Đức Giáo Hoàng Piô XII từng giữ chức tổng trưởng ngoại giao Vatican dưới thời Ðức Piô XI, người được chọn làm giáo hoàng phần lớn là vì tài ngoại giao và sự thánh thiện của người. Cả hai đức tính này vô cùng cần thiết khi thế giới đắm chìm trong cuộc chiến do Adolf Hitler và chế độ quốc xã khởi xướng một ít lâu sau khi Ðức Piô lên ngôi giáo hoàng. Chính sách của Ðức Piô là cố giữ bộ mặt trung lập. Ðây là một sự khôn ngoan, vì Vatican nằm ở giữa khối Trục (nước Ðức -- Ý). Trên thực tế, Ðức Piô hết sức chống đối chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít-quốc xã, dù rằng người đặc biệt yêu quý dân tộc và văn hóa Ðức. Thay vì lên án chủ nghĩa quốc xã một cách công khai và mạnh mẽ như Ðức Piô XI, Ðức Giáo Hoàng Piô XII tin rằng phương cách ấy chỉ đem lại nhiều đau khổ cũng như sự trả thù cho người Kitô Giáo và người Do Thái ở Ðức và ở các quốc gia thuộc khối Trục. Thay vì khoa trương, Ðức Piô XII đã dùng bất cứ phương tiện nào có thể để cứu giúp và che chở người Do Thái và những người bị bách hại. Ông Pinchas Lapide, một học giả Do Thái và cựu lãnh sự Do Thái ở Ý, đã tuyên dương công trạng của đức giáo hoàng và Giáo Hội Công Giáo trong việc cứu vớt khoảng bốn trăm ngàn người Do Thái khỏi bị tiêu diệt. Trong cuốn The Last Three Popes and The Jews (Ba Giáo Hoàng Sau Cùng và Người Do Thái), ông Lapide viết:
Một người Ba Lan đã được thoát chết nhờ sự hy sinh cao cả của một linh mục dòng Phanxicô, Thánh Maximilian Kolbe, là người đã tình nguyện chết thay cho ông trong hầm bỏ đói.
Heinrich Himmler, người đứng đầu cơ quan mật vụ Ðức Quốc Xã, đã viết một lá thư cho cấp dưới, trong thư ông viết: “Chúng ta đừng quên rằng, về lâu dài, giáo hoàng ở Rôma là kẻ thù vĩ đại của chủ nghĩa Xã Hội Quốc Gia (Ðức Quốc Xã) hơn cả Churchill và Roosevelt.” Ðức Piô XII có lên tiếng chống đối chủ nghĩa quốc xã vào lúc ấy. Sau thông điệp Giáng Sinh năm 1942, một lãnh tụ Ðức Quốc Xã nhận định về lời của Ðức Piô XII:
Mặc dù chủ nghĩa quốc xã là mối đe dọa trước mắt, Ðức Piô XII tin tưởng chắc chắn rằng chủ nghĩa cộng sản là sự đe dọa lớn lao nhất của thời đại đối với dân Chúa và nhân loại. Sau Thế Chiến II, người càng đưa Giáo Hội Công Giáo nghiêng về phía các quốc gia dân chủ Tây Phương, và cố gắng điều động thế giới chống với cộng sản. Năm 1949, người ban bố một sắc lệnh phạt vạ tuyệt thông bất cứ người Công Giáo nào gia nhập đảng cộng sản.
Sự kiện Ðức Piô XII tẩy chay cộng sản chắc chắn có liên hệ đến việc hiện ra của Ðức Maria ở Fatima, mà người đã tiên báo là nước Nga sẽ gieo rắc lầm lạc khắp thế giới. Năm 1942, đức giáo hoàng dâng hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Maria, và năm 1952, người đặc biệt dâng hiến dân tộc Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm của Ðức Mẹ. Người còn tuyên xưng Ðức Maria là “Nữ Vương Thế Giới.” Tất cả những hành động này là để nhận biết vai trò đặc biệt của Ðức Maria, là đấng cầu bầu và là mẹ của mọi Kitô Hữu. Vào năm 1950, Ðức Piô XII tuyên bố một tín điều bất khả ngộ là Ðức Maria đã được lên trời cả hồn và xác. Tín điều này từng được Giáo Hội Công Giáo tin tưởng từ lâu và đã được dành riêng một ngày lễ để mừng kính trong 1,500 năm, nhưng đức giáo hoàng muốn chính thức xác định điều ấy như một dấu hiệu hy vọng cho mọi người về sự sống lại và vinh hiển của chính thân xác họ mà đã được tiên báo qua sự kiện hồn xác lên trời của Ðức Maria. Vì người được thụ thai cách tinh tuyền và đời sống không tì ố vì tội lỗi, thân xác của người không bị chết và bị mục nát như thân xác chúng ta, do đó người có thể trực tiếp đi vào sự vinh hiển của Thiên Chúa. Vì vậy, Ðức Piô XII thường được coi là vị giáo hoàng của hòa bình và giáo hoàng của Ðức Maria.
Mặc dù Ðức Piô XII rất giống với Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII khi coi thần học của Thánh Tôma có giá trị cao trong thần học Công Giáo, nhưng đức giáo hoàng là người khai mở các lãnh vực học thuật về phúc âm và lịch sử. Trong tông thư Humani Generis (1959), người cảnh giác người Công Giáo đối với những nguy cơ của thần học lịch sử mới, nhưng trong tông thư Divino Afflante Spiritu (1943), người cho phép các học giả Công Giáo áp dụng các phương pháp mới, tỉ như cách dẫn giải dựa trên dạng thức của văn bản. Cũng trong năm này, Ðức Piô XII công bố tông thư nổi tiếng Mystici Corporis Christi, cách mạng hóa quan điểm của Công Giáo về Giáo Hội. Thay vì coi Giáo Hội Công Giáo chỉ là một tổ chức của con người hoặc một hệ thống cấp bậc hình kim tự tháp, người khuyến khích người Công Giáo coi Giáo Hội như thân thể mầu nhiệm của Ðức Kitô. Ðây là một quan niệm phát xuất từ tư duy của Thánh Phaolô nhấn mạnh đến tính cách mầu nhiệm và hợp nhất của Giáo Hội như thân thể của Ðức Kitô ở trần thế. Các phương cách tiếp cận thần học này bắt đầu phá vỡ bầu khí căng thẳng và nghi ngờ mà các thần học gia Công Giáo từng chịu đựng kể từ khi phải thề chống với chủ nghĩa Ðổi Mới vào năm 1910. Các phương cách ấy cũng mở đường cho sự phát sinh rầm rộ các dạng thức thần học Công Giáo mới được bắt đầu với Công Ðồng Vatican II. Biết bao công trình của các thần học gia và học giả Kinh Thánh Công Giáo đã được dễ dàng hơn nhờ sự khuyến khích của Ðức Piô XII.
Ðức Piô XII đã đem lại một uy thế mới cho Giáo Hội Công Giáo trong thế giới và người chuẩn bị Giáo Hội cho một công đồng canh tân vĩ đại sắp xảy đến. Sau cuộc chiến (năm 1945), nhiều quốc gia gửi các đại sứ đến Vatican, và Năm Thánh 1950 đã đưa hàng triệu người hành hương đến Rôma. Công cuộc truyền giáo của Giáo Hội cũng phát triển khi số giáo phận Công Giáo trên toàn thế giới đã gia tăng từ 1,700 lên đến trên 2,000. Ðức Piô XII cũng đảm bảo tính cách quốc tế của Giáo Hội bằng cách tấn phong nhiều hồng y không phải là người Ý, tất cả là ba mươi bốn vị trong tổng số năm mươi mốt vị, tính cho đến khi người từ trần. Bây giờ, Giáo Hội ngày càng quan hệ đến thế giới hiện đại và điều đó chỉ thực sự xảy ra trong thời đấng kế vị Ðức Piô XII là Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII, đó là lúc cuộc đối thoại trọn vẹn và cởi mở với thế giới cũng như sự tái duyệt xét về sự tương giao của Giáo Hội Công Giáo với thế giới được thực hiện.
Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tiếp tục truyền thống của các giáo hoàng tiền nhiệm, muốn giáo triều chứng tỏ sức mạnh và quyền lực của mình trên cả thế giới. Các Kitô Hữu Tin Lành và các người khác thường cho rằng đức giáo hoàng, và người Công Giáo nói chung, hay đắc thắng, kiêu ngạo đề cao sự vinh hiển và quyền lực thần thánh của Giáo Hội Công Giáo mà không nhận ra sự yếu đuối và khuyết điểm của con người. Vì lý do này, Giáo Hội Công Giáo không được sự tin tưởng của những người bên ngoài giáo hội khi họ thấy các giáo hoàng và Giáo Hội Công Giáo cũng chỉ là một tổ chức con người và cũng phạm tội.
Vị giáo hoàng thay đổi toàn thể hình ảnh của Giáo Hội Công Giáo trong cái nhìn của thế giới là Ðức Gioan XXIII. Trong khi các giáo hoàng trước đây mang hình ảnh của một đấng vị vọng và ngay cả xa cách với người dân, Ðức Gioan XXIII là một người vui tính, thật tự nhiên, yêu quý đời sống cũng như dân chúng và người không ngần ngại bộc lộ điều ấy. Ðó là một ông cụ bảy mươi sáu tuổi thường mời bạn hữu đến dùng cơm, hay lang thang trên đường phố Rôma để chuyện trò với dân chúng, luôn đến thăm các bệnh viện và nhà tù, và thường kể chuyện vui làm mọi người đều thích thú. Người Công Giáo và Kitô Hữu nói chung đều hân hoan khi thấy đức giáo hoàng cũng là một con người bình thường, và người đã chinh phục được nhiều tâm hồn cũng như sự trung kiên của nhiều người.
Tuy nhiên, thật sai lầm khi nghĩ rằng Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII là một người hiểu biết tầm thường. Ðiều nổi bật trong triều đại ngắn ngủi của người là sự tin cậy vào Thiên Chúa và cái nhìn sáng suốt của người. Thay vì công khai chống đối cộng sản, hoặc bất cứ chính thể nào, Ðức Gioan XXIII tìm cách hòa giải và chuyển trao thông điệp của người đến với mọi người: Pacem in Terris (Hoà Bình Trên Thế Giới) và Mater et Magister về trật tự xã hội. người kêu gọi mọi người hãy cùng nhau làm việc để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, phù hợp với các nguyên tắc về công bằng và ích lợi chung mà đã được mọi người công nhận.
Ðức Gioan XXIII còn là người mở đường cho phong trào đại kết, tái hợp nhất mọi Kitô Hữu. Vào đầu thế kỷ mười chín, sự lưu tâm mạnh mẽ đến vấn đề đại kết được phát sinh trong công cuộc truyền giáo của Tin Lành. Họ thấy thật dại dột và hổ thẹn khi các giáo phái Kitô Giáo khác nhau lại tranh dành các lãnh thổ truyền giáo. Các tổ chức nổi tiếng như “Faith and Order” (1925) và “Life and Work” (1927) cố gắng đem người Tin Lành lại với nhau trên phương diện học thuyết và phục vụ. Vào năm 1948, các tổ chức này kết hợp thành tổ chức duy nhất “World Council of Churches”.
Giáo Hội Công Giáo vẫn đứng tách biệt không dính dáng gì đến sinh hoạt đại kết này, vì cho rằng các người Tin Lành phải giải quyết các mâu thuẫn của họ trước khi thảo luận về sự tương giao với Giáo Hội Công Giáo. Thái độ của các giáo hoàng tiền nhiệm là cho rằng Ðức Giêsu chỉ thiết lập một đức tin và một giáo hội thực, là Giáo Hội Công Giáo. Trong khi không từ chối tính cách độc đáo của Giáo Hội Công Giáo, Ðức Gioan XXIII nhận thức rằng người Công Giáo phải đến với các Kitô Hữu khác và cộng tác với họ để tìm kiếm sự hiệp nhất mà Ðức Giêsu đã mong muốn cho dân của người.
Ðức Gioan XXIII đặc biệt yêu quý Giáo Hội Chính Thống Giáo, vì người từng là đại diện đức giáo hoàng ở vùng Cận Ðông. Khi đến lúc triệu tập công đồng, Ðức Gioan XXIII đã mời các quan sát viên từ mọi truyền thống Kitô Giáo, và đón nhận các ý kiến cũng như suy tư của họ về diễn tiến của công đồng.
Đức Gioan XXIII được tuyên thánh cùng với Đức Piô IX, bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 3 tháng Chín, 2000.
Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã khiến thế giới phải bàng hoàng khi người triệu tập công đồng các giám mục Công Giáo để xúc tiến sự hợp nhất Kitô Giáo, cũng như cập nhật hoá Giáo Hội Công Giáo và giúp Giáo Hội thoả đáp các nhu cầu và lưu tâm của thế giới hiện đại. Tại sao người lại làm như vậy? Người đơn giản cho rằng đó là sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, và đức giáo hoàng xin người Công Giáo cầu nguyện cho công đồng: “Lạy Chúa, xin hãy canh tân trong thời đại chúng con như trong một biến cố Hiện Xuống mới.”
Việc triệu tập công đồng thật ngạc nhiên, nhưng đúng lúc. Thời đại kỹ thuật sắp sửa đưa thế giới vào một kỷ nguyên mới, và cảm nghiệm của hai cuộc thế chiến cũng như việc sử dụng vũ khí nguyên tử đã để lại vết thương hằn sâu khiến người ta hoang mang về định mệnh và hướng đi của nhân loại. Làm thế nào một Giáo Hội cổ kính, từng tự hào là chống trả được các chiều hướng thay đổi, có thể tồn tại trong một thế giới đang biến đổi mau chóng và triệt để? Giáo Hội Công Giáo phải hiểu mình và tự giới thiệu về mình như thế nào cho thế giới ấy? Ðây là những vấn đề mà đức giáo hoàng mong muốn các giám mục có thể tìm ra câu trả lời, trong khi tin tưởng hoàn toàn vào sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần để đi đến thành công.
Nhiều vị giám mục trên thế giới không hăng say lắm về công đồng này, vì họ nghĩ, rốt cục có lẽ công đồng cũng sẽ tái khẳng định những điều từng được xác định trước đây trong sách vở Kinh Viện hoặc học thuyết Thánh Tôma. Thật vậy, nhiều thành viên của giáo triều Rôma chỉ muốn công đồng thi hành như vậy mà thôi, họ muốn công bố thêm các lời cảnh cáo đối với thế giới hiện đại, đối với người Tin Lành, và đối với các thần học gia phóng khoáng về đức tin và lối sống lầm lạc. Khi một số tài liệu dự thảo đầu tiên của công đồng dường như đúng như vậy -- tái khẳng định thần học kinh viện và cảnh cáo thế giới -- Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã thi hành một bước táo bạo. Trong bài diễn văn trước toàn thể công đồng,
Ðó chính là điểm khởi đầu. Toàn thể các giám mục phấn khởi đưa ra các kinh nghiệm bản thân và các quan điểm có giá trị về thần học mới đang ló dạng. Họ hình thành các văn kiện vừa trung kiên với truyền thống Công Giáo vừa đáp ứng với nhu cầu của thời đại -- được khẳng định trong ngôn từ tươi mới và cập nhật hóa với nhiều tham khảo từ Phúc Âm và các Giáo Phụ. Một bức tranh đầy mầu sắc của Ðức Gioan XXIII về lý do tại sao người triệu tập công đồng bắt đầu được hình thành, như một cánh cửa mở ra để không khí tươi mát lùa vào.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn và cần phải nhiều nỗ lực với những gì công đồng tuyên bố và làm sao cho có hiệu quả; nhưng lời cầu xin của Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII về một “biến cố Hiện Xuống mới” đã được nhận lời, như được chứng tỏ rõ rệt qua một chuỗi công trình của Chúa Thánh Thần được mọi người Công Giáo cảm nhận chỉ hai năm sau khi công đồng bế mạc. Phong Trào Thánh Linh chỉ là một trong biết bao dấu hiệu về một thời đại mới mà việc canh tân Giáo Hội Công Giáo của Chúa Thánh Thần đang bắt đầu.
Vào năm 1963, thế giới phải thương tiếc khi Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII từ trần sau khóa họp đầu tiên của công đồng. Người đã trung thành với công việc lớn lao mà Thiên Chúa đã giao phó cho người trong chức vụ giáo hoàng (chỉ bốn năm và bảy tháng), và công việc của Công Ðồng Vatican II lại được tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI.