Vào lúc Giáo Hội dính líu vào những cuộc xung đột giữa các quốc gia ở Âu Châu, thì đó cũng là lúc Giáo Hội đến với Á Châu để loan truyền Tin Mừng của Ðức Kitô cho người Mông Cổ. Thánh Gioan ở Monte Corvino đến Trung Cộng vào khoảng thời gian khi Marco Polo chuẩn bị rời khỏi đây.
Trước khi là một tu sĩ, Gioan đã từng là một quân nhân, một quan tòa và một bác sĩ. Vào năm 1278, trước khi đến Tabriz, Persio (ngày nay là Iran), người đã nổi tiếng về rao giảng và giáo dục. Năm 1291, người là đại diện cho Ðức Giáo Hoàng Nicholas IV để đến Mông Cổ bệ kiến vua Kublai Khan. Trong chuyến đi ấy, cùng đi với người còn có một thương gia người Ý và một linh mục Ðaminh. Khi phái đoàn đến được phía tây Ấn Ðộ thì vị linh mục Ða Minh từ trần. Còn lại Cha Gioan và người thương gia Ý, họ đến Trung Cộng vào năm 1291 thì vừa lúc ấy Kublai Khan từ trần.
Các Kitô Hữu theo phái Nestoria, là con cháu của những người bất đồng quan điểm với Công Ðồng Ephêsô, đã từng cư ngụ ở Trung Cộng từ thế kỷ thứ bảy. Cha Gioan đã giúp họ trở lại với Giáo Hội, cũng như giúp một số người Trung Hoa ở đây đón nhận đức tin Kitô Giáo, kể cả Thái Tử George của tỉnh Tenduk, nằm về phía tây bắc của Bắc Kinh. Sau này, Thái Tử George đặt tên cho con trai của ông theo tên vị linh mục thánh thiện này.
Cha Gioan thành lập trụ sở truyền giáo ở Khanbalik (bây giờ là Bắc Kinh), là nơi người xây cất hai nhà thờ; đó là những nhà thờ truyền giáo đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Cộng. Vào năm 1304, người chuyển dịch Thánh Vịnh và Kinh Thánh Tân Ước sang tiếng Tatar.
Ðể đáp ứng với thỉnh cầu của Cha Gioan, vào năm 1307, Ðức Giáo Hoàng Clement V đã đặt người làm Tổng Giám Mục của Khanbalik, và bài sai bảy giám mục Âu Châu đến trông coi các giáo phận lân cận. Một trong bảy vị này chưa bao giờ rời khỏi Âu Châu. Ba vị khác từ trần trên đường đến Trung Cộng; ba vị giám mục còn lại và các tu sĩ khác đến Trung Cộng vào năm 1308.
Khi Cha Gioan từ trần năm 1328, người được các tín hữu Kitô cũng như người không có đạo vô cùng thương tiếc. Sau đó không lâu, ngôi mộ của người trở thành nơi hành hương. Vào năm 1368, Kitô Giáo bị cấm ở Trung Cộng khi người Mông Cổ bị trục xuất và triều đại nhà Minh bắt đầu.
Khi Thánh Gioan đến Trung Cộng, người tượng trưng cho niềm khao khát của Giáo Hội muốn loan truyền Tin Mừng đến một nền văn hóa mới và sẽ được phong phú bởi nền văn hóa ấy. Các chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho thấy tính cách hoàn vũ của Tin Mừng, và nhu cầu cần phải tiếp tục các công cuộc đầy thử thách để Tin Mừng bén rễ vào các nền văn hóa khác biệt.
Năm 1975, Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI viết, “Qua sức mạnh thần thánh của Tin Mừng mà Giáo Hội rao giảng, hoạt động truyền giáo là để tìm cách thay đổi lương tâm con người về phương diện cá nhân cũng như tập thể, thay đổi các sinh hoạt họ tham dự, và đời sống cũng như môi trường cụ thể của họ” (Truyền Giáo trong Thế Giới Ngày Nay, #18)