Những hồi chuông vọng ngân muốn nói với chúng ta: chỉ một mình Thiên Chúa thánh thiện, chúng ta thuộc về Ngài và không sống cho thế giới này.
Tiếng chuông đột nhập vào sự chú ý của chúng ta để nhắc nhở mỗi người rằng, mọi sự đang trôi qua và những mối bận tâm của chúng ta thì không quan trọng.
Tiếng chuông nói với chúng ta về sự tự do mà trách nhiệm và những mối bận tâm chóng qua đang khiến chúng ta lãng quên những gì nó nhắc nhở.
Tiếng chuông là tiếng nói liên kết chúng ta với Thiên Chúa trên trời.
Tiếng chuông ngỏ với chúng ta, mỗi người là đền thờ đích thực của Thiên Chúa. Chúng mời gọi chúng ta đến làm hòa với Ngài, Đấng đang ở trong chúng ta.
Tin Mừng về cô Matta và Maria được đọc cuối Nghi Thức Làm Phép Chuông Nhà Thờ nhắc cho chúng ta toàn bộ những điều này.
Tiếng chuông nói: công việc không quan trọng. Hãy ở lại trong Thiên Chúa và hãy vui mừng, vì thế gian này cùng lời hứa của một thế giới sắp đến chỉ là một hình bóng; chỉ những ai được tách khỏi những thứ chóng qua mới có thể sở hữu gia sản của lời hứa vĩnh cửu.
Tiếng chuông nói: chúng tôi đã gióng tiếng hàng thế kỷ từ những tháp chuông các đại giáo đường. Chúng tôi đã nói với các thánh, cha ông các bạn trong vùng đất của họ. Chúng tôi đã mời gọi họ như đang mời gọi các bạn, …nên thánh, danh xưng mà chúng tôi đã gọi họ.
Chúng tôi không chỉ nói, “hãy nên tốt lành, hãy đi dâng thánh lễ”. Chúng tôi không chỉ nói “hãy giữ các giới răn”, nhưng trên hết, “Đức Kitô đã phục sinh, Đức Kitô đã sống lại!”. Và chúng tôi nói: “Hãy đến với chúng tôi, Thiên Chúa tốt lành, ơn cứu độ không khó, tình yêu Ngài làm cho nó nên dễ dàng!”. Và này, thông điệp của chúng tôi luôn dành cho mọi người, cho những ai đến và những ai không đến, vì ca khúc của chúng tôi thì hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng hoàn hảo và chúng tôi tuôn đổ lòng từ ái của mình trên hết mọi người.
Trong vườn địa đàng, Adam cần đặt tên cho các con vật. Cũng thế, cần gọi tên những gì vốn chia sẻ với chính chúng ta sự thinh lặng, không phải để quấy rầy thế giới riêng tư của chúng hoặc quấy rầy sự tĩnh lặng riêng của chúng ta với những ý nghĩ về chúng, nhưng để sự thinh lặng trong đó chúng cư ngụ cũng như sự thinh lặng cư ngụ trong chúng có thể được cụ thể hoá và được xác định đó là gì. Những thọ tạo sống trong thinh lặng làm cho thinh lặng trở nên thật, vì sự im ắng của chúng cũng chính là sự hiện hữu của chúng. Gọi tên sự hiện hữu của chúng là gọi tên sự thinh lặng của chúng. Vì thế, đó phải là một hành động kính cẩn.
Những khoảnh khắc thinh lặng khi ban Phép Lành làm cho chúng đáng được tôn kính hơn.
Kinh nguyện sử dụng ngôn từ để tôn kính các hữu thể trong Thiên Chúa.
Ma thuật sử dụng sử dụng ngôn từ để xâm phạm sự thinh lặng và thánh thiện của các hữu thể bằng cách đối xử với chúng như thể các hữu thể đó có thể bị tách khỏi Thiên Chúa, bị chiếm hữu và lạm dụng cách đê hèn trước sự thinh lặng của Ngài.
Ma thuật xúc phạm sự thinh lặng của Thiên Chúa bằng cách mặc cho mình chiếc mặt nạ của kẻ đột nhập, của một sức mạnh độc ác muốn lấn chiếm ngai vàng Thiên Chúa và tự thay thế cho sự hiện diện của Ngài. Nhưng điều gì có thể tự mình thế chỗ Ngài vốn là Đấng hằng hữu? Chỉ có điều không hằng hữu mới có thể giả vờ lấn chiếm địa vị của Ngài. Khi làm thế, nó không chỉ xác nhận Ngài cách rõ ràng hơn, vì nếu ngăn chặn điều không phát xuất từ cái “không hằng hữu”, thì không gì được để lại cho bạn ngoại trừ Đấng “Hằng Hữu”.
Trong sự thinh lặng của Thiên Chúa, chúng ta chiến thắng ma thuật bằng cách nhìn xuyên suốt điều không có ở đó, và nhận ra rằng, Ngài Hằng Hữu, Đấng gần gũi với chúng ta hơn cái “không hằng hữu” vốn không ngừng tìm cách xen vào giữa chính chúng ta và Ngài.
Sự hiện diện của Thiên Chúa ở trong sự hiện diện của tôi. Nếu tôi hiện hữu, thì Ngài cũng hiện hữu. Một khi biết mình hiện hữu và nếu tôi đi vào những chiều kích sâu thẳm của chính sự hiện hữu và hiện trạng của chính mình, thì từ ngữ “hiện hữu” vốn không thể định nghĩa được chính là bản thân tôi trong cội nguồn thâm sâu nhất của nó, và ngang qua trung tâm sâu thẳm này, tôi đi vào trong Đấng “Hằng Hữu” vô cùng, đó chính là Danh Xưng của Đấng Toàn Năng.
Sự hiểu biết của tôi về chính mình trong sự thinh lặng (không phải nhờ suy nghĩ về bản ngã, nhưng nhờ đi vào mầu nhiệm của bản ngã chân thực của mình vốn vượt xa những từ ngữ và khái niệm bởi nó hoàn toàn đặc thù) mở ra trong sự trầm mặc và tính cách “chủ quan” của chính bản ngã Thiên Chúa.
Ân sủng của Đức Kitô đồng nhất tôi với “lời được gieo trồng” (insitum verbum) vốn là Đức Kitô sống trong tôi. Vivit in me Christus. Sự đồng nhất bởi tình yêu dẫn đến hiểu biết, nhìn nhận, thiết thân cùng với sự chưa tỏ tường vốn che giấu một niềm xác tín không thể diễn tả, một niềm xác tín chỉ được nhận biết trong chiêm ngắm.
Khi “biết” (trong sự xác tín đầy tăm tối của niềm tin vốn được chiếu sáng bởi sự hiểu biết thiêng liêng) mình là con cái Thiên Chúa trong Con Một của Ngài, chúng ta cảm nghiệm mầu nhiệm cao cả về sự hiện hữu của mình trong Thiên Chúa và Thiên Chúa trong chúng ta. Vì chúng ta hiểu, mà không biết thế nào, chân lý đáng ngưỡng mộ và uy nghi mà Thiên Chúa, Đấng vươn mình trên vực thẳm của sự hiện hữu vô tận, đã tạo nên chúng ta từ chính Ngài, mặc cho chúng ta ánh sáng chân lý của Ngài, thanh luyện chúng ta trong ngọn lửa tình yêu của Ngài, và nhờ quyền năng Thập Giá, làm cho chúng ta nên một với người Con Duy Nhất của Ngài. “Chúng ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh của chúng ta” (St 1, 26). “Ngay trước khi hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha, Cha đã sinh ra con” (Tv 109, 3).
Ôi Thiên Chúa cao cả, Cha của muôn loài, ánh sáng thường hằng của Ngài là bóng tối đối với con, sự bao la của Ngài là trống rỗng đối với con, Chúa đã gọi con ra tự lòng Ngài bởi Ngài yêu con trong chính Ngài; và con, một biểu hiện chóng qua của chính cái thực tại vĩnh cửu và vô cùng của Ngài, con đã không thể biết Ngài, con sẽ lạc lối trong bóng tối này, con sẽ vuột khỏi Ngài và rơi vào trong hư vô nếu Ngài không giữ con bên Ngài trong Cung Lòng của Người Con Duy Nhất của Ngài.
Lạy Cha, con yêu mến Cha, Đấng con không biết; con ôm lấy Cha, Đấng con không thấy và con phó mình cho Cha, Đấng con đã xúc phạm… bởi Cha yêu Người Con Duy Nhất của Cha trong con. Cha thấy Ngài trong con, Cha ôm Ngài trong con bởi người con đó muốn đồng hóa chính mình hoàn toàn với con bằng tình yêu vốn đã mang Ngài đến sự chết, vì con, trên Thập Giá.
Con đến với Cha như Giacóp trong trang phục của Esau, nghĩa là trong công nghiệp và Máu Châu Báu của Đức Giêsu Kitô. Và Ngài, lạy Cha, Đấng muốn trở nên như thể mù lòa trong bóng đêm của mầu nhiệm lớn lao này, một mầu nhiệm mặc khải tình yêu của Cha, đặt tay Cha trên đầu con và chúc phúc cho con như Con Một của Cha. Cha chỉ muốn thấy con trong Ngài, nhưng khi muốn điều này, Cha muốn nhìn thấy con thực sự hơn cả con trong hiện tại của mình. Vì cái tôi tội lỗi không phải là bản ngã thực sự của con, đó không phải là bản ngã mà Cha đã muốn cho con nhưng là bản ngã mà con đã muốn cho chính mình. Và con không còn ước muốn bản ngã sai lạc này nữa. Nhưng giờ đây, lạy Cha, con đến với Cha trong bản ngã của Con Một của Cha, vì chính Thánh Tâm của Ngài đã chiếm hữu con và phá huỷ tội lỗi nơi con và chính Ngài là Đấng giới thiệu con cùng Cha. Và ở đâu? Trong cung thánh của Trái Tim Ngài cũng là cung điện và đền thờ của Cha, nơi các thánh trên thiên đàng thờ phượng Cha.
Thật cần thiết để gọi tên Ngài, Đấng lặng thinh mà con được dự phần và thờ phượng; bởi lẽ, trong sự im ắng của Ngài, Ngài cũng gọi tên con. Chỉ mình Ngài biết tên con, qua đó, con cũng biết tên Ngài. Vì trong khoảnh khắc Ngài gọi con, “con của Ta”, con kịp nhận ra Ngài, “Cha của con”. Trong con, sự nhận biết này là một hành động và trong Ngài, là một Ngôi Vị. Hành động trong con là sự di chuyển trong Ngôi Vị của Ngài, Thánh Thần của Ngài, Tình Yêu của Ngài trong con. Khi Ngài di chuyển, con di chuyển cùng Ngài, để rồi, con cũng là người di chuyển. Và trong sự chuyển động của mình, con vừa tỉnh giấc để biết rằng “con hiện hữu”, vừa kêu lên, “Abba, Cha ơi”.
Nhưng vì con không là cha của mình, nên quả vô ích khi con tìm cách đánh thức sự nhận biết Ngài bằng cách gọi mình là “con” trong lũng sâu im ắng của chính mình. Tiếng con kêu chỉ có thể cất lên một âm vang tắt ngấm khi tự gọi tên mình. Sẽ không bao giờ có bất cứ sự thức tỉnh nào trong con trừ phi con được Ngài, Đấng là ánh sáng của con, gọi ra khỏi bóng tối. Chỉ Ngài, Đấng là sự sống, mới có thể làm cho kẻ chết chỗi dậy. Và nếu Ngài không gọi tên con, con vẫn chết và sự yên lặng của con mãi là sự yên lặng của chết chóc.
Ngay khi Ngài gọi tên con, sự thinh lặng của con trở nên sự thinh lặng của sự sống vô tận, và con biết mình hiện hữu vì lòng con đã mở ra với Cha mình trong âm vang của những năm tháng vĩnh cửu.
Cuộc sống của con là lắng nghe, Cuộc Sống của Ngài là dạy bảo. Lắng nghe và đáp trả là ơn cứu độ của con. Chính vì điều này, đời con phải lặng thinh. Vì thế, sự yên lặng của con cũng là sự cứu độ cho con.
Sự hy sinh vốn làm vui lòng Thiên Chúa là sự hiến dâng linh hồn con - và linh hồn những người khác.
Linh hồn được dâng lên Ngài khi nó hoàn toàn chú tâm đến Ngài. Sự yên lặng của con, đem con xa khỏi mọi thứ khác, vì thế, là sự hy sinh mọi thứ và sự hiến dâng linh hồn con cho Thiên Chúa. Vì thế đó là sự hy sinh làm con vui thoả nhất. Nếu con có thể dạy người khác sống trong sự yên lặng đó, thì con dâng Ngài hy tế đẹp lòng Ngài nhất. Việc hiểu biết Thiên Chúa thì tốt hơn các lễ tế (Hs 6, 6).
Không thể có yên lặng nội tâm nếu không có lòng nhân từ và sự khiêm tốn.
Sự khác biệt giữa một ơn gọi và một bảng xếp hạng. Những ai đáp lại ơn gọi nên thánh của mình - hay đang đáp lại - thì nhiều vô kể, đây là một sự kiện hiển nhiên. Họ không thích hợp với những bảng xếp hạng. Nếu dùng một bảng xếp hạng khi nói về họ, bạn phải xác định ngay phẩm chất lời nói của mình, như thể họ cũng thuộc về một bảng xếp hạng hoàn toàn khác biệt nào đó. Thật ra, họ không thuộc bảng xếp hạng nào, họ đặc thù là chính họ; vì thế, họ không được yêu thương và tôn trọng rất mực trong con mắt người đời bởi tính riêng tư của họ là một dấu hiệu cho thấy họ được Thiên Chúa rất mực yêu thương và chỉ mình Ngài thấu hiểu bí mật của mình, một bí mật quá quý giá để mặc khải cho con người.
Vượt xa và vượt trên tất cả những gì có thể biết thì những gì chúng ta kính trọng nơi các thánh chính là sự bí mật này; mầu nhiệm của sự trong trắng và tính đồng nhất vốn được ẩn giấu cách hoàn hảo trong Thiên Chúa.
Tất cả chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe kết luận của bài giảng: Hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các giới răn của Ngài: vì đây là toàn bộ đạo làm người” (Gv 12, 13).
Ai đã tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa vốn vượt trên mọi thọ tạo?...
Kính sợ Chúa là khôn ngoan trọn vẹn, và sự trọn vẹn bắt nguồn từ hoa trái của nó…
Kính sợ Chúa là vương miện của sự khôn ngoan, đổ đầy bình an và hoa trái cứu độ…
Hỡi con, nếu con ước ao sự khôn ngoan, hãy giữ công bằng, và Thiên Chúa sẽ ban sự khôn ngoan cho con… (Gv 1, 3.20.22.33).
Trong thâm sâu hiện hữu của chúng ta, Thiên Chúa đang hiện diện, Đấng muốn chúng ta sống và hiện hữu. Nhưng chúng ta không tìm thấy Ngài chỉ bằng cách tìm kiếm sự hiện hữu của mình.
Khi đòi hỏi chúng ta sống, Ngài cũng đòi hỏi chúng ta sống theo một cách nào đó. Mệnh lệnh của Ngài không chỉ bảo chúng ta nên sống theo một cách nào đó nhưng còn phải sống tốt, và nhất là sống hoàn hảo bằng cách sống trong Ngài.
Vì vậy, trong những chiều kích thâm sâu hiện hữu của chúng ta, Thiên Chúa đã đặt ở đó những ngọn đèn lương tâm hầu nói cho chúng ta luật sống. Sống không phải là sống trừ phi nó tuân theo quy luật này vốn là ý muốn của Thiên Chúa. Sống cận kề ánh sáng này là tất cả đạo làm người, vì như thế, con người đến sống trong Thiên Chúa và nhờ Thiên Chúa. Dập tắt ánh sáng bởi những hành động trái với quy luật này là làm hỏng bản chất thánh thiêng nơi bản tính của chúng ta. Nó khiến chúng ta không còn trung thực với chính mình, biến Thiên Chúa thành kẻ nói dối: mọi tội lỗi đều tác động như nhau, dẫn đến việc thờ ngẫu tượng, thay thế chân lý của Thiên Chúa bằng sự sai lạc.
Lương tâm lầm lạc là vị thần sai lạc, một vị thần không nói năng bởi nó câm nín và không làm gì bởi không chút sức lực. Nó là một chiếc mặt nạ qua đó, chúng ta tuyên sấm với chính mình, nói với chính bản thân những lời tiên báo lệch lạc, đưa ra bất kỳ câu trả lời nào chúng ta muốn nghe: “Kẻ đã biến chân lý của Thiên Chúa thành lời nói dối” (Rm 1, 25).
Kính sợ Thiên Chúa là đầu mối khôn ngoan.
Khôn ngoan là nhận biết Chân Lý trong tính chân thực nhất của nó; khôn ngoan trải nghiệm Chân Lý, đi đến Chân Lý ngang qua thái độ chính trực của chính linh hồn. Sự khôn ngoan nhận biết Thiên Chúa ở trong ta và ta ở trong Ngài.
Kính sợ, bước đầu tiên dẫn đến khôn ngoan, là sợ rằng, mình không chân thật với Thiên Chúa và với chính mình. Đó là sợ rằng, chúng ta đã tự dối mình, đã ném đời mình dưới chân một vị thần sai lạc.
Nhưng mọi người đều là kẻ nói dối, vì mọi người đều là tội nhân. Tất cả chúng ta đều sai lạc với Thiên Chúa. “Nhưng Thiên Chúa thì chân thực; và mọi người đều giả dối, như được viết” (Rm 3, 4).
Lòng kính sợ Thiên Chúa, khởi đầu của khôn ngoan, vì thế, là sự nhìn nhận “lời nói dối ở trong tay hữu mình” (Is 44, 20).
“Nếu chúng ta nói mình không có tội, chúng ta lừa dối chính mình, và sự thật không ở trong chúng ta… Nếu chúng ta nói rằng, chúng ta không phạm tội, chúng ta biến Ngài thành kẻ nói dối, và Lời của Ngài không ở trong chúng ta” (1Ga 1. 8.10).
Vì thế, khởi đầu của khôn ngoan là sự xưng thú lỗi lầm. Sự xưng thú này giành lại cho chúng ta lòng thương xót của Thiên Chúa. Nó làm cho ánh sáng chân lý của Ngài toả chiếu trong lương tâm chúng ta, không có nó, chúng ta không thể tránh tội. Nó mang sức mạnh của ân sủng Ngài vào trong linh hồn chúng ta, gắn kết hành động của ý muốn chúng ta với chân lý trong khả năng hiểu biết của mình.
Giải pháp cho vấn đề của cuộc sống là chính sự sống. Cuộc sống không đạt được bởi lý luận và phân tích, nhưng trước hết bằng việc sống. Vì nếu không bắt đầu sống, sự khôn ngoan của chúng ta không có nguyên liệu để vận hành; và nếu không gặp thất bại, không tài nào chúng ta tìm được thành công.