Thánh Bênêđích (Biển Ðức)(480?-543)

Ngày 11/07

Thật đáng tiếc là không ai viết nhiều về một vị đã thể hiện biết bao kỳ công ảnh hưởng đến nếp sống đan viện Tây Phương. Thánh Bênêđích được đề cập đến nhiều trong các Ðối Thoại của Thánh Grêgôriô Cả sau khi người chết khoảng năm mươi năm, nhưng đó chỉ là các sơ thảo của biết bao điều lạ lùng trong cuộc đời thánh nhân.

Người sinh trong một gia đình lỗi lạc ở Nursia, thuộc miền trung nước Ý, theo học tại Rôma và ngay từ khi còn trẻ, người đã thích đời sống đan viện. Lúc đầu, người là một vị ẩn tu sống trong một cái hang ở Subiaco, xa lánh thế giới nhiều chán nản mà lúc bấy giờ giặc ngoại giáo đang lan tràn, Giáo Hội bị phân chia bởi ly giáo, dân chúng đau khổ vì chiến tranh, đạo lý ở mức độ thấp nhất.

Sau đó không lâu, người thấy không thể sống cuộc đời ẩn dật ở gần thành phố, dù lớn hay nhỏ, do đó người đi lên núi cao, sống trong một cái hang và ở đó ba năm. Trong một thời gian, một số đan sĩ chọn người làm vị lãnh đạo, nhưng họ cảm thấy không thể theo được sự nghiêm nhặt của người. Tuy nhiên, đó cũng là lúc người chuyển từ đời sống ẩn tu sang đời sống cộng đoàn. Người có sáng kiến quy tụ các nhánh đan sĩ khác nhau thành một “Ðại Ðan Viện”, đem lại cho họ lợi ích của sự hợp quần, tình huynh đệ, và luôn luôn thờ phượng dưới một mái nhà. Sau cùng, người khởi công xây dựng một đan viện nổi tiếng nhất thế giới ở núi Cassino, cũng là nơi phát sinh dòng Bênêđích.

Cũng từ đó, một quy luật từ từ được hình thành nói lên đời sống cầu nguyện phụng vụ, học hỏi, lao động chân tay và sống với nhau trong một cộng đoàn dưới một cha chung là đan viện trưởng. Sự khổ hạnh của Thánh Bênêđích được coi là chừng mực, và đời sống bác ái của người được thể hiện qua sự lưu tâm đến những người chung quanh. Trong thời Trung Cổ, tất cả các đan viện ở Tây Phương dần dà đều sống theo Quy Luật Thánh Bênêđích.

Lời Bàn

Giáo Hội được nhiều ơn ích qua sự tận tụy của dòng Thánh Bênêđích về phụng vụ, không những chỉ các nghi thức phong phú được cử hành hiện nay nhưng còn các nghiên cứu học thuật của các phần tử trong dòng. Ðôi khi phụng vụ bị lầm lẫn với nhạc đời, với trống đàn đầy nhịp điệu kích động. Chúng ta phải biết ơn những người đã duy trì và thích ứng truyền thống đích thực về thờ phượng trong Giáo Hội.

Lời Trích

Nói cho đúng, phụng vụ phải được coi là một sùng bái chức tư tế của Ðức Giêsu Kitô. Trong phụng vụ, con người được thánh hóa qua các dấu hiệu có thể cảm nhận được bằng giác quan...; trong phụng vụ, sự thờ phượng đầy đủ được thi hành bởi Nhiệm Thể của Ðức Giêsu Kitô, đó là, bởi Ðầu và các chi thể của người.

”Từ đó xuất phát mọi nghi thức phụng vụ, vì đó là một hành động của Linh Mục Kitô và Thân Thể của người là Giáo Hội, là một hành động thiêng liêng, vượt quá mọi thứ khác(Hiến Chế Tín Lý về Phụng Vụ, 7)