Lạy Chúa, lòng con chẳng dám tự cao (Tv 130, 1).
Cả tự cao lẫn khiêm tốn đều tìm kiếm sự thinh lặng bên trong. Tính kiêu căng, bằng một sự bất động gượng gạo, tìm cách bắt chước sự thinh lặng của Thiên Chúa. Nhưng sự thinh lặng của Thiên Chúa là sự hoàn hảo của Đời Sống Tinh Tuyền đang khi sự thinh lặng của lòng kiêu căng là thinh lặng của sự chết.
Khiêm tốn tìm kiếm thinh lặng không phải trong thụ động nhưng trong hoạt động có trật tự, một hoạt động vốn thích hợp với sự nghèo túng và vô vọng của chúng ta trước Thiên Chúa. Lòng khiêm tốn dẫn đến việc cầu nguyện và tìm kiếm sự thinh lặng qua ngôn từ. Nhưng cách tự nhiên, chúng ta đi từ ngôn từ sang thinh lặng, và từ thinh lặng sang ngôn từ, nên ở trong mọi vật, khiêm tốn trở yên thinh lặng. Ngay cả khi khiêm tốn lên tiếng, nó lại còn phải lắng nghe. Lời lẽ của khiêm tốn thì quá đơn sơ, dịu dàng và nghèo hèn đến nỗi chúng có thể tìm thấy cách thức dẫn đến sự thinh lặng của Thiên Chúa mà không cần phải nỗ lực. Thật vậy, khiêm tốn là âm vang thinh lặng của Thiên Chúa, và ngay khi khiêm tốn được lên tiếng, thì thinh lặng của Thiên Chúa đã hiện diện trong chúng rồi.
Kiêu căng ngần ngại ra khỏi chính mình vì sợ đánh mất những gì đã tạo được bên trong; do đó, thinh lặng của kiêu căng bị đe doạ bởi nghĩa cử của lòng bác ái. Trái lại, khiêm tốn không tìm kiếm gì bên trong chính mình (vì nó là chính sự thinh lặng của mình), nên không thể thất bại trong an bình và lặng tĩnh bằng cách đi ra ngoài để lắng nghe những người khác hoặc nói cho họ vì tình yêu Thiên Chúa thúc bách. Trong mọi sự, khiêm tốn là thinh lặng và nghỉ ngơi; thậm chí thực hành khiêm tốn chính là nghỉ ngơi. Trong mọi sự, tôi tìm thấy sự nghỉ ngơi .
Không phải lời nói phá vỡ thinh lặng, nhưng là nỗi lo cần được người khác nghe. Lời lẽ của kẻ kiêu căng áp đặt thinh lặng lên những người khác để họ chỉ nghe một mình kẻ đó thôi. Người khiêm tốn nói chỉ để được ngỏ lời, không cầu xin điều gì ngoại trừ của bố thí, rồi chờ đợi và lắng nghe.
Mục đích cuối cùng của cuộc đời chúng ta là sống trong thinh lặng để lắng nghe những gì là lẽ sống của mình. Chúng ta đón nhận Đức Kitô bằng cách lắng nghe Lời Ngài trong niềm tin. Chúng ta lớn lên trong ơn cứu độ của mình qua thinh lặng và hy vọng, nhưng không sớm thì muộn cũng đến lúc chúng ta phải tuyên xưng Ngài cách công khai trước mặt người đời, rồi trước tất cả những cư dân của trời và đất.
Nếu cuộc sống chỉ được rót đầy bởi những lời vô bổ, chúng ta sẽ không bao giờ nghe được một điều gì, không bao giờ trở nên một điều gì; và cuối cùng, sẽ bị bỏ mặc vì không còn gì để nói khi phải quyết định một điều gì đó quan trọng nhất trong đời mình, vì lẽ chúng ta đã nói mọi thứ trước khi cưu mang một điều gì đó để nói,.
Vậy mà thinh lặng lại định đoạt cho lời nói cuối cùng đó nhưng đó không phải là một sự kết thúc trong chính nó. Toàn bộ cuộc sống của chúng ta là một chuỗi gẫm suy về quyết định cuối cùng này - quyết định quan trọng duy nhất được gẫm suy trong thinh lặng. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, chúng ta buộc phải nói với người khác, giúp họ thấy con đường họ phải tự quyết cho mình, chỉ cho họ Đức Kitô. Khi chỉ cho họ Đức Kitô, chính lời nói của chúng ta lại dạy cho họ một sự thinh lặng mới: thinh lặng của sự Phục Sinh. Trong thinh lặng đó, chính họ được hình thành và được chuẩn bị để cũng có thể nói điều họ đã nghe. Tôi đã tin, nên tôi đã nói (Tv 115, 1).
Lột khi được giải thoát bởi sự thinh lặng, tôi không còn bị ràng buộc trong khuôn khổ của cuộc sống nhưng gắn bó với việc sống đời sống đó, tôi có thể khám phá một hình thức cầu nguyện mà trong đó, cách hiệu quả, không có sự chia trí nào. Toàn bộ cuộc sống của tôi trở nên một lời cầu nguyện. Toàn bộ sự thinh lặng nơi tôi ngập tràn cầu nguyện. Thế giới thinh lặng, trong đó, tôi dìm mình, góp phần vào việc cầu nguyện của tôi.
Tác phẩm của sự nghèo khó chính là sự thống nhất cuộc sống. Trong thinh lặng, chính sự thống nhất này hàn gắn mọi vết thương của linh hồn. Bao lâu còn sống trong nghèo khó, bấy lâu chúng ta còn trống rỗng và chẳng vui thích điều gì khác ngoài Thiên Chúa, vì thế, không thể bị chia trí. Chính sự túng quẫn không để chúng ta “bị lôi đi” (chia trí).
Nếu ánh sáng ở trong ngươi trở nên bóng tối…
Giả thiết sự “nghèo khó” của tôi là một cơn đói thầm kín sự giàu có thiêng liêng: giả sử rằng, bằng cách giả vờ làm trống rỗng chính mình, giả vờ thinh lặng, ấy là thực sự tôi đang tìm cách phỉnh phờ Thiên Chúa để làm giàu thêm một kinh nghiệm nào đó - rồi thì sao? Mọi chuyện trở nên xao lãng và mọi tạo vật xen vào để quấy nhiễu cuộc tìm kiếm một kinh nghiệm đặc biệt nào đó của tôi. Tôi phải tống khứ chúng hoặc chúng sẽ xé tôi ra từng mảnh. Tồi tệ hơn - chính bản thân tôi là một sự xao lãng. Nhưng điều đáng buồn nhất - nếu việc cầu nguyện của tôi chỉ quy vào mình, nếu nó chỉ tìm làm giàu cái tôi của mình, thì lời cầu nguyện của tôi tự nó sẽ là sự xao lãng tiềm tàng lớn lao nhất. Tràn ngập sự hiếu kỳ của bản thân, tôi gặm sạch cây Hiểu Biết của mình và phóng chạy khỏi bản thân cũng như khỏi Thiên Chúa. Tôi bị phó mặc cho sự giàu có, lẻ loi và không gì có thể thoả mãn cơn đói của mình: mọi thứ tôi chạm đến đều hoá nên một sự xao lãng.
Vậy, hãy để tôi tìm kiếm quà tặng của thinh lặng, nghèo khó và cô tịch, nơi mà mọi thứ tôi chạm đến đều được biến thành cầu nguyện: nơi mà bầu trời là lời cầu nguyện của tôi, chim chóc là lời cầu nguyện của tôi, gió thổi trên cành là lời cầu nguyện của tôi; bởi lẽ, Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.
Để được vậy, tôi phải thực sự nghèo khó. Tôi sẽ không phải tìm kiếm điều gì nhưng hài lòng với tất cả những gì Chúa ban. Sự nghèo khó thực sự là nghèo khó của người ăn mày vui mừng khi nhận của bố thí từ bất cứ ai, nhưng cách đặc biệt từ Thiên Chúa. Nghèo khó vờ vịt là nghèo khó của một con người vật vờ có tính tự mãn của một thiên thần. Vậy, người nghèo khó đích thực chính là người biết cho đi và đón nhận với lòng tạ ơn, họ chỉ giữ lấy cho mình những gì cần dùng. Nghèo khó vờ vịt giả vờ không cần gì, giả vờ không xin, nhưng cố tìm kiếm mọi thứ và phủ nhận lòng biết ơn đối với bất cứ điều gì.
"Vậy, nếu người ta bảo anh em: “Này, Người ở trong hoang địa”, anh em chớ ra đó; “Kìa, Người ở trong phòng kín”, anh em cũng đừng tin. Vì, như chớp loé ra từ phương đông và chiếu sáng đến phương tây thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy”.
Đức Kitô, Đấng sẽ đến bất ngờ vào giờ sau hết - không ai có thể đoán trước thời Ngài đến - cũng đến với những ai thuộc về Ngài vào mọi thời khắc, họ cũng không thể thấy hay đoán trước việc Ngài đến. Ngài ở đâu, họ ở đó. Như đại bàng, không hiểu thế nào, họ tập hợp theo bản năng và gặp thấy Ngài ở mọi thời khắc.
Cũng như không tài nào để nói cách chắc chắn Ngài sẽ xuất hiện ở đâu và lúc nào vào ngày tận thế, nên cũng không tài nào để đoan chắc nơi chốn và giờ ngày Ngài sẽ mặc khải chính mình cho những tâm hồn chiêm niệm.
Nhiều người tìm Ngài trong sa mạc, nhưng ở đó, họ không thấy Ngài; nhiều người cùng Ngài giấu mình trong sự ẩn dật và Ngài cũng từ chối mặc khải chính mình cho họ. Bắt chợt Ngài dễ dàng như bắt chợt tia chớp, và như tia chớp, Ngài đánh vào nơi Ngài thích.
Mọi tâm hồn chiêm niệm đích thực có chung điểm này: không phải vì họ quy tụ cách riêng biệt trong sa mạc hoặc tự giam mình trong ẩn dật, nhưng vì rằng, Ngài ở đâu, họ ở đó. Và bằng cách nào họ tìm thấy Ngài? Bằng kỹ thuật? Không kỹ thuật nào dành cho việc tìm kiếm Ngài. Họ tìm Ngài do Ý Muốn của Ngài. Và ý muốn của Ngài là đem cho họ ân sủng, sắp xếp đời sống của họ, mang họ đến đúng nơi chốn, ở đó, họ có thể tìm thấy Ngài. Cả khi đã ở đó, họ cũng không biết họ đến đó bằng cách nào và đang thực sự làm gì.
Ngay khi một người sẵn sàng hoàn toàn để một mình sống với Thiên Chúa, người đó sẽ lòng bên lòng với Ngài bất cứ nơi đâu - ở đồng quê, trong tu viện, ngoài cánh rừng hay giữa thành phố. Như tia chớp loé sáng từ đông sang tây chiếu sáng cả chân trời, đánh vào nơi nó muốn; cũng thế, sự tự do vô biên của Thiên Chúa loé lên trong những chiều kích sâu thẳm của linh hồn và người ấy được chiếu sáng. Vào lúc đó, dù thấy mình dường như đang ở giữa hành trình, người đó vẫn cảm thấy như đã đến đích rồi. Vì đời sống ân sủng trên thế gian là sự khởi đầu của đời sống vinh quang. Dẫu là một lữ khách tạm bợ, mắt người ấy đã mở ra và thoáng thấy vĩnh cửu.
Sống trong Ngài, Đấng vô hạn, và hớn hở vì Ngài vô cùng là một điều gì đó tuyệt vời hơn cũng như việc cầu nguyện sẽ dễ dàng hơn so với việc luôn cố gắng để ép cái vô biên của Ngài vào một không gian chật hẹp nơi tâm hồn chúng ta. Chừng nào tôi thoả lòng khi biết Ngài lớn lao hơn tôi vô cùng và không thể biết Ngài trừ phi Ngài tỏ mình ra, tôi sẽ có bình an; Ngài ở gần tôi, trong tôi và tôi sẽ an nghỉ trong Ngài. Nhưng ngay khi tôi muốn biết và muốn tận hưởng Ngài cho riêng mình, tôi bức bách Ngài, Đấng lẩn trốn tôi và hành động như thế, tôi bức bách chính bản thân và rơi trở lại cái tôi của mình trong đau khổ và lo lắng khi biết rằng, Ngài đã rẽ sang lối khác.
Trong cầu nguyện đích thực, dẫu phút này tiếp nối phút kia vẫn im ắng như nhau, mỗi khoảnh khắc vẫn là một khám phá mới mẻ về một sự thinh lặng mới mẻ, một sự đi vào mới mẻ trong cái vĩnh cửu đó, nơi mọi sự luôn luôn mới mẻ. Nhờ khám phá tươi mới này, chúng ta biết được thực tại sâu xa vốn là sự hiện hữu cụ thể của chúng ta lúc này và ở đây. Trong những chiều kích thâm sâu của thực tại đó, chúng ta đón nhận từ Chúa Cha ánh sáng, chân lý, khôn ngoan và bình an. Đây là phản ánh của Thiên Chúa trong linh hồn chúng ta vốn được dựng nên theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài.
Hãy để điều này trở nên niềm an ủi duy nhất của con, lạy Chúa, con ở đâu, Ngài được yêu mến và ngợi khen ở đó.
Thực vậy, cây cối yêu mến Ngài nhưng không biết Ngài. Hoa loa kèn và hoa bắp nói rằng, chúng yêu Ngài nhưng không ý thức sự hiện diện của Ngài. Những vầng mây xám xinh đẹp lãng đãng băng qua bầu trời ngắm nhìn Ngài như những trẻ thơ vốn không nghĩ gì về điều chúng mơ đang khi cùng bay.
Nhưng giữa toàn thể những tạo vật này, con biết Ngài, con nhận thức sự hiện diện của Ngài. Trong chúng và trong con, con biết đến một tình yêu thương mà chúng không biết; lớn lao hơn, con hổ thẹn và bối rối bởi sự hiện diện của tình yêu Ngài trong con. Ôi, một tình yêu nhân hậu và kinh khiếp Ngài dành cho con, và sẽ không bao giờ có thể có trong con nếu Ngài đã không yêu con! Vì ở giữa những tạo vật vô tri này, những tạo vật không bao giờ xúc phạm đến Ngài, thì con được Ngài yêu thương và dường như vượt hẳn mọi tạo vật đó, con lại là kẻ làm tổn thương Ngài. Dưới bầu trời, Ngài nhìn thấy con và những xúc phạm của con lại được Ngài quên đi - nhưng con, con không bao giờ quên chúng.
Con chỉ xin một điều: ký ức về những lỗi lầm đó không làm cho con sợ hãi khi lãnh nhận quà tặng Tình Yêu - quà tặng Ngài đặt trong con. Con sẽ nhận nó vì con bất xứng. Khi làm vậy, con sẽ chỉ yêu Ngài nhiều hơn và làm vinh danh lòng thương xót của Ngài hơn nữa.
Nhớ rằng con là một tội nhân, nên con vẫn sẽ yêu mến Ngài dù con thế nào đi nữa trong quá khứ; biết rằng tình yêu của con thì quý giá vì nó là tình yêu của Ngài đúng hơn là của con. Cao quý đối với Ngài vì nó phát xuất từ Con Một của Ngài, nhưng thậm chí còn cao quý hơn vì nó làm cho con thành Con của Ngài.
Đến với Cô Tịch - trao phó chính mình, phó dâng chính mình, ký thác chính mình hoàn toàn cho cái thinh không của đại ngàn, biển khơi, hay sa mạc mênh mông; để rồi, bất động toạ tĩnh ở đó khi mặt trời ló dạng đem ánh sáng khoả lấp cõi thinh không. Cầu nguyện và làm việc vào buổi sáng, lao động và nghỉ ngơi vào buổi chiều; và lại bất động toạ tĩnh suy niệm khi bóng đêm chùng xuống trên không gian đó, khi sự thinh lặng phủ mình trong bóng tối và những vì sao. Đây là một ơn gọi thực sự, một ơn gọi đặc biệt. Một số ít người sẵn sàng hoàn toàn ký thác cho một sự thinh lặng như thế, để rồi thinh lặng có thể thấm vào xương của họ, để không hít thở một cái gì ngoài thinh lặng, họ để cho thinh lặng nuôi sống và biến cái làm nên cuộc sống thành một sự thinh lặng sống động và cẩn mật cho mình.
Thánh tử đạo là người đã đưa ra một quyết định mạnh mẽ đủ được chứng minh bằng cái chết.
Vị ẩn tu là người đưa ra một quyết định mạnh mẽ đủ được chứng minh bằng sự hoang vắng: nghĩa là bằng cái chết. Vì hoang địa đầy dẫy những bấp bênh, hiểm nguy, sỉ nhục và sợ hãi; suốt ngày, vị ẩn tu luôn đối diện với cái chết. Vì thế, rõ ràng rằng, thánh ẩn tu là em của thánh tử đạo. Chính Chúa Thánh Thần quyết định tách riêng thánh tử đạo và thánh ẩn tu trong Đức Kitô.
Ơn gọi tử đạo thuộc về đặc sủng và thật phi thường. Vì thế, theo một nghĩa nào đó, ơn gọi sống đời cô tịch cũng vậy. Chúng ta không trở thành những vị thánh tử đạo bởi bất kỳ kế hoạch nhân loại nào, và cũng không trở nên những thánh ẩn tu bởi những dự liệu hoàn toàn thuần tuý của chính mình. Ngay cả ước muốn sống đời cô tịch cũng phải siêu nhiên nếu muốn có hiệu quả; và nếu mang tính siêu nhiên, hẳn ước muốn đó cũng là sự đối nghịch với rất nhiều khát vọng và kế hoạch nhân loại khác. Thực ra, có thể nhìn tới phía trước và thấy trước cùng ước ao con đường dẫn chúng ta đến sa mạc, nhưng cuối cùng, chính Thiên Chúa chứ không phải con người mới làm nên những vị ẩn tu.
Không thành vấn đề chúng ta được kêu gọi để sống cộng đoàn hay sống một mình, ơn gọi của chúng ta được xây dựng trên nền tảng các Tông Đồ, các tiên tri và trên tảng đá góc tường chính là Đức Kitô. Điều này có nghĩa là chúng ta được mời gọi để đáp lại và thực hiện mầu nhiệm lớn lao quyền năng của Đức Kitô trong chính mình, quyền năng đã làm cho Ngài chỗi dậy từ cõi chết và kêu gọi chúng ta từ tận cùng trái đất đến để sống trong Ngài và sống trong Chúa Cha. Dù ơn gọi của chúng ta là gì, mỗi người đều được kêu gọi để trở nên những chứng nhân và thừa tác viên Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Kitô hữu sống đời cô tịch không tìm kiếm tĩnh lặng chỉ như một bầu khí hay một môi trường cho một linh đạo được đề cao hay một linh đạo đặc thù nào đó. Người đó cũng không tìm kiếm tĩnh lặng như một phương tiện thích hợp để đạt tới một điều mình yêu thích - chẳng hạn việc chiêm ngắm. Nhưng người đó tìm kiếm tĩnh lặng như một biểu lộ hiến dâng quà tặng toàn thể chính mình lên Thiên Chúa. Sự tĩnh lặng của người đó không là một phương thế để nhận một điều gì, nhưng là một quà tặng chính mình hiến dâng Thiên Chúa. Bằng không, tĩnh lặng đó có thể ám chỉ việc từ bỏ hay khinh miệt “thế gian” theo nghĩa tiêu cực của nó. Nó không bao giờ trở nên một sự quên mình Kitô giáo. Thật vậy, nó có thể biểu lộ những gì có thể thấy nơi người sống đời cô tịch rằng, họ không thích ứng đủ đối với hầu hết các thao luyện trước mắt của cộng đoàn và vai trò của họ là thực hiện một chức năng ẩn giấu nào đó trong hầm chứa thiêng liêng của cộng đoàn.
Đời sống cô tịch trước hết là một đời sống cầu nguyện.
Chúng ta không cầu nguyện vì lợi ích của việc cầu nguyện, nhưng vì lợi ích của việc được lắng nghe. Chúng ta không cầu nguyện để nghe chính mình cầu nguyện nhưng để Thiên Chúa có thể nghe và trả lời chúng ta. Cũng thế, chúng ta không cầu nguyện chỉ để lắng nghe bất kỳ câu trả lời nào: đó phải là câu trả lời của Thiên Chúa.
Vì thế, người sống đời cô tịch sẽ là người luôn luôn cầu nguyện, luôn luôn hướng về Thiên Chúa, ước ao sự tinh tuyền trong lời cầu của mình để dâng lên Ngài. Họ cẩn trọng không thay câu trả lời của Thiên Chúa bằng câu trả lời của mình, không biến lời cầu nguyện tự nó thành một mục đích, cẩn trọng giữ cho lời cầu nguyện được ẩn tàng, đơn sơ và trong sáng. Làm như thế, vô hình chung, họ có thể quên bẳng sự “hoàn thiện” tuỳ thuộc vào lời cầu nguyện của chính mình; để rồi, họ có thể quên cả chính mình và chỉ sống trong niềm mong đợi những gì Thiên Chúa đáp trả.
Với tôi, dường như điều này không hoàn toàn có thể hiểu được nếu chúng ta quên rằng, đời sống cầu nguyện được xây dựng trên lời cầu khấn của lòng thống hối - không thành vấn đề về sau nó phát triển làm sao.
Không hề phá vỡ sự tinh tuyền của việc cầu nguyện trong cô tịch, lòng thống hối gìn giữ và bảo vệ tính nguyên tuyền đó. Hơn bất cứ ai khác, người sống đời cô tịch luôn ý thức về sự nghèo khó và túng quẫn của mình trước Thiên Chúa; vì tuỳ thuộc trực tiếp vào Ngài về mọi sự, vật chất cũng như tinh thần nên họ phải cầu xin mọi điều. Lời cầu nguyện của họ là một biểu hiện sự nghèo khó của mình. Với họ, lòng thống hối khó có thể trở thành một hình thức đơn thuần, một sự nhượng bộ trước tập tục phàm nhân như thể họ không cần Thiên Chúa về một điều gì cả.
Người sống đời cô tịch, con người cầu nguyện, sẽ đi đến chỗ nhận biết Thiên Chúa bằng cách biết rằng, lời cầu khấn của mình luôn luôn được đáp trả. Từ đó, nếu Thiên Chúa muốn, họ có thể tiến tới việc chiêm ngắm.
Vì thế, lòng biết ơn là trái tim của một cuộc sống sống đời cô tịch, là trái tim của đời sống Kitô hữu.
Từ ngày đầu tiên trong hành trình cô tịch, người ẩn tu cần đặt trọng tâm của mình trên sự hiểu biết làm sao để toàn bộ hữu thể của mình phải khắc khoải đau đớn trong nước mắt và khát khao một mình Thiên Chúa. Tiếp đến, như Đanien, họ được thiên thần của Thiên Chúa mang cho câu trả lời của Ngài (Đn 10, 12). “Đanien, đừng sợ, bởi vì ngay từ ngày đầu tiên, khi người đem hết lòng tìm hiểu và ăn chay hãm mình trước nhan Thiên Chúa của ngươi, thì Thiên Chúa đã nghe những lời ngươi nói…”.
Những đặc tính của cầu nguyện:
1. Lòng tin không do dự (Mt 21, 21; Gc 1, 6), phụ thuộc vào tính “duy nhất” của tâm trí và mục đích.
2. Lòng tin bền vững (Lc 11).