Thiên Chúa ao ước các tôi tớ của Người tiến hành các nhân đức đích thực và bên trong linh hồn hơn là chính yếu dựa vào các hành vi ăn năn hối lỗi. Trong khi các hành vi bên ngoài, tỉ như các kiểu hối cải khác nhau, được dùng như khí cụ của nhân đức, chúng không nên là điểm tập trung chính. Sự sám hối, được thi hành mà không thận trọng suy xét và không có nền tảng trong tình yêu, sự khiêm tốn, và kiên nhẫn, thì có thể cản trở sự toàn hảo. Thay vào đó, linh hồn phải dựa vào tình yêu, sự khiêm tốn, và ao ước vinh danh Thiên Chúa và sự cứu chuộc các linh hồn. Điều này chứng thực sự quyết tâm của linh hồn đối với nhân đức và sự cố gắng liên tục để vượt qua tính xác thịt.
Sự thận trọng suy xét được bén rễ trong việc thực sự biết mình và biết Thiên Chúa, nuôi dưỡng các nhân đức. Nó phát xuất từ sự khiêm tốn, mà lần lượt phát sinh từ sự tự nhận thức. Sự khiêm tốn này nuôi dưỡng lòng bác ái, tạo thành một nền tảng vững chắc cho sự suy xét khôn ngoan. Không có sự khiêm nhường, linh hồn trở nên thiếu khôn ngoan, kiêu hãnh, và không thể thích hợp trả lại vinh dự cho Thiên Chúa.
Hãy mường tượng một cái cây lớn lên trong một vòng tròn được vẽ trên mặt đất. Cây này tượng trưng cho linh hồn, mà nó sống bởi tình yêu, và vòng tròn tượng trưng cho sự biết mình trong Thiên Chúa. Cây phải bén rễ trong đất của sự khiêm tốn đích thực để phát triển. Cây tình yêu, được nuôi dưỡng bởi sự khiêm tốn, sinh ra cành là sự thận trọng suy xét thực sự. Cây này, tượng trưng cho thuộc tính của linh hồn, lớn lên và sinh kết quả nhân đức, làm hài lòng Thiên Chúa và cả tha nhân.
Tình thương và sự khiêm tốn của linh hồn cho phép nó sinh các kết quả nhân đức, có lợi cho tha nhân và làm vinh danh Thiên Chúa. Những hành động của linh hồn này, dù là sự sám hối hay các luyện tập khác, phải được dùng như các phương tiện để đạt được nhân đức, chứ chính nó không phải là cùng đích. Giá trị thực sự của các hành động này nằm trong sự phù hợp với tình yêu và sự suy xét của linh hồn.
Thiên Chúa tìm kiếm các nhân đức được thử thách trong lúc cần thiết. Sự hối cải và các chế ngự phần xác phải là phương tiện cho một mục đích, không phải là điểm chính nhắm đến. Công trạng đích thực của một linh hồn thì nằm trong nhân đức yêu thương, có hương vị là sự thận trọng thực sự. Tình yêu này phải vô tận đối với Thiên Chúa và thận trọng đối với tha nhân, tránh xa tội lỗi ngay cả khi theo đuổi sự giúp đỡ người khác. Sự thận trọng thánh thiêng hướng dẫn linh hồn phục vụ Thiên Chúa cách hăng say và yêu thương tha nhân cách thích hợp, bảo đảm những hành động của linh hồn này thì thích đáng và có lợi.
Sự thận trọng, phát sinh từ tình yêu, xua tan sự ngu dốt và gia tăng các nhân đức. Nó giúp linh hồn vượt qua các thách đố của đời sống với sự khiêm tốn, khôn ngoan, và nhẫn nại. Sự thận trọng đích thực giúp linh hồn đứng vững trước những cám dỗ của thế gian và lớn mạnh trong nhân đức. Các nhân đức của linh hồn, được thai nghén qua tình yêu, thì được chứng thực và được vững mạnh trong những giao tiếp với tha nhân.
Linh hồn này, bừng cháy với ao ước yêu mến Thiên Chúa và sự cứu chuộc thế gian, càng gia tăng sự sầu muộn và hy vọng qua những mặc khải của Thiên Chúa. Khi nhận biết sự thiện hảo vô cùng của Thiên Chúa và các lỗi lầm của chính mình, sự sầu muộn của linh hồn gia tăng nhưng được quân bình bởi hy vọng. Khi Thiên Chúa biểu lộ con đường tuyệt hảo, điều đó làm sâu đậm hơn sự biết mình của linh hồn và nhận thức về phẩm giá cũng như lỗi lầm của mình.
Sự ao ước mãnh liệt của chị về sự cứu chuộc Hội Thánh và thế gian đã khiến chị khẩn khoản nài xin Thiên Chúa, nhìn nhận vai trò của mình trong những tội lỗi của thế gian và tìm kiếm sự thương xót cho tất cả. Chị cầu khẩn tình yêu của Thiên Chúa và phẩm giá Người đã ban cho nhân loại vào lúc tạo dựng.
Cảm động vì nước mắt và những ao ước của chị, Thiên Chúa than thở về sự nhơ nhuốc và ích kỷ làm suy đồi Hội Thánh và các thừa tác viên. Bất kể sự thiêng liêng của các bí tích trong Giáo Hội, các bí tích này thường được ban phát với sự ô uế và bất kính. Máu Thánh Chúa Kitô, cốt để đem lại sự sống và ơn sủng, đem lại sự chết cho những ai lãnh nhận cách bất xứng.
Thiên Chúa giải thích rằng bản tính con người, bị hư hỏng vì tội nguyên tổ, cần sự can thiệp của Thiên Chúa để cứu chuộc. Người đã sai Con của Người, Đức Giêsu, để kết hợp nhân tính và thiên tính, đền bồi sự công bằng của Thiên Chúa và phục hồi ơn sủng cho nhân loại. Qua sự kết hợp thiên tính và nhân tính, sự hy sinh của Đức Giêsu trên Thập Giá cứu chuộc nhân loại.
Bất kể ơn sủng nhận được qua bí tích Rửa Tội, loài người vẫn có thể chọn sự lành hay sự dữ. Ý muốn tự do của linh hồn sẽ cho phép nó trân quý hay từ chối ơn sủng. Sự tự do mà Thiên Chúa ban cho qua sự hy sinh của Đức Kitô giúp cho linh hồn kiểm soát nhục dục của mình và đạt được mục đích của sự tạo dựng. Tuy nhiên, nhiều người không quý trọng món quà cao trọng này và vẫn sống trong tội, giống như thú dữ.
Nói tóm, sự thận trọng đích thực, bén rễ trong sự khiêm tốn và tình yêu, thì thiết yếu cho sự gia tăng nhân đức của linh hồn. Sự ăn năn hối lỗi và các hãm mình khác phải là phương tiện để vun xới nhân đức, tự chúng không phải là cùng đích. Linh hồn phải điều hướng quan hệ của mình với Thiên Chúa và tha nhân với sự thận trọng suy xét, bảo đảm các hành động của nó thì chính đáng và có lợi.
Thiên Chúa giải thích cho con gái của Người rằng, ngay cả khi nhân loại được phục hồi ơn sủng qua Máu của Con Duy Nhất của Người, loài người vẫn vô ơn, tiếp tục phạm tội và làm cho tội của họ càng nặng nề hơn. Họ thường không nhận ra các ơn sủng ban cho họ và đôi khi họ cảm thấy bị Thiên Chúa ghét bỏ, như thể Người muốn điều gì khác hơn ngoài việc thánh hóa họ.
Trách Nhiệm và Hình Phạt Gia Tăng
Bởi vì nhân loại được sự cứu chuộc nhờ Máu Chúa Kitô, giờ đây họ có bổn phận lớn lao là vinh danh Thiên Chúa. Vì nhận nhiều, họ nợ nhiều. Từ nguyên thủy, loài người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và có ý định để vinh danh Người. Tuy nhiên, họ bất tuân và trở nên kẻ thù của Thiên Chúa. Nhờ sự khiêm tốn của Đức Kitô, khi mặc lấy bản tính con người, nhân loại được thoát khỏi cảnh tôi tớ cho ác quỷ và được tự do. Giờ đây, loài người càng có bổn phận vinh danh Thiên Chúa nhiều hơn bởi vì sự cứu chuộc qua Đức Kitô. Nếu họ không thi hành như vậy, sự xúc phạm của họ lớn lao hơn, và sự công bằng của Thiên Chúa đòi phải có sự trừng phạt nặng hơn.
Một Kitô Hữu lầm lạc bị phạt nhiều hơn một người ngoại đạo bởi vì họ nhận được nhiều ơn sủng nhưng vẫn chọn tội lỗi. Sự công bằng của Thiên Chúa thiêu đốt họ nhiều hơn, và họ đau khổ vì giòi bọ lương tâm mà không bao giờ chết được. Đây là lý do tại sao tội bị trừng phạt nặng hơn sau khi có sự Cứu Chuộc của Máu Chúa Kitô hơn lúc trước.
Sự Thương Xót của Thiên Chúa Qua các Tôi Tớ của Người
Bất kể sự vô ơn của nhân loại, Thiên Chúa cống hiến cách chữa trị qua sự cầu nguyện và đau khổ của các tôi tớ Người. Thiên Chúa ban cho các tôi tớ Người lòng ao ước vinh danh Người và sự cứu chuộc các linh hồn. Nước mắt và lời cầu nguyện của họ có thể dịu bớt sự công bằng của Thiên Chúa. Thiên Chúa hứa sẽ phục hồi sự xinh đẹp của hiền thê của Người (Hội Thánh) không phải qua sự tàn bạo nhưng qua sự khiêm tốn và liên lỉ cầu nguyện của các tôi tớ Người.
Con Đường Đứt Quãng và Cây Cầu
Sau khi Adong phạm tội, con đường dẫn đến sự Sống Đời Đời bị đứt quãng, và nhân loại không thể vinh danh Thiên Chúa hay đạt được mục đích mà họ được dựng nên. Tội đem đến cuộc nổi loạn bên trong con người, khiến xác thịt chống với thần khí, và mọi tạo vật nổi loạn chống với con người. Điều này dẫn đến cái chết đời đời cho linh hồn và thân xác. Để cứu chữa điều này, Thiên Chúa cung cấp một cây Cầu qua Con của Người, Đức Giêsu Kitô, để nhân loại có thể vượt qua biển giông bão của cuộc đời mà không bị chìm.
Bản Chất Cây Cầu
Thiên Chúa yêu cầu con gái của Người hãy nhìn đến sự vĩ đại của cây Cầu, từ Trời cao xuống đất thấp, kết hợp bản tính nhân loại với Thiên tính. Cây Cầu này, Đức Giêsu Kitô, có ba bước, tiêu biểu cho ba tình trạng của linh hồn. Bước thứ nhất gồm việc nhấc chân ra khỏi những ước muốn trần tục, bước thứ hai lấp đầy linh hồn với tình yêu và nhân đức, và bước thứ ba đem lại bình an. Câu Cầu này được nâng cao nhưng nối với trái đất, tượng trưng cho bản tính Thiên Chúa của Đức Kitô kết hợp với nhân tính. Cây Cầu này được nâng cao khi Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá.
Cây Cầu được xây bằng các nhân đức và được bảo vệ khỏi cơn mưa công bằng của Thiên Chúa bởi sự hy sinh của Đức Kitô đem lại lòng thương xót. Hội Thánh phục vụ như một nhà trọ, nơi cung cấp thức ăn tinh thần qua Mình và Máu Chúa Kitô. Những ai đi trên Cầu này sẽ đến sự Sống Đời Đời, trong khi những ai đi bên dưới, lội qua nước (những gắn bó trần tục), sẽ chìm trong tội lỗi và sự lầm lạc.
Di chuyển trên Cầu là điều đòi hỏi nhưng xứng đáng. Những ai đi qua Cầu sẽ tìm thấy ánh sáng và đời sống bất diệt dù vẫn ở trong thân xác phải chết. Họ cảm được sự vui sướng của Chân Lý Vĩnh Cửu, trong khi những ai chọn phần thấp kém tội lỗi thì cảm thấy cực nhọc mà không khoan khoái, dẫn đến sự luận phạt đời đời. Cầu này, tượng trưng cho giáo lý của Đức Kitô, vẫn vững chắc và ổn định, đem lại sự cứu độ cho những ai theo đuổi giáo lý ấy với đức tin.
Sự Thăng Thiên của Chúa Kitô
Bốn mươi ngày sau khi Phục Sinh, Đức Kitô lên trời, nhưng giáo lý của Người vẫn còn. Chúa Thánh Thần đến để củng cố các môn đệ và xác nhận những giảng dạy của Đức Kitô, bảo đảm rằng con đường cứu chuộc qua giáo lý của Người vẫn rộng mở.
Vai Trò của Hội Thánh
Hội Thánh, được hướng dẫn bởi các Tông Đồ, các vị tử đạo, các người tuyên xưng đức tin, các nhà truyền giáo, và các tiến sĩ, đứng vững như một chứng nhân cho chân lý của Đức Kitô. Họ soi đường cho các tín hữu, chứng minh sự thật trong giáo lý của Đức Kitô qua sự giảng dạy và đời sống của họ. Giáo lý này, được xác nhận bởi Chúa Thánh Thần, cống hiến nghị lực, khôn ngoan, và tình yêu cho những ai đi theo giáo lý ấy.
Lời Hứa Phán Xét của Thiên Chúa
Thiên Chúa hứa rằng Đức Kitô sẽ trở lại vào ngày sau hết để xét xử thế gian, tưởng thưởng người đức hạnh và trừng phạt kẻ độc ác. Cho đến khi đó, các tín hữu được thúc giục hãy bước đi trên Cầu giáo lý của Đức Kitô, tránh lối lầm lạc dẫn đến sự đọa đầy. Thiên Chúa kêu gọi cầu nguyện và thương khóc kẻ tội lỗi, hy vọng họ được cứu chuộc qua sự thương xót của Người.
Tóm lại, Thiên Chúa nhấn mạnh đến trách nhiệm lớn lao của nhân loại sau sự Cứu Chuộc, sự hy sinh quan trọng của Đức Kitô như một cây Cầu dẫn đến sự cứu độ, và tiếp tục dẫn dắt và giảng dạy Hội Thánh. Người kêu gọi sự thành tâm cầu nguyện và hoạt động để giúp đưa người khác đến sự cứu độ, Người hứa bảo vệ và quan phòng cho những ai đi theo đường lối của Người.