Được nuôi dưỡng bởi các Bí tích cũng như được đào tạo bởi việc cầu nguyện và giáo huấn của Hội Thánh, chúng ta không cần phải tìm kiếm điều gì khác ngoài vị trí đặc thù theo ý muốn của Thiên Chúa dành cho chúng ta trong Hội Thánh. Một khi tìm được vị trí đó, cuộc sống cũng như việc cầu nguyện của chúng ta lập tức trở nên cực kỳ đơn giản.
Tiếp đến, chúng ta sẽ khám phá ý nghĩa của một đời sống thiêng liêng đích thực. Đó không phải là vấn đề làm việc này tốt hơn việc kia, sống nơi này tốt hơn là sống nơi kia, cầu nguyện cách này tốt hơn cầu nguyện cách khác.
Đó cũng không phải là vấn đề của bất cứ hiệu quả tâm lý đặc biệt nào trong chính tâm hồn chúng ta. Nhưng đó chính là sự lặng thinh của toàn thể con người chúng ta trong tâm tình ăn năn và thờ phượng trước Thiên Chúa đang khi thường xuyên nhận biết Ngài là mọi sự và chúng ta là hư không. Ngài là Trung Tâm mà mọi thọ tạo đang quy về, là Đấng mà mọi hoạt động của chúng ta phải hướng đến. Đời sống và sức mạnh của chúng ta bắt nguồn từ Ngài, chúng ta hoàn toàn tuỳ thuộc vào Ngài cả khi sống lẫn khi chết, dòng đời chúng ta được Ngài biết trước và không trệch ra ngoài kế hoạch Quan Phòng khôn ngoan và nhân từ của Ngài. Quả là vô lý khi chúng ta sống cho mình và vì mình như thể không có Ngài. Mọi kế hoạch và tham vọng thiêng liêng của chúng ta đều trở nên vô dụng nếu không xuất phát từ Ngài và kết thúc trong Ngài, và rằng, cuối cùng, điều quan trọng duy nhất là vinh quang của Ngài.
Chúng ta sẽ làm phương hại đời sống cầu nguyện của mình nếu cứ mãi xét xem nó cũng như tìm kiếm hoa trái từ đó trong một sự bình an vốn không gì khác hơn là một quá trình tâm lý. Điều duy nhất đáng tìm kiếm trong việc cầu nguyện chiêm ngắm chính là Thiên Chúa; và chúng ta tìm được Ngài khi nhận ra rằng, không thể tìm kiếm Ngài trừ phi Ngài tỏ mình cho chúng ta, vậy mà cùng lúc ấy, Ngài sẽ không thôi thúc chúng ta tìm kiếm Ngài trừ phi chúng ta đã tìm được Ngài.
Càng bằng lòng với sự túng thiếu của mình, chúng ta càng gần Thiên Chúa hơn, vì bấy giờ, chúng ta chấp nhận sự túng quẫn trong bình an, không mong đợi gì từ chính mình nhưng trông chờ mọi sự từ Ngài.
Nghèo khó là cánh cửa dẫn đến tự do, không phải bởi chúng ta bị giam hãm trong lo lắng và miễn cưỡng do sự nghèo túng tự nó kéo theo, nhưng vì khi không tìm thấy điều gì nơi mình vốn có thể trở nên nguồn hy vọng để rồi biết rằng, chẳng có gì nơi bản thân mình đáng để bảo vệ cả. Cũng không có gì đặc biệt để quý chuộng. Vì thế, ra khỏi chính mình, chúng ta ở lại trong Thiên Chúa, và chỉ trong Ngài chúng ta mới có niềm hy vọng của mình.
Có một giai đoạn trong đời sống thiêng liêng, ở đó, chúng ta tìm thấy Thiên Chúa trong chính mình - sự hiện diện này là hiệu quả có được do tình yêu của Ngài. Đó là quà tặng Ngài dành cho chúng ta. Nó ở lại trong chúng ta. Mọi quà tặng của Thiên Chúa đều tốt lành, nhưng nếu chúng ta ở lại trong chúng, hơn là trong Ngài, chúng sẽ đánh mất tính tốt lành của chúng. Với quà tặng này cũng vậy.
Thời gian thích hợp đến, chúng ta chuyển sang những điều khác, và Thiên Chúa rút lại cảm giác hiện diện của Ngài hầu củng cố đức tin của chúng ta. Sau đó, quả là vô ích khi tìm kiếm Ngài ngang qua trung gian của bất kỳ hiệu quả tâm lý nào. Vô ích khi tìm kiếm bất kỳ cảm nhận nào về Ngài trong tâm hồn. Đã đến lúc phải ra khỏi chính mình, vượt trên chính mình và không còn tìm Ngài trong chúng ta nữa nhưng tìm Ngài bên ngoài và bên trên chúng ta. Trước tiên, chúng ta làm điều này bằng niềm tin khô khan của mình, bằng niềm cậy trông bùng cháy như những hòn than hồng dưới lớp tro tàn của sự túng quẫn. Chúng ta cũng tìm kiếm Ngài bởi lòng bác ái khiêm tốn trong việc phục vụ anh em. Rồi khi Thiên Chúa muốn, Ngài nâng chúng ta lên tận chính Ngài trong sự đơn sơ.
Đâu là lợi ích của việc nhìn nhận sự yếu hèn nơi chính mình nếu chúng ta không nài xin Thiên Chúa quyền năng nâng đỡ? Đâu là giá trị của việc nhìn nhận sự nghèo túng nơi bản thân nếu chúng ta không bao giờ vận dụng nó để nài xin lòng thương xót của Ngài? Quả thật tồi tệ để tự mãn trong ý nghĩ rằng, chúng ta đạo đức; nhưng sẽ tồi tệ hơn khi chúng ta ở lì trong sự trì trệ dẫu đã ý thức đầy đủ những yếu đuối và tội lỗi của mình.
Giá trị của yếu đuối và nghèo khó ở chỗ, khi chúng là mảnh đất trong đó Thiên Chúa gieo vãi hạt giống khát vọng. Và không thành vấn đề xem chúng ta bị bỏ rơi làm sao, niềm khao khát liều lĩnh được yêu mến Ngài bất chấp sự khốn cùng tuyệt vọng của mình chính là dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa với lời hứa cứu độ chúng ta.
Muốn có một đời sống thiêng liêng, bạn phải thống nhất đời sống của mình. Một đời sống hoặc là hoàn toàn thiêng liêng hoặc là không thiêng liêng chút nào. Không ai có thể làm tôi hai chủ. Đời sống bạn được nắn đúc bởi mục đích sống của bạn. Bạn được hình thành theo hình ảnh những gì bạn ước muốn.
Để thống nhất đời sống, hãy thống nhất các ước muốn của bạn. Để thiêng liêng hóa đời sống, hãy thiêng liêng hóa những khát khao của bạn. Để thiêng liêng hóa những khát khao, hãy khát khao trở nên không có khát vọng nào.
Sống trong thần khí là sống cho một Thiên Chúa, Đấng chúng ta tin, cũng là Đấng không thể nhìn thấy. Vì thế, ước muốn sống trong thần khí là từ bỏ ước muốn tất cả những gì có thể nhìn thấy. Chiếm hữu Ngài, Đấng không thể hiểu thấu là từ bỏ tất cả những gì có thể thấu hiểu. Để ở lại trong Ngài, Đấng vượt xa mọi nơi an nghỉ được tạo dựng, chúng ta từ bỏ ước muốn lưu lại trong các tạo vật.
Bằng cách từ bỏ thế giới, chúng ta chiếm lãnh nó; vượt lên con số vô vàn của nó, chúng ta thâu tóm nó lại trong sự đơn sơ của một tình yêu vốn tìm thấy mọi sự trong Thiên Chúa.
Đây là điều Đức Giêsu có ý nói khi Ngài bảo, ai muốn cứu mạng sống mình, sẽ mất nó; và ai liều mất mạng sống mình vì Thiên Chúa, sẽ cứu được nó.
Chương 28 sách Gióp (cũng sách Barúc chương 3) nói cho chúng ta biết sự khôn ngoan của Thiên Chúa được giấu kín và không thể tìm thấy - vậy mà lại kết thúc bằng cách cho rằng, sự khôn ngoan đó được tìm thấy dễ dàng vì kính sợ Chúa là khôn ngoan.
Một thầy dòng không bao giờ được phép tìm kiếm sự khôn ngoan ngoài ơn gọi của mình. Nếu làm thế, thầy sẽ không bao giờ tìm thấy sự khôn ngoan, bởi vì đối với thầy, khôn ngoan ở trong ơn gọi của mình. Khôn ngoan chính là cuộc sống đan sĩ trong đan viện. Bằng cách sống chính cuộc sống đó, vị đan sĩ kia tìm thấy Thiên Chúa, chứ không phải bằng việc thêm điều này điều kia vào cuộc sống mình, những gì Thiên Chúa đã không đặt ở đó. Vì sự khôn ngoan chính là Thiên Chúa, Đấng sống trong ta, tự mặc khải cho chúng ta. Cuộc sống sẽ tự nó mặc khải cho chúng ta chừng nào chúng ta sống cuộc sống đó.
Đời sống đan viện đầy ắp tình thương của Thiên Chúa. Mọi việc đan sĩ kia làm đều đẹp lòng Thiên Chúa và được dâng lên cho vinh quang Ngài. Khi thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, chúng ta hưởng nhận lòng thương xót của Ngài, bởi vì chỉ với quà tặng lòng thương xót Ngài, chúng ta mới có thể thực hiện thánh ý Ngài với một ý chỉ tinh tuyền và siêu nhiên. Ngài ban cho chúng ta ý chỉ này như một hồng ân vốn chỉ đóng vai trò một phương tiện để chúng ta lãnh nhận ngày càng nhiều hồng ân khác nữa và lòng thương xót Chúa đổ xuống chúng ta ngày càng nhiều hơn bằng cách mở rộng khả năng yêu mến Ngài nơi mỗi người. Khả năng đón nhận lòng nhân từ của Thiên Chúa nơi chúng ta càng lớn thì khả năng dâng Ngài vinh quang càng nhiều vì Ngài chỉ được ca khen bằng chính những quà tặng của Ngài và được vinh quang rạng rỡ nhất bởi những ai mà trong họ, lòng thương xót của Ngài đã tạo nên một lòng yêu mến lớn lao nhất. “Kẻ được tha ít thì yêu mến ít” (Lc 7, 47).
Người nghèo nhất trong một cộng đoàn tu trì không nhất thiết là người được giao cho ít vật dụng nhất để sử dụng. Nghèo khó không chỉ là vấn đề của việc không có các “đồ vật”. Đó là một thái độ dẫn chúng ta đến chỗ khước từ một số thuận lợi có được khi sử dụng những vật đó. Một người có thể không sở hữu gì cả nhưng lại quá coi trọng những thoả mãn và hưởng thụ riêng tư mà họ muốn dành cho mình từ những thứ vốn là của chung mọi người - bài hát trong ban hợp xướng, những bài giảng theo đề tài, bài đọc trong phòng ăn - những giờ tự do trong cộng đoàn, thời giờ của những người khác…
Thông thường, người nghèo nhất trong cộng đoàn là người được mọi người khác tuỳ nghi sử dụng. Ai ai cũng có thể sử dụng họ và họ không bao giờ dùng thời giờ để làm bất cứ điều gì đặc biệt cho riêng mình.
Nghèo khó - có thể liên quan đến những gì như ý kiến, “phong cách” của chúng ta, bất cứ điều gì vốn có khuynh hướng khẳng định chúng ta khác những người chung quanh, chẳng hạn nghĩ rằng, chúng ta trổi vượt những người khác theo cách mà chúng ta cảm thấy thoả mãn với những cá tính riêng biệt của mình và coi chúng như là những “vật sở hữu”. Đừng vì “nghèo khó” mà chúng ta trở nên lập dị. Người lập dị không phải là người có tinh thần nghèo khó.
Ngay cả khả năng giúp đỡ những người khác và cống hiến cho họ thời giờ và những gì chúng ta có vẫn có thể được “sở hữu” với sự dính trết nếu bởi những nghĩa cử này, chúng ta thực sự áp đặt cái tôi của mình lên những người khác và ép buộc họ quy về phía chúng ta. Trong trường hợp đó, chúng ta tìm cách mua họ và sở hữu họ bằng những ân huệ chúng ta ban phát.
Ôi lạy Chúa, ai trong chúng con có thể nói về sự nghèo khó mà không cảm thấy hổ thẹn? Chúng con, những người đã khấn giữ nghèo khó trong ơn gọi: chúng con có thực sự nghèo không? Chúng con có biết yêu mến sự nghèo khó là gì không? Thậm chí chúng con có dừng lại để suy nghĩ dù trong chốc lát, tại sao sự nghèo khó phải được yêu mến đến thế?
Vậy mà, ôi lạy Chúa, Ngài đã vào trần gian để trở nên nghèo giữa những người nghèo, vì lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời. Và chúng con, với lời khấn của mình, chúng con bằng lòng với sự kiện rằng, về mặt pháp lý, chúng con không có gì để sở hữu; và rằng, đối với mọi thứ chúng con có, chúng con phải xin phép một ai đó?
Đó có phải là nghèo khó không? Liệu một người không còn công ăn việc làm, không có tiền để trang trải những hoá đơn; một người thấy vợ con mình ốm yếu, cảm thấy sợ hãi và tức giận đang chán chường thất vọng - có thể có được những gì anh ta rất cần chỉ bằng cách xin chúng không? Cứ để anh ta xin. Vậy mà, chúng con, những người có thể có nhiều thứ mà chúng con không cần, nhiều hơn nữa những thứ vốn là gương xấu nếu chúng con có - chúng con nghèo khó, bởi chúng con được phép sở hữu chúng?
Nghèo khó có nghĩa là thiếu thốn, nghĩa là cần một cái gì đó. Khấn nghèo khó để rồi không bao giờ ra đi với hai tay không, cần cái gì là có cái đó. Ấy là phỉ báng Thiên Chúa Hằng Sống.
Việc đọc sách phải là một hành vi tôn kính đối với Thiên Chúa, nguồn mạch mọi chân lý. Chúng ta mở lòng mình trước những lời vốn phản ánh những thực tại Ngài đã tạo thành, hoặc trước Thực Tại lớn hơn, chính Ngài. Đó cũng là một hành vi thể hiện sự khiêm tốn và kính trọng những người khác vốn là khí cụ, qua họ, Thiên Chúa truyền đạt chân lý của Ngài cho chúng ta.
Thiên Chúa được vinh quang nhiều hơn khi chúng ta đọc và rút ra được nhiều hơn từ đó, khi việc đọc là một hành vi sống động và sâu sắc hơn không chỉ của trí thông minh mà còn là của toàn thể nhân cách của chúng ta, một nhân cách đầy tràn và tươi mới trong việc suy tư, suy niệm, cầu nguyện hoặc ngay cả trong chiêm niệm.
Sách có thể nói với chúng ta như Thiên Chúa nói, như con người nói hay như tiếng ồn ào của thành phố, nơi chúng ta sống. Như Thiên Chúa, chúng nói với chúng ta khi đem cho chúng ta ánh sáng, bình an; đồng thời đổ đầy tâm hồn chúng ta sự tỉnh lặng. Chúng nói với chúng ta như Thiên Chúa khi chúng ta ước mong không bao giờ rời xa chúng. Chúng nói với chúng ta như những con người khi chúng ta ước ao nghe chúng lại. Chúng nói với chúng ta như tiếng ồn ào của phố xá khi giam hãm chúng ta bằng một nỗi lo lắng nào đó vốn không nói với chúng ta điều gì, không đem lại bình an, không ủng hộ và cũng không có gì để nhớ; vậy mà, chúng vẫn không để chúng ta tẩu thoát.
Những cuốn sách vốn nói như Thiên Chúa nói với quá nhiều thẩm quyền để làm chúng ta vui thích. Những cuốn sách vốn nói như những người bạn tốt thì giữ chặt chúng ta bằng sức mê hoặc nhân loại của chúng; chúng ta lớn lên bằng việc tìm thấy chính mình trong chúng. Chúng dạy chúng ta biết mình rõ hơn bằng cách nhận ra chính mình nơi người khác.
Những cuốn sách nói với chúng ta như tiếng ồn ào của đám đông lại dẫn chúng ta đến chỗ thất vọng bằng nội dung tuyệt đối trống rỗng của chúng. Bằng những niềm hy vọng mà chúng không thể đáp ứng được, chúng chỉ giúp vui như những đèn phố về đêm.
Dẫu những cuốn sách này lớn đến đâu, thân thiện đến mấy, chúng vẫn không thay thế những con người được, chúng chỉ là những phương tiện gặp gỡ những con người cao cả, những con người có nhiều điều hơn để chia sẻ về lòng nhân ái của họ, những người vốn đã là những nhân vị cho toàn thế giới chứ không chỉ cho riêng mình họ.
Ý tưởng và chữ nghĩa không phải là thức ăn của trí thông minh nhưng chân lý mới là của ăn thực. Và chỉ một chân lý trừu tượng cũng không nuôi dưỡng đủ trí óc. Chân lý mà một người sống đời sống thiêng liêng tìm kiếm phải là Chân Lý toàn vẹn, trong đó, thực tại, hiện hữu và bản chất hoà quyện với nhau, một cái gì vốn có thể được ôm ấp và yêu mến, một cái gì có thể bảo toàn lòng kính trọng và tùng phục nơi hành động của chúng ta: còn hơn một sự vật: những con người, hay một Ngôi Vị. Đấng vượt trên tất cả mà yếu tính của Ngài là hằng hữu, ấy là Thiên Chúa.
Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, Cuốn Sách Sự Sống, trong Ngài, chúng ta đọc thấy Thiên Chúa.
Khiêm tốn là một nhân đức chứ không phải tâm thần.
Khiêm tốn giúp chúng ta tự do để hành động cách đạo đức hầu phục vụ Thiên Chúa và học biết Ngài. Vì thế, khiêm tốn thực thụ có thể không bao giờ ngăn cản bất kỳ hành động đạo đức thực sự nào, nó cũng không cản trở chúng ta đổ đầy chính mình bằng cách thực hiện ý muốn của Thiên Chúa.
Khiêm tốn giúp chúng ta tự do làm điều lành, bằng cách chỉ cho chúng ta thấy những ảo giác để rồi rút lại ý muốn của mình khỏi những gì vốn chỉ tốt bên ngoài.
Một sự khiêm tốn làm con người nên băng giá và cản trở mọi hoạt động lành mạnh chẳng phải là khiêm tốn chút nào. Đó chỉ là một hình thức nguỵ trang của lòng kiêu ngạo, nó làm khô cằn gốc rễ đời sống thiêng liêng khiến chúng ta không có khả năng hiến mình cho Thiên Chúa.
Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con yêu mến sự khiêm tốn, nhưng chúng con không lãnh hội đủ, chúng con chỉ học để yêu vẻ bề ngoài của nó - khiêm tốn làm con người nên hấp dẫn và thu hút. Một đôi khi, chúng con dừng lại để suy nghĩ về những giá trị này và thường giả vờ rằng, chúng con sở hữu chúng và đạt được chúng là nhờ “thực hành khiêm tốn”.
Nếu thực sự khiêm tốn, chúng con sẽ biết mình giả dối chừng nào!
Xin dạy con mặc lấy sự khiêm tốn vốn không ngơi nghỉ tỏ cho con thấy con là một kẻ nói dối và một kẻ lừa đảo; và dẫu quả là như thế, con vẫn có bổn phận chiến đấu đi tìm sự thật để trở nên chân thực ngần nào có thể dù không tránh khỏi việc con biết rằng, mọi sự thật của con đã bị đầu độc bởi lòng kiêu căng. Đây là điều kinh khủng về sự khiêm tốn: không bao giờ có ai thành công trọn vẹn trong việc khiêm tốn và không ai có thể hoàn toàn khiêm tốn trên mặt đất này. Nhưng không, đó là vấn đề: Lạy Chúa, Đấng khiêm tốn. Lòng khiêm tốn của chúng con chất chứa kiêu căng và chúng con biết rõ tất cả về sự kiêu căng đó; lòng khiêm tốn ấy bị nghiền nát bởi sức nặng không thể gánh nổi của sự kiêu căng đó, và dường như con không làm gì, hoặc làm quá ít để hạn chế điều đó.
Lạy Chúa, dẫu giàu lòng thương xót, Chúa vẫn nghiêm nghị biết bao; tuy nhiên, Ngài phải như thế. Lòng thương xót của Chúa phải công minh bởi Chân Lý của Ngài phải đúng. Dẫu giàu lòng thương xót, Chúa vẫn nghiêm nghị: càng chiến đấu để trở nên chân thực, chúng con càng khám phá sai lầm của mình. Giả như ánh sáng của Ngài dẫn chúng con đến chỗ thất vọng mà không hề mủi lòng thì Ngài có nhân từ không?
Không - không phải Ngài mang chúng con đến chỗ thất vọng nhưng đến sự khiêm tốn. Vì một cách nào đó, khiêm tốn đích thực là một nỗi thất vọng rất thực: thất vọng về chính con, để con có thể hy vọng hoàn toàn vào Chúa.
Khi nhảy bổ vào bóng tối như thế, liệu con người có thể sinh ích được những gì?