Là người gốc Tây Ban Nha, Phêrô Claver -- một người trẻ thuộc dòng Tên -- đã từ bỏ quê nhà vĩnh viễn vào năm 1610 để trở nên nhà truyền giáo ở Tân Thế Giới. Người đi thuyền đến Cartagena (bây giờ thuộc Colombia), là một hải cảng sầm uất ở bờ biển Caribbean. Người thụ phong linh mục ở đây vào năm 1615.
Vào lúc đó, việc buôn bán nô lệ đã được thịnh hành ở Mỹ Châu khoảng 100 năm, và Cartagena là trung tâm. Hàng năm, có đến mười ngàn người nô lệ từ Tây Phi Châu đổ về hải cảng này sau khi vượt biển Atlantic trong những điều kiện tệ hại và bất nhân đến nỗi có đến một phần ba đã chết trong cuộc hành trình. Mặc dù việc buôn bán nô lệ bị Ðức Giáo Hoàng Phaolô III lên án và sau này Ðức Piô IX gọi là “hành động vô cùng ghê tởm”, nhưng nó vẫn phát đạt.
Cha Alfonso de Sandoval, là một linh mục dòng Tên đã hy sinh cuộc đời để phục vụ người nô lệ ở đây trước khi Cha Phêrô Claver đến để tiếp tục công việc của người, và cha tự nhận mình là “người nô lệ muôn đời của người da đen.”
Ngay sau khi thuyền chở người nô lệ cập bến, Cha Phêrô Claver đi xuống khoang thuyền hôi hám để giúp đỡ những người đau yếu và những hành khách khốn cùng. Sau khi người nô lệ bị lùa ra khỏi tầu và bị xích với nhau như đàn vật trong một khu đất có hàng rào để người ta chọn lựa, Cha Claver lại lẩn quẩn trong bọn họ để cung cấp thuốc men, thực phẩm, rượu, chanh và thuốc lá. Với sự giúp đỡ của thông dịch viên, người nói về giáo lý căn bản và đảm bảo các anh chị em của người về nhân phẩm và tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Trong 40 năm phục vụ, Cha Claver đã giảng dạy và rửa tội cho khoảng 300,000 người nô lệ.
Sứ vụ tông đồ của người không chỉ hạn hẹp trong việc săn sóc người nô lệ, người trở nên một người có uy quyền về luân lý, quả thật, người là tông đồ của Cartagena. Người rao giảng trong trung tâm thành phố, truyền giáo cho các thủy thủ và thương gia, và nếu có thể, người cố tránh né lòng quý mến của các nông gia và chủ nhân mà chỉ muốn sống trong các khu dành riêng cho người nô lệ.
Sau bốn năm bị bệnh khiến thánh nhân ngừng hoạt động và hầu như bị lãng quên, người chết ngày 8-9-1654. Ông toà của thành phố, trước đây rất khó chịu vì sự quan tâm của người đối với người da đen thấp hèn, đã ra lệnh chôn cất người với công quỹ và với nghi thức long trọng.
Người được tuyên thánh năm 1888, và Ðức Giáo Hoàng Leo XIII tuyên xưng người là quan thầy công việc truyền giáo cho người nô lệ da đen ở khắp nơi trên thế giới.
Quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã thể hiện trong hành động đáng khâm phục của Cha Phêrô Claver. Quyết định từ bỏ quê nhà không bao giờ trở lại cho thấy một ý chí phi thường thật khó cho người thời nay tưởng tượng nổi. Quyết tâm phục vụ những người bị bạc đãi, thấp hèn nhất trong xã hội là một hành động cực kỳ anh hùng của Thánh Phêrô Claver. Khi so sánh cuộc đời chúng ta với cuộc đời của một người như vậy, chúng ta mới thấy sự ích kỷ và sự hẹp hòi của chúng ta trước những nhu cầu của người khác, và chúng ta cần mở lòng ra cho sự tác động của quyền năng vô cùng của Thần Khí Ðức Giêsu.
Thánh Phêrô Claver hiểu rằng việc phục vụ cụ thể như phân phát thuốc men, thực phẩm cho anh chị em da đen thì cũng hữu hiệu để loan truyền lời Chúa như rao giảng bằng lời nói. Như Thánh Phêrô Claver thường nói, “Chúng ta phải nói với họ bằng đôi tay trước khi nói với họ bằng miệng lưỡi của chúng ta.”