình sẽ không bao giờ có thể làm điều này hay điều kia, không bao giờ có thể giải quyết tình huống này tình huống nọ. Có vô số ví dụ. Chúng ta tự nhủ, “Mình sẽ không bao giờ giải quyết được điều đó, mình sẽ không bao giờ giải đáp được điều này, sự việc sẽ mãi vậy thôi”. Những tâm trạng như thế không liên quan gì đến việc bằng lòng với những giới hạn mà chúng ta đang nhìn vào. Chúng chỉ là kết quả của những thương tổn hay sợ hãi trong quá khứ hoặc thiếu niềm tin vào chính mình và niềm tin vào Thiên Chúa. Như những chiếc mặt nạ, chúng phải được lột xuống, chứ không phải mang vào. Bằng lòng với con người thật của mình, chúng ta chấp nhận bản thân trong sự nghèo khó cũng như trong sự giàu có của mình và điều đó cho phép mọi năng lực chân thật, mọi khả năng thực thụ của chúng ta lớn lên và phát triển. Trước khi nói mình không thể làm điều này điều kia, chúng ta nên biện phân xem coi liệu sự lượng giá này là kết quả của một hiện trạng đời sống thiêng liêng lành mạnh hay chỉ là một nhận thức tâm lý thuần tuý cần được chữa lành.
Đôi lúc chúng ta có khuynh hướng cấm đoán chính mình đối với một vài khát khao lành mạnh, một vài thành tựu hay hạnh phúc hợp pháp nào đó. Cơ chế tâm lý tiềm thức làm chúng ta tự phủ nhận hạnh phúc bởi một mặc cảm tội lỗi hoặc nó có thể phát xuất từ một quan niệm sai lầm về ý muốn của Thiên Chúa, như thể chúng ta phải tự tước bỏ chính mình khỏi những gì tốt lành trong cuộc sống một cách có hệ thống! Trong cả hai trường hợp, chẳng có ích gì với chủ nghĩa duy thực thiêng liêng đích thực hay việc chấp nhận những giới hạn của mình. Thiên Chúa đôi lúc mời gọi chúng ta hy sinh hãm mình nhưng Người cũng giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi và cảm thức sai lầm về tội lỗi giam hãm. Người phục hồi cho chúng ta sự tự do để đón nhận bất cứ điều gì tốt lành và vui thích mà Người muốn trao ban cho chúng ta nhằm khuyến khích và tỏ cho thấy sự trìu mến của Người.
Nếu có một lãnh vực nơi chúng ta không bị cấm đoán thì đó chính là sự thánh thiện, miễn là chúng ta không nhầm lẫn nó với sự hoàn hảo bên ngoài, những công nghiệp phi thường hay vĩnh viễn không có khả năng phạm tội. Nếu chúng ta hiểu đúng sự thánh thiện như là khả năng lớn lên vô hạn trong tình yêu dành cho Thiên Chúa và anh chị em, chúng ta có thể đoan chắn rằng không gì vượt xa tầm với của mình. Tất cả những gì chúng ta cần làm là không bao giờ thất vọng và không bao giờ kháng cự nhưng hoàn toàn tin tưởng vào những tác động của ân sủng Thiên Chúa.
Tất cả chúng ta không có trong mình tính cách của các hiền nhân hay các bậc anh hùng. Nhưng nhờ ơn Chúa, chúng ta có tính cách của các thánh. Đó là chiếc áo rửa tội mà chúng ta mặc vào khi lãnh nhận bí tích, một bí tích biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa.
Một điểm khác cần xem xét: mối tương quan hai chiều sâu xa giữa việc chấp nhận chính mình và chấp nhận người khác. Cái này củng cố cái kia.
Thông thường, chúng ta không chấp nhận người khác, bởi tự thâm tâm, chúng ta không chấp nhận chính mình. Nếu không hoà hợp với chính mình, nhất thiết chúng ta sẽ thấy mình lâm chiến với người khác. Việc không chấp nhận bản ngã tạo nên căng thẳng bên trong, cảm giác không thoả mãn và tức tối sẽ trút lên người giơ đầu hứng chịu sự xung đột nội tâm của chúng ta. Vì thế, chẳng hạn khi chúng ta khó chịu với những người xung quanh, thì rất thường là vì chúng ta không hài lòng với chính mình! Etty Hillesum viết, “Tôi đã dần đi đến chỗ nhận ra rằng, vào những ngày bạn xung đột với người khác thì bạn thật sự xung đột với chính mình. ‘Bạn nên yêu tha nhân như chính mình’” 10.
Ngược lại, nếu khép mình trước người khác, không nỗ lực yêu mến họ như họ là chính họ, không học cách làm hoà với họ, chúng ta sẽ không bao giờ có được ơn phúc thực hành sự hoà giải sâu xa với chính mình mà tất cả chúng ta đều cần. Thay vào đó, chúng ta sẽ là những nạn nhân vĩnh viễn từ lòng dạ hẹp hòi của mình, đồng thời là nạn nhân của những xét đoán gay gắt về tha nhân. Đây là một điểm quan trọng, cần được triển khai sau này.