Thánh Catarina bị tràn ngập bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, kinh ngạc thốt lên khi nhận ra sự bao la của lòng thương xót Chúa mà đã bao phủ tội lỗi của các tạo vật. Chị ngạc nhiên trước sự tha thứ của Thiên Chúa, khi nói rằng Người không nhớ đến các xúc phạm của những ai trở về với Người, và ngay cả Người muốn thương xót những ai bách hại Người. Chị ngợi khen sự thương xót của Thiên Chúa, mà vì đó đã dựng nên và tái tạo nhân loại qua Máu của Con Thiên Chúa. Sự thương xót này gìn giữ và bảo vệ nhân loại, là nguyên do Đức Giêsu phải chiến đấu cho chúng ta trên Thánh Giá, nơi sự sống và sự chết giao tranh. Sau cùng sự thương xót đã chiến thắng, đem lại ánh sáng và sự sống cho mọi tạo vật, người công chính cũng như bất chính. Sự thương xót của Thiên Chúa chiếu rọi Thiên Đường, trái đất, và ngay cả trong hỏa ngục, ở đây vì sự thương xót Thiên Chúa kiềm chế sự công bằng. Chị nhận biết lòng thương xót của Thiên Chúa trong việc tẩy rửa chúng ta với Máu của Đức Kitô, sự nhập thể của Người, và sự hiện diện liên tục của Người trong Thánh Lễ. Bị tràn ngập bởi lòng thương xót bao la của Thiên Chúa, chị xin lỗi vì lời nói quá tự tin của mình, nhưng tình yêu thương xót của Chúa đã lượng thứ cho chị.
Sau khi suy nghĩ về sự thương xót của Thiên Chúa, chị chờ đợi sự chu toàn lời hứa của Người. Thiên Chúa tiếp tục giải thích sự độc ác của những ai đắm chìm trong tội, xa rời phẩm giá của mình. Các linh hồn này trở nên yếu ớt khi họ phạm tội trọng và mất đời sống ơn sủng, trở nên như các xác chết, không thể cảm thấy hay di động mà không có sự giúp đỡ. Trí nhớ của họ quên đi lòng thương xót của Thiên Chúa, trí tuệ của họ bị mù quáng, và ý muốn của họ không còn phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Tất cả hành động của họ, trong tư tưởng và việc làm, thì chết trong ơn sủng. Những linh hồn như thế, bất động trước ơn sủng, trở nên vô giác trước sự khốn khổ của chính mình, bị kiềm chế bởi tội, và nô lệ cho tội. Qua ơn sủng, Thiên Chúa làm cho họ các cây của tình yêu, nhưng họ trở nên cây của sự chết vì tội của mình. Rễ của cây này nằm trong sự kiêu căng, được nuôi dưỡng bởi sự ích kỷ, với các cành thiếu kiên nhẫn và nhánh là sự thiếu thận trọng. Các tật xấu này tiêu diệt linh hồn, biến nó trở thành một cái cây chết. Giòi bọ lương tâm gặm nhắm cây này, tạo ra hoa quả khô héo từ rễ kiêu căng, dẫn đến sự vô ơn và mọi xấu xa.
Các quả của cây này thì nhiều loại khác nhau như tội lỗi. Tội vui thú nhục dục hạ thấp con người xuống hàng súc vật, đắm mình trong sự dơ bẩn. Những linh hồn này, được dựng nên giống như các thiên thần, đã trở nên cục súc. Những tội như thế che mờ trí tuệ nhiều hơn bất cứ tội nào khác, là một dữ kiện mà ngay cả các triết gia hồi xưa cũng biết nên họ tránh xa nhục dục để giữ gìn trí tuệ của họ. Tuy nhiên, các Kitô Hữu lầm lạc mất ơn sủng bởi chiều theo các tội như thế.
Một quả khác là sự tham lam, giống như một con chuột chũi ăn đất cho đến khi chết. Người keo kiệt bất kể sự độ lượng của Thiên Chúa, họ bán cả thời giờ cho người lân cận, và cho vay nặng lãi một cách tàn nhẫn. Họ không nhớ đến sự thương xót của Thiên Chúa, nên dẫn đến sự tàn bạo đối với chính họ và người khác. Sự tham lam, bén rễ trong sự kiêu căng, gây ra tính tự cao tự đại, lừa dối, đố kỵ, và thiếu lòng trắc ẩn. Người keo kiệt bị nô lệ cho sự giầu có của họ, chỉ lo cho tư lợi, và thường đem lại sự khốn khổ cho gia đình họ. Bất kể điều này, lòng thương xót của Thiên Chúa duy trì họ, với hy vọng họ sám hối.
Những người khác, giữ các địa vị có thẩm quyền, vi phạm sự bất công chống với Thiên Chúa, với chính họ, và với tha nhân. Họ không vinh danh Thiên Chúa, họ cướp đi vinh quang của Người cho nhục dục của riêng mình. Giống như những người Do Thái ghen tị đã đóng đinh Đức Giêsu, những người này bị mù quáng vì sự ích kỷ và không nhìn nhận sự thật. Họ bách hại người khác một cách bất công, họ sử dụng quyền lực của mình để bóc lột và đàn áp.
Sự phán đoán sai lầm phát sinh từ những tội này. Người độc ác, bị mù lòa bởi kiêu căng, và không thanh sạch, bị căm phẫn bởi các việc làm của Thiên Chúa và các tôi tớ của Người. Họ đánh giá những điều tốt là xấu và ngược lại, điều đó cho thấy sự đồi bại luân lý của chính họ. Sự kiện loài người sa ngã làm mất đi phẩm giá và nô lệ cho tội lỗi thì lại được đề cao, mà tội lỗi thì chẳng là gì cả, chỉ dẫn đến sự chết. Đức Giêsu, bởi sự vâng phục và hy sinh của Người, đã cung cấp mọi sự chữa trị cho sự cứu độ, nhưng nhiều người khinh miệt Máu của Người và rơi vào sự luận phạt đời đời.
Khiển Trách I. Sự khiển trách thứ nhất xảy ra khi Chúa Thánh Thần ngự trên các Tông Đồ, thêm sức cho họ để loan truyền chân lý của Thiên Chúa và chê trách thế gian. Sự chê trách liên tục này đến từ Kinh Thánh và các tôi tớ của Thiên Chúa, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Bất kể điều này, nhiều người muốn bỏ qua sự thật, dẫn đến sự luận phạt chính mình.
Khiển Trách II. Sự khiển trách thứ hai xảy ra khi chết, khi linh hồn, mất đi sự hiện diện của Thiên Chúa, phải đương đầu với giòi bọ lương tâm. Nếu linh hồn này nhận biết và ăn năn hối lỗi vì xúc phạm đến Thiên Chúa, nó có thể tìm thấy sự thương xót. Tuy nhiên, nếu nó tuyệt vọng và cho rằng tội của nó lớn hơn lòng thương xót của Thiên Chúa, nó sẽ đối diện với sự luận phạt đời đời. Sự phán đoán sai lầm này thì tệ hơn tất cả các tội khác, vì nó từ chối lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa.
Khiển Trách III. Sự khiển trách thứ ba sẽ xảy ra vào Ngày Phán Xét, khi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang để xét xử thế gian. Khi trông thấy Chúa Kitô người bị luận phạt sẽ kinh hãi và người công chính sẽ kính sợ. Người bị luận phạt sẽ nhìn thấy diện mạo của Chúa Kitô như bóng tối vì chính những tật xấu của họ, trong khi người công chính sẽ nhìn thấy như ánh sáng. Ngày Phán Xét sẽ tiết lộ sự thật của mọi linh hồn, đưa đến hình phạt hay phần thưởng đời đời.
Các linh hồn bị luận phạt phải chịu bốn đau khổ chính. 1. Mất Thị Kiến Thiên Chúa: Sự đau khổ lớn nhất là khi họ bị tách biệt đời đời khỏi Thiên Chúa. 2. Giòi Bọ Lương Tâm: Không ngừng hối hận vì tội lỗi của mình. 3. Nhìn Thấy Ác Quỷ: Nhìn thấy quỷ trong hình dạng khủng khiếp nhất, nhắc nhở họ về tội lỗi của mình. 4. Lửa: Cháy không ngừng và đau khổ khôn cùng nhưng không thiêu hủy, lửa thay đổi cường độ tùy theo tội lỗi của họ.
Những đau khổ này được gia tăng bởi họ tiếp tục từ chối lòng thương xót của Thiên Chúa và sự phán đoán sai lầm của họ, dẫn đến hình phạt đời đời với ác quỷ.
Vào Ngày Phán Xét Sau Cùng, Chúa Kitô sẽ trở lại với quyền năng Thiên Chúa để khiển trách thế gian. Nhìn thấy diện mạo của Người sẽ gây nên sự kinh hãi cho người bị luận phạt và niềm vui tôn kính cho người công chính. Người bị luận phạt sẽ nhìn thấy diện mạo Chúa Kitô như bóng tối vì chính những tật xấu của họ, trong khi người công chính sẽ nhìn thấy như ánh sáng. Sự Phán Xét Sau Cùng sẽ tiết lộ sự thật của mọi linh hồn, đem đến phần thưởng hay hình phạt đời đời.
Tóm lại, lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa bao phủ tội lỗi của nhân loại, nhưng những ai từ chối lòng thương xót này phải đối diện với những hậu quả trầm trọng. Đường dẫn đến sự cứu độ nằm trong việc nhận biết và ăn năn hối cải những tội của mình, bám lấy lòng thương xót của Thiên Chúa, và theo gương Chúa Kitô. Ngày Phán Xét cuối cùng sẽ tiết lộ sự thật của mọi linh hồn, với các hậu quả đời đời cho những lựa chọn của họ.
Người bị luận phạt thì ngập tràn sự căm hờn mãnh liệt đến độ họ không thể ao ước bất cứ điều gì tốt lành và tiếp tục lăng mạ Thiên Chúa. Họ không thể ao ước điều gì tốt lành bởi vì mục đích đời sống của họ ở trần gian, mà nó trói buộc ý muốn tự do của họ. Hậu quả là họ không thể có công trạng gì, vì mất đi cơ hội để thi hành như thế. Nếu họ chết trong căm hờn, vẫn còn tội trọng, linh hồn của họ mãi mãi bị ràng buộc bởi sự căm hờn qua sự công bằng của Thiên Chúa. Sự căm hờn thường xuyên này gia tăng những đau khổ của họ, nhất là cho những ai gây nên sự đọa đầy của người khác. Một thí dụ là ông nhà giầu, tự đọa đầy, xin Lagiarô cảnh cáo những anh em của ông, không phải vì lòng yêu mến, nhưng vì ông ta đã biết sự đọa đầy của họ sẽ thêm vào sự đau đớn của chính ông, khi ông chịu trách nhiệm về tội của ông.
Ngược lại, những linh hồn chính trực mà họ chết trong bác ái và tình thương thì mãi mãi được ràng buộc bởi những quan hệ này. Tuy họ không thể gia tăng nhân đức sau khi chết, họ tiếp tục yêu mến và khao khát Thiên Chúa. Sự đói khát Thiên Chúa của họ thì được no thỏa mãi mãi, và họ cảm nghiệm niềm vui mà không còn khổ sở vì đói hay chán ngấy. Người được chúc phúc vui sướng vì đời đời được chiêm ngắm Thiên Chúa, sự dự phần trong sự thiện hảo của Thiên Chúa thì tùy theo mức độ tình yêu của họ. Họ cảm nghiệm niềm vui trong sự tốt lành của từng người và trong sự tốt lành chung, họ chia sẻ niềm vui của mình với các thiên thần và các linh hồn được chúc phúc.
Trong sự sống đời sau, họ vẫn yêu mến những ai họ đặc biệt có tình cảm khi còn sống, và tình yêu này gia tăng trong sự sống đời sau. Tình yêu đặc biệt này không chỉ có lợi cho họ nhưng còn được chia sẻ giữa tất cả những người được chúc phúc và các thiên thần. Khi đạt đến sự sống đời đời, mỗi linh hồn chia sẻ sự thiện hảo của mọi linh hồn khác và ngược lại. Hạnh phúc của họ thì không gia tăng bởi nhận được thân xác vinh hiển của mình, nhưng thân xác này sẽ chia sẻ trong niềm vui của linh hồn. Thân xác vinh hiển sẽ có các đặc tính như có thể đi qua các bức tường và không bị hư hại bởi nước và lửa, những thuộc tính này được Thiên Chúa ban cho nhờ đức hạnh của linh hồn.
Người được chúc phúc thấy vui sướng lớn lao khi được nhìn thấy Thiên Chúa và được bảo đảm sự sống lại của mình, họ hoan hỉ trong các thương tích của Chúa Kitô, mà đó là chứng cớ của tình yêu và lòng thương xót của Người. Họ được đồng hình dạng với hình ảnh của Chúa Kitô, và nhân tính của Người đem cho họ niềm vui bao la. Người được chúc phúc không sợ sự phán xét của Thiên Chúa nhưng họ mong chờ với niềm vui, vì diện mạo của Chúa Kitô sẽ xuất hiện để yêu mến và thương xót họ, trái với người bị luận phạt.
Người bị đọa đầy sẽ cảm nghiệm sự đau đớn gia tăng sau Phán Xét Chung. Việc nhìn thấy hạnh phúc của người công chính sẽ gia tăng sự đau khổ của chính họ. Trong phán xét sau cùng, linh hồn sẽ được tái hợp với thân xác, dẫn đến sự xấu hổ và mặc cảm tội lỗi dữ dội hơn. Họ sẽ bị đau đớn bởi ký ức của họ và khi nhìn thấy thân xác vinh hiển của người được cứu độ, hoàn toàn trái với sự đau khổ của họ. Máu Chúa Kitô, mà họ chối bỏ, sẽ ở vị thế như một bằng chứng chống lại họ, và những độc ác, kiêu căng, ích kỷ của họ cũng như các tội khác sẽ được đưa ra ánh sáng, khiến sự đau đớn lại càng gia tăng.
Quỷ là công cụ của Thiên Chúa về sự công bằng, nó hành hạ các linh hồn nào từng xúc phạm đến Thiên Chúa. Nó cám dỗ con người để thử thách nhân đức của họ, không phải để chinh phục họ, nhưng để như thế chúng có thể minh chứng sức mạnh của chúng và được vẻ vang từ Thiên Chúa. Quỷ không thể buộc ai phạm tội; mỗi người có tự do ý muốn để chống lại cám dỗ. Sức mạnh để chống trả thì đến từ ơn sủng của Thiên Chúa và ý chí kiên cường. Những ai chịu thua sự cám dỗ thì họ tự ý làm như vậy, khiến họ trở nên dễ bị tổn thương trước ảnh hưởng của quỷ.
Vào giờ chết, những linh hồn nào sống trong ảnh hưởng của quỷ thì phải đối diện với chính lương tâm của mình và họ tuyệt vọng ôm lấy sự đầy đọa đời đời. Ngược lại, người công chính, sống trong bác ái và hy vọng, nhìn thấy sự thiện hảo được chuẩn bị cho họ và ôm ấp điều ấy với tình yêu. Họ nếm được sự sống đời đời trước khi lìa bỏ thân xác mình, được bảo đảm một chỗ ở với Thiên Chúa.
Quỷ dối gạt người ta bằng cách trưng ra những lạc thú của thế gian là tốt lành, khai thác sự ích kỷ của họ. Bị mù quáng bởi sự ích kỷ, họ không phân biệt được điều gì thực sự tốt lành và rơi vào tội lỗi. Quỷ dùng những cám dỗ khác nhau cho loại người khác nhau, tùy theo tình trạng đời sống của họ. Những ai đắm chìm trong tội thì bị lừa dối để tin rằng đi theo Thiên Chúa thì rất khó khăn. Họ không nhận ra rằng khi tránh né các gai góc phiền hà của thế gian thì lại dẫn họ đến sự đau khổ lớn lao hơn.
Mọi người đều cảm nhận những đau khổ trong đời, hoặc thân xác hay tâm thần. Các tôi tớ của Thiên Chúa chịu đựng đau khổ phần xác nhưng tâm thần vẫn tự do, vì ý muốn của họ thì phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Những ai yêu mến Thiên Chúa thì nhận biết rằng những khổ cực được phép xảy ra vì tình yêu, không phải vì thù ghét, và giúp họ chịu đựng với sự kiên nhẫn và đức tin. Những thử thách này giúp họ lớn lên trong nhân đức và đáng được phần thưởng đời đời. Sự ngắn ngủi của đời sống thế gian làm cho những đau khổ đời này trở nên nhỏ bé so với niềm vui đời đời đang chờ đợi họ. Do đó, người được chúc phúc nếm thử đời sống vĩnh cửu ngay khi còn sống, họ chịu đựng những gai góc mà không bị đâm thấu, vì tâm hồn họ được kết hợp với Thiên Chúa.
Linh hồn thánh nữ, phiền muộn vì sự mù quáng của người khác, chị đau đớn vì sự ích kỷ và tinh cảm rối loạn của họ, dẫn họ đến sự đầy đọa đời đời. Chị thương tiếc những ai, dù nhận ra sự tốt lành của Thiên Chúa, vẫn trở lại con đường tội lỗi của mình. Chị cầu xin được hiểu biết làm thế nào bước lên thang bậc tinh thần và vượt qua những độ sâu này.
Thiên Chúa giải thích rằng mọi sự dữ xuất phát từ sự ích kỷ, mà nó che mờ lý lẽ và đức tin. Linh hồn, được dựng nên trong hình ảnh của Thiên Chúa, có được trí nhớ, trí khôn, và ý muốn. Trí khôn là phần cao quý nhất, được nuôi dưỡng bởi tình cảm và tình yêu. Khi tình cảm của linh hồn được hướng về Thiên Chúa, trí khôn chiêm niệm sự thiện hảo và thương xót của Thiên Chúa, dẫn đến khao khát thánh thiện và các nhân đức như khiêm tốn và kiên nhẫn. Ngược lại, nếu tình cảm hướng đến các điều của thế gian, trí khôn bị che mù, dẫn đến sự kiêu căng và thói xấu.
Hành trình tiến đến Thiên Chúa đòi phải vượt qua sự ích kỷ và phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa. Ba bước trong bậc thang tinh thần tượng trưng cho các giai đoạn của hành trình này, với sự tiến bộ của linh hồn từ tình yêu bản thân đến tình yêu Thiên Chúa, sau cùng tìm thấy niềm vui vĩnh cửu trong sự hiện diện của Thiên Chúa.