Tình yêu Thiên Chúa có ba đặc điểm: Thứ nhất, Nó là Tình yêu không bao giờ cạn. Tình yêu của nhân loại có thể giải thích, thấu hiểu, tìm về nguồn gốc, giống như dòng suối chảy từ ngọn núi, có thể truy tìm đến nguồn mạch trong hốc đá. Nhưng tình yêu thần linh là vô cùng. Nếu chúng ta bắt đầu từ nguồn mạch - trong rước lễ và cầu nguyện - chúng ta sẽ khám phá ra rằng, nó chảy vào đại dương hạnh phúc vô hạn. Điều mà chúng ta hiểu về nó chỉ là mộït giọt nước nhỏ xíu của đại dương ấy. Tình yêu Thiên Chúa tồn tại trước vũ trụ, và còn tồn tại sau khi chúng ta chết. Trái tim chúng ta được chia sẻ chỉ một phần rất nhỏ, như trong tình yêu của Romeo và nàng Juliet hay của Dante cho nàng Beatrice. Tình yêu vượt ra khỏi các lời của thi sĩ tài tình nhất, và lớn hơn các tác phẩm thần bí.
Thứ hai, Tình yêu Thiên Chúa vĩ đại ở thể hiện hơn là ở ước mơ. Điểm này lần nữa nó khác biệt với tình yêu trần tục, tình yêu trần tục to lớn trong tình cảm hơn trong thực tế. Các bài ca phổ thông về tình yêu đều nói: “Chúng ta sẽ được hạnh phúc biết bao.” Ngược lại tình yêu Thiên Chúa không khi nào xem ra hấp dẫn hay ngất ngây thuở ban đầu. Thánh giá làm chúng ta sợ hãi. Hy sinh không ích kỷ, không phạm tội, đối với chúng ta là những cái chết nho nhỏ (Morti-ficatio). Tình yêu thanh sạch không tính dục, coi giống như vẻ duyên dáng bên ngoài. Nhưng khi người ta chấp nhận hy sinh thửa ruộng, để được viên ngọc, lúc ấy mới đạt tới niềm vui tuyệt vời, không lưỡi nào tả xiết. Sự khám phá ra hạnh phúc, khiến chúng ta hành động khác biệt, đến nỗi bạn bè lầm tưởng chúng ta điên, nhưng thực tế chúng ta đã tìm lại được linh hồn mình. Lúc này chúng ta nhất quyết không đổi nó để lấy bất cứ sự gì trên thế gian.
Thứ ba, Tình yêu Thiên Chúa không bị đau khổ ảnh hưởng. Những linh hồn yêu mến Tình Yêu vĩ đại này, đôi khi cảm nghiệm đau khổ có khả năng đổ thêm dầu vào ngọn lửa. Gian nan kết hợp linh hồn với Thiên Chúa. Thánh Têrêsa gọi mỗi thử thách là một món qùa Thiên Chúa gởi cho. Những linh hồn tràn ngập đau khổ, cảm thấy Thiên Chúa ngọt ngào. Một phụ nữ lớn tuổi bị bệnh phong thấp, cặp chân nhỏ bé của bà vặn vẹo như cây ô liu trong vười Giethsemani đã cầu nguyện tới 50 tràng chuỗi mỗi ngày. Một cô dâu trẻ tuổi viết trong nhất ký như sau: “Lạy Chúa xin giữ con trong nước Chúa ngõ hầu con thánh hóa xác thịt, con làm cho nó thành chiếc xe chạy trên đường đi tới triều thiên vinh phúc”. Một người chồng trẻ có vợ bất trung, đã quyết tâm ăn ở tiết độ, hàng ngày rước lễ, cầu Chúa cho vợ ăn năn hối lỗi mà trở về với gia đình, với đức tin. Một nữ tu trong đan viện dâng lời ngợi khen Chúa khi được tin mắc bệnh hiểm nghèo, ngõ hầu dâng mạng sống như binh lính ngoài mặt trận, để đền thay cho tội lỗi thế gian. Những người lính trở về từ trận chiến thế giới đã xin đi tu, ngõ hầu lúc này họ chiến thắng quyền lực tối tăm qua cuộc đời cô tịch và đền tội. Một phụ nữ trẻ, anh hùng của một cuộc chiến tranh, cứu giúp các binh lính, nuôi dưỡng những bệnh nhân và cuối cùng lây bệnh nguy hiểm đã nói: “Tất cả những chi tôi ước ao là yêu mến Chúa hơn”. Một nhà tâm lý học Do Thái rời bỏ nghề nghiệp béo bở để xin vào tu trì trong tu viện nghiêm ngặt nhất, để xin ơn trở lại cho dân tộc ông. Một phụ nữ đã hứa ăn chay kiêng thịt suốt đời để cầu cho các người công giáo bỏ đạo trở về với Thày chí thánh.
Chỉ có tình yêu vô biên mới giải thích nổi các trường hợp đầu hàng như vậy. Bởi vì tất cả họ đều là những người hạnh phúc. Thực thế, sống ở mức độ thần linh là niềm vui khôn tả. Tôn giáo không bao giờ là vui thú đối với những ai không leo lên đỉnh cao, bằng cách từ bỏ tính ích kỷ, để nhìn thấy phong cảnh bao la. Tôn giáo mặc khải với phép Thánh Thể, thì quá hạnh phúc cho những ai kinh nghiệm. Nó vui thoả hơn là thế giới cho những người đắm đuối tội nhơ. Người tân tòng hay người thống hối là người yêu mến Chúa thật, vì đã nếm mùi cả hai thế giới xác thịt và thiêng liêng. Những người chỉ sống cho xác thịt, sung sướng và lợi lộc chẳng bao giờ kinh nghiệm được hoan lạc của đời sống thiêng liêng, hắn không thể so sánh hai thế giới, bởi chẳng hề nếm cả hai.
Thực tế, tận điểm của mọi tình yêu nhân loại đều là thi hành thánh ý Chúa. Ngay cả những tình yêu phù phiếm nhất, thì cũng nằm trong nội dung vĩnh cửu. Bởi tình yêu là vĩnh hằng. Khi tình yêu chân thật phát triển, tối thiểu phải có hai nhân vật diện kiến nhau, hai nhân vật đều tìm kiếm đối tượng bên ngoài mình. Họ say mê kết hiệp với khách thể, tức Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao khi có tình yêu Kitô giáo tinh ròng, trưởng thành, thì hai vợ chồng trở nên ngày càng đạo đức theo thời gian. Thoại kỳ thuỷ hạnh phúc của họ hệ tại làm theo ý muốn của người phối ngẫu, dần dần nó hệ tại làm theo ý muốn của Thiên Chúa. Như vậy tình yêu chân thật là hành động tôn giáo. Tôi yêu người phối ngẫu là vì Chúa muốn tôi yêu như vậy. Đó là sự diễn tả cao nhất của tình yêu.
Lời nói cuối cùng của Đức Mẹ trong Kinh thánh là lời phó thác hoàn toàn vào tay Thiên Chúa: “Bất cứ Ngài truyền gì, các anh hãy làm theo”. Và như thi sĩ Dante nói: “Bình an của chúng ta là ở trong thánh ý Thiên Chúa”. Mục tiêu của tình yêu là vâng phục Chúa Kitô. Trái tim con người bị xé nát giữa một bên là trống rỗng, một bên là nhu cầu làm đầy, giống như những chum đá ở Cana. Trống rỗng vì chúng ta là loài người. Quyền năng làm đầy thuộc về Đấng đổ nước. Kẻo có trái tim nào đó không được đổ đầy, cho nên lời chia tay cuối cùng của Đức Mẹ là: “Bất cứ Ngài truyền điều gì, các anh hãy làm theo”. Trái tim có nhu cầu làm trống rỗng và nhu cầu làm đầy. Khả năng làm trống rỗng thuộc nhân loại - làm trống rỗng vì tình yêu người khác - quyền phép làm đầy thuộc về Thiên Chúa mà thôi. Do đó, mọi tình yêu hoàn hảo đều kết thúc bằng câu nói: “Lạy Chúa, xin đừng theo ý con, nhưng theo Ý Cha”.
Vâng lời không chỉ là thi hành những mệnh lệnh người trung sĩ trưởng ban ra. Đúng hơn nó nảy sinh từ lòng yêu mến huấn lệnh và người trao ban huấn lệnh. Công lao của vâng lời không nằm trong hành động, mà trong tình yêu. Sự tùng phục, sự sùng mộ và phục vụ mà đức vâng lời đòi hỏi, không phát sinh từ tính nô lệ mà từ hiệu quả việc kết hiệp với tình yêu. Vâng lời có tính nô lệ khi người ta không hiểu sự lệ thuộc của tình yêu.
Chúa Giêsu cứu chuộc nhân loại trong ba giờ, rao giảng trong ba năm, nhưng vâng lời trong ba mươi năm, để dạy cho thế gian kiêu ngạo, nổi loại và độc tôn quỷ quyệt, giá trị của vâng lời. Đời sống của gia đình là trường dạy tính nết, từ trường học này đứa trẻ dần dần hình thành hoặc tốt hoặc xấu. Hành động duy nhất của Chúa Giêsu lúc tuổi trẻ, được ghi lại là vâng lời Thiên Chúa, người Cha trên trời, Đức Mẹ Maria và thánh Giuse. Như vậy, Ngài chỉ dạy rõ bổn phận đặc biệt của tuổi thơ và tuổi thanh niên, là vâng lời cha mẹ như đại diện Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa đất trời không chứa nổi, mà lại phục tùng cha mẹ thế gian: Nếu người ta sai trẻ Giêsu đi nhắn tin cho hàng xóm, thì chính người ta sai bảo Đấng gởi các môn đệ đi rao giảng nước Trời. Nếu thánh Giuse sai trẻ Giêsu đi kiếm một dụng cụ đã mất thì chính là sai sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và người mục tử duy nhất kiếm tìm các linh hồn thất lạc. Nếu thánh Giuse dạy trẻ Giêsu nghề thợ mộc, thì chính Ngài thiết kế vũ trụ và rồi sẽ bị giết chết bởi các phần tử cùng nghề. Nếu người ta thuê thanh niên Giêsu làm cái ách bò cho láng giềng thì chính Anh sẽ tự gọi là cái ách của thiên hạ, nhưng cái ách đó nhẹ nhàng êm ái. Nếu cha mẹ bắt con lao động trên mảnh vườn sau nhà, thì chính Ngài là thợ vườn nho của Chúa Cha. Ngài sẽ cầm bình tưới và dụng cụ làm vườn. Mọi người sẽ suy nghĩ về ý nghĩa của một đứa trẻ hết lòng tùng phục cha mẹ, để hiểu ra rằng chẳng ơn gọi từ trời nào lại trao phó cho kẻ chểnh mảng bổn phận.
Ở phương Đông có câu châm ngôn: “Các vị thần linh đầu tiên mà đứa trẻ phải khâm phục là cha mẹ nó”. Câu châm ngôn khác: “Những đứa trẻ vâng lời ví như cao lương mỹ vị của các bậc thần linh”. Như vậy đối với đứa trẻ thì cha mẹ đại diện cho Thiên Chúa. Và để cha mẹ không phải gánh bổn phận qúa nặng nề thì Thiên Chúa ban cho mỗi đứa trẻ một linh hồn, giống như nắm đất sét. Cha mẹ sẽ nhào nặn trong sự thật và tình yêu. Khi Thiên Chúa ban cho cha mẹ con trẻ, thì một triều thiên đã kết cho bé ở trên Thiên đàng. Khốn nạn cho cha mẹ nào, nếu con trẻ không được giáo dục để đạt tới triều thiên đó.
Có những lợi điểm lớn lao trong hành động tùng phục thánh ý Chúa. Trước hết, chúng ta tránh được quyền lực gieo tai giáng hoạ cho mình, tức những tai nạn làm cản trở đời sống bình thường và chương trình hành động, như bất ổn, bệnh tật, sự bắt buộc hủy bỏ du ngoại, hoặc điện thoại reo khi đang nghe chương trình radio yêu thích. Y khoa đã minh chứng rằng căng thẳng và lo lắng thường gây tai nạn gẫy xương cho người ta hơn là những ai có lương tâm trong sạch và mục tiêu thánh thiện. Một số đàn ông, đàn bà phàn nàn rằng, không bao giờ được nghỉ ngơi, rằng thế giới là kẻ thù của mình, rằng họ chỉ có vận xấu. Những người phục tùng thánh ý Chúa không khi nào thốt ra những lời than phiền như vậy. Bất cứ điều chi xảy ra, họ đều hài lòng đón nhận.
Sự khác nhau giữa những người không bao giờ được nghỉ và những người biến giây phút hiện tại thành cơ hội để tạ ơn Thiên Chúa là như thế này: Hạng người sau sống trong môi trường tình yêu rộng lớn hơn là ước muốn theo ý riêng mình. Như một đứa trẻ lang thang chịu nhiều bất hạnh hơn đứa trẻ trong gia đình ấm cúng, cũng vậy kẻ không học biết đặt tin cậy vào Thiên Chúa gặp nhiều nghịch cảnh và hoạn nạn hơn những linh hồn yêu mến Chúa. Xem ra Thiên Chúa không tỏ mình ra ngang bằng cho mọi tạo vật. Người tỏ mình ra nhiều hơn cho những ai biến mọi sự thành niềm vui. Điều này không có nghĩa Ngài thiên vị, nhưng chỉ có nghĩa việc Ngài tỏ mình ra cho một số tâm hồn dưới những điều kiện không tốt là điều Ngài không thực hiện được. Tựa như ánh sáng mặt trời không thiên vị ai, nhưng không thể chiếu vào tấm gương bụi bặm và tấm gương trong sạch giống nhau. Trong trật tự thiêng liêng không có chi ngẫu nhiên, không có sự tranh đấu giữa các lực mù quáng để làm đau đớn chúng ta một cách tình cờ.
Tình yêu coi người mình yêu là đương nhiên và đón nhận mọi sự cuộc đời ban tặng, không cần mặc cả. Nhưng nó có thể được đối xử hoặc như một đồ cổ không cần săn sóc hoặc như bông hoa cần tưới tỉa. Tình yêu có thể quá ích kỷ đến nỗi không biết đến quyền lợi của kẻ khác và kéo chúng ta xuống thấp đến độ chỉ còn là sự trao đổi giữa những bản ngã. Tình yêu cần liên tục lan toả tới tha nhân gọi là tính ly tâm, tức luôn tìm kiếm tăng trưởng, đào tạo các bản ngã vị tha hơn. Tình yêu Thiên Chúa không thể tách rời yêu mến tha nhân. Lời nói yêu tha nhân, phải được chuyển dịch thành hành động và phải vượt ra ngoài ranh giới gia đình. Những nhu cầu của hàng xóm, láng giềng có khi rất cấp thiết đến độ chúng ta phải hy sinh lợi ích riêng của mình, tình yêu không lan rộng tới tha nhân sẽ chết ngay trong trứng nước vì tính ích kỷ của mình.
Đức Mẹ đã vâng theo định luật thứ ba của tình yêu. Ngay cả khi còn mang thai, Ngài đã thăm viếng bà Elizabeth, ba tháng sau thụ thai. Từ thời ấy đến nay không ai vỗ ngực khoe mình yêu mến Thiên Chúa mà không yêu mến tha nhân. Đức Maria vội vã băng qua núi đồi để thăm viếng bà chị họ. Đức Mẹ hiện diện khi thánh Gioan sinh ra, Đức Mẹ dự tiệc cưới Cana, và đứng dưới chân thánh giá khi Chúa chịu chết. Ba giây phút lớn nhất của đời người láng giềng. Vừa khi nghe thiên thần báo tin, người trinh nữ đã cất bước lên đường thăm chị họ đang có nhu cầu. Phụ nữ được phụ nữ khác giúp đỡ là tốt đẹp cực kỳ. Và người đàn bà mang Chúa Cứu Thế đến, đã tỏa ra một phép màu lạ lùng trên người chị họ, đến nỗi Gioan tẩy giả phải nhảy mừng trong dạ mẹ. Việc cưu mang Chúa Kitô không miễn trừ phục vụ Ngài. Ngôi Hai đến với Đức Mẹ không phải vì một mình Đức Mẹ mà thôi, nhưng còn cho cả nhân loại nữa. Như vậy tình yêu mến có tính xã hội. Nếu không, nó chẳng còn là tình yêu nữa.
Sự thánh thiện không chỉ là từ bỏ, đầu hàng hay thua thiệt điều chi đó vì Chúa Kitô, nó còn là vấn đề “trao đổi”. Chúa Giêsu đã chẳng bao giờ nói rằng yêu thế gian là sai trái. Ngài chỉ nói nó là một mất mát, bởi vì “lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn thì được ích chi?” Sự trao đổi đặt nền tảng trên sự kiện có hai vật trao đổi. Trước hết, những sự vật mà ta có thể thiếu. Thứ hai, những sự vật mà ta không thể thiếu. Tôi vẫn sống mà không cần đồng mười xu, nhưng tôi không thể sống mà không có bánh mì mà đồng mười xu mua được bánh mì. Vì vậy tôi trao đổi mười xu lấy bánh mì. Trong thế giới thiêng liêng cũng vậy, tôi khám phá ra rằng khi biết Chúa Giêsu, tôi có thể sống mà không cần nhiều thứ. Thí dụ tội lỗi. Nhưng tôi không sống siêu nhiên được nếu không có ơn thánh của Ngài, vì vậy tôi trao đổi cái này lấy cái kia. Khi đã biết Ngài hơn, tôi lại thấy mình không cần các vui thú vô tội, mà cần rước lễ mỗi ngày, tôi đã trao đổi điều này với điều khác. Khi tôi thân thiết với Ngài thẳm sâu hơn thì là lúc tôi chẳng cần của cải thế gian nữa, nhưng lại rất cần sự giàu có của ơn thánh Ngài. Như vậy tôi đã trao đổi cái này lấy cái khác. Và đó là lời khấn khó nghèo. Tôi khám phá hơn nữa mình có thể sống không cần vui sướng xác thịt, nhưng không thể sống vắng bóng niềm vui tinh thần của Chúa Giêsu. Tôi đã trao đổi điều này lấy thứ khác. Đó là lời khấn khiết tịnh. Tôi còn khám phá mình vẫn có thể sống rất tốt mà không cần ý riêng, nhưng cần thánh Ý của Ngài, tôi trao đổi ý tôi lấy Ý Ngài. Đó là lời khấn vâng lời. Cứ như vậy các thánh đã thường xuyên trao đổi giá trị này lấy giá trị khác. Trong việc làm cho mình nghèo, họ trở nên giàu có, làm cho mình lệ thuộc, họ trở nên tự do. Sự cuốn hút của trái đất nhẹ đi, thì sự lôi cuốn của trăng sao trở nên mạnh mẽ hơn. Cho đến cuối cùng chẳng còn chi để trao đổi nữa và thánh Phaolô kêu lên: “Đối với tôi chết là một mối lợi”. Bởi lẽ sự trao đổi cuối cùng là chiếm hữu Chúa Kitô trong đời sống vĩnh cửu.
Cho nên thánh thiện là từ bỏ thế gian, trao đổi thế gian với Thần linh, sự thánh thiện là tiếp tục trao đổi cao cả đó, tức màu nhiệm Nhập Thể. Chúa Giêsu nói với nhân loại: “Bạn cho Ta nhân tính của bạn, Ta sẽ cho bạn thần tính của Ta; bạn cho Ta thời gian của bạn, Ta sẽ tặng bạn đời đời của Ta, bạn đưa cho Ta giới hạn của mình, Ta sẽ ban cho quyền năng vô biên, bạn đưa Ta kiếp nô lệ của bạn, Ta sẽ đưa bạn tự do, bạn cho ta sự chết, Ta sẽ tặng bạn đời sống vĩnh hằng, bạn đưa cho Ta tính hư vô, Ta sẽ ban cho mọi sự của Ta”. Và tư tưởng an ủi qua tất cả quá trình này là chẳng cần nhiều thời gian để nên thánh, chỉ cần tình yêu mà thôi.
Trong vui mừng hoặc trong sầu khổ, mọi trái tim đều cần ai đó bỏ công việc mình để lắng nghe nỗi niềm riêng của nó, đều cần ai đó ngưng các bận rộn để mang lấy gánh nặng của nó. Những người bất hạnh nhất là những kẻ khóc thầm trong yên lặng, chẳng tìm được ai lau khô nước mắt cho mình. Trên thế gian này biết bao người đàn ông, đàn bà vì tội lỗi đã tách rời khỏi tha nhân. Trong thâm tâm họ cảm nghiệm nhu cầu cấp thiết được an ủi và hướng dẫn. Trong các thành phố của chúng ta đầy rẫy các linh hồn liên tục than vãn: “Tôi có thể làm chi bây giờ?”. Tòa giải tội là câu trả lời hay nhất cho họ và cho hàng triệu triệu con người khác, khao khát đựơc tha thứ và thông cảm như Chúa Giêsu đã tha thứ và cảm thông cho Phêrô yếu đuối, cho Maria Macđala đa tình.
Hơn nữa, để bênh vực ích lợi của việc ăn năn thú lỗi, kinh nghiệm và lịch sử đã chẳng cho chúng ta hay: Việc nhận tội thành thật có giá trị sửa chữa đấy sao? Mọi người đều nhận ra trong thú nhận tự phát có phẩm chất đền tội và công trạng tha thứ. Chỉ có tình cảm duy nhất bao trùm điều này - từ một người mẹ yêu cầu con thú tội bằng cách dỗ ngọt “cứ nói cho mẹ hay, mẹ không đánh con đâu - đến giáo dục trong các trường học, khi người ta khuyến khích: bạn nào đã phạm lỗi nên đủ danh dự đứng dậy và thú nhận lỗi của mình - cho đến tòa án hỏi các bị cáo trong hàng ghế - tình cảm duy nhất đó là kiềm chế hình phạt khi phạm nhân đã thú lỗi.
Như vậy, nếu một phạm nhân được tha thứ trên bình diện khiêm tốn nhận tội, thì tại sao Thiên Chúa không hành xử tương tự trên cùng điều kiện? Đó là chính điều Chúa Giêsu đã làm! Ngài đã dùng sự thú tội chân thành mà nâng lên hàng Bí Tích. Sự thú tội thuộc phạm vi nhân loại, nhưng Chúa Giêsu đã thần thánh hóa nó. Điều là tự nhiên, Thiên Chúa làm cho siêu nhiên. Cái là điều kiện cần thiết để được tha thứ, tức xưng thú lỗi lầm, thì cũng là điều kiện để Thiên Chúa phép tắc vô cùng thứ tha trong Bí Tích của lòng xót thương. Cho nên với sự dịu dàng vô cùng đó mà Ngài kể câu truyện “Người con hoang đàng”. Hắn trở về với Cha, xưng thú tội lỗi và đã được ban thưởng cái ôm hôn thắm thiết. Đó là sự diễn tả nỗi vui mừng của Thiên Chúa khi các tội nhân hối cải. Bởi lẽ, “Thiên đàng mừng vui hoan hỷ vì một tội nhân hối cải, hơn chín mươi chín người công chính không cần ăn năn.”
Các thánh luôn có tinh thần hài hước. Tôi không muốn nói chỉ các Đấng đã được tôn vinh, mà toàn thể đạo binh đông đảo các tín hữu chân thật mà mỗi sự kiện, mỗi biến cố của họ nói lên tình yêu Thiên Chúa. Một vị thánh có thể được định nghĩa như sau: Người có tính hài hước thần linh. Vì lẽ chẳng có đấng nào nghiêm túc coi đời này là chỗ ở vĩnh viễn. Đối với họ, thế giới chỉ như dàn giáo thợ xây, khi đã leo được lên trời rồi và khi mọi người đã làm như vậy, thì gỡ bỏ và đốt đi. Chẳng phải vì nó hèn hạ, nhưng vì nó làm xong vai trò của mình - tức là đem hết mọi linh hồn lên cùng Chúa. Đấng thánh là người nhìn qua thế gian này, coi nó như viện giáo dục để tới nước thiên đàng và là viên đá quá độ về nhà Thiên Chúa. Đấng thánh là người coi mọi sự trên thế gian này đều là Bí Tích. Theo nghĩa hẹp thì chỉ có bảy Bí tích, nhưng theo nghĩa rộng, cái gì cũng là Bí tích, bởi cái chi trên thế giới cũng có thể dùng như phương tiện thánh hóa con người. Đấng thánh là người không bao giờ phàn nàn về bổn phận trong cuộc sống, bởi qúa biết rằng toàn thể thế giới chỉ là một sân khấu và mọi người dù nam hay nữ chỉ là diễn viên. Vậy thì tại sao kẻ đóng vai vua quan, triều thiên, mũ giấy, gươm đao tre nứa, lại coi mìmh cao trọng hơn kẻ đóng vai dân quê? Bởi lẽ khi hạ màn xuống thì tất cả phàm nhân như nhau! Lại nữa, tại sao có kẻ nhờ vận hên mà giàu có, vinh hiển, lại tin thật rằng mình tốt đẹp hơn kẻ chẳng may dốt nát, nghèo hèn? Tại sao hắn lại vênh vang với triều thiên giả, đao kiếm giả và hành xử như thể khôn khéo hơn những nhân vật giữ vai trò thấp hèn hơn trong tấn trò đời? Vì khi đến ngày tận thế, chiếc màn buông xuống, khi chúng ta phải trả lời trước tòa án xét xử, chúng ta sẽ chẳng phải trả lời về vai trò mình đã đóng trong vở kịch mà chỉ về mình đã đóng ra sao tốt hay xấu trong những vai chỉ định cho mình?
Như vậy, đấng thánh là những người biết thiêng liêng hóa, bí tích hóa và thăng hoa mọi sự trên trần gian, biến chúng thành lời cầu nguyện. Chẳng có công việc nào qúa hèn hạ đến độ không thiêng liêng hóa được. Chẳng có sinh hoạt nào tồi tệ đến độ không cao thượng hóa được! Chỉ những ai không chịu phát triển cảm tính thiêng liêng mới để các cơ hội hàng ngày qua đi vô ích, không biến nó thành lời cầu nguyện hoặc rút ra các bài học bổ ích. Theo một câu truyện truyền khẩu thì vài thế kỷ trước ở đường phố thành Florence, Ý Đại Lợi, có một phiến đá hoa cương tuyệt đẹp thuộc loại Carrara, một nghệ sĩ tầm thường nào đó đã kéo nó về bỏ hoang. Các nghệ sĩ khác đi qua và phàn nàn về sự hoang phế của nó. Một hôm ông Michel Angelo đi qua và thuê kéo về phòng điêu khắc của ông. Với cái đục, tài năng, cảm hứng và kiên nhẫn, ông đã tạc nên pho tượng vua Đavid ngày nay. Bài học trong câu truyện này là chẳng có chi trên đời hèn hạ hay tồi tàn đến độ không được công nhận, rằng chẳng có bổn phận nào bé nhỏ đến độ không đáng nâng lên bậc thánh thiện, chẳng có chi trên đời qúa thấp hèn đến độ không đẩy cao lên được.
Có một giọt nước lã nằm giữa đường phố lầy lội bẩn thỉu và ô tù. Trên mây cao một tia nắng trông thấy, nó chiếu xuống mặt nước làm cho giọt nước lung linh, run rẩy và bốc hơi với sự sống và hy vọng. Nó nâng giọt nước lên cao, lên cao tận mây xanh. Rồi một ngày kia biến nó thành các bông tuyết, rơi xuống đỉnh núi lấp lánh muôn hồng nghìn tía, đẹp tuyệt vời. Đời sống chúng ta cũng giống như vậy - thấp hèn, dơ bẩn, tội lỗi, tầm thường - ở thế gian này vẫn có thể được cao thượng hóa, tinh thần hóa, bí tích hóa, nếu chúng ta áp dụng cho nó tinh thần của Đấng nhìn thấy trong muối có lòng nhiệt thành truyền giáo, nếu chúng ta đổ vào nó những chất lửa mà ngọn lửa tình yêu sẽ biến thành kim cương, nếu chúng ta biết mang cho nó phấn khởi của Chúa Giêsu Đấng chiến thắng thần chết và ban cho nhân loại được sống đời đời.
Và khi thực hiện được như vậy rồi, chúng ta sẽ hiểu tại sao Ngài đến thế giới để dạy chúng ta ý nghĩa lành thánh của khôi hài. Ngài bày tỏ cho chúng ta biết quyền năng của Ngài, sự khôn ngoan của Ngài, lòng tử tế chan hoà của Ngài, sự tha thứ của Ngài, quyền phép của Ngài trên vũ trụ, kiến thức của Ngài trong linh hồn người ta. Nhưng có một điều Ngài vẫn giữ lại, có một điều Ngài dành riêng cho những ai không coi cuộc đời này là nghiêm túc, có một điều Ngài chừa lại cho Thiên Cung, có một điều Ngài dành riêng cho những ai, như các thánh và thi sĩ, sở hữu cảm quan tinh tế về khôi hài, có một điều làm cho Thiên đàng là Thiên đàng mà Ngài giữ lại, đó là nụ cười.
Mọi sự xảy ra trên thế gian đều đã được Ngài dự liệu và biết trước từ đời đời, hoặc là do Ngài muốn, hoặc là do Ngài ban phép. Kiến thức của Ngài không tăng trưởng như của chúng ta, tức từ ngu dốt tới hiểu biết. Mùa thu không bắt gặp Ngài ngái ngủ, Ngài không phải là khoa học gia, nhưng chính là khoa học, Ngài hiểu biết mọi sự, nhưng không học từ kinh nghiệm. Ngài không nhìn xuống bạn từ thiên giới, như chúng ta nhìn xuống một tổ kiến, nhìn bạn ra vào nhà hoặc đi làm việc, rồi nói với một thiên thần, thơ ký của Ngài, ghi chép những lời không tử tế bạn nói với đứa bé bán hàng tạp hóa.
Tại sao chúng ta phải luôn nghĩ Thiên Chúa coi xem những việc xấu chúng ta làm mà không phải việc tốt? Ngài không hề ghi sổ sách việc làm của chúng ta. Chính bạn giữ sổ sách, lương tâm bạn làm chứng cho bạn. Ngài chỉ cần nhìn vào chính mình để hiểu biết mọi sự. Ngài biết hết trước khi chúng xảy ra.
Một kiến trúc sư có thể nói trước trong nhà bạn sắp xây có bao nhiêu phòng ốc và kích cỡ chính xác mỗi phòng bạn dự định xây, bởi vì ông ta là nguyên nhân xây nên cái nhà. Cũng vậy Thiên Chúa là căn nguyên tồn tại của hết mọi tạo vật và biến cố, Ngài biết rõ chúng trước khi chúng xẩy ra.
Giống như cuộn phim chứa đựng cả câu truyện được triển khai trên sân khấu lịch sử, Thiên Chúa đã thấu rõ tất cả những khả năng phát triển của nó như những bán kính toả ra từ tâm điểm của một hoàn cảnh. Vì vậy Ngài hiểu biết tất cả mọi phương hướng mà trái tim con người có thể vươn tới.
Nhưng xin đừng nghĩ Ngài biết hết mọi sự, cho nên Ngài tiền định mọi sự cho bạn, lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục độc lập với tội phúc của bạn mà không tính đến tự do của bạn.
Xin nhớ trong Thiên Chúa, không có tương lai, hoàn toàn là hiện tại. Ngài biết mọi sự không theo tiến trình thời gian trước sau. Nhưng hiện tại đời đời, nghĩa là tất cả một trật. Kiến thức của Ngài về việc bạn hành động trong một hoàn cảnh riêng nào đó không phải là nguyên nhân gây nên cho bạn hành động. Cũng giống như kiến thức biết ngồi biết đứng của bạn là nguyên nhân trực tiếp gây nên việc bạn ngồi xuống hay đứng lên khi bạn muốn làm như vậy.
Rất có thể Đức Maria từ chối chức vụ làm mẹ Đức Chúa Trời. Cũng có thể Giuđa chống lại cám dỗ phản bội Chúa và thật lòng ăn năn. Sự kiện Thiên Chúa biết họ, mỗi vị làm gì, không ảnh hưởng vào việc họ đã hành động như vậy. Bởi lẽ bạn tự do, cho nên bạn có thể đi ngược với thánh ý Chúa. Nếu một bác sĩ biết rằng bạn cần giải phẫu để tìm lại sức khỏe, mà bạn không chịu giải phẫu, rồi chết, bạn không đổ lỗi cho ông ta được, ý chí tự do hoặc cộng tác hoặc nổi loạn chống lại tiền định. Không “vượt” qua tiền định.
Bởi lẽ, nơi Thiên Chúa không có tương lai cho nên biết trước không phải là gây nên biến cố. Bạn biết rõ thị trường chứng khoán và nhờ sự khôn ngoan, bạn tính toán chứng khoán nào có lợi, sẽ bán được năm mươi điểm trong ba tháng. Ba tháng đạt 50 điểm, liệu bạn gây cho chứng khoán đạt 50 không hay chỉ biết trước?
Thí dụ khác: Bạn đứng trên mội tháp cao nhìn xuống, từ xa một người đàn ông đang tiến đến ngọn tháp. Ông ta không biết trước địa hình, còn bạn biết rõ rằng để đến tháp ông ta phải băng qua một cái hào, lội qua cái ao, vượt các bụi rậm, trèo một ngọn đồi. Bạn thấy hết, nhưng kiến thức của bạn đâu có giúp ông ta vượt khó khăn? Người lái tàu tự do lái con tàu nhưng ông ta không tự do lái con sóng, ngọn gió.
Thiên Chúa ban cho chúng ta khả năng hành động. Nhưng Ngài để chúng ta tự do sử dụng khả năng đó, vậy thì tại sao lại đổ lỗi cho Ngài khi chúng ta lạm dụng tự do ấy? Thiên Chúa sẽ chẳng phá hủy tự do của chúng ta. Hỏa ngục là chứng tá muôn đời việc chúng ta tự do nổi loạn. Nói cách khác, khả năng tự biến mình thành những kẻ điên khùng.
Câu chuyện sau đây minh họa tính ngụy biện của tiền định mà không có tự do. Ở thời còn là thuộc địa, có một bà vợ tin tưởng tuyệt đối vào một loại tiền định nào đó, đến nỗi loài người không còn chút tự do nào cả. Chồng bà, trái lại không hề chia sẻ sự ngu xuẩn của vợ. Một hôm ông ta đi chợ, nhưng mấy phút sau trở lại tìm khẩu súng mang theo. Người vợ nói hoặc là Thiên Chúa tiền định cho anh bị bắn, hoặc là không. Nếu Ngài tiền định cho anh phải chết, thì khẩu súng của anh chẳng ích lợi gì, nếu anh không bị tiền định như thế, thì anh mang súng làm chi? Người chồng trả lời: Giả như anh bị tiền định thổ dân bắn chết vì không có súng bảo vệ. Người chồng có lý. Vì nó khơi lên tự do của con người, chúng ta tự làm chủ lấy mình, chịu trách nhiệm về mình. Còn những kẻ hỏi: “Nếu biết tôi mất linh hồn, tại sao Thiên Chúa còn dựng nên tôi?” Xin trả lời: “Thiên Chúa không làm mất linh hồn bạn, chính bạn tự làm mất linh hồn”. Vũ trụ này có tính luân lý, và do đó có điều kiện: “Này ta đứng ngoài cửa mà gõ”. Thiên Chúa gõ, Ngài không phá cửa, chiếc then cài ở bên phía bạn, không ở bên phía Chúa.
Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy ra, vì điều tốt hơn hiện trạng, liên hệ tới tình yêu của Ngài và của phần rỗi các linh hồn. Việc Ngài cho phép sự dữ thì Kinh Thánh nói tới mạnh mẽ: Thiên Chúa không dung tha Con Một của Ngài, nhưng đã trao nộp vì mọi người: (Rm 8,32). Chúa Giêsu nói với Giuđa “Này giờ của anh”(Lc 22,23). Sự dữ như vậy có giờ của nó, tất cả hắn có thể làm trong giờ đó là dập tắt Ánh Sáng của thế gian, nhưng Thiên Chúa có ngày tháng của Ngài.
Sự dữ của thế gian không tách khỏi tự do của nhân loại và phá hủy sự dữ của thế giới là phá hủy tự do của loài người. Chắc chắn chẳng ai muốn trả cái giá đắt như vậy, nhất là Thiên Chúa chẳng bao giờ cho phép sự dữ trừ phi để Ngài rút ra điều chi tốt lành. Chúa có thể rút điều lành ra khỏi sự dữ bởi vì khả năng làm dữ là của chúng ta, nhưng kết qủa của việc dữ lại không thuộc quyền chúng ta. Do đó, nó ở trong tay Đức Chúa Trời. Bạn được tự do phá hủy luật hấp dẫn tự nhiên, nhưng bạn không điều khiển được hiệu qủa của việc buông mình xuống từ tháp cao! (không trọng lực).
Anh em ông Giuse được tự do ném ông xuống giếng cạn. Nhưng từ đấy ông lại ở trong tay Thiên Chúa. Sau này ông đã nói như vậy với các anh em: “Anh em đã làm điều ấy vì ý xấu, nhưng Đức Chúa Trời lại muốn khác”. Các lý hình tự do đóng đanh Chúa vào thập tự, Giuđa tự do phản bội Chúa, các quan tòa tự do kết án Chúa bất công. Nhưng họ không thể ngăn cản kết qủa của việc xấu họ làm, tức việc đóng đinh Đức Giêsu được Thiên Chúa sử dụng như phương tiện cứu rỗi nhân loại.
Thánh Phêrô nói tới việc đó như sự xấu Thiên Chúa biết tới và cho phép: “Đức Giêsu Nazareth là Người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em, và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép màu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em, chính anh em biết điều đó. Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước. Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết vì cái chết không tài nào khống chế Ngài được mãi” (Cv 2,22).
Nhưng sự dữ mà Thiên Chúa cho phép không thể lượng định bằng hậu qủa tức thời, mà bằng kết qủa cuối cùng. Khi bạn đi xem hát, bạn không ra khỏi rạp chỉ vì người tốt chịu đau khổ ngay từ màn đầu, bạn để cơ hội cho tác giả vở kịch trình bày toàn câu truyện. Tại sao bạn lại từ chối Thiên Chúa tâm lý đó?
Xin lấy lại minh họa ở trên, con chuột trong chiếc dương cầm. Nó chẳng hiểu được tại sao mình lại bị quấy rầy, đang khi gậm nhấm các phím đàn, bởi những tiếng động ma quái. Cũng vậy trí khôn nhỏ bé của chúng ta làm thế nào hiểu hết chương trình của Thiên Chúa? Bà Marta chẳng thể nào học được tại sao Lazarô phải chết? Nhất là em bà lại là bạn thân nghĩa với Chúa! Nhưng Thiên Chúa tỏ hiện vinh quang khi em bà từ cõi chết sống lại! Sự giết hại các hài nhi ở Belem có lẽ là để sau này chúng khỏi vào hùa với đồng bào mà kêu xin giết Chúa Giê-su.
Chúng ta phải vắt kiệt năng lực để làm tròn thánh ý Chúa, như Hội Thánh tỏ bày cho mình: Mười giới răn, các bề trên hợp pháp, những bổn phận đời sống. Mọi sự khác ngoài quyền năng chúng ta điều khiển nên phó thác và đầu hàng thánh ý Ngài.
Xin lưu ý đến sự khác nhau giữa hai cụm từ: Bên trong quyền năng và bên ngoài quyền năng chúng ta. Không có chủ nghĩa định mệnh ở đây. Một vài điều nằm dưới quyền điều khiển của chúng ta. Chúng ta không giống như người đi trên mạn thuyền nguy hiểm trong cơn bão táp rồi nói: “Tôi là kẻ theo thuyết định mệnh, tôi tin rằng khi số phận đến, chúng ta chẳng có thể làm gì nổi”. Có nhiều sự thâm thuý trong câu nói sau đây của vị mục sư da đen: “Đôi lúc trong cuộc đời, bạn húc đầu vào bức tường gạch. Rồi nói nếu Chúa muốn, bạn sẽ đi qua được, bởi việc mở lối là tuỳ ở Ngài”.
Bây giờ, chúng ta bàn về những sự việc ở ngoài quyền năng mỗi người: Thí dụ đau ốm, tai nạn, đụng xe, kẹt ngón chân tay, cãi nhau, đi chơi gặp mưa, thân nhân qua đời trong ngày cưới, cảm cúm ngày nghỉ hè, mất ví, viên long não trong túi áo vét. Thiên Chúa có thể ngăn cản những điều này, Ngài có thể làm bạn hết đau đầu, tránh cho con bạn viên đạn quái ác, báo trước chuột rút khi đang bơi, giết bọ chét, vi khuẩn gây bệnh cho bạn. Nếu Ngài không làm là vì lý do nào khác cao hơn. Do vậy, chúng ta nên nói: “Xin vâng theo thánh ý Chúa”.
Nếu bạn nói với cộng đồng sắc tộc Erin: Hôm nay trời xấu qúa, thì chín trong mười lần trả lời, hắn ta sẽ nói: “Nó là một ngày tốt để cứu linh hồn, trong mắt Thiên Chúa chẳng bao giờ có thời tiết xấu, chỉ cần quần áo tốt”. Xin đừng nghĩ Thiên Chúa tốt lành vì bạn có nhiều tiền gởi ngân hàng. Đấng quan phòng không phải là thủ quỹ ngân hàng, sự thánh thiện hệ tại chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra theo thánh ý Chúa và tạ ơn Ngài về ân huệ đó: “Không phải bất cứ ai nói: lạy Chúa, lạy Chúa là vào nước trời cả đâu, mà chỉ những ai làm theo thánh ý Cha ta Đấng ngự trên trời mới được vào nước Thiên Chúa mà thôi” (Mt 7,23).
Xin đừng mất kiên nhẫn với Thiên Chúa, bởi Ngài không lập tức trả lời những cầu xin của bạn. Chúng ta luôn vội vàng, Thiên Chúa thì không. Có lẽ đây là một trong các lý do người Hoa Kỳ không thích thành Roma, vì nghe rằng người ta không xây nó trong một ngày. Những điều xấu thường được thực hiện rất nhanh chóng, Chúa nói với Giuđa: “Anh dự tính làm gì thì làm mau đi” (Ga 12,28). Ở ý nghĩa nào đó, không có lời cầu nguyện nào mà Thiên Chúa bỏ qua. Liệu trên thế gian này có người cha nào từ chối con cái, khi nó xin món quà không tốt? Ông ta sẽ ôm nó lên và ban cho nó cái hôn âu yếm khiến nó quên bẵng điều nó xin: Mỗi giây phút đến với bạn đều trĩu nặng dự tính thiêng liêng. Thời gian qủa thật rất qúy báu đến nỗi Thiên Chúa tính từng giây từng phút. Một khi nó rời khỏi tay bạn và quyền của bạn dùng nó, thì trôi vào đời đời và ở đó mãi mãi như bạn đã làm nên nó.
Đúng là mỗi khoa học gia sở hữu quyền điều khiển thiên nhiên khi khiêm tốn ngồi trước các sự kiện của thiên nhiên và ngoan ngoãn nghe theo nó dạy dỗ? Giống như vậy, đầu hàng Thiên Chúa và mọi sự sẽ thuộc về bạn! Một trong các nghịch lý của việc tạo dựng là chúng ta sẽ được điều khiển vũ trụ khi tùng phục nó. Như vậy bạn sẽ học được hưởng lợi từ bất lợi. Vậy các khuyết tật của bạn không phải là lý do tuyệt vọng, nhưng là điểm khởi hành của chân trời mới. Khi rơi vào hoàn cảnh ngoài sự kiểm soát của bạn, hãy làm cho nó trở nên hoàn cảnh sáng tạo của bình an, bằng cách tuân phục thánh ý Chúa. Thánh Phaolo viết từ nhà tù: “Anh em đừng quên rằng tôi đang mang xiềng xích. Bình an của Thiên Chúa ở với anh em” (Cl 4,18). Trường hợp người khác, sẽ viết: “Tôi đang ở tù. Xin Thiên Chúa xuống ơn cho tôi”.
Đừng để hoàn cảnh điều khiển bạn, bạn phải điều khiển hoàn cảnh. Hãy làm chi đối với nó, ngay sự giận dỗi cuộc đời cũng có thể là viên đá lót lối cho bạn được cứu rỗi, con sò làm nên ngọc trai khi có một hạt cát lọt vào trong vỏ, kích thích nó. Hãy ngưng phàn nàn về bất hạnh và đau khổ của bạn. Tạ ơn Thiên Chúa về chúng. Hãy dâng lời cảm tạ khi có điều chi nghịch lại ý muốn của chúng ta, và rồi sẽ có hàng nghìn lời tạ ơn khi việc tuân theo ý muốn chúng ta. Thánh Phaolô viết: “Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha” (Ep 5, 20). Thiên Chúa chẳng bao giờ muốn người ta ghét bạn. Nhưng Ngài muốn sự khiêm tốn của bạn. Mọi việc có thể xảy ra ngược ý bạn. Nhưng ngoại trừ tội lỗi, không có gì chống lại ý Thiên Chúa. Khi một người đến báo cho ông Gióp quân Sabean đã đến cướp tài sản và giết chết các con ông. Gióp trả lời: Đức chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng danh Đức Chúa” (G 1,20).
Khi ai đó nói với bạn: Anh thế nào? (How are you?) Thì đó không phải là câu hỏi, mà là lời chào. Nếu bạn tín thác vào Thiên Chúa và tùng phục Thánh Ý Người, bạn sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc. Bởi lẽ “Đối với những ai yêu mến Thiên Chúa, mọi sự đều sinh lợi cho họ” (Rm: 8,28). Bất cứ điều chi xảy đến cho người công chính, cũng không làm cho ông buồn” (Châm ngôn: 12,21). Vậy thì mất can đảm là hình thức của kiêu căng. Buồn sầu do ích kỷ gây nên. Nếu bạn ước ao Thánh Ý Thiên Chúa, bạn luôn được thỏa mãn. Nếu bạn ước ao cái chi, bạn chẳng được hạnh phúc trước khi có nó, và khi có rỗi bạn lại không cảm thấy thích nó. Đó là lý do hôm nay bạn hoan hỷ, ngày mai bạn buồn rầu.
Cho nên chúng ta chẳng bao giờ hạnh phúc nếu phải lệ thuộc vào những điều chóng qua. Hãy thay đổi tiêu điểm, lo liệu một trung tâm mới, yêu thích những chi Thiên Chúa yêu thích. Khi ấy không ai tước mất hạnh phúc của bạn: “Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thày sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của anh em không ai lấy mất được. Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thày gì nữa. Thật, Thày bảo thật anh em, anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thày. Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thày. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16,22).
Đừng sợ hãi, “Vì đây là ý muốn của Thiên Chúa, sự thánh thiện của anh em” (1 Thes 4,3). Xin đừng nghĩ nếu bạn mạnh khỏe, bạn có thể làm nhiều việc lành hơn, nếu bạn có nhiều tiền bạn sẽ rộng rãi hơn, hoặc ở cương vị khác bạn sẽ thi hành nhiều khả năng của điều thiện hơn. Điều quan trọng không phải chúng ta là gì, hoặc chúng ta làm chi, nhưng là chúng ta thực thi Thánh Ý Chúa. Đừng tín thác vào Thiên Chúa chỉ bởi lẽ công nghiệp của bạn, Ngài yêu mến bạn, bất chấp sự thấp hèn của bạn. Tình yêu của Ngài biến đổi bạn nên tốt lành hơn, chứ không phải tình trạng tốt đẹp của bạn, mà làm Ngài yêu thích bạn. Hàng ngày hãy năng tâm nguyện: “Thiên Chúa yêu tôi, Ngài luôn bênh vực tôi, Ngài luôn ở bên tôi”.
Cuối cùng hãy vững tin rằng thái độ của Thiên Chúa đối với bạn luôn là kiệt tác của tình yêu và thiên vị. Đừng bao giờ như một đứa trẻ, muốn giúp đỡ cha mình sửa chữa chiếc xe hơi trước khi được huấn luyện làm việc ấy. Hãy để Thiên Chúa có cơ hội thương yêu bạn, bày tỏ Thánh Ý Ngài muốn dạy dỗ bạn, trong tình cảm mến của Ngài. Hãy vui mừng, tôi nhắc lại hãy vui mừng: “Xin cho Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.