Khi Martin Luther tấn công những lạm dụng trong Giáo Hội, lúc ấy một phong trào canh tân đang manh nha thành hình. Trong số những người của phong trào có Thánh Antôn Zaccaria.
Thuộc dòng dõi quý tộc, cha của Antôn Zaccaria mất sớm khi người mới hai tuổi, và mẹ người, một goá phụ 18 tuổi, ở vậy nuôi con. Bà tận tụy dạy dỗ đạo lý cho con ngay từ nhỏ. Khi 22 tuổi, Antôn lấy bằng tiến sĩ y khoa và làm việc ở Cremona, giúp đỡ người nghèo và siêng năng hoạt động tông đồ. Ngoài phần xác của con bệnh, người còn lo lắng đến phần hồn của họ, người là một giáo lý viên và được thụ phong linh mục lúc 26 tuổi.
Ðược sai đến Milan trong một vài năm, Cha Antôn Zaccaria thành lập hai tu hội, một cho nam giới và một cho nữ giới. Mục đích của tu hội là canh tân xã hội đang sa sút vào thời ấy, bắt đầu từ hàng giáo sĩ và tu sĩ.
Vì rất cảm kích Thánh Phaolô, Cha Antôn Zaccaria đặt tên cho tu hội là Bácnabê -- tên bạn đồng hành của Thánh Phaolô -- và người hăng say rao giảng ở trong nhà thờ cũng như ngoài đường phố, tổ chức các nhóm truyền giáo và không xấu hổ khi công khai ăn năn sám hối. Người còn khuyến khích những hình thức sinh hoạt mới mẻ, như giáo dân cộng tác trong công việc tông đồ, siêng năng rước lễ, chầu Thánh Thể và rung chuông nhà thờ vào 3 giờ chiều thứ Sáu hàng tuần.
Sự thánh thiện của Cha Antôn đã khích lệ nhiều người thay đổi đời sống, và như tất cả các vị thánh khác, người cũng bị nhiều người chống đối. Hai lần, tu hội của người phải chịu sự điều tra của các giới chức trong Giáo Hội, và cả hai lần đều được miễn trừ.
Ðang khi trên đường công tác hòa giải, người bị bệnh nặng và được đưa về thăm người mẹ. Người từ trần ở Cremona khi mới 36 tuổi.
Sự hăng say canh tân của Thánh Antôn Zaccaria có lẽ khiến nhiều người ngày nay “thất vọng”. Vào thời điểm mà nhiều người trong Giáo Hội lẫn lộn giữa thế quyền và thần quyền, thì lời rao giảng, lối sống của Thánh Antôn không khác gì một cản trở cần diệt trừ. Nhưng lối sống ấy đích thực là linh đạo của Ðức Kitô, một Ðấng bị đau khổ, bị đóng đinh. Chúng ta cũng không thể “cao trọng hơn Thầy”, và con đường thập giá luôn luôn là con đường dẫn đến vinh quang.