Thế giới đầy dẫy những người khổ đau một cách bất công và phải chịu “giây lá và tên nhọn của số phận nghiệt ngã” (lời của Shakespear trong vở kịch Hamlet) mà không vì lỗi riêng mình, thái độ của chúng ta phải thế nào trước những kẻ điêu ngoa về chúng ta? Họ cố tình, ma quái bôi nhọ thanh danh chúng ta, họ chế giễu lòng tốt của chúng ta, chê cười sự tử tế của chúng ta.
Câu trả lời nằm sẵn ở “từ” đầu tiên trên thập giá: Tha Thứ. Nếu như có ai đầy đủ quyền lực để chống lại bất công thì phải là Chúa Giêsu, đấng là công lý thần linh. Nếu có ai đầy đủ lý do để khiển trách kẻ hành hạ mình, đóng đinh chân tay mình vào cây gỗ, thì đó là Chúa chúng ta. Nhưng không. Vào đúng lúc cây cối chống lại Ngài, và trở thành thập tự; sắt thép chống lại Ngài và trở thành đinh nhọn; dây hoa hồng chống lại Ngài và trở thành mạo gai; con người chống lại Ngài và trở thành lý hình, thì Ngài buông lời Tha Thứ, lời cầu đầu tiên trong lịch sử xin tha tội cho kẻ thù hành hạ mình: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng chẳng biết việc mình làm” (Lc 23,34).
Xin dừng lại khoảnh khắc để suy niệm những gì Ngài không nói: Ngài không nói: Tôi vô tội. Nhưng trên thế gian này ai vô tội hơn Ngài? Từ trước khi có Thứ sáu Tuần thánh và về sau, khi người ta bị treo lên thập giá, hoặc máy chém hoặc giàn xiết cổ, hỏa thiêu biết bao tội nhân vô tội nhưng thử hỏi đã có người nào không kêu gào mình vô tội? Chúa Giêsu không hề mở miệng phản đối lý hình. Bởi vì làm như vậy, Ngài mặc nhiên công nhận quyền xét xử của loài người, kẻ phàm nhân xử án Thiên Chúa! Vậy Đấng vô tội không khẳng định mình trong trắng, thì chúng ta là kẻ tội lỗi đầy mình lại dám tự nhận như vậy? Muôn đời xin đừng la lớn mình vô tội, kẻo lừa dối thiên hạ. Bởi làm như vậy chúng ta ngộ nhận rằng con người chứ không phải Thiên Chúa là quan án nhân loại. Thực ra, linh hồn mọi người sẽ được xét xử không phải trước toà án loài người, mà trước tôn nhan Đấng tối cao, Thiên Chúa của tình yêu, và “Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ thưởng công cho anh em trong bí ẩn”. Ơn cứu độ muôn đời của chúng ta không lệ thuộc vào thế gian xét xử, mà vào Thiên Chúa đoán xét.
Chẳng có mấy ý nghĩa khi đồng loại lên án đồng loại, cả khi chúng ta làm đúng. Bởi lẽ sự thật luôn có phản chứng của nó. Vì vậy ở đời này sự thật đã bị đóng đinh vào thập tự. Điều phải quan tâm là chúng ta nên thấy mình công chính trước sự phán xét của Thiên Chúa, bởi đó là hạnh phúc đến muôn đời. Thường tình trên thế giới khó mà tìm ra hai phán đoán giống nhau. Bởi vì người ta chỉ nhìn thấy bề ngoài. Thiên Chúa mới đọc được trái tim bên trong. Chúng ta có thể lừa dối tha nhân nhưng không thể lừa dối Thiên Chúa được.
Một điều khác Chúa Giêsu không nói trên thập giá cho các đại diện vua Caesar và của quyền bính đền thờ, là Ngài chẳng bảo họ “quí vị bất công”. Thiên Chúa Cha đã ban cho Ngài mọi quyền xét xử, nhưng Ngài không sử dụng nó để nói: “Quí vị sẽ chịu khốn nạn vì việc này”. Với tư thế vừa là Thiên Chúa vừa là người, Ngài thấu rõ nếu còn sự sống thì còn hy vọng. Cho nên lúc này các đau khổ kiên trì của Ngài còn khả năng cứu chuộc nhiều linh hồn đang lên án Ngài. Tại sao lại kết án trước thời hạn Chúa Cha đã ấn định? Tại sao lại kết án sĩ quan Longinus của đạo binh Roma và Giuse của Sanhedrin Do Thái? Họ sẽ đến với vòng tay cứu độ của Ngài, và họ được tha thứ trước khi người ta mang xác Ngài xuống khỏi thập giá? Kẻ là tội nhân lúc này có thể là đấng thánh ngày mai!
Một trong các lý do Chúa để cho sống lâu là ăn năn đền tội. Chúa cho chúng ta thời gian không phải để chúng ta tích lũy tội lỗi, hay của cải không thể mang theo, mà để chúng ta sửa chữa những lỗi lầm cũ. Vì vậy trong dụ ngôn cây vả không mang hoa trái đến ba năm và người chủ nhà truyền chặt đi, bởi lẽ nó làm hại đất, thì người làm vườn thưa lại: Xin cho một năm nữa, tôi sẽ đào đất, bón phân, để nếu nó đơm bông kết trái (Lc 13,6-9). Như thế là Chúa về phe với kẻ xấu xa? Ngài cho họ thêm một tháng, một năm để họ cải thiện linh hồn bằng hối cải ăn năn, đào đất hy sinh, phạt xác và cứu được linh hồn mình.
Như vậy, nếu Chúa Giêsu không xét đoán các lý hình của mình trước kỳ hạn phán xét của họ, thì tại sao chúng ta thường làm như vậy? Nhất là khi chúng ta không có kiến thức đầy đủ về họ lại đoán họ xúc phạm đến mình? Lúc còn đang sống có thể nhờ việc kìm hãm xét đoán của chúng ta, mà họ ăn năn trở lại. Trong bất cứ hoàn cảnh nào quyền năng xét đoán chưa ban cho chúng ta, và thế giới có thể sẽ biết ơn Thiên Chúa về việc này. Bởi lẽ Ngài là quan tòa chính xác và nhân từ hơn người ta: “Các ngươi đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét” (Mt: 7,1).
Nhưng lời mà Chúa chúng ta nói trên thập giá là: Tha thứ. Tha thứ cho các Philatô của bạn, họ không đủ can đảm để bênh vực công lý. Tha thứ cho các Hêrôđê của bạn, họ sống qúa bê tha, không còn khả năng hiểu được tinh thần. Tha thứ các Giuđa của bạn, họ nghĩ chỉ tiền bạc là tất cả: “Tha thứ cho họ, vì không biết việc mình làm”. Trong câu nói này gói ghém Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Nhờ câu nói tình yêu thánh thiện của Thiên Chúa gặp gỡ tội lỗi nhân loại, nhưng vẫn y nguyên tinh tuyền. Câu nói đầu tiên của Chúa Giêsu: Tha thứ, là bằng chứng hùng hồn nhất tính vô tội tuyệt đối của Ngài. Còn toàn thể chúng ta đến giờ chết sẽ được xem thấy hằng hà sa số các tội lụy diễn ra trước mắt, đến nỗi chúng ta qúa khiếp sợ để ra trước tôn nhan Thiên Chúa, mà không cầu xin Ngài tha thứ. Chúa Giêsu, ngược lại, không cần ơn tha thứ khi gục đầu chết, bởi Ngài không hề có tội lỗi nào. Lời Ngài xin tha thứ là cho những kẻ tố cáo Ngài, và lý lẽ Ngài đưa ra là: “Họ không biết việc mình làm”.
Bởi lẽ Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là Người thật, cho nên Ngài thấu rõ mọi bí mật của trái tim con người. Kiến thức toàn năng của Ngài là nguyên do việc xin lỗi: “Họ không biết việc mình làm”. Còn chúng ta qúa tối tăm, chẳng thấu hiểu bao nhiêu về trái tim các kẻ thù, hoàn cảnh họ hành động, tốt xấu lẫn lộn trong hành vi của họ, cho nên khó mà tìm ra lý do để xóa lỗi. Bởi quá ngu dốt về động lực của trái tim họ, cho nên chúng ta ít có khả năng tìm ra lý do xóa lỗi.
Để có thể đoán xét người khác, chúng ta phải ở bên trong, bên ngoài họ, thì mới biết được chính xác. Việc này chỉ Thiên Chúa mới làm được. Láng giềng của chúng ta cũng rất bất khả thâm nhập như chúng ta vậy. Như thế phần đoán xét của chúng ta có nhiều khả năng sai lầm. Bởi lẽ đoán xét mà không có cơ sở thì quả là bất công. Duy một mình Chúa chúng ta có đủ cơ sở để phán đoán. Còn chúng ta thì không. Nhưng nếu đủ cơ sở và thông biết tất cả thì Chúa lại thấy ra lý do để tha thứ. Vậy thì chúng ta là những kẻ không có quyền năng, không thông hiểu trái tim của láng giềng vì bộ óc nhỏ xíu, thì làm sao phán xét cho đúng? Chỉ còn cách cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha tội cho chúng vì lầm chẳng biết”.
Chúa chúng ta dùng từ “tha thứ” bởi vì Ngài vô tội và thông suốt mọi sự. Còn chúng ta dùng từ đó với lý lẽ khác. Thứ nhất, Thiên Chúa thứ tha cho chúng ta những tội lớn hơn tội thiên hạ. Thứ hai, chỉ bằng tha thứ mà thế giới không còn hận thù. Thứ ba, sự tha thứ của chúng ta là điều kiện để mình được tha lỗi. Bây giờ xin giải nghĩa.
Thứ nhất, chúng ta buộc phải tha thứ tha nhân bởi lẽ Chúa đã tha thứ cho mình. Chẳng có sự xúc phạm nào mà thiên hạ làm cho mình, có thể lớn hơn sự xúc phạm chúng ta chống lại Thiên Chúa do tội lỗi mình. Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn người đầy tớ ác độc không tha thứ cho bạn mình để giải thích điểm này (Mt: 18,21). Trong dụ ngôn, ông chủ tha thứ món nợ mười ngàn nén vàng, ra ngoài lập tức hắn bóp cổ người bạn chỉ nợ y có một trăm nén bạc. Số nợ mà chủ tha cho y 1.250.000 lần lớn hơn món nợ bạn y mắc nợ. Sự chênh lệch biểu lộ chúng ta mắc nợ Thiên Chúa vì tội lỗi, lớn lao hơn người khác xúc phạm đến mình, cho nên phải tha thứ cho thù địch là lẽ đương nhiên, vì lý do Chúa đã tha thứ cho chúng ta gấp nhiều lần hơn về tội đối xử với Ngài như kẻ thù.
Bởi lẽ chúng ta chẳng khi nào tính sổ nợ với Thiên Chúa, cho nên không có khả năng tha thứ cho kẻ thù. Đó là nguyên nhân gây nên biết bao cay đắng và bạo lực trên thế giới ngày nay. Người ta từ chối nhận mình có lỗi với Thiên Chúa, cho nên chẳng bao giờ nghĩ mình cần được thứ tha! Họ nghĩ mình không cần tha thứ, cho nên họ nghĩ thiên hạ cũng vậy. Người mà không biết mình có tội với Thiên Chúa, thì ít có khuynh hướng tha tội cho người khác, thí dụ trường hợp vua Đavid khi phạm tội ngoại tình.
Do đó, lời kết án người khác của chúng ta thực chất là tấm màn chúng ta dùng để che đậy sự yếu đuối của mình. Chúng ta che đậy tội lỗi của mình bằng những lời chỉ trích thiên hạ. Chúng ta thấy cái rác trong con mắt người khác mà không thấy cái sà trong con mắt mình. Nói cách khác: Chúng ta đeo cái bị tội lỗi thiên hạ trước ngực và cái túi tội lỗi mình sau lưng. Ông chủ độc ác nhất là người không bao giờ học vâng lời. Quan tòa nghiêm khắc nhất là kẻ không lục soát lương tâm. Người ý thức mình cần phép giải tội nhất sẽ là kẻ khoan dung nhất đối với tha nhân. Đó là điều thánh Phaolô, khi viết cho Titô, đã khám phá ra, để thương xót người ta: “Thật vậy, cả chúng ta nữa, xưa kia chúng ta cũng ngu xuẩn, không vâng lời, lầm lạc, làm nô lệ cho đủ thứ đam mê và lầm lạc, sống trong gian ác và ganh tị, đáng ghét vì ghen tương lẫn nhau” (Tt 3,3).
Bởi vì người ta thời nay quên bẵng tội lỗi của mình, cho nên thói xấu thù hận trở nên cay đắng và sâu sắc hơn. Con người dễ dàng bóp cổ nhau vì vài đồng xu nho nhỏ. Họ quên Thiên Chúa đã tha thứ cho mình tới mười ngàn nén vàng. Xin hãy khuyến khích họ nhớ lại đã được Đức Chúa Trời thương xót thế nào, họ sẽ khởi sự ăn ở tốt lành với đồng loại.
Lý do thứ hai để tha thứ những kẻ xúc phạm đến chúng ta, là vì nếu chúng ta không tha thứ, thì hận thù ngày càng chồng chất, đến độ sẽ làm nổ tung thế giới vì ghen ghét. Thù hận luôn là mảnh đất màu mỡ, nếu không bị dập tắt, thì nó tự phát triển với tốc độ chóng mặt. Nhiều phe đảng lợi dụng tính chất này của hận thù, nên đã không ngừng reo rắc nó. Họ biết rằng hận thù phá đổ xã hội nhanh hơn là các đạo binh, nên không khi nào nói về bái ái. Cứ để hận thù phá hoại lẫn nhau và sẽ đạt tới mục tiêu dễ dàng. Lịch sử hai cuộc thế chiến chứng minh điều này là đúng.
Làm thế nào ngăn cản hận thù khi người ta vả má lẫn nhau? Chỉ có con đường duy nhất là đưa má khác cho người ta vả tiếp! Tôi muốn nói tha thứ. Tôi từ chối ghét bạn. Nếu tôi ghét bạn, tôi sẽ đổ thêm dầu vào lửa. Ngược lại, nếu tôi không ghét bạn, tôi sẽ giết chết lòng thù hận của bạn và tôi sẽ xóa nó khỏi mặt đất. Tôi yêu quí bạn. Đó là đường lối Thánh Stephanô chinh phục những ai thù ghét ông, giết chết ông. Thánh nhân đã cầu nguyện: “Lạy Chúa xin đừng chấp tội họ về việc này” (Cv 7,59). Nói chính xác hơn, ông đã lập lại lời của Chúa Giêsu trên thập giá. Lời của ông đã chiến thắng được tâm hồn người thanh niên trẻ tuổi tên là Saolo, hắn đứng bên cạnh trông coi y phục cho những lý hình ném đá Stephanô và đồng ý với cái chết của thánh nhân. Nếu như Stephanô nguyền rủa Saolô thì có lẽ người thanh niên này chẳng bao giờ trở thành thánh Phaolô, một mất mát qúa to lớn. Nhưng thù oán đã thất bại vì Stephanô tha thứ.
Cuối cùng, chúng ta phải tha thứ người khác, bởi chẳng còn điều kiện nào nữa để tội lỗi chúng ta được thứ tha. Thực tế, xét theo nguyên tắc luân lý thì xem ra vô phương để Thiên Chúa tha tội cho chúng ta trừ phi chúng ta có lòng thứ tha. Ngài đã nói: “Phúc cho kẻ có lòng xót thương vì họ sẽ đuợc thương xót” (Mt: 5,7). “Tha thứ và ngươi sẽ được thứ tha. Hãy cho và ngươi sẽ được cho lại Thiên Chúa sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo anh em, vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,37-38).
Có một thứ luật hiển nhiên, không ai có thể thoát được. Bạn không thể gặt, nếu không gieo trước. Nếu bạn không gieo lòng thương xót nơi đồng loại, Thiên Chúa sẽ chẳng xót thương bạn. Như trong dụ ngôn trên, người chủ nợ từ chối tha nợ cho đầy tớ độc ác, bởi lẽ hắn không thương xót tha cho bạn mình món nợ nhỏ xíu. “Ấy vậy Cha Thày ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (18,35).
Nếu cái hộp đựng đầy muối, nó không thể chứa chất được nữa. Nếu tấm lòng chúng ta đựng đầy hận thù hàng xóm, làm sao Thiên Chúa đổ tình thương của Ngài vào được? Đơn giản đến như vậy mà chúng ta không hiểu? Trừ phi chúng ta đầy lòng thương xót, chúng ta sẽ chẳng được Thiên Chúa xót thương. Như vậy, thử thách thực sự của người Kitô hữu là yêu mến kẻ thù thế nào? Chứ không phải thương yêu bạn bè ra sao? Lệnh truyền của Đức Chúa Trời qúa rõ: “Hãy yêu mến kẻ thù ngươi, làm tốt cho những ai oán ghét anh em, và cầu nguyện cho những ai bách hại và nói xấu anh em, ngõ hầu anh em là con cái Thiên Chúa, Đấng làm cho mặt trời soi sáng người lành kẻ dữ và làm mưa rơi xuống người công chính cũng như kẻ bất lương.” Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em có công chi? Ngay cả người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm chi lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại không làm như thế sao? (Mt 5,44-47).
Cho nên ta phải tha thứ ngay cả đến bảy mươi lần bảy. Hãy làm cho giờ chết được thánh thiện bằng cách tha thứ cho thù nghịch những lỗi lầm bé nhỏ, ngõ hầu Thiên Chúa sẽ tha thứ những phản nghịch to lớn hơn của chúng ta chống lại Ngài, tha thứ cho những ai thù ghét bạn, ngõ hầu bạn có thể lôi kéo họ tới tình yêu. Hãy tha thứ cho những kẻ làm thiệt hại bạn, ngõ hầu Thiên Chúa tẩy xóa các xúc phạm của bạn.
Lời đầu tiên Chúa phán từ thập giá dạy bảo chúng ta nên có những thái độ thế nào đối với những chịu đựng bất công. Lời thứ hai chỉ giáo phải ứng phó ra sao trước các đớn đau. Có hai đường lối nhìn các đớn đau: Thứ nhất, nhìn chúng không ở hướng nào cả. Thứ hai, với một ý hướng rõ rệt.
Thái độ thứ nhất nhìn đớn đau như bức tường dày đặc. Thái độ thứ hai, như khung cửa kính trong suốt. Tuỳ theo thái độ mà chúng ta phản ứng ra sao trong triết lý cuộc đời. Một thi sĩ đã viết: “Hai người ngồi tù cùng nhìn qua cửa sổ, một người nhìn thấy trăng sao, kẻ khác nhìn thấy bùn nhơ.” Cũng thế, trên thế gian, có những linh hồn nhìn bông hoa hồng và nói: “thật là khổ, trên cành hoa đầy gai”. Nhưng linh hồn khác: “thật là phấn khởi trên cành gai có những bông hoa”. Hai thái độ ấy biểu lộ sự khác nhau giữa kẻ trộm lành và dữ chịu đóng đanh cùng Chúa Giêsu trên ngọn đồi Calvario. Người trộm bên phải đại diện cho những ai nhìn đau đớn có ý nghĩa. Người bên trái không có ý nghĩa, tức đau khổ không được thánh hóa.
Trước hết, chúng ta suy gẫm người bên trái: Hắn ta chịu đớn đau không nhiều hơn người bên phải, nhưng khởi sự và kết thúc cực hình của mình bằng lời nguyền rủa. Chẳng có giây phút nào hắn liên kết đau khổ của mình với Chúa Giêsu. Lời cầu xin tha thứ của Chúa không hiệu quả hơn một bóng chim bay. Hắn không thấy ý nghĩa của đớn đau mình chịu hơn con ruồi đậu trên tấm kính cửa sổ mà ánh sáng và sức nóng mặt trời của Thiên Chúa tràn vào ngôi nhà. Bởi lẽ hắn không tiêu hóa được đớn đau và làm cho nó trở nên lương thực của linh hồn. Đau đớn chống lại hắn, như vật ngoại lai lọt vào dạ dày, làm cho dạ dày đau đớn, độc hại và hủy hoại cả hệ thống tiêu hóa.
Đó là lý do hắn trở nên cay đắng, miệng lưỡi hắn trở thành như hỏa lò oán hận. Đó là nguyên nhân khiến hắn nguyền rủa Chúa, Đấng đáng lẽ là mục tử chăn dắt hắn vào thiên đàng bình an. Thế giới ngày nay đầy rẫy những con người như vậy. Đau khổ, cực hình chẳng có ý nghĩa nào cho họ. Không biết chi hết về ơn cứu rỗi của Chúa Giêsu, nên họ không quan tâm làm cho đớn đau trở thành ích lợi. Đối với họ đau đớn chỉ là vặt vĩnh như miếng vá trên chiếc khăn bông của cuộc đời. Cuộc sống không hoàn toàn đoán trước được. Bởi vì đối với họ, tuổi trưởng thành đầy sóng gió theo sau thời niên thiếu lang thang bụi đời. Nếu biết về Chúa, thì họ chỉ nghĩ đến Ngài như một cái tên. Họ không có khả năng liên kết các chất liệu cuộc sống thực tế với chương trình của Thiên Chúa. Điều này là lý do giải thích tại sao các kẻ thôi tin Chúa thường trở nên yếm thế, giết chết tâm linh mình và trong ý nghĩa nào đó giết chết cả vẻ kiều diễm của bông hoa, nét mặt ngây thơ của trẻ con mà họ từ chối tới gần.
Như vậy, bài học của người trộm bên tả Chúa Giêsu đã rõ ràng. Đau đớn tự nó không làm cho người ta khá hơn. Ngược lại có cơ hội làm người ta xấu hơn. Chẳng linh hồn nào trở nên tốt hơn nguyên chỉ vì hắn bị đau tai! Đau khổ không được thánh hóa chẳng làm cho con người tiến bộ, trái lại, làm cho hắn thoái hóa. Kẻ trộm bên tả Chúa không tốt hơn khi chịu đóng đinh. Nó làm cho hắn khô héo, cháy rụi và linh hồn mờ tối. Từ chối liên hệ đau khổ với bất cứ mục tiêu nào, đương sự cuối cùng chỉ nghĩ đến mình và đến những ai sẽ mang xác mình khỏi thập gía. Đó là điều những người mất đức tin vào Thiên Chúa thường làm. Đối với họ Chúa Giêsu trên thập giá chỉ là một biến cố trong lịch sử đế quốc Rôma. Chúa không phải là sứ giả của hy vọng, bằng chứng của tình yêu. Họ có được một dụng cụ qúi giá trong tay mình, nhưng đã 5 phút trôi qua mà không thấy sự hữu ích của nó. Họ sống nhưng không hề tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống. Họ chẳng có mục tiêu để sống. Những đau khổ chỉ làm họ cay đắng, đầu độc họ, và cuối cùng cơ may to lớn của cuộc sống trượt mất khỏi bàn tay. Cánh cửa cứu rỗi khép lại sau lưng và giống như người trộm bên trái, họ tiến vào đêm tối không được chúc phúc.
Bây giờ chúng ta suy gẫm đến người trộm lành. Anh chịu đóng đinh bên phải Chúa và là biểu tượng cho những ai nhìn đau khổ với một ý nghĩa. Lúc đầu, anh ta không hiểu, vì vậy đồng thanh với bạn mình mà nguyền rủa Chúa. Nhưng anh được ơn soi sáng vì ơn tha thứ Chúa Giêsu cầu xin với Cha Ngài cho các lý hình. Nó tương tự như ánh chớp soi lối cho chúng ta ban đêm, nó dẫn đường cho người trộm bên hữu Chúa. Anh ta nhận ra, nếu khổ đau không có ý nghĩa, thì Chúa Giêsu chịu đựng nó làm chi? Nếu thánh giá không có mục tiêu, Chúa đã chẳng leo lên đó. Chắc chắn Đấng tự xưng là Thiên Chúa, sẽ chẳng bao giờ ôm ấp nhục nhằn, trừ phi nó có khả năng biến đổi thành mục tiêu thánh thiện và thánh hóa thế gian.
Lúc đầu người trộm lành không thấu hiểu ý nghĩa của khổ đau. Nhiều lắm thì anh cho nó có sức đền đáp các tội lỗi mà anh đã phạm trong cuộc đời. Vào lúc được soi sáng, anh liền mắng kẻ trộm bên tả: “Mày đang chịu chung hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ. Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Còn ông này có làm điều gì trái đâu?” (Lc 23,40). Như vậy anh ta đã xem thấy đau khổ có lợi cho linh hồn mình, giống như lửa thử vàng: Lọc sạch những vết nhơ, hay như cơn sốt rét, giết chết các vi trùng. Đớn đau cất đi vẩy bịt mắt anh. Và hướng về cây thập giá Chúa Giêsu, anh ta không thấy Ngài là kẻ bị đóng đanh nữa mà như Vua Cả trời đất.
Chắc chắn, Đấng cầu xin ơn tha thứ cho kẻ hành hạ mình, không thể ném anh ra khỏi Thiên đàng. Nên anh nói: “Lạy ông Giêsu khi nào về nước Ngài xin nhớ đến tôi”. Đức tin mạnh mẽ của anh gặp được câu trả lời: “Quả thật ta nói cho anh hay, hôm nay anh sẽ ở với Ta trên Thiên đàng” (Lc: 23,42). Đúng là một phần thưởng nằm mơ không thấy. Cho nên đau khổ tự thân không phải là quá sức chịu đựng. Chỉ những ai không thấy ý nghĩa của nó, mới không chịu nổi mà thôi. Nếu người trộm lành không hiểu mục tiêu của đau khổ, hẳn anh ta sẽ chẳng bao giờ cứu nổi linh hồn mình. Như vậy, đau khổ có thể là phương tiện cứu linh hồn và cũng có thể là sự chết của nó.
Tất cả đều tùy thuộc vào việc chúng ta biết liên kết đau khổ với Đấng “là nguồn vui Thiên đàng, chịu đựng thập giá”. Một trong các phí phạm lớn nhất của thế giới là đau khổ không mục tiêu. Nó là bi kịch thảm khốc của con người. Đau khổ mà không liên kết với Chúa Giêsu, không khác với tấm ngân phiếu chưa ký, chẳng có giá trị nào. Nhưng nếu nó đã được ký bằng Máu của Chúa chúng ta treo trên thập giá thì giá trị vô cùng. Một cái trán nhăn đau đớn mà không ăn khớp với đầu đội mạo gai, hay một cánh tay rời rã không kiên nhẫn với cánh tay trên thập giá thì chỉ là đồ bỏ. Thế giới sẽ trở nên tồi tệ hơn với những đau khổ vô ích, mà đáng lẽ nhờ khổ đau mà nó trở nên tốt đẹp hơn. Vì vậy tất cả các giường bệnh trên thế giới hoặc là bên phải hay bên trái Chúa Giêsu. Vị trí ấy được xác định nhờ vào đau khổ tốt như người trộm lành, được đưa lên cao, hay xấu như người trộm dữ, bị hạ xuống thấp. Cho nên chẳng phải điều gì làm cho người ta khổ đau, mới biến thế giới thành kỳ bí, nhưng là những phí phạm khi chịu đau khổ. Họ quên rằng khi còn là con trẻ, họ đã từng đặt các chướng ngại vật để chiến thắng trong những cuộc chơi đó sao?
Vậy thì tại sao khi trở thành người lớn, lại không trả giá cho những phần thưởng của các cố gắng và vật lộn? Có đúng là tinh thần sẽ trở nên dũng mạnh hơn khi gặp nghịch cảnh, như con chim bay cao hơn khi gặp gió ngược? Con cá kiếm miếng ăn thì phải lội ngược dòng nước. Bình đựng thuốc thơm phải bể ra, dầu thơm mới tràn lan khắp phòng. Cái đục phải chạm đến phiến đá mới thành pho tượng. Hạt giống rơi xuống đất chết đi mới mang nhiều bông hạt mới. Các sông lạch phải chảy ra biển rộng mới tránh được ô nhiễm, các quả nho phải bị nghiền nát mới thành rượu ngon, và những hạt lúa phải bị xay nát mới thành bánh ăn?
Cùng lý do tương tự, đau khổ có khả năng cứu độ. Dưới quyền phép của tình yêu thần linh, các gánh nặng trên đổi thành Thập giá. Tại sao những hình phạt không thể trở thành khí cụ đền tội? Tại sao chúng ta không dùng các thập giá để trở nên thánh thiện? Chúng ta chẳng thể bắt chước Ngài về quyền năng vô biên, chẳng thể nên giống Ngài về kiến thức siêu phàm, nhưng có thể nên giống Ngài trong đau khổ.
Vậy thì chỉ có con đường duy nhất nên giống Ngài, là con đường đau khổ của Ngài, chịu đựng những buồn tủi và thánh giá, con đường thấm nhiễm tình yêu. Chẳng có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì người yêu. Chính tình yêu làm cho các đau khổ chịu đựng được. Một người mẹ thao thức suốt đêm bên cạnh giường bệnh của con. Thế giới gọi khổ ải của bà là “mệt nhọc”, còn bà gọi nó là “thương yêu”. Cho nên bao lâu chúng ta nhìn đau khổ như có ích cho người khác hay cho chính linh hồn mình và làm sáng danh Thiên Chúa, thì đau đớn bao giờ cũng dễ chịu đựng. Một đứa bé bị mẹ cấm không được tới gần hàng rào gai nhọn. Nó không vâng lời và rơi vào hàng rào, bị què không đi được nữa. Bà mẹ la rầy và bảo thế là què cả đời. Nó trả lời: “Con biết lỗi của con, con sẽ chẳng bao giờ đi được nữa, nhưng nếu mẹ tiếp tục yêu con, con chịu đựng được tất cả”. Các đau đớn của chúng ta cũng vậy, nếu còn cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa.
Nếu chúng ta được bảo đảm Thiên Chúa hằng yêu thương săn sóc mình, thì sẽ tìm thấy niềm vui trong việc tiếp tục công nghiệp cứu chuộc của Ngài. Lúc ấy chúng ta cũng sẽ là Đấng cứu thế với chữ đ thường, còn Ngài với chữ Đ hoa. Và chúng ta hiểu được sự khác nhau giữa các từ “hy sinh” và “đau đớn”. Hy sinh là đau khổ với tình yêu, đau đớn là đau khổ không có tình yêu. Khi thấu triệt được sự khác biệt ấy, chúng ta sẽ trả lời rõ ràng cho những ai nghĩ rằng Thiên Chúa để chúng ta phạm tội mà không xót xa.
Trong khốn khổ cùng cực thế giới kêu lên cùng Tạo hoá:
Lạy Ngài, xin xóa hết khổ đau.
Xin xua đuổi bóng đen bao phủ địa cầu mà Ngài đã làm nên.
Xin tháo gỡ xích xiềng trói buộc tâm can, xin cất đi gánh nặng đè trên đôi cánh để chim có thể bay.
Lạy Ngài, xin xóa mọi khổ đau trên thế giới mà Ngài đã dựng nên. Để thế giới yêu mến Ngài hơn.
Thượng đế trả lời cho thế giới Ngài đã dựng nên:
Ta sẽ xóa hết khổ đau ư?
Khổ đau mà linh hồn chịu đựng?
để được mạnh mẽ nhờ thử thách?
Ta sẽ lấy đi sự thương cảm ư? Thương cảm nối kết trái tim với trái tim?
và làm cho hy sinh thành cao thượng?
Liệu ngươi đồng ý để mất hết anh hùng từ trong ngọn lửa bước ra? Và những gương mặt sáng láng nhìn trời cao?
Ta sẽ lấy đi tình yêu cứu chuộc giá đắt? Và những nụ cười trong hy sinh? Liệu ngươi bằng lòng vứt bỏ cuộc sống đang leo lên cùng Ta, Đấng Kitô trên thập tự không?
(Thơ của George Stewart)
Tôi và bạn đã từng xin Thiên Chúa nhiều ơn lắm và chẳng mấy khi đườc nhận lời. Người trộm lành cũng đã từng xin ơn trong suốt cuộc đời của anh ta, nhất là xin cho được nhiều của cải, nhưng chẳng được chấp nhận. Tuy nhiên có một thứ ơn chúng ta xin là được nhận lời ngay, cho dù các ơn vật chất khác chẳng mấy khi xin mà Chúa ban cho. Có một thứ ơn chúng ta có thể xin ngay lúc này, giờ này, phút này, nếu chúng ta đủ can đảm xin. Và Chúa ban ngay trước khi đêm về. Lời cầu nguyện mà Chúa không hề từ chối, cũng sẽ chẳng bao giờ khước từ cho bất cứ ai xin. Đó là ơn chịu đau khổ. Hãy xin Ngài gởi cho bạn thánh giá và bạn luôn được nhận lời.
Nhưng tại sao Thiên Chúa không luôn nhậïn lời chúng ta cầu xin, để được tăng lương, được chức vụ cao hơn, được nhiều tiền bạc, của cải? Tại sao Ngài từ chối lời cầu xin cho người trộm bên tả Chúa Giêsu ngõ hầu giải thoát hắn khỏi khổ hình thập tự? Tại sao Ngài nhận lời người trộm bên hữu và tha thứ cho hắn? Câu trả lời là: Ân huệ vật chất kéo chúng ta ra xa Thiên Chúa, nhưng đau khổ làm ngược lại, đem chúng ta tới gần Ngài, Thiên Chúa không muốn thế gian chiếm đoạt chúng ta. Ngài muốn ở với chúng ta, bởi vì Ngài đã chết cho chúng ta.
Câu hỏi lúc này là tại sao những người vô tội chịu đựng khổ đau? Tôi không có ý ám chỉ những người vô tội chịu đau khổ một cách vô tình, hoàn cảnh nào đó gây nên đớn đau cho họ. Nhưng tôi muốn nói các linh hồn tốt lành, cố ý tìm kiếm khổ đau. Họ khát khao đau khổ đến độ bất nhẫn cho tới khi tìm được một thánh giá. Nói rõ hơn, tại sao những linh hồn như đan sĩ dòng Camêlô, chị em dòng Clara, các thày dòng Trapist, chị em nghèo khó và hàng tá các dòng khổ tu khác trong Hội Thánh, họ chẳng ham gì khác ngoài việc hy sinh và đau khổ cho các kẻ có tội? Chắc chắn việc khổ chế này không liên hệ với tội lỗi cá nhân. Chúa chúng ta cũng dạy như vậy khi trả lời cho những kẻ hỏi Ngài về trường hợp người thanh niên bị mù từ lúc mới sinh: “Ai đã phạm tội? Người này hay cha mẹ hắn?” Chúa trả lời: “không ai cả”.
Nếu chúng ta muốn tìm câu trả lời, chúng ta cần quán triệt không những khổ đau của người vô tội, mà cả khổ đau của chính sự vô tội. Nghĩa là tập trung lưu tâm vào hai nhân vật vô tội nhất trên trái đất này: một là Chúa Giêsu, hai là Mẹ Ngài, Đức Maria. Chúa Giêsu tự bản tính là Đấng vô tội, Ngài là con Đức Chúa Trời vô cùng thánh thiện. Đức Maria vô tội do ơn thánh Ngài, Ngài là Đấng vô tội duy nhất trong bản tính loài người. Vậy mà cả hai đấng thánh đã chịu khổ đau đến tận cùng. Tại sao Chúa Giêsu lại phải vác thánh giá trong khi với quyền năng Thiên Chúa, Ngài dễ dàng tránh khỏi? Tại sao Đức Mẹ, đấng đầu thai tinh tuyền lại chịu đau khổ? Ngài có thể tránh khỏi vì các nhân đức của mình, hoặc vì quyền năng Con mình?
Tình yêu là chìa khóa để hiểu các màu nhiệm ấy. Tự bản thân, tình yêu không ích kỷ, trái lại, rất rộng rãi, nó tìm kiếm sự lành cho người khác, chứ không cho mình. Mức độ của tình yêu không nằm nơi vui thoả của nó - đây là điều thế gian đánh giá sai - mà nằm ở bình an và niềm vui nó cung cấp cho tha nhân. Nó đếm lượng rượu nó phục vụ chứ không phải lượng rượu nó uống. Tình yêu không phải là vòng tròn vây quanh mình, mà là thánh giá với hai cánh tay giang rộng ôm trọn nhân loại. Nó chẳng bao giờ nghĩ mình chiếm hữu mà chỉ nghĩ mình được chiếm hữu. Không nghĩ mình có mà chỉ nghĩ thiên hạ có. Mình làm chủ mà ngược lại, bị người ta làm chủ. Do đó tình yêu có tính xã hội. Hạnh phúc lớn nhất của tình yêu là phục vụ sự sống và kìm hãm chính mình. Bất hạnh cực độ của nó là không được hưởng niềm vui hy sinh cho kẻ khác. Đó là lý do trước đau khổ, tình yêu cố gắng tìm cách tháo gỡ gánh nặng cho nạn nhân, gánh lấy đớn đau của họ. Và trước mặt tội lỗi tình yêu sẵn sàng đền thay những bất công cho kẻ tội nhân.
Bởi lẽ các bà mẹ yêu con, cho nên tình nguyện chịu lấy những đau đớn các con phải chịu vì bệnh tật, yếu đau. Bởi vì các người cha thương con, cho nên gánh lấy các nợ nần các con dại dột mắc phải! Tất cả các chứng cớ này bày tỏ tính vị tha của tình yêu. Thực tế tình yêu có tính chất “xã hội” đến nỗi không đồng ý được tháo khoán khỏi các đớn đau, nếu các tháo khoán đó chỉ riêng cho mình! Tình yêu từ chối chấp nhận cứu độ cá nhân. Nó không bao giờ cúi xuống người bệnh, như các kẻ khoẻ mạnh cúi xuống bệnh nhân, nhưng đi thẳng vào bên trong con bệnh để gánh lấy đau ốm của người ta. Tình yêu từ chối có đôi mắt khô khi người khóc còn đẫm lệ, nó chẳng cảm thấy hạnh phúc trừ phi mọi người đều được hỷ hoan hoặc công lý được vẹn toàn, nó tẩy chay khỏi cô đơn và kiêu sa, xóa bỏ nghèo đói lầm than của kẻ khác. Nó khinh bỉ sự tránh né khổ đau thế giới nhưng thâm nhập vào các khổ đau đó, coi như của riêng mình.
Đặc tính này dễ hiểu, liệu bạn có muốn mình là kẻ duy nhất trên thế giới có đôi mắt để nhìn. Liệu bạn có muốn là người độc nhất có thể bước đi ngay ngắn trong thế giới toàn người què? Liệu bạn có thích, nếu bạn thương yêu gia đình, đứng trên boong tàu ngắm họ chết chìm trước mặt bạn? Nếu bạn chẳng muốn những điều trên thì bởi vì bạn yêu mến người khác, bởi vì bạn cảm thấy liên đới với họ, khăng khít, đến độ đau thương của họ cũng là đau thương của bạn. Chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc ấy vào trường hợp của Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Tình yêu nơi các Ngài là tuyệt đỉnh, nên không thể dửng dưng với đau khổ của thế giới được, và sự dấn thân của các Ngài cũng phải trọn vẹn. Mặt khác các Ngài cũng đứng ở điểm cao nhất của lòng vô tội. Vậy có thể nào các Ngài vô tình với điều xấu xa hơn cả đau khổ, là tội lỗi? Có thể nào các Ngài đứng nhìn nhân loại vác ách tử thần mà không chia sẻ gánh nặng với họ? Có thể nào các Ngài dửng dưng với hành động của tình yêu trong khi các Ngài là tình yêu? Nếu như yêu mến có nghĩa đồng hóa và đầy cảm tình với người yêu, thì tại sao Chúa chúng ta không làm như vậy? Ngài yêu dấu thế gian đến nỗi ban con một để cứu chuộc nó! Và nếu Người Con Một ấy say mê nhân loại đến hy sinh mạng sống thì tại sao Mẹ Ngài lại không chia sẻ công trình cứu độ? Nếu tình yêu thế gian sẵn sàng đồng hóa với khổ đau của người yêu, thì tại sao tình yêu của Thiên Chúa lại không chịu đựng đớn đau khi tiếp xúc với tội lỗi trong con người? Nếu những bà mẹ đau khổ trong con cái, nếu người chồng than khóc trong buồn rầu của vợ, và nếu bạn bè cảm được sự hấp hối của thánh giá nơi đồng chí mình, thì tại sao Chúa Giêsu và Mẹ Maria không đau khổ trong bản tính nhân loại mà họ hết lòng yêu mến?
Ở gia đình bạn, bạn là đầu và sẵn sàng chết cho gia đình, thì tại sao Chúa Giêsu là đầu gia đình nhân loại lại không xả thân cho con cái của mình? Và nếu tình yêu càng sâu sắc, thì đớn đau lại càng nhiều, thì lẽ nào Thánh Giá lại không được mang vác với tình yêu? Nếu như một dây thần kinh bị kích thích, nó sẽ truyền ngay lên óc. Chúa chúng ta là thủ lãnh các đau khổ của nhân loại, lại không cảm nghiệm tội của loài người như của mình? Vì vâïy thập tự là không tránh khỏi.
Chỉ khi Ngài chết cho chúng ta Ngài mới bày tỏ tình yêu trọn vẹn. Phần đức Mẹ Maria không thể chứng tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu toàn vẹn nếu không chia sẻ cái chết của Ngài. Đó là lý do Ngài đã hy sinh đời sống cho chúng ta và trái tim Đức Mẹ tan nát vì nhân loại. Từ đấy chúng ta gọi Ngài là Đấng Cứu Thế, và Đức Mẹ là Đấng Đồng Công. Vì các Ngài đã liên kết trong lòng yêu mến chúng ta.
Để mạc khải đầy đủ hơn rằng thánh giá là sự kết hợp giữa tội lỗi và tình yêu, nên Chúa Giêsu phán lời thứ ba trên cây gỗ, với mẹ Ngài “Thưa bà, này là con bà”. Ngài không gọi Đức Maria là Mẹ, nhưng là bà. Nhưng khi nói với Gioan Ngài lại không dùng từ “bà”. “Đây là mẹ anh”. Một sự kiện tế nhị. Bởi từ “bà” có ý nghĩa rộng hơn, bao trùm cả nhân loại. Đức Mẹ không những chỉ là mẹ Chúa Giêsu nhưng làm mẹ toàn thể loài người, như Ngài là Đấng Cứu Thế nhân loại. Lúc này Chúa ám chỉ Đức Mẹ có muôn vàn con cái _ không theo phần xác, nhưng theo tinh thần. Chúa Giêsu là con đầu lòng trong niềm vui về xác thịt. Gioan là con thứ hai trong đau đớn về tinh thần, và nhân loại là hàng triệu triệu người con thiêng liêng mà Mẹ phải yêu. Ngài đã yêu dấu Đấng chết cho mọi người, thì mẹ cũng phải yêu thương tất cả những ai Chúa đã chết cho. Đó là ý nghĩa rõ ràng không lầm lẫn của Ngài, tình yêu láng giềng không tách rời khỏi tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu của Chúa Giêsu không giới hạn. Ngài chết cho từng người. Tình yêu của Mẹ Maria cũng phải vô hạn định.
Tình yêu này không chỉ chẳng ích kỷ mà còn có tính xã hội cao. Đức Maria phải là mẹ mọi người. Người mẹ trần gian bao giờ cũng yêu thương con mình nhất. Nhưng lúc này Chúa Giêsu nói với Đức Mẹ rằng ngay cả Gioan cũng là con và Gioan đứng làm biểu tượng cho toàn thể nhân loại. Thiên Chúa Cha không tha cho con mình, thì Chúa Giêsu cũng không tha cho mẹ Ngài. Bởi lẽ tình yêu không biết giới hạn nào cả, cho nên Chúa Giêsu cảm nghiệm trách nhiệm của Ngài về mọi linh hồn trên thế giới. Cũng thế Đức Mẹ, được Chúa Giêsu soi sáng, nhận ra bổn phận tương ứng trên loài người. Chúa Giê-su là Đấng Cứu Chuộc con cái lạc đường và Đức Maria là mẹ họ.
Bây giờ thì ý nghĩa đã được rõ ràng tại sao những linh hồn vô tội, tốt lành, thánh thiện phải chịu khổ đau. Họ từ bỏ thế gian và các vui thú để ăn chay, đánh tội, ẵm lấy thánh giá và cầu nguyện đến vỡ trái tim! Lý do duy nhất bởi vì họ yêu mến: “Chẳng có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu mình.” Như vậy các linh hồn ấy trên thực tế, đã yêu mến thế giới đến độ muốn cứu vớt nó, và họ cũng biết chẳng có con đường nào khác để cứu thế giới hơn là chết đi cho nó. Ngược lại nhiều người trong chúng ta yêu mến thế gian đến nỗi thuộc về thế gian, ở trong thế gian, nhưng cuối cùng chẳng làm gì cho thế gian. Vậy thì ý kiến nói rằng những linh hồn vô tội ấy gớm ghét thế gian, thì qủa lầm to.
Khi người ta nghe tin một thiếu nữ nhan sắc, một thanh niên tài ba, xin vào tu viện, họ có phản ứng liền: “Tại sao hắn, cô ấy lại bỏ thế gian?” Họ đi tu không phải “ghét” thế gian, ngược lại, họ yêu mến thế gian. Họ thương yêu thế gian với các linh hồn sống trong đó, đến độ họ muốn làm tất cả những chi có thể được cho lợi ích của nó. Và chẳng có chi tốt hơn là dâng hiến cuộc đời để cầu nguyện cho các linh hồn tìm thấy đường đi về cùng Chúa. Chúa chúng ta đâu có ghét thế gian, nhưng thế gian ghét Ngài. Ngài yêu thương nó. Cũng vậy, các linh hồn tu trì đâu có ghét bỏ thế giới. Họ say mê thế giới và mọi người trên thế giới. Họ thương xót các tội nhân trên thế gian đến độ hãm mình đền tội để thanh tẩy lương tâm thế gian. Họ yêu thương các kẻ vô tội trên thế gian, nên đã không ngừng chúc phúc cho họ, khi phó thác họ cho Thiên Chúa. Họ yêu thương những người từ chối Thiên Chúa, đến độ bằng lòng chịu thua thiệt, để niềm vui Thiên Chúa hiện diện nơi những người ấy, giúp họ không quá sợ hãi tối tăm.
Những linh hồn tu trì say mê thế giới đến nỗi coi mình là thành phần hữu cơ của nó. Họ thấu hiểu rằng linh hồn và sự vật tương tác trên nhau, đến nỗi điều lành một người làm ảnh hưởng đến hàng triệu, giống như mười người công chính có thể cứu vớt hai thành Sôđôma và Gômôra. Nếu một viên đá ném xuống ao, làn sóng nó tạo nên lan rộng mãi mãi cho tới khi va vào bờ. Tiếng động nhỏ từ chiếc nôi trẻ con sẽ ảnh hưởng cả đến ngôi sao xa nhất. Một ngón tay bị bỏng, cả thân thể cùng đau. Như vậy vũ trụ là một đơn vị hữu cơ. Nhân loại cũng vậy. Chúng ta được mời gọi họp thành một gia đình rộng lớn.
Thiên Chúa là cha chúng ta. Ngài gởi Con Ngài xuống thế gian để trở thành anh cả nhân loại. Và trên Thánh giá, Ngài yêu cầu Đức Maria làm mẹ loài người. Ngày nay trong cơ thể, bác sĩ ghép da từ phần khác, thì tại sao không làm được như vậy đối với các lời cầu nguyện của chúng ta? Bác sĩ có thể truyền máu, vậy tại sao không thể trao đổi hy sinh? Tại sao người vô tội không đền thay cho kẻ có tội? Tại sao những kẻ yêu mến các linh hồn thật lòng, kẻ từ chối được giải phóng khỏi các đau khổ, thi hành cho thế gian, những điều Chúa Giêsu đã làm trên thánh giá ? Đức Mẹ đứng bên dưới lại bất lực ư? Trả lời những câu hỏi này là các cung nguyện tràn đầy những tu sĩ khắc khổ.
Chẳng ai trên thế giới này có thể đong đếm những sự lành họ làm cho thế giới. Họ đã chịu đựng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa thay cho tội nhân hàng ngày. Họ đã đem biết bao linh hồn đến các tòa hòa giải. Họ đã khuyên nhủ thành công hằng hà sa số tội nhân trở lại. Họ đã tránh được biết bao cuộc bách hại! Chúng ta chẳng hay và họ cũng không muốn biết. Từ xưa tới nay tình yêu đã toàn thắng bao nhiêu hận thù? Và cũng đừng ngu xuẩn mà hỏi: Ích lợi nào họ đã thực hiện cho thế giới? Hỏi như thế cũng tương tự như hỏi: Thánh giá Chúa Giêsu đã làm được chi hữu ích?
Nói cho ngay, chỉ những linh hồn lành thánh vô tội mới thấu hiểu được tội lỗi là gì? Cho đến thời Chúa chúng ta chẳng ai nghĩ tới việc thí mạng sống mình để cứu vớt kẻ tội lỗi, đơn giản chỉ vì chẳng ai vô tội đủ để hiểu cái khủng khiếp của tội lỗi. Còn chúng ta đã qúa quen thuộc với nó, cho nên không thấy sự độc ác của nó, chúng ta coi thường. Một bệnh nhân cùi sau nhiều năm sống với bệnh, thì chẳng còn thấy hết cái nguy hiểm của bệnh cùi. Tội lỗi đã phai nhạt vẻ ghê sợ và chúng ta chẳng còn liên hệ nó với các thánh giá. Chúng ta không còn lưu tâm đến tính lây nhiễm của tội lỗi trên nhân loại.
Nết xấu là một con quái vật.
Bộ da thật ghê tởm, thật đáng ghét, cứ ngắm mà xem.
Nhưng ngắm mãi thành quen nét mặt thân thuộc của nó.
Chúng ta chịu đựng, ái ngại, rồi say sưa.
(Tạm dịch nghĩa thơ của Alexander Pope)
Con đường hay nhất để quán triệt tội lỗi là không phạm tội. Như Đức Giêsu hoàn toàn vô tội do bản tính và Đức Maria do ơn thánh, mới hiểu thấu sự độc ác của tội. Vì chẳng khi nào thỏa hiệp với tội lỗi nên bây giờ các Ngài không thể nhân nhượng. Tội lỗi là cái gì quá khủng khiếp, để tránh nó hoặc đền thay cho nó, các ngài phải ẵm lấy hy sinh Thánh giá.
Nhưng có một nghịch lý: Người vô tội gớm ghét tội lỗi, bởi lẽ họ hiểu biết tính nghiêm trọng của tội lỗi. Tuy nhiên họ lại yêu mến tội nhân. Chúa Giêsu yêu mến Phêrô, kẻ sa ngã tới ba lần. Và Đức Maria chọn phụ nữ thành Mađalêna làm bạn dưới chân thánh gía, một cô gái điếm nổi danh. Thật là gương mù khi thấy Đức Mẹ và cô gái điếm lên xuống ngọn đồi Calvario. Nhưng Đức Mẹ đã bất chấp điều ấy, để rằng trong tương lai, tôi và bạn có hy vọng Mẹ là “chốn nương ẩn cho kẻ có tội”. Vậy thì không nên sợ Mẹ không thấu triệt tình trạng tội lỗi của chúng ta, chỉ vì Ngài vô nhiễm nguyên tội. Bởi lẽ Ngài đã chọn con điếm làm bạn, thì tại sao Ngài không nhận chúng ta làm con yêu dấu?