Thiên Chúa nói với chị Catarina: “Ta đã giải thích cho con hình ảnh của ba bước, tượng trưng cho ba sức mạnh của linh hồn. Không ai có thể lên đến Cầu này và theo Chân Lý của Ta mà không hội nhập ba sức mạnh này, và linh hồn không thể kiên trì mà không có sự hợp nhất của các điều ấy. Sự kiên trì thì thiết yếu để đạt được một trong hai mục đích – nhân đức hay thói xấu. Để đạt được sự sống, đòi hỏi sự kiên trì trong nhân đức, và để đạt được sự chết đời đời thì cần kiên trì trong tật xấu. Do đó, sự kiên trì là chìa khóa cho những ai tìm kiếm sự sống để đến với Ta, đấng là Sự Sống, và cho những ai uống nước sự chết để đến với Quỷ dữ.”
“Chân Lý của Ta mời tất cả mọi người và từng người khi Người lớn tiếng trong Đền Thờ, ‘Ai khát, hãy để người ấy đến với Tôi và uống, vì Tôi là Suối Nước Hằng Sống,’ Người không nói, ‘Hãy đến với Cha và uống,’ nhưng ‘Hãy đến với Tôi,’ bởi vì trong Ta, là Cha, không có sự đau đớn, nhưng trong Con Ta, sự đau đớn hiện diện. Trong khi con là người hành hương và người lữ hành trong đời sống trần thế này, con không thể không có đau khổ, vì qua tội lỗi, thế gian đã đem đến các gai góc. Người nói, ‘Hãy để người ấy đến với Tôi và uống,’ bởi vì theo giáo lý của Người, dù tuyệt hảo hay qua đức ái thông thường, cho con uống và nếm được hoa trái của Máu, qua sự hợp nhất của các bản tính Thiên Chúa và con người. Trong Người, con tìm thấy Ta, và như thế con được mời đến Nguồn Nước Hằng Sống của Ơn Sủng. Thật đúng là con phải kiên trì với Người, đấng là cây Cầu, không xoay lưng lại vì bất cứ nghịch cảnh hay sự phồn vinh nào, và kiên trì cho đến khi con tìm thấy Ta, Đấng Ban Nước Hằng Sống, qua Con của Ta. Sự kiên trì đáng được triều thiên vinh hiển và chiến thắng trong sự sống vĩnh cửu.”
“Bây giờ Ta sẽ giải thích cho con ba bước con phải trèo lên để ra khỏi dòng sông mà không bị chìm và đạt đến Nước Hằng Sống mà con được mời đến. Để leo lên những bậc này, con phải khát, vì chỉ những ai khát thì được mời: ‘Ai khát, hãy để họ đến với Tôi và uống.’ Những ai không khát thì không kiên trì, vì sự mệt mỏi hay lạc thú khiến họ ngừng chân, không lưu tâm đến máng chuyển cần thiết để lấy nước hay tham gia đồng đội. Cô độc, họ quay trở về khi bị đâm thủng chút đỉnh vì sự bách hại, vì họ không yêu quý điều đó. Họ sợ hãi vì họ cô độc; nếu họ leo lên ba bậc này, họ sẽ không cô đơn và sẽ được an toàn. Con phải có sự khao khát và phải quy tụ nhau lại, như có lời nói, ‘hai hay ba hoặc nhiều hơn.’
Tại sao ‘hai hay ba hoặc nhiều hơn’? Bởi vì không có ba mà không có hai, cũng không có hai mà không có ba, và không có một mà không có nhiều hơn. Người cô độc gói mình trong sự ích kỷ thì bị loại trừ, vì ai cô độc thì bị tách biệt khỏi ơn của Ta và tình yêu tha nhân. Vì thiếu Ta, nó không biết quay về đâu, vì Ta hằng hữu. Người cô độc thì không được nhắc đến bởi Chân Lý của Ta và không được Ta chấp nhận. Người nói, ‘Nếu có hai hay ba hay nhiều người quy tụ với nhau trong danh Ta, Ta sẽ ở giữa họ.’ Hai giới răn của Luật, hãy yêu mến Ta trên hết mọi sự và tha nhân như chính con, là phần mở đầu, phần giữa, và phần cuối cùng của Luật. Hai điều này không thể được quy tụ cùng nhau nếu không có ba sức mạnh của linh hồn: trí nhớ, trí khôn, và ý muốn. Trí nhớ giữ lại những phúc lợi và thiện hảo của Ta, trí khôn chiêm niệm tình yêu của Ta qua Con Ta, và ý muốn yêu mến và khao khát Ta, là Cùng Đích. Khi các sức mạnh này được kết hợp trong danh Ta, Ta ở giữa họ qua ơn sủng. Một người đầy tình yêu của Ta và tình yêu tha nhân sẽ thấy họ được bao bọc với nhiều nhân đức.
“Và rồi, linh hồn khao khát nhân đức, vinh dự của Ta, và sự cứu độ các linh hồn. Không có sự khao khát này, nó không đạt đến Nguồn. Nó bước đi vững vàng, mang theo các máng chuyển của một tâm hồn đã trống rỗng những tình cảm thế gian, và được đổ đầy với tình yêu Thiên Chúa, cho đến khi nó đạt đến Nguồn Nước Sự Sống, đi qua cánh Cửa Kitô bị đóng đinh, và thấy chính nó ở trong Ta, Biển An Bình.”
Thánh Cataria bị giày vò bởi sự ao ước và đăm chiêu nhìn vào tấm gương Thiên Chúa, đã nhìn thấy các tạo vật đang ra sức đạt được cùng đích của chúng trong nhiều cách khác nhau. Nhiều người bắt đầu leo lên cao vì sợ hãi hèn hạ, sợ đau khổ cá nhân, và những người khác tập luyện tình trạng này, đạt đến tình trạng thứ hai. Tuy nhiên, ít người đạt đến sự tuyệt hảo lớn lao nhất.
“Sợ hãi hèn hạ không thôi thì không đủ để ban cho sự sống vĩnh cửu. Nó phải được kèm theo bởi lòng yêu mến nhân đức. Luật cũ được ban cho Môsê thì dựa trên sự sợ hãi, trừng phạt tội với các hình phạt. Luật mới, được ban bởi Con Ta, được thiết lập trên tình yêu và chu toàn luật cũ. Luật mới lấy đi sự bất toàn của việc sợ hình phạt, để lại sự lo sợ thánh thiện toàn hảo là xúc phạm đến Ta, không vì sợ đầy đọa nhưng vì tình yêu. Sự sợ hãi hèn hạ phải dẫn đến tình yêu và kính sợ Ta, nếu không, linh hồn có nguy cơ rơi trở lại dòng sông hoạn nạn.
“Không ai có thể đi qua cây Cầu này mà không phải leo lên ba bậc. Một số người trèo lên cách bất toàn vì sợ hãi hèn hạ, một số tuyệt hảo hơn. Bước đầu gồm việc linh hồn hết sức nhận biết và ghét tội của mình, đi từ việc sợ hãi hèn hạ đến tình yêu và lòng thương mến. Những ai phục vụ Ta qua tình yêu, không phải vì sợ hãi, và kiên trì trong việc nhổ tận rễ sự ích kỷ với sự khôn ngoan, kiên trì, thì sẽ thành công. Tuy nhiên, nhiều người khởi sự chậm trễ và chểnh mảng, uể oải và bỏ cuộc với một chút nghịch cảnh.
“Một số người phục vụ Ta cách trung thành nhưng bất toàn, yêu thương Ta để có lợi cho chính mình hay được yên thân. Khi những thương hại đó bị lấy đi, tình yêu của chúng suy yếu, lộ ra sự bất toàn của tình yêu. Chúng vơi bớt năng lực và nhiều khi bỏ cả luyện tập, khi cảm thấy bị tước đoạt sự an ủi về tinh thần. Những linh hồn ấy thi hành cách bất toàn bởi vì chúng không tháo bỏ tấm băng ích kỷ tinh thần. Tình yêu chân thật dành cho Ta nhận biết rằng tất cả mọi sự xuất phát từ Ta và nhằm thánh hóa chúng, không phải lợi ích riêng chúng.
“Tình yêu bất toàn của các tạo vật bị phô trưng khi chúng cảm thấy đau khổ nếu tình yêu của chúng không được đáp trả hoặc chúng bị mất đi sự an ủi thiêng liêng. Tình yêu bất toàn dành cho Ta được thấy trong tình yêu yếu ớt của chúng cho tha nhân. Ta cho phép điều này như thế để chúng có thể nhận ra sự bất toàn của chúng và cố gắng cải thiện. Vì sự kiên trì cầu nguyện và làm việc tốt lành, chúng có thể vươn đến tình trạng tình yêu của con cái. Ta tỏ lộ chính Ta cho những ai yêu mến Ta với một tâm hồn thanh khiết, như Chân Lý của Ta đã nói, ‘Ai yêu mến Ta nó sẽ làm một với Ta, và Ta với nó, và Ta sẽ biểu lộ chính Ta cho nó.’
“Ta tỏ lộ chính Ta cho những linh hồn nào thực sự yêu mến Ta và tuân theo giáo lý của Ta trong nhiều cách, tùy theo sự ao ước của chúng. Một số cảm nghiệm được tình yêu và bác ái của Ta qua Máu Con Ta, cảm thấy sự hiện diện của Ta và nếm được sự thiện hảo của Ta. Những người khác nhận được tinh thần ngôn sứ, nhìn thấy các biến cố tương lai. Một số nhìn thấy sự hiện diện của Con Ta, nếm được sự khôn ngoan và sự độ lượng của Người, và cảm thấy lửa bác ái của Thiên Chúa.
“Ngôi Lời của Ta nói đúng khi Người nói, ‘Ai yêu mến Ta sẽ là một với Ta.’ Khi tỏ lộ chính Người, Người tỏ lộ Ta, vì Chúng Ta là một. Người không nói ‘Ta sẽ tỏ lộ Cha’ vì ba lý do: cho thấy sự hiệp nhất của Chúng Ta, cho biết rằng Người nhận được mọi sự từ Ta, và vì con không thể nhìn thấy Ta trong thân xác loài người. Người đã che phủ Thiên tính với nhân tính để con có thể thấy Ta qua Người. Sau sự Phục Sinh, con sẽ thấy Ta và Con Ta diện đối diện.
“Linh hồn vươn lên từ sợ hãi khúm núm đến tình yêu của một bạn hữu bởi kiên trì trong nhân đức và vượt qua sự ích kỷ. Sự tuyệt hảo đích thực đòi hỏi sự khiêm tốn, biết mình, và kiên trì. Giống như các môn đệ, linh hồn này phải mong chờ Chúa Thánh Thần, kiên trì cầu nguyện và biết mình. Khi Ta rút lại sự an ủi thiêng liêng, đó là để thử thách và củng cố linh hồn, dẫn nó đến tình yêu đích thực và sự hiểu biết chính mình.
“Cũng như sự bất toàn hay toàn hảo trong việc yêu mến Ta thì được thấy qua sự yêu mến tha nhân. Yêu mến tha nhân đích thực thì chân thành và không tìm sự đền bồi, như được trưng ra bởi Chân Lý của Ta khi Người nói với Phaolô, ‘Sao ngươi bách hại Ta?’ Tình yêu tha nhân bất toàn được lộ ra khi người ta cảm thấy đau khổ nếu tình yêu của họ không được đáp trả hoặc nếu họ mất đi sự an ủi thiêng liêng. Sự bất toàn này là vì sự ích kỷ và được cho phép xảy ra để linh hồn có thể nhận biết và sửa đổi. Khi nhổ tận gốc sự ích kỷ, linh hồn có thể đạt được tình yêu đích thực dành cho Ta và tha nhân, xây dựng các nhân đức trên Máu Chúa Kitô.”
Đoạn này nhấn mạnh đến sự quan trọng của sự kết hợp các sức mạnh của linh hồn để kiên trì trong nhân đức, sự cần thiết của tình yêu trên sự sợ hãi hèn hạ, và những bước để vươn đến sự toàn hảo trong tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.