Với tôi, dường như đời sống chiêm ngắm lặng lẽ là một sự bắt chước, một sự làm tràn đầy trong chính mình những lời của Chúa Giêsu: “Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Ngài thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm thì Người Con cũng làm như vậy. Vì Chúa Cha yêu người Con và chỉ cho người Con thấy mọi điều mình làm” (Ga 5, 19-20).
Việc bắt chước này cốt tại chỗ ở lại và hành động trong cùng một mối tương quan với Chúa Giêsu như Ngài với Chúa Cha (Ga 5, 24). “Ai nghe lời Thầy, và tin vào Đấng đã sai Thầy thì có sự sống đời đời…”. Chúa Cha lôi kéo chúng ta đến với Chúa Giêsu (Ga 6, 37. 44-45). “Những ai lắng nghe Chúa Cha, và đã học với Chúa Cha, thì đến với tôi”. Chúng ta lắng nghe Chúa Cha tốt nhất trong sự cô tịch. Đức Giêsu, Bánh Sự Sống được ban cho chúng ta trong sự cô tịch (Ga 6, 58). “Như Cha đã sai tôi và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì những kẻ ăn tôi, cũng sẽ sống nhờ tôi như vậy”.
Vì thế, sống cô tịch là đời sống của một người được Chúa Cha lôi kéo vào trong hoang địa, ở đó, chúng ta được nuôi dưỡng không bởi thức ăn thiêng liêng nào khác ngoài Đức Giêsu. Vì trong Đức Giêsu, Chúa Cha trao ban chính Ngài và nuôi dưỡng chúng ta bằng chính sự sống vô biên của Ngài. Vì thế, đời sống cô tịch phải là một sự hiệp thông và biết ơn liên lỉ, trong đó, bằng đức tin, chúng ta cảm nhận mọi sự diễn ra trong những chiều kích sâu thẳm của Thiên Chúa; đồng thời chúng ta đánh mất việc tận hưởng bất kỳ sự sống nào khác hoặc bất kỳ thức ăn thiêng liêng nào khác của mình.
Ngoài ra, với tôi, dường như đời sống cô tịch thực thi những gì đã nói trên đây trên bằng sự từ bỏ của tác giả Thánh Vịnh: “Nhưng con là một kẻ ăn xin và nghèo khó: Đức Chúa chăm sóc con” (39, 18). Chúng ta sống trong sự tuỳ thuộc không bao giờ đổi thay vào lòng nhân lành hay thương xót của Chúa Cha; vì thế, toàn bộ đời sống chúng ta sẽ là một đời sống biết ơn - một sự đáp trả liên tục trước sự trợ giúp của Ngài đến với chúng ta ở mọi thời khắc. Tôi nghĩ rằng, mỗi một người đều có thể khám phá chân lý này trong bất cứ ơn gọi nào, miễn sao đó là ơn gọi thực sự của người đó.
Đời sống cô tịch là đời sống trong đó, chúng ta hướng sự chú ý của mình về phía Thiên Chúa và vui mừng chỉ trong sự trợ giúp đến từ Ngài. Bất cứ điều gì Ngài làm cũng là niềm vui của chúng ta. Chúng ta tái tạo lòng nhân từ của Ngài trong chính mình bằng niềm biết ơn. Nói cách khác, lòng biết ơn của chúng ta là sự phản ánh lòng nhân từ của Ngài. Đó là điều làm cho chúng ta nên giống Ngài.
Đời sống cô tịch đích thực mang một tính cách hoàn toàn khác biệt với sự cô tịch từng phần vốn có thể được vui hưởng lúc này lúc khác trong những giờ giải lao mà đời sống xã hội cho phép. Khi có được sự cô tịch vào những giờ giải lao, chúng ta tận hưởng giá trị của nó bằng cách đối chiếu với một giá trị khác. Khi thực sự sống một mình, sẽ không cần sự đối chiếu nào cả.
Không phải tôi đi vào sự cô tịch để giữ cho cuộc sống mình khỏi những động đạc, để khiến mọi chuyện tập trung cố định vào một kinh nghiệm nội tâm nào đó. Khi cô tịch đan xen với cuộc sống thường ngày, nó có thể mặc lấy tính cách này như một sự ngưng nghỉ, một chốc yên tĩnh cần thiết và một sự dừng lại đầy tập trung. Ở đâu cô tịch không phải là một chốc ngưng nghỉ nhưng vẫn là một tổng thể liên tục, có thể chúng ta sẽ đi đến chỗ không thừa nhận tất cả ý nghĩa của việc tập trung và đánh mất những cảm nhận tĩnh mịch thiêng liêng của mình. Toàn bộ đời sống chúng ta có thể tuôn trào để gặp Đấng Hiện Hữu và là Đấng Lặng Thinh của những ngày mà trong đó, chúng ta dìm sâu chính mình và có thể tìm thấy sự cứu độ bằng một cuộc sống lặng lẽ liên lỉ.
Thậm chí có thể rằng, trong cô tịch, tôi sẽ trở lại khởi đầu của tôi, đồng thời, tái khám phá giá trị và sự hoàn hảo của một lời cầu nguyện lớn tiếng đơn sơ - và cảm thấy vui sướng với điều này hơn cả việc chiêm ngắm.
Thành viên của một giáo phái nào đó có thể có một sự chiêm ngắm cao độ, đang khi người ẩn tu duy chỉ có kinh Lạy Cha và Kính Mừng. Trong sự kiện đó, tôi chọn đời sống của một ẩn sĩ, trong đó, tôi luôn sống trong Thiên Chúa, nói với Ngài cách đơn sơ, hơn là một đời sống hoạt động rời rạc được thăng hoa bởi một vài khoảnh khắc phấn khích và sốt sắng.
Người sống đời cô tịch nhất thiết là người làm điều mình muốn. Thực ra, người đó không có gì khác để làm. Đó là lý do tại sao ơn gọi của họ vừa nguy hiểm vừa đáng dể duôi. Nguy hiểm bởi thực ra, người đó phải nên thánh bằng cách làm điều mình muốn thay vì làm điều mình không muốn. Nên thánh bằng cách làm điều mình muốn thì thật là khó. Điều đó có ý nói rằng, điều bạn muốn luôn luôn là ý muốn của Thiên Chúa. Vì thế, nó có nghĩa rằng, bạn dường như không muốn điều gì không phải là ý muốn của Thiên Chúa và chính Thiên Chúa sẽ khoả lấp những lựa chọn sai lầm của bạn bằng cách chấp nhận chúng, theo một khía cạnh tốt, như là “ý muốn của Ngài”.
Ơn gọi này bị dể duôi bởi những ai khôn ngoan sợ làm điều mình muốn khi biết rõ rằng, điều họ muốn làm không phải là ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng Người Sống Cô Tịch phải là người có lòng can đảm để làm điều mình muốn làm nhất trên trần gian - sống trong sự cô tịch. Nó đòi hỏi một sự khiêm tốn anh hùng cùng với một niềm hy vọng anh hùng - một hy vọng mãnh liệt rằng, Thiên Chúa sẽ bảo vệ họ chống lại chính mình, Thiên Chúa quá yêu thương họ đến nỗi Ngài sẽ chấp nhận một sự chọn lựa như thể đó là chọn lựa của Ngài. Một niềm hy vọng như thế là một dấu chỉ cho thấy việc lựa chọn sống cô tịch là sự lựa chọn của Thiên Chúa. Ước muốn cô tịch chỉ có thể là một ơn gọi đến từ Thiên Chúa. Ước muốn cô tịch muốn nói đến hồng ân làm vui lòng Thiên Chúa bằng cách đưa ra những quyết định của chính mình trong cái bấp bênh dễ đổi thay đầy khiêm tốn của một sự thinh lặng vĩnh viễn vốn không bao giờ chấp nhận hay không chấp nhận sự lựa chọn chúng ta đã quyết định.
Làm sao tôi có thể quay trở lại sự cô tịch mỗi khi tưởng nghĩ một nơi mà tôi chưa bao giờ mô tả cho bất kỳ ai, như là nơi mà tôi không bao giờ mang ai đến, hoặc như là nơi mà cái im ắng của nó đã ấp ủ một đời sống nội tâm nơi tôi, một nội tâm không ai biết ngoài một mình Thiên Chúa.
Bạn cầu nguyện tốt nhất khi tấm gương linh hồn mình trống trơn mọi hình ảnh ngoài hình ảnh Chúa Cha Vô Hình. Hình ảnh này là Khôn Ngoan của Chúa Cha, là Lời của Chúa Cha, Lời Vọt Ra Tình Yêu, vinh quang của Ngài.
Xuyên qua cái tăm tối của hình ảnh Ngài, chúng ta làm vinh danh Chúa Cha trong niềm cậy trông vốn loại bỏ mọi hình ảnh tương tự ra khỏi linh hồn mình; một niềm cậy trông khiến chúng ta sống bằng mối tương quan và sự phụ thuộc hoàn toàn vào Ngài. Một cuộc sống tuỳ thuộc được hoàn thiện trong đức tin tinh tuyền là đời sống duy nhất hoà hợp với ấn tích của con cái Chúa Cha trong Đức Kitô.
Tống khứ những hình ảnh.
Chỉ một tình yêu tinh tuyền mới có thể quét sạch cách hoàn hảo khỏi linh hồn những hình ảnh các tạo vật, từ đó, nâng chúng ta vượt quá những ước muốn.
Để sẵn sàng cho công việc này, chúng ta đừng tìm cách tống khứ khỏi chính mình tất cả mọi hình ảnh, nhưng trước tiên, hãy bắt đầu bằng cách thay thế những hình ảnh độc hại bằng những hình ảnh tốt lành, từ đó, loại bỏ ngay cả những hình ảnh tốt lành nhưng vô ích hoặc những hình ảnh lôi kéo chúng ta cách vô bổ vào những đam mê và cảm xúc. Phong cảnh đẹp là một nhà giải phóng tài giỏi trước những hình ảnh như thế bởi nó có thể xoa dịu và đem lại bình an cho trí tưởng tượng và những cảm xúc, đồng thời giúp cho ý chí được tự do tìm kiếm Thiên Chúa trong đức tin.
Hoạt động tinh tế của ân sủng trong linh hồn bị quấy phá nghiêm trọng bởi tất cả những gì gọi là bạo lực của con người. Đam mê, dục vọng một khi trở chứng, sẽ bạo hành tinh thần; và nó sẽ trở nên nguy hiểm nhất khi người ta nghĩ rằng, trong nó, dường như họ tìm thấy bình an. Bạo lực không hoàn toàn nguy hại cho đến khi nó thôi quấy phá chúng ta.
Bình an, hoa trái của ân sủng là sự ổn định thiêng liêng rất thâm sâu đối với bạo lực - không thể lay chuyển nó, trừ phi chính chúng ta thừa nhận sức mạnh của dục vọng trong cung lòng thánh thiêng của mình. Cảm xúc có thể quấy nhiễu bề mặt hiện hữu của chúng ta nhưng nó sẽ không khuấy động những chiều kích thâm sâu nếu những chiều kích này được ân sủng nắm giữ và chiếm hữu.
Bạo lực thiêng liêng trở nên nguy hiểm nhất khi nó thiêng liêng nhất - nghĩa là, ít cảm xúc nhất. Bạo lực tác oai tác quái trong những chiều kích thâm sâu của ý chí khi không có bất kỳ sự dấy lên nào của toàn bộ con người chúng ta chống lại nó, chúng ta để ý chí bị giam hãm mà không buồn chiến đấu. Đó là thứ bạo lực của tội cố ý và tội không chống trả vốn xem ra không phải là bạo lực mà là hoà bình.
Bên cạnh đó, có một thứ bạo lực của lòng ham muốn thoả hiệp quá mức khác, cách chung không có tội, nhưng lại cản trở hoạt động của ân sủng cùng với việc tạo điều kiện cho việc đẩy xa lòng bác ái ra khỏi chúng ta hoàn toàn. Một thoả hiệp như thế nhấn chìm chúng ta quá sâu vào những quyết định của dục vọng; vậy mà, nó có thể làm điều đó với cớ là phục vụ Thiên Chúa. Bạo lực thiêng liêng nguy hiểm nhất chính là khi nó đem ý chí chúng ta đi xa với một hăng nhiệt lầm lạc tưởng như phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng thực tế, do chính dục vọng gợi lên.
Rất nhiều trong những kế hoạch thao thức nhất của chúng ta cho vinh quang Chúa chỉ là những đam mê quá mức được nguỵ trang. Bằng chứng là những hứng khởi do chúng tạo ra. Thiên Chúa của sự bình an không bao giờ được tôn vinh bằng bạo lực.
Chỉ có một loại bạo lực vốn có thể chiếm được Nước Trời - bạo lực áp đặt bình an lên các chiều kích sâu thẳm của linh hồn giữa những đam mê dục vọng. Bạo lực này tự nó là một mệnh lệnh được tạo ra trong chúng ta bởi quyền năng và tiếng nói của Thiên Chúa bình an vọng lên từ đền thánh của Ngài.
Thế nhưng Chúa ngự nơi đền, vinh quang của Israel là Ngài (Tv 21, 4).
Ngay khi bạn thực sự ở một mình thì có Thiên Chúa ở với bạn.
Có người sống cho Thiên Chúa, có người sống với Thiên Chúa và cũng có người sống trong Thiên Chúa.
Ai sống cho Thiên Chúa thì sống với những người khác và sống trong những sinh hoạt của cộng đoàn mình. Cuộc sống của họ là những gì họ làm.
Ai sống với Thiên Chúa thì cũng sống cho Ngài, họ không sống trong những gì họ làm cho Ngài nhưng sống trong mọi sự trước thánh nhan Ngài. Cuộc sống của họ cốt để phản ánh Thiên Chúa bằng sự đơn sơ của chính mình và bằng sự hoàn thiện của hữu thể của Ngài vốn được phản ánh trong sự khó nghèo của họ.
Ai sống trong Thiên Chúa thì không sống với những người khác hay sống trong chính mình; dẫu vậy, họ sống ít hơn trong những gì họ làm, vì Thiên Chúa làm mọi sự trong họ.
Khi cùng ngồi dưới một gốc cây, tôi có thể sống cho Thiên Chúa, với Thiên Chúa hay sống trong Ngài.
Nếu tôi viết cho Ngài điều này, điều đó sẽ không đủ.
Để sống với Ngài, phải luôn kiềm chế lời nói và làm dịu những ước muốn tiếp xúc gặp gỡ con người, thậm chí là để nói về Thiên Chúa.
Tuy nhiên, nói chuyện tâm tình cùng lúc với con người và với Thiên Chúa thì không khó miễn chúng ta tìm thấy họ trong Ngài.
Đời sống cô tịch - tự căn bản là một đời sống đơn sơ giản dị nhất. Đời sống cộng đoàn chuẩn bị cho đời sống cô tịch chừng nào chúng ta tìm thấy Thiên Chúa trong cái đơn giản của cuộc sống chung, và rồi, chúng ta tìm kiếm và gặp thấy Thiên Chúa nhiều hơn trong cái đơn giản hơn của cô tịch.
Nhưng nếu đời sống cộng đoàn của chúng ta quá phức tạp - (một phần do lỗi của chính chúng ta) - thì xem ra con người chúng ta cũng trở nên phức tạp hơn ngay cả trong cô tịch.
Đừng chạy trốn cộng đoàn để náu ẩn trong sự cô tịch. Trước tiên, hãy tìm kiếm Thiên Chúa trong cộng đoàn, Ngài sẽ dẫn bạn đến cô tịch.
Người ta không thể hiểu giá trị đích thực của thinh lặng trừ phi người đó biết thực sự tôn trọng giá trị của ngôn ngữ: vì thực tại vốn có thể diễn đạt bằng ngôn ngữ được tìm thấy, diện đối diện, và không cần trung gian trong chính thinh lặng. Chúng ta cũng sẽ không tìm thấy thực tại này trong chính nó, nghĩa là trong sự thinh lặng riêng của nó trừ phi trước hết chúng ta được mang đến đó bằng ngôn ngữ.
Lời trong Tin Mừng:
Chúng ta tìm thấy Thiên Chúa trong chính hữu thể của mình, tấm gương của Ngài.
Nhưng làm sao có thể tìm thấy hữu thể của mình?
Hành động của một con người chính là những cánh cửa lớn nhỏ của hữu thể. Nếu không hành động, không tài nào chúng ta biết mình là ai. Và kinh nghiệm về sự hiện hữu của mình là điều không thể nếu mỗi người không có một vài kinh nghiệm về sự hiểu biết hoặc một vài kinh nghiệm của việc trải nghiệm.
Vì thế không thể tìm thấy những chiều kích sâu xa của hữu thể mình khi chúng ta từ bỏ mọi hoạt động.
Nếu từ bỏ những hoạt động thiêng liêng, chúng ta có thể lại rơi vào một bóng tối và bình an nào đó, nhưng đó là bóng tối và bình an của xác thịt.
Chúng ta cảm thấy mình hiện hữu, nhưng hữu thể mà chúng ta cảm nghiệm là chỉ là hữu thể của xác thịt; và nếu ngủ vùi trong bóng tối này đồng thời yêu mến sự ngọt ngào của nó, thì một khi chỗi dậy, chúng ta sẽ thực hiện những công việc của xác thịt.
Vì thế để tìm thấy hữu thể thiêng liêng, chúng ta phải lần xuống những con đường được tạo nên bởi những hoạt động thiêng liêng của mình.
Nhưng khi đã hành động theo ân sủng, những gì chúng ta làm không còn là của riêng chúng ta, chúng thuộc về Thiên Chúa. Nếu theo chúng đến tận ngọn nguồn, ít nữa, một cách tiềm tàng, chúng ta cũng có được khả năng cảm nghiệm Thiên Chúa vì những hành động của Ngài trong chúng ta lại mặc khải ở đó chính hữu thể của Ngài.
Toàn thể đời sống là để thánh hóa những hành động của chúng ta bằng khiêm tốn và niềm tin, đồng thời làm im bặt cả con người chúng ta bằng đức ái.
“Ra khỏi chính mình” là hành vi chóp đỉnh của hữu thể vốn không bị dịch chuyển bởi chính bản chất của chúng ta nhưng bởi Thiên Chúa, Đấng cùng lúc vượt trên chúng ta vô cùng và tuy nhiên, cũng là Đấng ở trong những chiều kích sâu thẳm của hữu thể chúng ta.
Dừng lại ở hành vi này - tôi có ý nói thưởng thức hoa trái của hành vi này - là ở lại trong hữu thể của Thiên Chúa bên trên hữu thể của chính mình - Kho tàng của con ở đâu thì lòng trí của con ở đó. Bạn cảm nhận mọi giá trị (kho tàng) của hành động thiêng liêng nơi mình đều đến từ Thiên Chúa - và tâm hồn bạn nghỉ ngơi trong nguồn suối mà từ đó mọi điều thiện hảo trong bạn tuôn trào. Bạn không sở hữu hữu thể của bạn trong chính mình nhưng chỉ trong Thiên Chúa, từ Ngài, nó phát xuất.
Nhờ đức tin, tôi tìm thấy hữu thể đích thực của tôi trong Thiên Chúa.
Một hành vi đức tin hoàn hảo cùng lúc phải là một hành vi khiêm tốn hoàn hảo.
Thiên Chúa không kể ra những bí mật tinh tuyền nhất của Ngài cho những ai được chuẩn bị để lãnh nhận những mặc khải. Ngài có những bí mật để thông chuyển cho những ai sẽ truyền đạt một vài ý tưởng về chúng cho những người khác. Nhưng những bí mật này là tài sản chung của nhiều người. Ngài có những bí mật khác vốn không thể tiết lộ được. Chính ước muốn chia sẻ chúng cho người khác khiến chúng ta không thể đón nhận chúng.
Bí mật lớn nhất trong các bí mật của Thiên Chúa chính là Ngài.
Ngài chờ để truyền đạt chính Ngài cho tôi theo một cách thức tôi không bao giờ có thể diễn tả cho những người khác, hoặc thậm chí cảm nghĩ chúng một cách mạch lạc. Tôi phải ước muốn nó trong thinh lặng. Chính vì điều này mà tôi phải từ bỏ tất cả.
Công việc bận rộn nhất của một đời sống cô tịch là thể hiện lòng biết ơn. Người ẩn tu là người nhận biết lòng thương xót của Thiên Chúa rõ hơn những người khác bởi vì toàn bộ đời sống họ là một đời sống phụ thuộc hoàn toàn vào lòng nhân từ ẩn giấu của Cha Trên Trời trong thinh lặng và cậy trông.
Càng tiến sâu vào cô tịch, tôi càng thấy rõ sự tốt lành của mọi tạo vật.
Để sống vui tươi trong cô tịch, chúng ta phải có một sự hiểu biết đầy lòng yêu thương trước sự tốt lành của người khác, một sự hiểu biết đầy lòng kính trọng về sự thiện hảo của mọi thọ tạo và một sự hiểu biết khiêm tốn về sự lành thánh của chính thể xác và linh hồn mình. Làm sao có thể sống trong cô tịch nếu tôi không thấy khắp nơi sự tốt lành của Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành và Cứu Chuộc tôi, cũng là Cha của mọi sự tốt lành?
Điều gì làm tôi trở nên xấu xa và đáng ghét đối với chính mình? Đó là sự điên rồ, sự tối tăm của tôi cũng là những gì đã chia rẽ tôi, bởi tội lỗi, chống lại ánh sáng Thiên Chúa đã đặt trong linh hồn tôi để trở nên tấm gương phản ánh và là chứng nhân lòng nhân hậu và sự tốt lành của Ngài.
Tôi sẽ tống khứ sự dữ ra khỏi linh hồn bằng cách vật lộn với bóng tối của tôi? Đây không phải là điều Thiên Chúa dự liệu cho tôi. Chỉ cần tránh xa bóng tối để hướng về ánh sáng của Ngài là đủ. Tôi không phải chạy trốn chính mình, chỉ cần tìm thấy chính mình, không phải vì tôi đã tạo ra chính mình bởi sự ngốc nghếch của tôi, nhưng vì Ngài đã dựng nên tôi trong sự khôn ngoan và tái tạo tôi trong lòng nhân từ vô biên của Ngài. Chính Ngài muốn thân xác và linh hồn tôi là đền thờ của Chúa Thánh Thần, đời tôi là sự phản ánh tình yêu Thiên Chúa và toàn bộ hữu thể của tôi an nghỉ trong bình an của Ngài. Và rồi, tôi sẽ thật sự biết Ngài vì tôi ở trong Ngài và Ngài thực sự ở trong tôi.
Thế giới các Thánh Vịnh là khu vườn đích thực của người sống đời cô tịch và Kinh Thánh là thiên đàng của họ. Chúng tiết lộ những bí mật của mình cho họ; bởi lẽ, trong sự khiêm tốn và nghèo khó tột cùng của mình, họ không có gì khác để sống ngoài những hoa quả các Thánh Vịnh tặng ban. Đối với người cô tịch đích thực, việc đọc Kinh Thánh không còn là một “thao luyện” giữa những thao luyện khác, một phương tiện “vun trồng” tri thức, “đời sống thiêng liêng” hoặc “cảm kích phụng vụ”. Đối với những ai đọc Kinh Thánh theo phương pháp học thuật, hoặc theo một cách nhìn thẩm mỹ hay thuần tuý đạo đức, Kinh Thánh thực sự đem lại niềm phấn chấn mới mẻ với những ý tưởng bổ ích. Nhưng để học biết những bí quyết bên trong của Kinh Thánh, chúng ta phải coi Kinh Thánh là cơm bánh thiết thực hằng ngày của mình, trong đó mỗi người tìm gặp Thiên Chúa khi thật sự đói khát Ngài - và thông thường, chúng ta không thể tìm thấy Ngài ở đâu khác, cũng không có nơi nào khác để tìm Ngài!
Trong cô tịch, cuối cùng, ôi lạy Chúa, con khám phá ra rằng, Chúa hằng khát khao tình yêu của lòng con, tình yêu của lòng con như là - tình yêu của một trái tim con người.
Con đã tìm thấy và con đã biết, nhờ lòng thương xót bao la của Ngài, tình yêu của một trái tim con người vốn bị bỏ rơi, tan vỡ và nghèo khó thì làm hài lòng và thu hút sự chú tâm của lòng thương xót Ngài nhất; và lạy Chúa, chính niềm khát khao và an ủi của Ngài lại ở rất gần những kẻ yêu mến Ngài, họ gọi Ngài là Cha của họ. Rằng, có lẽ Ngài không có niềm an ủi nào lớn hơn (nếu con có thể nói như vậy) là an ủi những đứa con đau khổ của Ngài và những ai nghèo khó và trắng tay khi đến với Ngài mà không có gì ngoại trừ con người trơ trọi, những giới hạn và niềm tín thác lớn lao vào lòng thương xót của Ngài.
Chỉ sự cô tịch mới dạy con rằng, con không là thần thánh hay một thiên sứ để làm vui lòng Ngài; con không cần trở nên một người tinh thông thuần khiết nhưng vô cảm hay không có cái bất toàn của kiếp người trước khi Ngài lắng nghe con.
Ngài không đợi con trở nên hoàn hảo rồi mới đến với con, nghe con và trả lời con. Chính sự hèn hạ và tính người nơi con đã lôi kéo Ngài, để rồi biến con thành kẻ ngang hàng bằng cách hạ mình xuống tận mức của con và sống trong con bằng sự chăm sóc nhân từ của Ngài.
Và giờ đây, chính nỗi khát khao của Ngài, chứ không phải con đem cho Ngài lòng biết ơn và sự nhận biết có được từ các thiên thần vĩ đại của Ngài, nhưng từ tình yêu và lòng biết ơn phát xuất bởi tâm hồn của một đứa trẻ, con của một người đàn bà, Con Một của Ngài.
Lạy Cha, con biết Cha gọi con sống một mình với Cha và học biết rằng, nếu con không là một con người trơ trọi, một con người trơ trọi có thể phạm mọi lỗi lầm, mọi điều xấu xa và cũng có thể dành cho Cha một tình cảm con người hư hỏng và mỏng dòn, thì con sẽ không thể làm con của Cha. Cha khao khát tình yêu của một trái tim con người bởi Con của Cha cũng yêu Cha bằng trái tim như thế và Ngài đã trở nên Con Người để trái tim con và trái tim Ngài yêu Cha trong chỉ một tình yêu, một tình yêu mang tính người được sinh ra và rung động bởi Thánh Thần.
Vì thế, nếu con không yêu mến Cha bằng tình yêu của một con người với sự đơn sơ của nó và bằng sự khiêm tốn với chính bản thân, con sẽ không bao giờ nếm hưởng được vị ngọt ngào tràn đầy của lòng nhân từ đầy tình phụ tử của Cha, của Con Cha… chừng nào con còn sống và sẽ phải chết đi một cách vô ích.
Con cần là một con người và vẫn là một con người để thánh giá của Đức Kitô không trở nên vô ích. Đức Giêsu đã không chết cho các thiên thần nhưng cho con người.
Đây là những gì con học biết từ các Thánh Vịnh trong sự cô tịch, vì các Thánh Vịnh chất chứa bao đơn sơ của con người như Đavít, biết Thiên Chúa như con người và yêu Ngài như con người; vì thế, biết Ngài, Thiên Chúa chân thực Duy Nhất, Đấng sẽ sai Người Con Duy Nhất của mình đến với con người, giống con người đến nỗi trong khi vẫn là con người, có thể yêu mến Ngài bằng một tình yêu thần linh.
Và đây là mầu nhiệm ơn gọi của chúng ta: không phải chúng ta thôi là con người để trở nên thiên thần hay một thần minh, nhưng rằng, tình yêu nơi trái tim con người của tôi có thể trở thành tình yêu của Thiên Chúa cho Thiên Chúa và cho con người; những giọt nước mắt con người của tôi có thể lăn dài từ mắt tôi như những giọt nước mắt của Thiên Chúa bởi chúng vọt lên từ chuyển động của Thánh Thần Ngài trong trái tim Con Một, hiện thân của Ngài. Thế nên, Quà Tặng của lòng Hiếu Thảo lớn lên trong cô tịch được nuôi dưỡng bằng các Thánh Vịnh.
Một khi học biết được điều này, tình yêu của chúng ta đối với người khác trở nên thuần khiết và mạnh mẽ. Chúng ta đến với họ không chút kiêu kỳ, tự mãn; yêu thương họ với một tình yêu thuần khiết, dịu dàng và kín đáo của chính tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Đây chính là hoa trái và là mục đích đích thực của một đời sống cô tịch Kitô giáo.