Một số tín hữu đã từng được nghe lời phát biểu của thánh Augustinô: “Hãy cho tôi một người yêu mến và tôi sẽ chỉ cho biết Thiên Chúa là ai”. Những kẻ từng yêu đương đều khát khao kết hợp với người mình yêu. Trong hôn nhân, tình yêu lý tưởng là cả hai trở thành một xác thịt. Trong tôn giáo, tình yêu lý tưởng là kết hợp với Đức Kitô. Chẳng có linh hồn nào yêu mến Chúa Kitô mà không cố gắng kết hợp nên một với Người trong tư tưởng và ước muốn ngay cả thể xác và tâm trí. Nhưng vấn đề là làm thế nào nên một với Chúa Kitô?
Đời sống dương thế của Ngài kết thúc đã hơn 20 thế kỷ nay. Cho nên đối với một số người, Ngài chỉ là khuôn mặt đã ngang qua sân khấu lịch sử loài người như Caesar, Aristote và rồi biến mất không ai trông thấy nữa. Những linh hồn ấy tin rằng con đường duy nhất để kết hiệp với Ngài là đọc sách những người đã viết về Ngài hoặc hát thánh ca, thánh vịnh ngợi khen Ngài hay nghe người ta giảng về đời sống của Ngài.
Cho nên những linh hồn đó nghĩ về Chúa chúng ta như một tôn sư dạy luân lý hay như một người cải cách nhân loại lớn giống như đức Phật hay triết gia Socrates, vì những vị này đã sống, giảng dậy, xây dựng và chết đi, để lại ký ức đẹp đẽ cho người đời. Những trí khôn kém cỏi không mấy khả năng thấu hiểu sẽ nói rằng Chúa chúng ta chỉ là một người “tốt”. Cho phép tôi đưa ra ý kiến là ở điểm này chứng minh ngược lại. Chúa chúng ta như vậy chẳng là “tốt” chút nào. Bởi lẽ người tốt không bao giờ nói dối. Nếu Ngài chẳng phải như Ngài tuyên bố, như các phép lạ chứng tỏ các lời tiên báo của Do thái và dân ngoại về Ngài tức là con Thiên Chúa hằng sống, thì ngài chỉ là người lừa đảo, nói sí gạt chứ không phải là người tốt. Nếu Ngài thực sự không phải là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống thì Ngài là tên phản Kitô. Cho nên Ngài không chỉ là người tốt mà thôi, Ngài còn hơn thế nữa ngàn trùng.
Chúng ta hãy tìm hiểu Chúa Giêsu thực sự là ai? Bắt đầu từ chính bản thân mình. Bạn có khi nào nghĩ mình đã được tạo dựng lạ lùng thế nào chưa? Rằng trong bạn có những điều hữu hình và vô hình. Hữu hình như thân xác có thể sờ mó, nếm ngửi. Vô hình như trí khôn, linh hồn, tư tưởng, tình yêu, ước muốn. Không ai trông thấy cả, nhưng vẫn hoạt động. Như vậy ở ý nghĩa nào đó, linh hồn “nhập thể” vào thân xác. Tức là linh hồn làm cho thân xác sống động và hợp nhất các phần thân thể với nhau. Chuyển sang Đức Kitô, Ngài là Ngôi Vị nhập thể theo đúng nghĩa, không chỉ như linh hồn nhập thể thân xác, mà là Thiên Chúa xuống thế làm người. Ngài cũng có phần trông thấy tức bản tính loài người, có thể sử dụng như một dụng cụ xoa đầu đứa trẻ, đói khát, ước muốn như bao người dương thế khác. Nhưng cũng có phần vô hình. Đó là bản tính thần linh của Ngài. Bản tính ấy cũng không trông thấy được giống như linh hồn mỗi người. Mặc dầu linh hồn hoạt động nhờ thân xác. Thân xác và linh hồn kết hợp với nhau thành một ngôi vị. Bản tính thần linh và bản tính nhân loại cũng kết hợp mật thiết với nhau mà làm nên Ngôi vị Chúa Giêsu, nhưng một cách hoàn hảo vô cùng. Ngôi vị Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Vị Con Một Thiên Chúa hằng sống. Thiên Chúa thật và là người thật.
Như vậy, chúng ta được sửa soạn để đọc lại Phúc âm của thánh Gioan. Ngài kết thúc cuốn sách của mình bằng những lời tóm tắt những chi Chúa đã làm ở trần gian: “Cả thế giới chẳng đủ chỗ chứa hết các sách viết ra về Ngài” (Ga 21,25). Tuy nhiên chúng ta có thể chia các lời nói việc làm khác nhau của Chúa Giêsu ra thành ba khối: Ngài thánh hóa, dậy dỗ và điều hành. Ngài thánh hóa bởi vì Ngài là Đấng Cứu Độ. Dạy dỗ bởi vì Ngài là tôn sư, và điều hành bởi vì Ngài là hoàng đế. Nói cách khác Chúa chúng ta là Tư Tế, Tiên Tri và Vương Đế của toàn thể nhân loại.
Trước hết Ngài là tôn sư dạy dỗ chúng ta. Ngài chính là sự thật, là Thiên Chúa. Như vậy Ngài là sự thật thần linh, tuyệt đối và không thể sai lầm. Ngài tuyên bố công khai: “Ta là sự thật”. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại sự thật đồng hóa với ngôi vị. Từ ngàn xưa đến lúc ấy, và từ lúc ấy về sau, các vị triết gia chỉ có thể nói: “Đây là học thuyết của tôi, đây là hệ thống tư tưởng của Aristote, của Platon, của Karl Max”. Những lý tưởng này dầu sao vẫn ở bên ngoài tác giả chứ không phải là ngôi vị của tác giả. Nói chung nó hoàn toàn có tính chất trừu tượng. Cho nên chẳng ai yêu mến nó, cũng như chẳng ai yêu mến các lý thuyết hình học, toán học, siêu hình. Chân lý phải là một nhân vật để người ta yêu mến, tôn thờ, Chúa Giêsu nói rõ Ngài là chân lý. Chẳng ai dám tuyên bố mình là ngôi vị hóa của sự thật. Đức Phật và các vị khác truyền bá giáo thuyết tách biệt khỏi ngôi vị của mình. Nhưng nơi Chúa Giêsu Chân lý và ngôi vị là một. Không có sự thật nào bên ngoài Chúa Giêsu, Ngài là sự thật. Do đó chẳng ai nói: “Tám mối phúc thật là cốt yếu của giáo lý Chúa Giêsu”, nói như thế là không chính xác. Chẳng có chi được rao giảng, dạy dỗ, đề nghị mà ở bên ngoài ngôi vị Chúa Kitô. Bởi lẽ mọi đường lối, mọi hệ thống đều múc nguồn mạch nơi Chúa Cứu Thế. Bất cứ ai khác chỉ là tín hiệu. Ngài mới là nội dung lãng mạn như tình yêu. Tất cả mọi chân lý, triết học, thần học, khoa học, nghệ thuật, luật khoa đều ở nơi Ngài, Ngài là sự khôn ngoan, Ngài là tất cả vẻ đẹp nghệ thuật, là mọi khoa học. Nơi Ngài là đại học cho mọi môn thánh khoa cũng như phàm tục. Mọi kiến thức tụ xoay quanh Ngài. Tóm lại Ngài là chân lý chúng ta yêu mến.
Liệu bạn thực sự tin rằng chân lý thần linh này đã đến trái đất, rao giảng vài lời rồi để cho gió biển Galilêa thổi bay đi? Thật là nghịch lý khi tin rằng Đấng chỉ viết một lần trong đời, mà lại viết trên cát, Đấng chẳng bảo ai viết, lại có ý định rằng sự thật của Ngài chỉ gồm trong vài trang giấy cho cộng đồng bé nhỏ tín hữu tiên khởi và chỉ cho họ mà thôi, do vài môn đệ hai mươi năm sau khi Ngài chết. Và cũng không thâu thập thành bản văn chính thức cho tới ba trăm năm sau? Cho rằng những sự thật đó là mạc khải và được linh hứng đi nữa, và tôi tin vào nó, tuyên xưng nó, đọc nó hàng ngày. Nhưng cho phép tôi tuyên bố rằng khó mà nghĩ được những sách này chẳng được viết ra cho đến khi Hội Thánh, Thân thể Mầu nhiệm của Ngài, đã được thành hình và lan rộng khắp đế quốc La Mã, sẽ là phương tiện duy nhất truyền bá sự thật. Nếu Ngài không dùng phương tiện ấy bảo đảm vững chắc các chân lý quá thánh thiện, quá cao siêu đến nỗi Ngài phải hy sinh tính mệnh cho chúng, thì người ta có thể cho rằng chúng chẳng đáng giá gì đối với Ngài. Hơn nữa nếu Ngài không kéo dài chân lý cho tới ngày nay, thì có thể qủa quyết Ngài không phải là Thiên Chúa. Cho nên chúng ta phải tin rằng: hoặc là chân lý không sai lầm của Chúa Giêsu Kitô hiện thời đang sống động, đang sẵn sàng cho nhân loại đón nhận. Hoặc Ngài không là Thiên Chúa. Bổn phận chúng ta là tìm ra chân lý thần linh vĩnh cửu ấy. Ôi lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến không phải với sự thật đã chết, mà là với chân lý đang sống, đang thở và đang nói với chúng con và toàn thể loài người trên trái đất này. Chân lý của Thiên Chúa đưa dẫn thế giới từ bóng tối mịt mù tới ánh sáng chói loà. Lạy Chúa xin hãy đến, với sự thật, ngay cả Ngài phải dùng bản tính nhân loại để thông truyền, như Ngài đã không dùng trong những ngày qua.
Thứ hai, Đức Kitô làm đầy đủ chức vụ là vua hay vương đế. Như là vua, Ngài là nguồn mạch mọi quyền bính. Ngoài chức vụ là Thày dạy, là sự thật, Ngài còn nhiệm vụ loan truyền sự thật với thẩm quyền: thẩm quyền ấy là chức vị vương đế của Ngài. Như Con Thiên Chúa Ngài tuyên bố: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thày” (Mt 28,18). Biển và gió phải vâng lời Ngài. Khi Philatô huênh hoang về quyền bính của ông ta có thể tha hoặc kết án Chúa Giêsu (các nhà độc tài thường nói kiểu đó) thì Chúa Giêsu nhắc nhở ông: “Ông chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban cho” (Ga 19,11). Không thể tin được rằng quyền bính này, quyền thay đổi lòng người, thay đổi thế gian lại tắt ngúm với cái chết? Chúng ta đang sống trong một thế giới mà quyền bính giả tạo đòi buộc chúng ta phục tùng, mà ý kiến chung của thiên hạ làm chúng ta choáng váng, mà quyền bính các quốc gia xâm phạm mọi quyền lợi cá nhân, thì chúng ta cần một ai đó nhắc nhở cho các Philatô tân thời biết có một quyền bính ở trên cao. Chúng ta có chán vạn quyền bính nói với chúng ta điều chi là đúng khi thế gian đúng. Nhưng chúng ta cần Chúa Giêsu sống động hôm nay chỉ cho chúng ta điều phải lẽ khi thế gian sai lầm. Ôi lạy Chúa Kitô, xin hãy đến với quyền bính của Ngài. Xin giải phóng chúng con khỏi mọi kìm kẹp, ngay cả phải sử dụng đến bản tính nhân loại lúc này như Chúa không dùng những ngày qua.
Thứ ba, Chúa Kitô Giêsu làm tròn chức vụ tư tế hay Đấng Cứu Chuộc. Vì Ngài là Đấng thánh hóa chúng ta. Khi Ngài sống trên hành tinh này, Ngài chữa lành không những phần xác, mà cả phần hồn. Những người mắc bệnh bại liệt, mù què, Ngài đều cho được bước đi, nhìn thấy ánh sáng, thậm chí kẻ chết được sống lại. Ngài còn tẩy sạch linh hồn, đuổi quỷ dữ ám ảnh người ta. Khi đồng hóa với sự thật, với quyền bính thì Ngài cũng đồng hóa với sự thánh thiện nơi bản thân mình. “Ta là sự sống”. Và sự sống không những thể xác, mà còn thiêng liêng, tinh thần, thánh thiện nữa, Ngài đến trái đất như là mối dây liên kết giữa Thiên Chúa và loài người. Con người thì tội lỗi. Thiên Chúa thánh thiện. Nhưng Người vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, cho nên là trung gian giữa trời và đất. Đây là ý nghĩa của chức vụ Chúa Kitô là tư tế, sự nối kết giữa Thiên Chúa và nhân loại, mang Thiên Chúa đến cho nhân loại và mang nhân loại lên cùng Thiên Chúa.
Thật vô lý khi nghĩ rằng Thiên Chúa đến trần gian để tha thứ, để thánh hóa chúng ta, để nâng chúng ta lên một mức sống cao hơn mà lại để mặc chúng ta hiểu biết một vài trang Kinh thánh, một vài bài hát, khúc ca để đạt tới mức sống thần linh. Liệu các Maria Macđala của đường phố bây giờ có từ chối sự tha thứ mà người phụ nữ thành Macđala ngày xưa bước vào nhà ông Simon với bình thuốc thơm? Liệu những kẻ vô vọng, chán nản, rượu chè, dữ tợn, trác táng mãi mãi sẽ không được thứ tha vì Chúa Kitô quên không kéo dài quyền năng tha thứ của Ngài cho tới ngay nay? Liệu các kẻ nặng chĩu vì qúa khứ hư hỏng không thể gỡ mình ra khỏi nết xấu vì nghĩ rằng Chúa Kitô thuộc về quá khứ không giúp đỡ mình được chi chăng?
Vì lý do này nên một số người nghĩ rằng Chúa chúng ta phải lưu lại trên trái đất, nhưng Thiên Chúa biết rõ hơn. Ngài nói: “Thày ra đi thì có lợi cho anh em hơn, vì nếu Thày có ra đi, thì Đấng bảo trợ mới đến với anh em” (Ga 16,7), để trả lời cho những ai muốn Ngài ở lại mãi mãi trên trái đất. Ý Ngài muốn nói là như thế này. Nếu Ngài ở lại vĩnh viễn thì chúng ta chẳng bao giờ được gần với Ngài hơn là tiếp xúc bên ngoài: nắm tay, ôm hôn, nghe tiếng nói Những cảm giác đó thấp so với sự thân mật Thiên Chúa muốn tỏ ra với các linh hồn. Và các linh hồn khát khao kết hợp với Thiên Chúa. Cho nên Ngài về trời để sai thần trí của Ngài xuống ở với chúng ta luôn mãi thì tốt đẹp hơn nhiều. Lúc ấy Ngài không chỉ là một gương mẫu để chúng ta bắt chước, nhưng còn là sự sống đích thực để chúng ta sống. Tâm trí của Ngài sẽ là tâm trí của chúng ta, đời sống của Ngài là đời sống chúng ta!
Những điều nói trên là chắc chắn. Chúng ta sống xa Ngài tới hơn hai ngàn năm không phải là điều bất hạnh về không gian và thời gian. Hơn nữa hiện lúc này chúng ta có nhu cầu về Ngài hơn bao giờ hết, còn hơn cả các người đồng thời với Ngài. Tôi sẽ nghi ngờ về thần tính của Ngài, nếu Ngài không vượt được cản trở của năm tháng và nơi chốn, mà tưới gội ơn lành cho chúng ta hôm nay. Những ơn mà Ngài đã ban cho cư dân Galilê và Giuđêa cũng phải được sẵn sàng cho London, New York, Matcơva. Cho các người chăn chiên ở Texas cũng như ở Belem. Cho các ngư phủ ở Massachusetts cũng như ở Capharnaum! Nếu Đức Kitô chỉ còn là tưởng niệm về một nhân vật đã sống, chịu khổ nạn và chết, nhân vật bỏ mặc chúng ta mồ côi, thì chúng ta nên quên khuấy đi là hơn. Nếu đạo công giáo chỉ hoài niệm đến một tôn sư đã giảng dạy, cai trị và thánh hóa cách đây hơn hai ngàn năm rồi để lại vài dòng tiểu sử do người khác viết thì chúng ta nên lờ đi càng sớm càng tốt ngõ hầu tìm kiếm một thần thánh khác.
Nhưng Đức Kitô thực sự đang sống, đang hiện diện như Ngài đã nói: “Này đây Thày ở cùng anh em cho đến tận thế”. Vấn đề của chúng ta là làm thế nào tìm ra Ngài? Tìm ra Ngài đang ở đâu hôm nay? Câu trả lời không khó khăn. Chúng ta hãy khởi sự qua sự kiện Ngài dậy dỗ, thánh hóa và cai trị đầu tiên qua bản tính nhân loại của Ngài, được Đức Maria mang thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần Ngài giảng dạy qua thân xác được mẹ Ngài ban cho. Ngài cai trị qua thân xác Đức Mẹ đã dưỡng nuôi. Ngài thánh hóa qua xác phàm Đức Mẹ đã dâng lên Thiên Chúa trên thập tự để cứu chuộc thế gian.
Khi thấu hiểu như vậy, tôi sẽ không ngạc nhiên về những đường lối Ngài tiếp tục sống và hoạt động qua mọi thời gian và không gian. Nói rõ hơn qua một thân thể khác. Thân thể này không còn tính chất vật lý hay xác thân mà Ngài nhận được từ Đức Maria nữa. Nhưng một thân thể xã hội và màu nhiệm mà Ngài lấy từ cung lòng nhân loại cũng được rợp bóng bởi cùng Thánh Thần Chúa. Như vậy, Ngài đã dạy dỗ cai trị, thánh hóa bằng thân xác hữu hình tại Palestine, thì hôm nay Ngài còn tiếp tục hành động như vậy qua một thân xác xã hội là Hội Thánh mà Ngài đổ Thần Khí của mình xuống và vẫn cai trị như thủ cấp của thân thể. Nếu Ngài gởi Thần khí vào thân thể này, nhân loại phải gọi nó là thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô.
Cho nên, khát khao được hiệp nhất với Chúa Kitô không thể thỏa mãn bằng sách vở, bài giảng, thánh thi, thánh vịnh, bài ca, mà còn bằng điều chi căn bản hơn. Nếu chúng ta tin rằng Ngài chỉ là ký ức thì tôi không khát khao Ngài. Tôi biết điều tôi khát khao và điều tôi không khát khao. Tôi không khát khao một sự thật đã chết từ 21 thế kỷ qua. Những điều viết trong các sách của bạn, trong sách triết lý Aristôte, Platon làm thỏa lòng bạn chẳng qua được một tiếng đồng hồ rồi hết. Điều tôi khát khao là một sự thật có lưỡi sống động và linh hoạt. Điều tôi khát khao là một quyền năng và sức mạnh trên tôi. Quyền năng đối xử với thần dân như những chiên cừu yêu dấu mà không uy quyền nào được đổ xuống cho đến khi người thụ hưởng nói với bạn như Phêrô nói với Chúa Giêsu: “Lạy Thày, Thày biết con yêu mến Thày, yêu mến Thày, yêu mến Thày trên hết mọi sự”.
Tôi khao khát trở nên tốt hơn trong ý nghĩa được thánh hóa, chứ không trong ý nghĩa tâm lý. Tâm lý không làm ai tốt hơn về luân lý. Bởi vì nỗ lực một mình không ai giúp đỡ. Tôi không muốn sự thánh hóa hời hợt bên ngoài thấy an tâm trong bụng, mà là thứ thánh hóa tha thứ tội lỗi cho tôi. Lúc này, ôi! Lạy Chúa Giêsu, con muốn đời sống Chúa hiện diện trong con, ngõ hầu con sống nhưng không phải con mà là Chúa sống trong con. Con chỉ là phàm nhân. Quá phàm nhân, nhưng con ước ao là kẻ chia sẻ bản tính thần linh của Chúa. Chỉ như vậy mới là thánh hóa. Nếu như ai hỏi tôi làm thế nào để được hạnh phúc, tôi sẽ trả lời phải có ba điều kiện:
Một là, khôn ngoan vượt xa mọi kiến thức bất toàn của trái đất. Hai là, quyền năng mạnh mẽ hơn từng người và mọi người hiệp lại. Ba là, tình yêu nếu cần chết thì chết để cứu độ chúng ta khi chúng ta thất bại. Ba điều kiện này đều có mặt trong Đức Kitô, Đấng là chân lý vĩnh cửu, là quyền bính thần linh và là tình yêu tinh tuyền.
Chân lý của Ngài sẽ không thần thánh hơn chân lý của Đức phật, nếu nó chỉ là mấy mảnh kinh thánh do vài người viết lại sau cái chết của Ngài. Quyền năng và uy tín của Ngài không thiêng liêng hơn uy tín của Abraham Lincoln nếu nó không phong phú hơn vài dòng tiểu sử. Và tình yêu của Ngài không thánh thiện hơn lòng yêu của Socrates nếu tội lỗi của chúng ta bây giờ không được tha thứ như Ngài đã thứ tha cho Maria Macđala và người trộm lành. Nếu Ngài không kéo dài sự thật, quyền bính và sự thánh thiện của mình đến bây giờ cho chúng ta, thì Ngài chẳng tốt lành chút nào, và nếu Ngài không thể thực hiện như vậy, thì Ngài chẳng là Thiên Chúa.
Điều đó không thể được, vì Ngài chính là Thiên Chúa chân thật. Ngài ban cho chúng ta sự thật, quyền năng và sự sống của mình trong thế kỷ 20 y như những thế kỷ trước. Nhưng làm cách nào? Giống hệt như Ngài đã thực hiện khi xưa qua bản tính nhân loại của Ngài. Khi bạn viết lách có phải cánh tay, bàn tay bạn là dụng cụ hữu hình cho trí khôn vô hình của bạn không? Ngài cũng vậy nhưng trong đường lối hoàn hảo hơn vô cùng. Ngài là Thiên Chúa đang dậy dỗ, cai trị và thánh hóa chúng ta qua bản tính nhân loại của mình. Bản tính này cũng là dụng cụ hữu hình của bản tính thần linh vô hình. Trong ngôn ngữ bình dân, bạn xem thấy thân xác Ngài, nhưng bạn thực chất được dạy bảo vâng lời và tha thứ bởi Thiên Chúa trong Đức Kitô.
Chúa chúng ta đã từng tuyên bố Ngài sẽ mặc lấy một thân thể mới và qua thân thể đó Ngài tiếp tục kết hiệp với chúng ta cho đến tận cùng thời gian. Chắc chắn nó không phải là thân xác vật lý như thân xác Mẹ Maria sinh ra. Thân xác ấy hiện đang được vinh hiển ngự bên hữu Đức Chúa Cha. Ngài nói đến một loại thân thể khác. Nếu bạn coi trong từ điển, bạn sẽ thấy chữ “thân thể” có hai nghĩa: nghĩa vật lý và nghĩa tập hợp. Nghĩa cụ thể vật lý gồm các cơ quan, máu huyết và xác thịt. Linh hồn làm sống động thân xác này. Nghĩa thứ hai là một nhóm người cùng một lợi ích, tư duy. Họ cũng họp thành một thực thể. Thí dụ. Thực thể chính trị, văn hóa, giáo dục. Thực thể chính trị còn có nghĩa là quốc gia, văn hóa là một nhóm sắc tộc, giáo dục là các giáo sư, giáo viên của một trường học sự hợp nhất này chỉ có nghĩa tinh thần mà thôi, tức ý chỉ con người gom lại với nhau. Tuy nhiên, thân thể mới của Chúa Giêsu không phải như vậy. Nó không do ý muốn người ta quy tụ và liên kết với Chúa Giêsu. Nó được thần khí từ trời thiết lập. Thần khí mà Ngài sai đến khi Ngài rời xa trái đất. Dưới đây tôi xin liệt kê 7 điểm mà Ngài nói về thân thể mới của mình, ngoài các điểm khác:
1/ Người tuyên bố với loài người rằng để làm thành viên của thân thể này, người ta phải sinh lại. Dĩ nhiên không qua sinh nở vật lý được nữa bởi vì sinh nở phần xác sẽ làm cho chúng ta trở nên con cháu ông Adong. Sinh nở làm thành viên của Hội Thánh là qua Thần khí và nước của phép Thánh tẩy. Nó biến đổi chúng ta thành con cái Thiên Chúa.
2/ Sự liên kết chúng ta với thân thể mới này và với Ngài không phải là hát thánh ca, thánh vịnh dâng kính Ngài, cũng không phải tiệc tùng, chè chén tôn vinh Ngài, cũng không phải dạ hội âm nhạc mà là qua sự chia sẻ cuộc sống của Ngài: “Ta là cây nho, các con là ngành nho Các con phải sống trong ta, và ta trong các con” (Ga 15,5).
3/ Thân thể mới của Ngài có tính hữu cơ như một hữu thể sống động. Đầu tiên là nhỏ bé như Ngài mô tả “Giống như một hạt cải”, nhưng nó sẽ lớn lên dần thành vĩ đại và phức tạp cho đến ngày tận thế, Ngài nói: “Trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng chĩu hạt” (Mc 4,28-29).
4/ Một ngôi nhà bình thường thành hình từ bên ngoài vào trong, cứ thêm gạch ngói, viên nọ xếp trên viên kia: Các tổ chức, hội đoàn lớn mạnh nhờ người này thêm người khác, tức từ ngoại vi vào trung tâm. Ngược lại, thân thể của Ngài thành hình từ bên trong như một bào thai rồi lớn dần thành người. Ngài nhận dược sự sống từ Đức Chúa Cha và chúng ta từ Ngài. Ngài diễn tả nó thế này: “Ngõ hầu chúng trở nên một trong chúng ta, như lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17,21).
5/ Ngài tuyên bố chỉ một thân thể. Nếu có nhiều thì Ngài là một quái vật tinh thần với nhiều đầu, nhiều thân xác, nhiều chân tay. Và để gìn giữ hợp nhất Ngài sẽ là chủ chăn, Đấng chăn dắt cả chiên con lẫn chiên mẹ. “Chỉ có một đàn chiên và một người chăn” (Ga 10, 16).
6/ Thân thể mới của Ngài không xuất hiện công cộng cho đến lễ 50, khi Ngài sai Thánh Thần chân lý đến: “Ngài chỉ đến với chúng con khi thày sai Ngài” (Ga 16,7). Như vậy bất cứ cái gì khởi sự 24 giờ sau ngày lễ 50 hoặc 24 giờ trước đây sẽ chỉ là tổ chức tự quyền, và chỉ có thần khí loài người chứ không có Thần Khí của Chúa Giêsu. Nó giống như sợi giây điện không gắn vào máy phát.
7/ Câu nói thú vị nhất Ngài tuyên bố về thân thể mới là nó sẽ bị thế gian ghét bỏ như thế gian đã ghét bỏ Ngài. Mọi sự thuộc về thế gian thì được thế gian yêu mến. Nhưng mọi sự thuộc về thần linh, thế gian ghét bỏ: “Bởi vì Thày đã chọn anh em ra khỏi thế gian, nên anh em sẽ bị thế gian chê ghét” (Ga 15,19).
Hạt nhân xây dựng thân thể xã hội của Chúa là các Tông đồ. Họ là những chất liệu thô sơ để Chúa gởi Thần khí của Ngài vào, ngõ hầu thúc đẩy họ nhanh chóng trở nên Thân thể kéo dài của Ngài. Họ sẽ đại diện Ngài khi Ngài vắng mặt. Đặc quyền rao giảng Tin Mừng cho thế giới được trao cho họ. Như vậy thân thể mới mà các Tông đồ là nòng cốt chính là cái tôi của Ngài sau khi qua đời. Cái tôi này kéo dài ngôi vị Ngài qua muôn thế kỷ. Sau đây chúng ta được nghe những điều lạ lùng Ngài tuyên bố vì thân thể đó, nhưng xin luôn nhớ Ngài là tôn sư dạy dỗ sự thật, là vua và là Đấng Cứu Thế hay linh mục thượng phẩm. Tuy nhiên lúc này Ngài thông truyền cho thân thể mới đầy đủ chức vụ là tư tế, tiên tri và vương đế của Ngài cho Hội Thánh. Đấng là tôn sư tự xưng là “sự thật” bây giờ nói với thân thể xã hội của mình: “Ta sẽ gởi Thần khí sự thật để dẫn đưa chúng con vào chân lý” (Ga 16,8) . Như vậy là Ngài đã đồng hóa mình với thân thể mới, đến nỗi bất cứ ai nghe Hội thánh nói là nghe Ngài nói: “Ai nghe các con là nghe Ta, ai khinh dể các con là khinh dể Ta. Mà ai khinh dể Ta là khinh dể Đấng đã sai Ta” (Lc 10,15). Cho nên chân lý của Hội thánh là chân lý của Ngài và chân lý ấy có tính thần linh không sai lầm được.
Thứ hai, Chúa chúng ta là Vua cai trị đến muôn đời: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thày. Vậy anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thày” (Mt 28,18). Quyền năng này Ngài cũng ban cho thân thể mới của Ngài đến độ mệnh lệnh của Hội Thánh cũng là mệnh lệnh của Ngài, giới răn của Hội thánh cũng là giới răn của Ngài. Chính Ngài đã chuẩn nhận: “Ta hứa cùng anh em, sự gì anh em ràng buộc dưới đất, trên trời cũng ràng buộc. Sự gì anh em cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở.” (Mt 18,18).
Cuối cùng, Chúa chúng ta là Thượng tế hay là Đấng trung gian. Bởi lẽ Ngài đã cứu chuộc thế giới về cho Đức Chúa Cha qua cái chết và sự sống lại của Ngài. Sự thánh thiện và quyền năng thánh hóa này bây giờ Ngài cũng trao lại cho Giáo Hội, thân thể mới của Ngài, qua Bí tích Rửa tội, qua việc cử hành mầu nhiệm sự chết và sống lại của Đức Kitô, và qua sự tha thứ - một ơn huệ vĩ đại: “Bất kỳ khi nào anh em tha tội cho người ta, thì họ được tha. Anh em cầm buộc ai, thì tội họ bị cầm giữ lại” (Ga 20,23). Cốt yếu của thân thể xã hội này là các Tông đồ. Nhưng Chúa chúng ta đã gởi Thần khí của Ngài đến với họ 50 ngày sau khi Ngài phục sinh. Họ giống như những nguyên tố trong một phòng thí nghiệm hóa học. Chúng ta biết rằng gần một trăm nguyên tố hợp thành thân xác loài người. Tuy nhiên không làm cho thân xác sống động. Bởi còn thiếu một nguyên lý hợp nhất. Đó là linh hồn, các Tông đồ tự thân cũng không thể cho thân thể mới của Chúa Giêsu một sức sống, giống như bao nguyên tố hóa học không làm thành một người. Còn cần một Thần khí thiêng liêng và vô hình của Thiên Chúa mới làm nên Hội thánh. Thần khí kết hợp các bản tính nhân loại của họ với nhau.
Cho nên mười ngày sau khi Chúa lên trời, Đấng Cứu Độ vinh hiển mới sai Thần khí của Ngài xuống trên họ, không phải dưới hình dáng của một cuốn sách mà là những lưỡi lửa sống động. Khi Thiên Chúa thổi hơi vào một bào thai thì các tế bào của con người lập thành một người có sự sống. Cũng vậy khi Thánh Thần đến với tập hợp các Tông đồ như là thân xác mới của Chúa Kitô thì họ lập thành thân thể xã hội sống động của Ngài. Chúa Thánh Thần hợp nhất các Tông đồ lại thành một thực thể duy nhất giữa loài người. Kinh thánh và Thánh truyền gọi họ là Đức Kitô toàn thể hay sự viên mãn của Chúa Kitô Giêsu.
Lúc này thân thể mới của Chúa Giêsu đã sẵn sàng xuất hiện trước công chúng. Giống như Con Thiên Chúa mặc lấy xác phàm trong lòng trinh nữ Maria, được rợp bóng bởi Chúa Thánh Thần, thì thân thể mới của Chúa Giêsu thành hình từ cung lòng nhân loại, rợp bóng bởi Thần khí thánh. Cho nên Ngài dạy dỗ, cai trị, thánh hóa khi xưa thể nào qua nhân tính thì vẫn tiếp tục các công việc đó qua các môn đệ mà Ngài đã thánh hóa. Và bởi vì thân thể này không có tính vật lý như một người ta, cũng chẳng có tính thuần luân lý như một hội bài cào, nhưng hoàn toàn thiêng liêng và tinh thần nhờ Thánh Thần kết hiệp nên một, cho nên nó được gọi là thân mình màu nhiệm Chúa Kitô, và giống như thân xác tôi do hàng triệu triệu tế bào thiết lập nên nhưng vẫn là một, bởi vì nó được linh hồn làm cho sống động và một cái đầu hữu hình trụ trì, một trí óc vô hình điều khiển. Cũng vậy thân thể mới của Chúa Giêsu là do triệu triệu con người thiết lập nên và được phép rửa tội tháp nhập vào Chúa Kitô Giêsu cũng duy nhất là một, bởi vì nó được Thánh Thần của Thiên Chúa làm cho sống động, trụ trì bởi một đầu hữu hình và một bộ óc vô hình điều khiển đó là Đức Kitô Phục sinh.
Như vậy, Thân mình mầu nhiệm là ngôi vị Đức Kitô kéo dài. Ngài tiếp tục sống bây giờ qua thân mình đó. Xin nhớ lại truyện thánh Phaolô. Tên Do thái của ông là Saolô. Có lẽ các người sống trên thế gian này chưa ai ghét Đức Kitô bằng Saolô. Các tín hữu tiên khởi khiếp sợ ông ta và cầu xin Chúa gởi ai đó đến để trừng phạt Saolô. Thiên Chúa nghe lời họ van xin và đã gởi Phaolô đến để bách hại chính ông. Một hôm, ông đi trừng phạt các tín hữu Chúa Kitô, trong lòng bừng bừng lửa giận ghét các tín hữu. Ông xin giấy phép các thượng tế xuống Đamascus để bắt bớ họ, trói đem về Giêrusalem trừng trị. Thời gian là phỏng vài năm sau biến cố lên trời của Chúa chúng ta. Lúc này thân xác Ngài đã vinh hiển bên Chúa Cha. Bất chợt một luồng ánh sáng lớn chiếu trên Saolô. Ông ngã ngựa rơi xuống đất. Một tiếng nói lớn từ trời phát ra mà ông nghe rõ: “Saolô, Saolô tại sao ngươi bắt bớ ta?” Saolô hỏi tên Đấng quyền phép: “Thưa ông, ông là ai?”. Tiếng từ trời đáp: “Ta là Giêsu, Đấng Saolô đang bắt bớ”. Câu hỏi là làm sao Saolô bách hại được Chúa chúng ta đang vinh hiển trên trời? Thanh niên Saolô không làm gì hơn các lãnh tụ độc tài làm cho thần dân mình! Vậy tại sao tiếng từ trời lại nói: “Saolô, Saolô, tại sao ngươi bắt bớ Ta?”.
Kinh nghiệm thường cho hay rằng, khi ai đó giẫm lên chân bạn, lập tức cái đầu của bạn mở miệng phàn nàn, bởi vì chân cũng là một phần của thân thể. Vậy thì Chúa Giêsu cũng cho Saolô hay chém giết thân thể Ngài là chém giết chính Ngài. Khi Thân mình màu nhiệm Ngài bị bách hại, thì chính thủ cấp vô hình, tức Đức Giêsu Kitô, lên tiếng phản đối! Đó là phản ứng thường tình. Cho nên Thân mình màu nhiệm Chúa Kitô không chen vào giữa tôi và Chúa Kitô, tôi là phần thân thể của Ngài. Cũng như thân xác phàm trần của Ngài đứng giữa Maria Macđala và lòng thương xót của Đức Chúa Trời, hoặc bàn tay của Ngài chen giữa các cái đầu trẻ em và lời chúc lành của Chúa cho chúng. Ngài đến với nhân loại bằng thân xác loài người, thì bây giờ Ngài cũng đến với chúng ta qua Thân mình màu nhiệm được Thần khí ban sức sống, đang dậy dỗ, đang cai trị và đang thánh hóa nhân loại, Ngài có những khoảnh khắc vinh hiển của ngày lễ lá khác trên tần gian. Ngài có những giây phút bị các Giuđa khác phản bội trong lịch sử. Ngài có những thời gian khổ nạn lúc này như trong thứ sáu tuần thánh hai nghìn năm qua, dưới triều quan Phongxiô Philatô.
Nếu bạn gở mồm hỏi tôi Thân mình Chúa Giêsu Kitô lúc này liên hệ với tôi ra sao? Tôi sẽ hạnh phúc trả lời bạn: Tôi tin rằng nó là đền thánh của tình yêu mà tôi là một viên đá sống động và Chúa Kitô là viên đá góc tường. Nó là cây của cuộc đời hằng sống, mà tôi là cành. Nó là Thân thể Đức Kitô trên hành tinh từ khi Ngài về trời, mà tôi là một tế bào của thân thể đó. Như vậy Thân mình màu nhiệm của Chúa đối với tôi cũng thiết thân như chính bản thân tôi vậy. Đời sống của Thân mình đó phong phú hơn đời sống của riêng tôi. Kinh thánh gọi nó là hiền thê của Chúa Giêsu. Tôi phải liên kết với cô dâu này mới có sự sống thần linh, không liên kết với cô, tôi chỉ có sự sống vật lý. Cho nên từ nay, tình yêu của cô là tình yêu của tôi, chân lý của cô là chân lý của tôi. Tâm trí của cô là tâm trí của tôi. Tôi coi như phúc lành Thượng Đế ban cho tôi là lớn nhất khi được liên kết với cô dâu của Đức Kitô. Ngược lại đau đớn lớn nhất của tôi là không được phục vụ cô. Không có cô, tôi chỉ là gốc cây cỏ bị nhổ rễ, là một cây cột đơn chiếc giữa kẻ chết và đống đổ nát bị bỏ quên. Với cô, tôi công bố đời sống vĩnh cửu và không bao giờ sợ hãi. Từ bàn tay săn sóc của cô, là dầu thơm kiện cường, chúc phúc và thánh hóa. Từ ngọn đèn chầu leo lét nơi cung thánh của cô, là bảo đảm rằng Chúa Kitô không bỏ mặc chúng ta mồ côi!
Bạn có biết trong lịch sử dân thánh có ba nhân vật được Thiên Chúa đổi tên? Nhưng chắc chắn bạn biết tôn giáo được thành lập cách đây một giờ thì không có giá trị. Bởi lẽ tôn giáo ấy do người trần làm nên. Ngay cả một tôn giáo khởi sự một ngàn chín trăm năm trước đây cũng không chắc gì chân thật thần linh. Tôn giáo phải khởi sự ngay khi Thượng Đế tạo dựng loài người. Bởi vì lúc ấy chúng ta có ý tưởng của Đức Chúa Trời về tôn giáo, không phải của tôi hay của bạn. Giả như bạn khảo sát kỹ lưỡng về tôn giáo mạc khải, bạn sẽ khám phá ra hai sự kiện: 1/ Thiên Chúa ban phát lòng thương xót cho nhân loại qua một cộng đồng Ngài chọn. 2/ Ngài chỉ định một nhân vật trụ trì dân riêng đó như thủ lãnh và đại diện của mình.
Từ lúc khởi đầu lịch sử Thiên Chúa đã dựng nên Adong như thủ cấp của nhân loại, và như tội của người cha làm cho toàn thể gia đình xấu hổ, thì trong nghĩa rộng lớn hơn tội của Adong trở thành tội của mọi người. Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại một Đấng Cứu Thế, sinh bởi một phụ nữ và sẽ đạp nát đầu quỷ dữ.
Khi tội ác lan tràn khắp mặt hành tinh, Thiên Chúa đã trừng phạt loài người bằng một cơn đại hồng thủy. Tuy nhiên cứu vớt họ không phải ban cho mỗi người một phao cứu sinh. Nhưng Ngài chọn một cộng đồng nhỏ bé là gia đình ông Noe, gồm cả thảy là tám người. Ngài đã chỉ định ông Noe từ gia đình ấy. Qua cộng đồng xã hội bé tí này mà Ngài hứa phúc lành cho thế giới. Sau này, Chúa lại chọn một người khác là Abram làm đầu một dòng giống mới, bây giờ có thể gọi là cộng đồng tôn giáo, với Abram Chúa ký kết một giao ước mới: “Trong ngươi mọi sắc dân trên thế giới sẽ được chúc phúc” (St 12,3). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Thiên Chúa đổi tên cho một người, Thượng Đế quyền năng và chân thật đổi tên ông Abram thành Abraham. Tên này có nghĩa: “Là cha mọi dân tộc”. Qua ông không những dân tuyển mà cả dân ngoại đều được chúc phúc. Theo thói tục, đổi tên một người là hết sức quan trọng, và Thiên Chúa đã đổi tên Abraham để ông nhớ tương quan của ông với cộng đồng Chúa lựa chọn. Tương quan của ông không chỉ cá nhân tức quyền lợi riêng của ông ta với cộng đồng mà còn có tính chức năng nghĩa là vai trò ông phải thi hành trong dân chúng như là đại diện của Thiên Chúa.
Sau khi Abraham chết, vai trò lãnh đạo dân riêng mới được chuyển sang Isaac, cũng được Thiên Chúa chọn, rồi đến Giacóp. Một đêm vật lộn nghiệt ngã với Thiên thần Chúa cho đến hừng đông để thử sức chịu đựng thiêng liêng “như một người chiến đấu”. Như đức tin Abraham mạc khải sức mạnh thiêng liêng của Thiên Chúa, thì Giacóp thắng biểu lộ sức mạnh tinh thần của loài người. Và lần thứ hai trong lịch sử Thiên Chúa lại đổi tên một người nữa . Lần này, Ngài thêm sức mạnh mới cho cộng đồng mà sứ mệnh của nó là thế giới qua Đấng Cứu Tinh sắp đến. Chúa nói với ông Giacob: “Tên ngươi không còn là Giacob nữa, mà là Israel” (st 35,10). Muộn về sau, Chúa chọn Môisen làm thủ lãnh của dân riêng Ngài khi nói: “Ta sẽ nhận các ngươi làm dân riêng của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi” (Xh 6,7). Dân riêng của Ta! Một từ khó nghe đối với dân ngoại. Người Ai Cập sẽ tố cáo dân Do Thái là thiển cận và bất khoan dung vì dám cậy mình là dụng cụ của Đấng Chí Tôn. Qua đó Ngài ban ơn lành cho trái đất! Nhưng thôi, cứ cho là như thế đi vì chúng ta lưu tâm đến đường lối Thiên Chúa, chứ không phải ganh tỵ của loài người. Thiên Chúa dựng nên hành tinh này của chung mọi người chứ chẳng riêng ai! Và cũng chỉ có một mặt trời soi sáng cả trái đất.
Sau ông Môisen là ông Giôsuê, rồi đến vua Đavid, các tiên tri và vua chúa kế tiếp. Nhưng điều cần lưu ý là Thiên Chúa không hề thông ban ơn lành của Ngài cho cá nhân xét vì cá nhân, hoặc cho thế giới nói chung. Ngài luôn ban phép lành qua một tập thể liên kết chặt chẽ với Ngài bằng giao ước mà chính Ngài chọn người làm đầu. Trung thành hay bất trung, đức độ hay tội lỗi, nhưng định mệnh của dân tộc tôn giáo này không hề sai lầm. Thiên Chúa luôn hiện diện với dụng cụ mà Ngài đã tuyển chọn. Mặc dầu dân tộc ấy làm chi, ngay cả nó rơi vào thờ ngẫu tượng và một vài người lãnh đạo ăn ở tội lỗi, dân chúng ưa thích vui thú xác thịt làm cho sinh hoạt kém hiệu qủa, thì ý định của Thiên Chúa vẫn tiến bước và thắng thế, vì như người ta thường nói: “Một mình Thiên Chúa mới có thể viết thẳng hàng những dòng chữ cong queo”. Bạn sẵn sàng thấy rằng lời quan trọng nhất trong Cựu ước là lời chỉ về tập thể tôn giáo mà Thiên Chúa đã chọn làm dân riêng mình, với người đứng đầu do chính Ngài chỉ định, và qua đó Thiên Chúa sẽ đến cứu độ loài người khỏi tội. Tiếng Do thái cổ là qahal.
Chừng hai trăm năm trước Chúa Giáng Sinh, người Do Thái phân tán khắp thế giới Hy Lạp để sinh sống, cho nên việc dịch Kinh thánh từ tiếng Do thái sang tiếng Hy Lạp là cần thiết. Bản dịch này gọi là bản 70 vì tương truyền do 70 người soạn ra. Khi đến chữ qahal họ không biết dịch làm sao. Nó chỉ một cộng đồng hữu hình nhưng vô hình trong Thần khí của Thiên Chúa. Thần khí này coi sóc và bảo vệ nó. Chữ qahal dùng trong cựu ước là 96 lần. Vậy những nhân vật thông thái này đã dịch nó sang tiếng Hy Lạp là Ecclesia một từ quan trọng để chỉ một tập thể vừa tôn giáo vừa trần tục của Thiên Chúa.
Cuối cùng thì Thiên Chúa đến cứu dân Ngài khi thời gian đã viên mãn, Đấng mà các tiên tri không ngừng nói đến sẽ sinh ra tại làng nhỏ Bethlehem, chịu thai bởi một trinh nữ, thì nay xuất hiện như một Thiên Chúa trong hình dạng con người. Đó là Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, Cứu tinh của nhân loại. Ngài sinh ra giữa lòng qahal hay Ecclesia nhưng làm cho nó nên vẹn toàn và hoàn hảo. Tuy nhiên, trước khi thực hiện chương trình đó, nhân loại phải nhận ra Ngài là ai? Là đấng tác động mạnh mẽ vào lịch sử thế giới, chẻ nó ra làm hai mảng.
Biến cố xảy ra ở thành phố Cesarea - Philipphê, một thành phố nửa dân ngoại, nửa tôn giáo, khi Đức Giêsu, chúa tể vũ trụ, dừng chân để đặt một câu hỏi - câu hỏi quan trọng nhất trong đời Ngài: Thiên hạ nói con người là ai? Họ nghĩ Ngài là chi? (Mt 16,13). Xin lưu ý cụm từ “thiên hạ nói?” Nó là câu thăm dò tôn giáo xem ý kiến chung của thiên hạ về Ngài hoặc giải thích cá nhân về các kinh nghiệm của người ta khi gặp Ngài. “Người ta nói chi” đòi hỏi một câu tuyên xưng, và nó đã gây nên rất nhiều lẫn lộn: kẻ thì bảo là Gioan Tẩy Giả, người khác lại bảo là Elia, hay Gierêmia, hay một trong các tiên tri thời xưa sống lại” (Mt 16,14). Toàn là những phỏng đoán thô thiển của các kẻ dốt nát ngu xi. Chẳng có hợp nhất, chẳng có chắc chắn, chẳng có đồng tâm nhất trí, điều mà Thiên Chúa quý trọng. Hãy trao phó bí mật bản tính thần linh của Ngài cho các viện thăm dò, cho đám đông và cho các thùng phiếu bạn sẽ nhận được kết qủa là trăm ý kiến trái ngược và lộn xộn. Người này phủ nhận điều kẻ khác tuyên bố. Chúa chúng ta chỉ tỏ thái độ yên lặng, khinh bỉ trước những ý kiến lộn xộn đóù.
Bây giờ Chúa thu hẹp những người được hỏi ý kiến từ đám đông xuống một nhóm nhỏ, từ số lượng xuống chất lượng. Ngài hỏi những linh hồn thông thái hơn, những thượng viện, ban cố vấn, nghị viện, qúi tộc. Ngài hỏi họ: “Còn các anh, các anh bảo Thày là ai?” (Mt 16,13). Các anh là ban cố vấn của thày, là những kẻ theo thày, không phải thiên hạ, nhưng chính các anh . Tuy nhiên, 12 tông đồ cũng không trả lời. Tại sao họ giữ im lặng? Có lẽ bởi vì nếu tất cả cùng nói, sẽ lại là lộn xộn không hơn gì đám đông. Giả dụ một tông đồ nói thay cho các bạn. Họ sẽ đặt nghi vấn ông ta lấy quyền năng ở đâu để nói? Cho nên không ai dám phát biểu nhân danh mình. Họ biết từ thâm tâm câu trả lời phải là sự thật tuyệt đối của Thiên Chúa, vậy nếu chỉ dựa trên ý kiến đa số thì không chắc gì là ý kiến của Thiên Chúa, do đó chưa chắc gì là sự thật tuyệt đối.
Trường hợp này thì ý kiến cá nhân cũng giống như ý kiến tập thể. Ý kiến của ban cố vấn cũng không hơn ý kiến của một thành viên. Xưa nay ở trên đời có mấy khi thiên hạ đồng ý được với nhau? Chỉ cần hai người đã có chia rẽ. Cho nên đường lối hay nhất là liên hiệp ý kiến. Sự liên hiệp phỏng đoán này giống như vòng xoắn của các quần đảo. Nó là những hòn đảo nhỏ tách rời nhau, chỉ có mặt nước là xoáy chung quanh chúng. Trong trường hợp các tông đồ mặt nước chung là không khí bi quan, không kiếm được câu trả lời chính xác. Họ chỉ liên kết với nhau bằng các tên tưởng tượng: môn đệ Chúa, không có đại diện chính thức nói thay, không có lãnh đạo, không có quyền bính, chưa có thủ lãnh (vì Chúa chưa chỉ định ai). Cho nên chưa có đoàn kết thành một. Một thân thể không đầu là quái vật, dù là thân thể vật lý, chính trị hay tôn giáo.
Bỗng dưng một người bước ra phía trước. Có lẽ do Thần linh thúc đẩy hơn là sáng kiến nhân loại. Ông ta luôn đứng đầu trong danh sách các tông đồ. Thực tế trong Tân ước tên ông được kể tới một trăm chín mươi lăm lần, trong khi tất cả các tông đồ khác gộp lại chỉ có một trăm ba mươi lần. Ông cũng là người duy nhất, ngoài Đức Chúa Cha, mà Chúa Giêsu kết hiệp mật thiết đến độ gọi chung tên “chúng ta”. Sự kiện thứ ba về ông ta trong Phúc âm là Thiên Chúa đã đổi tên cho. Đây là lần đổi tên thứ ba trong lịch sử. Và như vậy bạn có thể đoán ra rằng với Abraham và Giacob, Thiên Chúa đã thêm điều gì đó mới và hoàn hảo cho qahal hay Ecclesia của Ngài. Tên cũ của vị tông đồ đó là Simon, con ông Giona. Một năm rưỡi trước đây khi gặp ông lần đầu tiên, Chúa nói: “Anh là Simon, con Giona, bây giờ anh sẽ được gọi là Cephas nghĩa là đá tảng. Như vậy Chúa Giêsu đã đổi tên cho ông từ Simon sang Cephas, Capha (Phêrô) đá tảng. Trong tiếng Anh chúng ta không có được ý nghĩa tế nhị của tên Phêrô. Bởi lẽ tên Phêrô khác với từ rock (tảng đá). Nhưng nguyên văn Aramic, ngôn ngữ mà Chúa Giêsu sử dụng lúc ấy, thì Cephas là tên mới cho Simon, mộc mạc là tảng đá. Trong tiếng pháp tên Pièrre vừa là tên một đàn ông vừa là khối đá.
Người Tông đồ đã được đổi tên là khối đá đứng ra, không phải do các bạn hữu Tông đồ khác thúc đẩy mà cũng không do trí thông minh của mình hơn kẻ khác, hoặc do bản thân biết rõ câu trả lời, mà do một luồng sáng mạc khải, luồng sáng biến ông ở vị trí đầu tiên trong nhân loại cho đến muôn thuở. Mạc khải thần linh đó đã cho ông câu trả lời chắc chắn và không sai lầm được: “Thày là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,17).
Tông đồ Phêrô biết rõ Chúa Giêsu là ai. Chúa không phải là Gioan Tẩy Giả. Cũng không phải là Elia. Nhưng là Đấng người Do Thái và dân ngoại đợi trông hàng nhiều thế kỷ. Ngài là Emmanuel (Thiên Chúa ở cùng chúng ta), là Con Thiên Chúa hằng sống, là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật. Ở khoảnh khắc Tông đồ tuyên bố câu ấy, ông chắc chắn mình đã được ơn soi sáng, và Chúa Giêsu xác nhận, Phêrô biết điều ấy là do từ trời ban cho: “Này anh Simon, con ông Giona anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy. Nhưng là Cha của Thày, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,18). Như vậy ở lúc này Simon, con cháu Abraham, người đã tỏ lộ sức mạnh của Thiên Chúa, và Giacob, kẻ biểu diễn sức mạnh của loài người, kết hiệp nơi mình sáng kiến mạnh dạn của lòng trí nhân loại, cộng tác với sự trợ giúp từ trời của Chúa Cha, được Thiên Chúa nhập thể, Đấng đã đổi tên cho ông, đặt làm thủ lãnh của cộng đồng tôn giáo mới và hoàn hảo hơn tức Giáo hội ngày nay, Israel mới, qahal của Chúa Kitô, Ecclesia thần thánh, với những lời sau đây: “Và phần anh, Ta nói với anh, anh là khối đá, trên khối đá này Ta sẽ xây dựng Hội Thánh của Ta, dù các cửa hỏa ngục cũng không thắng nổi. Ta sẽ ban cho anh chìa khóa Nước Trời, sự gì anh cầm buộc dưới đất trên trời cũng cầm buộc, sự gì anh cởi mở dưới đất trên trời cũng cởi mở” (Mt 16,17-19). Học giả ngày nay dịch từ qahal hay Ecclesia thành Hội Thánh. Như vậy Chúa Giêsu muốn nói: “Anh là Phêrô và trên khối đá này Ta sẽ xây Giáo Hội của Ta”.
Xin hỏi ý kiến qúi vị: Ngày nay trên thế giới nguy hiểm nào là lớn nhất? Theo thiển ý của tôi nguy hiểm lớn nhất nhân loại nên sợ hãi là chủ nghĩa độc đoán. Nó thể hiện dưới nhiều hình thức, chuyên chính, độc tài, chuyên quyền, quân phiệt, tài phiệt nhưng nói chung là uy quyền tuyệt đối của các chế dộ chính trị, quân sư. Nó phá hủy mọi tự do của con người. Chủ nghĩa này nô lệ hóa người ta bằng ba cách: 1/ Khuất phục trí óc vào một học thuyết, hay hệ thống tư tưởng. 2/ Tạo nên sợ hãi thẩm quyền chính phủ. 3/ Triệt tiêu tự do tư tưởng.
Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã sống và lớn lên dưới một hệ thống độc đoán khắc nghiệt, biến toàn bộ đồng bào Ngài thành nô lệ chính trị. Cho nên khi thiết lập Giáo Hội, Thân mình mầu nhiệm của Ngài. Ngài đã có chủ ý biến nó thành pháo đài vững chắc chống lại mọi hình thức độc đoán. Những lời sau đây nói lên sự tương phản của hai ý thức hệ: “Anh em biết trong dân ngoại, những thủ lãnh thì dùng uy quyền mà thống trị dân, người làm lớn thì lấy vũ lực mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy. Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em, và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”. (Mt 20,25-27). Chúng ta phải tạ ơn Chúa cứu chúng ta như những thành viên của Thân mình mầu nhiệm Ngài khỏi mọi đe dọa của chủ nghĩa độc đoán, Ngài thực hiện quan điểm đó trong ba đường lối: 1/ Trong Giáo Hội chúng ta không tuân phục một hệ thống tư tưởng mà là một người được Thiên Chúa chỉ định. 2/ Trong Hội Thánh căn bản của vâng phục không phải là sợ hãi, nhưng là tình yêu mến. 3/ Trong Giáo Hội tự do tư tưởng được cứu vãn khỏi tính thiển cận khi phải tìm cho biết mặt trái, mặt phải của một vấn đề.
1/ Trong chủ thuyết độc đoán chúng ta phải tuân phục một hệ thống tư tưởng nghĩa là mạng lưới phức tạp của các giáo điều, luật lệ, qui chế, mệnh lệnh, dị đoan, giả định những điều này hoàn toàn trừu tượng và vô ngôi vị. Thí dụ: Biện chứng duy vật, đấu tranh giai cấp, lao động tư bản . Nhưng người Công giáo không ủng hộ một loại hệ thống chủ thuyết nào. Chúng ta khởi sự với một người, một nhân vật. Đó là Đức Giêsu Chúa Cứu Thế, Ngài kéo dài ngôi vị của mình trong Thân thể Mầu nhiệm, chứ không phải trong hệ thống tư tưởng. Đức tin của chúng ta là sự gặp gỡ giữa hai ngôi vị: Bạn và Chúa Giêsu. Như vậy không phải gắn bó với một điều trừu tượng hay học thuyết nào mà là sự hiệp thông với một nhân vật không lừa dối ai, và cũng không ai lừa dối được. Chủ nghĩa độc đoán khởi sự với một đảng phái. Chúng ta với Đức kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Đấng đã tuyên bố: “Ta là chân lý” như vậy chân lý của đạo chúng ta là ngôi vị, chứ không phải lý thuyết trừu tượng của các triết gia. Giống như tình yêu của một đứa trẻ đối với gia đình, nó không phải chỉ là các mệnh lệnh của cha mẹ, mà hơn thế nhiều. Tình yêu của chúng ta đối với Hội thánh có nội dung phong phú hơn là tổng số các sự thật diễn tả đức tin của chúng ta. Đức tin của người tín hữu trước hết và trên hết là Đức Giêsu Kitô, sống động trong Thân mình màu nhiệm của Ngài. Sau đó là những công thức tin kính cụ thể. Nếu Ngài không mạc khải chúng, chúng ta không buộc phải tin. Nếu đánh mất Ngài, chúng ta đánh mất luôn các điều mình tin. Vậy trên hết là Đức Kitô, các điều khác phụ thuộc.
Cho nên không có giáo thuyết nào, luân lý nào, phụng vụ nào, tin kính nào bên ngoài Chúa Kitô, Ngài là đối tượng đức tin của chúng ta chứ không phải một học thuyết. Học thuyết chỉ ví như chiếc nhẫn cưới mà một thanh niên trao cho cô dâu của mình. Nhân vị cô ta là thứ nhất, cái nhẫn là thứ hai trong câu chuyện tình yêu của hắn. Hắn yêu cô ta trước, cái nhẫn là bằng chứng, dấu chỉ. Cũng vậy, đối với chúng ta chẳng có chi đáng tin ngoài Chúa Kitô trong Thân thể màu nhiệm của Ngài. Nếu chúng ta không tin Đức kitô là Thiên Chúa, nhưng chỉ là một nhân vật tốt, sống cách đây hơn hai nghìn năm, thì chúng ta chẳng bao giờ tin vào Phép Thánh Thể hay mầu nhiệm Ba Ngôi. Nếu chúng ta tin rằng tất cả mọi sự Chúa Giêsu để lại là một vài trang giấy tiểu sử mà các thư ký của Ngài viết mấy chục năm sau cái chết của Ngài thì chúng ta chẳng tin vào sự thứ tha tội lỗi. Nhưng bởi vì chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã một lần dạy dỗ, trị vì và thánh hóa qua một thân xác sinh bởi cung lòng Đức nữ đồng trinh Maria, rợp bóng bởi Chúa Thánh Linh, thì nay vẫn sống, cai trị và thánh hóa qua thân thể mầu nhiệm, lấy từ cung lòng nhân loại được Thần khí Chúa rợp bóng, cho nên chúng ta chấp nhận mọi lời Ngài, không những do các môn đệ Ngài viết ra mà cả ký ức hay truyền thống của hai nghìn năm qua. Chúng ta không muốn một cơ chế nào đứng làm trung gian giữa chúng ta và Chúa Giêsu Kitô. Thân thể màu nhiệm Chúa không đứng giữa chúng ta và Ngài, cũng như thân xác tôi không đứng giữa tôi và thủ cấp hữu hình của tôi hoặc giữa tôi và trí óc vô hình của tôi, chúng là một. Một nghìn sáu trăm năm trước đây thánh Augustinô đã gọi Thân mình màu nhiệm Chúa Giêsu hay Hội Thánh là Đức Kitô toàn thể (totus Christus). Nhờ đức tin của bạn vào ngôi vị Đức Kitô sống động, Đấng vĩnh cửu trong thời gian mà thế giới có hy vọng chống lại chủ nghĩa độc đoán tàn bạo.
2/ Hội Thánh, Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô cứu chữa chúng ta khỏi chủ thuyết độc đoán cùng với hệ thống cảnh sát đàn áp và tuyên truyền dối trá, vì căn bản của đức tin là tình yêu chứ không phải sợ hãi. Chuyên chính bao giờ cũng là một hệ thống, một guồng máy luôn sản sinh khiếp sợ. Chúng ta khởi sự với Chúa Kitô, một ngôi vị trong Thân mình màu nhiệm của Ngài, nên Chúng ta tin kính với lòng mến yêu chứ không qua sợ hãi. Người ta chẳng thể nào yêu mến hệ thống duy vật biện chứng, thế giới đại đồng hay nhân bản thực tiễn. Nhưng người ta chỉ yêu mến một người, một nhân vật mà thôi. Cho nên có một sự gắn bó thiết yếu về tình yêu giữa ngôi vị Đấng tạo hóa và ngôi vị thụ tạo của chúng ta. Tình yêu này không tách rời nhau được, đến nỗi Chúa Giêsu đã không trao cho Phêrô quyền bính điều khiển và cai trị Hội Thánh cho đến lúc Phêrô tuyên xưng ba lần yêu mến Thày trên hết mọi sự.
Sự tùng phục Chúa Giêsu trong Hội Thánh của chúng ta giống như sự tuân phục đầy yêu thương mà chúng ta tỏ ra với người bạn tốt nhất, khôn ngoan nhất và nhiều tuổi nhất hay của những đứa trẻ ngoan ngoãn đối với cha mẹ chúng. Chúng ta không cảm thấy một khoảng cách nào giữa mình được giáo dục và Hội Thánh dạy bảo. Nó tựa như các học sinh càng tiếp thu kiến thức của thày giáo, càng cảm thấy gần gũi thày hơn, khoảng cách giữa thày trò dần dần được thu hẹp lại, cho đến khi họ trở nên bạn hữu, bởi lẽ cả hai đều yêu mến sự thật chung. Chúng ta càng thấu hiểu Chúa và tùng phục chân lý Thân mình màu nhiệm của Ngài biểu lộ, chúng ta càng thấy nhẹ nhõm, không bị căng thẳng dưới “ách” của Ngài nữa. Khi chân lý của Ngài trở thành chân lý của chúng ta, thì lúc ấy chúng ta yêu mến Ngài hơn. Ngược lại, càng tách khỏi sự thật Ngài dậy dỗ trong Thân mình màu nhiệm của Ngài chúng ta càng xa lánh tương giao bạn hữu với Ngài, với Thánh kinh của Ngài và với những vật dụng thờ phượng. Tôi không thể tưởng tượng được còn chi lạnh giá hơn, nô lệ hơn, tê liệt hơn cho lý trí con người, và hủy hoại tự do của con người hơn là hai từ “thiên hạ” mà triệu triệu người trên mặt đất thờ lạy. Nó là một thẩm quyền tuy vô danh nhưng độc đoán kinh khủng. “Thiên hạ nói, thiên hạ bảo rằng” là một quyền lực ghê gớm. Năm nay thiên hạ sẽ yêu thích màu xanh thủy quân, thiên hạ bảo rằng người công giáo tôn thờ đức Maria, thiên hạ nói Freud có giá trị. Thiên hạ đó là ai? Vô vàn sinh linh hàng ngày cúi lạy trước bạo chúa, độc tài, vô hình “thiên hạ”. Cho nên chẳng lạ gì thế giới nảy sinh các thủ lãnh cực kỳ chuyên chính để cụ thể hóa huyền thoại “thiên hạ”, một hình thức nô lệ qúa ư độc ác cho nhân loại. Nhưng chúng ta biết chúng ta tin tưởng vào ai? Vào Đức Giêsu Kitô đang sống động trong Thân mình màu nhiệm của Ngài, tức Hội Thánh dấu yêu.
3/ Hội Thánh, thân mình màu nhiệm Chúa Kitô cứu chúng ta khỏi chủ nghĩa chuyên chính, bởi nó tặng ban không phải tự do khỏi tư tưởng mà là tự do để suy nghĩ. Trong lịch sử Satan đã khuyến dụ được nhiều đồ đệ không chấp nhận thẩm quyền của Chúa Kitô. Bởi lẽ nhận như vậy làm cho lý trí héo hắt đi. Nó dạy rằng bất cứ giới hạn nào đặt cho lý trí đều vì mục tiêu ám muộn. Trong vườn địa đàng nó nói với ông bà nguyên tổ rằng không biết sự dữ dưới bất cứ hình thức nào của lý trí như hiện sinh, duy vật hay của thân xác như ho lao, ung thư, là phá hủy tự do. Cho nên nó dụ dỗ ông bà: “Mục tiêu của Thiên Chúa là ngăn cản tự do khảo sát. Ngài muốn nhân loại sống trong u tối, dốt nát. Đừng ngu xuẩn. Ngài là một gã già cổ lỗ và phản động. Nên khôn khéo giành lấy tự do”. Như vậy Satan đã khéo vẽ lên một Thiên Chúa đối nghịch với sự thật và tự do tìm tòi. Cũng trong lối ngụy biện như vậy người ta bảo rằng ông bố từ chối tự do của con cái khi không cho chúng đùa nghịch với xì ke, ma tuý, bạn bè xấu nết, hoặc cho đứa trẻ năm tuổi chơi súng đạn!
Cái sai lầm của quỷ sứ và các đồ đệ nằm ở chỗ họ coi lòng trung thành và tình yêu là kìm hãm trí khôn phát triển. Đối với họ tiếp tục trung tín với bạn trăm năm, với xóm làng, với tổ quốc, với lý tưởng cao đẹp là dấu chỉ của kiếp nô lệ, của thiếu vắng tự do!
Tuy nhiên, có một lãnh vực mà xem ra Giáo Hội giới hạn tự do của lý trí và cũng là con đường mà mọi thứ luân lý đều hạn chế tự do. Đó là, trước khi đến trường tôi được tự do tin rằng kịch gia Shakespeare sinh năm 1224. Nhưng sau khi được trường học dậy dỗ tôi phải vất bỏ thứ tự do sai quấy ấy mà tin rằng ông ta thực sự sinh năm 1564. Cũng vậy, trước khi đi học tôi được tự do tin rằng ký hiệu H2O là chữ đầu của một tổ chức gián điệp. Nhưng sau khi đến học đường “phản động” tôi phải ngưng tự do suy nghĩ kiểu đó và bắt đầu đinh ninh rằng đó là ký hiệu của nước sạch mà tôi uống hàng ngày.
Cho nên tự do không phải là giải phóng khỏi sự thật, nhưng là chấp nhận sự thật. Tôi được tự do vẽ hình tam giác chỉ với điều kiện tôi chấp nhận sự thật về tam giác. Nó có ba cạnh, chứ không phải của trí khôn phóng khoáng cho nó ba mươi ba cạnh. Đó là điều mà Chúa chúng ta ám chỉ khi tuyên bố: “Sự thật sẽ cho chúng con được tự do” (Ga 8,32).