Về căn bản, tình yêu phát xuất từ lòng muốn chứ không phải cảm xúc hay các bộ phận thân thể. Lòng muốn là tiếng nói, cảm xúc là tiếng vang. Khoái lạc ngày nay gọi là tính dục, liên kết với tình yêu như lớp kem trên chiếc bánh ngọt. Mục tiêu của lớp kem là quyến rũ chúng ta nhớ đến cái bánh, chứ không quên nó. Ảo tưởng lớn nhất của các đôi uyên ương là cứ ngỡ cường độ hấp dẫn nhau, bảo đảm cho tính bền vững của hôn nhân. Bởi vì thiên hạ thất bại không phân biệt được sự khác nhau giữa tính dục mà chúng ta cùng chung với súc vật, và tình yêu tinh thần mà chúng ta chia sẻ với Thiên Chúa. Cho nên hôn nhân có nhiều rắc rối. Điều mà nhiều người yêu thích không phải là nhân vật, mà là kinh nghiệm yêu đương. Tình yêu không thay thế được. Nhưng tính dục có thể thay thế. Như đàn ông nhiều vợ, đàn bà nhiều chồng. Đối với tín hữu, tính dục không tách rời khỏi người yêu và nếu giảm thiểu một người thành tính dục, thì cũng ngớ ngẩn như giảm thiểu nhân cách vào buồng phổi hay cái ngực. Thời luân lý Victoria nhiều người chối phắt tính dục như một yếu tố của nhân cách. Ngược lại, bây giờ người ta lại chối bỏ nhân cách và biến tính dục thành ông thần. Trong giới súc vật, con đực bị lôi cuốn đến với con cái một cách máy móc. Nhưng con người, nhân cách nọ hấp dẫn nhân cách kia. Sự hấp dẫn của giới động vật chủ yếu là vật chất. Nhưng sự lôi kéo nơi con người là vật chất, tâm lý và tinh thần.
Tính dục tách rời khỏi con người thì không tồn tại! Một cánh tay sống và cử động độc lập với thân thể là điều không có được. Người ta không thể cử động các cơ năng mà không có linh hồn. Toàn thể nhân cách sinh hoạt chứ không riêng một cơ quan nào. Không chỉ tâm lý trộn lẫn với xác thịt hơn là sự kết hợp hai vợ chồng nên một. Chẳng chi đổi thay trí khôn lòng muốn nên tốt hoặc xấu hơn là hôn nhân. Sự phân rẽ linh hồn và thân xác là sự chết, cho nên những ai chủ trương phân tách tính dục và tinh thần thì đang sửa soạn cho sự chết. Vui hưởng nhân cách người khác thông qua nhân cách của mình gọi là yêu. Sự thỏa mãn của súc vật qua cơ quan thân xác là tính dục không phải là tình yêu.
Cho nên khi tách tính dục ra khỏi tình yêu, người ta sẽ có cảm giác như mình chỉ đứng ở tiền đường của lâu đài khoái lạc, hoặc như trái tim vượt cầu rồi mà không được vào thành phố. Buồn phiền và sầu muộn nảy sinh từ sự kiện như vậy, tức không đạt mục đích. Bởi lẽ bản chất con người ta là sầu buồn khi bị lôi kéo khỏi bản ngã gọi là vong thân, khỏi cái tôi cố hữu, mà không gần được mục tiêu. Có sự liên quan sâu sắc giữa tính chao đảo của tinh thần và cái nhìn vật chất của tính dục hơn là người ta thường nghĩ.
Những ai tiêu hao sức lực của mình vào những hoạt động bên ngoài mà không hiểu thấu màu nhiệm bên trong của nó thì sẽ cảm thấy không hạnh phúc, cho đến độ sầu muộn, xót xa. Nhiều lúc ăn xong mà vẫn cảm thấy đói, hoặc chán chường thức ăn. Bởi lẽ thức ăn lúc ấy không tiêu hoá để nuôi dưỡng cơ thể. Kinh nghiệm này xẩy ra nơi chính mình, thân xác người khác hay trong hôn nhân. Nơi phụ nữ, u sầu là vì nhục nhã nhận ra rằng hôn nhân chẳng qua để thỏa mãn tính dục. Và vai trò của bà có thể được người khác thay thế, chẳng có chút chi cá nhân, không truyền thông được linh hồn, và do đó không xứng hợp nhân vị. Do ơn gọi Thiên Chúa ban người phụ nữ luôn có nhu cầu tiến sâu vào màu nhiệm sự sống, bắt nguồn từ Tạo hoá, cho nên lúc này bà cảm nghiệm mình chỉ là dụng cụ cho khoái lạc giới tính chứ không phải là bạn đường của tình yêu. Hai chiếc ly rỗng không thể làm đầy cho nhau, phải cần đến nguồn nước ở bên ngoài, để chúng có thể thông hiệp với nhau. Cũng vậy phải cần tới ba nhân vật để phối hiệp tình yêu.
Tự bản tính tình yêu hướng đến tha nhân để người khác được hoàn thiện. Còn tính dục hướng về chính mình để thỏa mãn bản thân. Tính dục vuốt ve đối tượng không phải vì nó xứng đáng, nhưng vì nài nỉ cho mình thỏa mãn đòi hỏi của thân xác. Bản ngã trong tính dục bày tỏ rằng nó yêu người khác phái, nhưng thực chất nó tìm thỏa mãn cho chính nó. Nơi người khác chỉ cần thiết để nó trở lại bản ngã của mình. Trái lại, tình yêu khi nhấn mạnh đối tượng, thì tìm ra mình trong đối tượng, nghĩa là tương quan phát triển không ngừng. Tình yêu mạnh mẽ đến độ vượt qua tất cả mọi nhỏ nhen, bằng tận tâm và quên mình.
Tính dục bị tác động bởi khao khát thỏa mãn trong giây lát giữa có và không. Nó là một kinh nghiệm tựa như ngắm mặt trời lặn hay búng ngón tay để giết thời gian. Nó an nghỉ sau một kinh nghiệm. Nó no thoả trong giây phút rồi lại chờ đợi kinh nghiệm khác và thỏa mãn với đối tượng khác. Tình yêu gớm ghét thái độ này, bởi nó biết rằng như vậy là giết chết người yêu về tình cảm, để đổi lấy thỏa mãn cho riêng mình. Tính dục thả rông con heo lòng hay để chim bay mà không có tổ. Nó khiến trái tim thổn thức mà không có gia đình, ném cả thế giới xuống biển mà không có bến đậu. Thay vì theo đuổi vĩnh hằng có tính cố định. Nó theo đuổi vĩnh hằng giả tạo mà chẳng bao giờ no thỏa. Điều vĩnh hằng lúc này là sự theo đuổi tình yêu viển vông, không có thực chứ không phải chiếm hữu tình yêu đích thực. Đó là nguyên nhân chính gây nên các bệnh tâm lý, thần kinh. Nơi nhiều người nam nữ thời nay, ước ao hạnh phúc vững bền trở nên tâm thần bồn chồn, lo lắng giống như chiếc bánh xe lãng tử luôn quay tròn đến chóng mặt. Trái lại, tình yêu chân thật cũng có những nhu cầu, khao khát, đam mê, thôi thúc. Nhưng nó chỉ chấp nhận thỏa mãn có tính bền bỉ, gắn bó với giá trị siêu việt khỏi thời gian và không gian. Tình yêu gắn liền với tồn tại và như vậy có tính hoàn hảo. Tính dục liên kết với phù vân, cho nên luôn lo âu, khắc khoải. Trong yêu mến, nghèo khó đưa đến giàu sang, nhu cầu đưa đến tròn đầy, khao khát đưa đến niềm vui, khiết tịnh đưa đến ngất ngây. Trái lại, tính dục vắng bóng niềm hoan hỷ của việc hiến dâng. Con chó sói chẳng dâng hiến chi cả khi nó giết con cừu để ăn, niềm vui hy sinh không có. Bởi lẽ tính ích kỷ tìm kiếm phồng to chính mình. Tình yêu cho đi để nhận lại. Tính dục nhận lại mà không cho đi. Tình yêu là linh hồn tiếp xúc với linh hồn ngõ hầu cả hai nên hoàn thiện. Tính dục là thân xác cọ sát thân xác để được khoái lạc cực độ.
Thượng Đế khi dựng nên con người, không có ý định kéo dài sức mạnh nơi đàn ông và sắc đẹp nơi phụ nữ mãi mãi. Nó phải được truyền sang con cháu, tái xuất hiện nơi chúng. Ở điểm này chúng ta được chứng kiến rõ ràng sự quan phòng của Thiên Chúa. Đúng vào lúc sức mạnh và vẻ xinh đẹp xem ra phai nhạt nơi cha mẹ, thì Thiên Chúa cho chúng xuất hiện nơi con cái, làm sống lại vẻ cường tráng và yêu kiều vĩnh cửu nơi nhân loại. Khi đứa con trai đầu lòng sinh ra, sức mạnh của người cha ẩn hiện trong nó. Thi hào Virgil đã viết: “Từ trời cao, một giống người xứng đáng hơn đã xuống trần”. Khi một bé gái chào đời, bao nhiêu vẻ đẹp, vẻ yêu kiều của bà mẹ lại tái xuất nơi bé. Ngay cả khi đứa bé bập bẹ thì toàn thể vẻ vui tươi của thế gian lại khởi sự một lần nữa. Người chồng lúc ấy có ý nghĩ vợ mình là nguồn mạch duy nhất tạo ra dáng yêu kiều của con gái. Một đứa bé hạ sinh, là một hạt ngọc trong tràng chuỗi Mân Côi của tình yêu ra đời. Em cột chặt cha mẹ hơn nữa trong tràng hoa hồng của tình yêu tận tụy và ngọt ngào!
Tình yêu ấy không hề bị xáo trộn, sợ hãi. No thỏa hay tràn đầy vì họ không hề hái quả chưa chín, hoặc đập bể đàn làm hỏng âm nhạc. Tình yêu bay bổng từ bình diện giác quan qua sự kiện nhập thể thân xác, lên bình diện thần linh trở về với Thiên Chúa, khi cha mẹ giáo dục con cái về những sự quê hương trên trời, về Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ Ngài họ nhận được lửa thiêng và lòng mến. Từ khi đứa trẻ làm dấu thánh trên mình và kêu tên cực trọng Giêsu, đi học giáo lý, môn học cao trọng hơn mọi khôn ngoan thế gian, cho tới lúc chết, chúng lại khởi sự tiến trình hành hương theo ơn gọi thiêng liêng mới, thì cha mẹ đã tàn tạ cảm nhận được ý thức về công khó trước mặt Đức Chúa Trời.
Cho nên đức trong sạch là lòng kính trọng phải có đối với màu nhiệm tính dục, mỗi màu nhiệm thường gồm hai phần: Phần trông thấy và phần không trông thấy. Ví dụ ở Bí tích rửa tội, phần trông thấy là nước lã, phần không trông thấy là ơn tái sinh của Chúa Giêsu. Cũng thế, nơi tính dục là màu nhiệm, bởi nó cũng gồm hai đặc tính: Đặc tính mọi người đều biết và đặc tính ẩn dấu không ai biết được, cái biết được thật rõ ràng, tức đàn ông hay đàn bà. Cái không biết được là khả năng tạo dựng, yếu tố đến muôn đời ẩn dấu. Nó là yếu tố loài người được chia sẻ quyền năng với Tạo Hóa. Quyền năng Ngài tác tạo vũ trụ và muôn loài trong đó. Giống như tình yêu của Thiên Chúa là nguyên lý tạo dựng vũ trụ, thì Ngài cũng muốn rằng tình yêu giữa người nam và người nữ là nguyên lý tác tạo gia đình. Cái quyền năng loài người để sản sinh ra hình ảnh và họa ảnh của mình, tương tự như quyền năng tác tạo đất trời của Thiên Chúa, là ở tính cách tự do. Hành động tạo dựng của Ngài là hoàn toàn tự do.
Việc chúng ta thở không khí, tiêu hóa thức ăn, lưu thông máu huyết là hoàn toàn vô ý thức, lòng muốn không dự phần vào. Những tiến trình đó có tính máy móc, vô tư. Nhưng quyền năng sáng tạo dù là một bài thơ, một pho tượng hay một đứa bé, thì tuyệt nhiên tự do. Trong giây phút tự do được sinh ra, Thiên Chúa nói: “Hỡi tạo vật hãy tác tạo chính mình”. Và uỷ thác “hãy lớn lên và sinh sản ra nhiều” qua tình yêu thực chất là chia sẻ quyền năng tạo dựng muôn loài của Thiên Chúa. Do đó, loài người là cộng tác viên của Thiên Chúa trong việc tạo dựng sự sống mới. Sự sống tự do.
Cho nên, màu nhiệm tác tạo luôn được bao quanh bằng kính sợ. Một lòng kính sợ đặc biệt bao quanh quyền năng cộng tác với Thiên Chúa. Các yếu tố ẩn dấu này thuộc riêng về Thiên Chúa như ơn thánh của Ngài trong các bí tích. Những ai nói về tính dục mà thôi, không kể các yếu tố khác, nghĩa là chỉ tập trung vào khía cạnh vật lý thấy được, thì đã quên hẳn tính dục còn là một màu nhiệm của quyền năng tạo dựng. Trong các bí tích, loài người cung cấp phần trông thấy, bánh, rượu, nước, hành động, Thiên Chúa cung cấp ơn thánh và sự nhiệm màu. Trong việc tạo dựng sự sống mới, đàn ông và đàn bà cung cấp chất liệu vật lý. Thiên Chúa ban linh hồn và màu nhiệm sự sống. Đó là bản chất của tính dục.
Trong tuổi thanh xuân, lòng khiếp sợ trước màu nhiệm giới tính được biểu lộ qua sự e thẹn của cô gái. Nó làm cho cô rút lui khỏi những tỏ lộ quá sớm bí mật của mình. Trong người con trai, màu nhiệm diễn tả bằng lòng hào hiệp đối với con gái, đàn bà. Không phải rằng anh ta tin thật nữ giới là phái yếu hơn, nhưng vì anh ta cảm thấy kính sợ trước hiện diện của một nhiệm màu. Và cũng bởi lòng tôn kính bao quanh quyền năng bí nhiệm đến từ Thiên Chúa, cho nên nhân loại luôn cảm thấy tính dục chỉ được sử dụng khi Thiên Chúa cho phép một cách đặc biệt và dưới những điều kiện nào đó. Đó là lý do, theo truyền thống, hôn nhân luôn liên kết với lễ nghi tôn giáo, để tỏ ra dấu chỉ rằng khả năng tính dục đến từ Thiên Chúa, được sử dụng thích hợp và Thiên Chúa chấp nhận. Mục tiêu của nó là làm tròn dự tính tạo dựng của Ngài.
Do vậy, sự thanh sạch không chỉ là nguyên vẹn phần xác. Nơi phụ nữ, nó là quyết tâm vững chắc không sử dụng tính dục cho đến khi Thiên Chúa ban người chồng. Nơi người nam, nó là ước ao bền vững chờ đợi cho tới lúc Chúa muốn ban cho một hiền thê, để hai người chu toàn chương trình của Ngài. Trong sạch không khởi sự ở thân xác mà ở ý chí. Từ ý chí, thanh sạch chảy ra bên ngoài, tẩy rửa trí khôn, óc tưởng tượng rồi đến thân xác. Đồng trinh thân xác phản ánh tiếng vọng của linh hồn. Cuộc sống nhơ bẩn là vì ý chí nhơ bẩn trước.
Thanh sạch trên hết là tâm lý, rồi đến thể lý. Nó bắt nguồn từ trí khôn và trái tim, rồi tràn ra thân xác. Nó khác với vệ sinh. Vệ sinh là một hành động tẩy rửa bên ngoài. Đồng trinh là thái độ phải có đối với tính dục. Chúa Giêsu phán: “Nhưng ta nói cho các ngươi hay kẻ nào nhìn phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5, 28). Chúa chúng ta không đợi cho đến khi ý tưởng trở thành hành động mới kết án. Ngài kết án ngay từ trong lương tâm, gán cho những ý nghĩ dâm ô là phạm tội rồi. Những con sông sạch chảy ra biển sẽ làm cho biển sạch, biển bẩn là vì các con sông bẩn. Nếu làm việc nào đó là sai, thì trong ý nghĩ đã sai rồi. Trong sạch là do ý tưởng lành thánh, thành kính tự bên trong, chứ không phải nguyên vẹn thể xác. Nó không phải chuyện cá nhân, nhưng là chuyện bí mật, không được tiết lộ cho đến lúc Chúa muốn. Thanh sạch là một ý thức rằng mỗi người đều có một món quà quý báu, chỉ nhận được một lần và cho đi cũng một lần. Trong việc hiệp nhất thân xác, người nam biến cô gái thành đàn bà và cô gái biến người nam thành đàn ông. Họ có thể lặp đi lặp lại ân huệ nghìn lần. Nhưng khi đã cho đi rồi, thì không bao giờ lấy lại được nữa, cả hai bên phụ nữ và đàn ông. Nó không nguyên là kinh nghiệm sinh dục, nó là màu nhiệm không tháo gỡ được. Ở thời điểm nào đó chúng ta đi từ ngu dốt đến kiến thức qua kinh nghiệm học hành, thì cũng ở lúc nào đó chúng ta phá ngu trong kinh nghiệm giới tính đi từ vụng dại đến đầy đủ kiến thức về mình mà người phối ngẫu dạy bảo. Từ lúc vượt ranh giới về sau, không ai còn là chủ nhân toàn vẹn thân xác mình nữa. Sự hỗ tương đã dựng nên tính lệ thuộc, câu đố của thiên nhiên đã được giải mã. Bí mật đã được vén màn. Hai thân xác đã được hợp nhất hoặc là thuận theo ý Thiên Chúa hoặc là chống lại ý Ngài.
Thiên Chúa không dựng nên địa cầu và muôn vật mà không có tình yêu. Đức Maria không thể mang thai phi tình yêu, Ngài đã thụ thai không cần tình yêu loài người, nhưng cần tình yêu thần linh. Mặc dầu thiếu tình yêu nhân loại, nhưng đầy tràn tình yêu thần linh. Thiên thần đã nói với bà: “Thần khí Thiên Chúa sẽ ngự trên cô, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên cô” (Lc: 1,35). Và bởi vì đức thanh khiết là lòng thành kính màu nhiệm tạo dựng. Vậy ai thanh sạch hơn Đức Mẹ? Ai cưu mang Đấng tạo thành hơn Ngài? Ai ngất ngây trong tình yêu hơn Ngài? Đấng có thể mượn lời G.K.Chesterton mà nói với thế giới: “Trong nhà ngươi, dục vọng không tình yêu sẽ chết. Nơi nhà của ta, tình yêu không dục vọng sẽ sống mãi mãi.”
Bởi lẽ, đức thanh tịnh là lòng thành kính màu nhiệm tạo dựng, cho nên chiều rộng của nó từ tuổi thơ cho đến thanh niên, từ bàn thờ cho đến tổ ấm, từ góa bụa cho đến thánh hiến, khác nhau về mức độ, chứ không về ý thức tính cao siêu. Do vậy cần có phép Thiên Chúa để mở tấm màn bí mật của nó, và bởi vì đức trong sạch bảo vệ tình yêu, cho nên Giáo hội thường kêu gọi con cái mình nhìn lên Đức Maria như mẫu mực và quan thày. Đức Mẹ là bản sao của tình yêu Thiên Chúa, hào quang dịu hiền của Chúa Giêsu, trung tâm lò lửa mến của Ngài, là hòm bia Đa-vít. Bởi vì Đức Mẹ đã dấu kín bí mật của Ngài, cho đến thời viên mãn, khi thiên thần truyền tin cho Ngài, nên Ngài đã là niềm hy vọng của những ai bị cám dỗ khai thác sớm quá màu nhiệm tạo dựng. Chẳng có lớp người nào, hoàn cảnh nào, điều kiện nào, của tín hữu mà Mẹ không dạy dỗ rằng thanh sạch phần xác là tiếng vọng của khiết tịnh linh hồn. Tác giả Francis Thompson viết như sau:
Bởi vì Mẹ, Đấng biết điều bí ẩn
mà dạy con ca hát
xin chỉ cho con đường trở nên một người đồng trinh mới.
Với bàn tay bao bọc
xin che chở ngọn lửa mà hơi Mẹ thổi lên
xin cho trái tim con bừng cháy ánh lửa hồng
như mặt trời làm thẹn mặt tuyết sương.
Và nếu người ta nói tuyết sương giá lạnh
Ôi! Lạy Đấng thanh khiết, xin cho họ biết
rằng tay dù vương sương tuyết
thì cũng nóng gấp đôi.
Rằng sương tuyết dù bốc cao như hơi nóng
Thì xin kéo con đến gần trái tim Mẹ
con sẽ cảm thấy dâng lên
lòng khiết trinh như tuyết.
Hỡi Mẹ, lạy bà chúa khiết trinh ngọt ngào
xin đem hết tình yêu
nâng đỡ con trên gối Mẹ
và con sẽ ngủ yên.
(phỏng dịch thơ)
Thời kỳ thai nghén là thời kỳ được thắp sáng với màu nhiệm, khi người mẹ trẻ nghe hát bài ca phụng vụ: “Non horruisti virginis uterum: Ngài đã không khinh chê tấc dạ đàn bà”. Mỗi đứa trẻ thành hình trong bụng mẹ chỉ có thể sống nhờ linh hồn Chúa ban, do hành động sáng tạo của Ngài. Đứa trẻ không phải là ngôi vị của Thiên Chúa, như ngôi vị Đức Giêsu trong lòng Trinh Nữ, nhưng dẫu sao vẫn là kết quả hành động của Thiên Chúa, hành động này có mặt khi bà mẹ thụ thai. Chẳng nơi nào trong vũ trụ, Thiên Chúa cộng tác mật thiết đến thế khi tạo dựng một thai nhi trong lòng người phụ nữ, phụng vụ khi nói về sự thụ thai của đức Trinh nữ, đã viết rằng: “Đấng mà cả đất trời không chứa nổi, đã thụ thai trong lòng Đức Mẹ”. Như vậy mỗi người mẹ, mẫu gương là Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, đã nhìn mình như mang hành động tạo tác của Thiên Chúa, Đấng cả vũ trụ không chứa nổi.
Vì vậy, khi cô dâu chú rể tiến lên bàn thờ trong thánh đường, Giáo Hội đã nói với họ: “Hai chúng con sẽ trở thành một thân xác”. Cô dâu sẽ nhìn vào màu nhiệm nhập thể và thoáng thấy ý nghĩa tư tưởng của Đức Mẹ khi thưa vâng làm mẹ Ngôi Lời xuống thế. Đức Mẹ và Chúa Giêsu thực sự cùng xương thịt trong cung lòng trinh khiết. Đây là biểu tượng sáng ngời của hôn nhân Công giáo. Trong Đức Mẹ, các giới tính hoà lẫn với nhau, đàn ông, đàn bà trở nên một. Như vậy mang thai con, người mẹ nhận ra thế nào là sự hợp nhất của hai người nên một xác thịt. Sự hiệp nhất này khi trước tồn tại riêng rẽ nơi bà và chồng bà. Nhưng bây giờ truyền sang đứa con, hai nên một tạo vật mới, có sinh khí và linh hồn, bà mẹ và đứa con chưa sinh chỉ là một xác thịt.
Các bà mẹ thế gian, dốt nát về thiêng liêng trong tính dục chỉ có thể nhìn mình như đang chứa đựng một sinh vật cao cấp, một đứa bé mới. Nhưng Hội Thánh Công giáo dạy rằng các bà có mẫu gương mang thai là Đức Trinh Nữ, Mẹ đã mang Thiên Chúa đến cho nhân loại. Do vậy, các thử thách thể lý lúc mang thai có cơ may giảm nhẹ khi ý thức mình cộng tác với Thượng Đế trong việc tạo dựng sự sống mới. Ở một miền quê nước Pháp, một tín hữu hấp hối, không còn khả năng rước lễ, ông đã xin người ta mang đến bên ông một người nghèo khổ, để rằng ít ra ông được tiếp xúc với Chúa Giêsu cách bất toàn. Một phụ nữ với một đứa bé trong bụng, có lúc không thể tiến lên bàn thánh rước lễ được, cũng có thể dùng đức tin, xem thấy mình đang cưu mang bánh thánh kém chất lượng hơn trong lều tạm là xác thịt mình.
Trong Thánh kinh, không có nơi nào nói về hôn nhân hoàn toàn tính dục. Ngược lại, khi nói về nó Thánh kinh dùng ngôn ngữ kiến thức, Ađam biết vợ mình. Eva thụ thai, sinh con trai là Cain, bà nói: “Nhờ Đức Chúa tôi đã được một người” (St 4,1) và khi thiên sứ báo tin cho Đức Mẹ: “Ngài đã được Thiên Chúa kén chọn làm mẹ Đức Chúa Trời”. Đức Mẹ hỏi: “Việc ấy xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1,35). Vậy thì ở đây không có chuyện thụ thai ngu dốt, mà là màu nhiệm sâu xa hơn. Theo Kinh Thánh, hôn nhân có liên hệ đến kiến thức, tương quan chặt chẽ nhất giữa con người và vũ trụ là qua kiến thức. Khi trí khôn hiểu biết bông hoa, cây cối là lúc có hình ảnh chúng trong trí khôn. Nó không đồng hóa với trí khôn, nhưng phân biệt khỏi trí khôn. Những đối tượng này tồn tại trong trí khôn như một thể thức hiện diện mới. Như vậy một vật ngoài trí khôn có thể tồn tại trong trí khôn mà không cần tự hủy. Sự kết hợp giữa ngoại vật và trí khôn, là kết hợp khăng khít nhất trong thiên nhiên: vật được biết và người biết nên một.
Kinh Thánh khi nói về hôn nhân, luôn luôn là một kiến thức, bởi lẽ nó biểu trưng một sự kết hợp sâu xa, bền vững hơn thực tế bên ngoài, khăng khít hơn kiến trúc tâm lý, hay sinh lý xảy ra giữa hai con vật phối hiệp. Mà bởi vì nó là kiến thức cho nên sự hiệp nhất của nó đòi hỏi trung tín. Giả dụ một sinh viên dốt nát, cho đến khi đi học, hắn học những vần thơ độc thoại của Hamlet. Khi đã thuộc rồi, mà trước kia hắn chưa hề “biết”. Hắn luôn lệ thuộc vào nhà trường cho hắn kiến thức ấy. Và như vậy hắn gọi trường hắn là “mẹ yêu” (Alma mater). Bởi nhà trường đã xây dựng kiến thức cho hắn, việc này là độc nhất. Anh ta có thể thưởng thức văn thơ độc thoại suốt đời mình, không cần học lại bao giờ nữa. Cũng vậy khi người đàn ông, đàn bà có “kiến thức” về nhau, khi đã như thụ tạo có trí khôn, biết về nhau theo xác thịt, nên một với nhau theo tính dục, mà trước đây họ chưa từng được biết, thì họ tiếp tục hưởng thụ kiến thức ấy mà không cần học lại. Và bao lâu thời gian còn kéo dài, người chồng tặng cho vợ hiểu biết về đàn ông và người vợ cho người chồng hiểu biết về đàn bà. Như vậy họ cho nhau kiến thức tính dục, kiến thức về hợp một, không giống như trí khôn và đối tượng, nhưng xác thịt với xác thịt. Người ta có thể nhắc lại kinh nghiệm nhiều lần, ngay cả vô luân, nhưng luôn luôn có ai đó đầu tiên vén màn màu nhiệm sự sống.
Như vậy sự liên kết giữa vợ chồng là kinh nghiệm không thể quên được. Nó là kiến thức vĩnh viễn, nói cách khác, là một dấu ấn mãi mãi, không xóa nhoà được. Họ là hai nên một xác thịt. Trên quan điểm này, khi đàn bà kinh nghiệm đàn ông thì đàn ông cũng kinh nghiệm đàn bà. Những “tai nạn” của sự kết hợp là biểu tượng của thay đổi thực sự nơi hai người. Chẳng người nào trong hai sống mà không nhớ đến sự kiện đã xẩy ra. Có một mối dây sinh học nào đó nối kết hai người liên hệ, nhưng khác với sự liên hệ giữa mẹ và con. Do bản tính của hành động, chỉ một người có thể mang kinh nghiệm này cho người kia và nó là kinh nghiệm hiệp nhất cá nhân hơn kinh nghiệm xác thịt. Điều này quá rõ ràng, không ai khinh chê việc ăn uống nơi công cộng bởi lẽ không phải là kết hợp cá nhân giữa thức ăn và dạ dày. Nhưng làm tình công khai thì quả là xấu hổ, vô luân, bởi vì do bản tính, làm tình có tính chất hoàn toàn cá nhân. Nó là việc của hai người và chỉ do hai người. Và vì vậy công khai là lố bịch. Tình yêu của họ trở nên hư hỏng, bởi lẽ người ngoài biết đến. Như vậy hôn nhân không còn ý nghĩa khi có phần tử thứ ba biết được bí mật.
Sự hiệp nhất giữa hai thân xác vợ chồng là một trong những lý do tại sao Chúa chúng ta ngăn cấm bẻ gẫy mối dây hôn phối. Cả hai người nam nữ trong khoảnh khắc biết nhau đã nhận được ơn huệ mà họ không hề biết trước, và cũng chẳng hay lần nữa, trừ phi nhắc lại. Hậu quả của sự thay đổi tâm lý cũng lớn như thân xác. Người đàn bà chẳng trở lại thời con gái được nữa. Người đàn ông cũng chẳng thể trở lại thời ngu dốt. Có điều chi xảy ra làm cho cả hai nên một, và từ sự nên một ấy đòi hỏi tính trung thành, bao lâu họ còn thân xác.
Cho nên việc sinh sản của nhân loại không phải là sự đẩy lên cao của súc vật. Nó là món quà từ Ba Ngôi ban xuống. Sinh sản con cái không phải là bắt chước súc vật, nhưng là phản ánh mờ nhạt của việc Chúa Cha sinh ra Chúa Con trên thiên đàng. Việc này đưa chúng ta đến định luật thứ nhất của tình yêu. Định luật đó phát biểu như sau: Mọi tình yêu kết thúc ở nhập thể, kể cả tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu chỉ đúng nghĩa khi vượt khỏi giới hạn cá nhân để tồn tại vĩnh viễn. Nó cũng chỉ đúng nghĩa khi đạt tới tính đời đời trong việc truyền sinh. Nơi đó sự sống đánh bại thần chết. Đằng sau sự thúc đẩy truyền sinh là khao khát thầm kín của mọi cá nhân dự phần vào tính vĩnh hằng. Và bởi vì cá nhân không có khả năng làm điều này, cho nên hắn bù trừ trong cuộc sống của thế hệ sau. Sự bất lực vĩnh hằng của cá nhân có thể vượt được nhờ Chúa ban ơn vĩnh cửu cho toàn thể nhân loại.
Vậy thì hành động sinh sản, khi nhìn như là quà tặng Chúa ban, và thực hiện trong ơn thánh, thì có khả năng thăng tiến ơn thánh và trợ giúp cho đôi vợ chồng. Họ cứu vớt linh hồn mình bằng hành động đó. Thánh Thomas viết như sau: “Hành động gia đình sẽ đầy công nghiệp nếu người ta thực hiện hoặc vì công bằng trả nợ cho người phối ngẫu, hoặc vì lý do tôn giáo, sinh sản con cái để có người tiếp tục thờ phượng Thiên Chúa”. Tuy nhiên, sinh sản con cái là dấu hiệu rằng trái tim người ta tràn đầy hạnh phúc và tình yêu, đến độ nó sẽ chết yểu nếu không được bày tỏ ra bên ngoài. Một dòng sông tù túng hay bị chặn lại sẽ thu tích cặn bã, rác rến, nhưng sẽ thanh sạch khi có những dòng suối từ các núi đồi chảy siết qua các tảng đá ngầm đổ vào, rồi các cánh đồng được nó tưới tiêu xanh tốt. Thượng Đế dựng nên con người có tính xã hội, không đơn độc và cũng không vì tính tập thể, Ngài dựng nên họ để sống thành nhóm, thành gia đình, thành cộng đồng, quốc gia và Giáo Hội. Tuy nhiên để sống trong các tập thể đó, người ta phải góp phần vào đời sống chung. Người có gia đình sinh sản và dạy dỗ con cái. Người độc thân như tu sĩ, giáo sĩ lo lắng về phần thiêng liêng, xã hội và hối cải. Như vậy sinh sản phần xác hay phần hồn là điều kiện để được toàn vẹn nhân phẩm, khỏe mạnh, trật tự xã hội. Người linh mục sa đọa không sinh sản đời sống mới cho Chúa Kitô bằng giảng dạy, hy sinh, hãm mình thì giống như vợ chồng cằn cỗi vô sinh. Họ chịu hình phạt của thiên nhiên, vì chống lại định luật của sự sống.
Đời sống phong nhiêu không gặp chán chường bao giờ. Nó là màu nhiệm. Thời gian càng trôi đi, con sông hạnh phúc càng mở rộng. Các dục vọng có thể bớt cường độ nhưng dòng chảy không bao giờ ngưng. Tình bạn trong ngất ngây thể xác lúc này trải rộng vào lãnh vực chia sẻ cuộc sống tình cảm và tinh thần, trái tim và lòng muốn, khi họ vui hưởng sự ngọt ngào bên nhau. Tình yêu lúc này thực chất là tính nên một hơn là tính hấp dẫn lẫn nhau của tuổi trẻ. Vẻ hào nhoáng bên ngoài dần dần tàn tạ, nhưng bí mật hôn nhân trở nên sâu sắc hơn, cho tới khi họ hoàn toàn nên một, do chia sẻ ý nghĩa của cuộc đời trong màu nhiệm tình yêu vĩnh cửu. Tình yêu cho đi để nhận lại.
Nếu như tình yêu nhân loại không luôn luôn ngây ngất, là vì Thiên Chúa còn giữ lại yếu tố căn bản, chính là Ngài, Đấng ngự trong vĩnh hằng. Ngài cho phép chúng ta đôi khi gặp khó khăn như húc đầu vào tường đá. Lúc ấy chúng ta cảm thấy khủng hoảng nhất thời và bị áp đảo bởi cảm thức đơn côi, hư không, trống rỗng, ngõ hầu họ hiểu ra đời này không phải là thành phố kiên cố mà là chiếc cầu bắc tới vĩnh cửu. Cuộc khủng hoảng hư không này gây nên do lý tưởng viển vông và thực tế, do tình yêu chân thật gặp lòng ích kỷ mình là cái chi chi.
Suốt trong khủng hoảng này những điều mà trái tim phàn nàn và phiền muộn không phải là định mệnh, cũng chẳng phải bản chất mà là giới hạn, yếu đuối, và thiếu sót của mình khát khao yêu thương. Trái tim không thể nhầm khi khát khao yêu đương. Nhưng nghĩ rằng vật chất có thể hoàn toàn thỏa mãn nó. Điều mà linh hồn người ta ước mong trong lúc tuổi già là ánh sáng cho tình yêu, tức Thiên Chúa, chứ không phải bóng mờ mà thôi. Cảm giác hư vô là lời kêu gọi yếu ớt trở về nguồn gốc mọi sự là Đức Chúa Trời. Vực thẳm của con người kêu gào vực thẳm của tình yêu Thiên Chúa, thay vì nghĩ rằng người phối ngẫu có lỗi vì sự trống rỗng của mình, người ta cần nhìn sâu vào thâm tâm mình. Người ta muốn uống cả đại dương, trong khi chỉ có một ly. Nếu như thân xác luôn có một cái gai của cuộc đời, như Chúa đã ban cho Phaolô để thanh luyện ông, thì cái gai đó là lời mời gọi chúng ta trèo lên ngọn lửa tình yêu là Thiên Chúa.
Nếu trong kinh nghiệm đời sống trọn lành tới lúc nào đó người ta cảm thấy như đi trong đêm tối, thì cuộc sống hôn nhân cũng có đêm đen của xác thịt. Cả hai loại thử thách đều không vĩnh viễn. Cả hai đều là cơ hội thanh luyện cho con người nhìn vào tình yêu cách mới mẻ hơn. Nếu cây vả của tình yêu muốn ra hoa quả thì người ta phải đào hố bón phân. Sự khô khan trong đời thiêng liêng cũng như trong hôn phối thực chất là thiếu ơn thánh Chúa. Ngón tay của Ngài khuấy động mặt nước của linh hồn, tạo ra những bất mãn, ngõ hầu phát sinh những cố gắng mới. Phượng hoàng mẹ phải hất con ra khỏi tổ để chúng có thể bay. Thiên Chúa cũng tạo cơ hội, tạo cánh cho tình yêu, thay vì đôi chân bằng đất sét. Trong những ngày đầu say đắm, Thiên Chúa nhấn mạnh về tính bền vững của hai trái tim trong tình yêu. Trong những buổi chiều của trống vắng yếu tố then chốt là Thiên Chúa, chứ không phải là bản ngã. Bây giờ tình yêu nói: “Anh yêu em luôn mãi, bởi lẽ em đáng yêu muôn đời qua Thiên Chúa.” Đấng bày tỏ và hứa hẹn tình yêu muôn thuở, thực chất gán cho mình thiên chức Thiên Chúa. Cho nên, suốt trong đêm tối của hôn nhân, Ngài sắp đặt chính xác tính đời đời vào vị trí của nó, tức Thiên Chúa.
Một khi đã được thanh luyện, vượt qua mọi thử thách. Tình yêu chân thật sẽ trở về với hai người. Đôi phối ngẫu yêu mến nhau vượt trên các cảm giác khao khát và dục vọng trước kia. Người chồng yêu đương vì lợi ích bản thân, thì bây giờ vì ích lợi của vợ và của Thiên Chúa. Xưa kia anh ta đụng đến chiều sâu của thân xác vợ, nhưng bây giờ anh ta khám phá linh hồn của vợ. Đây là sự vô biên thay vì thân xác. Đây là cái “luôn luôn” mới mẻ, gần cận hơn với vĩnh hằng chân thật, bởi lẽ linh hồn luôn là tinh thần và vĩnh cửu. Trong khi thân xác không phải như vậy. Người phối ngẫu không còn là bức tượng dầy đặc mà bắt đầu trong suốt, là tấm kính qua đó Thiên Chúa và mục tiêu của Ngài tỏ hiện. Vì không còn nhiều ý thức về khả năng phát sinh tình yêu trong người khác, anh ta nhìn ra sự nghèo nàn của mình và khởi sự lệ thuộc vào Thiên Chúa để bù đắp sự nghèo nàn đó. Thứ sáu tuần thánh đã tiến sang Chúa Nhật phục sinh với sự sống lại của tình yêu.
Tình yêu xưa kia là thỏa mãn và vui sướng, lúc này đổi sang yêu đương vì Thiên Chúa. Người phối ngẫu không còn là nhu cầu cho đam mê nữa, mà là người bạn của linh hồn. Chúa Cứu Thế đã nói rằng trừ phi hạt lúa rơi xuống đất thối đi, thì mới sinh ra nhiều sự sống mới. Chẳng có chi tái sinh cho bậc sống cao hơn, mà không phải chết đi cho sự sống thấp hơn. Trái tim người ta có những vòng tròn và cũng có những vệ tinh. Nhưng hoạt động của nó lại hướng thượng như vòng xoắn ốc, chứ không phải như vòng tròn quay lại điểm phát xuất, các vòng xoáy của vệ tinh xoay mãi, đổi dời rồi trở về khởi điểm.
Nhưng nếu như người chồng rơi vào hoàn cảnh nghiện ngập, hoặc bất trung, hoặc hành hạ vợ con? Và nếu như người vợ cằn nhằn, vô luân và bỏ bê con cái thì làm thế nào? Giả dụ lời thề hôn phối “nên tốt hay nên xấu” mà nay trở nên “nên xấu” thì làm sao? Hoặc giả dụ chồng hay vợ bại liệt hoặc không thích giao tiếp xã hội? Trong các trường hợp ấy tình yêu thể xác chẳng cứu vãn nổi. Ngay cả khi người phối ngẫu sa đọa đến độ không xứng đáng nữa, thì xác thịt khó mà chịu đựng. Lúc ấy cần đến tình yêu siêu nhiên. Tôn giáo phải bước vào để người phối ngẫu được coi như món quà từ Thiên Chúa. Đa phần quà của Ngài là ngọt ngào. Nhưng lúc này nó lại cay đắng. Nhưng dù đắng hay ngọt, mạnh khoẻ hay đau yếu, trẻ hay già, đàn ông hay đàn bà, vẫn là quà Chúa ban cho, thì người phối ngẫu kia vẫn phải hy sinh chấp nhận. Tình yêu ích kỷ sẽ tìm cách loại bỏ gánh nặng. Nhưng tình yêu Công giáo không hề nhàm chán và ôm lấy trách nhiệm, để chu toàn lời Chúa: “Anh em hãy mang lấy gánh nặng cho nhau. Như vậy anh em đã chu toàn luật Chúa Kitô” (Gl 6, 2). Nếu có vấn nạn rằng Chúa chẳng bao giờ xếp đặt như vậy, chẳng ai phải ghé vai gánh lấy khó khăn quá sức như vậy. Câu trả lời là “Ai muốn theo Thày, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thày, thì sẽ được mạng sống ấy” (Mt 16,24). Bệnh tật xảy ra cho từng cá nhân thế nào, thì bất hạnh cũng thưởng xẩy đến cho hôn nhân như vậy. Nghĩa là Chúa gởi cho họ thử thách để kiện toàn cả hai người về đàng thiêng liêng. Không có những thử thách ấy, nhiều khả năng thiêng liêng của chúng ta không được phát triển. Như lời Kinh Thánh nói với chúng ta: “Chúng ta vẫn tự tin ngay cả khi gặp gian truân, vì biết rằng, ai gặp gian truân thì quen chịu đựng. Ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên, ai được công nhận là trung kiên thì có quyền trông cậy, trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà người đã ban cho chúng ta” (Rm 5,3-5). Tình yêu tín hữu, về phía người phối ngẫu này, sẽ giúp đỡ cứu chuộc người phối ngẫu kia. Nếu như người cha sẵn lòng trả nợ cho con trai để cứu hắn khỏi vào tù. Nếu người ta vui vẻ truyền máu của mình để cứu bạn hữu sống còn, thì đối với hôn nhân cũng vậy. Họ cứu độ lẫn nhau.
Kinh Thánh còn nói: “Người chồng ngoại đạo được thánh hóa nhờ vợ có đạo, và người vợ ngoại đạo được thánh hóa nhờ chồng có đạo” (1 Cor 7,14). Đây là bản văn Thánh kinh thường bị lãng quên nhất về vấn đề hôn nhân. Nó áp dụng vào lãnh vực siêu nhiên. Những kinh nghiệm của thế giới vật lý, nếu người chồng đau ốm người vợ có bổn phận nuôi nấng cho lành. Ở lãnh vực tinh thần cũng vậy. Người có đức tin và tình yêu Thiên Chúa, sẽ mang lấy gánh nặng của kẻ không tin, như say sưa, bất trung, bạo tàn, vì lợi ích của linh hồn hắn. Ý nghĩa của việc truyền máu đối với thân xác thế nào, thì sự bồi hoàn tội lỗi của người khác, về phần thiêng liêng cũng vậy. Thay vì chia lìa nhau khi gặp khó khăn, thử thách, giải pháp của hôn nhân Công giáo là mang lấy thánh giá, vì sự thánh hóa của linh hồn phối ngẫu. Như vậy chồng cứu độ vợ, và vợ cứu độ chồng, với sự trợ giúp của ơn Thiên Chúa.
Sự chuyển hóa của ơn thánh hóa từ người vợ tốt sang người chồng xấu hay từ người chồng tốt sang vợ xấu, là hậu quả của sự kiện cả hai đã trở nên một xác thịt. Giống như da mặt có thể ghép từ da đùi. Cũng vậy công nghiệp có thể áp dụng cho đôi vợ chồng. Sự truyền thông thiêng liêng này có thể không đạt tới mức độ lý tưởng như kết hiệp thân xác. Nhưng dầu sao nó có giá trị vĩnh cửu. Nhiều đôi vợ chồng, sau những lần bất trung và phản bội, ăn năn thống hối, sẽ ngộ ra rằng cả hai đều được cứu chuộc trong ngày phán xét chung, khi bên trung tín không ngừng tuôn đổ lời cầu nguyện cho phần rỗi của chồng hay vợ bất trung.