Chân Phước Gioan ở Parma (1209 - 1289)

Ngày 21/03

Là bề trên cả thứ bảy của Dòng Phanxicô, Chân Phước Gioan nổi tiếng về những cố gắng nhằm khôi phục linh đạo nguyên thủy của Dòng sau khi Thánh Phanxicô Assisi từ trần.

Gioan Buralli sinh ở Parma, nước Ý năm 1209. Khi là giáo sư triết mới hai mươi lăm tuổi, và nổi tiếng đạo đức thì Thiên Chúa đã gọi người từ giã thế tục để đi vào thế giới mới của Dòng Phanxicô. Người được gửi sang Balê để học thần học. Sau khi thụ phong linh mục, người được bổ nhiệm dạy thần học tại Bologna, Naples và Rôma.

Năm 1245, Ðức Giáo Hoàng Innocent IV triệu tập công đồng ở Lyons, nước Pháp. Vị bề trên Dòng Phanxicô lúc bấy giờ là Cha Crescentius đang đau nặng nên không thể tham dự. Người gửi Cha Gioan đi thế, và cha đã tạo được một ấn tượng tốt đẹp nơi các vị lãnh đạo Giáo Hội trong công đồng. Hai năm sau, chính vị giáo hoàng ấy đã chủ tọa buổi bầu cử vị bề trên của Dòng Phanxicô, người đã nhớ đến Cha Gioan và đã đề cử cha như người xứng đáng nhất nắm giữ chức vụ quan trọng này.

Do đó, năm 1247, Cha Gioan ở Parma được bầu làm bề trên tổng quyền. Các môn đệ chân chính của Thánh Phanxicô vui mừng với sự chọn lựa này, và họ trông đợi sự hồi phục tinh thần khó nghèo và khiêm tốn như những ngày tiên khởi của Dòng. Và họ đã không thất vọng. Theo tài liệu ghi lại, người cương quyết và cường tráng, do đó người luôn nhân từ và vui vẻ dù có mệt mỏi cách mấy. Người là Bề Trên đầu tiên đi thăm tất cả các chi nhánh của Dòng, và đi chân đất. Người khiêm tốn đến độ mỗi khi đến thăm tu viện nào, người đều phụ giúp các thầy rửa rau và chuẩn bị cơm nước. Người yêu quý sự thinh lặng để có thể nghĩ đến Thiên Chúa và không bao giờ nói chuyện tầm phào.

Ðức giáo hoàng đã nhờ Cha Gioan làm đại diện đến Constantinople, là nơi người hầu như hoàn toàn thành công trong việc đưa người Hy Lạp ly khai trở về với Giáo Hội. Sau đó người tiếp tục công việc khôi phục linh đạo nguyên thủy của Dòng. Nhiều biện pháp đã được thi hành để giúp các tu sĩ tuân giữ kỷ luật, nhưng dù có nỗ lực đến đâu, người luôn luôn bị chống đối một cách cay đắng. Sau cùng, vì tin rằng mình không có khả năng để thực hiện sự cải tổ cần thiết, người đã từ chức và đề cử Cha Bonaventura (sau này là thánh) lên kế vị. Phần Cha Gioan, người lui về đời sống ẩn dật ở Greccio.

Nhiều năm sau đó, Cha Gioan nghe biết những người Hy Lạp, đã từng hòa giải với Giáo Hội lúc trước, bây giờ lại đi theo ly giáo. Mặc dù đã 80 tuổi, Cha Gioan được phép của Ðức Giáo Hoàng Nicôla IV trở lại Ðông Phương trong nỗ lực khôi phục sự hiệp nhất một lần nữa. Trên đường đi, người đã ngã bệnh và từ trần ngày 19 tháng Ba 1289. Nhiều phép lạ được ghi nhận do sự cầu bầu của người.

Cha Gioan được phong chân phước năm 1781.