Tất cả xảy ra vào khoảng bốn mươi tuổi: Tôi mở đầu câu nói, “Khi bố là một đứa trẻ…” Khi là một ông nội, tôi lại càng mở đầu theo cách đó, cộng thêm một chút lịch sử.
“Khi ông là một thiếu niên, ông đi bộ hơn chín dặm để đi học, đi chân đất, không có giầy dép gì cả. Cả nhà chỉ có một đôi giầy cho bảy đứa trẻ, và phiên của ông thì mỗi tuần một lần. Và ông thường cho người khác phiên của ông – đó là loại tuổi trẻ của ông. Và ông biết ơn với những gì ông có, dù rất ít”.
“Ngoại có những gì, hả ngoại?”
“Chẳng có gì! Nhưng vui.”
Như tục ngữ có nói, “Chúng ta càng già đi thì càng vĩ đại hơn.” So sánh thời thơ ấu là nguyên liệu đời sống cho cha mẹ cũng như ông bà. Chúng là phương tiện để giảng dạy, ấp ủ lòng biết ơn, và mở rộng nhãn quan của giới trẻ. Tất cả những điều này được gói ghém trong sự vênh vang về những gì chúng ta trải qua và lớn lên.
Đây là những mục đích cao quý, nhưng để đạt đến đó thì ít ai muốn nghe. Thời tuổi trẻ của chúng ta ít kích thích chính con cái của mình thì lại càng ít hấp dẫn các cháu. Hai thế hệ xa cách, chúng thấy thời tuổi trẻ của chúng ta là khi trái đất đang nguội dần, và những gì chúng ta lo lắng là tránh bị khủng long ăn thịt.
Điều mà chúng không nhận thấy là một ngày nào đó, chúng cũng sẽ so sánh thời thơ ấu. “Khi ông bằng tuổi cháu, ông chỉ có 550 đài trong máy truyền hình mà nó chỉ có hai chiều, và chỉ lớn bằng nửa bức tường thôi. Ông phải dùng những dụng cụ này, gọi là ‘remote’, để bấm nút. Đôi khi ông phải đổi tay vì bấm mãi mỏi quá.” Nghe cũng giống vậy, có phải không?
Ông có phải bóp nghẹt mọi câu chuyện về thời thơ ấu của ông không? Không nhất thiết. Một số trẻ thực sự tò mò về đời sống quá khứ. Hãy kể cho chúng các chi tiết hàng ngày, đừng thêm thắt. Nói về sự kiện chứ đừng nói, “Tụi bay không biết là tụi bay được sướng như thế nào.” Cũng nói cho chúng biết tại sao ông không cảm thấy thiếu thốn. Điều này có thể khiến chúng bị sửng sốt, vì chúng biết chúng luôn cảm thấy thiếu thốn. Để được chúng chú ý lâu hơn, tránh giọng điệu tự cao như nói rằng, “Hồi nhỏ ông bà ngoan hơn tụi bay – biết tôn trọng hơn, chăm chỉ, và biết ơn nhiều hơn.” Trong mắt của chúng ta, điều đó có thể đúng, nhưng ánh mắt của chúng muốn nói rằng, “Ngày xửa ngày xưa, trong một hành tinh xa xôi ấy…”
Ông muốn kéo dài câu chuyện quá khứ bao lâu thì tùy theo ông thấy được hiện tại. Tụi nhỏ có ngáp không, có “texting”, cần đi tiểu – đi nữa hả? Nếu vậy, hãy mau kết thúc, “Ông nghĩ là khi lớn lên, thời của ông rất khác với ngày nay.”
Dù sao, đó là cái nhìn của tôi, vì khi tôi là một thiếu niên…
Có hai giải thích tương tranh nhau. Một, cha mẹ nghe những lời hỗn láo nhưng không có kỷ luật. Hai, họ không còn nghe thấy điều đó nữa. Nói cách khác, họ trở nên điếc trước những nhận xét và giọng điệu gắt gỏng.
Giải thích thứ hai này tôi gọi nó là Hội Chứng Cha Mẹ Bầm Dập. Nó giải thích cho một số khác biệt giữa việc kềm hãm miệng lưỡi của thế hệ trước và sự tự do miệng lưỡi của thế hệ bây giờ.
Đây là một cảnh.
Điệp (với giọng đòi hỏi): Mẹ, mẹ sẵn sàng đi chưa? Con có việc phải làm ở nhà. Con phải gội đầu và sơn lại móng tay.
Mẹ (với giọng xoa dịu): Mẹ biết, cưng ơi. Để mẹ làm xong cà phê rồi chúng ta sẽ đi. Cảm ơn con đã nhẫn nại. (Quay sang bà ngoại). Nó có nhiều việc phải làm lắm.
Điệp (giọng gắt gỏng): Mẹ nói mình sẽ ra đi hai mươi phút trước. Mẹ có bao nhiêu cà phê? Nếu con biết trước điều này, con đã không đến.
Mẹ (cố xoa dịu Điệp): OK, cho mẹ vài giây để nói với bà ngoại về bữa ăn tối thứ Bảy, sau đó mẹ sẽ đi.
Điệp (gắt lên): Đưa chìa khóa đây. Đưa chìa khóa đây. Con ngồi ở trong xe. Mau lên.
Điệp làm mẹ nó đau lòng qua lời nói trong khi người mẹ thì cố xoa dịu và lẩm bẩm bài “Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam”. Mẹ nó có vẻ không nhận thấy kiểu cách mà họ đang “được” đối xử.
Để được sự lưu ý của cha mẹ, hãy khởi sự không bằng lời: một sự rụt rè. Khuôn mặt của bà như lời tuyên bố. Để nhấn mạnh thêm, bà có thể kêu nhỏ: “Ui da!” Bà đang nhận xét cách đối xử của đứa nhỏ thay vì sự dễ dãi của cha mẹ nó.
Nếu sự rụt rè của bà không làm cho cha mẹ nó khúm núm, hãy nói với đứa cháu: “Cháu nói với mẹ như thế hả? Cháu có biết là cháu nói với cha cháu như thế nào không?” Dĩ nhiên, nó có thể trả lời, “Đúng vậy,” và “Có chứ, có nghe chứ.” Nếu nó thành thật một cách phũ phàng, nó có thể làm cha mẹ nó bàng hoàng hơn bất cứ gì bà có thể nói.
Sau cùng, khi đúng lúc, hãy hỏi cha mẹ nó, “Hai đứa có thích nghe những gì nó nói không?” hoặc, “Con có nghĩ là phải được con cái tôn trọng hơn nữa không?” Bà không đợi câu trả lời. Bà chỉ muốn khuấy động sự suy nghĩ.
Tôi sẽ không rụt rè hay giải thích mỗi khi bà nghe sự hỗn hào và cha mẹ nó không phản ứng. Ý định của bà thì không phải là vạch ra những khuyết điểm dạy con. Ý định của bà là nâng cao ý thức. Hãy nhận xét sự trớ trêu: Trong khi cha mẹ chúng bỏ qua những lời đau lòng của con cái, họ có thể lại quá nhạy cảm với những lời hữu ích của bà.
Nếu bà nhận được một phản ứng “Đừng nói với con cách dạy con,” bà đừng nói gì thêm, ngay bấy giờ và trong tương lai.
Tin mừng: Hầu hết cha mẹ ngày càng để ý hơn về việc họ bị bầm dập với lời nói, dù ông bà có cho ý kiến hay không.
Một thảm kịch của đứa trẻ vô kỷ luật là không ai muốn gần đứa trẻ này. Người khác không muốn gần nó, và những người đó đôi khi chính là ông bà của nó.
Điều ông diễn tả có vẻ không phải là sự ngỗ nghịch tạm thời khi đứa bé lớn lên. Ông nói, “nhiều năm” cha mẹ nó cho phép sự khinh thường. Khi còn bé, vì nét dễ thương giúp quân bình lại sự vô lễ của trẻ con, nên thường dễ được bỏ qua. Khi thiếu niên, chúng không còn dễ thương nữa. Sự vô lễ có chiều hướng đi lên.
Ông có thấy mặc cảm tội lỗi không? Phản ứng của ông thì dễ hiểu. Khó ở gần bọn con nít. Nhưng không phải là các ông bà thường khoan dung hơn sao? Khoan dung không có nghĩa từ bỏ các tiêu chuẩn. Ngay cả hành vi sai trái của bọn con nít thì không trực tiếp nhắm đến ông, nó nhắm đến cha mẹ chúng, một trong những người ấy lại là con của ông. Bản năng đùm bọc của cha mẹ vẫn kéo dài dù thời gian nuôi con đã qua.
Là một bậc ông bà, điều đó có thể làm ông khó chế ngự được tâm tình của mình. Ông rất muốn cháu của ông được trở nên người dễ mến. Và ông đang vất vả với những hồ nghi là khi nào nó thay đổi, hoặc không biết nó có thay đổi không.
Đâu là những lựa chọn của ông? Một, hãy để sự phiền toái ngủ yên. Đó là, kéo dài quãng thời gian giữa những lần thăm viếng, không phải để phạt các cháu hay cha mẹ chúng, nhưng để cho ông được lắng dịu. Hãy giữ sự ôn tồn, và miệng lưỡi, điều đó sẽ dễ hơn khi ông có thời gian để tái phối trí.
Nếu cha mẹ chúng có để ý đến sự vắng mặt của ông, ông có thể giải thích: “Bố thấy khó chịu quá khi chúng nó đối xử với con như thế. Con không bao giờ bị bố mẹ đối xử như thế cả (nếu đúng). Đôi khi chúng lỗ mãng với cả bố nữa. Bố muốn vui vẻ với các cháu khi đến thăm nên bố đành phải cách quãng thời gian đến thăm.”
Một sự xưng thú thành thật và có lẽ một chấn động, được đón nhận thế nào thì tùy vào sự tương giao với con trai của ông và vợ nó. Nếu họ thường bào chữa con cái của họ trong quá khứ, có lẽ họ không hiểu được phản ứng của ông. Ngược lại, nếu họ cũng thất vọng với lối đối xử của con cái họ, ông cần thúc đẩy họ đôi chút để đảo ngược chiều hướng. Họ đang nhìn thấy hậu quả thực tế khi cho phép con cái trở nên đáng ghét.
Lựa chọn thứ hai là hãy chấp nhận thực tại: Các cháu của ông không đem cho ông sự tương giao mà ông hy vọng hay mong đợi. Dần dà, điều đó có thể thay đổi, nhưng bây giờ, đừng mong đợi nhiều và ông cũng sẽ bớt thất vọng. Điều này không có nghĩa ông tán thành lối đối xử của chúng. Nó có nghĩa nhìn nhận những gì ông không thể kiểm soát, đó là việc giáo dục các cháu.
Ông có hoang mang về cách dạy bảo của con ông, không giống như cách ông dạy bảo chính nó không? Ông có tự hỏi, “Điều gì xảy ra vậy?” Một phần của điều xảy ra là cách dạy con đã thay đổi. Có sự thay đổi đáng kể về chiều hướng ít quyền bính và bớt kỷ luật, được các chuyên gia về trẻ em đẩy mạnh, họ là những người không thấy thoải mái với những gì trước đây được coi là kỷ luật vững chắc, lành mạnh.
Là một tâm lý gia lâu đời, tôi từng làm việc với hai thế hệ phụ huynh. Tôi thấy có khuynh hướng cha mẹ tách rời khỏi thái độ độc quyền dạy con, sang thái độ hợp tác với ông bà. Hợp tác là một điều tốt, nhưng khi nó trở nên nguyên tắc kỷ luật chính, nó thường đưa đến sự bất hợp tác của các trẻ con nhiều hơn. Và ông bà là những người đầu tiên cảm thấy ảnh hưởng đó rất gần và cá biệt.
Nếu việc thiếu tôn trọng nhắm đến ông thì sao? Hiển nhiên, ông không có sức mạnh kỷ luật của một cha mẹ. Dù vậy, ông có thể nhận xét: “Đó là một lời xấc xược. Cháu học cái thói đó ở đâu vậy? Đó có phải là cách cháu đối xử với ông (bà) không?” Đôi khi ít lời lại tốt: “Đau lòng quá!” Bọn con nít có thể không nghe ông nói, nhưng cha mẹ chúng có thể.
Một lựa chọn sau cùng. Hãy làm chủ với một cái nhìn lạnh lùng, chết lặng, như muốn nói, “Bố không hiểu cái gì đang xảy ra ở đây. Tại sao lại cho phép điều này?” Cái nhìn lạnh lùng thì quá đủ. Và điều đó không đưa đến sự tranh luận nguy hiểm, vì ông không nói một lời.
Làm ơn, cảm ơn, dạ thưa ông, vâng thưa bà, con xin lỗi. Những lời ngắn ngủi này mang nhiều ý nghĩa. Không chỉ là nghi thức trong xã hội, lối cư xử đem đến sự tôn trọng. Trong một vài chữ, nó như muốn nói rằng, “Tôi sẽ lịch sự đối với bạn, vì tôi tin rằng bạn đáng được như vậy.”
Dù vậy, các trẻ nhỏ không suy nghĩ nhiều khi nói lời cảm ơn. Nó chỉ lập lại những gì được dặn bảo. Ngay cả như thế, một thói quen tốt sẽ ăn sâu. Thời gian sẽ thêm vào ý nghĩa.
Sự tùy tiện trong lối cư xử là một phần của xu hướng xã hội nói chung về sự bất quy tắc. Người trẻ không còn xưng hô lễ phép với người lớn. Y phục không còn tao nhã mà mặc bất cứ gì cũng được. Trước đây các ông thường mặc vét, các bà mặc y phục như ngày Chúa Nhật. Bây giờ, kiểu ăn mặc “hợp thời” là quần din rách và áo rộng thùng thình. Ngôn ngữ cũng đi theo như thế.
Dầu sao, cha mẹ vẫn cố gắng dạy con lễ phép, tối thiểu những năm chúng còn bé. Họ nhắc nhở hàng trăm lần trước khi đứa bé lên sáu, “Con nói gì vậy? Con phải xin như thế nào?” Khi sự nhắc nhở thất bại, họ nói thẳng, “Con nói ‘cảm ơn’.” Họ biết rằng thực hành này thì có giá trị trong xã hội.
Hầu hết người ta loại suy các đặc điểm cá nhân từ lối cư xử - tôn trọng, tử tế, trưởng thành. Và họ đáp lại với lời khen (“Thật lễ phép”), thán phục (“Dễ thương quá!”) và với vật chất (“Tôi có thể cho nó chiếc bánh được không?”).
Như bà nhận thấy, thế hệ của bà lớn lên nhấn mạnh nhiều đến lối đối xử. Bà được dạy bảo những gì thì bà dạy lại con như vậy. Bà mong đợi các con của bà cũng dạy các con của họ như vậy. Và có lẽ họ đã thực hành, nhiều hơn khi con cái họ còn nhỏ, và ít hơn khi chúng là thanh thiếu niên. Chúng mất đà lễ phép.
Với các bé chưa đi học, những lời lịch sự thì có vẻ mới lạ, nên kèm theo lời khen và bánh kẹo. Với thiếu niên, một loại quán tính về ngôn ngữ đã ổn định. Cần nhiều nỗ lực để lễ phép.
Có phải đã đến lúc bắt đầu chương trình tái giáo dục về Lối Đối Xử không? Bà có còn nhắc nhở gia đình bà như bà đã làm cách đây hơn hai mươi năm không? Bà bắt đầu từ đâu? Từ cha mẹ chúng, hay con cái của họ, hay cả hai? Chỉ nói với cha mẹ chúng thì hơi nguy hiểm. Bà có thể nghe là chỉ trích hoặc độc đoán. Hơn nữa, bà đã nhắc bảo họ bao nhiêu lần rồi? Bà càng nhắc nhở, bà càng ít được nghe. Giống như khi họ còn con nít.
Có một cách để cùng lúc dạy bảo người lớn và con nít. Đợi cho đến khi cháu Giang lễ phép với bà hay cha mẹ chúng. Hy vọng trước khi nó kết hôn. Sau đó khen ngợi, “Sự lễ phép làm cho con trưởng thành. Bà cũng cảm ơn con. Bố (mẹ) của con khi còn nhỏ cũng rất lễ phép. Con giống như vậy.” Khi mọi thứ khác đều thất bại, hãy thử, “Có muốn ăn bánh không?”
Người ta nói, “Chúng ta không hành động nhiều theo cách người khác muốn thấy nơi chúng ta, nhưng nhiều về cách chúng ta nghĩ họ thấy chúng ta.” Nếu cha mẹ chúng nghĩ là bà nghĩ rằng các cháu lễ phép, có lẽ họ sẽ hành động để làm con cái họ lễ phép hơn.
Khi dạy các cháu, bà hãy dùng cùng các nguyên tắc mà bà đã dùng cách đây vài thập niên với cha mẹ của chúng. Không cho gì cả nếu không có chữ “xin vui lòng;” khi nhận được bất cứ gì thì phải có lời “cảm ơn”. Bà không cần phải nhắc, “Con phải nói gì?” hoặc “Con xin như thế à?” Một cái nhìn vào quãng không sẽ có nghĩa, “Bà đang đợi những lời lễ phép.”
Ngày xửa ngày xưa, càng già càng được tôn trọng. Sống lâu vài thập niên thì có sự hiểu biết và kinh nghiệm. Người già là một nguồn khôn ngoan cho người trẻ, họ thường lai vãng để học hỏi một số điều.
Văn hóa ngày nay tôn kính người trẻ. Điều quan trọng nhất là sắc đẹp, sức mạnh, hợp thời (dù với ý nghĩa nào). Một tư duy là: Càng già càng ít tiếp xúc với khuynh hướng mới. Càng ít tuổi thì càng chạy theo khuynh hướng mới.
Nhiều chuyên gia ngâm nga: Đó là điều bình thường và lành mạnh để thanh thiếu niên tách biệt khỏi người lớn, được tự chủ khi tìm cách diễn đạt căn tính của mình. Tôi đánh cá là các cháu của họ cũng không muốn ở gần với họ.
Chắc chắn là sự độc lập theo tuổi sẽ gia tăng. Một trẻ mười bốn tuổi có nhiều lựa chọn xã hội hơn đứa tám tuổi và càng nhiều hơn đứa ba tuổi. Tuy vậy, dường như quá nhiều lựa chọn đến quá sớm.
Thanh thiếu niên xa dần chúng ta, những người già – kể cả cha mẹ chúng, trong con mắt bọn trẻ, họ cũng là người già – phần lớn là vì xã hội hiện đại hơn là vì sự phát triển. Khi đời sống người trẻ càng trở nên bận rộn với những gì phải làm, phải có, phải đi đây đó, sự ganh đua thời gian trong gia đình ngày càng gia tăng theo cấp số nhân.
Tôi muốn nói, tại sao cháu Cường lại muốn đến nhà của Nội trong khi nó có thể ở nhà với máy điện thoại tối tân, đi vào các trang mạng xã hội, lướt qua cả trăm đài truyền hình, và biết bao trò chơi điện tử?
Hầu như các cháu của ông vẫn thích ở với ông. Chỉ vì sức quyến rũ ở đâu đó thì mạnh hơn. Khi danh sách những lựa chọn của chúng càng dài, những gì ở hàng đầu trước đây – thời gian với ông bà Nội – tụt xuống hàng thứ hai mươi.
Làm thế nào ông có thể leo lên trở lại? Một số ông bà nói thẳng, pha trộn một chút mặc cảm, “Đã lâu rồi ông bà không thấy cháu. Bộ cháu đi xa rồi hả? Khi nào thì ông bà sẽ gặp lại cháu?”
Mặc cảm tội lỗi là một hình thức thuyết phục không hữu hiệu lắm với bất cứ tuổi nào. Nó có thể thúc giục sự hợp tác, nhưng tốt hơn, các cháu được tự do đến thăm hơn là vì bổn phận.
Vậy ông có phải chấp nhận những gì đang có, hài lòng với những hồi tưởng về thời xưa với các cháu đầy nhà không? Thật may mắn, như chúng có lựa chọn thì ông cũng vậy. Khi chúng càng ít sáng kiến, ông càng đưa ra thêm. Mở rộng sự mời mọc – xem phim, chơi banh, đi ăn, sinh hoạt xã hội.
Có thể nào ông trở thành một ông nội thường cho bánh kẹo? Đó có phải là trò chơi video mới hàng tuần ở nhà ông không? Hàng tháng đi du thuyền? Một tuần lễ đi chiếc xe Corvette mới thuê? Những điều này có thể được coi là các hình thức hối lộ chúng đến thăm. Ngược lại, những điều gia đình thường làm khi gặp nhau có thể bị coi là nhàm chán, tỉ như nói chuyện, khôi hài, ăn uống và chơi bài.
Cha mẹ là yếu tố chính để đảo ngược sự vắng mặt của thanh thiếu niên. Một khi họ cho phép con Luyến được tự do muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm, thật không ngạc nhiên khi nó làm như thế. Có lẽ họ muốn có sự hiện diện của nó, nhưng họ lại do dự không dám thúc đẩy. Hãy cho cha mẹ chúng biết, trong hình thức than phiền hoặc với giọng kết án, là ông vui thích trò chuyện với các cháu như thế nào, nhất là khi chúng lớn lên. Lúc đầu, có thể họ đưa ra một số lý lẽ yếu ớt, “Cháu nó luyện thi ACT bốn năm tới. Con nghĩ nó muốn dành thời gian cho em của nó.” Tin hay không, một số cha mẹ đánh giá quá thấp về sự nhớ thương các cháu của ông bà. Ông có thể nhắc nhở họ.
Nếu tất cả đều thất bại, ông có thể thử một cách tinh tế hơn. Hãy hỏi cha hay mẹ của chúng. “Sao, các cháu bây giờ như thế nào? Bố nghĩ là chúng đã quá lớn.”
Phương tiện thông tin hiện đại có hai cái cáo cạnh. Nó có thể nối kết các gia đình ở thật xa, giúp cho sự tiếp xúc cá biệt mà thế hệ trước đây không thể. Nó cũng có thể cắt đứt những gia đình nào sống gần nhau, làm gián đoạn sự tiếp xúc cá biệt.
Nói cho cùng: càng nhiều thời giờ trong vùng kỹ thuật thì càng ít thời giờ cho vùng nhân bản. Còn nữa, chính người trẻ giữa chúng ta càng bị thu hút vào vùng kỹ thuật, thường có sự đồng ý của cha mẹ, để lại những người già như chúng ta nhận những hậu quả không có tình người.
Trước hết, hãy nói chuyện với các cháu. Hãy nhấn mạnh rằng bà rất thích bầu bạn với các cháu. Rất thích nghe về việc học hành, sinh hoạt, bạn hữu của chúng. Tùy bà có muốn nói thẳng thừng với chúng là hãy giới hạn điện thoại khi có mặt của bà. Chúng có thể nghe điều bà nói và tự ý cắt điện thoại. Nếu không, hãy thử cách khác.
Kế tiếp, nếu cần, hãy gặp cha mẹ chúng. Hãy gia tăng sự vui thích khi gia đình đến thăm và nghe các cháu kể về đời sống của chúng. Hãy giải thích cho chúng biết là bà rất dễ trò chuyện với chúng nếu chúng ít dính dáng đến điện thoại. Hãy tránh giọng khiển trách. Sau cùng, nếu cha mẹ chúng cho phép chúng dùng kỹ thuật một cách không giới hạn, họ có thể nghe bà đặt vấn đề về sự phán đoán của họ. Tệ hơn, họ có thể nghĩ rằng bà muốn bám lấy ngày xưa, như 1987, mà không để ý rằng, “đó là điều con nít ngày nay giao tiếp với nhau.”
Nếu diện đối diện không thành công, hay thử dùng email, đính kèm một tấm hình Instagram của các cháu đang nói điện thoại.
Bà có thể đề nghị một quy tắc tương tự như của một người mẹ mà tôi được nói chuyện. Khi đến thăm bất cứ ai, mọi điện thoại đều đưa vào dạng im lặng (silent mode) và để trên bàn trong suốt thời gian.
Tôi hỏi, “Cả điện thoại của bà nữa?”
Bà đáp, “Phải, nhưng khó khăn lắm.”
Ngay cả các cháu của bà ấy chưa đến tuổi thiếu niên.
Những người già chúng ta không lớn lên với đủ loại ồn ào liên tục phải chú ý. Chúng ta không giao tiếp với người này thì lại giao tiếp với người khác. Tuy chúng ta không bị quyến rũ vào vùng kỹ thuật, chúng ta không cần phải từ bỏ các tương giao thân cận. Hãy lên tiếng, đích thân, với bất cứ ai có thể lắng nghe.
Hoặc, đưa mọi số điện thoại của các cháu vào một danh sách trong điện thoại của bà. Sau đó gửi tin cho cả nhóm này, yêu cầu chúng hãy gặp mặt bà vào lúc nào đó.
“Nó sẽ không làm thiệt hại chúng” là một trong những nhóm có lý luận sau: “Nó không giống như chúng sẽ đi ra ngoài đường và tấn công ai đó. Chúng chỉ xem những gì có thật trong đời sống; cuối cùng chúng cũng sẽ thấy thôi.” Và điều thường được lập lại: “Quý vị không thể che mắt chúng mãi được.”
Không nghi ngờ, ông tin các cháu của ông là những trẻ em tốt. Như thế, chúng có thể tiêu hóa một số cay đắng trong hình ảnh. Luân lý của chúng vững vàng đủ nên điều vô luân của truyền hình “không làm chúng bị thiệt hại.”
Trong việc dậy đức tính, câu hỏi thì không phải: Thiệt hại nào nó sẽ gây ra? Câu hỏi là: Sự tốt lành nào sẽ có? Loài người có thể sống qua khỏi mọi đe dọa và tấn công, đối với thân xác và linh hồn. Điều đó không có nghĩa chúng có lợi. Thân thể có thể đánh bại mọi loại vi trùng nguy hiểm đến tính mạng. Như vậy, các vi trùng này không phải là mối đe dọa?
Ông bà có nhiều động lực để cho xem nhiều đài hơn là cha mẹ. “Nó sẽ không làm thiệt hại chúng” xếp hàng đầu. “Giúp quân bình” cũng có trong danh sách này. Nếu ông bà nghĩ cha mẹ chúng đi xa ra ngoài các quy tắc văn hóa, họ có thể tìm cách bù đắp với những tự do khi có thể. Nếu cha mẹ quá chặt chẽ trong việc xem truyền hình, Nội hay Ngoại có thể cung cấp một số lỏng lẻo. Tôi muốn nói, hầu hết tụi trẻ con cùng tuổi biết được những gì phổ thông trong truyền thông. Có phải không? Đối với các trẻ em, ở đây sự nguy hiểm nằm trong điều chúng suy nghĩ: “Cha mẹ của con quá chặt chẽ về việc xem truyền hình; Nội sẽ thay đổi điều đó khi con ở với ông/bà”. Hậu quả là, một cách tự nhiên trẻ con sẽ coi Nội là một người hiểu biết sâu sắc về truyền hình, đó là điều sai lầm.
Một động lực thứ ba là những quan điểm trái ngược. Cha mẹ ngày nay khổ não về các hình ảnh rác rưởi được nhắm vào bọn trẻ, buộc họ phải bảo vệ và giám sát. Các ông bà là những người sống trong một thời đại an toàn hơn về luân lý trên truyền hình, họ có thể đánh giá thấp về ảnh hưởng của những hình ảnh bạo lực nhắm đến phúc lợi của một đứa trẻ.
Một động lực thứ tư là được ưa thích. Ông bà muốn được các cháu ưa thích. Và thật vậy, điều đó dễ hơn cho chúng ta. Chúng ta thường không phải đặt ra các giới hạn như cha mẹ chúng. Chúng ta có tự do để thỏa mãn các ước ao. Vì thế, chúng ta có thể cho phép xem một ít hình ảnh xấu xa để đổi lấy niềm vui của cháu Hương đang ở với chúng ta khi xem truyền hình.
Hãy giả sử rằng, thực sự, nó sẽ không làm thiệt hại chúng, và các quy tắc của cha mẹ có thể thư giãn chút đỉnh, và mấy cháu sẽ coi ông nội là người thân thiện với con nít. Tất cả những điều này thì không thích hợp. Sự lưu tâm bao trùm tất cả là hãy tôn trọng quy tắc của cha mẹ chúng. Ông không cần phải đồng ý; chỉ cần hợp tác.
Hãy cưỡng lại ý tưởng hình thành một loại thông đồng với các cháu. “Con không thể xem chương trình này ở nhà, nhưng ở đây thì được. Chỉ cần giữ bí mật giữa ông và cháu.”
Thứ nhất, điều đó cắt bỏ cha mẹ chúng. Hầu như điều đó không bao giờ tốt cho bất cứ ai. Thứ hai, âm mưu thường bị phô bày cách nào đó. Ngay cả các cháu không nói lảm nhảm, lối đối xử của chúng thì có thể. Chúng có thể diễn lại những gì được thấy hoặc dùng những từ xa lạ ở trong nhà nhưng quen thuộc trong truyền hình. Ít khi một đứa trẻ không phản ứng, cách nào đó, qua lời nói, hành động, hay lối đối xử với những gì chúng được xem bằng mắt.
Một cảnh cáo mạnh mẽ: Đừng buộc cha mẹ chúng phải rút điện ra. Đó là, việc từ chối hợp tác với họ có thể đẩy họ đến hành động quyết liệt. Không được ở một mình với Nội nữa. Mọi cuộc thăm viếng bây giờ phải có cha hay mẹ đi theo. Và không còn ngủ qua đêm nữa. Không có chương trình nào giá trị trong những điều kiện ấy.
Quan điểm của ông phải nhường bước cho quan điểm của cha mẹ. Hình ảnh bây giờ có rõ ràng không?
Điều đó còn tùy thuộc. Món quà gì? Một tấm bích chương của ban nhạc “rock” dị hợm? Một năm đặt mua tờ báo không đứng đắn? Một túi 10 ký kẹo xôcôla?
Quyền cho quà một đứa trẻ tùy thuộc hai điều căn bản: (1) sự thích hợp của món quà; (2) những mong muốn của cha mẹ nó.
Một máy truyền hình, cho là, không bất hợp pháp cũng không vô luân lý cũng không làm nó béo phì. Nhưng, những gì máy đem vào phòng ngủ của cháu thì có thể có cả ba điều trên. Không hồ nghi, đây là chỗ món quà của bà xung đột với sự mong muốn của cha mẹ nó.
Dường như cháu của bà không có máy truyền hình trong phòng ngủ. Nếu không, tại sao lại mua cho nó? Trừ khi máy của nó quá cũ, chỉ có 26 inch. Phần đông phòng ngủ của thiếu niên đều có máy truyền hình. Cháu của bà thuộc về nhóm thiểu số ngày càng ít đi.
Một ông bà có thể có các phương tiện và động lực để cho cháu những gì mà cha mẹ nó không thể hay không muốn. Bà có thể bị thúc giục bởi sự độ lượng hay bởi muốn ban cho điều ước ao mà cha mẹ nó không thể hoặc muốn thưởng cho một đứa cháu mà bà cho là nó bị thiệt thòi. Sau cùng, hầu hết trẻ con cùng tuổi với nó đều có máy truyền hình; nó thuộc về một số ít không có.
Bà có thể lý luận: Tôi trả tiền mà. Nó rất muốn có máy truyền hình. Mẹ nó phản ứng quá đáng. Không có gì sai trái. Nó đáng được – nó là một đứa bé ngoan.
Dù tất cả những điều này đúng, việc chấp nhận hay từ chối bất cứ món quà nào của bất cứ ai thì dứt khoát thuộc về đặc quyền của cha mẹ. Một bà mẹ kể cho tôi nghe làm thế nào một món quà gây rạn nứt trong gia đình của bà. Bà nội mua cho đứa cháu mười bốn tuổi một máy truyền hình để đặt trong phòng ngủ của nó. Người mẹ vô cùng phản đối, nhưng bà nội cảnh cáo, “Tao mua máy cho nó, đó là của nó, và nếu mày từ chối, mày phải đương đầu với tao!”
Người mẹ bị tan nát. Một đàng, ý nghĩ về việc xem truyền hình cách tự do, không bị kiểm soát làm bà không an tâm. Đàng khác, sự đe dọa của bà nội báo trước sự rạn nứt lớn trong gia đình. Người mẹ hỏi tôi về tình trạng khó xử của bà.
Tôi hỏi, “Nếu bạn học của con bà đưa cho nó túi cần sa, bà có tịch thu gói ấy không?”
“Chắc chắn có,” bà trả lời.
“Tại sao?”
“Vì nó không tốt cho con tôi.”
“Bà vừa mới trả lời cho câu hỏi của bà. Quyền bảo vệ của bà thay thế quyền của người khác, ngay cả khi người cho là một phần tử thân cận trong gia đình.”
Khi cho quà, nhất là món quà có thể ảnh hưởng đến đức tính hay luân lý, trước hết bà phải hỏi cha mẹ nó. Bất kể lập trường của họ thế nào, đừng tranh luận. Hãy chấp nhận điều đó.
Nhân tiện, bà có máy truyền hình trong phòng ngủ của bà không? Tôi không có.
Đó là một chiều hướng đang lên: con cái đã lớn về chung sống với cha mẹ, sự mủi lòng khiến cha mẹ giúp đỡ, cho ở tạm, hoặc sau cùng đuổi ra khỏi.
Giúp đỡ. Vì có các nguồn năng, ông bà sẵn sàng cho ở nhờ. Đó là một gợi nhớ vui thích của đời sống gia đình ngày xưa. Con cái hợp tác và có kế hoạch rõ ràng để tự lập. Đó là một sắp xếp nội bộ được mọi người ưa thích.
Cho ở tạm. Những hoàn cảnh bất hạnh (thất nghiệp, đổ vỡ hôn nhân, tài chánh khó khăn) đẩy các con trưởng thành về với bố mẹ. Đôi khi đó là một lựa chọn tốt; đôi khi đó là lựa chọn duy nhất. Sau đó ông bà tiếp tay để giảm bớt áp lực, có lúc được pha trộn với cảm xúc, nhất là khi những lần trở về trước đây không được tốt đẹp lắm. Tuy nhiên, vì tình thương, bổn phận, hay vì lưu tâm đến cháu, cánh cửa được mở ra với hy vọng rằng sự chuyển tiếp này sẽ diễn tiến trôi chẩy.
Đuổi ra khỏi. Một kết thúc không vui. Trong khi, ban đầu việc sống chung tốt đẹp, với những điều kiện được mọi người chấp nhận, sau thời gian, con cái ngày càng ổn định, trong khi cha mẹ của họ lại thấy lo. Con cái ngày càng ít hợp tác, thiếu chủ động, và không nhận biết rõ nhà này là của ai. Lối đối xử của họ gợi nhớ lại thời họ là thanh thiếu niên. Trường hợp này có vẻ giống như hoàn cảnh của ông.
Pha lẫn những căng thẳng là sự bất đồng giữa hai ông bà. Một người muốn đặt giới hạn, người kia thì do dự. Một người muốn đặt thời khóa biểu, người kia chống lại. Tâm điểm của sự bất hòa này là mối lo âu: “Còn đứa cháu thì sao? Nó cần được lợi ích khi ở đây.”
Đời sống thường không trưng ra những lựa chọn dứt khoát giữa tốt và xấu. Đôi khi, cả hai đều xấu, với một cái ít xấu hơn cái kia. Điều đó dường như diễn tả tình trạng khó xử của ông.
Chọn lựa một: Giữ lập trường, đặt thời khóa biểu. Con gái của ông vào lúc nào đó sẽ từ giã, tự ý hay không tự ý, và đem theo đứa con trai với nó. Có khi, cháu ở lại với ông bà. Nhưng điều đó không thường xuyên.
Kế tiếp là gì? Trước hết, hãy làm tất cả những gì ông có thể để tránh sự lạnh nhạt. Hãy nhấn mạnh với cô con gái rằng ông vẫn muốn là một phần của đời sống cô ấy và đứa con. Ông sẽ giúp bất cứ gì có thể – giữ cháu, chuyên chở, tìm việc làm. Những hãy thận trọng về việc cung cấp tài chánh. Nó dễ bị lạm dụng nhất.
Bất kể ông có làm ơn thế nào, con gái ông vẫn tìm cách trừng phạt ông bằng cách giới hạn hoặc cắt đứt liên lạc với đứa cháu. Nói cách khác, “Nếu bố không thích con, thì bố cũng không thích nó.”
Thông thường, đây là một phản ứng cảm xúc thiếu suy nghĩ. Những cảm xúc nóng giận sẽ nguội. Con gái ông có thể nhận ra rằng cô ấy vẫn cần ông giúp đỡ dù có sống chung hay không. Và con trai của cô ấy vẫn cần có ông bà.
Chọn lựa hai: Tiếp tục sống như cũ, cho phép con gái ông sống như nó muốn. Đừng tranh luận, cằn nhằn, thúc giục, thuyết phục. Ông quyết định cho cô ta ở theo điều kiện của cô ấy, thì bất cứ thế nào, hãy tránh đấu khẩu.
Có thể nào cô ta thoải mái hơn không? Có lẽ thế, nhưng lời lẽ của ông có mang lại lợi ích gì không ngoài sự chống đối và bào chữa? Chọn lựa hai, chính yếu là để có lợi cho cháu của ông. Nó ở trong cuộc đời ông hàng ngày. Ông chấp nhận sự vô trách nhiệm của cô con gái để đem cho cháu ông sự ổn định. Đó là một trao đổi.
Hãy nghĩ đến điều không biết trước của chọn lựa này: Ông có thể chịu đựng bao lâu? Hầu hết các ông bà đến mức giới hạn trước khi con cái quyết định tiến tới và dọn đi. Hoặc những thất vọng chồng chất có ảnh hưởng lớn, hoặc con cái có lối đối xử không thể dung thứ. Sau đó, buộc phải lựa chọn: đã đến lúc ra đi.
Một ý nghĩ sẽ làm phiền ông: Nếu tôi có thể kiên nhẫn thêm chút nữa, có lẽ tôi thấy được sự tiến bộ. Có lẽ tôi hành động quá sớm.
Thường thì không, sự khoan dung quá đáng không cải thiện vấn đề, nó lại làm tệ hại hơn. Kiểu sống ăn nhờ ở đậu càng trở nên cố thủ, lấn quyền. Hậu quả là, sau cùng ông nói lên lập trường mà ông đã cố tránh né từ lâu thì sự hiềm thù bắt đầu gia tăng. Sự cay đắng đã đến mức tối đa. Càng cay đắng, cô ta lại càng muốn đứa cháu xa cách ông bà, bất kể, cuối cùng cô ấy sống như thế nào.
Đây là hai điều trấn an dù ông chọn lựa bất cứ cách nào. Một, vì mọi sự không được tốt đẹp, điều đó không có nghĩa ông đã sai khi cho cô ta ở nhờ. Ông đã hành động với hảo tâm, hy vọng điều tốt nhất. Hai, có lẽ bất cứ hậu quả xấu xa nào thì không kéo dài mãi. Vì những lý do khác biệt, con gái ông và con của nó sẽ thấy ích lợi khi được ông bà giúp đỡ.
Các cuộc thăm dò cho biết số ông bà nuôi cháu ngày càng gia tăng. Các điều kiện thật đa dạng. Cha mẹ chúng có vẫn là một phần trong đời sống các cháu không? Những lần đến thăm – tự do hay có giám sát? Ông bà có gần gũi với các cháu trước khi có sự xếp đặt mới này không? Sự giám hộ tạm thời hay vĩnh viễn? Nó được tòa giao hay tự ý? Tuy nhiên, một số chủ đề có thể áp dụng cho hầu hết các trường hợp.
Đừng nói xấu. Hãy chậm chỉ trích cha mẹ chúng. Dù đời sống gia đình họ xáo trộn thế nào, dù họ có vô trách nhiệm thế nào, dù khi lớn lên họ được giáo dục thất thường thế nào, hầu hết con nít vẫn trung thành với cha mẹ của chúng, cũng như sự phiền muộn vì gia đình rạn nứt. Sự xấu xa rõ rệt nào bà biết, hãy giữ lấy cho bà. Họ đã biết đủ và đã sống quá đủ những điều ấy. Trước khi tiết lộ điều gì, hãy tự hỏi, “Điều này cho mục đích gì?”
Đừng sửa sai quá khứ. Sự thúc giục làm như thế thì từ hai động lực: (1) để bảo vệ các cháu và (2) bảo vệ chính mình. Chúng đã không làm gì để gây nên hậu quả này, bất kể chúng được nghe cha/mẹ nói gì về người kia. Vì chúng không có lỗi, nên có sự toan tính vạch ra lỗi lầm này nằm ở đâu – với một cha/mẹ hay cả hai. Đó là một hành động quân bình để trấn an các cháu mà không hạ thấp cha mẹ chúng. Hãy chấn chỉnh chỗ nào bà cần, nhưng hãy bỏ qua những chi tiết không cần thiết.
Bù đắp. Cảm thấy buồn cho các cháu là điều tự nhiên. Chúng đã gặp khó khăn trong đời sống, nên đến lúc phải cho chúng sự dễ dàng hơn. Nếu điều đó có nghĩa nhiều tình thương hơn, ổn định hơn, kỷ luật tốt hơn, và những mong đợi lành mạnh hơn, hãy bù đắp. Nếu các cháu thiếu một trong những điều này, bây giờ chúng lại cần hơn bao giờ hết.
Nếu sự bù đắp có nghĩa ít kỷ luật hơn, ít trách nhiệm hơn, và nhiều đồ chơi hơn, điều đó không bù đắp cho một quá khứ tệ hại. Nó chỉ làm hiện tại thêm phức tạp. Dù ý định có tốt đến đâu, một thái độ như, “Chúng đã bị tệ hại, tôi cần phải khoan dung hơn với tư cách xấu,” hầu như luôn luôn sẽ tiếp tục những khó khăn quá khứ, chỉ trong hình thức khác hơn.
Quá nhiều lời khuyên. Vì hoàn cảnh của bà, tuy phổ thông, vẫn không phải là bình thường, ý kiến của người khác về những gì bà phải làm thì đầy dẫy. Ảnh hưởng của nó là sự do dự và đoán mò – cả hai không giúp gì cho bà để giúp cho các cháu. Bà là tiếng nói sau cùng. Hãy duyệt qua những lời khuyên ấy (kể cả của tôi) để quyết định xem điều gì tốt nhất cho gia đình mới của bà, khi nào và thế nào.
Cha mẹ trước, ông bà sau. Đứa con lớn làm cho bà trở nên bà nội. Hoàn cảnh làm cho bà trở nên một người mẹ lần thứ hai. Để trở nên một bà nội tốt, trước hết phải là người mẹ tốt. Nói lên những mong đợi, quy tắc, và giám sát giờ đây là một phần trong ơn gọi chính của bà. Bà không phải là một người mẹ bị đẩy vào vai trò bởi những phức tạp không lường trước. Bà có mọi quyền lợi và trách nhiệm của một người làm cha mẹ. Những đặc quyền của ông bà – một tương giao thư thái, sự độ lượng lành mạnh, thêm thời giờ nhàn rỗi – vẫn có thể vui hưởng, nhưng chỉ trong bối cảnh của một người mạnh mẽ, tự tin.
Sau nhiều năm làm cha/mẹ lần thứ hai, nhiều ông bà nhìn lại và nghĩ, “Không biết ai được lợi hơn ai – mình hay bọn trẻ.”
Lỗi của ai? Bà có trả lời cô ấy không, và cô ấy có trả lời bà không? Hoặc cả hai đều có lỗi trong vấn đề này?
Đây là một tiêu chuẩn tiến bộ, hay như trước đây, nó là sự thoái bộ. Những tiếp xúc ban đầu thì không dễ và cũng không thân mật. Bà thấy có nhiều điều khó để chấp nhận về cô ấy, tương tự, cô ấy cũng thấy như thế với bà. Những ý kiến đụng độ, chút ít khinh thường, cảm xúc bị tổn thương, các động lực bị hiểu lầm. Thái độ thay đổi, “Chúng tôi thấy khó để ưa thích nhau. Chúng tôi cố giữ sự thân ái.”
Động lực này thường không bị giới hạn ở tâm điểm giữa hai người lớn. Các phần tử khác trong gia đình thường bị lôi vào. Ngoài việc ít gặp các cháu, bà có ít gặp con trai không? Chiều đi xuống có vẻ dai dẳng. May mắn, nó không như vậy.
Bước đầu để sửa chữa sự tương giao thì bắt đầu với chính bản thân, đặc biệt là tự kiểm điểm, sẵn sàng phân tích chính bản thân. Bà có tìm thấy điều gì nơi chính mình đã góp phần cho sự bất hòa đó không? Có cần sự giúp đỡ để tìm kiếm không? Hãy hỏi chồng của bà. Sau đó lắng nghe, đừng bào chữa. Tự kiểm điểm thì không dễ, cũng không vui. Xu hướng con người là từ chối nhìn vào bản thân để thấy các khuyết điểm. Nhìn đến người khác thì tự nhiên hơn. Qua mắt của tôi, vấn đề là “you”, không phải tôi.
“Mẹ chồng tôi hay dòm ngó,” con dâu tuyên bố như vậy. Trong khi đó, cô ta cứ xía vào chuyện gia đình mà không được hỏi cũng không được mời. Có những giọng điệu cáu kỉnh, lời khuyên không được tìm kiếm, thủ đoạn. Dù ý kiến của Nội có chính xác hay không, đó không phải là lưu tâm chính. Vì một người đúng không có nghĩa người kia sẽ nghe. Người ta thường nói, “Nếu bạn muốn tôi giận, hãy nói một điều dối trá về tôi. Nếu bạn muốn tôi rất tức giận, hãy nói sự thật về tôi.” Trước khi nói lên sự thật, bà hãy tự hỏi, “Điều này có làm cho trơn tru hay nhăn nhúm sự tương giao của chúng tôi?”
Bà có dòm ngó cách nào không? Nếu bà giống như hầu hết chúng tôi, thời gian chúng ta nhớ được thì chỉ là một phần của tất cả, hầu như vì trí nhớ kém đi và để tự vệ. “Tôi không có ý gì cả.” Hãy nhân lên gấp mười lần những gì bà nhớ để có được con số chính xác hơn.
Tôi không có ý định công kích những cố gắng thành thật của bà để chung sống, cũng không đổ lỗi phần lớn cho bà. Đó là động lực thúc giục bà hãy tự phân định cách tương giao để có thể tốt đẹp hơn, độc lập với những nỗ lực của con dâu.
“Thành thật mà nói, không phải lỗi của tôi. Kể từ khi quen biết với con trai của tôi, nó đã khó khăn rồi.” Nếu vậy, điều đó có nghĩa phải cấp bách coi chừng chính bà. Nếu cô ta quá nhạy cảm hay bất an hay dễ tự bào chữa, hãy biết rằng, bất cứ nhận xét nào, dù có ý giúp ích hay sửa đổi, đều có thể bị hiểu lầm. Điều bà có thể nói với con trai mà không có hậu quả thì bà không thể nói với vợ của nó.
“Nếu vậy, tôi phải thận trọng khi gần nó.” Không, bà chỉ cần giữ những quan điểm ở trong đầu. Kết luận rằng cô ta sai lầm thì sẽ không giúp bà gặp được các cháu. Và đó là mục tiêu tối hậu của bà.
“Tôi không hiểu tại sao con trai tôi không làm gì về việc này.” Có thể anh ta đã thử, nhưng hai thực tại có thể củng cố lẫn nhau. Một, anh ta hầu như đứng về phe vợ mình. Thường nghe sự bực mình của vợ có thể biến thành quan điểm của anh. Hai, nhiệm vụ của anh ta là giữ sự yên ổn trong hôn nhân. Anh có thể lên tiếng bảo vệ bà, nhưng anh biết điều đó sẽ gây ra căng thẳng trong hôn nhân. Nói đơn giản, đừng cá biệt hóa sự im lặng hay thụ động của anh ta.
Bây giờ là để bớt tổn thương. Giả sử sau một số tự kiểm điểm lành mạnh, bà nhận ra là quả thật bà đã có nói hay làm những gì được coi là xâm phạm.
Hãy đến với con dâu và nói, “Mẹ thực sự xin lỗi con vì đã để ý đến những chỗ không phải. Đó là cách vợ chồng con xây dựng gia đình. Mẹ hứa sẽ cố gắng hết sức để không xảy ra như vậy nữa.” Dù bà muốn nói cách nào, điều quan trọng nhất là sự thành khẩn và không bào chữa.
“Mẹ thực sự không nghĩ là đã làm gì sai trái.” Hai phản ứng. Một, người không thể tìm thấy điều gì sai trái để sửa đổi trong tương giao thì rất hiếm. Hai, nếu con dâu bà dễ hiểu lầm, khi xin lỗi, bà đem cho nhận xét của cô ấy đôi chút đáng tin. Điều đó có thể rất khiêm tốn.
Khi bà nói lên sự thú nhận này được nửa chừng, có lẽ cô con dâu ngất xỉu. Hoặc, có thể cô ta nhìn bà đăm đăm như muốn nói, “phải rồi”. (“Thấy không, tôi đã nói với ông là nó khó khăn lắm!”) Tuy vậy, ý định của bà là để đoàn kết lại, qua thời gian, bà sẽ cho cô ấy thấy là quyết tâm của bà thì chắc chắn. Trong khi bà không bao giờ có thể trở nên người bạn tốt, sự căng thẳng phải giảm bớt. Và điều đó sẽ mở ra nhiều cơ hội để có thời giờ với các cháu của bà.
Hai thế hệ trước, sinh xuất ngoài hôn nhân lơ lửng giữa 5 và 10 phần trăm trong nhiều thế hệ. Hiện nay nó vượt quá 40 phần trăm với những hậu quả lan rộng cho xã hội và ông bà. Nhiều ông bà đang thấy các cháu được sinh ra và lớn lên ở ngoài hôn nhân một vợ một chồng. Như một ông nhăn nhó nhận xét, “Tôi hy vọng là số các cháu sinh ở trong và ngoài hôn nhân thì ngang nhau.”
Hậu quả là một số hoán chuyển: các bà mẹ cô độc, người sống chung trở thành cha, bạn trai của mẹ sống chung, bố biến mất, anh chị em cùng mẹ khác cha, các ông bà trở nên cha mẹ. Tất cả để lại cho ông bà những bâng khuâng: Vai trò của tôi là gì? Tôi phải can dự như thế nào? Tôi phải giúp đỡ thế nào về – tài chánh, chỗ ở, cảm xúc? Đây không phải là điều họ nghĩ về một vai trò ông bà thông thường. Họ mong đợi một giai đoạn đời sống theo truyền thống, êm ả hơn. Tuy nhiên, qua tất cả những bất trắc này, hầu hết ông bà nhận ra một điều không thay đổi. Đứa bé thì vô tội. Bất cứ lựa chọn nào và hoàn cảnh nào của cha mẹ nó, nó không gây ra.
Hoàn cảnh một: người mẹ là con gái của ông. Dù đau lòng và chán nản mà ông cảm thấy như thế nào, ông đừng rút lui, tới mức độ có thể. Lối sống của cô ấy càng thất thường, cô ấy lại càng muốn lui về. Sự lạnh nhạt là kẻ thù. Nó sẽ giảm bớt ảnh hưởng tốt mà ông có thể. Có lẽ ông phải gia tăng nỗ lực để giữ liên lạc với con gái và con của nó, dù điều đó không dễ dàng hay tự nhiên như với các cháu khác.
Ở đây chưa nói đến tương lai được. Ông không biết mọi việc sẽ ra sao. Liệu con gái ông có kết hôn không? Với ai – cha của đứa bé hay người khác? Liệu cô ta sẽ đi xa hay sống gần, hay sống với ông? Ông có phải nuôi cháu không? Hoàn cảnh sẽ thay đổi. Những gì hiện có thì sẽ không giống như những gì sẽ xảy đến trong một, hai, hay năm năm tới. Vai trò của ông có thể có những quanh co.
Hoàn cảnh hai: người cha là con trai của ông. Hoàn cảnh tốt nhất là anh ta sẽ đưa ông vào cuộc đời của đứa bé. Anh ấy và người mẹ vẫn ở với nhau, có thể họ sẽ kết hôn một ngày nào đó. Hãy tận dụng bất cứ cơ hội nào để giúp đỡ, nhưng hãy thận trọng khi đưa ra ý kiến hay lời khuyên con ông hay người mẹ, trừ khi họ rõ ràng muốn tìm kiếm. Nói tóm, chỉ hướng dẫn khi được hỏi. Vai trò của ông thì rất dễ xâm phạm vào sự tương giao của họ, do đó ông phải khôn ngoan và thận trọng.
Đừng có vẻ không thích người mẹ, thiếu khoan dung với cô ấy, hay ao ước rằng con trai của ông không ở với cô ấy. Tất cả những cảm xúc này có thể có, nhưng sự biểu lộ chỉ đẩy cô ấy ra xa ông, cùng với cháu ông và ngay cả con trai của ông.
Hoàn cảnh ba: người mẹ không có cảm xúc với con trai ông, và anh ta cũng vậy với người mẹ. Đây là hoàn cảnh không thể tiên đoán. Nếu người mẹ ít khi hoặc không còn tiếp xúc với con trai của ông, có lẽ ông cũng ở ngoài hoàn cảnh. Hầu hết các ông bà bị cô lập trong kiểu cách này tìm thấy sự giúp đỡ trong lời cầu nguyện. Họ buộc phải chấp nhận chỉ những gì mà người mẹ cho phép, có thể rất ít, nếu có.
Có thể con trai ông đang tạo khoảng cách, anh ta không muốn tiếp xúc hay trách nhiệm về đứa trẻ này. Một số người mẹ đón nhận sự giúp đỡ của ông, độc lập với con trai ông. Sự liên lạc của ông với người mẹ có thể là cầu nối cho con trai ông, nếu anh ta có sự thay đổi trong tâm hồn. Xin nhắc lại, ở đây không biết được tương lai.
Hoàn cảnh bốn: ông trở nên cha mẹ và ông bà. Thông thường điều này xảy ra qua đứa con của con gái ông, chứ con trai thì ít khi. Một số cô gái về sống với cha mẹ; đôi khi là vì sự bỏ bê hoặc xáo trộn, ông bà được quyền giám hộ đứa trẻ. Vì kết quả đã được đề cập đâu đó trong sách này, tôi không nói lại ở đây.
Mẫu số chung của mọi hoàn cảnh này là sự phức tạp – về gia đình và cảm xúc, được thấy trước hay bất ngờ. Việc bỗng dưng rơi vào hoàn cảnh này có thể là sự thử nghiệm mức độ chịu đựng của ông. Tuy nhiên, phải có ai đó là người ổn định, trưởng thành, và ông là người được chọn.