Trong Tân Ước, Thánh Batôlômêô chỉ được nhắc đến trong danh sách các tông đồ. Một số học giả cho rằng người là Natanien, người Cana xứ Galilê được Philípphê mời đến gặp Ðức Giêsu. Và Ðức Giêsu đã khen ông: “Ðây đích thực là người Israel. Lòng dạ ngay thẳng” (Gioan 1:47b). Khi Natanien hỏi Ðức Giêsu làm sao Người biết ông, Ðức Giêsu trả lời “Tôi thấy anh ở dưới cây vả” (Gioan 1:48b). Ðiều tiết lộ kinh ngạc này đã khiến Natanien phải kêu lên, “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa; chính Thầy là Vua Israel” (Gioan 1:49b). Nhưng Ðức Giêsu đã phản ứng lại, “Có phải anh tin vì tôi nói với anh là tôi thấy anh dưới cây vả? Anh sẽ được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa!” (Gioan 1:50)
Quả thật Natanien đã được nhìn thấy những điều trọng đại. Thánh nhân là một trong những người được Ðức Giêsu hiện ra trên bờ biển Tiberia sau khi Phục Sinh (x. Gioan 21:1-14). Lúc ấy các đấng chài lưới cả đêm mà không được gì cả. Vào buổi sáng, họ thấy có người đứng trên bờ dù rằng không ai biết đó là Ðức Giêsu. Người bảo họ tiếp tục thả lưới, và họ bắt được nhiều cá đến nỗi không thể kéo lưới lên nổi. Sau đó Gioan nói với Phêrô, “Chính Thầy đó.”
Khi họ đưa thuyền vào bờ, họ thấy có đám lửa, với một ít cá đang nướng và một ít bánh. Chúa Giêsu bảo họ đem cho mấy con cá tươi, và mời họ đến dùng bữa. Thánh Gioan kể rằng mặc dù họ biết đó là Chúa Giêsu, nhưng không một tông đồ nào dám hỏi người là ai. Thánh Gioan cho biết, đó là lần thứ ba Ðức Giêsu hiện ra với các tông đồ.
Sổ Tử Ðạo Rôma viết rằng Thánh Batôlômêô đã rao giảng ở Ấn và Armenia, là nơi người bị lột da và bị chém đầu bởi vua Astyages.
Batôlômêô hay Natanien? Một lần nữa chúng ta phải đương đầu với sự kiện là hầu như chúng ta không biết gì về các tông đồ. Tuy vô danh nhưng các vị vẫn là nền tảng, là 12 cột trụ của Israel mới mà 12 chi tộc ấy đã tràn lan trên khắp mặt đất. Cá tính của các đấng chỉ là thứ yếu (nhưng không vì thế mà bị coi thường) so với nhiệm vụ trao truyền lại những gì các đấng được cảm nhận đầu tiên, được lên tiếng nhân danh Ðức Giêsu, được đưa Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể vào ngôn ngữ loài người để khai sáng thế gian. Sự thánh thiện của các đấng không phải là thái độ trầm ngâm về thân phận trước mặt Thiên Chúa. Ðó là một ơn sủng mà họ phải chia sẻ với tha nhân. Ðược gọi là Tin Mừng vì tất cả chúng ta được mời gọi trở nên thánh thiện khi là phần tử của Ðức Kitô, qua ơn sủng từ bi của Thiên Chúa.
Sự thật thì loài người hoàn toàn vô dụng trừ phi được Thiên Chúa lưu tâm. Do đó, vì được trở nên thánh thiện bởi chính sự thánh thiện của Thiên Chúa, nhân loại trở thành tạo vật quý báu nhất của Thiên Chúa.
“Cũng như chính Ðức Kitô, các tông đồ không ngừng làm chứng cho chân lý của Thiên Chúa. Họ chứng tỏ sự can đảm khác thường khi 'mạnh dạn nói lời của Thiên Chúa' (TÐCV 4:31) trước dân chúng và nhà cầm quyền. Với đức tin mạnh mẽ, các đấng xác tín rằng chính phúc âm là sức mạnh của Thiên Chúa để cứu chuộc những người có lòng tin... Các đấng đã noi gương hiền lành và khiêm nhường của Ðức Kitô” (Tuyên Ngôn Về Tự Do Tôn Giáo, 11).