Thánh Nicholas (k. 350?)

Ngày 6/12

Việc thiếu những dữ kiện “xác thực” của lịch sử không ảnh hưởng đến sự nổi tiếng của các thánh, như trường hợp của Thánh Nicholas cho thấy. Cả hai giáo hội Ðông Phương và Tây Phương đều vinh danh người, có thể nói, sau Ðức Mẹ, người là vị thánh thường được các nghệ nhân Kitô Giáo mô tả. Tuy nhiên, về phương diện lịch sử, chúng ta chỉ biết một dữ kiện, Thánh Nicholas là giám mục ở Myra vào thế kỷ thứ tư -- Myra là một thành phố nằm trong Lycia, một tỉnh của Tiểu Á.

Tuy nhiên, như nhiều vị thánh khác, chúng ta có thể biết được mối quan hệ giữa thánh nhân và Thiên Chúa qua sự ngưỡng mộ mà các Kitô Hữu dành cho người -- sự ngưỡng mộ được diễn tả qua các câu truyện đầy màu sắc và thường được kể đi kể lại trong nhiều thế kỷ.

Có lẽ câu chuyện nổi tiếng nhất về Thánh Nicholas là lòng bác ái của người đối với một gia đình nghèo khổ mà ông bố không có của cải để cho ba cô con gái làm của hồi môn. Vì không muốn trông thấy họ phải lâm vào cảnh đĩ điếm, Thánh Nicholas đã bí mật ném ba gói vàng qua cửa sổ nhà ông này vào ba trường hợp khác nhau, để giúp các cô gái ấy đi lấy chồng. Qua các thế kỷ, huyền thoại này trở thành thói quen tặng quà nhân ngày lễ kính thánh nhân. Trong thế giới nói tiếng Anh, Thánh Nicholas trở thành Santa Claus và người Việt thường gọi là ông già Noel. Ông già Noel ngày nay đã bị xã hội tục hóa quá nhiều khiến lu mờ đi ý nghĩa chính của câu truyện, đó là tấm gương quảng đại của vị giám mục thánh thiện này.

Lời Bàn

Cái nhìn có tính cách phê phán của lịch sử hiện đại giúp chúng ta nhận ra ý nghĩa sâu xa hơn của các huyền thoại về Thánh Nicholas. Có lẽ, bài học thiết thực nhất của thánh nhân là lòng bác ái. Hãy nhìn đến thái độ của chúng ta đối với vật chất trong mùa Giáng Sinh, và hãy tìm ra các phương cách để chia sẻ của cải ấy cho những người có nhu cầu.

Lời Trích

Ðể có thể nhận ra các nhu cầu phúc lợi thích hợp cho tín hữu tùy theo hoàn cảnh của mỗi người, vị giám mục phải cố gắng quen thuộc với nhu cầu của họ trong các hoàn cảnh xã hội mà họ sinh sống... Người phải bày tỏ sự lưu tâm đến tất cả mọi người, bất kể tuổi tác, tình trạng, hay quốc tịch, dù họ là người bản xứ, người xa lạ, hay người nước ngoài” (Sắc Lệnh về Văn Phòng Mục Vụ của các Giám Mục, 16).