Được thúc đẩy bởi sự khao khát mạnh mẽ làm vinh danh Thiên Chúa và cứu chuộc tha nhân, Thánh Catarina đã hiến mình cho sự khiêm tốn cầu nguyện. Chị hiểu rằng để thực sự yêu mến và kết hợp với Thiên Chúa, trước hết chị cần phải biết chính mình và sự thiện hảo của Thiên Chúa. Chị dành thời giờ để luyện tập các nhân đức và luôn trầm ngâm suy nghĩ về chính bản thân để hiểu rõ hơn về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chị. Chị biết rằng sự hiểu biết đích thực dẫn đến tình yêu, và tình yêu đưa chị đến gần Thiên Chúa hơn. Qua sự cầu nguyện, chị tìm kiếm sự quan hệ sâu đậm hơn với Thiên Chúa, theo gương Đức Kitô. Chị nhớ những lời của Chúa: “Với những ai yêu mến Ta và tuân giữ các giới răn của Ta, Ta sẽ tỏ lộ chính Ta, và họ sẽ là một với Ta.”
Để hiểu điều này rõ hơn, chị nhớ một phụ nữ đạo đức mà trong khi cầu nguyện thường cảm thấy tình yêu của Thiên Chúa dành cho các tôi tớ của Người. Thiên Chúa sẽ nói với chị: “Hãy nhìn đến Ta và xem sự xinh đẹp của tạo vật của Ta, được trang điểm với các nhân đức và được kết hợp với Ta qua tình yêu. Các linh hồn này trở nên một với Ta bởi vì chúng từ bỏ ý riêng của chúng cho ý muốn của Ta.”
Với sự hiểu biết này, chị khao khát muốn biết và đi theo chân lý cách can đảm hơn. Chị tin rằng để giúp đỡ người khác, trước hết chị cần phải cải thiện chính mình. Do đó, chị trình bày bốn thỉnh cầu lên Thiên Chúa: 1. Cho chính chị, để có thêm nhân đức. 2. Cho sự cải tổ Hội Thánh. 3. Cho hòa bình thế giới và nhất là cho các Kitô Hữu nổi loạn chống Giáo Hội. 4. Xin sự Quan Phòng của Thiên Chúa hướng dẫn chị về những lưu tâm đặc biệt.
Sự ao ước của thánh Catarina gia tăng khi Thiên Chúa cho chị thấy sự cần thiết của thế giới và những xúc phạm của thế giới đối với Người. Chị hiểu biết điều này rõ hơn sau khi nhận được lá thư từ cha linh hướng, diễn tả sự đau khổ gây nên bởi tội lỗi và sự bách hại Giáo Hội. Điều này đã nung nấu sự ao ước thánh thiện của chị và hy vọng Thiên Chúa can thiệp để chống với các sự dữ này. Chị nóng lòng chờ đợi vào sáng hôm sau, là một ngày lễ kính Đức Maria, để tham dự Thánh Lễ. Trong Thánh Lễ, chị cảm thấy thật xấu hổ vì những bất toàn của mình, chị nhìn thấy chính mình như nguyên nhân của sự dữ trong thế gian. Chị cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa Hằng Hữu, xin hãy trừng phạt con vì các tội của con ở đời này và che chở những người lân cận của con khỏi bị đau khổ vì các lỗi lầm của con.”
Thiên Chúa đã trả lời, giải thích rằng những đau khổ giới hạn ở đời này thì không thể hoàn toàn đền bù cho ngay cả một tội nhỏ nhất bởi vì sự xúc phạm ấy chống với Sự Thiện Hảo Vô Hạn. Tuy nhiên, Người cũng nói rằng không phải mọi đau khổ đời này là những hình phạt mà chỉ là những chấn chỉnh. Sự thống hối thực sự và tình yêu, cộng với sự ao ước của một linh hồn, thì có công đức vô hạn. Sự buồn sầu vô hạn này và tình yêu dành cho Thiên Chúa, được thấy qua sự buồn sầu vì các tội cá nhân và các tội của người khác, là điều làm cho sự đau khổ của linh hồn có ý nghĩa.
Thiên Chúa giải thích thêm rằng tội bị phạt không bởi sự đau đớn nhưng bởi tình yêu, sự ao ước, và thống hối của linh hồn. Các nhân đức này có giá trị nhờ sự hy sinh của Đức Kitô. Bởi yêu mến Thiên Chúa và luyện tập các nhân đức của Đức Kitô, linh hồn có thể chuộc tội qua tình yêu và sự thống hối, chứ không chỉ qua sự đau đớn thể xác.
Thiên Chúa minh xác rằng trong khi Người ban sự tha tội cho những ai cầu xin, hình phạt của họ chỉ được đền bồi hoàn toàn nếu họ chấp nhận tình yêu của Người và sửa đổi với sự thống hối cách trọn. Những lời cầu nguyện và ao ước của linh hồn giúp người khác nhận được ơn sủng, dẫn họ đến sự thống hối và hiểu rõ hơn về tội của mình. Tuy nhiên, những ai vẫn ngoan cố và vô ơn sẽ phải đối diện với hình phạt đời đời.
Thiên Chúa nhấn mạnh rằng các nhân đức được thụ đắc qua sự thương yêu và phục vụ tha nhân. Mọi hành động yêu mến và giúp đỡ người khác phải xuất phát từ lòng bác ái. Không yêu thương tha nhân, người ta không thể thực sự yêu mến Thiên Chúa. Ngược lại, tội cũng thể hiện qua những hành động chống với tha nhân, cho thấy sự thiếu vắng tình yêu và lòng bác ái.
Các nhân đức được thử thách và củng cố bởi các điều trái ngược. Sự khiêm tốn được chứng tỏ đối với sự kiêu căng, đức tin đối với sự bội tín, kiên nhẫn đối với sự tức giận, và vân vân. Người tốt lành biểu lộ và gia tăng các nhân đức qua những giao tiếp với người khác, ngay cả khi đối diện với lối đối xử tiêu cực. Điều này cũng áp dụng với tình yêu và sự kiên nhẫn, mà nó có thể biến đổi sự ghét bỏ và tức giận thành lòng nhân từ. Tiến trình thử thách và chứng thực nhân đức qua sự trái ngược sẽ giúp sâu đậm hơn và củng cố sự tận hiến của một người cho chân lý và tình yêu của Thiên Chúa.
Thiên Chúa quý trọng lòng mong ước chịu đau khổ vì Người. Một linh hồn yêu mến Thiên Chúa cảm thấy sâu sắc sự buồn sầu vì xúc phạm đến Người và cả niềm vui trong chân lý của Người. Sự kiên nhẫn chịu đau khổ chứng tỏ tình yêu và sự tận hiến của linh hồn này. Thiên Chúa kêu gọi các tôi tớ của Người hãy gánh chịu mọi thử thách với sự can đảm, minh chứng tình yêu của họ dành cho Người qua việc sẵn sàng chịu đựng mọi gian nan để vinh danh Người và cứu chuộc các linh hồn.
Thiên Chúa dạy rằng mọi nhân đức được thụ đắc qua sự yêu mến tha nhân, cũng như mọi tật xấu xuất phát từ sự ích kỷ và bỏ quên tha nhân. Người không yêu mến Thiên Chúa thì không thể yêu thương tha nhân và như thế phạm tội đối với cả hai. Ngược lại, yêu mến tha nhân chứng tỏ và củng cố các nhân đức, cho thấy lòng bác ái đích thực và sự phục vụ Thiên Chúa. Các nhân đức được liên kết và ràng buộc với nhau bởi tình yêu, và qua các hành động yêu thương, người ta lớn dần đến Thiên Chúa.
Thiên Chúa giải thích rằng Người ban các nhân đức khác nhau cho mỗi người khác nhau, nhưng tất cả các nhân đức thì quan hệ với nhau qua tình yêu. Một người có thể trổi vượt trong sự yêu mến, người khác trong sự công bằng, người khác nữa trong sự khiêm tốn, và vân vân. Khi thực hành nhân đức chính của mình, mỗi người thu hút các nhân đức khác, lớn lên trong sự thiện hảo nói chung. Sự đa dạng này bảo đảm rằng con người lệ thuộc lẫn nhau trong việc nuôi dưỡng tình thương và cộng đồng. Qua sự lệ thuộc hỗ tương này, mọi người trở nên một thừa tác viên ơn sủng của Thiên Chúa, chứng thực rằng tình yêu Thiên Chúa được hoàn tất qua tình thương tha nhân.