Đối Thoại của Catarina ở Siena là một tác phẩm thực tế và hấp dẫn trong huyền bí học Kitô Giáo. Thánh Catarina ở Siena, một người Dòng Ba Đa Minh, đã viết xuống “trong một trạng thái xuất thần khi đối thoại với Thiên Chúa Cha.” Cuốn này gồm cuộc đối thoại giữa “Cha Hằng Hữu” (Thiên Chúa Cha) và “một linh hồn con người” (T. Catarina). Trong đó, qua nhiều loại suy, biểu tượng, và ẩn dụ khác nhau, Cha Hằng Hữu diễn tả đời sống tinh thần của loài người. Trong sự diễn tả của Người, Cha Hằng Hữu nhấn mạnh đến sự quan trọng của việc vun xới các nhân đức, liên tục cầu nguyện, và nhu cầu vâng phục. Tuy được viết vào thời gian biến động về tinh thần và chính trị trong thế kỷ 13, cuốn Đối Thoại của Catarina ở Siena vẫn thích hợp với ngày nay, và bất cứ ai cũng được lợi từ lời khuyên đúng đắn trong cuốn đối thoại này.
Tại sao bạn phải đọc Đối Thoại của Catarina ở Siena? Bởi vì qua vị đại thánh này Thiên Chúa nói với bạn, và tôi, và toàn thể Giáo Hội của Người. Tuy rất nổi tiếng, T. Catarina chỉ phục vụ như một máng chuyển thông điệp của Thiên Chúa. Trong tác phẩm kinh điển tinh thần này, thông điệp của Thiên Chúa gồm bốn đề tài: Sự Quan Phòng của Thiên Chúa, Suy Xét Khôn Ngoan, Cầu Nguyện, và Vâng Phục. Mỗi một khái luận này bao gồm sự hướng dẫn và cảm hứng cho đời sống hàng ngày của bạn cũng như trước đây cho T. Catarina và những người đương thời.
Sinh năm 1347 là người thứ hai trẻ nhất trong 25 người con, Catarina Benincasa là một phụ nữ đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban cho các cảm nghiệm phi thường. Chúa Kitô, Đức Maria, các thiên thần, và các thánh đã xuất hiện với chị ngay khi chị mới sáu tuổi; Đức Giáo Hoàng đã nghe theo lời yêu cầu của chị để trở về Rôma từ Avignon; Chúa Kitô ban cho chị các dấu thánh của Người; và Thiên Chúa Cha đã nói với chị như một người bạn thân tình.
Một lý do mà Đối Thoại này được áp dụng cho bạn là vì bạn có may mắn sống trong nền văn hóa hiện thời nhưng nhiều thách đố. Trong khi chúng ta có nhiều ơn sủng hơn, nhiều tự do hơn, và nhiều cơ hội hơn để tìm kiếm chân lý, chúng ta cũng bị vây hãm bởi sự tối tăm luân lý mà dường như tệ hại hơn với từng thế hệ.
Khái Luận về Sự Quan Phòng Thiên Chúa của T. Catarina có thể nhắc nhở bạn rằng Thiên Chúa thì sống động trong thế giới ngày nay, chờ đợi bạn mời Người vào cuộc đời bạn, gia đình bạn, vào đời sống của bất cứ ai quên rằng Thiên Chúa đang hiện diện khắp nơi – không chỉ hiện diện đối với mọi sự, nhưng trong mọi sự, như một người sáng tạo hiện diện trong công trình vĩ đại của họ. Công việc vĩ đại nhất của Thiên Chúa thì không phải là tạo dựng nên con người, nhưng tạo dựng Thiên Chúa-làm-người, Đức Giêsu ở Nadarét, đấng từ Thiên Đường đem xuống cho nhân loại sa ngã sự thương xót vô cùng. Và vì thế, Thiên Chúa giải thích rằng sự Quan Phòng của Người thì có thể nhận biết nhiều nhất trong sự thương xót đổ xuống trên chúng ta. Sự thương xót của Người thì quá lớn lao đến độ nếu bạn “thực sự kiên nhẫn, với sự buồn sầu vì tội lỗi của bạn, và với lòng yêu mến nhân đức để vinh danh và chúc tụng Danh Ta… Ta sẽ không nhớ rằng con đã xúc phạm đến Ta.” Chỉ có một Thiên Chúa vô cùng mới có thể làm cho những tội lỗi nặng nề của chúng ta như không bao giờ hiện hữu.
Khái Luận về Sự Suy Xét Khôn Ngoan của T. Catarina có thể là một ánh sáng dẫn đường trong một thế giới tăm tối, mà chân lý khách quan bị xa lánh và thuyết tương đối được cổ vũ như luật đạo đức. Chúng ta sống trong một thời đại mà mọi sự chọn lựa đều được tôn trọng, mà ở đó sự thiếu khoan dung là tội nặng nhất trong các tội, và ở đó trẻ em được dạy hãy bỏ qua mọi hành vi của chúng bạn bởi vì nó có thể “đúng với chúng.” Tuy nhiên, khái luận về sự suy xét khôn ngoan này dạy rằng đức tính luân lý phải là nguyên tắc chỉ đạo của chúng ta trong mọi việc thi hành – và không bao giờ có ngoại lệ.
Thiên Chúa nói với T. Catarina rằng chỉ phạm một tội thôi, bất kể ý định tốt lành thế nào (như để cứu toàn thể thế giới khỏi sa Hỏa Ngục hay có được một nhân đức lớn lao), cũng không thể được coi là một diễn tả thích hợp hay khôn ngoan của tình yêu. Nhà tư duy Công Giáo vĩ đại là Đức Hồng Y Henry Newman có một tuyên bố tương tự trong cuốn Apologia của người: “Giáo Hội Công Giáo chủ trương rằng, tốt hơn để mặt trời và mặt trăng sa xuống đất, để trái đất tan dần, và để hàng triệu người trên đó phải chết đói trong sự đau đớn cùng cực … hơn là một linh hồn … phải hư mất … vì vi phạm một tội nhẹ, nói một điều không thật, hoặc ăn cắp một đồng xu mà không xin lỗi.” Chính đức tính suy xét khôn ngoan có thể giúp tâm trí con người hiểu rằng sự đạo đức không bao giờ chấp nhận một chút thỏa hiệp.
Nhưng cũng chính nhân đức này đồng thời ra lệnh rằng một linh hồn “phải thành tâm yêu mến tha nhân mà linh hồn ấy sẽ hy sinh sự sống của mình hàng ngàn lần, nếu có thể, vì sự cứu chuộc các linh hồn, chịu đựng những đau đớn và thống khổ để tha nhân có thể có được đời sống ơn sủng.” Chính sự suy xét khôn ngoan cho thấy rằng một sự hy sinh phần xác, như chính Chúa Kitô, là dấu chỉ tuyệt hảo của tình yêu. Có lẽ đối với chúng ta, điều này có nghĩa quên mình đến với gia đình bằng cách nấu ăn hay dọn dẹp, cắt cỏ hay ngồi nói chuyện lâu giờ, hoặc có lẽ nó có nghĩa chăm chỉ học hành để chuẩn bị cho một tương lai sáng lạn hơn. Đời sống thì đầy những giây phút “hy sinh đời sống của bạn”, và sự suy xét khôn ngoan nói chúng ta hãy trân quý chúng. Và nếu chúng ta muốn có được sự suy xét này cách trọn vẹn, chúng ta phải quay về với Thiên Chúa trong sự cầu nguyện, mà nó dẫn chúng ta đến khái luận kế tiếp - Khái Luận về Cầu Nguyện.
Chúng ta sống trong một nền văn hóa mà một đức tin sống động thì bị nhạo cười, sự thành khẩn cầu nguyện thường bị coi là nghi thức lỗi thời và vô nghĩa. Một số người tán thưởng sự cầu nguyện như một thực hành để tự nhận thức, hoặc tệ hơn nữa, tự tôn thờ. Ngay cả tín hữu từng quỳ gối thờ lạy Thiên Chúa cũng có biết bao sự sao nhãng. Dường như mọi giây phút trong đời sống chúng ta thì đầy những ồn ào, đôi khi từ bên ngoài, và đôi khi từ bên trong. Tuy nhiên, Thiên Chúa giải thích rằng chúng ta chỉ thường dùng sự cầu nguyện “bằng lời” hơn là thực sự cầu nguyện “bằng tâm trí.” Hãy biết chắc là sự cầu nguyện của bạn thì nhiều hơn chỉ bằng lời, Người ra lệnh cho chúng ta. Hãy biết chắc rằng sự cầu nguyện của bạn là những lời của tình yêu.
Sau cùng, Khái Luận về Vâng Phục thì đặc biệt áp dụng cho văn hóa ngày nay mà, nếu có bất cứ hình thức nào, nó rất ít tôn trọng người già, hoặc tôn kính sự linh thiêng. Chúng ta tìm thấy gương mẫu của sự vâng phục trong Chúa Giêsu Kitô, tuyệt đối vâng phục Chúa Cha. Đến với sự vâng phục là sự bình an vượt trên sự khuây khỏa thoáng qua mà thế gian có thể cung hiến. Ở mặt bên kia, sự bất tuân, như của ADong, chỉ đem lại sự cô lập, sợ hãi, và khốn khổ. Hãy nhớ rằng cổng Thiên Đường bị đóng lại bởi sự bất tuân và được mở lại bởi sự vâng phục – và như thế tâm hồn bạn được mở ra bởi sự khiêm tốn vâng phục Thiên Chúa chúng ta.
Thiên Chúa có thể không trực tiếp nói với bạn, như Người đã nói với T. Catarina, nhưng Người vẫn cho bạn cơ hội để nghe tiếng Người qua các trang này. Đối Thoại của T. Catarina ở Siena là một tác phẩm kinh điển vượt thời gian bởi vì nó chứa đựng một thông điệp vượt thời gian. Thiên Chúa đang chờ đợi để mở đầu cuộc đối thoại của chính Người với bạn trong những trang này và qua các đức tính mà các trang này sẽ giúp bạn có được.
J. Conor Gallagher