Thánh Ivo ở Kermartin (1253 - 1303)

Ngày 10/05

Chúng ta ít khi thấy vị thánh nào là quan tòa, nhưng Thánh Ivo, biệt danh là “trạng sư của người nghèo” có cả hai đặc tính này.

Thánh Ivo sinh ở Kermartin gần Tréguier, Brittany, là con của một huân tước người Anh. Khi 14 tuổi, người được sang Balê trong 10 năm để hoàn tất các môn triết học, thần học và giáo luật. Sau đó người sang Orléans để học luật dân sự. Trong lúc theo học, người đã ăn chay và dự lễ hàng ngày cũng như thăm viếng kẻ bệnh tật. Sau khi trở về Brittany, người được bổ nhiệm làm chánh án tòa giáo hội đồng thời người cũng là một thành viên của dòng Ba Phanxicô.

Việc tình nguyện biện hộ không công cho người nghèo giúp người có biệt danh “Trạng Sư của Người Nghèo.” Thêm vào đó, người thường giúp đỡ họ về tiền án phí cũng như thăm viếng họ trong tù. Mặc dù việc hối lộ là một thói quen được chấp nhận thời bấy giờ, nhưng người không bao giờ chấp nhận “quà cáp”. Người còn cố hòa giải giữa đôi bên trước khi đưa ra tòa để đỡ tốn kém cho họ tiền án phí.

Tuy là một người có đầy đủ phương tiện tài chánh, nhưng đời sống cá nhân của người thật khắc khổ: ăn chay, mặc áo nhặm, và thức ăn rất tầm thường.

Năm 1284, người được thụ phong linh mục trong Giáo Phận Tréquier. Năm 1287, người từ bỏ công việc luật sư để dành trọn thời giờ cho giáo dân trong các giáo xứ người phục vụ. Các bài giảng của người thật rõ ràng và đơn giản. Người thường được mời để xử kiện, và giáo dân thường nói về người như “một trạng sư thành thật.

Người xây nhà thương, chăm sóc người bệnh, và chia sẻ tài sản cho người nghèo. Có lần người để cho người ăn xin ngủ ở trên giường, trong khi người ngủ dưới đất. Sự khắc khổ của người ngày càng nghiêm nhặt theo thời gian.

Cha Ivo được tuyên thánh năm 1347.

Lời Bàn

Chúng ta phải chuẩn bị để lãnh nhận các nhiệm vụ và chức năng mới trong mọi lãnh vực của sinh hoạt loài người, và nhất là trong lãnh vực xã hội quốc tế, nếu muốn thể hiện sự công bằng đích thực... Chúng ta không thể quên được con số ngày càng gia tăng của những người thường bị gia đình và xã hội bỏ rơi: người già, trẻ cô nhi, người đau yếu và tất cả những người bị xã hội bạc đãi” (Thượng Hội Ðồng Giám Mục 1971, Công Bằng Trong Thế Giới, #1).

Lời Trích

Thiên vị người giầu có hoặc người hoạt bát là điều dễ. G.K. Chesterton viết: “Các quy tắc của một đoàn hội thỉnh thoảng mới chú ý đến phần tử nghèo nhưng luôn luôn có xu hướng thiên vị người giầu” (Orthodoxy, t. 41). Cố đối xử công bằng với mọi người thì không phải dễ và đó là công việc không bao giờ cùng. Sự công bằng liên hệ đến tất cả chúng ta -- chứ không chỉ là công việc của luật sư hay quan toà.